Announcement

Collapse
No announcement yet.

HỒI NHỎ TÔI ĐI HỌC Ở SAIGON ( Trần Công Anh Dũng )

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • HỒI NHỎ TÔI ĐI HỌC Ở SAIGON ( Trần Công Anh Dũng )

    Các bạn thân mến ! . Nhà văn Trần công anh Dũng là cựu sinh viên cao đẳng Hóa học thuộc TTQGKTPT , sau đó là sĩ quan KQ VNCH, thuộc liên đoàn Kỹ thuật, bảo trì động cơ cánh quạt . Năm 1993 định cư tai Cali theo diện HỌ . Trước đây trên trang "Webnhà" cũ , anh Dũng đã có vài lần góp tiếng qua các comments của diễn đàn .

    Hôm nay thấy trên FB của anh Dũng một bài mới toanh nên NTT đã xin phép tác giả để khiêng về góp vui trên diễn đàn .


    Thân ái

    NTT
    -------oOo----------
    /////// KỂ CHUYỆN ĐỜI MÌNH \\\\\\




    Tác giả : Trần-Công Anh-Dũng

    Cứ lấy cái mốc thời gian mà cả nước ai cũng nhớ vì lý do này hay lý do khác là năm1954 để bắt đầu câu chuyện của tôi; mặc dù tôi chả là cái thá gì trên cõi đời dẫy đầy những nhân vật “tai mắt mũi họng” quan trọng vô cùng này.

    Vâng bắt đầu thế cho có cái … bắt đầu. Vạn sự khởi đầu nan mà! Lại còn khởi đầu cho một bài để đăng lên Facebook cái "nan" lại càng …trầm trọng hơn nữa.

    Năm đó thì ai cũng biết rồi, có hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để lánh nạn cộng sản và họ phải vất vả khá lâu trên quê hương mới trước khi được trời, đất và người ở Miền Nam vui vẻ chấp nhận.

    Vào miền Nam mỗi đồng bào di cư có những khó khăn buổi đầu khác nhau, kể cả một đồng bào mới ... mười tuổi là tôi, một nhóc tì mới từ thượng du Bắc Việt cùng cha mẹ chạy nước rút … “quá cảnh” Hà Nội, Hải Phòng rồi phóng lên tàu há mồm kịp đáp chuyến tàu chót của Huê Kỳ chở người di cư vô Saigon.

    Tôi là một nhóc nhà quê ra tỉnh không chối cãi được; tệ hơn nữa một nhóc thuộc loại sơn cước “Mán về thành”, một Mán nhóc không có xu hào rủng rỉnh để ngồi xe, tôi đi học bằng xe “lô ca chân”.

    XXXXXX

    Lúc mới chân ướt chân ráo vô Saigon, nhà cửa chưa có, việc làm cũng chưa cha mẹ tôi không có cách nào khác hơn là … phân tán mỏng đám “khinh binh” tức là mấy anh chị em tụi tôi đến “đồn trú” tại nhà các cô, chú, cậu dì của tụi tôi vốn đã có dăm bảy năm sinh cơ lập nghiệp trước ở Saigon.

    Tôi được “biệt phái dài hạn” đến ở nhà cô Ba tôi tại gần góc đường Lý Thái Tổ và Richaud nối dài, về sau đổi thành đường Phan Đình Phùng. (cập nhật nữa: Sau tháng Tư năm 75 đường Phan Đình Phùng này đã đổi tên thành đường Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ do “lý lịch” cụ Phan Đình Phùng xuất thân quan lại không được “cách mạng” tin tưởng; dù rằng cụ đã từ bỏ gia đình hy sinh thân thế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến hơi thở cuối cùng)

    Mười tuổi đầu, mỗi sáng cuốc bộ khoảng 6 cây số đến trường; trưa tan học đi ngược lại lộ trình đó dưới cái nắng của Saigon. Nắng Saigon tôi chả bao giờ thấy “chợt mát” dù có ai đó mặc áo lụa Hà Đông, Hà Tây đi phất phơ trước mặt hay thậm chí …”đi bên cạnh cuộc đời” tôi. Cái nắng đó chỉ khiến mái đầu Bắc Kỳ chưa kịp … hội nhập của tôi phát váng từng bữa; trong lúc cái dạ dầy – đã có tên mới là bao tử - đang thiết tha réo gọi mẻ thức ăn thứ hai trong ngày.

    Bên cạnh những “lủng củng” từ trong nội tại rất “tâm tư” của bản thân đó, những “tồn tại khách quan” cũng vô tình gây nhiều khó khăn đáng kể.

    Khó khăn đầu tiên của tôi là tên đường.

    Lúc bấy giờ tên đường là tên các nhân vật hay địa danh Pháp, tất nhiên viết bằng chữ Pháp là thứ chữ tôi chưa biết một tí ti ông cụ nào.

    Tôi ở nhà cô Ba tôi để đi học, nhà cô tôi ở đường Phan Đình Phùng Bàn Cờ lúc đó còn mang tên Tây là Richaud prolongée, Richaud đã khó nhớ rồi lại còn chơi thêm cái đuôi prolongée là nối dài nữa!

    Trường tôi học là trường Tiểu học Trương Minh Ký bên cạnh rạp ciné Đại Nam ngay Trung Tâm của Thủ Đô Saigon, của Hòn Ngọc Viễn Đông. Trường tọa lạc ngay một góc nơi Boulevard du Géneral Galiénie (về sau được đổi tên mới là Đại lộ Trần Hưng Đạo) và Boulevard Kitchenere (Đại lộ đường Nguyễn Thái Học) gặp nhau.

    Hàng ngày tôi phải đi qua những đường Richaud prolongée (đường Phan Đình Phùng), Audouille (đường Cao Thắng), đường Arras(Cống Quỳnh) đường Colonel Grimaud (đường Phạm Ngũ Lão), đường Kitchenere (Đại lộ Nguyễn Thái Học) vv…

    Tôi viết những cái tên này để … hù các ông đàn em khả uý, cho họ thấy con đường học vấn của người đi trước “gian nan phức tạp” như thế nào! Tôi cũng thú thực với các bậc đàn anh khả kính rằng những tên đường này tôi viết có lẽ lắm chỗ … sai chính tả! Nhưng sự thực là các con đường Saigon hồi đó mang tên đại loại như vậy mà tôi thà chết chứ không chịu … hy sinh; thà viết sai chính tả hơn là viết theo kiểu khó … tiêu kiểu “đỉnh cao trí tuệ”: Ri-sô pơ-rô-lông-giê, A-ra-xơ , Bu-lơ-va đơ la Xo-mơ , A-rê-ô-đê Ve-rơ-nhơ vv…

    Ngôi trường của tôi ngày nhỏ tọa lạc trên khu đất ngày nay có thể gọi là đất … bạch kim của Saigon đã đổi tên đổi chủ có khác chi chàng hàn sĩ thư sinh trói gà không chặt mà làm chồng một giai nhân tuyệt thế giũa thời buổi nhiễu nhương tròng tréo.
    Hàn sĩ chết là cái chắc.!

    Khu đất đương nhiên vẫn còn ở đấy, nhưng ngôi trường thời ấu thơ của tôi tới nay đã trải qua những dâu biển nào! Chẳng biết có còn tồn tại không

    !
    XXXXXXXXX

    Khó khăn khác cho những người nhập cư khó khăn “hội nhập”. Thậm chí lúc đó còn chưa có cả cái chữ hội nhập như bây giờ để có thể hiểu được nó là cái gì và mình phải làm gì để đạt được… nó.

    Trong khi người lớn bôn ba vất vả vừa mưu sinh vừa hội nhập , trẻ con như tôi không phải mưu sinh nhưng con đường hội nhập của tôi cũng gập ghềnh sỏi đá lắm lắm.

    Ông Nội tôi làm công chức lâu năm ở Saigon là bạn thơ văn với ông Đốc trường Trương Minh Ký, khi đó tuy cả hai cụ đã về hưu từ bốn, năm năm trước nhưng chỉ một câu “cháu anh là cháu tôi” thì tuần sau tôi đã được căp sách đến trường.

    Tôi học lớp Nhì 3 với Thầy Hớn. Thầy trạc tuổi ba tôi khoảng 45- 47 gì đó, tóc rễ tre gương mặt xương xương khắc khổ
    Tôi vào lớp khi năm học đã bắt đầu được một hai tháng và nổi tiếng … toàn trường ngay tuần lễ thứ hai với danh hiệu “Bắc Kỳ Con” sau bài chính tả đầu tiên trên “quê hương mới”.

    Tôi hồn nhiên một cách đầy tự tin liến thoắng “tranh luận” tay đôi với thầy giáo và … quy trách nhiệm cho “ổng” về bài chánh tả chi chít lỗi tôi đã viết.

    Bài chính tả ấy là một đoạn văn tả cảnh sinh hoạt buổi sáng rộn ràng trên bến tàu ngày giáp Tết. “Nội vụ”, theo tôi, đứa học trò mười tuổi mới từ ngoài Bắc di cư vào Nam, thì những câu tôi viết đầy lỗi đại loại như “ … ngày giáp tớt, ai cũng dội dàng, trên bến tào phu pheng cheng lấng nhao khiếng cho người cai cao có néc mặc rồi cằng nhằng…” đã thể hiện trung thực nhất những gì thầy tôi đã đọc. Sau cùng tôi hùng hồn kết luận trước “quốc dân đồng bào” cả lớp là thầy đã đọc sai, đọc không đúng cách, không đúng chữ.
    Phần thầy tôi có lẽ suốt mười mấy hai mươi năm dạy học ông chưa bao giờ chuẩn bị cho mình một tình huống như vậy. Cuộc “debate” đầy tính dân chủ sớm đến mấy mươi năm của tôi bị cắt đứt ngay lập tức và thầy tôi mặt mũi đỏ gay âu yếm nắm lấy … tai tôi áp giải tôi lên văn phòng thầy Hiệu trưởng. Từ nơi này tôi nhanh chóng được “chuyển trại” sang phòng giáo viên quì ở đó cho đến giờ tan học rồi được ra về với “Giấy Mời Phụ Huynh” đến trường và ….một cõi lòng tan nát!

    Mọi việc rồi cũng qua đi và tôi được hầu hết học trò cùng lứa biết đến một cách diễu cợt qua danh hiệu “Bắc Kỳ Con”. Có một điều tôi rất được an ủi là sau khi “cơ quan chủ quản”của tôi gồm hai giới chức cao cấp nhất là Ông Nội tôi và Bố tôi cùng vào trường “làm việc” theo Giấy Mời, thầy Hớn có vẻ chăm sóc tôi nhiều hơn là la rầy.

    (Xin tạm dừng ở đây, một hai bữa "đăng" tiếp)
    Last edited by ThienToan; 09-07-2020, 03:50 AM.

  • #2


    ( Kỳ 2)
    Trần-Công Anh-Dũng


    Trường Trương Minh Ký có 3 dãy nhà trệt dài dùng làm các phòng học rất sáng sủa và rộng rãi. Bên ngoài các phòng học là hành lang rộng gần 2 mét. Các dãy nhà liền lạc với nhau theo hình chữ U, nền nhà cao hơn mặt đất chừng 40 cm. Mặt đất là sân chơi rất thoáng và rộng đủ cho cho mấy trăm đứa trẻ con chúng tôi tha hồ hò reo chạy nhảy.

    Ở giữa sân trường có một cột cờ cao, mỗi sáng Thứ Hai tất cả học sinh xếp hàng theo từng lớp hướng mặt vào cột cờ làm lễ chào quốc kỳ. Sân trường vuông vức bao bọc bởi 3 dãy phòng học kể trên, cạnh thứ tư là phía có Văn phòng nhà trường, Phòng “Thầy Cô” và phòng Thầy Hiệu Trưởng. Chếch một bên là cổng trường rất rộng sau cùng nép bên kia cổng trường nơi 2 góc tường gặp nhau là căn nhà nhỏ của chú lao công, kiêm tùy phái của trường.

    Có lẽ tất cả các giáo viên và nhân viên trường đều là người Saigon kỳ cựu, cũng tương tự như thế đại … đại đa số học sinh trường đều là người Saigon, người Việt gốc … Giá “chính thống”! Trong khi đó cả lớp Nhì có 50 đứa học sinh chỉ mình tôi cu ky đơn độc mang danh “Bắc Kỳ Con” là “Người Việt gốc … Rau” duy nhất!

    Với tuổi đời ngây thơ và bản lãnh non nớt trước áp lực biển người mênh mông của các Người Việt Gốc Giá tôi đã … phải hết sức vất vả vừa hội nhập để … sinh tồn vừa cố gắng bảo tồn bản sắc “rau” của mình.

    Giờ ra chơi là điều đứa trẻ nào cũng mong đợi, nhưng tôi lại không thấy hào hứng gì vì không đứa bạn cùng lớp nào rủ tôi chơi chung những trò chơi hấp dẫn của tụi nó như chọi ăn cõng, tạt hình hay sôi nổi và huyên náo hơn như “chơi U Mọi” (3 trò chơi này tôi không thấy ở ngoài Bắc) hoặc rượt bắt “cú” bồ. (trò chơi này trẻ con ở Hà Nội có chơi và gọi là chơi “sauver” nghĩa là “cứu” theo tiếng Pháp).

    Một hôm đầu giờ chơi lớp tôi có đứa đem theo một trái banh tennis cũ 5, 6 đứa đứng chùm nhum dưới sân phía trước lớp và chơi thẩy trái banh lên mái ngói chờ trái banh tưng tưng vài lần rồi rơi xuống thì bốn năm đứa đua sức nhảy lên cao tranh nhau chụp lấy banh, đứa nào chụp được thì … vênh váo một chút rồi lại quăng trái banh lên mái ngói nữa.

    Thấy chúng thẩy chụp banh như vậy tôi … ngứa ngáy chân tay vô cùng, nhưng biết là chúng không cho chơi. Tôi “sĩ diện” lảng ra chỗ khác. Ngẫu nhiên tôi thấy ở chân tường rào góc sau sân trường có cái lon sữa bò cũ, tôi nhặt lên và đem về gần cửa lớp cách bọn kia một quăng tôi quăng cái lon lên mái nhà … chơi môt mình.

    Tiếng lon sữa bò lăn xuống, tưng trên mái ngói nghe rộn rã xua tan nỗi buồn tủi cô đơn ban nãy của tôi; tôi chụp được cái lon dễ dàng khi nó rời mái ngói. Cảm thấy tự tin hơn một chút tôi mạnh tay quăng cái lon lên xa hơn trên mái ngói, cung nhạc loong coong trên lộ trình dài hơn của cái lon sữa bò cho tôi chút kiêu hãnh của một con người sáng tạo; quăng lon lần thứ ba tôi thấy mình là kẻ hiên ngang xoay vần thế sự một mình đẩy lui nghịch cảnh.
    Tiếng lon khua lóc cóc trên mái ngói càng lúc càng rộn rã thu hút ngay sự chú ý của nhiều đứa đứng gần, thấy “game” của tôi mới lạ, lại có cả “âm thanh nổi” hấp dẫn quá, một đứa rồi hai, ba đứa đến … xin tôi cho chơi với.

    Tất nhiên tôi còn mong đợi gì hơn!

    Nhóm lon sữa bò của tôi càng lúc càng huyên náo với những tiếng reo hò của số players nay đã lên đến 6 mạng; bỗng nhiên thầy Hớn lớp Nhì 3 của tôi cùng thầy Tân lớp Nhất 3 xuất hiện.

    Thầy tôi ra lệnh chấm dứt ngay “game” ồn ào có thể làm thương tổn cho ngói mái trường và bắt cả 6 đứa tụi tôi lên qùy trên hành lang quay mặt vào tường.
    Tôi tuy sợ lắm vì thầy tôi rất dữ đòn, nhưng không hiểu sao tôi thấy áy náy không yên "chỉ vì mình xoay chuyển thời cục đẩy lui nghịch cảnh" cho cá nhân mình mà vô tình làm hại đến 5 đứa kia. Tôi bất thần thấy …mình đến trước mặt hai thầy và nói với “accent” Bắc Kỳ đặc sệt tự nhiên của mình:

    --Xin thầy tha cho mấy trò kia, con trót dại đầu têu thầy phạt một mình con thôi ạ.

    Thầy tôi chắc là bị bất ngờ lắm trước hành động rất ... không bình thường” của đứa trẻ trước mắt ông, lại thêm cái …thuật ngữ “đầu têu” có lẽ ông chưa nghe qua hoặc do sân trường giờ chơi rất huyên náo ông nghe lầm tưởng tôi xin tha cho lần phạm lỗi đầu tiên. Ông nạt:

    --Đi ra quỳ gối! Lần nào phá phách cũng lần đầu tiên, lần đầu tiên!

    Đáng lẽ tôi phải … câm mõm ngay và ra quỳ tiếp hàng ngang với 5 đồng đảng thì có lẽ ma đưa quỷ dắt tôi “ngoan cố” chưa chịu … bỏ cuộc:

    --Thưa thầy, thầy hiểu nhầm con ạ, con thú là con đầu têu chứ con không nói là lần đầu tiên ạ.
    Thầy tôi dù tóc trên đầu đã nhiều muối lắm nhưng trong bao nhiêu năm miệt mài dạy dỗ đám trẻ con ông chưa chuẩn bị cho mình một ngày đẹp trời kia bị một nhóc học trò "chụp" cho là “hiểu nhầm” ngay trước mặt một đồng nghiệp.

    Thầy gằn giọng: “Trò dám nói tôi hiểu lầm hả?”

    Thấy tình hình đột ngột biến chuyển ... phức tạp, thầy Tân lớp Nhất 3 vội can thiệp; có lẽ ông giỏi … sinh ngữ hơn thầy Hớn của tôi, ông cười cười và ôn tồn hỏi để “thông dịch” một cách tế nhị cho thầy tôi.

    --Trò nói trò bày đầu thảy lon lên mái ngói phải không?

    Thấy có người trong …giới hữu trách hiểu mình tôi mừng quá, liến thoắng,

    --Vâng ạ! Các trò kia chỉ làm theo con thôi ạ.

    Thầy Tân nhìn thầy tôi cười cười và nói, “Thầy Hớn, thằng nhỏ này coi bộ dạỵ được đa” ông nói với lại rồi tủm tỉm cười lững thững đi về phía lớp ông dạy..
    Sự … liều chết “bảo tấu” của tôi cho mấy đứa kia không thay đổi được gì cho hình phạt của chúng, mà phần tôi lại còn bị chuyển thành trường hợp gia trọng theo thuật ngữ Luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa (còn sau năm 75 thì hình như gọi là tình trạng “tăng nặng” ) Tôi trở thành “chánh phạm, ngoan cố” (và có thể lãnh thêm tội danh …chống người thi hành pháp luật) Mức án của tôi là phải quỳ gối quay mặt ra sân chơi cho … toàn dân trông thấy.
    Hết giờ chơi, năm đúa kia được mãn án vào lớp học như thường. Tôi, kẻ đầu têu, (may không bị đòn có lẽ nhờ mấy câu khen khéo của thầy Tân) thì tiếp tục bị quỳ tại…hiện trường thêm 10 phút nữa vì tội dám bảo là thầy … hiểu nhầm.

    Cho đến khi biết tập sự hẹn hò với cô bạn gái đầu đời hàng chục năm về sau, 10 phút quỳ sám hối trong … cô đơn này là 10 phút dài nhất tôi từng phải trải qua.
    Sau “biến cố” này tôi được nhiều học sinh trong trường biết đến như một "anh hùng hảo hớn"! Biệt danh “Bắc Kỳ Con” trước đây tôi bị gọi một cách chế diễu nặng vẻ mỉa mai miệt thị đã được gọi một cách vui vẻ, thân thiện hơn nhiều. Có lúc tôi còn được nghe câu “vè” rất … mát ruột :”Bắc Kỳ con, chơi ngon nha mạy” thay cho câu “Bắc Kỳ con bỏ vô lon kêu chít chít….”

    Thật là y như cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều “Cũng trong một tiếng tơ đồng....” mà lúc nghe lạnh lùng áo não khi lại nghe dễ chịu êm đềm.
    Kể từ hôm đó tôi nghiễm nhiên có năm đứa bạn … đồng sanh đồng tử; cho nhau đồ chơi lặt vặt, bẻ chia nhau miếng bánh cục kẹo. Sáu đứa chúng tôi tuy nhỏ con nhưng là “băng đảng” đông nhất lớp, ở đâu cũng có nhau và bênh nhau kịch liệt khiến lũ bạn cùng lớp bực mình gọi chung tụi tôi là Lục Súc!

    Tụi tôi phải vất vả “chinh chiến điêu linh” mãi mới được cải danh thành … Lục Tặc!

    Comment


    • #3
      Thời gian đều đều trôi không ngừng nghỉ. Màu tóc cũng trôi dần theo thời gian; tóc đen nay đã phai thành trắng; thế mà ký ức tuổi thơ vẫn mãi mãi còn thơ. Những mẩu chuyện thời trẻ con ngô ngố rất bình thường rất quen thuộc được kể hoài được nghe hoài sao vẫn hấp dẫn vẫn mới toanh.

      KD Chúc mừng tác gỉa Trần Công Anh Dũng có một tuổi thơ Vui.

      Thân ái
      KimDung

      Comment


      • #4
        Đọc phần 1 bài viết anh Toản chia sẽ phải nhanh chóng tiếp tục phần 2 bởi vì lâu rồi mới đọc được một bài viết tuổi thơ vui hay, hấp dẫn, gợi lại nhiều ký ức ngày xưa!!.

        Cố gắng tìm trong trí nhớ tên trường tiểu hoc Trương Minh Ký của tác giả trên đoạn đường Trần Hưng Đạo quen thuộc, nhưng không nhớ được. Thì ra từ năm 1957, trường tiểu học Trương Minh Kỳ đã đổi tên thành trường tiểu học Nguyễn Thái Học ngày nay, như Wiki: "tên của Trương Minh Ký đã được đặt cho một ngôi trường tiểu học trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1957, trường được đổi tên thành Nguyễn Thái Học".

        Nhìn quãng đường tác giả khi còn nhỏ phải cuốc bộ mỗi ngày thấy rất đáng nể thiệt. Ngoài ra từ nhà ở đường Phan Đình Phùng Bàn Cờ đi đến trường học ở đường Trần Hưng Đạo, có lẽ tác giả cũng rất khó khăn cầm lòng trước những thu hút hấp dẫn của những phim đang chiếu mỗi ngày ở các rạp ciné trên đoạn đường đến trường. Khoảng cách không đến 6 km mà, nếu nhớ không lầm, thì có đến 3 rạp ciné trên đoạn đường đó. Rạp Việt Long trên đường Cao Thắng, rạp Khải Hoàn ở góc đường Cống Quỳnh và Võ Tánh, và rạp Thanh Bình trên đường Phạm Ngũ Lão (chưa kể rạp Đại Nam kế bên trường).
        Click image for larger version  Name:	01-Rạp-Khải-Hoàn.jpg Views:	0 Size:	164.8 KB ID:	22688

        (Hình trên Net)
        Last edited by TuNguyen; 09-13-2020, 04:21 PM.
        Best wishes,

        Comment


        • #5
          Kỳ 3 .
          Gần cuối năm tôi học lớp nhì 3, gia đình tôi được “đoàn tụ” nhờ “Tổng Thư Ký Liên Hiệp … Bà Con” là anh Hai của Mẹ tôi gúp đỡ. Anh Hai của Mẹ tôi, tôi kêu bằng cậu Hai là một người khôn ngoan theo đúng nghĩa chữ ngoan là tốt bụng. Ông không giàu có hoặc thế lực gì cả nhưng rất được nể vì từ trong họ đến “ngoài làng”.Cậu Hai tôi sống lâu năm ở Saigon và rất biết cách “mần ăn”, nhưng ông không thích “khai thác” điêu ông biết mà thường chỉ đem những hiểu biết ấy ra bày biểu và thu xếp cho người nào cần giúp đỡ.thôi.
          Dưới sự hướng dẫn và sắp đặt của cậu Hai, bố mẹ tôi đã có sinh kế “cứng cáp” hơn vưà đủ sức gom mấy anh chị em chúng tôi về sum họp dưới một mái một nhà. Đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ có gác, vách ván nóc lợp tole trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) cách khoảng 150 mét với nơi gặp của Đại Lộ Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm) Nơi đó gọi là Ngã Tư Phú Nhuận, khi đó còn thuộc về Tỉnh Gia Định.
          Ngã Tư Phú Nhuận trong tâm hồn tôi vĩnh viễn là nơi cắt nhau của hai con đường Võ Tánh và Võ Di Nguy, tên hai vị danh tướng của Chúa Nguyễn (còn hai cái tên hiên nay, đang ở trong ngoặc của những dòng này là hai ông nào bà nào, tôi mà biết thì … không phải là chết liền mà chết 24/7/365!).
          Tôi vẫn đi học ở trường Trương Minh Ký, nhưng không đi bộ nữa (đi gì nổi!), mỗi ngày tôi đi học và về nhà bằng xe buýt Saigon – Phú Nhuận. Mỗi chiều đi, về mất khoảng 30 phút, tôi chỉ mỏi chân đứng chút thôi vẫn “phẻ” hơn nhiều so với việc gò chân đi bộ. Mỗi chiều đi và về tôi phải trả 1 đồng tiền vé, người lớn trả vé 2 đồng. Thỉnh thoảng có người lớn tử tế ngồi băng ghế 2 người, cho tôi vào ngồi giữa chuyến đó tôi không phải trả tiền, có thêm một đồng để ăn quà, thật là hạnh phúc. Vâng hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản vậy thôi. Lúc đó mà tôi biết viết nhạc chắc chắn cái câu “tôi nào mộng mơ quyền quý cao sang” không tới phiên nhạc sĩ Lê Dinh đem vô bài Tuyết Lạnh (Tại anh đó nên duyên mình dở dang…)
          Đi học bằng xe bus cho tôi nhiều thú vị và từng ngày mở mang nhiều kiến thức đời sống đường phố cho tôi. Thời đó tất cả các tuyến xe bus đều đổ về đậu rải rác các góc dường kế cận bùng binh chợ Bến Thành; xe bus Phú Nhuận của tôi đậu ở rìa ngoài mé bên kia bùng binh nhìn từ cửa Nam (có đồng hồ), nói cách khác tức là bãi đậu xe đó ở khoảng giữa, một bên là bùng binh và một bên là đường Phạm Ngũ Lão. Khi xe bus tới bến, tôi ôm cặp băng qua đường Phạm Ngũ Lão rồi men theo đường này ra Đại Lộ Trần Hưng Đạo mà đi tới trường, quãng đường chừng nửa cây số.
          Xe bus Saigon nói chung và xe bus lộ trình Phú Nhuận Saigon nói riêng là một phần đầy xúc cảm không thể quên trong kỷ niệm thiếu thời của tôi. Ôi thôi, tôi sắp lạc đề rồi, không stop ngay lại tôi sẽ “lái” những xe bus của Saigon xa xưa đưa người đọc theo tiếng nhạc của ông Thanh Sơn đi … “ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng” ! (mà , chắc ai cũng vậy, những phút giây chạnh lòng trong quá khứ thôi thì hằng hà! Đa số những “chạnh lòng” đó đều buồn buồn man mác, tiếc nuối, lênh đênh, dang dở, băn khoăn, không biết gìờ “người ta” ra sao….!!! Lại lạc qua … đề khác nữa rồi!!!)


          XXXXXX

          Trở lại việc “hội nhập” tôi làm quen và khá nhanh chóng “thấu đáo” (một cách vô thức) với cách nói của “người Saigon” kể cả “người Saigon”lớn (như các thầy cô giáo trong trường, các người đồng hành xe bus và các bác tài, các chú bán vé xe) cũng như “người Saigon”nhỏ cùng lớp với tôi; tôi không chủ ý học mà “sinh ngữ Saigon” hằng ngày “thấm” vào tôi một cách lặng lẽ mà rất nhanh chóng.
          Trong tôi dường như có một …hộp điều khiển chuyển hệ ngôn ngữ xuôi ngược 2 chiều tiếng Nam ra tiếng Bắc và ngược lại. Cơ chế sự điều chỉnh tự động đó như thế nào tôi không biết, không hề chủ động, nhưng không lâu sau tôi viết chính tả đúng luôn luôn bất chấp người đọc là ai giọng Bắc hay Nam cũng vậy.
          Tuy ở trong lớp tôi đã được tự nhiên như ở giữa anh em nhà, ((về hai chữ “tự nhiên” hồi đó chưa có “tân tục ngữ” (tục thật!!!) tự nhiên như người Hà Nội” như ngày nay)) nhưng tới giờ tan học ra về tôi vẫn còn gặp nạn, thường xuyên bị một nhóm bốn đứa lớp Nhất nhà ở gần trường theo nạt nộ chọc ghẹo.
          Tan học ra tôi phải ôm cặp đi bộ dọc theo đường Trần Hưng Đạo đi qua khỏi rạp Đại Nam hướng về chợ Bến Thành, tới bến đậu của các xe bus về Phú Nhuận. Bọn “sách nhiễu” luôn đón tôi trên lộ trình này để “hành hạ” tôi. Chúng vây quanh tôi đứa trợn mắt chu mỏ, đứa phồng má hếch mũi đồng lọat kêu be be những câu “pha tiếng” nghe rất … “chửi cha” đại loại như :”Bat Kỳ ăn cá zô cây, ông giời giả báo hàm răng đen thùi” hay là “Bát Kỳ ăn cá zô cây, ăn nhằm lựu đạn chết ngay Bát Kỳ…” Tôi cự lại hay lặng thinh, tôi đứng lại hay ù té chạy chúng cũng không buông tha cứ bám theo dai nhằng không có cách nào dứt được.
          Một hôm tôi tìm được một cách khác ra khỏi trường mà chúng không biết; tôi lẩn qua rào phía chuồng nuôi gà và dàn mướp nhà chú lao công trường rồi “zọt” qua cổng sau nhà chú và đổ ra đường Hồ Văn Ngà (tên cũ là Hamelin). Đường Hồ Văn Ngà là đường nhỏ ở mặt sau của trường song song với đường Trần Hưng Đạo. là đường thuộc loại dãy phố nhà ở không buôn bán khang trang và yên tĩnh. Tôi bình tâm tha thẩn trên đường này khi tới đường Ký Con, còn yên tâm ghé mắt vào cửa rạp Rex xem hôm nay chiếu phim gì.
          Tới đây, tôi “long trọng” chấm xuống giòng và ngừng lại chờ những người chưa tới 70 tuổi, và hồi đó ít có dịp đi đó đi đây, la oái oái là tôi viết tầm bậy!!! “Rạp Rex to đùng huy hoàng tráng lệ trên Đại Lộ Nguyễn Huệ trước Tòa Đô Chánh còn sờ sờ ra đó chứ sao lại nói là ở trong góc đường nhỏ xíu vậy được!!! (Đường đã nhỏ xíu còn mang tên Ký …Con nữa!)
          Không , không tầm bậy đâu các bạn. Cái rạp Rex đó nhỏ thôi, chỉ như một căn nhà góc phố bình thường không trang hoàng gì ở mặt ngoài thậm chí không có tiền sảnh, Chỗ bán vé và treo tranh ảnh phim chiếu trong ngày chỉ khoảng 2met x 3 mét. Tôi tin chắc nó không phải là tiền thân của rạp Rex lớn sau này, chỉ là cái tên nghe hay mà không có cầu chứng độc quyền thì ai thích cứ lấy mà xài cũng … đặng; hơn nữa, vài tháng sau, khi tôi lên lớp Nhât, rạp Rex nhỏ đã dổi tên thành rạp Long Duyên rồi cho nên rạp Rex lớn thoải mái xài cái tên đó cho tới ngày nay.
          Trở lại chuyện tôi trên bước đường “đào tỵ”.
          Khi đến Ngã Tư Rex , tôi rẽ trái sang đường Ký Con đi một khúc ngắn ra tới Đại lộ Trần Hưng Đạo tới đây tôi quẹo phải chỉ 5-6 phút đi bộ nữa trên lề Đại Lộ Trần Hưng Đạo tôi sẽ tới bến xe bus an toàn và thoải mái; tha hồ cho bọn “Tứ Tiểu Ác Nhơn” kia chờ mỏi trông mòn tôi ở cổng chính đổ ra đường Nguyễn Thái Học.
          “Huê Dung Tiểu Lộ” Hồ Văn Ngà giúp tôi yên thân được đúng hai ngày, đến ngày thứ ba, tôi xui xẻo bị chúng lùng tìm ra.
          Khi trông thấy tôi chúng gọi nhau inh ỏi: “Nó đây nè, thằng Bắc Kỳ con nó đây nè!!!”, một thằng ùa đến lên giọng thủ lãnh “hỏi tội” tôi: Mày ngon há thằng kia, 2 bữa nay dám trốn tụi “ông” (thằng này là thằng nhái giọng Bắc Kỳ nghe khó chịu nhất)
          Tôi lột mũ xuống ôm chung với cặp ù té chạy hết tốc lực, ngực đánh trống lô tô, than khổ thầm, biết rằng hôm nay là ngày đen tối nhất của mình vì chúng sẽ “hành … trả bữa” bù lại 2 ngày tức giận. Tiếng cười la inh ỏi của bọn chúng "đồng hành" sát một bên tôi, chúng ong ỏng kể ra “menu” các món chúng sẽ “sẹc via” cho tôi ngay khi một hoặc 2 thằng trong bọn đã vượt qua và chặn đầu tôi.
          -- Bắc Kỳ con đứng lại! Mày chạy tao bẻ giò thành Tôn Tẫn!
          -- Cho nó lỗ mũi ăn trầu ha ha ha!
          -- Cái đầu xỉa thuốc nhen em! Bắc Kỳ Con
          -- Bữa nay tụi tao cho mày tởn tới già nhen!!
          Tôi chạy sao cho thoát!!!

          (Viết tới đây là tui đang chạy trối chết đó, chờ tui ... hồi tỉnh mới kể tiếp được nha bà con)???nói

          ( Trần công anh Dũng)

          Comment

          Working...
          X