Announcement

Collapse
No announcement yet.

Truyện Thật Ngắn Giữa Tuần

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #76
    Ba

    (Unknown)

    Cứ mỗi chiều, nó lại đem domino rủ ba chơi. Nó "thả" ba ăn. Nó đòi gỡ nhưng vẫn "thả" cho ba ăn. Sáu giờ, nó : Con dọn cơm ba ăn nghe? Ba : Ừ. Nó mừng rơn. Chiều nay, nó và ba lại chơi domino. Nó "thả" nhưng ba ngừng chơi, nhìn đồng hồ. Năm giờ , Ba đi đây tí. Nó níu kéo nhưng ba thả cờ. Bảy giờ, ba về say xỉn, mẹ ôm nó khóc. Những quân cờ nằm lăn lóc, buồn như mẹ và nó, không đủ sức giữ chân ba và cơn thèm rượu.

    Phải Chi

    (Unknown)

    Chiều hôm trước, thằng bé hai tuổi nước da trắng hồng lẫm đẫm theo cha như hình với bóng. Cái miệng xinh xắn luôn bi bô nói "ba..........đi chơi".

    Sáng hôm sau, thằng bé nằm bất động trong cái nôi sắt ở nhà thương. Đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt nhợt nhạt tái mét.

    Quyết định rút ống thở. Cha mẹ bé ôm chặt vào lòng, thân thể của bé lạnh dần . Nước mắt họ đã đông cứng và tim họ đã ngừng đập tự khi nào. Phải chi ông trời đừng nóng bức, phải chi nhà hàng xóm đừng quên cài cửa hồ bơi, phải chi cha theo bé như hình với bóng....

    Không Có Tội

    (Unknown)

    Trong lúc xưng tội, cô gái nghiêng sát vào tấm lưới và nói:

    - Xin cha hãy tha cho con tội tự đắc, vì hằng ngày, con đều soi gương và tự nhủ rằng mình thật xinh đẹp.

    Cha ngồi toà nghiêng mình về phía tấm lưới để quan sát kỹ cô gái, rồi nói:

    - Cha cho con biết một tin vui: Đây không phải là hành vi phạm tội, mà chỉ là một sự nhầm lẫn.


    Comment


    • #77
      Ừ! Để Mẹ Lo

      (unknown)

      Trong 1 gia đình đông con:

      - "Mẹ ơi! Con muốn mua xe máy, mẹ mua cho con nhé!"

      "Con muốn học anh văn!"

      "Con muốn 1 cái váy mới!"

      "Con cần 1 cái laptop mẹ à!"

      - "Ừ, để mẹ lo"

      20 năm sau:

      - "Mẹ ơi! Con muốn làm chính trị gia, mẹ ủng hộ con nhé!"

      "Con muốn học thạc sĩ, mẹ lo cho con nhé!"...

      "Con muốn làm ca sĩ!"

      "Con muốn mở công ty điện tử"

      - "Ừ, để mẹ lo"

      30 năm sau:

      - "Mấy đứa có khỏe không?"

      - "Con chuẩn bị đi họp rồi, mẹ sang nhà chú Ba đi!"

      "Con sắp đi làm đồ án, mẹ sang nhà em Tư nhé"

      "Con đi lưu diễn, mẹ sang nhà chú Út nhé!"

      "Con khó khăn lắm mẹ à!! Híc .."

      - "Ừ, để mẹ tự lo cho mình .." ....

      Hạnh phúc

      (Thái Minh Châu)

      Sau giờ đài báo kết quả xổ số, chồng mượn rượu chửi thiên hạ, vợ quát mắng con xả stress. Rồi nóng mắt vì mụ vợ mồm cứ quàng quạc, mất trật tự, lão chồng quát to ra oai vài câu, cuộc khẩu chiến chuyển sang đối tượng mới.

      Qua "giờ cao điểm", lại thấy vợ chồng líu lo hát karaoke với nhau, ngày nào cũng thế. Ở cái xóm nghèo chuyên nghề đồ nát này, nhiều gia đình ly tán, bỏ nhau nhưng lạ thay, 2 vợ chồng nhà ấy mấy chục năm qua vẫn cứ ca hát, cứ chửi bới và vẫn cười hạnh phúc với 3 thế hệ cùng chung một mái lều.

      Sống

      (Trần Hoàng Trúc)

      Chẳng hiểu sao mình ít bạn. Thẳng thắn tìm hỏi Thông Minh thì được trả lời:

      - Ngươi đi đến đâu cũng vạch những lỗi lầm khiến người khác mặc cảm và e ngại.

      Thẳng Thắn giật mình và xin lời khuyên. Thông Minh lắc đầu:

      - Ta chỉ có khả năng nhận thức vấn đề, muốn xử lý phải hỏi Khôn Ngoan.

      Thấy Thẳng Thắn chân thành, Khôn Ngoan mách nước:

      - Hãy kết bạn với Tế Nhị và Bao Dung.

      Quả nhiên, với sự cảm hóa của hai người bạn mới, Thẳng Thắn ngày càng biết sống hơn.


      Comment


      • #78
        Những Tình Khúc Mẹ Con

        (Unknown)

        1. Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Ðến ngày con lớn khôn…


        2. Ðứa bé càng lúc càng lớn lên. Khi được hai tuổi, nó chạy chập chững bước thấp bước cao nô đùa quanh nhà, lôi sách vở trên kệ xuống để nghịch phá. Nó bày đủ thứ đồ chơi ra sàn nhà. Nó tè trong quần. Nó ị trên giường. Nó khóc. Nó... la. Và bà mẹ đôi lúc phải thốt lên: “Cái thằng này, con làm mẹ điên mất!”.

        Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ đến bên chiếc nôi trìu mến nhìn nó và khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Đến ngày con lớn khôn…


        3. Ðứa bé tiếp tục lớn lên thành một thằng nhóc chín tuổi. Nó không hề thích ăn uống đúng giờ. Nó không bao giờ muốn tắm rửa. Khi bà ngoại đến thăm, nhiều lúc nó lại buông giọng gắt gỏng với bà. Và bà mẹ đôi lúc muốn đưa nó đi đâu cho khuất mắt.

        Nhưng đêm đến, khi nó ngủ thật say, bà mẹ rón rén đến bên giường, kéo tấm chăn đắp lên người nó và khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Ðến ngày con lớn khôn…


        4. Ngày qua ngày, thằng bé đến tuổi dậy thì. Nó dẫn về nhà những thằng bạn kì quặc. Nó ăn mặc những bộ đồ kì quặc. Nó nhún nhảy một cách kì quặc theo những bản nhạc cũng rất kì quặc. Và bà mẹ đôi lúc có cảm giác như thể đang ở trong sở thú.

        Nhưng đêm đến, chờ nó ngủ thật say, bà mẹ nhẹ nhàng mở cửa phòng riêng của nó, bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Ðến ngày con lớn khôn…


        5. Thằng bé kì quặc tiếp tục lớn lên thành một thanh niên trưởng thành. Nó rời nhà lên thành phố để làm việc và sống trong một căn phòng trọ. Thỉnh thoàng bà mẹ đón xe lên thăm nó. Những lần như thế, bà phải ngồi trước cửa phòng trọ và chờ đến tận khuya thì thấy nó say khướt trở về. Bà dìu nó vào phòng, lau mặt cho nó rồi đỡ nó lên giường. Sau đó, bà lắc đầu ngao ngán nhìn nó. Nhưng khi nó ngủ say, đượm buồn, bà khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Ðến ngày con lớn khôn…


        6. Và rồi đứa con lập gia đình và họa hoằn lắm mới về thăm bà. Nó còn phải bươn chải để chăm lo cho mái ấm riêng của nó. Thời gian trôi qua và lạnh lùng khắc những nếp nhăn lên khuôn mặt già nua ngày càng hốc hác của bà mẹ. Một hôm, thấy yếu trong người, bà gọi điện bảo đứa con về thăm. Nó lái xe về thăm bà và ngủ lại nhà một đêm. Tối đó, bà nằm trong giường và khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con…


        Nhưng cơn ho khan khiến bà không hát được trọn bài hát thuở nào. Ðêm đó, bà lặng lẽ qua đời.

        7. Sau đám tang, đợi tối đến, khi đứa con của mình ngủ thật say, người đàn ông vừa mất mẹ bước đến hôn lên trán nó và khẽ hát:

        Thương con mẹ thương con

        Yêu con mẹ yêu con

        Yêu suốt một cuộc đời

        Ðến ngày con lớn khôn…


        Hát xong, hắn lặng lẽ khóc một mình.


        Comment


        • #79
          XL rất thích những câu truyện ngắn thật ngắn như thế này, và thấy rất khâm phục những người viết nên các câu chuyện ngắn ấy...sao mà họ tài giỏi, hay, sâu sắc quá đi thôi...
          https://www.doquanmusic.net

          Comment


          • #80
            Thầy Tôi

            Trần Thu Thảo

            Hồi học lớp hai trường làng, tháng mưa dầm nước ngập, đi đường ướt lạnh, khi đến lớp, thầy khoát áo cho tôi.

            Lớn lên thành cô giáo dạy vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nếm đủ ấm lạnh tình người nhưng không hơi ấm nào bằng hơi ấm tình thầy.

            Về thăm, thầy vẫn đơn độc bên mái lá nghèo đối ầm bên mấy ông bạn già hưu.

            Mấy năm sau, vườn thầy mọc lên ngôi mộ cô quạnh, lẻ loi.

            Tháng mưa dầm nước ngập, đêm lạnh: ai khoát áo cho thầy ?

            Tình Già

            Nguyễn Thái Sơn

            Đêm tối đen. Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mình đã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây sào rồi đẩy đưa bâng quơ trên vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà…

            Ông trách: “Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?”. Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: “Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?”.

            Như Một Phép Màu

            Bùi Phương Mai

            Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy người đàn ông góa vợ. Cô tôi coi Lộc, con riêng của chồng như cái gai trong mắt.

            Sáu tuổi, Lộc làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.

            Lộc mười lăm tuổi, bố chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô tôi đuổi khéo:

            - Có muốn về với bà ngoại mày không?

            Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:

            - Con đi rồi, mẹ ở với ai?

            Sau câu nói, dường như tính khắc nghiệt của bà mẹ ghẻ cũng được chôn vào nấm mộ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm, rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con yêu thương như một phép màu.


            Comment


            • #81
              Nghề Của Ba

              Đăng Châu

              Trước đây, ba nó là công chức. Vì bất đồng với cung cách làm ăn bất chính của lãnh đạo cơ quan, ba nó xin nghỉ. Về nhà, ba nó sắm một chiếc xích lô:

              - Đạp xích lô vậy mà tự do thoải mái hơn, được làm chủ công việc của mình và thu nhập bằng chính sức lao động đích thực của mình.

              Từ ngày ba nó đạp xích lô, nó trở nên trầm mặc, ít giao du với bạn bè, không còn vui vẻ nhí nhảnh như trước nữa.

              Một lần đi học về, không may nó bị trúng gió, tay chân cứng đờ, mặt xanh như tàu lá chuối. Bạn bè dìu nó vào nằm lề đường dưới gốc cây bàng. Giữa giòng xe cộ ngược xuôi hối hả, bạn nó đón một vài chiếc xe máy để nhờ chở nó đến bệnh viện nhưng chẳng ai chịu dừng. Bỗng một chiếc xích lô ở đâu trờ tới và dừng lại, bác xích lô liền bế nó lên xe chở ngay đến bệnh viện. Đến nơi, bác lại bế nó đến tận phòng cấp cứu. Bạn nó cũng vừa đến cảm ơn và xin gởi tiền xe. Bác nhất định không lấy.

              Được đưa đến bệnh viện kịp thời nên cơn nguy hiểm đã qua, nó nhanh chóng khỏe trở lại. Nghe bạn kể, những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, nó bỗng yêu quí và mến phục tất cả những người đạp xích lô tốt bụng. Nó tin rằng trong số đó sẽ có cả ba của nó, bởi nó biết tính ba, và nó cảm thấy rất tự hào về ba của nó.

              Mắc Cỡ

              (Thương tặng bé Hoa)

              Nguyễn Thị Huệ

              "Vòng loại" . Mỗi lần nắm tay, đâu chừng hai cái chớp mắt, em đã rụt tay về.

              "Bán kết" . Sau mỗi lần hôn, em trò chuyện cùng tôi bằng cách quay mặt sang hướng khác, thời gian, có tới hai trăm cái chớp mắt.

              "Chung kết" . Có con nhỏ. Mỗi lần con khóc, em vén áo ... nhưng bao giờ cũng vậy, cái lưng bé nhỏ của em luôn từ từ quay về phía tôi, bất kể tôi đang làm gì, có đang nhìn em hay không, miễn có tôi lúc ấy, cho dù khăng khít đã hai năm.

              Loài Chim Không Bay

              Tuyền Minh

              Nhà Minh chuyển đến nơi ở mới. Mừng tân gia, chú Út tặng cho Minh con chim khướu. Ngoài giờ học, Minh líu ríu với chim nơi hàng hiên. Chừng tuần sau, Minh phát hiện cô bé nhà bên thường chăm chú nhìn Minh chăm sóc chim với đôi mắt một mí thật dễ thương nhưng buồn lạ.

              Vốn tính xởi lởi, nó xách ù lồng chim lại tường rào giơ lên làm quen: " Bạn thích nuôi chim không? Bạn tên gì? "

              Cô bạn mới chầm chậm lăn chiếc xe lại gần song sắt tường: " Em tên là Hoàng Yến! "


              Comment


              • #82
                MỘT THỜI

                Hồ Thụy Liên

                Bước vào năm thứ nhất, lũ con trai thi nhau xếp hàng làm đuôi của chị. Chị cười bảo một lũ điên.

                Bước sang năm thứ hai, một nửa trong số đó ước ao được xách cặp cho chị. Ngó lơ, chị mím chi cọp.

                Bước sang năm thứ ba, chỉ còn duy nhất một người, chị chê hắn cù lần.

                Năm cuối cùng, kẻ cù lần ngày ấy trở thành cái đuôi của một nữ sinh viên năm thứ nhất.

                Không có ai theo đuổi, chị lại ước mình là sinh viên năm thứ nhất ...

                LỜI HỨA

                Trần Thị Loát

                Tôi làm nghề dạy học. Dường như lúc nào tôi cũng bảo học trò của mình: “Các em không được nói dối. Lúc nào cũng phải trung thực. Cô không thích ai thất hứa”.

                Một hôm cậu học trò nhỏ nhất đứng dậy ngây thơ hỏi: “Cô đã bao giờ thất hứa chưa?”

                Tự nhiên mặt tôi dỏ hửng, rồi nước mắt tôi chảy đầy hai má. Ngày xưa tôi từng hứa với mẹ. Học xong con sẽ về quê. Vậy mà cuộc sống phố thị đã cuốn hút tôi ở lại. Lời hứa năm xưa tôi đã quên mất. Quê nhà mẹ vẫn mỏi mắt ngóng trông ...

                HƯƠNG BƯỞI

                Nguyễn Gia Khánh

                Ngoại mất. Lo hậu sự xong, mẹ ngồi tóc rối khóc thương ngoại, vun lại gốc bưởi trước sân ngả rạp vì mấy ngày tang.

                Giỗ đầu ngoại, tôi theo mẹ về ngôi nhà mái ngói âm dương cũ kỹ. Mộ ngoại phủ kín cỏ xanh giữa bông bưởi trắng ngần.

                Đêm trăng, bên thềm mẹ gói bánh cúng ngoại, kể chuyện ngày con gái vẫn hái bông bưởi gội thơm tóc dài óng mượt.

                Cay mắt tôi nhớ, sinh thời ngoại cứ bền lòng không chịu theo mẹ về bên chợ.

                Hương bưởi đã giữ ngoại mãi với đất quê.

                Comment


                • #83
                  LÒNG TỐT

                  NGUYỄN THÁNH NGÃ

                  Tốt nghiệp Sư phạm, tôi đi vùng sâu. Trường cử lên tỉnh mua sách hộ các em, tôi tính cả tiền xe vào đó. Thuở ấy lương giáo viên còm cõi, tôi có biết chút ít về thuốc nên định bụng sẽ mua thuốc về bán thêm kiếm chút đỉnh. Một hôm tôi trượt chân té xuống con suối. Đồng bào dân tộc đã vớt tôi lên. Học trò tôi đi bộ 30km mua thuốc băng bó vết thương cho tôi. Các em đem tặng tôi thịt rừng và cá suối ăn không hết. Chỉ tính phần quà không thôi, giá trị gấp ngàn lần những viên thuốc tôi định bán cho họ...

                  VÒNG CẨM THẠCH

                  JANG MY

                  Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Môi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.

                  Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:

                  - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.

                  Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

                  CHỊ HAI

                  ĐINH VŨ NGỌC MINH

                  Sáng nay, đám cưới chị Hai không phải với anh Nhân mà với ông nào lạ hoắc, già gần bằng tuổi ba. Lạy bàn thờ ba, chị Hai bước lên xe hơi sang trọng mà nước mắt tuôn như mưa. Anh Nhân đang bên bờ rào thập thò ngó qua, mắt đỏ hoe. Má nhìn theo chị Hai, hai hàng nước mắt chạy dài trên gò má hóp. Bé Út tự hỏi: “Sao đám cưới mà ai cũng khóc?”.

                  Đêm, bé Út mơ chị Hai đang la rầy mình. Giật mình tỉnh dậy, thấy chỗ nằm bên cạnh trống không.

                  Comment


                  • #84
                    Bếp Quê

                    Nguyễn Tấn On

                    Thuở ở quê, đi học về thấy khói đùn trên từng nóc nhà xóm nhỏ. Mẹ ngồi thổi lửa, đưa tay vần hũ dưa chua vào góc bếp, khói bay làm cay đôi mắt. Hỏi mẹ, mẹ nói để dành mưa dông chớp bể.

                    Cha gánh rạ ngoài đồng về chất thành cây. Hỏi cha, cha bảo: Để dành nhóm lửa cho ấm trời mùa đông.

                    Mẹ qua đời, cha không còn, tôi lấy vợ, lên phố.

                    Mỗi khi mùa mưa dông về, tôi vẫn còn nghe mũi mình cay, cay mùi khói bếp rơm đồng ...

                    Tô Mì

                    Lê Nguyễn

                    Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm. Ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó: Con ăn đi, ba no rồi!

                    Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì.

                    Mười lăm năm trôi qua, em tôi đã là một cô giáo. Hôm lĩnh tháng lương đầu tiên về, nó cầm xấp tiền tần ngần mãi. Tôi hỏi:

                    - Mi định mua sắm gì đây?

                    - Em mua tô mì thật ngon cúng ba!

                    Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe.

                    Khờ Quá

                    Trần Thái Phong

                    Buổi hẹn đầu tiên. Ngồi bên nhau chàng biết nói gì. Bao nhiêu ý tứ trong đầu bỗng bay đi đâu mất. Thu hết can đảm, tôi nắm lấy tay nàng, nàng rụt tay lại và đứng dậy đi.

                    Tôi thơ thẩn nhìn theo nàng rồi ngồi phịch xuống. Hôm đưa nàng về quê, tôi đánh liều hỏi:

                    - Sao bữa đó...

                    Nàng mỉm cười:

                    - Ai biểu hổng ... khờ quá!

                    Comment


                    • #85
                      KHOẢNG CÁCH

                      TỈ NHIÊN

                      Cậu đi học tập. Mợ chật vật nuôi bầy con. Nhà Nhiên đủ ba mẹ cùng chạy gạo, tạm đủ sống. Mẹ chia sớt cho mợ bát canh, lon gạo... Mợ và các em thường ở chơi nhà Nhiên, đầm ấm tiếng cười.

                      Cậu về. Cả nhà xuất cảnh. Nhiên mừng cho các em được học hành ở đất nước mình từng mơ du học.

                      Mợ và các em về thăm quê, chỉ hỏi thăm nhà Nhiên qua điện thoại. Nhiên tần ngần mở tấm bản đồ thế giới. Nước Mỹ rộng, xa, và hình như xa hơn mình tưởng.

                      CHIẾC ÔNG NGHE

                      Ann Nguyen

                      Ngày đầu tiên được mang cái ông nghe, lắng nghe nhịp đập của con tim, nghe nhịp rung của lồng ngực chắc hẳn là điều khó quên của ai từng là sinh viên y khoa, điều dưỡng, y sĩ. Được sở hữu một chiếc ống nghe quả là một ước mơ. Có mấy ai nhớ lại ngày đầu mình “tậu” được cái “tài sản” vô giá ấy…

                      Chú Út tôi, người chú chưa bao giờ được bước chân vào đại học, tay chân lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt, đã lặn lội tìm mua cho đứa cháu cưng chiếc ống nghe. Chú cẩn thận gói nó trong một lớp giấy báo dày. “ Ống nghe này của Nhựt đó nghe con, Út có thằng bạn thân nhờ nó mới mua được loại tốt này.”

                      Mấy mươi năm trôi qua, bao nhiêu lần tôi đổi ống nghe, bao nhiêu lần tôi mang chiếc ống nghe choàng qua cổ trên đôi vai mình. Thỉnh thoảng chợt nhớ đến chú, nhớ đôi bàn tay chai sạn lắm lem dầu nhớt, nhớ chiếc ống nghe có cái dây nghe màu đen cầm lên nặng trình trịch năm nào. Chỉ nhớ vậy thôi mà thương chú đến cay mắt.

                      Thỉnh thoảng mang về cho chú một chiếc máy đo huyết áp điện tử, chú mâm mê: “đồ nhập!” rồi đo huyết áp mỗi ngày. Chắc chú chẳng còn nhớ cái ông nghe “của Nhựt” năm nào. Nhưng biết chắc một điều chú cháu vẫn nghe được nhịp đập của yêu thương.

                      Comment


                      • #86
                        Tôi Thấy Mình Đúng

                        (Vô Danh)

                        Em nói: “Em ghét đàn ông con trai hút thuốc, nghiện ngập…

                        Tôi bỏ thuốc…Nhìn nụ cười hạnh phúc của em…

                        Tôi thấy mình đúng. Tôi hạnh phúc.

                        Em nói : “Em ghét đàn ông con trai bia rượu, nhậu nhẹt sa đà…

                        Tôi bỏ bia rượu, bớt bạn bè nhậu nhẹt…Nhìn nụ cười viên mãn của em

                        Tôi thấy mình đúng. Tôi hạnh phúc.

                        Em nói: “Em ghét đàn ông con trai chỉ suốt ngày chơi game, điện tử…không biết quan tâm đến những người xung quanh…

                        Tôi bỏ game…Thay vào đó là dành thời gian quan tâm em nhiều hơn…Nhìn nụ cười sung sướng của em

                        Tôi thấy mình đúng. Tôi hạnh phúc.

                        Em nói: “Em cần một người chồng thành đạt!”

                        Tôi dành 1/3 cuộc đời lăn lộn kiếm tiền để cưới em. Chỉ mong em có cuộc sống bằng bạn bằng bè. Mong em hạnh phúc mỗi ngày, bớt bận tâm lo nghĩ…

                        Tôi thấy mình đúng. Tôi hạnh phúc.

                        Em nói: “Em không muốn ở với mẹ chồng. Em không chịu được sự ràng buộc bản thân…Và cũng vì mẹ chồng đã già cả, lẩm cẩm, khó tính và nhà quê…

                        Tôi bỏ em. Tôi không gặp em nữa, không biết em có hạnh phúc

                        Nhưng…Tôi thấy mình đúng…

                        Lòng Mẹ

                        (Vô Danh)

                        Má bệnh đau lưng, đi đứng rất khó khăn, hầu như nằm một chỗ. Ở quê, mấy con tuy nghèo, nhưng cũng ráng góp tiền mua cho má chiếc giường nệm lớn, êm ái và rộng rãi. Mấy đứa con nghĩ, má cả đời tảo tần nuôi con khôn lớn, giờ đây già rồi, lại đau bệnh, có chiếc giường mới hy vọng má đỡ đau được phần nào!

                        Lúc mới đem về, má vui mừng lắm, hết ngồi lên giường nhún nhún, rồi dang tay nằm ngã xuống, lăn qua lăn lại, trông vẻ đầy mãn nguyện. Nhưng mới nằm được vài ngày, má đột ngột đổi ý, bảo: “Đem cái giường nệm ra khỏi phòng, ai nằm thì nằm. Tụi bay mua cho má cái ghế bố nhỏ, loại trăm rưỡi nghìn ấy. Má thích nằm ghế bố hơn!...”. Anh Hai, anh Ba hết lời nhỏ to khuyên ngăn như thế nào cũng không được. Má vẫn khăng khăng: “Ghế bố là ghế bố”. Cậu Út bực mình gắt: “Má già rồi, giở chứng giở nết không à!”. Má im lặng, không nói tiếng nào.

                        Bệnh của má ngày càng nặng hơn. Hôm ở bệnh viện, má ăn uống không được nhiều nữa, nói năng khó khăn. Mấy đứa con muốn dành hết sức khỏe của mình cho má, nhưng chẳng thể được. Song, bỗng dưng một ngày, má kêu gọi mấy anh em lại, bảo: “Nếu má có mất, tụi con nhớ đốt cái ghế bố nhỏ theo cho má nghen, đừng đốt cái giường lớn, phí lắm! Má mới nằm thử có mấy hôm, không thể tính là giường của má được. Thằng Út mới cưới vợ, tụi con hãy để cái giường lớn đó cho vợ chồng nó nằm, nhớ nghen!...”. Mấy giờ sau, mấy đứa con chưa kịp nói với má lời nào, má đã ra đi!...

                        Lúc đưa linh cữu của má, mấy đứa con khóc hết nước mắt. Đêm về, rồi đêm đến, được nằm trên cái giường êm ái và rộng rãi, cậu Út lại khóc thêm lần nữa: Đến lúc chết rồi, má cũng lo nghĩ đến con. Má ơi!.


                        Comment


                        • #87
                          THẤT NGHIỆP

                          BẢO NGỌC

                          Công ty làm ăn thua lỗ, sa thải nhân viên. Sau mấy tháng viết đơn xin việc khắp nơi, tôi chán nản quay về. Thất nghiệp! Vợ tôi cũng quay về với hàng cà phê cóc, tảo tần nuôi chồng con.

                          Sáng nay tôi dậy trễ. Nhà vắng tanh, mọi người đi cả rồi. Cầm tờ 5.000đ được để sẵn trên bàn - tiền sáng - vụt nhớ lại ánh mắt tủi tủi của vợ lúc cúi nhặt mấy tờ giấy bạc gọi là tiền chợ tôi vứt đại xuống giường mỗi lần vội đi làm.

                          CHA VÀ CON

                          NGUYỄN MẠNH BÍCH NGỌC

                          Hắn hục hặc với cha từ nhỏ. Ông bỏ hắn từ khi hắn bắt đầu nghiện ngập, thề không bao giờ thèm đoái hoài đến hắn nữa. Trong những lần tù tội, chỉ có mẹ hắn lụi hụi đi thăm. Lần trốn trại vừa rồi, hắn càng thêm căm thù cha khi mẹ đang nuôi giấu hắn thì ông đi tố cáo công an để hắn bị bắt lại.

                          Có đợt thăm nuôi, người ta gọi tên hắn. Bàng hoàng, hắn nhận ra người đến thăm là cha hắn, mắt người đàn ông có gương mặt khắc khổ và tóc lốm đốm nhiều sợi bạc. Cha hắn nói: Mẹ mày đau, tao đi thế đây. Gắng cải tạo tốt để về sớm nhé ... .

                          BẾP QUÊ

                          NGUYỄN TẤN ON

                          Thuở ở quê, đi học về thấy khói đùn trên từng nóc nhà xóm nhỏ. Mẹ ngồi thổi lửa, đưa tay vần hũ dưa chua vào góc bếp, khói bay làm cay đôi mắt. Hỏi mẹ, mẹ nói để dành mưa dông chớp bể.

                          Cha gánh rạ ngoài đồng về chất thành cây. Hỏi cha, cha bảo: Để dành nhóm lửa cho ấm trời mùa đông.

                          Mẹ qua đời, cha không còn, tôi lấy vợ, lên phố.

                          Mỗi khi mùa mưa dông về, tôi vẫn còn nghe mũi mình cay, cay mùi khói bếp rơm

                          Comment


                          • #88
                            Em Trai Tôi

                            (unknown)

                            "Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!"

                            1. Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.

                            Một ngày kia tôi lén ăn cắp mười lăm đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp.

                            Vì sợ hãi, tôi đã không dám dứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:

                            - Thưa cha, con trót dại...

                            Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như ko thở được nũa.

                            Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:

                            - Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!

                            Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.

                            2. Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.

                            Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:

                            - Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.

                            Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy nhỏ bên gối tôi với lời nhắn nhủ: "Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.".

                            Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời.

                            Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

                            3. Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số iền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.

                            Một hôm đang ngồi học trong phòng, Một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:

                            - Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.

                            Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:

                            - Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?

                            Em cười đáp lại:

                            - Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.

                            Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.

                            Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:

                            - Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!

                            Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.

                            Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.

                            4. Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chay máu.

                            Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười:

                            - Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!

                            Năm ấy em 23 và tôi 26.

                            5. Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi.

                            30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.

                            Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đổ vỡ vì sự xuất hiện của một người đàn bà khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.

                            7. Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa. Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình. Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.

                            Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.

                            Năm ấy em chỉ vừa lên 5!

                            ...


                            Comment


                            • #89


                              NƯỚC MẮT

                              NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

                              Ông mất. Nhà rộng. Bà sống hằng ngày lặng lẽ như chiếc bóng. Mỗi sáng, trước khi dâu con đi làm, bao giờ bà cũng dặn chúng đón ảnh của ông và lư hương xuống đặt ở thành giường vì bàn thờ cao quá. Con trai làu bàu. Còn con dâu bĩu môi.

                              Bà lặng im.

                              Hôm bà mất, đứa con trai dời ảnh của ông bà lên bệ thờ cao, nó phát hiện ra cát trong lư hương đã vón cục. Tuyệt nhiên, không có chân nhang nào ...

                              ANH HAI

                              HOÀNG NGÂN

                              Ba mẹ mất. Mười lăm năm qua, anh Hai lo cho ba chị em tôi ăn học. Khi tất cả vào Đại học, anh mừng lắm. Chi phí ăn học cũng tăng dần lên.

                              Anh vừa đạp xe đi dạy, vừa bán thêm quầy báo trong nhà xe. Học trò thương anh mua báo nhiều, anh vui lắm. Anh lo lắng tất cả trong nhà, không thiếu gì…

                              Đột ngột, anh bị tai biến, có lẽ vì đạp xe trong sương sớm đi lấy báo. Anh nằm bất động. Ngày thứ mười, anh nói được câu đầu tiên: “Mua mấy tờ báo mới, đọc anh nghe…”.

                              HOA NHẶT

                              NGUYỄN THÁNH NGÃ

                              Chiều áp Tết. Chợ hoa vơi dần. Gió lạnh. Thằng Tý mong manh áo, nhưng đôi mắt sáng rực. Nó cứ nhìn. Hình như nó biết chẳng ai cấm nhìn.

                              Mẹ nó quét rác nuôi nó. Nhờ học lớp tình thương nên nó biết thèm hoa. Dù đói...

                              Tan chợ. Cái im ắng làm lão Tư Say thức dậy. Lão ném tung những giở rác. Bó hoa sót trong giỏ rơi xuống rãnh nước đen... gãy nát. Tý nhặt được, mừng húm!

                              Quét chợ về, chị Hai sững sờ nhìn bình hoa đỏ tươi trong căn lều trống hoác...

                              HAI MẢNH ĐỜI

                              NGUYỄN THỊ NHƯ

                              Mưa bất chợt, tôi tấp vội vào hiên nhà bên đường, nép sát của để trốn nhũng giọt mưa đang hối hả tìm mình.

                              - Con ngoan nè, ùm miếng nữa nào, đi con...

                              Tôi tò mò nhìn qua khe cửa. Một bé gái tròn trĩnh, chắc nịch, đang khóc rưng rức vì mẹ nó ép ăn cơm.

                              Ngoài hiên, một con bé hành khất gầy còm, yếu ớt, đang đói… Tôi cúi xuống bỏ vào nón nó tờ hai nghìn.

                              Hai mảnh đời chênh vênh, đối lập. Tôi vội rời chỗ đứng, đội mưa đi về.

                              Comment


                              • #90
                                MƯA

                                NGÔ THỊ NGÃI

                                Mưa! Hà Nội, phố trắng xoá mịt mờ. Mình con nơi gác trọ ước thật nhiều mưa rơi.Chiều nay, lại mưa! Trời đất muốn giao hoà. Thơ con dường như có cánh. Mưa! Quê nhà, ruộng muối của mẹ thành hư không, mái nhà thêm nhàu nát.Cầm lá thư của con gái trên tay, mẹ nén tiếng thở dài. Sáng mai ra tất tả ngược suôi, mẹ chay vạy sao cho kịp tiền gửi cho con trước ngày thi. Mưa! Con hoá nhà thơ. Mẹ còng lưng thêm một chút.

                                KIM NGÂN

                                MINH MUỘI

                                Nhà nghèo, mẹ sinh con gái đầu lòng, ba đặt tên là Kim Ngân, với hy vọng sau này con sẽ giàu. Chẳng cần đến sau này, gặp thời ba mẹ làm ăn khá, cuộc sống vật chất tốt hơn nhưng ba mẹ xa nhau hơn, ba mẹ cũng xa con hơn. Nhiều buổi tối con ăn cơm một mình với vú Tư. Con cảm thấy vú thương con hơn cả ba mẹ.

                                Sinh nhật mười sáu, con thầm ước ba mẹ đặt lại tên con...

                                CHỊ VÀ EM

                                TÔ THẢO MY

                                - Nhi, giơ chân lên cho chị kỳ nào. Bé Nhi đưa một chân, còn một chân mất

                                thăng bằng, người nó cứ nghiêng qua ngả lại.

                                Chị gắt:

                                - Phải vịn vào vai chị mới khỏi ngã. Nhớ chưa?

                                Ba năm sau, chị không may bị tai nạn cướp mất một chân... Chiều nay tập đi, nhìn em Nhi một mình tắm, nước mắt chị trào ra. Lần đầu tiên sử dụng nạng, do chưa quen chị nhiều phen suýt ngã. Em Nhi đến bên chị:

                                - Chị ơi! Vịn vào vai em mới khỏi ngã!

                                Chị gục đầu vào vai em khóc nức nở.

                                TIẾNG CHIM

                                TRẦN QUANG MÙI

                                Dịp hè, thằng nhỏ về quê. Nó hỏi ông ngoại:

                                - Sao vườn ông không có tiếng chim?

                                Ông ngoại trả lời:

                                - Chim bị người ta đánh bẫy, đưa về thành phố bán. Ông nghe kể, cha cháu cũng nuôi nhiều chim lắm, có con biết nói Hê-lô phải không?

                                Thằng nhỏ im lặng trở về thành phố.

                                Sáng hôm sau, cha nó quát tháo ầm ĩ.

                                - Ai mở cửa các lồng chim? Chim bay đi hết rồi...!

                                Thằng nhỏ nhìn trời. Nó mong bầy chim mau trở về với vườn cây của ông ngoại.


                                Comment

                                Working...
                                X