Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tạp ghi Quỳnh Giao

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Đọc bài của Trúc đăng về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm chị nhớ lại thời đi học ở trường xưa trung học Nguyễn Huệ-Tuy Hòa. Thứ hai nữ sinh áo dài màu xanh da trời, quần trắng, và nam sinh thì đồng phục trắng. Các ngày khác trong tuần thì nữ sinh áo dài trắng, quần trắng còn nam sinh thì quần tây xanh, áo trắng. Thời đó, chị và một số bạn bè cùng trang lứa rất là thích hát nhạc TCS, có lẽ do cảnh tình, sông núi và biển của quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên.

    Chị đã để dành tiền ăn sáng để mua sách đọc và mua các tập nhạc TCS..vẫn còn nhớ được những tập nhạc ấy bìa trắng, chữ đen không có màu mè như sau này. Chị nhớ tới người anh, con của cô, ở Phan Rang, ảnh đa tài và lãng mạn lắm..cũng thích vẽ vời, làm thơ, ca hát như anh Cường. Anh ấy mua thêm cho chị vài tập nhạc của Từ Công Phụng, Vũ Đức Sao Biển (không biết còn nhớ đúng hay không?), Vũ Thành An, Phạm Duy, Lê Uyên&Phương nhờ vậy mà ngoài nhạc TCS chị mới biết thêm các bài hát khác từ các nhạc sĩ ấy. Chứ với gia đình đông con cái như gia đình chị thì mấy chuyện này có phần nào xa xỉ. Có một người bạn đã mượn các tập nhạc, sau đó di chuyển chỗ ở..thế là kể từ ngày đó những tập nhạc mà chị chắt chiu tiền để mua, để sưu tập đã rời xa chị vĩnh viễn. Người anh thân yêu tặng tập nhạc, sau năm biến động 1975 cũng đã mất tích đâu đó cho đến hôm nay. Gia đình suy đoán, có lẽ ảnh đã ra đi về cõi vĩnh hằng rồi. Thôi thì chọn thời gian mà ảnh về thăm nhà, đã nói những câu mà sau này gia đình ngẫm nghĩ ra đó chính là những lời chia tay vĩnh biệt của một người con đối với mẹ, của một người em trai nói với anh để làm ngày giỗ, tưởng niệm mà thôi.

    Đã có những người không thích nhạc TCS, đã có những bài báo viết về TCS ở nhiều khía cạnh...khen,chê...Mỗi người có mỗi quan niệm sống khác nhau, yêu thích nhạc khác nhau...Chị không vì đó mà giảm đi niềm vui hát nhạc TCS của mình.

    Không phải 100% các bài hát TCS chị .đều thích, và đều biết. Bây giờ trong ký ức thường chị chỉ nhớ những bài mà mình hay ngân nga cùng với các bạn thưở lớp 9, 10. Những bài mà người anh đã tập cho mình.

    Trong dịp về VN 2011, thấy anh Cường có thâu đĩa nhạc do ảnh ca hát. Ham dzui chị cũng muốn thử xem sao. Muốn vậy thì cũng nên chuẩn bị trước mình sẽ hát gì, chuẩn bị giọng hát, sức khỏe...Vậy mà...

    Về gặp bạn bè cũ, dzui quá xá, ồn ào suốt ngày...tới ngày hẹn đi thu nhạc..Hát bài gì hè?...Nhớ được bài nào thì hát..Còn giọng thì gần như tiếng zịt kiu rồi. Thử xem cho zui mà thôi.

    Chỉ trong một ngày mà tới luôn hơn chục bài hát với giọng khào khào hụt hơi giữa khí trời oi bức..hát toát mồ hôi...Nhưng cũng dzui, cũng là một kỷ niệm kỳ thú. Mình đâu là ca sĩ.

    Hổng ngờ cái anh chàng nhạc sĩ thu nhạc cho chị lại là tác giả của bài hát mà chị thích khi học ở Thủ Đức...bài hát viết về các bạn Thanh Niên Xung Phong: Những Bông Hoa Trên Tuyến Lửa...Chị cứ nhớ câu hát "Em là người TNXP không có súng,chi có đôi vai cáng thương tải đạn..." Tại sao chị thích? Vì chị có những người bạn do hoàn cảnh gia đình có cha mẹ làm cho chính quyền cũ, học rất giỏi nhưng không thể vào ĐH vì lý lịch, nên các bạn chị phải tham gia TNXP để may ra có thể đi học ĐH sau này. Có bạn sau khi đi TNXP về đi học lại thì bạn ấy là sinh viên năm 1, còn người bạn khác hoàn cảnh may mắn lại trở thành thầy giáo của bạn mình. Thích vì bài hát viết cho các bạn của mình đó mà.

    Chị vẫn nhớ cảnh các cô TNXP tay gác lên vai nhau hát bài này trên sân khấu trong dịp các trường ĐH liên hoan văn nghệ những năm 76-77. Đã làm chị ứa nước mắt khi nghe các cô gái cất giọng hát làm chị nghĩ, ,nhớ đến các bạn không may mắn của mình.

    Hổng ngờ 35 năm sau thì lại tình cờ gặp được anh chàng nhạc sĩ sáng tác bài hát mà mình đã thích năm xưa, là người sẽ thu âm mình hát. Thiệt đúng là "quả đất tròn".

    Chị gửi Trúc và các bạn yêu nhạc TCS, bài hát "Còn Có Bao ngày" . Hát chung với nhạc sĩ Nguyễn Cữu Dũng. Bài này anh Dũng mix nhạc nhiều echo quá..nếu chỉ với tiếng đàn guitar không thôi và ít echo thì chị sẽ thích hơn..sẽ nhớ nhiều hơn cái thời chị và hai cô bạn nữa (Minh Vui-Quang)...Tam ca "Sao Xẹt" (tên của lớp đặt) hay hát bài này...Chị luôn là người hát giọng phụ..chắc vì hát hổng được hay chi mấy.

    Bây giờ Trúc hãy nghe chị hát nha:




    CÒN CÓ BAO NGÀY



    Đêm ta nằm bóng tối che ngang

    Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm

    Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm

    Đêm nghe trời như hú như than

    Ta nghe đời như có như không

    Còn lại mình, đời bồng bềnh, đời buồn tênh.

    Còn đây có bao ngày

    Còn ta cứ vui chơi

    Rồi mai sẽ ra đi

    Dù nhớ thương con người

    Còn đây những đêm này

    Còn em hãy yêu tôi

    Đời đốt nến chia phôi

    Dù nhớ thương cũng hoài.

    Trong cuộc bể dâu

    Ôi trăm ngày phố xá, cũng trôi theo trong hội trần gian

    Bao nhiêu ngày yêu dấu cũng không còn

    Từng dòng nước mắt, sẽ nhớ thương cho đời

    Từng dòng nước mắt, sẽ tiếc cho ngày vui

    Người người yêu nhau, đã mất nhau trong đời

    Một ngày tăm tối, khép nghìn sớm mai.

    Comment


    • #17
      Trúc ơi à! Chị nhớ mang máng là chị đã post bài hát này ở Cyber Cafe lâu rồi...Hi hi ghẹo anh Cường mà mình cũng quên..nhưng thôi đã lỡ tặng em rồi thì cứ nhận và nghe lần nữa nha...ha ha ha...

      Comment


      • #18
        HI chị Xuân Lan,

        Cám ơn chị đã viết một bài comment thiệt là dài và còn tặng em 'Còn Có Bao Ngày', nghe chị hát làm nhớ ngày xưa quá chừng. Hồi nhỏ em cũng mê nghe nhạc và chép nhạc từ băng cassette, đâu có tiền để mua nhạc nên em chơi màn 'rewind' tới lui bài hát mình thích để chép lại từng câu hát, nhờ vậy nhớ lời. Bây giờ người ta có karaoke nên người hát khó thuộc lời vì lời ca hiện chình ình trên màn ảnh, lo hát chạy theo cái máy.

        'Như Cánh Vạc Bay' là bài hát đầu tiên em nghe cuả TCS lúc còn nhỏ và thích vô cùng vì điệu nhạc lẫn lời đẹp và buồn như thơ. Năm đệ Ngũ, cô giáo Sử Điạ cũng là cô hướng dẫn lớp, dạy chúng em hát rất nhiều bài cuả ông như Huế SG HN, Hãy Yêu Nhau Đi... và em biết thêm những bài như Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương, Một Buổi Sáng Mùa Xuân, Tôi Ru Em Ngủ...toàn những bản nhạc làm nao lòng tuổi trẻ. Và cho tới giờ này, mỗi lần nghe lại những bài hát đó, trong những phút giây vắng lặng là thấy cả tuổi thơ ngày ấy. Cám ơn chị đã cho nghe lại Còn Có Bao Ngày, giọng chị chân thật lắm, thật là 'A voice of a true music lover'.

        Thân mến,

        Trúc

        Comment


        • #19
          'Charlot', Trẻ, Già và Mãi Mãi






          Tạp ghi Quỳnh Giao

          Có một bí quyết làm giàu rất nhanh mà người viết muốn mách cho độc giả.

          Ðó là lên eBay tìm mua đồ cổ!

          Chẳng là vì hôm kia Quỳnh Giao mới đọc thấy trên một nhật báo Anh là vào năm 2009, một người Anh đã trả ba bảng (Pound), hình như là chưa tới $5, để mua trên eBay một cuốn phim 7 phút có tên là “Zepped.” Chi tiết thú vị là cuốn phim được thực hiện năm 1917 để khích lệ binh lính Anh trong Thế Chiến 1 khi thủ đô London bị quân Ðức tấn công bằng khinh khí cầu Zeppelin. Chi tiết còn ly kỳ hơn là cuốn phim tuyên truyền này cho thấy người lính Anh đã hạ võ khí của địch chính là Charlie Chaplin.

          Chi tiết đáng đồng tiền bát gạo hơn cả là tác phẩm ấy là ấn bản duy nhất còn lại. Cuối Tháng Sáu này, nhà sưu tầm may mắn ấy sẽ đưa bán đấu giá tại London. Giới trong nghề dự đoán là sẽ có bạc triệu! Một tác phẩm thời phim câm, trong thế chiến và có một đại nghệ sĩ của thế kỷ 20, quý lắm chứ.

          Ðọc một cái tin như vậy thì Quỳnh Giao lại bâng khuâng nhớ đến “Charlot.”

          Hầu hết mọi đứa trẻ ngày xưa ở Sài Gòn đều có xem phim Charlot, xem đi xem lại, và say mê chú hề tài hoa này. Xưa kia, chúng ta xem ấn bản Tây trong rạp nên nhớ tên người nghệ sĩ là Charlot. Họa hoằn mới có dịp được xem phim ngắn, từ các cuốn phim có hộp bằng nhôm to hơn cái bánh dẻo một chút, khi trong nhà mượn được máy và chiếu phim lên tường cho cả nhà và lối xóm cùng xem.

          Mãi sau này, khi đến Hoa Kỳ mình mới có dịp xem lại rồi nhớ đến tuổi ấu thơ ở nhà. Cũng nhờ vậy mới biết chỉ có Pháp và các nước miền Nam Âu Châu mới gọi tên “Charlot,” chứ phần lớn các xứ khác đều gọi đúng tên thật là Charlie Chaplin. Còn dân bên Ðức thì gọi là “Der Vagabund,” kẻ lang thang, như tên trong cuốn phim “The Tramp.”

          Chính Charlot là người phát minh ra nhân vật bi hài đó vào năm 1914. Cái áo vét thật chật, cái quần rộng thùng thình, mũ quả dưa cùng cây gậy trúc bật bật lên như có lò xo trên đôi giày thật to và chân đi vòng kiềng vào cõi vô định lúc cuối phim. Ông suy nghĩ rồi tự biên tự diễn với trang phục mượn của bạn, từ đấy trở thành dấu ấn của mình. Vì đôi giày đi mượn có size 14 nên ông vua hề phải... đi ngược cho khỏi tuột, đâm ra hai mũi chỉ hai hướng và tạo ra dáng đi chữ “bát!”

          Thời xưa, chỉ cần Charlot xuất hiện là lũ trẻ đã muốn cười bò. Sau này mới biết rằng thiên tài là một sự khổ luyện.

          Khi khôn lớn thì mình cũng thấm thía lời ca “đời ca hát ngày tháng cho người mua vui,” lời Việt của Phạm Ðình Chương cho ca khúc do chính Charlot biên soạn trong “Limelight” năm 1952. Cuốn phim kết thúc sự nghiệp của hề “Charlot,” do một quyết định chia tay của Charlie Chaplin. Sau 1952, ông không còn xuất hiện dưới nét Charlot nữa.

          Sinh năm 1889 tại một khu nghèo nàn của London, Charles Spencer Chaplin Jr. có tuổi thơ thiếu may mắn. Cha mẹ là nghệ sĩ nhạc kịch mà sớm chia ly. Vì bà mẹ mắc bệnh điên, có lúc chú bé cùng các anh em được đưa vào cô nhi viện. Về sống với cha và bà mẹ kế trong cảnh lầm than, chú không quên được kinh nghiệm hẩm hiu, sau này diễn tả lại trong phim “The Kid.”

          Rồi mới lên năm, Charlie Chaplin đã lên sân khấu hát thay cho bà mẹ bị mất giọng. Vài năm sau, đến lượt người cha nghiện rượu bị sưng gan mà mất. Và chú bé tự học để thành nghệ sĩ trình diễn. Trong một chuyến lưu diễn tại Hoa Kỳ vào năm 1914, người nghệ sĩ bước từ sân khấu qua điện ảnh, khi ấy còn chập chững.

          Là người Anh, Charlie Chaplin thành danh với điện ảnh Mỹ.

          Thời đó, hình ảnh chạy quá nhanh, lại còn nhảy tưng tưng, mà đoàn hát phải quay trong chớp nhoáng. Không hài lòng với nhịp độ sáng tác nhọc nhằn như vậy, Charlie Chaplin quyết định đứng ở cả hai góc: làm diễn viên mà cũng là đạo diễn luôn.

          Và lập tức thành công với anh chàng Charlot buồn bã do ông tạo ra. Rồi khi thấy các nghệ sĩ bị phim trường khai thác quá nặng, ông còn lấy một quyết định cách mạng khác. Là cùng ba diễn viên lập ra hãng phim United Artists vào năm 1919!

          Năm đó, mới ở tuổi đôi mươi mà Charlie Chaplin đã là một hoàng đế phim câm. Nhưng một hoàng đế độc tài. Ông dựng phim trong đầu và cứ thế thực hiện theo cảm hứng, với sự tỉ mỉ làm mọi người phát điên. Có khi quay cả trăm lần mới vừa ý! Mà đã vừa ý thì phải là tác phẩm nghệ thuật làm cả thế giới say mê. Ông đi khắp nơi, gặp những lãnh tụ hay nhân vật nổi tiếng nhất và được trọng vọng đúng như một ông hoàng.

          Rất lâu sau này người Anh mới tìm lại từng mẩu phim đã bị vứt bỏ và ráp nối lại để nghiên cứu tường tận về nghệ thuật điện ảnh của một thiên tài.

          Thế rồi vị hoàng đế phim câm ấy bị lấn đất vì người ta bập bẹ biết nói trong phim! Charlie Chaplin là người cưỡng chống loại phim nói đến cùng. Với ông, cử chỉ dáng điệu trong phim câm mới là ngôn ngữ hoàn vũ. Chống đến độ... không thèm nói trong cuốn phim đầu tiên vào năm 1931, mà chỉ dùng âm thanh ồm ồm để chế diễu âm thanh.

          Ít ai nhớ đến cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong phim ảnh và hai quan niệm về nghệ thuật diễn xuất như vậy.

          Cuối cùng thì vị hoàng đế phim câm này đành chịu thua. Năm 1936, ông làm cuốn phim câm cuối cùng để... kết án nền văn minh cơ khí! Ðó là “Modern Times,” hay “Les Temps Modernes,” như mình được xem khi còn ở nhà. Cuốn phim đó là một tác phẩm để đời và còn cho nhân loại một ca khúc tuyệt vời là bài “Smile,” với lời từ rất đẹp. Thời nay, chúng ta còn có thể nghe lại qua tiếng hát ngọt mềm như mật của Nat King Cole.

          Charlie Chaplin không chỉ là một diễn viên cừ khôi với lối diễn xuất tối thiểu làm chúng ta cười rồi ứa lệ. Ông không chỉ là một đạo diễn bậc thầy trong hơn 60 năm thật sự sống chết với điện ảnh. Ông còn chi ly chỉ dẫn từng điệu vũ, soạn lời đối thoại và viết nhạc cho nhiều cuốn phim đã thành bất hủ từ thời phim câm cho đến sau này.

          Ngoài bài “Smile,” chúng ta không thể quên nhạc phim “Limelight” đã đem lại giải Oscar, 20 năm sau khi cuốn phim xuất hiện. Hoặc ca khúc trong tác phẩm cuối cùng của ông, phim “A Countess from Hong Kong.” Ðó là bài “This Is My Song,” mãi mãi là ca khúc vượt thời gian.

          Mười năm sau cuốn phim đó, Charlie Chaplin tạ thế trong giấc ngủ, ở tuổi 88, vào năm 1977.

          Cuốn phim làm Quỳnh Giao nhớ mãi và vẫn thích xem lại chính là “Limelight.” Nhạc phim quá hay và vẫn được lưu truyền dưới tên “Eternally.” Việt Nam mình đã có nhiều người chuyển ngữ mà thấm thía nhất vẫn là bản hát năm xưa ở Sài Gòn vì quá phù hợp với truyện phim bi đát về cái nghiệp của người nghệ sĩ. Trong cảnh cuối, hai nghệ sĩ về già hợp tấu một khúc giã biệt. Ðánh dương cầm là Buster Keaton, danh hài thời phim câm, và kéo vĩ cầm là Charlot. Ngoài kia, trên sân khấu, ánh đèn màu đã rực sáng trên một ngôi sao mới nổi.

          Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say

          Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui

          Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn

          Chìm theo bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng.

          Có một điều an ủi là khó ai lãng quên được Charlot thời ấu thơ hay Charlie Chaplin khi người ta đã trưởng thành. Lúc ấy mới thấm thía lời ca tụng của văn hào George Bernard Shaw: “Ðấy là thiên tài duy nhất bước ra từ thế giới điện ảnh.”


          Comment


          • #20
            Nguyễn Đình Toàn - Dẫn Em Vào Nhạc




            Tạp ghi Quỳnh Giao

            Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.

            Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.

            Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” vừa được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 Tháng Mười vừa qua. Quỳnh Giao không viết về ông trước ngày đó như để giới thiệu sinh hoạt này.

            Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.

            Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 1950. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính mình bước vào thế giới đó.

            Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

            Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.

            Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”

            Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì... ai mà nhịn được!

            Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe.

            Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.

            Thời ấy, vào thập niên 1960 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày. Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.

            Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hòa âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bảy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.

            Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc chủ đề”.

            Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.

            Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận...

            Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình chùng xuống.

            Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!

            Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.

            Thế mới chết... chị Thu Hồng!

            Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu...

            Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được... “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.

            Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.

            Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn - người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên - được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy Mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.

            Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!

            Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v... đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi.

            Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc Chủ Ðề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.

            “Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng góa phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

            Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?

            Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.

            Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc...

            Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên.

            Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.

            Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là áo mơ chưa hề phai trong tâm khảm ông.

            Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần...


            Comment


            • #21
              Tẻ Vui Thì Cũng Kiếp Người...

              Tạp ghi Quỳnh Giao

              Wednesday, October 26, 2011 1:43:48 PM

              Sinh thời, nhà văn Mai Thảo thường kể chuyện lần đầu phỏng vấn Quỳnh Giao.

              Viết thế thì có vẻ quan trọng lắm, sự thật lại không như vậy! Lần đầu gặp nhau, ông nhà văn khó tính và có cái vẻ rất “đài” đến nhà Minh Trang ở đường Cao Thắng để tập kịch. Hình như là vở kịch “Bão Thời Ðại” của Trần Lê Nguyễn. Còn lần phỏng vấn thì hình như là cho tờ Kịch Ảnh.

              Nghĩ lại thì thấy ngày xưa loại sinh hoạt mà ta gọi là “văn nghệ” cũng rất phong phú.

              Thân mẫu Quỳnh Giao làm xướng ngôn viên và biên tập viên Việt và Pháp ngữ. Ngẫu nhiên cụ bước qua máy vi âm trước khi thành nữ danh ca thời phôi thai của tân nhạc. Khi nghỉ hát thì trở lại làm đài phát thanh, trong khi con bé Ðoan Trang của ban thiếu nhi Tuổi Xanh thì thay mẹ vào đài với nghệ danh là Quỳnh Giao.

              Còn Mai Thảo thì làm đủ nghề với ngòi bút: viết văn, cùng bằng hữu dựng lên tờ Sáng Tạo, và phụ trách mấy tạp chí về điện ảnh. Ông còn có một nghề vặt nữa là xem phim, đặt tên và viết lời tựa cùng tóm lược nội dung trên các tờ quảng cáo mà ta gọi là “chương trình,” in màu xanh đỏ rất bắt mắt.

              Ngày xưa, chúng ta xem phim Mỹ là do các nhà phát hành Paris đưa qua Sàigòn với tên Tây và giọng Pháp. Nếu tinh ý có khi sẽ thấy John Wayne nói tiếng Tây với giọng lè nhè của tài tử Jean Marais chẳng hạn! Vào đến Sàigòn thì cuốn phim Mỹ lại có thêm tên Việt. Nếu có vẻ văn hoa hấp dẫn thì đôi khi là nhờ ngòi bút Mai Thảo. “Tóc em chưa úa nắng hè,” hoặc “Tình thù rực nắng” là vài thí dụ.

              Lần đầu gặp nhau, Mai Thảo thấy một con nhóc nhảy dây trong vườn. Ký ức của ông còn cho ngôi vườn đó chút nắng hoe vàng. Năm đó người viết hình như mới có tám chín tuổi. Sau này, ông trở lại để phỏng vấn ca sĩ Quỳnh Giao thì con nhóc đã đôi tám! Ông nhớ mãi chi tiết ấy.

              Hôm “ra mắt” cuốn “Tạp Ghi” của Quỳnh Giao tại tòa báo Người Việt tuần qua, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn được mời lên phát biểu về nội dung cuốn sách cũng nhớ đến cô bé nhảy dây ngoài sân, trong ngôi nhà có Minh Trang và Dương Thiệu Tước

              Nghĩ lại như vậy ngay trước mùa Halloween ở tại Hoa Kỳ, người viết tự hỏi là con trẻ thời xưa có những thú vui gì? Ngoài nhảy dây trong nắng, hoặc nếu là con trai nghịch ngợm thì gọi nhau tắm mưa như Ðinh Quang Anh Thái cũng kể lại hôm đó, chúng ta thời bé thường chơi những gì?

              Con trai thì tạt hình, đánh khăng, đánh đáo. Ðập dẹp cái nắp keng thành đồng xèng thì cũng vui cả buổi. Con gái thì chơi “ô ăn quan,” hay “bóng chuyền,” mà bóng chuyền ở đây không là “volley.” Ðó là tung một quả bóng lên rồi thoăn thoắt nhặt lấy một số que vung vãi trên nền đất trước khi bắt lại quả bóng.

              Nhiều nơi nhiều đứa trẻ còn có những trò chơi khác mà người viết không biết và không nhớ hết được. Nói chung thì thật ra thú giải trí ấy rất đơn sơ và không nhiều. Không thể thừa mứa và đa diện bằng những trò chơi ngày nay của thiếu nhi trong thế kỷ 21.

              Chúng ta có thể giải thích bằng kinh tế hay chiến tranh. Nhưng hình như là nước nào cũng vậy, mấy chục năm về trước, trẻ em không có nhiều chọn lựa như ngày nay.

              Mà người lớn cũng thế.

              Từ những thú tao nhã thật ra đơn giản và ít tốn kém của các cụ mà mình còn được đọc thấy trong Nguyễn Tuân, Toan Ánh, cho đến cách giải trí thời nay, chúng ta đã đi những đôi kia bảy dậm. Ở nhà thì ngoài sách báo còn có truyền hình trăm đài hoặc karaoke cho nhau nghe, v.v... Thấy cuồng chân ngứa tay thì từ Cali xuyên bang qua Las Vegas thử thời vận, có khi tối còn coi “show.” Xa hơn thì ta đi thăm Grand Canyon, đến tận Nepal hay Turkey, hoặc xuống Nam Mỹ, qua Âu Châu tìm lại nơi Van Gogh đặt bàn vẽ, nơi Mozart soạn nhạc, v.v...

              Nhưng nghĩ lại thì khi có thể chọn lựa nhiều thú tiêu khiển như vậy, mình có hạnh phúc hơn chăng?

              Xã hội lý tưởng là xã hội cởi mở, cho con người ta nhiều quyền chọn lựa. Người để ý đến kinh tế thì nói đến tự do và quyền công dân. Sự chọn lựa ấy dẫn đến cạnh tranh và cải tiến nên có tạo ra tiến bộ.

              Nhưng nếu phân tách tâm lý của người trong cuộc là khách tiêu thụ thì đôi khi sự thể lại khác.

              Trong xã hội cởi mở và tự do này, khách tiêu thụ được coi là vua. Nhưng mấy ai để ý đến nỗi buồn của các ông vua bà chúa, khi họ được phục dịch kỹ lưỡng và phải chọn lựa? Họ rất phiền lòng! Nhiều ông vua bé con thì chỉ mong trốn khỏi cung đình để đánh đáo ngoài chợ. Còn chúng ta thì đã quá nhiều lần sợ cỗ cưới mà chỉ mong một bữa cơm gia đình rất thanh đạm.

              Thật ra, xã hội có quá nhiều quyền chọn lựa lại khích động một thứ tâm lý ít thấy trong các xã hội đơn sơ thuở trước. Ðó là phải chọn. Chọn lựa là có sự hy sinh, tiếc rẻ, có cả nỗi phân vân là chọn lầm thì sao?

              Người viết có lần vào một tiệm bán quần áo, tìm một cái quần rất thường, để có thể đi đánh mạt chược, ra chợ hoặc dãi dầu cho một chuyến đi xa. Khi được họ mời vài chục loại, mỗi cái lại có ưu điểm riêng về vải vóc và kiểu dáng làm khách tiêu thụ bỗng bần thần. Nửa tiếng sau ra về mà không chọn được vì cảnh ngộ “mười phân vẹn mười” làm mình phân vân!

              Trẻ em thường có những trận hờn khó hiểu, là khi chúng vừa muốn ăn lại vừa muốn ngủ, mà cũng thích chơi. Vì phân vân mà chọn không xong, chúng có thể bật khóc! Người lớn cũng chẳng khác gì đâu! Càng phải chọn thì càng gặp cảnh ngộ đứng núi này trông núi nọ và luôn luôn thấy rằng đồng cỏ bên kia xanh tươi hơn bên này.

              Một cách chủ quan thì có hạnh phúc là những người biết thu hẹp cái phản ứng đòi hỏi tối đa để chấp nhận “cái này” mà không băn khoăn tự hỏi xem là còn cái nào đẹp hơn hoặc hay hơn chăng. Muốn vươn tới trái chín mọng xum xuê trên cành cao nhất thì có khi ta hụt mất hạnh phúc trong tầm tay.

              “Phải chi mà” và “đáng lẽ thì” hoặc “nho xanh không xứng miệng người phong lưu” là loại tâm lý gieo khổ khi làm mình nuối tiếc, và tìm cách biện bạch. Không nên khóc hờn vô cớ nữa, mình chỉ thấy đời bớt đẹp. Trong khi ấy, hạnh phúc vẫn tràn đầy ở chung quanh.


              Comment


              • #22
                Bông Hồng Trắng Cho Mùa Giáng Sinh


                Hôm trước anh Hùng post bài 'Over and Over' trong trang 'Music of the Day' với giọng hát tuyệt diệu cuả Nana, mời các bạn yêu nhạc đọc bài viết dưới đây cuả cô Quỳnh Giao để biết thêm một chút về người ca sĩ dễ mến này.



                Tạp ghi Quỳnh Giao

                Trong dịp Giáng Sinh, nếu muốn tìm một đĩa nhạc để nghe hay để tặng làm quà thì Nana Mouskouri có thể làm chúng ta hài lòng. “Chirstmas Album” của nàng không đắt, gồm 24 bài chúng ta thường nghe trong mùa Giáng Sinh, với phần hòa âm rất hay và một ban nhạc trình bày rất nghệ thuật mà không kiểu cách. Còn giọng hát của nàng? Vẫn trong vút thánh thiện, lung linh như hoa tuyết...



                Nana Mouskouri là người có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật trình diễn và quảng bá tác phẩm của mình. Quỳnh Giáo viết như vậy thì nhiều người còn hồ nghi. Nana là một trong những giọng ca nữ có nhiều đĩa bán chạy nhất thế giới, từ 300 đến 400 triệu đĩa, trong đó có 300 đĩa thuộc loại “vàng” hay “bạch kim.”

                Và năm nay, nàng mới có... 72 tuổi, mà còn hát.

                Quỳnh Giao nghĩ rằng đa số người Việt biết Nana Mouskouri từ nhạc Pháp. Những người biết chút ít về tiếng Pháp hay tiếng Việt thì hơi giật mình vì cái tên. Nana, nói theo tiếng lóng của Pháp, là “ả”, là “con ghệ” - biết đến đấy cũng đủ rồi - và tiếng Mỹ có thể dịch là “chick.” Nana xuất hiện từ Pháp, với mái tóc huyền ôm cặp kính trắng gọng đen. Có ai lên sân khấu mà đeo kính không? Nana là vậy và vẫn như vậy từ nửa thế kỷ, trong một thế giới riêng của nàng.

                Truyện về Nana thì rất dài, đọc đến hết đĩa nhạc 24 track chưa hết.

                Nàng sinh năm 1934, lâu lắm rồi, tại xứ Hy Lạp, có lẽ đẹp như Helen của thành Troy, trong một gia đình bình thường. Thân phụ là nhân viên chiếu phim trong rạp hát bóng. Nàng mê nghệ thuật từ trong bóng tối của rạp hát, xin vào trường Quốc gia Âm nhạc của Athens với ước mơ trở thành một soprano trong thế giới Opera.

                Mộng không thành, vì ngày đi học, đêm nàng đi hát Jazz kiếm tiền phụ giúp gia đình.

                Thời ấy, các vị giáo sư âm nhạc còn cổ lắm. Cổ mà vẫn đi nghe Jazz, nhưng cổ nên khi thấy cô nữ sinh Ioanna Mouskouri đi hát phòng trà là đuổi nàng khỏi trường nhạc. Cái năm tai họa ấy là 1957. Tai nạn thứ hai là hai giây thanh quản của nàng thì chỉ có một giây biết rung!

                Sau này, đệ nhất diva Maria Callas đi nghe nàng hát và có khuyên, như một lời an ủi: Thà là danh ca nhạc phổ thông còn hơn là một diva... hụt về nhạc cổ điển. Mà nàng là danh ca thật. Năm 1959 Nana bắt đầu hát nhạc của Manos Hadjidakis, một nhạc sĩ trứ danh của Hy Lạp và nổi tiếng từ bài “Bông hồng trắng của Athens” năm 1961. Năm sau, nhạc sĩ Jazz của Mỹ là Quincy Jones qua đó đã ngạc nhiên về tiếng hát như pha lê của cô gái và thực hiện cho nàng một đĩa nhạc. Kể từ đấy, ngôi sao Nana Mouskouri chỉ có một hướng là đi lên.

                Nàng hát tất cả chừng 15 thứ tiếng, nhưng nhuần nhuyễn nhất (vì tự mình đòi hỏi như vậy) là tiếng Anh, Pháp, Ðức, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Nước Pháp khám phá ra Nana từ năm 1963 (người Việt mình sau đó, khi muốn nghe nhạc Pháp có giá trị) và cho đến nay, hơn 40 năm sau, Nana Mouskouri vẫn là nghệ sĩ bán được nhiều đĩa nhất tại Pháp, hơn hẳn các danh ca khác của Pháp.

                Cặp kiếng trắng gọng đen? Ðó là trademark của Nana. Ban đầu, nàng ngượng nghịu lắm. Không đeo kính thì mù, đeo vào thì như người hóa trang, tự che giấu mình đằng sau một cái gì đó. Nhưng mãi rồi cũng quen và tội chi phải bỏ! “Chẳng cần gì che giấu”. Nana hát cũng như vậy. Khi mình hát thì cũng là lúc phơi bày tâm hồn của mình cho khán thính giả thấy. Ðấy là quan niệm về trình bày của mình.

                Nana Mouskouri hát đủ mọi thể loại, từ nhạc phổ thông đến bán cổ điển, từ dân ca, nhạc Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha đến Jazz. Nhưng nàng chú trọng nhất đến một thể tài là nhạc tình. Tình yêu nàng hát là một thiên thần có cánh, hiền dịu trìu mến như mật ngọt, chứ không đắng cay độc ác như mật rắn, là điều rất hợp với giọng ca của nàng. Trên sân khấu, Nana Mouskouri hát là để người ta nghe, nàng diễn tả bằng tiếng hát hơn là bộ điệu mà buổi trình diễn nào cũng sạch vé.

                Nữ nghệ sĩ này có hạnh phúc vì người chồng André Chapelle cũng là nhà sản xuất và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật của nàng, với sự chăm chút của tình yêu. Họ khéo chọn ca khúc, rất kỹ lưỡng với phần hòa âm và mời ban nhạc có thực tài. Hãng Universal Music của hai người đã mua lại hãng PolyGram trước đây vẫn thực hiện đĩa hát của Nana. Hai vợ chồng là cự phú nhờ tài nghệ của họ, và ngày nay có cuộc sống vương giả tại Genève của xứ Thụy Sĩ.

                Nhưng, Nana Mouskouri nào chỉ có thế?

                Nàng hát nhiều thứ tiếng và mặc nhiên trở thành sứ giả của tình yêu và hòa bình. Năm 1993, cơ quan UNICEF mời Nana Mouskouri làm Ðại Sứ Thiện Chí đi kêu gọi thế giới chăm lo cho thiếu nhi. Có lần đi Ðức vận động quyên tiền cứu giúp nạn nhân chiến tranh tại Bosnia, bà Ðại sứ làm ngay cái việc tự nhiên nhất, là hát ra tiền! Ai chẳng muốn vì nghĩa mà nghe một người đẹp đã nổi danh toàn cầu, nay lại còn là đại sứ thiện chí.

                Năm 1994, Nana Mouskouri còn tiến hơn một bước.

                Nàng hoạt động chính trị trong đảng Tân Dân Chủ Hy Lạp, thuộc khuynh hướng bảo thủ, và trở thành đại biểu của Hy Lạp tại Quốc hội Âu Châu. Trong khi ấy, nàng vẫn đi hát, vẫn hoạt động xã hội. Cho đến 1999 Nana mới giã từ chính trường: “tinh thần đảng phái ghê quá”, với lại, nàng giải thích tiếp, nhiều khi mình còn phải có quyết định liên hệ đến chiến tranh.

                Ðiều ấy quả là không hợp cho một nghệ sĩ hiếu hòa như Nana.

                Nhất là khi hàng năm nàng phải lưu diễn chừng trăm lần, và tiếp thục thực hiện đĩa nhạc cho giới mộ điệu. Năm ngoái, tại Pháp, Nana Mouskouri cho ra mắt một tác phẩm để đời: một “két nhạc” gồm 34 đĩa có 673 bài ca nàng đã trình bày, mới gần phân nửa tổng số 1,500 bài nàng đã hát từ nửa thế kỷ mà thôi. Kèm bên trong là tập hồi ký nhỏ 132 trang về đời nàng.

                Nana Mouskouri năm nay đã hơn thất thập mà hát vẫn hay và vẫn hay hát. Nàng lập chương trình kỹ lưỡng là dành hai năm 2005 và 2006 để từ biệt giới mộ điệu trong một vòng lưu diễn khắp thế giới. Con người đầy vẻ thanh thoát yêu kiều này là hiện thân của sự chừng mực, nghiêm túc.

                Bao nhiêu đam mê, nàng dồn trong tiếng hát cho đời rồi.


                Comment


                • #23
                  Nguyên Sa - Màu Kỷ Niệm Khó Phai


                  Tạp ghi Quỳnh Giao

                  Hôm đó, lũ học trò chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó tôi lại láu táu hỏi giật các bạn:

                  “Lan phệ đến chưa?”

                  Lan phệ là hỗn danh lũ học trò con gái vẫn gọi lén thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của chúng bạn:

                  “Nó đây rồi!”

                  Người trả lời là Trần Bích Lan, ông thầy dạy triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì khô cằn khắc khổ của triết gia như lũ học trò vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp.

                  Tuổi học trò có kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm thi sĩ. Thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó. Giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ ông vẫn khơi dậy những cảm xúc học trò. Ðây là nói về thơ Nguyên Sa thời trước, chứ sau này, cho đến khi ông gần mất, thơ ông đã vươn ra những không gian khác.

                  Tuổi ấu thơ của chúng tôi trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hòa, của miền Nam tự do sau Genève. Lúc đó, mọi người như đều khao khát cái mới, có lẽ một phần để đoạn tuyệt với một nửa đau thương bên kia Bến Hải. Phần nữa là do sự thôi thúc của miền Nam, vùng đất có sự khoáng đạt rất mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó có người du học từ Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó.

                  Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sài Gòn hương vị dịu mát của Hà Nội. Bài Áo Lụa Hà Ðông có tác dụng đến như vậy mà không lạ sao? Từ bài đó, tôi tin rằng khi nghe thơ Nguyên Sa người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội hoặc khí hậu tưởng như Hà Nội. Không mấy ai băn khoăn về Paris nữa dù lúc đó rất thời thượng, có một ma lực với người làm thơ ở Sài Gòn. Với Nguyên Sa, Paris có lẽ đã là tiền kiếp. Chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ.

                  Ðọc thơ Nguyên Sa - lúc đó, mới đọc thôi, chưa nghe và chưa hát - đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò. Giờ này đây tôi vẫn nghĩ vậy và chỉ mong là thế hệ nào cũng có mấy cậu học trò pha mực làm thơ, khiến các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.

                  Thời đó, hầu như đứa nào trong chúng tôi cũng giấu trong cặp vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Các nhà thơ ấy làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sài Gòn còn thanh bình, và với tôi, kỷ niệm ấm êm đó vẫn là những gì đáng nhớ nhất. Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất.

                  Một điều phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao.

                  Quỳnh Giao nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi. Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vụ dìu dặt nhịp. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó.

                  Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, chúng ta nên cám ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đem nhạc làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.

                  Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.

                  Những người quen Nguyên Sa thường nói rằng ông chính là một enfant terrible mà làm gì cũng phải thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về mấy điều ấy và cho rằng Nguyên Sa đi tới thành công ở thơ.

                  Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra khoảnh vườn, Quỳnh Giao thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn nuột nà mơn mởn.

                  Nguyên Sa để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình...


                  Comment


                  • #24
                    O Holy Night

                    Tạp ghi Quỳnh Giao

                    Chúng ta không còn biết là trong các dịp lễ lạc hội hè ở làng quê thời xưa, người mình ca hát ra sao. Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ lắm. Những người như Lê Ngọc Chân hay Trịnh Bách có thể kể lại cho mình những mất mát ấy vì là nhạc sĩ và đã để công nghiên cứu, tìm hiểu.

                    Quỳnh Giao không khỏi nghĩ như vậy trong mùa Giáng Sinh khi nơi nơi đều rộn ràng những khúc hoan ca được gọi là “Christmas carols.”

                    Một số bài có nội dung chào mừng biến cố lớn là Thiên Chúa ra đời. Nhiều bài khác lại không có ý nghĩa tôn giáo nhưng chỉ gợi lên sự ấm áp của gia đình trong mùa Ðông tuyết giá. White Christmas là ca khúc thịnh hành nhất mùa Giáng Sinh mà không là một hoan ca tôn giáo.

                    Có thể là vào thời xưa, trong các xã hội nông nghiệp cổ truyền người ta hát mừng khi đã xong mùa gặt hái. Sau đấy, người ta cũng hát vào mùa Giáng Sinh, rồi hoan ca trở thành thánh ca, được hát trong nhà thờ, dần dần được nhiều người coi như “nhạc đạo.” Thế rồi từ thời này qua thời khác, ca khúc đã rời khỏi nhà thờ, trở về với mọi gia đình, chan hòa trên các mái ấm mùa Ðông. Yếu tố nối liền tất cả chỉ là thời gian: Vào mùa Giáng Sinh.

                    Chúng ta vì vậy có những bài ngợi ca Chúa hài đồng, có bài là Thanh bình ca, có bài tuyên xưng sức mạnh của lòng yêu thương bác ái.

                    Kết hợp ngần ấy yếu tố có lẽ là bài O Holy Night.

                    Nếu có học nhạc thì nhiều người Việt mình biết từ xưa dưới tên là Cantique de Noel. Bài hát bắt đầu là một bài thơ được Placide Cappeau viết vào mùa Giáng Sinh, sau đó mới được Adolphe Adams “phổ nhạc” và hát lần đầu tiên trong mùa Giáng Sinh 1847.

                    Hình như là nhiều người Pháp thời ấy nghe nhạc không bằng tai hay bằng tâm mà bằng trí bằng óc. Ca khúc không được nhà thờ ưa thích vì tác giả bài thơ có lập trường chính trị đáng nghi ngờ. Nhạc sĩ lại là một người Do Thái, viết nhạc cho thế giới “xướng ca vô loài” thiếu thanh nhã thánh thiện.

                    May là sau đấy ca khúc được dịch sang Anh ngữ, rồi được một nhà phê bình âm nhạc kiêm ký giả là Mục Sư John Sullivan Dwight tại Massachussetts viết lại lời Anh, thành bài O Holy Night. Từ năm 1855 đó, ca khúc chắp cánh bay bổng khắp nơi. Theo nhiều truyền thuyết, nó đã trở về Âu Châu giữa mùa chinh chiến.

                    Năm 1870, chiến tranh đang xảy ra giữa hai nước Pháp và Ðức.

                    Ðêm Giáng Sinh năm ấy, không rõ lệnh “hưu chiến” có được ban hành hay được chấp hành hay không, nhưng từ bên chiến hào của Pháp, có anh lính cất tiếng hát Cantique de Noel trên giai điệu của Adams. Bên này, anh lính Ðức cũng đáp lời bằng tiếng Ðức.

                    Trong khoảnh khắc, âm nhạc, tình thương, nỗi nhớ nhà hay cái gì đó thiêng liêng hơn đã khiến hòa bình ngự trị trên băng giá và oán thù. Ðôi bên ngưng bắn thật và chuyện ấy đã thành một giai thoại đẹp. Có thuyết khác cũng kể lại một chuyện tương tự xảy ra đêm Giáng Sinh trong Ðại chiến Thế giới lần thứ Nhất.

                    Tại sao không nghĩ là nhờ âm nhạc mà phép lạ đã xảy ra hai lần, vào năm 1870 và 1914?

                    Quỳnh Giao miên man nghĩ như vậy tối 18 vừa qua tại nhà hàng Regent West, trong buổi trình diễn của Hội Hiếu Nhạc Việt-Mỹ (Vietnamese American Philharmonic) dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, một người anh họ trong gia đình.

                    Buổi Dạ tiệc mùa Ðông này là sinh hoạt gây quỹ cho Hội Hiếu Nhạc, với sự tổ chức của dương cầm Nguyễn Mỹ Lệ và vĩ cầm Nguyễn Khánh Hồng (Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hội) cùng sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, từ Lê Văn Khoa đến các em các cháu trong dàn nhạc và các nghệ sĩ khác.

                    Ðêm ấy là một buổi hòa nhạc trên giai điệu của những khúc hoan ca Giáng Sinh quen biết nhất. Về phần ca thì ban tổ chức đã chọn những trứ tác thuộc loại cổ điển, bán cổ điển hay ca khúc nghệ thuật của Lê Văn Khoa, Cung Tiến và Nguyễn Văn Thương (theo thứ tự trình bày).

                    Ðêm ấy cũng như một Holy Night vì hình ảnh của thế hệ di dân thứ nhì thứ ba - nhiều em cao chưa bằng chiếc trung hồ cầm - nghiêm chỉnh ngồi trên bục trình diễn loại tác phẩm thực sự đã vượt thời gian và biên giới để thành kho tàng nghệ thuật chung của mọi người, mọi quốc gia.

                    Trong mấy tiếng đồng hồ, nhạc của Bach, Grieg, Gruber, Toselli, Gounod, Livingston, de Curtis, Schubert, Cung Tiến, Lê Văn Khoa, v.v... đã cùng tiếng hát điêu luyện có, tài tử có, xâm chiếm tâm hồn mọi người. Sau một bữa ăn tối ngon miệng, khán giả được thưởng thức những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa nên thấy lòng yên bình, thanh thản và thực sự đã hưởng một đêm thánh thiện trước đêm Giáng Sinh. Dẫn vào không khí thần tiên ấy là liên khúc Christmas Carols, John Caponegro viết cho dàn giây, do các em thiếu nhi trình diễn mở màn.

                    Có chi tiết nhỏ là trong chương trình quên ghi những tác giả viết lời ca cho những ca khúc ngoại quốc lời Việt, nên khi nghe Lê Hồng Quang hát “Come back to Sorrento” với lời ca rất lạ, không là lời cũ của Phạm Duy, M.C. Ðinh Quang Anh Thái đã phải hỏi người trình bày về lời ca của nó. Mỗi khúc hát lại có một đời sống riêng của nó, hòa với nhau trên cùng một giai điệu, nhưng lại có những rung động khác biệt nhờ lời ca. Người Ý nghe Turna a Sorriento rung động khác với người Việt vì trên nốt nhạc của Ernesto de Curtis, lời từ nguyên thủy của Giambattista de Curtis có khác với lời ca của Phạm Duy hay Trung Kiên. Người Pháp nghe Les Feuilles Mortes của Prévert viết năm 1945 có nỗi xúc động khác với Autumns Leaves của Mercer, dù là trên cùng giai điệu của Kosma. Và Silent Night đêm hôm đó kết thúc chương trình với lời Việt của Hùng Lân cũng có cảm xúc khác với Frank Gruber...

                    Cho nên chúng ta cần giới thiệu và nhắc nhở người thưởng ngoạn phần đóng góp của người soạn nhạc, người viết lời, người soạn hòa âm và phối khí và những người trình diễn, ban nhạc và ca sĩ. Ðiều ấy là sự tri ân tối thiểu dành cho các nghệ sĩ và cũng giúp người thưởng thức hiểu được là một tác phẩm đã phải vượt qua biết bao tuyết giá nhọc nhằn của nhiều người, trước khi đưa mình vào những buồn vui của giấc mộng.

                    Hiểu như vậy, mình càng yêu bài O Holy Night hay Cantique de Noel hơn, và thấy đời sống mình phong phú hơn.


                    Comment


                    • #25
                      Xuân Ca Ngày Cũ - từ La Hối đến Nguyễn Hiền




                      Tạp ghi Quỳnh Giao

                      Khi các nụ thủy tiên đầu tiên tỏa hương thơm trong nhà thì dù chưa nghe được tiếng pháo, người người đã thấy rộn ràng trong tâm tưởng những khúc nhạc Xuân của thời trước, nay đã thành Xuân ca của mọi thời.

                      Trong số này, có lẽ nên hồi tưởng lại La Hối và bài Xuân và Tuổi Trẻ.

                      La Hối là nhạc sĩ có duy nhất một tác phẩm, nhưng lại nổi tiếng nhờ ca khúc duy nhất ấy. “Xuân và Tuổi Trẻ” là bài hát không thể thiếu mỗi độ Xuân về. Ông vốn là người Việt lai Hoa, nên dù viết bằng Việt ngữ, bài hát có âm hưởng Trung Hoa rất đặc biệt. Ngay từ đầu thập niên 1950 thính giả đã yêu thích bài hát vì ý nhạc phong phú, vi vút như những cánh bướm chập chờn.

                      Nhưng, trong nghề với nhau thì các ca sĩ thì thường dễ hụt hơi vì đoạn chuyển khúc:

                      Vui hát đi cho lòng thêm sướng,

                      Vui hát đi cho lòng thêm tươi,

                      Ta hát ca đón mừng Xuân mới,

                      Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...

                      Mười trường canh hát liền một hơi không được ngắt! Và “...hăng hái” phải được ngân khá dài.

                      Rời xa chúng ta được ba năm, Nguyễn Hiền là tác giả của những bài hát nhẹ nhàng đầm ấm cũng cống hiến một bản nhạc về Xuân rất đẹp, phổ thơ Kim Tuấn. Ðó là “Anh Cho Em Mùa Xuân”, nổi tiếng trong thời kỳ 1960-1970. Ðây là một bài ca về Mùa Xuân mà cũng là một bài ngợi ca quê hương với nét nhạc rất trữ tình.

                      Giữa hai tác giả ấy và cùng trong dòng nhạc nhẹ nhàng, thanh cao, thích hợp với mọi thời kỳ, Tuấn Khanh, tác giả của “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” có tác phẩm “Mộng Ðêm Xuân” nhịp “Boston” tha thiết và êm đềm như một bài thơ. Thế rồi, qua những năm dài chiến chinh, Xuân của người lính chiến cũng trở thành Xuân của mọi người. Ngày nay dù chinh chiến đã tàn, ít ai quên được những bài Xuân ca viết cho chiến sĩ. Tiêu biểu nhất có Nguyễn Văn Ðông với “Phiên Gác Ðêm Xuân” và Trần Thiện Thanh với “Ðồn Vắng Chiều Xuân”...

                      Nói tới nhạc Xuân của Việt Nam, không thể không nhắc tới Phạm Duy.

                      Ông đã soạn tám bài hát về Xuân: “Hoa Xuân”, “Ðêm Xuân”, “Xuân Thì”, “Xuân Nồng”, “Xuân Ca”, “Xuân Hành”, “Tuổi Xuân”, “Xuân Hiền”. Ðó là không kể tới “Bến Xuân” soạn chung với Văn Cao, hoặc “Xuân Trên Buôn” dân ca cải tiến của sắc dân Ê Ðê và “Mùa Xuân Yêu Em”, phổ thơ Ðỗ Quý Toàn.

                      Trong các ca khúc trên, bài “Hoa Xuân” được hát nhiều nhất vào dịp Nguyên Ðán. Lời ca và nét nhạc bình dị, tươi tắn, diễn tả trạng thái tâm hồn phơi phới trước thiên nhiên và đồng loại. Lãng mạn nhất thì có “Ðêm Xuân”. Nghe “Ðêm Xuân”, ta hiểu thế nào và tại sao các cụ ta xưa thường dùng chữ “Xuân” để tả những gì đẹp đẽ và thơ mộng.

                      Riêng với người viết, nhạc và lời của “Xuân Thì” là một công phu trác tuyệt.

                      “Xuân Thì” không tả cảnh Xuân mà là tâm sự của tác giả về mình, về nhân thế, với đặc tính cố hữu trong lời ca của Phạm Duy là lòng nhân ái. Ông mong có một Mùa Xuân thái hòa cho nhân loại. Ông thương từ cây súng cô đơn đến những nụ đào nở trên lối mòn chiến xa. Ông ôm nhân loại trong mình, cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men. Cùng với lời ca súc tích và đầy hình ảnh, Phạm Duy dùng cách chuyển khúc từ giai điệu “thứ” sang “trưởng” thật thần tình để diễn tả nỗi hân hoan thăng hoa từ sự khổ đau.

                      Bản “Xuân Nồng” của ông hoàn toàn tả cảnh Xuân, mà là mùa Xuân miền Nam. “Xuân về không có mưa phùn mà chỉ có bụi xe”... nhưng vẫn là Xuân nên thơ. Nét nhạc Phạm Duy thường đi đôi với lời, nên tình và cảnh của ngày Xuân trong Nam được diễn tả bằng nhịp ba linh hoạt với âm giai “Fa trưởng” trong sáng.

                      “Xuân Ca” và “Xuân Hành” là hai ca khúc Phạm Duy soạn theo khuynh hướng những bài hát tâm linh. Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Hãy hưởng Mùa Xuân trong từng chớp mắt trong cuộc sống ngắn ngủi này. Mùa Xuân của Phạm Duy có từ trong đêm tân hôn của cha mẹ, và từ đó ông ra đời góp chung câu gào thiết tha cho Mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu chết đi thì xin được tái sinh nhiều lần để được tiếp tục đi mãi trong Mùa Xuân. Bài này soạn theo giai điệu ngũ cung, rất Việt Nam.

                      Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và rất Ðông trong tân nhạc là Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển Tây phương trong nhạc Việt đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là hay nhất của Việt Nam, ca khúc “Bến Xuân Xanh”.

                      Dương Thiệu Tước sáng tác “Bến Xuân Xanh” rất công phu. Tác phẩm dài tổng cộng 180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình có 64 trường canh, như “Thu Vàng” của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai “Do trưởng”, loại âm giai được coi là “sáng”. (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây: giới sáng tác nhạc cho âm giai “Ré giáng trưởng” và “La giáng trưởng” là âm giai “dịu” nhất. Âm giai “Sol thứ” và “Si thứ” là âm giai “buồn” nhất. Âm giai “Do trưởng” và “Fa trưởng” là âm giai “sáng” nhất)

                      Vì thế, “Bến Xuân Xanh” đòi hòi ca sĩ phải trình bày đúng âm giai nguyên thủy. Khi nghe một người trình bày không đúng “ton” (thí dụ người hát không lên được những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay hai “cung”) thì ông hơi hơi buồn. Ðoạn biến khúc của “Bến Xuân Xanh” được Dương Thiệu Tước chuyển sang âm giai “La giáng trưởng” trở nên êm dịu lạ thường trước khi về lại cung “Do trưởng” trong sáng.

                      Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu (introduction) và kết thúc (Coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong “Bến Xuân Xanh” tràn đầy thơ, nhạc, hoa, nắng, gió và sóng nước: toàn những biểu tượng lung linh rực rỡ của Mùa Xuân. Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước, trong dịp tưởng niệm ông ở hải ngoại, 12 năm về trước, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã nhắc tới bản luân vũ này với lòng khâm phục. Không thua kém gì các nhạc khúc về sông nước nổi tiếng của Tây phương!

                      Ngoài “Bến Xuân Xanh” độc đáo nói trên, Dương Thiệu Tước có soạn ba bài khác về Mùa Xuân, là “Vui Xuân”, “Vườn Xuân Thắm Tươi”, và “Tìm Xuân”. Nhưng chỉ cần viết một “Bến Xuân Xanh” thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng đáng với một chỗ đứng sáng chói trong nền tân nhạc Việt Nam.

                      Một nhạc sĩ khác cũng xứng đáng với ngôi vị trên mà lại không được quần chúng để ý, và chỉ được giới thẩm âm biết tới, đó là Vũ Thành. Người nghệ sĩ tài hoa này có ca khúc mang tựa đề về Mùa Xuân là “Tình Xuân”. Cũng với âm giai sáng “Do trưởng”, ông dùng ý nhạc cao sang, thanh thoát, cho ta nghe và thấy được một Mùa Xuân đầy sắc hương thi vị. Tuy nhiều sáng tác khác của ông không có tựa đề về Mùa Xuân nhưng luôn luôn gợi nhớ tới Xuân. Câu mở đầu của bản “Nhớ Bạn” là “Xuân vương trên ngàn hoa...” Bản “Say Nhạc Canh Tàn” cũng mở đầu bằng “Gió Xuân đưa mây vật vờ...”

                      Nhạc Vũ Thành cũng như con người nghệ sĩ của ông: già dặn, thanh cao mà ẩn dật như một cội mai...

                      Sau cùng, nói về Mùa Xuân trong nhạc, xin nhắc tới Phạm Ðình Chương, người được thính giả mang nợ nhiều nhất mỗi khi Xuân về. Ngày Xuân có thể thiếu pháo mà không thể không có “Ly Rượu Mừng”! Có lần ông nói đùa: “Nếu mọi người chỉ cần trả một đồng thôi mỗi khi hát ‘Ly Rượu Mừng’, thì tôi đã thành triệu phú từ lâu”. Ngoài nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, lời ca lại mang nội dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Vì thế “Ly Rượu Mừng” không chỉ được cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Ðán mà còn thường được mọi người chung hát tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...

                      Một bản nhạc Xuân khác của Phạm Ðình Chương cũng thường được nghe trình bày hợp ca tại các đài phát thanh, hay đồng ca vào những dịp họp mặt tất niên tại các trường học là bản “Ðón Xuân”. Nhưng thật ra, bài Xuân ca tuyệt vời nhất của Phạm Ðình Chương chính là “Xuân Tha Hương”. Tác phẩm này được viết với nhịp điệu Boston 3/4 chậm rãi, tha thiết. Âm giai “Ré trưởng” không quá cao hoặc quá thấp nên thích hợp với mọi giọng hát. Ý nhạc nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhờ ông dùng nhiều chuyển âm. Gần như cứ hai trường canh ông lại thay đổi hợp âm, mang lại cho “Xuân Tha Hương” sắc thái đặc biệt Phạm Ðình Chương.

                      Bản nhạc còn tuyệt vời vì lời ca buồn man mác, nhẹ nhàng kín đáo chứ không rũ rượi sầu thảm. Trong thập niên 60 khi bài hát được thịnh hành, người ta yêu lời ca vì nhớ tới Hà Nội và những ngày Xuân êm đềm xa xưa.

                      Ngày nay, người ta càng yêu lời ca hơn vì nỗi buồn tư hương bao phủ lên cả quê hương yêu dấu.

                      Comment


                      • #26
                        Xuân Tha Hương



                        Tạp ghi Quỳnh Giao

                        Năm mươi năm trước đây, Phạm Ðình Chương đã viết cho chúng ta Xuân Tha Hương, với trái tim còn đầy ắp hình ảnh của miền Bắc thân yêu đã bị chia cắt từ Hiệp Ðịnh Genève 54.

                        Theo lời tác giả, bài Xuân Tha Hương được dùng trong một phim loại “đen” là “The Quiet American” do đạo diễn Joseph Mankiewicz dựng từ truyện cùng tên của Graham Greene vào năm 1958. Truyện này được quay lại thành phim lần thứ hai vào năm 2002, nhưng Xuân Tha Hương không còn và miền Nam cũ nay cũng đã mất.

                        Cả một khung cảnh xa xưa nay được nhìn lại, với con mắt mới, nhãn quan và thính giác mới.

                        Trong các ca khúc về Xuân của Phạm Ðình Chương, đây là bài có nhạc thuật cao nhất. Nói như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, một bạn thân của ông, nhạc Phạm Ðình Chương quả là “cao mà không xa”. Riêng với Xuân Tha Hương thì lại rất gần vì từ nửa thế kỷ nay, chúng ta đã có biết bao Mùa Xuân xa nhà rồi. Xa nhà vì chiến tranh và sau chiến tranh còn xa nhà hơn nữa.

                        Nếu Ly Rượu Mừng là ca khúc ai cũng nhớ, cũng yêu thích và hò hát rất vui trong ngày Tết vì dễ hát dễ nhớ, thì Xuân Tha Hương là khúc nhạc Xuân để hát một mình, trong nỗi ngậm ngùi.

                        Phạm Ðình Chương viết bài này khi mới 27 tuổi.

                        Chúng ta hãy so sánh với các sáng tác của lớp tuổi 30 thời nay mới thấy một khoảng cách rất xa. Ông viết với kỹ thuật già dặn của một Dương Thiệu Tước hay Vũ Thành trong loại ca khúc nghệ thuật.

                        Sau bốn câu của đoạn đầu...

                        Ngày xưa Xuân thắm quê tôi...

                        Sống bao Xuân lạnh lẽo âm thầm

                        Phạm Ðình Chương chuyển qua đoạn hai

                        Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đơm bông...

                        Mắt huyên lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ

                        trước khi trở lại giai điệu ban đầu

                        Chiều nay lê bước phiêu du...

                        Ðể sống vui quê mẹ lúc Xuân về.

                        Rất nhiều ca khúc thật hay đã có kể kết thúc như vậy, tròn trịa tràn đầy, vuông vức có thủy có chung, một ca khúc có “carrure”. Khác hẳn những bài mà người ta có thể ngừng đâu cũng được như loại truyện tình không đoạn kết, trong đó có Buồn Tàn Thu của Văn Cao.

                        Nhưng Phạm Ðình Chương không dừng tại khuôn khổ ấy

                        Ông viết một chuyển đoạn trên nhịp luân vũ còn dìu dặt hơn, như trong một giấc mơ, nhờ rất nhiều vần trắc:

                        Xuân tới muôn cánh hoa nở bay khắp nơi

                        Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới

                        Chiều dâng, sầu lắng, trên đường về mịt mùng

                        Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương.

                        Sau đoản khúc có thể là điệp khúc ấy, người ta mới trở lại hai đoạn chính ở ban đầu.

                        Hai đoạn chính này là để tả tình, tả nỗi nhớ gia đình trong buổi Xuân về. Ðoạn sau cùng mới là tả cảnh, mà là cảnh Xuân miền Bắc, mưa phùn rơi trên hoa đào phơi phới.

                        Cảnh Xuân ấy mịt mùng tan loãng trong áng “mây Tần”, một biểu tượng của nỗi nhớ nhà mà mọi người cùng thế hệ với tác giả đều biết. Cũng vậy, thời ấy, người ta hiểu ý tác giả ở câu “mắt huyên” là mắt của mẹ hiền. Sau này, ông dễ dãi chấp nhận “mắt hoen lệ rưng rưng sầu héo đến bao giờ” vì âm “trầm bình thanh” của chữ đó. Nhưng, thời nay, nhiều người vẫn nghe ra là “mắt huyền”. Hình ảnh mẹ già của Xuân xưa đã nhòa trong đôi mắt huyền mơ của tình yêu đôi lứa! Xưa và nay có khác xa.

                        Viết từ năm 1956, Xuân Tha Hương vì vậy đã báo hiệu cho những bản tình ca tuyệt vời mà Phạm Ðình Chương sáng tác sau này từ ý thơ Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Hoàng Anh Tuấn hay Nguyên Sa, Ðinh Hùng... Ông là người viết “những bản tình ca không có hạnh phúc” hay nhất, từ một thành phố đổ nát về chiến tranh mà vẫn nức nở về tình yêu.

                        Nhạc thuật cao và sang nhưng không xa không khó của Phạm Ðình Chương khiến những bài thơ tình hay nhất đã trở thành phổ biến trong dân gian và còn mãi với chúng ta cùng hình ảnh của Sài Gòn nay đã mất tên. Ðặc biệt hơn cả, Phạm Ðình Chương viết các tình khúc ấy khi còn ở nhà, trước khi vượt biên ra ngoài. Ngay tại Sài Gòn, dù chưa đi ngoại quốc, chưa hề đặt chân lên nước Pháp, ông đã viết những tình khúc tân kỳ nhất. Lê Trọng Nguyễn yêu ông và quý trọng ông cũng vì lòng cảm phục ấy giữa những người đồng điệu.

                        Quả thật là đã một thời Sài Gòn có phong cách nghệ thuật rất mới chính là nhờ những bài như Dạ “Tâm” Khúc, Bài Ngợi Ca Tình Yêu hay Nửa Hồn Thương Ðau của Phạm Ðình Chương.

                        Khi viết Xuân Tha Hương, ông có thể nhớ về Hà Nội hay quê mẹ ở Sơn Tây. Ngày nay, khi hát Xuân Tha Hương, chúng ta lại nhớ đến Sài Gòn.

                        Và tìm nghe nhạc Xuân ở trong nước thì lại thấy hương sắc của ngoại ô Hương Cảng.


                        Comment


                        • #27
                          Mỗi Trang là Một Bài Thơ - Lê Thương (1914 - 1996)



                          Tạp ghi Quỳnh Giao - 2006

                          Nhạc sĩ viết ca khúc thuộc loại hay nhất cho thiếu nhi, bài “Tuổi Thơ”, lại có thể là một “thằng Cuội già”. Ðặc biệt là vì ông lỡ... “ôm một mối mơ”.

                          Hai ca khúc của ông, “Tuổi Thơ” và “Thằng Cuội”, nằm trong danh mục không thể thiếu của nhạc thiếu nhi...

                          Viết về những truyền thuyết tỏa xuống từ vầng nguyệt, ông không đặt tên là Chị Hằng, Hằng Nga, hay Cung Quế, Cung Quảng, hoặc Chú Cuội. Ông viết về “cây đa to có thằng Cuội già ôm một mối mơ.” Bài ca có tên là “Thằng Cuội”, có lẽ ca khúc duy nhất có chữ “thằng”!

                          Với câu “sướng thay cho đời tuổi thơ, mỗi trang là một bài thơ”, bài Tuổi Thơ này khởi đầu như một bức tranh:

                          Trời xanh, xanh ngắt

                          Hương thơm, thơm ngát...

                          Bàn tay năm ngón cùng xinh

                          Màu da trong trắng mượt tinh...

                          ...

                          Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa

                          Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa

                          Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn

                          Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên...


                          Người viết là một nhân vật thường ra chúng ta chỉ có thể gặp trong tiểu thuyết.

                          Ông là người lang bạt kỳ hồ, từng trôi dạt từ Bắc vào Nam và làm đủ nghề, từ đốc công đồn điền cao su tới đạo diễn điện ảnh, giáo sư về sử và nhạc. Ông là người duyên dáng, có tài thuyết giảng, cực kỳ uyên bác đằng sau cái vẻ xuề xòa và tiếng cười hồn nhiên.

                          Ông lại là một trong những người khai phá ra nền tân nhạc Việt Nam, từ 70 chục năm trước.

                          Nhân vật ấy là Lê Thương. Một người xuất hiện trong một giai đoạn thê lương của đất nước và quả là đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, theo lối viết của Phạm Duy.

                          Sau biến cố 1975, gia đình ông gặp nhiều cảnh tang thương, bản thân ông sống trong khổ cực. Nhưng, trước sau Lê Thương vẫn là người ôm nhiều hoài bảo cho tuổi thơ.

                          Ông thường nói nhiều về những giấc mơ của ông cho các em thiếu nhi, nhưng không có điều kiện xây dựng và điều khiển một trung tâm sinh hoạt thiếu nhi chắc chắn là rất rực rỡ tươi đẹp. Những gì tuổi thơ nhận từ Lê Thương là một số bài ca bất hủ gần như em nhỏ nào cũng thuộc. Nhưng, so với những hoài bão của ông cho tuổi thơ, phần di sản đó vẫn còn ít ỏi và trẻ thơ nước ta hát nhạc Lê Thương mà có khi quên mất người.

                          Ở một hoàn cảnh tốt đẹp khác, Quỳnh Giao nghĩ rằng nước ta đã phải có một vườn hoa cho thiếu nhi mang tên Lê Thương.

                          Lê Thương là người viết rất nhiều truyện ca và hùng sử ca để các thế hệ về sau khỏi quên văn hóa và lịch sử nước nhà. Ngày nay, nhớ Lê Thương, ai ai cũng nhắc đến liên khúc “Hòn Vọng Phu” và những lời ca bi hùng mình nghe từ khi còn thơ ấu chưa hiểu gì.

                          Thời xưa, nền giáo dục trung tiểu học của chúng ta đã có những sơ sót đáng tiếc. Ðáng lẽ, trong chương trình giảng văn cho các em đã phải có những bài giảng về lời ca trong một số tác phẩm lớn và có giá trị về văn học nghệ thuật. Ba bài Hòn Vọng Phu phải nằm trong danh sách ấy.

                          Chính là hình ảnh trong truyện ca đó mới dẫn chúng ta đến chỗ hiểu và yêu Chinh Phụ Ngâm và những trang hùng sử của dân tộc. Ðặc biệt là hào khí trong ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương lại không u uẩn như hình tượng hòn vọng phu có thể gợi lên. Nhớ đến “tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt” của Nguyễn Công Trứ, một bài hát nói trong các chương trình trung học, chúng ta tiếc là trẻ thơ lại không thuộc lời ca và cả xuất xứ của những điển tích hay hình tượng trong Hòn Vọng Phu, gần gũi hơn nhiều lắm.

                          Quả như ông viết trong lời kết của bài cuối, trường ca Hòn Vọng Phu đã là:

                          Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu,

                          từ bóng cây ngôi mộ bên đường,

                          từ mái tranh bên đình trong làng,

                          nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống,

                          bao mối thương vang dậy trong lòng.


                          Gần như ai cũng thuộc lời ca Hòn Vọng Phu trước khi vào tới trường để rồi được làm quen với thơ Nôm của Ðoàn Thị Ðiểm dịch từ thơ cổ của Ðặng Trần Côn, như:

                          “bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mù,

                          bên Tiêu tương còn thương tiếc bao ngàn trùng”,


                          Hoặc những kỳ tích của lịch sử nước nhà:

                          “Ðò vạn lý, đò ải quan, đò rừng lá nước trong, bao cá lội từng đàn

                          Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm vẫn chưa xóa nhòa...”


                          Nếu so sánh lời ca ấy với một số tác phẩm xuất hiện trong cùng giai đoạn thì mới thấy Lê Thương đi sớm hơn các tác giả đồng thời của ông.

                          Lê Thương là người đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ và còn có một biệt tài nằm ngoài lãnh vực âm nhạc: không chỉ là đạo diễn Lê Thương còn là một diễn viên có tài.

                          Ông từng thủ vai linh mục thật xuất sắc trong một cuốn phim do Hà Thúc Cần đạo diễn, dựng từ tác phẩm của Nhã Ca về Huế trong Mậu Thân. Cuốn phim “Ðất Khổ” này lại bị Bộ Thông Tin và Dân Vận thời ấy không cho chiếu vì nội dung quá bi thảm, nên đa số chúng ta không được thấy tài nghệ của một Lê Thương tài tử điện ảnh. Ðất nước ta thiếu may mắn cũng trong ý nghĩa đó.

                          Tân nhạc Việt Nam đã trải qua bảy thập niên, thời gian coi như một đời người, từ thuở sơ sinh cho tới tuổi già. Lê Thương có góp phần nuôi dưỡng và phát triển nền tân nhạc đó ở nhiều khía cạnh khác nhau.

                          Thế giới hôm nay đang kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Mozart. Riêng Quỳnh Giao lại nhớ tới một người có công lớn với nền tân nhạc và tuổi thơ của Việt Nam, nên mới có lời tri ân gửi tới Lê Thương. Cứ nhìn lên vầng trăng là lại nghe thấy tiếng cười của ông.

                          Lê Thương từ giã chúng ta đã được 10 năm rồi.

                          Comment


                          • #28
                            Người Đẹp và Suối Tóc


                            Tạp ghi Quỳnh Giao

                            Một thương tóc xõa đuôi gà

                            Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

                            Ba thương má lúm đồng tiền

                            Bốn thương đôi mắt như sao hiền mùa thu…


                            Chúng ta đều biết Đông và Tây ít khi gặp nhau và người Việt mình khác dân Tây phương về nhiều lĩnh vực. Chuyện ấy lý luận cả tháng chắc cũng không hết. Trong mục tạp ghi hôm nay, người viết chỉ dám đề cập đến cái rất riêng trong những cái chung của hai thế giới. Cái chung là Đông Tây gì thì cũng yêu cái đẹp và thích ca tụng vẻ đẹp. Cái riêng là cách tán tụng vẻ đẹp. Nói cho "huy hoàng" vào ngày cuối năm thì sự dị biệt của người mình và người ngoại quốc chính là "mỹ quan".

                            Bảo rằng huy hoàng để cho vui thôi chứ người ta có nhiều cách so sánh chuyện riêng và chung của hai nếp văn hoá, trong khi Quỳnh Giao chỉ dám thu hẹp vào một lĩnh vực nhỏ xíu... bằng sợi tóc. Đó là những khúc tình ca viết về mỹ nhân với suối tóc.

                            Ngẫm lại thì nhạc ngoại quốc có lời từ ca tụng nhiều nhất là đôi mắt, ngay sau đó tới… thân hình. Còn các nhà thơ và giới sáng tác của chúng ta chỉ cần mê đôi mắt và.. tụng mái tóc thì "cũng đủ lãng quên đời". Hèn chi mà Đinh Hùng viết "một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc...."

                            Vì vậy, xin nói về mái tóc trong các nhạc khúc xa xưa.

                            Từ thuở phôi thai của nền tân nhạc, Thẩm Oánh có bài “Suối Huyền” nhịp Slow, viết theo giai điệu Hạ Uy Di, nghe lả lướt óng chuốt, tiếc là đã lâu không còn ai hát lại nữa. Người viết thì còn nhớ hình bìa in ảnh cô Tâm Vấn với mái tóc dài, dợn sóng và khóe mắt hồ thu. Cũng theo lời thân mẫu kể lại thì ông viết để tặng mái tóc nổi tiếng ấy.

                            Suối huyền, lả buông làn tóc

                            Thướt tha, óng chuốt uốn lưng ong…


                            Nhớ lại thì cả Thẩm Oánh và Văn Phụng đều cùng thấy mái tóc óng mượt chảy xuôi như môt dòng suối.

                            Khi kết duyên cùng Châu Hà, nhạc sĩ Văn Phụng viết bài “Suối Tóc”, với lời của Thy Vân. Ca khúc có nét tân kỳ quý phái với điệu Boston dìu dặt như nhịp bước của đôi tình nhân. Không biết tác giả có lời yêu cầu với ông Thy Vân không, mà lời ca thì rõ là để tả mái tóc thời ấy của cô Châu Hà. Buông dài đến tận lưng, mầu nâu nhạt óng ả. Cho đến nay, ca khúc này vẫn còn được hát, đơn ca hay song ca, tam ca đều hay. Và dĩ nhiên người hát bài này tình tứ nhất là Châu Hà. Chứ còn ai nữa!..



                            Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi

                            Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai…


                            Cũng có khi ca dao được dùng làm tựa đề như bài “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài” của Phạm Duy một thời được những người con trong gia đình là ban Dreamers hát hằng đêm tại phòng trà Ritz. Như các tình ca khác của Phạm Duy, đến nay bài này vẫn thịnh hành. Cách hay nhất là song ca nam nữ.

                            Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc

                            Thuở ấy anh vừa thôi học xong

                            Yêu anh yêu anh em làm thơ

                            Yêu em yêu em anh soạn nhạc…


                            Nhạc sĩ Nguyển Hiền có nét nhạc bay bướm mềm mại và viết bài “Mái Tóc Dạ Hương” phổ thơ Đinh Hùng rất đạt. Nhịp Boston êm đềm và cung Trưởng trong sáng làm cho ca khúc dễ hát dễ nghe. Ngày xưa Thanh Lan hát bài này trong cassette của Phạm Mạnh Cương rất dễ thương.

                            Từ giã hoàng hôn trong mắt em

                            Tôi đi tìm những phố không đèn

                            Gió mùa thu sớm bao dư vị

                            Của chút ân tình hương tóc quen…


                            Cũng trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương, Thanh Lan có hát bài “ Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè”. Bài hát có tựa đề giống tên dịch từ một cuốn phim chiếu ở Sài Gòn thời 70.

                            Ca khúc này được Phạm Mạnh Cương viết trên cung Trưởng, nhịp Boston .

                            Em buông lơi tóc thề

                            Tình mình theo cơn lốc về

                            Em như mưa nắng hạ

                            Hôn bờ biển xanh sỏi đá…


                            Hồi còn làm nhân viên cho phòng kỹ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Hoài Linh có sáng tác bài “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”, thường được Thanh Thúy trình bầy và thính giả rất thích vì tưởng tượng ngay ra mái tóc rất đặc biệt của người nữ ca sĩ có nét đẹp rất Liêu Trai...

                            Hồn lỡ sa vào đôi mắt em

                            Chiều nao xoã tóc ngồi bên rèm…


                            Ra hải ngoại, Quỳnh Giao được nghe và thích bài “Tóc Mây”, về sau mới biết là của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Bài này thường được các nhạc sinh học hát chọn để trình bầy, vì nét nhạc lên bổng xuống trầm thật thướt tha và lả lướt. Nhịp Slow chậm rãi trên cung Trưởng trong sáng. Người viết nghe nhiều version, nhưng thích nhất là giọng Thái Hiền khi diễn tả ca khúc này. Cô diễn tả được nét bơ vơ, phát âm rõ ràng tròn trịa và không cường điệu.

                            Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình

                            Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao

                            Như cánh chim đêm bơ vơ một mình

                            Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu tình…


                            Cũng ở hải ngoại , Thanh Trang của “Duyên Thề” sáng tác thêm nhiều ca khúc trữ tình đẹp cả từ lẫn nhạc. Bài anh viết về mái tóc phổ thơ Hà Nguyên Dũng có tựa đề rất nên thơ là “Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ”. Nét nhạc mang âm hưởng cổ kính của đất Thần Kinh.

                            Trời đang nắng bỗng mưa nào ai biết

                            Mưa ướt rồi mái tóc xoã phai hương

                            Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc

                            Em đi qua thơm ngát cả con đường…


                            Nhạc sĩ trong giới tubip Phạm Anh Dũng thường sáng tác tình ca, có bài “Tóc Thề Đi Đâu Mà Vội” phổ thơ Hoàng Lan Chi, nhịp Luân Vũ nhịp nhàng, êm ái. Hát lên là nhớ lại thuở mặc áo dài trắng đứng trong sân trường.

                            Em đi đâu mà vội

                            Nắng đã xếp hàng chưa?

                            Tóc còn bờ vai xõa

                            Cho ai lời hẹn xưa…


                            Chắc là còn nhiều lắm mà khuôn khổ một bài tạp ghi không cho người viết kể lể nhiều hơn. Người Tây phương ít khi rưng rưng chỉ vì một sợi tóc, chứ người Việt chúng ta lãng mạn mà kín đáo. Thương mái tóc là nhớ cả dáng người. Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa?

                            Nghĩ lại thì lối ca tụng cái đẹp tinh khiết và thánh thiện đó là một phong cách văn minh mà mình nên gìn giữ.


                            Comment


                            • #29
                              ỦA, Phạm Anh Dũng là ai? Có dính líu gì đến bài "Tóc Thề Đi Đâu Mà Vội", thơ Hoàng Lan Chi?

                              Bài này của Đỗ Quân phổ nhạc mờ?!


                              Comment


                              • #30
                                Em nghĩ một bài thơ có thể được vài người thích rồi đem vào nhạc như trường hợp này. Phạm Anh Dũng phổ nhạc bài thơ với tưạ đề "Tóc Thề Đi Đâu Mà Vội", Đỗ Quân phổ nhạc với tưạ đề "Tóc Thề Em Đi Đâu Vội", tưạ đề hai bản nhạc na ná nhau làm người hát 'confuse'. Thêm vào đó, có lẽ lời ca cuả hai bản nhạc đều lấy hầu hết các chử trong bài thơ (sở dĩ nghĩ như vậy vì khó có thể nào từ hai người lại viết được lời ca giống nhau quá) nên càng làm ca sĩ thắc mắc. T không biết tưạ đề nguyên thuỷ cuả bài thơ là gì chắc cũng giống như tưạ đề cuả hai bản nhạc. Tuy nhiên nhạc thì không giống nhau.

                                Thân mến,

                                Trúc

                                Comment

                                Working...
                                X