Tại sao Nga tập trung vào Mariupol?
Mỹ cho biết hôm thứ Ba rằng khoảng 76 tiểu đoàn chiến thuật - các đơn vị thiết giáp, bộ binh và phòng không kết hợp của Nga - đang hoạt động bên trong Ukraine, với khoảng 12 trong số này tập trung vào cuộc tấn công ở Mariupol.
Nếu thành phố thất thủ, Nga sẽ có thêm 10.000 quân rảnh tay tham gia cuộc tấn công tập trung của Nga vào khu vực Donbas.
Chiến thắng cũng sẽ cho phép Moscow liên kết Bán đảo Crimea đã sáp nhập với khu vực các lực lượng ly khai ở phía đông.
Nếu Mariupol bị chiếm, Nga sẽ có toàn quyền kiểm soát Biển Azov, cắt đứt giao thương hàng hải.
Sự sụp đổ của Mariupol sẽ mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin một cơ hội tuyên truyền lớn.
Lực lượng của ông ta mới chỉ chiếm được một thành phố lớn của Ukraine - Kherson - và việc chiếm được Mariupol sẽ cho phép Điện Kremlin nói rằng Nga đang đạt được các mục tiêu.
Việc bắt giữ lính của tiểu đoàn Azov cũng sẽ cho phép ông Putin khai thác câu chuyện vô căn cứ của mình rằng chính phủ Ukraine đã bị "phát xít" xâm nhập. (Theo BBC)
Ảnh minh họa: Một chiéc xe tăng của quân đội Nga bị phá hủy ở ngoại ô Kiev. Ảnh chụp ngày 11/04/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Ông James Heappay, thứ trưởng quốc phòng Anh khi trả lời nhật báo Le Monde hôm 19/04/2022 đã nhấn mạnh đến những sai lầm trong tính toán và sự kiêu ngạo của chính quyền Nga khi đưa quân xâm chiếm Ukraina.
Le Monde : Mariupol sắp thất thủ. Ông rút ra những kinh nghiệm nào cho diễn tiến tiếp theo của cuộc chiến ?
James Heappay: Tình hình rất bấp bênh. Cần phải nhìn mọi việc trong một bối cảnh rộng hơn. Nga kiểm soát biển Azov, như vậy hải cảng trên biển này không còn tầm quan trọng chiến lược như trước. Kháng chiến của người Ukraina ở Mariupol đã làm hao mòn một phần rất lớn nguồn lực quân sự của Nga, một số đơn vị thuộc loại tinh nhuệ nhất gởi đi từ Crimée và quân khu miền nam nay không còn khả năng chiến đấu. Trận đánh Mariupol đã đặt ra cái khung cho những gì sau này có thể trở thành một cuộc chiến quân bình hơn giữa lực lượng Ukraina và Nga ở miền đông.
Việc Mariupol thất thủ, nếu được xác nhận, không làm thay đổi nhiều về mặt chiến lược. Nếu là người Ukraina, tôi sẽ coi việc bảo vệ Mariupol là sự kiện quan trọng khiến Nga phải xem lại tham vọng lãnh thổ của mình và điều chỉnh kế hoạch. Nó giúp Ukraina giảm bớt mối đe dọa cho phần còn lại của đất nước, và bắt đầu trận đánh Donbass với nhiều cơ hội thành công hơn.
Ông dựa vào đâu để nói rằng lực lượng Ukraina có thể chiến đấu hiệu quả hơn ở Donbass ?
Tôi chắc chắn rằng họ có khả năng. Quân đội Nga bị mất tinh thần, không biết mục tiêu là gì, được lãnh đạo rất tệ - đã có những trường hợp lính chống lại cấp trên vì các quyết định sai lầm trên thực địa. Đặc trưng của lãnh đạo chính trị trong chiến dịch này là tính kiêu ngạo, và sự kiêu căng này đặc biệt gây trở ngại cho kế hoạch quân sự. Thế nên tôi tin tưởng sâu sắc là người Ukraina có thể kết thúc cuộc chiến theo điều kiện của mình, và Anh cũng như nhiều nước khác quyết định cung cấp cho Kiev những gì cần thiết để đạt đến việc này.
Anh quốc hỗ trợ quân sự thế nào cho Ukraina ?
Đó là cả một quá trình. Chúng tôi bắt đầu vào tháng Giêng với vũ khí chống tăng vác vai, vài loại vũ khí hạng nhẹ và thiết bị liên lạc. Vào lúc đó, tất nhiên chúng tôi muốn giúp Ukraina phòng vệ, nhưng chủ yếu nghĩ đến những gì thiết thực trong công cuộc kháng chiến tiếp theo, vì cũng như mọi người, cho rằng sức mạnh Nga sẽ thống trị ngay từ đầu. Rồi sau đó chúng tôi cung cấp hệ thống phòng không, chủ yếu là hỏa tiễn vác vai. Tiếp đến lại đi xa hơn nữa : giờ đây chúng tôi dự kiến hỗ trợ khả năng chống chiến hạm, đạn dược bổ sung, gởi các xe bọc thép, và cổ vũ các nước Trung Âu sở hữu các loại vũ khí thời Hiệp ước Vacxava nên nhượng lại, vì lực lượng Ukraina sẽ dễ dàng sử dụng hơn vũ khí của chúng tôi hoặc của Pháp. Trong việc chuyển nhượng này, vai trò của Anh là bù đắp lại những thiết bị đã được giao.
Anh có tiếp tục huấn luyện các quân nhân Ukraina không ?
Chiến dịch Orbital (huấn luyện quân đội Ukraina) bắt đầu từ năm 2015, sau khi Crimée bị chiếm. Từ đó đến nay, chúng tôi thường xuyên gởi người đến Ukraina, đã đào tạo trên 22.000 quân nhân, và sẽ tiếp tục. Một số đã đến Anh để học cách sử dụng những xe bọc thép mà chúng tôi sẽ gởi sang. Các quân nhân Anh ở Ba Lan cũng huấn luyện người Ukraina về các giàn hỏa tiễn. Chúng tôi liên lạc hàng ngày với bộ Quốc Phòng Ukraina ở các cấp.
Khi gia tăng viện trợ quân sự, quý vị có lo ngại đến mức nào đó sẽ trở thành một bên đồng tham chiến ?
Không có định nghĩa pháp lý nào về việc cùng tham chiến. Nga có thể đã coi chúng tôi cùng với Pháp và một số nước khác là đồng tham chiến rồi, nhưng tất cả không nghĩ như vậy. Cần phải đặt ra một vấn đề rộng hơn : làm thế nào cân bằng lại nguy cơ leo thang ? Cứ phải chỉnh đốn thường xuyên. Tôi cá với bạn rằng bộ tham mưu ở Paris cũng như Luân Đôn, khi thấy đoàn xe bọc thép Nga dài đến 60 kilomet ở phía bắc Kiev đều rất bức xúc, vì biết rõ làm cách nào để chấm dứt cuộc chiến tranh này, chúng ta tiêu diệt đoàn xe và thế là xong ! Nhưng đó lại không phải là cuộc chiến của chúng tôi. Cần bảo đảm duy trì sự phân biệt này.
Một cách tự nhiên, sự phối hợp giữa thành công của kháng chiến Ukraina - từ hoạt động hiệu quả của tổng thống Zelensky trong việc tạo được tình liên đới, đến sự phẫn nộ trước những gì chúng ta đã chứng kiến - những vụ hãm hiếp, bắn pháo bừa bãi vào thường dân, kích thích phải hành động nhiều hơn nữa. Thế nên cách thức chúng tôi ngăn ngừa leo thang thay đổi thường xuyên. Chúng tôi quyết định tập thể rằng không can dự tích cực vào cuộc chiến này, thế nên không thể gởi phi cơ để buộc tôn trọng vùng cấm bay vì như vậy sẽ tiếp xúc trực tiếp với máy bay Nga.
Tại sao dù có nhiều thông tin tình báo là chiến tranh sẽ nổ ra, quý vị lại lầm lẫn về sức mạnh trên thực tế của quân đội Nga ?
Đúng là chúng tôi có những thông tin chính xác về việc Nga chuẩn bị chiến tranh. Biết được kế hoạch đó như thế nào, biết rằng Vladimir Putin muốn chiếm Kiev trong vòng ba ngày và lật đổ chế độ...Khá là tham vọng. Chúng tôi gần như chắc rằng Putin không thể chiếm được Kiev trong ba ngày mà phải hai, ba tuần lễ...Nhưng nhiều điều đã diễn ra.
Trước hết, việc thực hiện kế hoạch của Nga không hoàn toàn ở mức độ dự kiến. Đáng chú ý nhất là Nga vạch ra các giai đoạn dựa theo thế thượng phong trên không, mà họ lại không đạt được việc làm chủ bầu trời. Nhưng dù vậy họ vẫn tiếp tục kế hoạch cũ : tung ra chiến dịch trên bộ trong khi chẳng hề kiểm soát được không phận, thật là kỳ quái ! Chúng tôi không dự đoán được sự bất tài đến mức đó !
Ông có thể giải thích thế nào ?
Điều đầu tiên mà chúng tôi được học tại học viện quân sự Sandhurst (Anh) hay Saint-Cyr (Pháp), là những kế hoạch tốt nhất không trụ được khi tiếp xúc với kẻ địch. Nhà lãnh đạo quân sự vạch ra kế hoạch khi tham chiến với mục đích cụ thể và với niềm tin, nhưng cũng phải biết thích ứng với những sự kiện diễn ra xung quanh. Và chúng tôi có cảm tưởng những diễn biến trong bốn tuần đầu cuộc chiến ở Ukraina cho thấy phía Nga vẫn duy trì kế hoạch, dù đã thất bại trong nỗ lực chiếm ưu thế trên không và hậu cần thì rất thiếu thốn.
Không quân Nga hoàn toàn có thể khống chế được bầu trời. Có lẽ nếu Nga chờ thêm 48 giờ nữa trước khi chuyển qua giai đoạn kế tiếp thì đã đạt được rồi. Và giờ đây hàng ngàn lính Nga đã chết vì hệ thống chỉ huy tệ hại một cách thảm thương.
Một điểm khác mà tình báo khó thể dự đoán được, là cách thức người dân Ukraina tập hợp dưới cờ. Hồi tháng Giêng, chúng tôi biết lực lượng Ukraina có trình độ cao, nhưng không hề nghĩ đến lực lượng phòng vệ lãnh thổ - tất cả những thường dân đã đến trình diện để nhận vũ khí, cộng với niềm tin đáng kinh ngạc mà ông Zelensky đã biết khơi dậy...Đó là những gì đã diễn ra : một sự phối hợp giữa sự bất tài của giới quân sự Nga, sự ngạo nghễ của Putin, tài lãnh đạo của Zelensky và lòng can đảm tuyệt vời của dân tộc ông. (Source RFI)
Chiến tranh Ukraina : Liên Âu hứng chịu hệ lụy, Hoa kỳ hưởng lợi
Nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Dominion's Cove Point, ở Vịnh Chesapeake, Maryland, Mỹ, ngày 05/02/2014.Reuters - Reuters Staff
Cuộc chiến tranh tại Ukraina vẫn tiếp diễn khốc liệt và chưa có bất kỳ một giải pháp ngoại giao nào để hy vọng chấm dứt. Hai bên tham chiến cũng như các bên liên quan đều đã và đang phải chịu những thương vong và thiệt hại kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Hoa Kỳ vẫn là bên đắc lợi từ cuộc xung đột.
Các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, vẫn tiếp tục hậu thuẫn mọi mặt cho Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga. Trong bối cảnh hiện nay, chưa thể nói bên nào đạt được mục đích cạnh tranh địa chính trị hay tính toán hơn thiệt, nhưng những tổn thất về kinh tế đối với các nước Liên Âu (EU) đã có thể cảm nhận rõ trên nhiều khía cạnh. Trong khi đó, tổn thất mà Mỹ phải chịu liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina không lớn lắm, mặc dù việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga gây ra một số khó khăn nhất định. Trái lại, Washington còn có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraina trên các lĩnh vực từ khí đốt, công nghiệp vũ khí, cho đến nông nghiệp.
EU đang đau đầu tính toán những thiệt hại và tổn thất do việc cắt đứt nhiều mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga, chưa kể đến gánh nặng phải đón nhận người tị nạn Ukraina. Thách thức lớn với khối này là tìm nguồn cung thay thế cho dầu mỏ, khí đốt, nguyên vật liệu cơ bản của Nga trên thị trường châu Âu. Cùng lúc, Hoa Kỳ vẫn thúc ép các nước Liên Âu phải cấm vận hoàn toàn dầu lửa và khí đốt của Nga. Hôm 25/03 vừa qua, tại thượng đỉnh với các nước Liên Âu ở Bruxelles, tổng thống Joe Biden hứa hẹn giúp châu Âu giải bài toán năng lượng bằng cách cung cấp khí đá phiến của của Hoa Kỳ để, trong lâu dài thay thế cho 30% tiêu thụ khí đốt mà EU vẫn phải nhập từ Nga lâu nay.
Ngay lập tức, tại Hoa Kỳ, các nhà sản xuất khí hóa lỏng (GNL) đã nhìn thấy cửa làm ăn lớn. Họ gia tăng áp lực với chính phủ Biden để có được các nhượng bộ mới trong việc phát triển đầu tư vào các mỏ khai thác khí đá phiến. Theo Le Figaro, các tập đoàn lớn của Mỹ như ExxonMobil và Qatar Energy sẽ đưa vào hoạt động khu khai thác khí đá phiến khổng lồ tại bang Texas vào năm 2024. Như vậy, khoản đầu tư 10 tỷ đô la của họ giờ đây đã được bảo đảm sinh lời nhờ các khách hàng châu Âu.
Mặt khác, chiến tranh Nga-Ukraina giữa lòng châu Âu sẽ khiến EU phải tăng chi tiêu cho quốc phòng. Chỉ ít ngày sau khi chiến tranh nổ ra, Đức đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự, hiện đại hóa quân đội. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết dự định chi 100 tỷ euros để hiện đại hóa quân đội Đức. Quyết định đầu tiên của ông đã không làm ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hài lòng : Berlin thông báo mua 35 chiến đấu cơ F-35 của nhà chế tạo Mỹ Lockheed Martin để thay thế cho phi đội Tornado.
Ngoài ra, quân đội nhiều nước châu Âu cũng đã có ý định bổ sung cơ số cho đội máy bay vận tải quân sự, hiện chủ yếu là loại Antonov 124 do Ukraina chế tạo hoặc A400M của Airbus, bằng loại C-17 của tập đoàn Mỹ McDonnell Douglas. Chưa hết, ngay cả nhà chế tạo của châu Âu, Airbus, đang làm chủ dự án Eurodrone, chế tạo các máy bay điều khiển từ xa (dronne) bay ở độ cao trung bình và có tầm hoạt động xa hơn, mới đây đã thông báo sẽ sử dụng động cơ của tập đoàn Mỹ General Electric cho sản phẩm nguyên mẫu sắp tới.
Đáp ứng lời kêu cứu của tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Ukraina cần « vũ khí, vũ khí và vũ khí », Washington đã không ngần ngại bổ sung các khoản viện trợ quân sự cho Kiev, giờ đã lên tới hàng tỷ đô la và số tiền này sẽ được đổ về túi các nhà công nghiệp chiến tranh Mỹ chứ không phải ai khác.
Bên ngoài cuộc chiến tranh, người ta đang nói đến nhiều đến viễn cảnh khủng hoảng lương thực thực phẩm và thường nhắc lại rằng trước khi chiến sự nổ ra, Nga và Ukraina cung cấp 25% nhu cầu lúa mì của thế giới. Lúc này Nga không bán được lúa mì vì bị trừng phạt, lúa mì của Ukraina thì nằm im trong kho cảng bên Biển Đen. Hậu quả là giá lúa mì tăng đến 30% từ tháng Giêng đến tháng Ba. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm toàn cầu.
Trong bối cảnh thị trường lương thực chỉ có thể tăng nữa như lúc này, theo giới quan sát, các nhà nông nghiệp Mỹ, vốn được chính quyền Biden trợ giá sản xuất rất lớn, sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh trên thị trường phân phối lương thực thế giới. Năm 2021, nông nghiệp Mỹ đã đạt kỷ lục xuất khẩu 177 tỷ đô la nông sản. Nếu cuộc chiến Nga-Ukraina còn kéo dài, chắc chắn danh hiệu « vựa lúa thế giới » sẽ được chuyển cho vùng Trung tây (Midwest) của Hoa Kỳ. (Source: RFI)
Comment