Announcement

Collapse
No announcement yet.

Khi xe không nổ máy

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Khi xe không nổ máy

    Bài này được viết với mong ước giúp các bạn biết chút ít về xe có thể làm cho chiếc xe đang 'giở chứng' của mình có thể chạy được. Nếu tay bạn chưa từng dính dầu máy thì ít ra bạn cũng biết người ta sẽ làm gì với chiếc xe của mình khi phải đem đi sửa ở đâu đó.

    Cần 'lắng nghe' tiếng thở than của xe để xem nó ở vào trường hợp nào sau đây khi đang 'đề' máy:

    • Không nghe tiếng máy quay hay chỉ nghe những tiếng khua nhỏ (clicking sound).

    - Các đầu dây nối với cọc bình dơ hay lỏng.

    - Bình (battery) hết điện hay có điện thế rất thấp thường do quên tắt đèn xe.

    - Bình quá cũ.

    - Máy phát điện (alternator) bị hỏng nên không nạp điện cho bình.

    Có thể mở nắp máy (engine hood), dùng tay xoay mạnh các đầu dây nối với cọc bình để kiểm tra. Nếu thấy đầu dây dơ, lỏng, cần chùi sạch, siết chặt rồi khởi động lại.



    Nếu máy vẫn không nổ có thể nhờ ai đó cho câu bình (jumpstart).



    Sau khi máy nổ, dùng voltmeter để kiểm tra điện thế của bình điện khi động cơ đang làm việc, nếu voltmeter chỉ thấp hơn mức 13.6 V, cần xem lại độ căng (tension) của belt kéo máy phát điện hoặc phải thay mới máy phát điện (khoảng US $ 150). Tắt máy để kiểm tra điện thế của bình điện, nếu thấp hơn 12 V phải dùng máy nạp điện (charger) để nạp cho bình. Nếu bình vẫn không giữ đủ điện để khởi động phải thay bình mới (khoảng US $ 100).


    Những tiếng khua nhỏ tạo ra khi đề máy thường là do các đầu dây nối với cọc bình dơ, lỏng hay bình yếu. Tiếng khua lọc cọc khá lớn rồi ngừng cho thấy bình còn mạnh nhưng máy khởi động có nhiều khả năng đã bị hỏng (kẹt). Có thể tạm thời sửa chữa để xe có thể chạy được ngay bằng cách dùng búa gõ nhẹ vào thân của máy khởi động nhằm giúp cho cơ cấu bên trong chuyển động bình thường rồi thử khởi động lại. Sau đó phải thay mới bộ phận này khi thuận tiện (khoảng US $ 150).

    • Nghe tiếng máy quay nhưng rất chậm.

    - Các đầu dây nối với cọc bình dơ hay lỏng.

    - Bình (battery) hết điện hay có điện thế rất thấp do quên tắt đèn xe.

    - Bình quá cũ.

    - Máy phát điện (alternator) bị hỏng nên không nạp điện cho bình.

    • Nghe tiếng máy quay nhanh.

    Khi máy đạt được số vòng quay cần thiết nhưng vẫn không nổ thì nguyên nhân còn lại thường là do máy thiếu xăng hay lửa.

    - Kiểm tra hệ thống đánh lửa:

    Rút bất kỳ một dây dẫn điện đến bu-gi (spark plug), nối với một cây vặn vít có sẵn và khởi động máy để thử nghiệm, nếu có tia lửa phát ra là hệ thống làm việc bình thường. Bước kế tiếp là kiểm tra hệ thống cung cấp nhiên liệu.



    Nếu không thấy tia lửa, cần kiểm tra bộ phận phân phối điện đến các bu-gi (distributor). Nếu xe không dùng bộ phân phối điện, nên kiểm tra hoặc thay mới bộ phận cảm biến vị trí cốt máy (crankshaft position sensor) thường nằm phía sau máy phát điện. Bộ phận này có vai trò như môt nam châm và cuộn dây cảm ứng nhằm theo dõi sự phối hợp vận chuyển của piston và các xú-páp (valve), số vòng quay của cốt máy và thời điểm đánh lửa. Khi bộ phận này bị hỏng, động cơ vẫn có thể nổ được nhưng sẽ tắt ngay sau đó.



    - Kiểm tra hệ thống cung cấp nhiên liệu:

    Cần chắc chắn là xe của bạn còn xăng trong thùng chứa. Kiểm tra relay của bơm xăng ở hộp chứa cầu chì bằng cách nối tắt (by-pass), nếu bơm xăng hoạt động trở lại là relay đã bị hỏng. Tháo lỏng ốc chận ở đầu ống phân phối nhiên liệu (fuel rail) để kiểm tra áp lực của xăng (30 psi – 80 psi) hoặc thay mới bơm xăng. Trong nhiều trường hợp sẽ phải thay bơm xăng nếu không thấy xăng chảy ra ngoài khi nới lỏng ốc chận này.



    Trong nhiều trường hợp xe khó nổ máy, có thể tháo ống nối với lọc gió rồi dùng bình xăng mồi (starting fluid) để phun vào đó một chút trước khi đề máy.



    Nói tóm lại, nếu xe của bạn đã chạy quá 100,000 miles, trong xe nên có sẵn một số dụng cụ như sau phòng khi xe không nổ máy:



    - Một bình điện di động (jump starter) hay một sợi dây Booster Cable để có thể nhờ một người nào đó giúp câu bình (nối song song với bình điện của một xe khác).

    - Một chìa khóa 10 mm để có thể siết lại dây nối cọc bình nếu đầu dây lỏng.

    - Một cái búa nhỏ để gõ vào starter nếu cần.

    - Dụng cụ thích hợp như Socket 10 mm hay cây vặn vít để mở nắp che lọc gió (air filter).

    - Một bình xăng mồi.

    - Một đèn pin nhỏ và một số dụng cụ thông dụng.

    Chúc các bạn may mắn.

    Hùng Nguyễn (72 CKO)


  • #2
    Hi Anh Hùng.

    Xe chạy trên 100 ngàn Miles thì ngoài các thứ dụng cụ cần mang theo trong xe như anh nói thì nhớ là đừng quên mang theo cái mền để đắp khi xe trục trăc như thế trong mùa Đông...nói đến đây, các bạn có thể cười hay ngạc nhiên nhưng đó là chuyện thực tế !!!

    Trước vụ tai nạn của cháu Khôi ở Chicago, bên Canada này...mẹ của người bạn lái xe bị trượt trên xa lộ 401 vì mặt đường đóng băng từ tối hôm trước. Xe bị mất điều khiển và quay tự do...may mắn cuối cùng xe đưa đít vào hàng rào cản ( nhưng không đụng). Gọi Police và xe Tow mất cả 3 tiếng đồng hồ mà chẳng thấy xe Tow đâu cả!!!

    Vậy thì cứ lấy mền ra đắp chờ xe Tow đến mà thôi! cuối cùng ..xe Tow mà mình gọi thì không đến mà xe Tow chạy tình cờ trên xa lộ lại giúp...Đó là kinh nghiệm phòng thủ cho Mùa Đông khi lái xe ở Bắc Mỹ này , cái mền hay cái gì có thể giữ ấm cho mình phòng khi xe bị trục trặc ...............đừng bao giờ tin 1 cách tuyệt đối vào người sẽ cứu giúp mình khi gặp nạn...

    Comment


    • #3
      Đọc mấy bài post về xe cộ cuả các anh thấy rất hưũ ích, nhưng chắc cả đời, T không bao giờ xài tới, nhưng anh H thì thích lắm. Lâu lắm rồi, cách nay cũng cở 20 năm, có một hôm T bàn với người chị họ cuả anh H (lúc đó chị mới dọn về Austin nên ở chung với tụi T), nói anh H chỉ mình cách thay bánh xe, bơm bánh xe..., để lỡ xe bị bể bánh mình còn biết cách mà thay. Chị nói: 'Giời ơi! qua đây mình đi làm suốt ngày như đàn ông về còn trăm thứ trong nhà phải làm, tại sao lại muốn biết thêm làm gì chuyện cuả họ cho mệt.' Đấy là chị thuộc diện 'mẹ goá con côi' không có người để 'sai bảo' mà còn không thèm sợ xe hư dọc đường, thành ra từ đó về sau, những gì liên quan đến xe cộ, T không bao giờ ghé mắt tới, nhường hết cho phu quân 'take care', lên xe chỉ lo chuyện 'navigator' thôi. ))

      Comment


      • #4
        Một số các bà người Mễ có vẻ rất tháo vát, họ có thể tự check và châm thêm nhớt máy, nhớt hộp số, dầu thắng, dầu tay lái và nước rửa kiếng (windshield) cho những chiếc xe đang sử dụng. Người quen là một bà người Trung Hoa làm việc ở bank thú nhận không hề biết 'đổ xăng' trong nhiều năm lái xe cho đến khi ông chồng phải đi công tác dài ngày ở một nơi rất xa. Thay một bánh xe bị xẹp có lẽ là việc làm quá khó đối với các bà, nhưng đôi khi chỉ với một chút kiến thức cần thiết chúng ta có thể gỡ được những 'bàn thua trông thấy'. Nếu không được bảo trì (maintenance) tốt, xe có thể hư bất ngờ dọc đường 'gió bụi', không ai biết được những gì sẽ xảy ra sau đó !!!

        Comment


        • #5
          Anh Hùng có lý lắm, phụ nữ sợ nhất bị hư xe, may sao xưa nay T chỉ bị hư có vài lần mà lần nào cũng có quơí nhân phù hộ.

          Một lần bị bể bánh xe trên đường đến trường rước cháu, vì không biết thay bánh xe lại sợ đến trễ cháu mong, nên cứ để vậy mà chạy tới trường, cũng may trường không xa chổ bị bể bánh lắm. Rước con rồi mới thấy một ông Mỹ có vẻ hiền lành bèn ca 6 câu với ông, thế là ông thay dùm cái bánh sơ-cua cho chạy đi thay bánh bị hư. Vậy mà kéo cái bánh sơ-cua mới hay bánh này cũng bị xẹp, ông nói chạy đở tới cây xăng bơm cho đầy rồi hảy đi, nhưng T lại không biết bơm bánh xe nên cứ thế chạy về nhà chờ chàng về 'take care'.

          Sau này, có hôm đi làm về, giưã đường xe bị thiếu nước, bèn tắp vào tiệm 7-11 bên đường, dựng 'hood' lên, te te chạy vô rinh bình nước ra tính tiền, ông Mễ hỏi mua nước làm gì, chắc ông thấy xe đậu bị hư, T nói máy bị thiếu nước nên mua để chế vô máy. T nhớ hình như ông nói đây là nước rưả 'windshield', thế rồi ông giúp lấy đúng nước chế vô máy cho T, hú hồn lỡ chế trật nước lạng quạng xe hư thêm thì khổ. Sau đó ông giúp chế nước vào bình xe. Tới hồi đóng cái 'hood' lại, ông phải đổ mồ hôi như tắm mới gỡ được cây chống ra vì T gắn lộn chổ. Tới giờ cũng không biết dựng cây chống ở chổ nào, ngu tới vậy nên không bao giờ rớ tới xe nưã.

          Bảy tám năm nay sang lắm, đi đâu cũng có tài xế, không sợ thân gái dặm trường nưã, nên tới lái xe cũng có vấn đề chứ đừng nói chi sưả xe chút chút. Lâu lâu lái lại, quẹo cứ bị leo lề, đi với con thì nó kêu lên: Sao mẹ thắng gì kỳ vậy.?

          Mỗi lần đi ăn trưa với bạn trong hãng, vì mình có xe 'van' nên chở được nhiều người, khỏi phải đi hai ba chiếc nhưng sau khi đi với T một hai lần rồi, nếu nói để T chở nưã, ai nấy đều la lên 'Noooo ...'

          Comment


          • #6
            Bánh xe 'secure' (spare wheel) cũng cần được thường xuyên kiểm tra vì có khi cần đến lại không sử dụng được. Cũng may những xe mới sản xuất sau này đều có khả năng báo cho tài xế biết bánh xe nào đang bị thiếu hơi kể cả bánh xe dự phòng. Đọc qua comment của Trúc mới thấy việc sử dụng xe đối với nhiều người cũng rất nhiêu khê. Thông thường chiếc xe phục vụ cho mình, nhưng nếu không hiểu nó thì có lúc mình sẽ phải khổ sở vì nó. Thế mới biết 'Nghề chơi cũng lắm công phu' (Kiều).

            Comment


            • #7
              "Khi xe không nổ máy" đã gợi lại một kỷ niệm father & sons trong gia đình mình. Thuở đó, khoảng năm 1996-1997, đứa con còn học ở High school, thích và chạy 1 chiếc Jeep Wrangler. Một buổi chiều nọ, chiếc xe trở chứng, đề mãi không chịu nổ. Sau hơn cả giờ mệt mỏi, cố gắng nhưng chiếc xe vẫn ì ra.

              Rồi mình bỗng chợt nhớ lại thuở còn ở VN, một cách đề nổ máy xe gắn máy Honda 50cc đàn ông với các thao tác: bóp embrayage (côn), vô số, đẩy xe chạy bộ lấy trớn, nhả embryage, vô ga, và xe có thể nổ máy được.

              Nhìn trở lại chiếc Jeep Wrangler đang làm khó, không chịu nổ máy, vừa nhớ thuở xưa chạy Honda ở VN, mình có thể thử xem ra sao. Nghĩ thế, mình lên ghế tài xế ngồi, đạp clutch, gài số, rồi bảo mấy đứa con đẩy xe từ phía sau. Khi xe có trớn, nhả clutch và vô ga… oh yeah!! Xe nổ máy chạy giòn ngon lành… Các cha con mình đã có một kỷ niệm không quên: Một cách đề xe tạm thời … VN style

              (Sau đó mình phải thay starter!!!)

              Cảm ơn anh Hùng đã chia xẻ một bài viết đầy thực dụng và gợi lại kỷ niệm không quên trong gia đình mình. :thumbs:

              Tình thân,

              4


              Best wishes,

              Comment


              • #8

                Phương pháp khởi động xe gắn máy của anh Tư cũng đã nhắc đến nhiều kỷ niệm với chiếc xe này. Khi ốc giữ chân đạp máy và đầu trục khởi động bị lỏng, phần răng sọc (then hoa) ở đầu trục này sẽ bị phá hỏng dù sau đó đã cố siết chặt lại con ốc này. Có khi ốc này bị siết gãy phải khoan phá đi, xẻ rãnh ở đầu chân đạp máy cho lớn hơn, rồi dùng một ốc khác dài hơn có kèm theo con tán (nut) để tạm sử dụng.


                Nhiều người nghĩ ra cách khoan lỗ giữa chân đạp và trục rồi đóng một chốt thép tròn vào đây, nhưng rồi chốt cũng sút ra vì ốc giữ chân đạp máy không được thường xuyên kiểm tra và siết lại. Có người hàn dính chân đạp máy vào đầu trục khởi động, sức nóng của lửa hàn thường làm cho vòng chận nhớt (O ring) giữa truc này và vỏ máy bị biến dạng, khiến cho nhớt máy thường bị nhễu ra ngoài. Hơn nữa, sau này khi muốn 'làm máy' phải dùng cưa sắt để tách rời hai bộ phận này, rất phiền. Cách tốt nhất vẫn là thay mới chân đạp và trục khởi động máy ngay khi có điều kiện thời gian và tài chánh.

                Comment


                • #9
                  Lâu lắm mới được thấy hình ảnh chiếc xe 67 ngày xưa. Xe này còn Original chưa thêm cái porte-bagages đằng sau. Ông hàng xóm NL dùng xe này làm xe thồ (bây giờ gọi là xe ôm). Ngày Tết ổng chất vợ con lên xe cả thẩy 6 người chạy về quê, ngon ơ không sao cả: 2 đứa con gái 6-7 tuổi ngồi đàng trước, bà vợ ngồi sau ổng ôm đứa nhỏ 1 tuối, thằng con trai 10 tuổi ngồi sau chót trên porte-bagages. Con ngựa thồ thật chiến chẳng thấy hư mà sống rất thọ.


                  Ba NL có xe Honda Dame đời quân đội, chỉ phải thay khung xe cho giống xe Cub đời mới, chứ máy chạy còn tốt chán. Đi với ông anh, nếu tắt máy, ổng lấy cái bougie ra chùi, xe nổ chạy tiếp, xe đời mới không tốt bằng xe cũ. Nhưng vì lâu quá nên phải bán để mua xe mới, thế mà vẫn có người mua và có giá đấy.

                  Comment


                  • #10
                    Cám ơn anh Hùng đã edit và bỏ hình lên . Đúng là cái xe của NL , xe original thì màu xám , nhưng sau đó sơn lại màu đỏ cho giống xe cup , nhưng còn có thêm cái porte-bagage đàng sau và cái giỏ đàng trước .Con ngưạ thồ này một thời theo Nl chở thuốc thú y và đi công tác Thủ Đức , Biên Hoà , Bình Dương , Lái Thiêu...

                    Comment


                    • #11
                      Các bạn thân mến

                      Hôm nay hâm nóng lại đề tài bằng hình ảnh của một bộ Jump starter ( bộ câu bình điện xe ) bộ nầy hiện nay rất thông dụng






                      Specification : Cường độ cung cấp =400Amperes ; Sức chứa = 15,000mAh ; kích thước = một hard disk nhỏ . Đủ mạnh để khởi động nhiều lần cho máy ôtô , máy cày , máy ca nô , charge pin cell phone ...

                      400 Amperes trong một kích thước như vậy , cách đây không lâu thuộc loại rất khó tin trong ngành CKO .

                      Tiếc rằng đời người qua mau , không có cơ hội để chứng kiến những tiến bộ kỹ thuật trong tương lai . Không chừng sẽ có ngày con cháu nói rằng, ông bà chúng nó đã phí thời gian không những 1-2 năm mà lâu đến 12 năm để học xong bậc trung học . Kiến thức nầy tụi nó chỉ cần gắn chip trong một vài phút !

                      Thân ái

                      NTT


                      Comment


                      • #12
                        Cám ơn Toản đã hâm nóng một đề tài đã cũ với những thông tin rất mới. Sau đây là những bổ sung có liên quan đến đặc tính của bình điện (battery) xe hơi.

                        • CCA (Cold Cranking Ampere): Cường độ của một bình đầy điện có thể liên tục phóng ra trong 30 giây trong thời tiết lạnh giá ở nhiệt độ vào khoảng 0 độ F (Fahrenheit) hay -18 độ C (Celsius).

                        • CA hay MCA (Cranking Ampere hay Marine Cranking Ampere): Khái niệm cũng tương tự như trên, chỉ khác một điều là bình điện được đo ở nhiệt độ ấm hơn là 32 độ F hay 0 độ C.

                        • RC (Reserve Capacity): Là khoảng thời gian tính bằng phút mà bình có thể liên tục cung cấp một dòng điện có cường độ không đổi là 25 Amperes ở 80 độ F mà điện thế mỗi hộc (ngăn) của bình không giảm thấp hơn 1.75 Volts hay điện thế của bình không giảm thấp hơn 10.5 Volts. RC cũng có nghĩa là khoảng thời gian tính bằng phút mà xe có thể tiếp tục hoạt động trong điều kiện bộ phận nạp điện cho bình (alternator) đã bị hỏng.

                        Khi thay mới bình điện cho xe cần tìm hiểu hướng dẫn của nhà chế tạo về kích thước cũng như CCA. Thông thường bình cần có cường độ tối thiểu trong khoảng từ 400 CCA đến 500 CCA để khởi động động cơ có 4 xy lanh. Động cơ lớn, có nhiều xy lanh cần có CCA lớn, tuy nhiên chọn một bình điện có CCA quá cao (đắt tiền hơn) sẽ là điều không cần thiết.

                        Bộ câu bình điện (jump starter) có kích thước nhỏ (pocket-size) là loại bình lithium, giá bán khoảng từ 100 đến 200 US dollars tùy theo cường độ khởi động (từ 200 đến 400 CCA). Bình điện này vẫn có khả năng khởi động một động cơ lớn sau khi được kết nối với bình điện cũ và yếu đang sử dụng trên xe.


                        Comment


                        • #13
                          Các bạn CKO thân mến , các bạn làm ơn cho P hỏi cái máy ở trên có thể dùng để charge battery của xe trong trường hợp bình điện flat nhưng vẫn còn tốt được không ? Vì nếu xe lâu ngày không chạy , hệ thống alarm vẫn làm việc nên điện xe bị hao làm bình điện bị flat , nên P thỉnh thoảng charge bình điện bằng máy battery charger khoảng nửa ngày , máy này khiêng ra khiêng vô hơi nặng , nếu máy trên có thể dùng để charge bình điện thì rất tốt cho ...P

                          Thân mến

                          PL


                          Comment


                          • #14

                            Muốn nạp điện (charge) cho bình điện xe hơi (khoảng 12.6 Volts) thì điện thế (voltage) của máy nạp (charger) hay máy phát điện (alternator) gắn trên xe phải lớn lớn hơn điện thế này (khoảng 14.6 Volts). Như đã nói ở trên, bộ câu bình điện (jump starter) theo ngôn ngữ của bạn Toản, là một loại bình điện di động có điện thế như của một bình điện thông thường chỉ ở vào khoảng 12 Volts nên không thể dùng nạp điện cho bình điện của xe được.

                            Xe đậu lâu ngày điện thế của bình sẽ bị giảm dần vì hệ thống báo động (alarm) vẫn tiêu thụ điện, nếu đậu xe lâu quá bình có thể bị yếu đến mức không thể khởi động được nữa. Trong trường hợp này có thể dùng máy nạp điện (charger) để làm tăng điện thế của bình như Phương đã thường làm. Cách tốt hơn là dùng dây (cable) để câu bình từ một chiếc xe khác hay sắm bộ câu bình điện như Toản đã giới thiệu để cho máy có thể nổ được. Sau đó cứ để cho xe nổ máy như thế khoảng nửa tiếng hoặc lái xe chạy một vòng phố là xong. Cách tốt nhất là mỗi tuần đều cho máy nổ tại chỗ khoảng 15 phút để động cơ có cơ hội "warm up'' và tự nạp điện cho bình.

                            Phải mở cửa garage khi xe nổ máy nếu đậu ở bên trong vì khói xe rất độc. Nếu bình chóng bị mất điện trở lại (chỉ sau vài ba ngày) thì đây là ''cơ hội rất tốt'' để bạn thay bình điện mới (giá khoảng US $100) vì bình của bạn đã quá cũ hay vì xe đậu quá lâu nên bình không còn khả năng tích điện được nữa.

                            Comment


                            • #15
                              Chỗ này KD thường mù tịt.

                              Hôm nay D học được ở anh Hùng 1 điểm:

                              Cách tốt nhất là mỗi tuần đều cho máy chạy 15´để nạp điện.:thank3:

                              Lúc này KD thấy người ta đi xin mấy bình battery bỏ đi, D nghe nói đem nó về dùng để charge điện dư từ solar lúc ban ngày, để dành sài cho bóng đèn ở các lối đi trong nhà, bóng đèn ngoài sân vườn ban đêm cho đỡ tốn tiền điện. Như thế mấy bình battery không sài được cho xe thì vẫn chưa bị bỏ đi có đúng không vậy anh Hùng? Nếu đúng thì KD cũng học làm :blush: (D thích cất tiền trong túi)

                              Thân Ái

                              KimDung

                              Comment

                              Working...
                              X