Announcement

Collapse
No announcement yet.

Truyện Thật Ngắn Giữa Tuần

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #61
    Ngày xưa

    (Huỳnh Văn Dân)

    Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.

    Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."

    Đợi

    (Unknown)

    “Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…

    Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.

    Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.

    Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.

    Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…

    Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…

    Xa xứ

    (Unknown)

    Em tôi học đến kiệt sức để có một xuất du học.

    Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"

    Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"

    Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"


    Comment


    • #62
      Con trai

      (Linh Diệu)

      Bà Nội sanh mỗi mình bố.

      Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.

      Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài : Phải chi...

      Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt , xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hẳn. Suốt tuần.

      Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào.

      Mẹ bảo : Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!

      Nuôi mẹ

      (Nguyễn Thị Thao)

      Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi. Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.

      Mẹ như vàng.

      Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...

      Mẹ thành bạc.

      Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : "Xem thế nào đưa mẹ về quê..."

      Mẹ thành rác vứt bờ tre.

      Xót xa

      (Unknown)

      Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:

      - Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?

      Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:

      - Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!

      Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.

      Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:

      - Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!


      Comment


      • #63
        Vết Thương

        (Unknown)

        Một cậu bé nọ có tính hay nổi nóng. Một hôm cha của cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu:

        - Mỗi khi con muốn nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cây đinh lên chiếc hàng rào gỗ.

        Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng hơn một chục cây đinh lên hàng rào gỗ. Và cứ thế số đinh tăng dần. Nhưng vài tuần sau cậu bé đã tập kềm chế dằn cơn nóng giận của mình và số lượng đinh phải đóng mỗi ngày ít đi. Cậu nhận thấy rằng kềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng đinh lên hàng rào.

        Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo :

        - Tốt lắm, nếu bây giờ con tự dằn lấy được và không nổi nóng một lần thì con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào.

        Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng trên hàng rào đã không còn cây đinh nào cả.

        Người cha nói nhỏ nhẹ với cậu :

        -Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh con để lại trên hàng rào.

        Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lổ đinh này, chúng để lại những vết thương khó rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương dù lành nhưng vết sẹo cũng còn để lại mãi.

        Con hãy luôn nhớ: Vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả thể xác. Bạn bè ta, những người chung quanh ta là những viên đá quí. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở mổi khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lời cha...

        Mất xe

        (Unknown)

        Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.

        Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.

        Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.

        Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.

        Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.


        Comment


        • #64


          Sầu Riêng

          (Unknown)

          - Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.

          - Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.

          Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.

          Mẹ nó nói với mọi người:

          - Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.

          Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:

          - Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con

          Mẹ và Con

          (Unknown)

          Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía! Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Khi hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.

          Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó! Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn! Con khóc.

          Đợi

          (Unknown)

          “Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…

          Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.

          Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.

          Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.

          Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn. Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…


          Comment


          • #65
            Đôi giày

            (Unknown)

            Vào một ngày nọ, khi Gandhi bước lên tàu thì đột nhiên một trong hai chiếc giày ở chân anh bị rơi xuống đường tàu. Anh không thể lấy lại được nó nữa vì tàu đã bắt đầu chuyển bánh.

            Bỗng nhiên Gandhi từ từ lấy nốt chiếc giày còn lại ra và ném nó lại gần chiếc giày kia trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng hành.

            Khi được hỏi tại sao lại làm như thế, Gandhi mỉm cười và nói: "Sẽ có một người nghèo khổ nào đó tìm thấy chiếc giày nằm trên đường ray và anh ta sẽ có cả một đôi giày để đi."

            Tô Mì

            (Unknown)

            Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được.

            Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó : "Con ăn đi, ba no rồi !"

            Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì ....15 năm trôi qua . Em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần hoài . Tôi hỏi :

            - Nhỏ định mua sắm gì đây ?

            - Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba !

            Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe .....

            Bóng Nắng, Bóng Râm

            (Unknown)

            Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

            - Nhà ngoại ở cuối con đê.

            Trên đê chỉ có mẹ, có con

            Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

            - Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

            Con cố.

            Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

            - Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

            Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?

            Trời vẫn nắng, vẫn râm...

            ...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: Đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.


            Comment


            • #66
              Ba

              (Unknown)

              Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…

              Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.

              Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

              Ăn cơm

              (Nguyễn Thanh Bình)

              Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.

              Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.

              Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :

              - Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!

              Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :

              - Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!

              Tiền cứu trợ

              (Unknown)

              Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "

              Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.

              Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.

              Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "

              Comment


              • #67
                GIA ĐÌNH

                (Unknown)

                Mấy năm trước, cháu được một tuổi rưỡi, nói bập bẹ, mới biết đi. Bà vỗ tay mừng cháu. Mẹ cười hạnh phúc.

                Hai năm sau, cháu đã vào lớp một. Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt gường, không nói được. Nụ cười hiếm thấy trên khuôn mặt mẹ.

                Sau nhiều tháng điều trị, bà bỗng nói được, rồi bà chống gậy tập đi. Bà đi được, cháu vỗ tay mừng bà. Mắt đẫm lệ, mẹ cười.

                Mùi Của Má

                (Ngô Văn Vĩnh)

                Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.

                Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giụi chiếc áo: "Em hửi miếng.." "Cho tao hửi với...! Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.

                Khoảng Cách

                (Unknown)

                Góa phụ, 18 năm nay, bà làm công nhân vệ sinh thành phố nuôi 2 thằng con vào đại học.

                Bà bắt đầu công việc mỗi ngày khi người ta chưa tỉnh giấc và trở về nhà khi tất cả đã chìm trong im lặng. Công việc nặng nhọc, nhiều khổ tủi nhưng cũng lắm lúc bà mỉm cười mãn nguyện khi thấy thành phố lại sạch đẹp.

                Bà nhanh tay quét nốt phần rác nơi góc công viên cho kịp chuyển ca đêm. Đôi tình nhân rảo bước ném toẹt ly cà phê méo mó, nước tóe lên cả người bà. Bà nhỏ nhẹ nhắc nhở rằng thùng rác ở ngay kia.

                Cô gái lả lướt buông lời từ cặp môi hồng hào chín mọng rồi rủng rỉnh đánh cặp mông bước đi:

                - Tôi không vứt ra đó thì bà lấy đâu ra việc mà làm?

                Nhát Gái !

                (Unknown)

                Di động rung, có một tin nhắn: “Anh quyết định đi tỏ tình!”

                Hắn cùng cô vẫn là bạn tốt, nhưng cô yêu hắn, “Ồ…Vậy anh cố lên.”

                “Anh đứng ngoài cửa nhà cô ấy đã lâu, không dám gõ cửa.” “Đánh bạo gõ cửa đi! Nói anh yêu em!”

                “Em nói cô ấy có đồng ý không?” “Em không biết.” Cô buông di động, nước mắt rơi xuống không ngừng.

                Di động lại rung, là điện thoại. Cô nghe …

                “Em mở cửa đi, anh vẫn không dám gõ cửa.”


                Comment


                • #68
                  Tô Mì

                  Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..

                  Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

                  Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "An đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

                  Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. " "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."

                  Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

                  Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.


                  Comment


                  • #69
                    Rau Muống.

                    Ở Mỹ, viết thư về nó cứ bảo: "Mình thèm rau muống luộc chấm mắm nêm quá, ước gì!". Vừa rồi nó về, mình ra chợ mua một mớ rau muống ngon về luộc đãi nó. Nhìn đĩa rau muống nó bĩu môi: "Cậu ăn uống kham khổ thế à?".

                    Lời Nói Dối.

                    Ngày đó nhà nghèo cha mất, mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà mẹ hỏi con né tránh: "Dạ, vui! Cô bác mừng con...!!!".

                    Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...

                    Về nhà nhìn ảnh mẹ con thấy lòng rưng rưng...

                    Mùa Thi

                    Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:

                    - Con làm bài tốt không?

                    Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:

                    - Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.

                    Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:

                    - Ba con có đến không?

                    Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:

                    - Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.

                    Comment


                    • #70
                      Ba Tôi

                      (Mẫn Hà Anh)

                      Ngày Má tôi còn sống. Ba tôi, ông cứ cằn nhằn: Bà hút thuốc nhiều quá ảnh hưởng tới sức khỏe.

                      Má tôi tức, ngồi riêng một góc đốt thuốc, im lặng.

                      Nay Má tôi mất, ra thăm mộ, tôi quên thuốc lá. Ba tôi gắt, bắt phóng xe mua bằng được. Nhìn làn khói thuốc lặng lẽ, nhẹ bay lên từ điếu thuốc cắm trên bát hương, ông khấn: Tội cho Bà. Lúc sống, tôi ngăn cản ì xèo. Bây giờ Bà mất rồi, tôi "thắp" cúng Bà cả bao. Tôi thương... mong Bà nhận cho.

                      Áo Mới Của Mẹ

                      (Unknown)

                      Hôm nay đám giỗ ông cố. Từ sáng sớm, mẹ đã sửa soạn về nội. Ra tới ngõ, con chợt để ý thấy mẹ mặc chiếc áo đã cũ.

                      Con hỏi mẹ:

                      - Mẹ ơi! Cái áo trắng mới, dì Ba mới may cho mẹ đâu?

                      Mẹ lúng túng:

                      - Ờ mẹ để đâu mẹ quên, vội quá, mẹ mặc đỡ này vậy.

                      Con ngước nhìn mẹ. Chợt hiểu. Hèn chi hôm nọ học thêu, nhỏ Hương nó hỏi "Sao vải của con có những lỗ nhỏ như đường may tháo ra?".

                      Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.

                      Bà Điên

                      (Unknown)

                      - Này bà điên! Tha hồ nhặt về bán lấy tiền...

                      Bà lão cặm cụi nhặt rồi cho vào chiếc bao tải rách. Bàn tay già nua bị mảnh chai làm xước, máu đỏ lòm. Bà mang về cho vào cái thùng to rồi đậy kín.

                      Hàng xóm chậc lưỡi: "Tội cho bà lão, lẩn thẩn phát điên từ ngày thằng cháu giẫm phải mảnh chai, bị uốn ván rồi chết đấy!

                      Có Tật Giật Mình

                      (Nguyên Vũ)

                      Xí nghiệp giảm biên chế, anh lâm cảnh hưu non. Nghe lời vợ anh đồng ý mở quán. Có điều, mỗi khi trẻ con trong xóm đến mua hàng mà hỏi Thắm - tên cô gái rượu - thì anh... lại giật mình.

                      ... Vì chuyện tình hai vợ chồng anh gặp lắm ba đào. Gia đình chị cấm đoán không cho gặp vì anh lớn hơn chị vợ một con giáp. Thuở ấy anh hay mẹo nhờ trẻ con đến mua hàng nhà chị để bí mật trao thư...Cuối cùng vẫn lấy được nhau.

                      Giờ anh ngẫm nghĩ lại chuyện xưa, anh cười một mình tâm đắc câu: " Có tật giật mình " mà cổ nhân đã dạy!


                      Comment


                      • #71
                        Phóng Sinh

                        (Unknown)

                        Rằm tháng bảy chủ nhà mời thầy chùa về tụng kinh, mua cá phóng sinh thả xuống hồ nước trước nhà.

                        Bữa ăn tối toàn món cá: chiên giòn, canh chua, kho tộ... liền khen ngon. Thằng con hồn nhiên khoe: Cá bắt trong hồ nước nhà mình đấy.

                        Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: Hay! Tay này buông tay kia vớt, nhà mình vẫn được tiếng từ bi!

                        Đạo Đức

                        (unknown)

                        Thỏ chạy khắp khu rừng, gặp con thú nào nó cũng nói: "Đừng hút chích ma túy, đừng chơi bời mà bị HIV rất nguy hiểm... "

                        Gặp sư tử chưa kịp nói gì thỏ đã bị một cái tát choáng váng. Sử tử quát: "Con điên này ngày nào cũng phê thuốc chạy lung tung nói lảm nhảm, bực mình quá!

                        Kết luận (tùy chọn):

                        1. Đừng nghe mấy người hay rao giảng về đạo đức.

                        2. Đừng giảng đạo đức cho kẻ mạnh.

                        3. Trong rừng thỏ ngày càng nhiều. Sư tử phải bỏ đi.

                        Trời Mát Rồi Lại Nóng.

                        (Unknown)

                        Nắng trưa hè rát bỏng kèm theo đợt gió nóng. Thằng con từ ngoài ngõ vào mồ hôi nhễ nhãi, áo quần lấm đầu bùn, tay giơ cao xâu cá vài con đòng đong cân cấn. Giận quá, phết cho thằng con mấy roi. Đêm nằm, xoa mấy vệt lằn ở mông con, lòng xót xa, nghĩ lại ngày xưa: mẹ mất sớm, bố ở vậy nuôi con, sau mỗi lần bị đòn vì nghịch ngợm, đều thấy bố quay đầu đi, tay dụi mắt, ước gì trở lại ngày xưa bé để được ăn đòn của bố. "Bố ơi !”

                        Comment


                        • #72
                          Nó



                          (Unknown)

                          Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa.

 Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không ??". Nó im lặng nhìn xa xă...

Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn nhiều. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội - nó chẳng còn ai ..... !!"

                          Hết Ý Kiến

                          (Unknown)

                          Nhìn tấm hình Anh đứng bên cạnh cô vợ mới cưới thật đẹp...

                          Tôi hỏi : Anh mang cô qua rồi Anh có sợ mất không?

                          Anh trả lời : Tôi tính hết rồi. Tôi sẽ mang nàng về một nơi thật hẻo lánh cho nàng ít cơ hội gặp gỡ sau đó sẽ có con với nàng.

                          Có bao giờ - Tôi ra đời cũng vì một tính toán như thế?

                          Chị Em



                          (Unknown)

                          Mấy chị em nó thường cãi nhau chí choé. Chị sợ em suy nghĩ non nớt, hay xía vào chuyện của em. Em sợ chị suy nghĩ chưa chính chắn, hay làm tài lanh. Bực quá, ước gì làm con một.
 Ra trường nhận việc đi xa, chị em nó mỗi người một nơi. Lạ thật, chị em nó lại thèm được cãi nhau chí choé.


                          Comment


                          • #73
                            Originally posted by 'CuongTran'

                            Hết Ý Kiến

                            (Unknown)

                            Nhìn tấm hình Anh đứng bên cạnh cô vợ mới cưới thật đẹp...

                            Tôi hỏi : Anh mang cô qua rồi Anh có sợ mất không?

                            Anh trả lời : Tôi tính hết rồi. Tôi sẽ mang nàng về một nơi thật hẻo lánh cho nàng ít cơ hội gặp gỡ sau đó sẽ có con với nàng.

                            Có bao giờ - Tôi ra đời cũng vì một tính toán như thế?
                            Nếu lỡ mang về nơi hẻo lánh mà không có con thì sao cà ...chẳng lẽ ở hoài nơi hẻo lánh ...thiệt là buồn năm phút.... anh chàng vai "Tôi" trong câu chuyện trên coi bộ thiếu các giả định sau cùng :dzotle:
                            Have a nice day!!

                            Comment


                            • #74
                              Như vậy, theo anh thì phải làm gì?

                              Comment


                              • #75
                                Cái này coi bộ khó trả lời à nhen. Mình là độc giả khi đọc tới chỗ đó thì có théc méc muốn biết nếu và nếu thì ..chuyện gì sẽ xảy ra...bây giờ lại bị hỏi ngược lại thì biết trả lời sao đây...

                                Nhưng đã bị hỏi thì tới luôn bác tài Theo tui thì đã sợ mất vợ thì dù có con hay không có con thì cũng cũng phải ở suốt đời ở đó thôi vì dù có con mà vợ cũng bị người lạ rù rì thì chắc có ngày cũng mất chứ chẳng chơi. Có một điều khá phiền là có khi không có ai rù rì gì cả mà có khi vì ở nơi hẻo lánh chán quá mà có ngày nàng bỏ chàng này ra đi chăng :shocked2::dzotle:
                                Have a nice day!!

                                Comment

                                Working...
                                X