Viện bảo tàng ở lầu Sáu - The Sixth Floor Museum
Dallas - Fort Worth (DFW) là thành phố lớn cuả Texas và US, chỉ cách Austin 4 tiếng lái xe, tuy có người thân và bạn bè ở đây, nhưng thường là ghé nhà thăm chứ chưa bao giờ biết phố xá DFW có gì. Đầu tháng Mười vưà qua, HT có 1 tuần lễ trong 'downtown' Dallas - Fort Worth để biết thêm chút xiú về tiểu bang mình đang sống. Thầy cô và bạn hưũ định cư tại DFW cho HT tào lao những chuyện mà ai nấy cũng biết ở DFW.
Nào tới giờ cứ mỗi lần phải có chuyện vô 'downtown' cuả mấy thành phố bành ky là ái ngại vô cùng, vì nạn kẹt xe hay kiếm chổ đậu xe. Sau nưả năm cả thế giới ngất ngư với Covid-19, DFW cũng nằm chung số phận, nên giờ đây, DFW như thành phố chết (ghost town). Công sở vắng như chùa bà Đanh vì nhân viên làm ở nhà. Mấy toà cao ốc như nhà băng hay các cơ quan tài chính thứ dữ, nhân viên làm ở nhà. Khách sạn HT ở hơn trăm phòng, parking garage chỉ trên dưới 20 chiếc xe. Thử nghĩ một cách đơn giản, mình đang bị bệnh hành xấc bấc xang bang thì thiết tha hứng thú gì ăn uống, đi chơi, đi học, đi làm. Thành ra ngày nào còn Covid-19 hoành hành, dân tình bệnh hoạn tùm lum thì mọi chuyện khác thuộc hàng thứ yếu, dù chính quyền có cho mở cưả 100%, đố ai dám đi. DFW vắng tanh, cảnh buồn lắm, không ai dám nói chuyện với ai, nhiều nhà hàng còn đóng cưả, chỉ những tiệm bán thức ăn nhanh hay bình dân mở cưả lai rai. Viện bảo tàng mới mở cưả chỉ vài ngày trong tuần với thời gian hạn chế và số người vào xem cũng giới hạn ở mức 25%.
Dealey Plaza, một công viên không lớn lắm nhưng có điạ vị lịch sử, nằm trong khu West End cuả Dallas. Dealey Plaza được ví như cái nôi cuả Dallas, vì tại mảnh đất này, vào thưở ban đầu cuả thành phố, toà án, bưu điện, trạm xe lưả... nằm rải rác xung quanh, rồi từ đó phát triển rộng lớn tới ngày nay. Sau này con cháu chủ nhà hiến tặng khu này cho Dallas để xây công viên. Và để vinh danh dòng họ Dealey – nhà phát hành nhật báo nổi tiếng The Dallas Morning News, người đấu tranh cho Nhân quyền- người ta đặt tên công viên này là Dealey Plaza.
Hồi xưa Dealey Plaza là cưả ngỏ vào Dallas cho những ai đến từ phiá Tây, vì nó nằm ở West End cuả Dallas. Có ba con đường chính xuyên qua Dealey Plaza: Main, Commerce và Elm St. Cách đây hơn nưả thế kỷ, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại đường Elm trong khu Dealey Plaza. Người ta sơn hai dấu X trên đường Elm, cách nhau chừng mươi thước, đánh dấu đó là nơi xe chở JFK bị trúng đạn. Về sau này, đây cũng là nơi dân chúng tụ tập biểu tình chống chiến tranh VN, đòi hỏi Dân Quyền... Và từ đó tới nay, du khách tới đây phần lớn để chiêm nghiệm những sự kiện lịch sử đó. Gần Dealey Plaza có Kennedy Memorial, chỉ là bốn bức tường thấp, phiá trên và bên trong để trống, tượng trưng cho tinh thần tự do cuả JFK.
Viện bảo tàng The Sixth Floor Museum, chổ Oswald đặt súng ám sát Tổng thống Kennedy mới mở cưả lại vài tháng nay vì nạn Covid. Bạn phải mua vé trước trên Internet và khách vào xem theo ngày giờ ghi trên vé. Thang máy đưa bạn lên lầu Sáu trưng bày hình ảnh, dữ kiện về gia đình Kennedy, những sự kiện quan trọng trong thời gian tham chính, nơi Oswald đặt súng bắn chết ông.... Lầu Bảy là nơi triển lãm tranh ảnh có liên hệ ít nhiều tới Kennedy. The Sixth Floor Museum không lớn lắm nhưng bạn cần vài tiếng hay trọn buổi sáng ở đây.
Cách đây khá lâu, T mượn ở thư viện cuốn phim Thirteen Days dưạ trên sự kiện lịch sử. JFK mới lên ngôi chưa được hai năm, chiến tranh lạnh đang hồi gay cấn, Nga thấy JFK và chính quyền cuả ông còn non trẻ, đem hoả tiển tầm xa tới Cuba nhằm đe doạ, khiêu khích Hoa Kỳ. Các tướng lãnh trong Bộ Quốc phòng Mỹ, toàn những người muốn chiến hơn hoà, muốn diệu võ giương oai với Nga Sô, đánh chiếm luôn Cuba. JFK đã từng tham chiến trong Thế chiến thứ Hai, hiểu thảm hoạ cuả chiến tranh, e ngại nguy cơ cuả một Thế chiến nếu đối đầu với Nga bằng hoả lực. Ông muốn Nga rút hoả tiễn ra khỏi Cuba qua đường lối thương thuyết thay vì vũ trang và ông đã thành công sau mười ba ngày căng thẳng bằng giải pháp mong muốn. Có dịp bạn tìm xem Thirteen Days và những phim tài liệu liên quan đến sự kiện Cuban Missile Crisis để thấy thái độ điềm tĩnh nhưng cương quyết và sáng suốt cuả ông khi lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn sóng dữ.
Ở viện bảo tàng này, HT để ý đến những gì Kennedy sáng lập và để lại cho hậu thế hơn là vụ ông bị ám sát. JFK là vị tổng thống trẻ trung, bề ngoài thuộc loại 'Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.' nên nhiều người nghĩ kinh nghiệm giữ nước và dựng nước chắc cũng non nớt như tuổi đời cuả ông. Tuy thời gian tham chính ngắn ngủi chưa tới ba năm, nhưng ông đã cống hiến cho đất nước những tư tưởng mới mẻ, nhiều công trình cao đẹp, mà tầm ảnh hưởng còn lan toả tới tận ngày nay.
Chương trình khám phá vũ trụ, đưa người thám hiểm mặt trăng, là điểm thăng hoa cuả NASA do JFK đề xướng và được sự hổ trợ cuả những chính phủ tiếp nối ông và còn vang vọng tới ngày nay và ảnh hưởng nhiều quốc gia trên thế giới.
Một thế kỷ sau ngày giải phóng nô lệ, người da đen sinh ra và lớn lên ở xứ này vẫn chưa thực sự có được những điều ghi trong Hiến pháp: 'Mọi người sinh ra đều bình đẵng.' Người da trắng coi mình là giai cấp thượng đẵng, và dù đã ở vị trí thượng tôn mà họ còn sáng chế mọi luật lệ có lợi cho giai cấp da trắng để các chủng tộc khác không cách chi ngấc đầu lên nổi, và công quyền lúc bấy giờ toàn nằm trong tay dân da trắng (Jim Crow Laws). JFK với tinh thần phóng khoáng và tấm lòng nhân bản, kêu gọi người Mỹ nên thấy rằng Dân Quyền (Civil Rights) là vấn đề lương tri và hãy góp phần vào việc phát triển Dân Quyền. Nhờ sự cởi mở cuả chính quyền Kennedy, người da đen đã đứng lên đấu tranh cho Dân Quyền, những quyền mà ngày nay - chúng ta - những người tị nạn (bây giờ là 'Mỹ giấy') - may mắn được hưởng một phần nào đó. T coi phim Hidden Figures, The Help, The Long Walk Home, hay những phim tài liệu về đấu tranh Dân quyền ... mới thấy xã hội Mỹ ở thập niên 60s, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại và âm ĩ tới ngày nay.
Từ đầu thế kỷ 20, nhất là trong hai trận Thế chiến, nhiều người Mỹ làm việc thiện nguyện, giúp đở những người kém may mắn ở những xứ nghèo khó, nhưng đó chỉ là những hoạt động có tính cách cá nhân chứ chưa có được một tổ chức rộng lớn, quy cũ, hay được sự hổ trợ cuả chính phủ. JFK sáng lập ra Đoàn Thanh Niên Thiện chí (The Peace Corps) trong tinh thần rộng rãi hơn câu nói bất hủ trong diễn văn nhậm chức: ''Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country." Ông kêu gọi thanh niên sinh viên Mỹ có trình độ học vấn và lòng nhiệt huyết (thường là những người đã qua ngưỡng cưả đại học, tham gia vào các công tác xã hội, làm việc thiện nguyện ở những nước chậm tiến, giúp đỡ dân chúng, nâng cao đời sống về kiến thức, vệ sinh, y tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, chăn nuôi trồng trọt.... nhờ đó phát triển nền hoà bình và tình hưũ nghị giưã Hoa Kỳ và các quốc gia nhỏ bé, hẻo lánh... Và đã có rất nhiều thanh niên tham gia chương trình này trong các thập niên vưà qua. Miền Nam VN vào những năm 60s, 70s đã từng được sự giúp đỡ cuả The Peace Corps, hay những ngày ở trại tị nạn trong những lớp Anh văn vỡ lòng (ESL), đánh máy, cắt may.... Thưở đó, hình ảnh Mỹ quốc với lòng nhân ái đón nhận và giúp đỡ những người trót sinh ra ở những nơi kém may mắn đã đem đến nhiều cảm kích trong lòng HT.
Trên lầu bảy trình bày những hoạ phẩm về JFK. HT chú ý tới bức hình cuả hai ông bà. Đứng xa giống như hình chụp chân dung, tới gần mới thấy người nghệ sĩ dùng những bức hình bé li ti cuả ông ghép thành chân dung cuả bà và ngược lại.
Người Mỹ đã một thời hãnh diện vị Tổng thống trẻ trung, lịch sự, nho nhã và Đệ nhất phu nhân cuả ông thật yêu kiều, đài các. Trong các Đệ nhất phu nhân cuả Mỹ quốc, T thích nhìn ngắm Jackie Kennedy với dáng dấp thanh tú cùng nụ cười khả ái và ngưỡng mộ Eleanor Roosevelt về nét đẹp tâm hồn.
~ 0 ~
Comment