Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hồi Ký - Bóng Thời Gian - Khung Trời Kỷ Niệm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hồi Ký - Bóng Thời Gian - Khung Trời Kỷ Niệm

    Thời gian vừa qua các bạn khóa 74 SPKT nhận được email nhắc nhớ về kỷ niệm 40 năm ngày "Nhập môn" ĐH SPKT 1974-2014, xin chia xẻ lại cùng thầy cô và ACE hồi ký đã viết ở web nhà cũ.

    Hồi Ký - Bóng Thời Gian

    Hồ Yến Thu

    74KNN

    Sau một tuần chờ đợi, gia đình người bạn đến từ VN đi du lịch, thăm con, thân nhân cùng bạn bè. Sau 30 năm, bạn có hai cô con gái đẹp, xinh xắn, dễ thương, học giỏi như mẹ ngày nào, trước khi chào cô đi về, con gái bạn xoay lại nói:

    -Cô cho con email, con có câu hỏi con muốn hỏi cô là Mẹ và Ba làm sao quen nhau…con hỏi nhưng mẹ không nói.

    Tôi cười:

    -Con chờ đi, rồi con sẽ biết thôi.

    Nghe cô bé nói thế tôi lấy làm đắc chí vì trong đầu tôi đang có ý tưởng viết về bạn về trường những ngày còn học dưới mái trường ĐHSPKT-TĐ, những 5 năm dài, có ít ỏi gì đâu… Bao nhiêu là vui buồn kể sao cho hết.

    Có thể những điều ghi lại sẽ có nhiều bạn được nhắc đến trong ký ức đã có nhiều nhạt phai. Những điều ghi lại của một không gian nhỏ thường có nhau, có thể làm cho bạn vui, có bạn không thích, không vui, cũng xin bạn lượng thứ cho. Tất cả chỉ là những kỷ niệm đều đáng được trân quý, cho tất cả bạn ta đang và sắp thành ông bà nội ngoại, và cũng là câu chuyện đã hứa kể cho con của bạn nghe, thế hệ sau của chúng ta muốn tìm biết chuyện của ba, mẹ ngày xưa.



    Lần đầu đến với Đại Học Giáo Dục


    Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi cùng đám bạn đi điền đơn thi tuyển vào Đại Học Giáo Dục, ngôi trường tọa lạc tại ngã tư Thủ Đức. Cả bọn đều xuýt xoa vì ngôi trường đẹp có con đường cong cong chạy dài từ ngoài lộ dẫn vào cổng bằng hàng rào kẽm với nhà gác ở giửa, lúc ấy chưa có một cổng gạch đỏ đồ sộ với bảng tên trường như bây giờ.




    Một “Phạn Xá” rộng lớn cở 3 gian nhà, đón học sinh các nơi đổ về, đèn đuốc sáng choang. Các anh chị sinh viên nhận đơn và hướng dẫn tận tình. Chúng tôi rảo bước vòng quanh, nào là giảng đường rộng lớn mới toanh, với những vách tường gạch đỏ rất đặc biệt, cửa kính, đèn đuốc sáng rực, ngay cả nhà vệ sinh vẫn còn mới với kiến trúc Tây phương nên ai cũng thích. Cả bọn nhao nhao lên rằng cố gắng để thi đậu vào trường này. Đặc biệt, lúc đó đối với chúng tôi còn mới lạ với chiếc máy nước lạnh đặt ở mỗi góc trường, mỗi khi uống phải đạp cái cần, hay nhấn một cái nút cho nước vọt lên, nên sau này được chúng tôi gọi đùa là máy nước “đá đạp”.

    Những ghế đá đặt dọc theo lưng của giảng đường, khoảng sân trống giữa hai dãy lớp học có cầu thang đi lên tầng trên với một bên là lớp học và một bên là phòng thí nghiệm và các lớp vẽ… Ở tầng dưới, cuối dãy lớp là Thư Viện to lớn. Sau lưng thư viện là Lưu xá hay Ký Túc Xá chờ đợi ngày mở cửa, đón chào sinh viên vào học sau này…

    Sau ngày thi là thời gian chờ đợi kết quả dài đăng đẵng. Gần đến ngày có kết quả cô bạn hàng xóm báo cho biết là “Hôm nay trong giờ học, ông hiệu trưởng có nói qua là chị đã đậu vào ĐHGD rồi”. Tôi mở tròn mắt “thiệt hôn, đừng cho tin thất thiệt để tui mừng hụt đó nhen!”

    Ngày sau, tôi xin phép má đi thăm chị và xem kết quả luôn thể. Nhưng khi tìm đến trường Nông Lâm Súc ở số 4 Cường Để, vẫn chưa có gì cả, tôi không muốn về nhà, cố nán lại đợi cho đến khi có kết quả, nhưng lại không báo cho ba má biết nên trong lòng lo sợ nếu kết quả không đậu, về nhà chắc chắn sẽ ăn đòn.

    Tôi vẫn kiên nhẫn đi lại đến lần thứ ba, kết quả được niêm yết, tôi dò vào ban Ngư Nghiệp, ban này tôi chọn để thi vào, không thấy tên mình. Tôi cảm thấy hụt hẩng, quay lưng bước đi, nhưng lại nhớ đến lời người bạn hàng xóm nói rất chắc chắn là “thầy Hiệu trưởng đã bảo là Đậu mà!”

    Tôi bèn quay lại, nhất định dò hết các trang giấy, đến khi vào trang của Tồng Hợp Nông Nghiệp, mắt tôi sáng lên, tim đập mạnh, hồi họp, tại sao tên mình nằm ở đây. Cảm giác vui mừng bay mất. Đến khi hai người con trai người Huế hỏi thăm làm quen, tôi mới hoàn hồn. Được biết hai người ấy là Lê văn Tuấn và Trương đức Nguyên, hai bạn mới quen cũng đậu.

    Khi bước vào nhà, má rầy cho một trận tưng bừng, vì má ba lo âu cho những ngày đó ở Sài Gòn có biểu tình, lộn xộn làm cả nhà lo lắng, may là có kết quả thi đậu nên được má bỏ qua.

    Trong đời tôi có ba chuyến đi làm cho gia đình lo âu, đây là lần thứ hai đi nhiều ngày không báo cho gia đình biết xém chút nữa là tôi bị ăn nặng đòn.

    Lần đầu của tôi là thế. Còn với bạn, thế nào?





  • #2
    Bạn Cũ - Trường Xưa



    Từ Trái:

    Trương Thị Hoa, Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Dương Thị Ruộng, Phan Thu Dung, Bùi Thị Tuyết, Nguyễn Thị Châu.

    tại góc sân giữa giảng đường và văn phòng hành chánh




    1974- Năm Đầu Đại Học.

    Ngày nhập học đầu tiên lúc tháng 10-74 là được gọi là Lễ Nhập Môn, ngày đón chào sinh viên mới của năm 1974 gia nhập vào trường ĐHGD. Ngành Nông Nghiệp, Khoa Sư Phạm năm 1974 là năm đầu tiên của hệ 4 năm, do trường tuyển sinh. Tất cả sinh viên được nhà trường đón chào trọng thể, với sự giúp sức của các anh chị đi trước, các anh chị trong ban đại diện… cùng thầy Thạch phụ trách sinh viên vụ.

    Điều tôi nhớ mãi ngày hôm ấy anh Lê Hà Lộc đứng trên sân khấu sau bục giảng ở giảng đường, phát biểu nhiều về “Rượu Cũ Bình Mới hay Rượu Mới, Bình Cũ”. Về thay đổi tên của Trung Tâm Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật-Phú Thọ. Về cộng chỉ số 940 ở gốc sân khấu rất hoạt bát, duyên dáng gây “ấn tượng” đẹp đối với cô bé mới vào trường, mãi đến giờ hình ảnh ấy vẫn chưa phai.



    Thư mời dự Lễ Nhập Môn NK 1974-1975

    Chúng tôi được kể nghe nhiều giai thoại về trường, ĐHGD được thành lập bởi người Mỹ xây đền cho Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, nhưng ngôi trường quá lớn và đủ cơ sở phòng thí nghiệm, xưởng thực tập cho nên ĐHGD ra đời. Trong khoảng sân trống bên hông phạn xá, dãy lớp học cùng thư viện có cây Săn Máu, được biết rất thiêng, đồn rằng “khi xây trường, nhà thầu đã cho đốn cây Săn Máu. Đôi ba lần thực hiện, máy móc sử dụng đều bị hư, nhân công làm việc thì bị nạn…” nên Chùa Một Cột được xây cấp tốc trong 24 giờ bởi nhân viên của Viện thực hiện, trước khi trường được khánh thành.



    cây Săn Máu


    Ban Tổng Hợp Nông Nghiệp lúc ấy có 3lớp, một lớp N,O gồm các bạn phổ thông và một lớp M gồm những bạn học NLS từ các nơi và một số học từ phổ thông. Cùng các lớp chuyên môn như Canh Nông, Mục Súc, Ngư Nghiệp, Công Thôn và Thủy Lâm đa số từ Bảo Lộc về có những chàng cao lớn, nhưng vẫn chưa quen với ai cả.

    Sau đó là bầu trưởng lớp, bầu Ban Đại Diện cho toàn trường, tôi còn nhớ bên Tổng Hợp NN có Trần Ngọc Dũng, Hoàng Thúy Nga ra ứng cử. Cả hai ăn nói rất lưu loát, hoạt bát…được nhiều anh chị ưa thích.

    Mấy tháng sau, Dương thị Ruộng và Tuyết Hồng dọn đến ở chung nhà với chúng tôi, gần nhà trọ có Phương Đắc từ NLS-Huế, Bùi thị Hương từ NLS-Cần Thơ, Lê thị Nguyệt Nga từ NLS-Định Tường, Nguyễn thị Tươi từ NLS-Bình Dương, Lò thị Minh Hoa từ Bùi thị Xuân Đà Lạt, Bích Thuận từ NLS-Bình Dương học cùng lớp. Tôi thường đến chơi với các bạn hay nghe PĐắc, Minh Hoa “càm ràm”:

    -Nguyệt Nga nấu ăn nêm ngọt như chè.

    -Người Nam mà! Nga chống chế, tôi nghe chỉ biết cười xòa.

    Ngoài ra còn có anh Trần văn Lư, Nguyễn Thanh Long, anh Tiến (?) Dũng từ NLS Phan Rang vào rất “hippy”. Anh Đoàn Ngọc Liên cây tiếu lâm của lớp, Mạnh Hùng, Trần Ngọc Dũng từ NLS-Bảo Lộc về…Có Trịnh Xuân Đức, Viển, Ngọc Hùng từ NLS-Bình Dương, Lê Hoàng Trung từ NLS- Cần Thơ… Cùng ở trong khu Làng Đại Học còn có những nhà trọ của các bạn đến gồm Nhung,Trọng, Đặng thị Hạnh, Thúy Nga, Phan thị Thu Nga, Lâm Công Danh..từ Tây Ninh, chị Huệ anh Quyết từ Bảo Lộc, anh Cai, anh Kim từ Định Tường và các bạn ở Sài Gòn như Hiệp, Tâm nhiều nơi khác nữa. Thời gian đó chúng tôi về nhà mỗi cuối tuần, đem thêm thức ăn làm sẵn, cùng góp vào ăn chung…Tôi được biết đến món Muối Xả, Sò Điệp từ Tuyết mỗi dịp đến mùa sò ở Long Thành. Thu Dung vì ở xa nên đóng đô tại chổ, nên thường được anh Ba của nhà trọ ở đó hỏi thăm hoài.

    Bên lớp N ngoài những người bạn sống chung nhà trọ, đa số các bạn từ Sài Gòn lên Thủ Đức mỗi ngày bằng đủ mọi phương tiện. Thầy cô và một số bạn được xe bus trường đưa đón.

    Năm đầu, chúng tôi có vài ngày học ở ĐH Phú Thọ trong tuần về các môn như Toán do Thầy Võ Thế Hào, Lý, Hóa do Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, những ngày này có nhiều lớp học chung với nhau, ngay cả bên trường ĐHNLS lúc đó. Một cô bạn chưa quen lúc ấy là Trương thị Hòa, người có dáng cao dong dỏng, thon thả, trong chiếc áo dài trắng raglant vạt ngắn với chiếc quần trắng, rất trẻ trung, đẹp vì Hòa có nụ cuời thật tươi, hợp với mái tóc cắt ngắn ôm khuôn mặt hay hay, ưa nhìn.

    Những ngày học ở trường còn có những môn học như Giáo Dục Học do thầy Nguyễn Thụy Ái, môn Truyền Tưởng do thầy Phạm Ngọc Hài, Anh Văn do thầy PC Chánh, thực tập sinh thực vật do thầy Huy hướng dẫn, Hóa hữu cơ do thầy Nguyễn Hiếu Để dạy. Có người bạn làm tôi nhớ nhiều là NNga, Nhung, hay nũng nịu, với MH cùng TND được các anh chiều chuộng hết mực trong những giờ thực tập. Nhắc nhớ đến Nguyệt Nga và Mạnh Hùng đã mất tích từ chuyến ra đi năm nào, tiếc thương!

    Những ngày tháng đầu năm 1975, bên ngoài tin tức thời sự thật xấu, chiến cuộc lan dần về thành phố. Những lần cuối tuần về thăm nhà, tôi thấy má gói gém từng bọc đồ cho gia đình đông em, lòng tôi thêm lo lắng.

    Môn học cuối ở trường là giờ Truyền Tưởng, thầy Hài cho làm đề tài thuyết trình từ quyển sách “Đường Đi Không Đến của Xuân Vũ” và ngày cuối tôi ghé thăm chị ở BVCĐ sau buổi học ở Phú Thọ, cũng không ngờ đó là lần cuối gặp chị. Đến ngày 26-04-75 tôi cùng một cô bạn đang sinh hoạt ca hát trước phạn xá chờ đi Vũng Tàu ủy lạo đồng bào tản cư, nhà trường cho về nhà vì ở Sài Gòn đang lộn xộn...

    Ngày 02-05- 1975, theo lệnh kêu gọi tất cả sinh viên trình diện ở số 9 Mạc Đỉnh Chi, Nha Học Vụ Nông Lâm Súc để làm công tác dọn dẹp thành phố. Ở nơi đây tôi gặp lại chị Vương Kiều Hạnh khóa 8, các anh chị khóa 8 của Cao Đẳng Sư Phạm NLS thuộc Nha học vụ NLS, được dời lên ĐHGD-Thủ Đức tiếp tục học thêm một vài năm sau mới ra trường.

    Sau vài tuần mọi người trở về trường học chính trị, trưởng lớp của tôi ngày trước vui vẻ, hay cười, giờ đây sao nghiêm trang quá.

    Thời gian trước năm 75, ký túc xá dự định mở ra để cho sinh viên ở xa có thể tá túc, nhưng trong thời gian cuối tháng 4-75 đã mở rộng để đón những sinh viên miền Trung, những người ở xa thất lạc gia đình vào ở.

    Trong lúc đó chúng tôi đã phải trả phòng lại cho bác Huế, chúng tôi dời đến một căn nhà rộng hơn vì có thêm Trương thị Hòa cùng sống chung. Căn nhà kế bên bán chè chuối, bún riêu, bọn chúng tôi là khách hàng thường xuyên mỗi sáng khi tiền còn rủng rỉnh trong túi sau chuyến thăm nhà. Chẳng bao lâu chủ lấy lại nhà, khiến chúng tôi phải vào cầu cứu với nhà trường, cố gắng xin vào ký túc xá. Sau cả tháng dài chờ đợi, chúng tôi được vào ký túc xá sớm hơn nhiều người.

    Lần đầu trong đời sống tập thể, điều ngỡ ngàng là phòng tắm chung. Thời gian đầu bên nữ chỉ có một ít phòng chúng tôi, cũng chẳng xa lạ nhau, thế mà khi tắm, bất chợt có người xuất hiện là các nàng cứ rú lên, sau đó lại cười ngặt ngẻo, “ Giống nhau cả, có lạ gì với nhau đâu”. Thật buồn cười!

    Tôi vẫn còn sống chung phòng với nhóm bạn phổ thông học khác lớp, đã thân thiết với nhau hơn, phòng 109 chúng tôi thường tiếp hai anh Trần Đình Mỹ và Đặng Trường của đội tự vệ ký túc xá thường gỏ cửa bảo tắt đèn, vì thức khuya. Dần dà hai anh trở nên thân thiết, tôi không nhớ rõ ai đã đưa ý kiến kết nghĩa thành gia đình, ai lớn hơn sẽ làm anh, làm chị. Thế là theo thứ tự chúng tôi có anh Cả TDMỹ, anh Hai ĐTrường, chị ba NtChâu, chị tư HtYếnThu, chị năm DtRuộng, chị sáu là BtTuyết, thứ bảy là PThuDung và em út là NtTuyếtHồng.

    Để kỷ niệm gia đình phòng 109 kết thân, tôi được anh Hai ĐTrường biếu tặng cho bài thơ mà anh đã thuộc nằm lòng, dù đã 30 năm dài:

    Một năm rồi anh em ta kết nghĩa

    Tuyết, Thu, Hồng, Dung, Ruộng, Mỹ, Trường, Châu

    Mãi mong rằng tình kết nghĩa bền lâu

    và xây đắp tình thương yêu ruột thịt

    Anh còn nhớ ngày đầu ta gặp gỡ

    Như mọi người, xa lạ, đã quen đâu?

    Sinh hoạt chung đã bắt một nhịp cầu

    Lời tâm sự trao cho nhau từ đó

    Rồi một hôm chắc chúng ta nhớ rõ

    Một gia đình nho nhỏ 8 người thân

    Tám trái tim rung động ở góc sân

    Tay ngoéo chặt, nụ cười trao thương mến .....

    Gia đình chúng tôi vui vẻ và thân nhau suốt thời gian ở trường, mãi cho đến gần thời gian tốt nghiệp, gia đình chúng tôi đã thân lại càng thân hơn nữa!



    **Comment (1).

    Sep 4, 2010 at 18:22:03 Đinh Tiến Ân 74DT

    Yến Thu ơi,

    DTA 74DT nhớ các bạn 74KNN như: TRUNG ,TƯƠI, NGUYỆT NGA, MẠNH HÙNG, TRỊNH XUÂN ĐỨC,NGUYỄN THỊ BÍCH THUÂN, ĐOÀN NGỌC LIÊN, nhất là YẾN THU lúc này công ăn việc làm, gia đình thế nào rồi. Tuần trước có dịp ghé SanJose, nhưng không liên lạc được dể làm phiền các bạn. Phục trí nhớ các bạn còn tốt quá, kể truyện xưa vanh vách, nhiều sự kiện phải mất 5 phút mới nhớ ra như con số 940. Ân còn giữ làm kỷ niệm tiền học bổng 1974, và bằng tốt nghiệp sau 75, cần không scan cho THU.

    Thân ái.


    Comment


    • #3
      Có ai còn nhớ bài hát này không? Nó đã được hát trong ngày Lễ Nhập Môn.

      Bốn trăm bảy

      Nhân hai lần

      Là bao nhiêu

      Bà con ơi!




      * HN xin bổ túc thêm về con đường dẫn vào trường. Thuở đó, hai bên đường mọc toàn những cây mắc cở, không biết có bạn nào còn nhớ đến nó không?! Vì HN rất thích chơi với cái lá của nó nên nó đã được chiếu cố ngay từ phút đầu tiên. Không phải chạm vào lá để cho nó xếp lại mà là làm sao hái được lá của nó mà lá vẫn không xếp. Vậy chứ đã có rất nhiều người tham gia cái trò này mặc dầu bị gai quào tùm lum!

      * Còn cái Chùa Một Cột là do thầy Kiều C Minh vẽ plan.

      Comment


      • #4


        Khung Trời Kỷ Niệm

        Hồ Yến Thu (74KNN)


        Năm 1975.

        Những ngày nối tiếp cả trường cùng học chính trị ở giảng đường vào buổi sáng, buổi chiều thảo luận theo từng lớp. Lớp chúng tôi chia ra nhiều tổ thảo luận tại giảng đường. Tôi và TN Dũng không ở chung với các bạn cùng lớp, nên được sắp xếp cùng tổ để trao đổi sách vở với nhau, nên thường gặp nhau, không biết từ bao giờ tôi được một người bạn cùng lớp hay chiếu cố. Tôi và anh D hay bị nàng “bắn” trong giờ thảo luận, nhớ lại từ nàng dùng hai chữ “sửng cồ” để ám chỉ cái tính nóng nảy của tôi…Lúc này vì hoàn cảnh gia đình đã có một số bạn nghỉ học, trong đó có D và B Thuận cũng ra đi, từ đó tôi được yên.

        Ký túc xá đã sắp xếp lại, tôi dọn về ở chung với các bạn cùng lớp P101 đầu dãy, trong phòng có PĐắc, MHoa, Tươi, Hương, NNga. Phòng 103 có các nàng của 74KCN như Hoa Lý, Trọng Hòa, Muội...P105 là phòng của các người đẹp 74KTGĐ như Lánh, XLan, Nguyệt Hạnh,HLan, Ngọc Dung, Phiến..P107 các chị 73KTGĐ. P109 vẫn là của nhóm 74KNN của Ruộng, Tuyết, Hồng, Châu, Dung, Hương.và P111 có chị Lúa, chị Dung 73KNN, Cẩm, Nghiệp của 74KNN, và 2 chị 72KNN...

        Trong năm 75, Phạn xá được đổi tên gọi là nhà ăn tập thể, chúng tôi được lảnh 18kg gạo và ? đồng. Sau đó được thay đổi bằng bobo hay bột mì, với chuối xanh xào hoặc đu đủ xanh, nấu canh. Đôi khi bột mì luộc thành từng tảng. Đến mùa thi cũng là mùa của bí rợ, chúng tôi được ăn canh bí rợ với vài lát mỡ nổi lều bều. Với bột mì chúng tôi tự biến chế thành một nồi bánh canh, ngon tuyệt, lúc đó ăn gì cũng ngon. Cây quế trước phòng bị lặt hết lá, lá mới ra không kịp cho cả phòng hái. Cái bếp của nhà ăn hay cái bếp dã chiến của ký túc xá được sử dụng mỗi tối sau giờ tự học, lúc nào cũng đỏ rực vì có rất nhiều người thức khuya cần nấu ăn thêm. Nhiều lần sinh viên bị rầy la, bởi xưởng Gỗ, vì đám sinh viên trong ktx hay lén xuống xưởng lấy gỗ về chụp lửa. Cái bếp bị hăm giải tỏa, nhưng cái bếp của ký túc xá vẫn còn mãi cho đến sau khi chúng tôi tốt nghiệp…

        Đời sống trong ktx phải theo qui định. Buổi sáng phải dậy đúng giờ để tập thể dục. Buổi tối có giờ tự học ở lớp, nếu ở trong phòng phải mở rộng cửa không được ngủ trong giờ tự học…

        Thời gian này nhiều chuyện xảy ra ở ký túc xá đối với vài ba bạn có lẽ lòng nhiệt thành dâng cao, sau nhiều đêm mất ngủ Nga học lớp Anh văn lên cơn “tâm thần”. Một buổi sáng còn rất sớm, mọi người đang ngủ, N đã đánh mọi người thức dậy bằng một hồi kẻng, rồi đứng hát lên một bài ở giửa sân bóng rổ. Mọi người ùa ra hai bên dảy phòng nhìn N cất tiếng hát cao với giọng lanh lảnh thật hay. Bây giờ không nhớ rõ, thầy Vân (?) cô Phương Anh ra dìu N vào, mọi người giải tán trở về phòng mở màn cho chuyện bàn bạc với nhau.

        Cũng cùng trường hợp như vậy, nhưng với chị M., một bộ đội (hay thanh niên xung phong) trở về đi học lại, rơi vào trạng thái trầm uất (?) chứ không “Quậy” như N.

        Năm thứ 2-1976



        Sau đợt học chính trị, chúng tôi bắt đầu học chuyên môn và lao động. Ba lớp Tổng Hợp NN là đổi thành A và B còn các lớp chuyên môn sát nhập lại thành một lớp C, nên 74Khoa NN có 3 lớp, cùng học chung mọi môn học ở cánh trái của giảng đường. Còn lớp Công Thôn được chuyển nhập vào lớp 74CTM.

        Những ngày học ở giảng đường, lớp C chiếm vài ba dảy ghế đầu, kế đến là lớp A, tôi thường ngồi sau họ. Một hôm về phòng, Đắc chọc “ê, tao thấy có một tên của lớp C, thường nhìn mi đấy nhé”. Tôi chỉ cười thầm làm lơ.

        Ngày kế lên lớp, sau khi chào giáo sư (giờ thầy Đĩnh), vừa ngồi xuống tôi ngạc nhiên nhận được vài bông hoa cúc dại, (bồ công anh) màu vàng dể thương từ tay của người ta xoay xuống để lên mặt bàn của ghế ngồi. Tôi hỏi.

        " Quăng hay tặng vậy?"

        Người ta cười :

        "Dân thể thao không biết galant!"

        Bạn cùng phòng ngồi kế bên chứng kiến cảnh đó, lúc về cả bọn nhốn nháo lên, họ có đề tài bàn cả ngày dài…Một kiểu làm quen dễ thương!

        Vài hôm sau đó, tình cờ trong giờ nghỉ giải lao, tôi nhìn thấy người ta nhặt những bông cỏ ở sân trường, tim tôi thoáng đập trật nhịp; vội nhìn nơi khác khi thấy người ta đi vào lớp và để lên mặt bàn chùm hoa dại cùng lúc bỏ vật gì đó vào túi xách tôi máng trên ghế. Trở vào lớp, tò mò tìm xem người ta làm gì đó, thì ra một quyển tập...! (Bây giờ thế kỹ 21, bọn trẻ đọc đến dòng chữ này chắc cười lắm).

        Chúng tôi bắt đầu học các môn chuyên môn như Cơ Thể Học của cô Tuấn Ngọc, được thực tập trên cơ thể của chó đã ngâm qua formol, có những câu hỏi nghịch ngợm ngầm kèm theo các nụ cười phá phách, làm các bạn gái chúng tôi phải đỏ mặt, lắc đầu.


        Môn Vi sinh Học do thầy Khôi dạy rất hay, môn Côn Trùng Học với Cô Diệu Hồng, môn về Trồng Trọt học với cô Thúy Lan. Về những môn Dinh Dưỡng với Thầy Hà văn Mới, Thầy Nguyễn Thanh Vân dạy Mục Súc…



        Thầy Nguyễn Văn Hạnh-- cô Thúy Lan



        Thầy Hà văn Mới-Thầy Nguyễn Thanh Vân


        Song song với việc học chuyên môn, chúng tôi có làm lao động xung quanh trường làm vườn hoa, trồng cây. Chúng tôi nhớ mãi câu chuyện xảy ra làm nhốn nháo cả ký túc xá nữ lúc ấy.

        Câu chuyện đồn rằng thầy Hoành dạy môn Thổ Nhưỡng của chúng tôi có ý phá phách các bạn khoa KTGĐ lúc đó. Câu chuyện "Bã Dậu Kỳ Án" này làm chúng tôi thắc mắc mãi, chẳng rõ duyên cớ từ đâu.



        Thầy Phạm Phi Hoành

        Mãi cho đến năm 2009, khi liên lạc được với thầy, tôi đã hỏi thầy Hoành. Thầy kể.

        " Chị Thu này nhớ dai qúa nhỉ. Hồi đó, khoảng 1976 gì đó, tôi và ông dược sĩ Khôi (dạy sinh hóa cho KNN và KTGĐ) đứng dưới bóng cây bã đậu, nhặt được mấy hạt quả bã đậu tôi hỏi ông ấy có vị thuốc gì trong đó, thầy ấy nói có tác dụng trị bón táo (constipation). Thời đó khoai mì (sắn) là lương thực phổ biến. Thế là tôi sực một hai hạt để tránh cảnh phải "suy tư" hằng giờ. Lúc ấy có nhiều sinh viên và cả cô giáo trưởng Khoa KTGĐ đứng gần hỏi tôi ăn gì thì tôi cứ thật tình "quảng cáo" cho bài "thuốc trị táo bón của ông K. Vì thiếu chỉ dẫn cặn kẽ nên những ai dùng thuốc đều bị "oác". Bản thân tôi cũng "khổ sở" với nó suốt hai ngày! Đã vậy, suýt bị ông Gặp (trường Phòng Tổ Chức) đưa ra "kiểm điểm", có thể bị kết tội ... Hú vía!”

        Tôi kể với thầy, “Lúc ấy bên KTX nữ xốn xáo vì các bạn ktgd bị “bệnh” không thể đi học lớp chiều được…”.

        Cùng thời gian đó, 74KNN và 73 Khoa Công Nghiệp (KCN) đi lao động ở nông trường Bưng 6 Xã làm công tác thủy lợi đào kinh, vót tre dựng nhà. Chiều tối xuống các anh Ánh, anh Bình, anh Tâm, anh Hải…của 73KCN bày trò đi phá các cô em 74KNN. làm các em sợ chạy “mất dép”, làm một màn cười quên những mệt nhọc trước khi đi ngủ.

        Khi ấy anh Ánh, anh Bình anh Khang lại là sư phụ hướng dẫn luyện tập bóng chuyền do thầy Lân lập đội bóng chuyền nữ cho trường. Đội bóng tựu tập được một số bạn trong ktx, nhưng sau chỉ còn có YThu , Mười, Hồng, Hoa Lý, Trọng Hòa, Dung, Thuê…tồn tại khoảng một năm, nhưng sau đó bài vỡ nhiều dần nên các bạn không tham gia tập luyện tiếp nên dần dần xem như giải tán đội bóng chuyền. Hương học chơi bóng bàn cùng Hùng Mon Men mỗi tối.

        Trong một buổi tập thể lực ở sân vận động, chân tôi bị sụp lổ, bị sưng tấy lên, ai nấy nghĩ là bị bong gân. Thành thật cám ơn anh Nguyễn Thái Minh đã cho thuốc rượu thoa bóp bàn chân, mấy tháng sau vẫn còn đi khập khểnh.

        Bạn bè lúc đó đã chọc “người chơi bóng tròn lại bị thương ở chân, trong khi người chơi bóng đá lại bị thương ở tay..."!!!

        Vài trường hợp khác làm chúng tôi cảm thấy buồn và ân hận là Thu Hương học cùng 74KNN. Hương có tình trạng trầm uất nặng hơn, không ai biết. Đến khi Hương nhảy cầu Bình Triệu tự vẫn, khi ấy đọc nhật ký của Hương mới thấu hiểu tâm tình, hoàn cảnh gia đình, mọi chuyện đã trể rồi. Cũng như Trần văn Đích 74KCN bị vộp bẻ chết đuối khi đi bơi ở hồ bơi cùng một nhóm bạn mà chẳng ai hay.

        (còn tiếp)

        Hồ Yến Thu

        74KNN


        **Comments (9)

        Jun 12, 2011 at 12:26:59 Đinh Tiến Ân (74D-DT)

        Hay quá Yến Thu, KHUNG TRỜI KỶ NIỆM, Ân nhớ lai nhiều bạn trong lớp Yến Thu, đã liên lạc Email với Trịnh Xuân Đức. Ân cám ơn công sức của Yen Thu, chúc vui.

        ----

        Jan 16, 2012 at 09:50:10 Khang Pham (72KNN)

        Hi YThu,

        Mới vào đọc bài này. Các bài viết từ lúc nhập học đến khi ra trường rất cảm động và tình cảm. Trong bài này anh thấy sinh hoạt bóng chuyền trường "phảng phất" đâu đây! Một kỷ niệm đẹp !

        ----

        Mar 12, 2012 at 21:15:25 Dinh tien Ân (74D-DT)

        Thu à .

        Mình được lãnh tiêu chuẩn 19 ký lương thực, nhu yếu phẩm, 2 đứa 1 cây kem đánh răng và 18 đồng mới đổi, kể ra cũng ưu đãi mầm non của đất nước lắm đấy chứ.

        Ân còn được Bích Thuận cho ăn nhiều món Ngon bá cháy. Các nàng NC chỉ toàn làm mấy món ngoài khả năng tài chánh, còn tài chế biến thua NN nhiều. Do đó nếu nhìn về tương lai lúc đó Ân chọn NN sống phẻ hơn, buồn cái hông thành vì nhiều lý do chứ hông phải vì duyên nợ, đau kể ra thì còn hơn tiểu thuyết.

        ----

        12, 2012 at 17:48:18 Pham Khang, (72KNN)

        Công nhận "bộ nhớ" của tuyển thủ Bóng Chuyền Nữ DHSPKT-TD YThu thật phong phú ! Bài viết thật chi tiết và touchy. Tiếp tục kể về những kỷ niệm trường nhé, YThu.

        Chúc vui.

        ----

        From: YThu

        Hi anh Ân,

        Thu biết anh Ân từ lúc 1974 lận kìa, khi thấy anh quen với Bích Thuận, còn Trung quen với Tươi. BT và Tươi là bạn học từ NLS - BD, nên bốn người khắng khích với nhau lắm. Lúc đó, BThuận, Tươi, cùng ở chung nhà trọ với NNga, MHoa, PĐắc, Bùi Thị Hương nữa...Thời gian đó Nguyệt Nga cũng thân với Trần Mạnh Hùng (NLS-BL), Trần Ngọc Dũng (NLS-BL), Trịnh Xuân Đức nữa (NLS-BD).

        Sau 1975, BThuận có ở cùng phòng trong KTXá với Thu, có một chuyện vui (hơi mắc cười) của BT, khi nhắc đến BT bây giờ, như Hoa Lý ở khác phòng, khác lớp cũng biết và còn nhớ ... Thu bảo đảm anh Ân không biết đâu... (lạ không?!)

        Hi anh Khang,

        ... Cám ơn anh Khang còn nhắc nhớ lúc sinh hoạt bóng chuyền, cũng vui vui khi đi thi đấu thua nhiều hơn thắng, ngược với đội nam lúc đó thật oanh liệt so với các trường trong thành phố nên được nhà trường và thầy Lân ưu đãi nhiều, và vui khi đi ủng hộ các đội bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ và nhớ nhiều về chuyến đi Vũng Tàu nữa...

        Đến bây giờ, khi viết bài này Thu có thắc mắc với chính mình là lúc chân bị sưng tấy lên như vậy sao không gặp thầy Lân hay các anh giúp đỡ hoặc qua phòng y tế mà lại chạy về kiếm má, nhưng má về quê rồi, nên không có tiền để khám chân...Thu để như vậy cho đến khi nó tự lành...Trong khi có người bị thương ởtay thì được LXT đưa đi bệnh viện ở Thủ Đức để khám bệnh...

        Cái xương ở mu bàn chân bị biến dạng rồi, nên bây giờ nhìn thấy nó là Thu nhớ hoài, vì sao! Nghĩ lại, sao lúc đó mình dại thế, vô tư và "careless" quá! Bây giờ bác sĩ đòi mổ để mài lại xương ngay vết nứt ngày xưa. Thu hẹn với bác sĩ là sau tháng 7 Thu mới làm hẹn, đi chơi về mới tính! hihi!

        ----

        Mar 13, 2012 at 14:48:08 NgocLan (74KNN)

        Thu ơi,

        Thu ở trong KTX nên biết nhiều và nhớ nhiều kỷ niệm xưa quá đi chứ. Chuyện vui gì của Bích Thuận,Thu cứ "bật mí"cho anh Ân biết với đi .Nhớ lại các bạn học ngày xưa , sau 75 tự nhiên có 1 số bạn biến mất , không thấy đến trường nữa , như Trần Ngọc Dũng , Nguyễn văn Lợi , Nguyễn văn Liêu, Nguyển văn Căn (Úc), Vỏ văn Phi. Không biết giờ các bạn đó ra sao Thu nhỉ?

        Thân mến,

        NL.

        ----

        Mar 13, 2012 at 15:52:42 Kimvan (74KCN)

        Yến Thu nhớ nhiều hồi đi học, biết nhiều tên với nhiếu sinh họat trong trường , KV hồi xưa không ở nội trú,thích được ở nội trú, và tham gia sinh họat trong trường , nhưng đành phải ở nhà vì bổn phận phải giúp cha mẹ và các em , mặc dù mình đươc lảnh 18 đồng,và mua gạo .

        Nghe Yến Thu kể cái chân đau, định đi mổ, KV góp ý. Hàng xóm mới sát vách của KV là phòng khám bệnh của bác sỉ Orthopäde, mỗi ngày KV thấy thiên hạ đi cà nhắc, với đi xe lăn, KV thấy nhiều người mới đầu không có gì lắm, mổ chân hay hông, rồi sao đó ai cũng thành cà nhắc thiệt, cho nên nếu YT cái bàn chân hơi u lên, nhưng không đau thì đừng làm gì thêm , mài xương đau lắm với lại nguy hiểm.

        Thân mến,

        Kim Vân

        ---

        Mar 14, 2012 at 20:45:31 Nguyễn Vĩnh Phước (76VKT)

        Trang web DHSPKT đã trở thành nhịp cầu cho những thành viên SPKT trên toàn thế giới. Cám ơn Ý Thu và những người sáng lập.

        Trong niềm vui của những người vừa được "nối những bờ vui" có niềm vui của Ý Thu nữa hén. Chúc bạn và gia đình khỏe manh , hạnh phúc nhá.

        ---

        From: YThu

        Hi NLan, hẹn gặp nhau ở Toronto sẽ tiếp tục "Chuyện Bây Giờ mới kể" hay "Chuyện Tình Tự Kể" Part 2.

        Hi KVan, Cám ơn Vân, Thu sẽ suy nghĩ lại vì Thu cũng sợ cảnh chửa "trâu lành thành trâu què" lắm, nhưng bác sĩ bảo nếu có đau thì phải chửa, đợi lúc già mới mổ thì lâu lành lắm...

        Hi Phước, đem niềm vui đến mọi người, mình cũng vui lây, phải không?

        Thân ái,




        Comment


        • #5
          Nghe YT kể về sự hồi hộp và lo lắng khi đi xem kết quả, làm ĐH buồn 5 phút, vì YT còn thấy tên mình trên “ Bảng vàng”, còn ĐH thì hình như, những trường có bảng vàng ,để cho những thí sinh ưu tú dò tên … đã hết chỗ trống….để cho tên ĐH vào…huhuhu

          Không phải “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng trường của chúng ta dễ thương và đẹp thật, nhất là bây giờ nhìn , rồi nhớ đến thủa vàng son , ngây thơ của thủa học trò ….nếu thời gian đi ngược trở lại …YT ơi , cô nàng có sẽ thi vào trường ĐHSPKT again không?

          ĐH nhớ lại thủa chúng ta ở ký túc xá, vui thật YT ha, lúc đó , dù là cùng phái nữ , nhưng sao vẫn ngại ngùng , hay mắc cở….cho nên , đa số chúng mình hay đi tắm vào buổi tối, và phòng của ĐH lại ở rất gần phòng tắm, vì vậy, do ồn ào cho nên , 4 đứa phòng ĐH đâu có ngủ sớm được, nên đương nhiên sẽ không dậy nổi….kết quả là ĐH đi học trễ và bị kiểm điểm dài dài
          Đình Hương

          Comment


          • #6
            Mùa Ra Trường - Bằng Tốt Nghiệp.

            Hồ Yến Thu (74KNN)


            Những ngày đầu hạ, hoa phượng đỏ trở về. Chúng tôi bận rộn đến nỗi không còn lòng thơ để thổn thức lắng nghe tiếng ve sầu, hay ngắm nhìn hoa phượng nở.

            Mùa học cuối năm 79, các bạn trở về lại trường sau một thời gian đi làm đề tài. Tất cả mọi người bận rộn tất bật, người lo viết báo cáo, người lo vẽ biểu đồ, để kịp hoàn thành luận văn tốt nghiệp theo lịch trình sắp xếp của khoa. Phòng 105 của Đặng thị Hạnh, Thu Nga, Bạch Xuân của lớp C được một người bạn cùng lớp có nét chữ đẹp, vẽ hay đến phòng giúp đỡ vẽ cho những tấm biểu đồ, những hình minh họa cho đề tài, nên phòng bạn thật bận rộn đông người ra vào, họp mặt vòng tròn ăn uống ầm ĩ.

            Những ngày sau, nhờ công của Lê Hoàng Trung nói giúp, (mãi 28 năm sau mới biết) tôi được bạn chiếu cố giúp đỡ, nếu không tôi cũng đã có dự định mang về cho ba vẻ. Ba tôi là người có hoa tay viết chữ, nét vẻ thật đẹp, thường làm dụng cụ thính thị cho trường học mỗi năm nơi ba dạy bằng giấy xúc trộn hồ thật khéo.

            Do đó khi có người giúp, tôi phải lo ăn uống cho bạn, nên đến lúc này phòng tôi lại tấp nập người ra người vào. Bọn tôi lấy cơm về phòng cùng ăn và tôi phải “ nhảy qua, nhảy lại” qua cái lan can để ra cái bếp của ký túc xá nấu thêm thức ăn cho anh bạn dùng thêm.

            Sau buổi ăn trưa, mọi người bạn trong phòng ngả lưng nghỉ ngơi, mặc dù tôi chỉ chiếc giường trống của Nguyệt Nga vắng mặt vì đi thực tập chưa về, anh bạn đa tài này không nghỉ trưa. Ngồi dựa lưng vào vách, ôm chiếc đàn guitar tôi mang lên từ Sài Gòn sau chuyến thăm bà chị. Tôi nghĩ không ai có thể ngủ được khi tiếng đàn classic réo rắc văng vẳng bên tai, được thưởng thức những bài nhạc hòa tấu ngẫu hứng của anh bạn ít nói này…

            Tôi ở bên anh chàng, phụ giúp những gì anh chàng cần.

            Anh hỏi:

            - "Sao nét chữ lạ quá!”

            Tôi nhìn anh bật thốt:

            - “Có gì lạ đâu, còn ai để so chữ nữa đâu!”

            Có lẽ anh chàng hiểu, có một thời bạn bè bảo nhau “ chữ của mi và anh chàng rất giống nhau.”

            Tôi biết điều đó, vì khi tôi được nhờ viết bích báo, tôi đã sai sót khi viết thiếu một hàng, Nguyễn Thanh Tùng của ban báo chí đã nhờ anh chàng điền khuyết lại chỗ ấy...

            Thêm một nhắc nhớ tưởng chừng đã quên!

            Những ngày bận rộn đã qua, những ngày lo lắng, căng thẳng lại đến.

            Theo lịch trình báo cáo đề tài chia ra làm ba nhóm: Chăn Nuôi, Trồng Trọt và Sư Phạm, song song với khoa Kinh Tế Gia Đình và các khoa Công Nghiệp nói chung.

            Hằng ngày tin tức báo cáo được các bạn thay phiên nhau truyền tin, các thầy cô “quay” dữ lắm. Bên Chăn Nuôi bị hỏi như thế này, bên Trồng Trọt bị hỏi như thế kia. Căng thẳng nhất là bên nhóm báo cáo đề tài Sư Phạm, bị “bố” bởi thầy Trần Hiệp Nam thật dữ dội. Ai đã học qua thầy Nam hẵn đã biết rồi, phải không Ruộng và PMai? Vì Mai và Ruộng làm đề tài của thầy Nam.

            Những ngày “đạn lạc, tên bay” đã qua, thật là thoải mái khi xếp sách vở qua một bên. Thật vui, háo hức sau khi bàn bạc chuyến đi chơi xa tận Buôn Mê Thuột với Hương cùng đi thăm anh Hạnh, ông xã của Hương và tôi cũng có được người quen đã từng gửi cho nhau những cánh thư thăm hỏi…!

            Thật ngạc nhiên khi được lời mời gọi của phòng tổ chức của DHTN, và cùng lúc tôi có lời khuyên của anh bạn 72 đang dạy ở đó “Nơi đây không phải là chỗ lý tưởng…!” đã cho tôi một quyết định chọn nguyên quán là nơi tìm về vào thời buổi khó khăn năm 1979, nơi có gia đình ba má và các em mong chờ.

            ***

            Sau kỳ nghỉ ngắn hạn, mọi người trở lại trường nhận để nhận nhiệm sở.

            Tôi tưởng mình là người trở về ký túc xá sớm nhất, khi xuống xe từ ngoài lộ đi vào trường, anh bạn Nguyễn Thanh Long, cùng lớp đi qua mặt đã trố mắt nhìn sửng sốt hỏi:

            "Trời ơi! YThu đây sao. Thấy cái dáng quen quen.. Tại sao cắt tóc ngắn vậy! Lạ quá, nhìn không ra! Tại sao vậy ???!"

            Anh hỏi tới tấp, tôi chỉ biết cười trừ làm sao nói cho anh nghe vì sao tôi cắt mái tóc dài đã giữ suốt trong thời gian học đại học. Một mái tóc dài, một dáng vóc đẹp(!?) được bạn bè yêu thích. Có lẽ anh Long là một trong những người bạn thất vọng khi tôi cắt tóc ngắn. Mãi đến 30 năm sau, có những lời vẫn còn gửi gấm, nhắc nhớ đến cái dáng đẹp ngày xưa…(Mũi nở to ra rồi đây!!!)

            Khi vào đến ký túc xá, thật vắng lặng. Phòng 103 đã có Mạch Thúy Hồng, P. 101 đang có người, cửa khép hờ. Thúy Hồng cho hay, Minh Hoa và anh Tính trong ấy đang tâm sự sau những ngày nghỉ xa vắng. Phương Đắc đi đâu đó.

            Đợi năm, ba phút tôi gõ cửa bước vào, MHoa trách nhẹ:

            “Bày đặt gõ cửa nữa!”

            Tôi chọc phá Minh Hoa:

            “Lịch sự tối thiểu mà bạn, nhất là khi chỉ có hai anh chị ở riêng với nhau, phải không?”

            Minh Hoa cười thẹn, anh Tính vọt đi ngay.

            Chiều tối, bạn bè lần lượt trở lại ktx, các phòng ồn ào vui vẻ kể cho nhau những ngày ở nhà cùng gia đình.

            Đã đến giờ tắt đèn đi ngủ, tôi có bạn đến thăm. Anh chàng cho hay đã cùng các bạn cùng lớp chạy xe đạp xuôi về miền tây. Trên đường đi, sau khi ghé qua nhà của Võ Ngọc Cẩm, Lê Duy Nghĩa và nhà tôi ở Bến Lức. Anh chàng đã quay trở về trường vì tôi vắng nhà, còn các bạn lớp C của anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình viếng qua nhà của Yến, Lộc và Trực ở Mỹ Tho.

            Tôi được các em cho biết khi về từ Buôn Mê Thuột. Anh chàng đã thấy tôi và Hương đón xe về Sài Gòn, anh tưởng tôi về nhà. Anh chàng hẹn sẽ đưa tôi về sau ngày ra trường, hai giờ sau khi nhận nhiệm sở vào ngày mốt!

            Những ngày trước kia chúng tôi đã lần lượt dọn dẹp những sách vở áo quần mang về nhà. Lần sau cuối, tôi và Hương mang những tập vở không cần thiết ra cân ký ở các tiệm phía trước trường, để lần cuối rời trường cho được nhẹ tay.

            Buổi sáng cuối cùng, ngày Ra Trường!

            Mọi người niên khóa 74 chúng tôi tựu tập tại Nhà Ăn, không phải ăn tiệc mừng ngày ra trường, ồn ào để được nghe đọc lệnh bổ nhiệm sở . Số người thật đông của ba khoa. Từ tên một được gọi. Những người có nhiệm sở được phát cho một phong bì dày, màu vàng đã niêm xi cứng.

            Hầu như mọi người được bổ về nguyên quán, một số bạn được giữ lại làm ở nơi đã thực tập. Mặc dầu không có tiệc tùng hay hình ảnh ghi nhớ ngày ra trường, nhưng chúng tôi xem ra vẫn còn may mắn hơn một số bạn, cũng học tốt, được họp và làm lễ ra trường ở giảng đường, nhưng không được bổ nhiệm sở đi làm ở đâu cả! Thật oái oăm, cho 5 năm dài học hành, chờ đợi!!!

            Trong lúc đó, còn có một số bạn “học không đủ giờ” phải lao động ở bên ngoài Thủ Đức. Do đó, sau ngày ra trường có nhiều vụ khiếu nại, hoán chuyển với nhau, mãi ba mươi sau có những câu chuyện bây giờ mới kể.

            Mãi ba mươi mấy năm sau, vừa qua có một thông báo từ website Cựu sinh viên cho biết một số bạn có tên về trường nhận bằng tốt nghiệp. Tại sao lại có chuyện nhận Bằng Tốt Nghiệp sau 30 năm nhỉ? Để làm gì nhỉ? Chỉ có một đề nghị là cho vào Kho Kỷ Niệm sẵn sàng nhận và chứa tất cả mà thôi!

            Mọi người đã và sắp về hưu hết rồi.

            Và cũng rất nhiều bạn thắc mắc là đã học xong 5 năm, thực tập đủ hoặc hơn 2 năm, sao không có tên nhận bằng tốt nghiệp, trong khi người ấy đang ở nước ngoài.

            Bạn biết rồi, bạn hỏi, tự bạn trả lời, bạn ơi!

            Cũng đã có bạn trong năm 2002 đã chi $200,[ nhà trường phạt đền bù cho tiền đào tạo và vì chưa hoàn thành 2 năm thực tập!] Vì đã mấy mươi năm nhớ trường nhớ bạn, muốn có lại chút gì để nhớ để thương ở khung trời kỷ niệm Thủ Đức xưa...

            Những năm năm dài, nhiều kỷ niệm khó quên!

            Hồ Yến Thu-74KNN

            Comments (6)

            Mar 5, 2012 at 01:12:31 DinhtienAn (74D-DT)

            Đọc bài này của YThu rất hợp tần số, thương nhớ các thầy cũ tài hoa, nghiêm khắc đầy nhân bản, độ lượng, đám học trò tụi mình đói khổ tội nghiệp ghê,làm Ân nhớ đến các bạn 74NN...

            Yến Thu đã trút lên đây một khối lượng kỷ niệm êm đềm quý giá một thời. Chúng ta cần phải lý giải, bài hay, công phu, nghiêm túc nhưng nhạy cảm nên ít comment.

            Mar 5, 2012 at 09:38:59 Ngoc Thuy (Hong Thuy) (78KNC)

            Chị Thu ơi! chị có nhiều kỷ niệm của trường, ngày tốt nghiệp, ngày nhận nhiệm sở vv....v

            Em không có ngày đó, nên chẳng có bất cứ kỷ niệm gì!!! Ngày em chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp là giấy tờ chuẩn bị đi chính thức.

            4 năm học của em là vui cười phá phách, sinh hoạt ngoại trú thôi, sau đó là khép lại cho hết vào kho kỷ niệm.

            NT

            Mon, March 5, 2012 7:28:14 PM Nguyễn Thiện Toản (74KCN)

            Thân mời các ái hữu xem lại một trong những tờ giấy thuộc loại rất có giá trị mà các anh chị khóa 74 mơ ước và tốn nhiều công sức trong 5 năm .

            Nếu các Ái hữu bỏ qua những gì tờ giấy nói mà hảy nhìn kỹ những gì tờ giấy làm, sẽ thấy ngay phần giá trị thuộc về vật liệu làm ra tờ giấy và loại mực in trên nó . Phần còn lại là công lao cất giử tờ giấy mong manh duy nhất nầy trong mấy chục năm qua .

            Thân ái chúc các bạn vui

            NTT

            LXD (77KNN)

            XD xin gửi đến web nhà thêm một bài “cổ thơ” nữa, thay cho comment bài “Mùa ra trường” của chị Yến Thu.

            Trong đây có nhiều từ chuyên môn trong bài học mà giờ đây học trò XD đã “trả” lại cho thầy hết rồi! (vì ráng gần chết mà cũng không nhớ nổi!)

            Chọn Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp - LXD (77KNN)

            Chúc vui,

            Mar 11, 2012 at 10:02:58 Đinh tiến Ân (74D)

            YT thân mến,

            Là kẻ đến với trang Web trễ,lại chưa có nhận xét gì, dần tìm nhớ về dĩ vãng quá xa đối với 1 đời người, Mừng vì Trễ còn hạnh phúc hơn không.Những bài của Thu cùng thời, cùng cảm nghĩ, cùng cảm xúc với Ân có điều hay ở YT là viết ra được,làm được. Con người mới XHCN thì đã thấy!!! Nó thua xa bạn mình ít nhất là ở 2 chữ Dũng cảm, và hy sinh, mình cần chia sẻ với các thế hệ sau.

            r 12, 2012 at 17:48:18 Pham Khang, (72KNN)

            Công nhận "bộ nhớ" của tuyển thủ Bóng Chuyền Nữ DHSPKT-TD YThu thật phong phú ! Bài viết thật chi tiết và touchy. Tiếp tục kể về những kỷ niệm trường nhé, YThu.

            Chúc vui.

            Mar 13, 2012 at 15:52:42 Kimvan (74KCN)

            Trong khóa 74 của mình, lúc ra trường KV thấy tội nghiệp cái anh gì học khóa 74 với KV, KV quên tên rồi, không biết anh Tỏan, anh Trân có biết không ? Anh ta ốm nhỏ con, học 5 năm với mình mà không đươc tốt nghiệp ra trường vì chê không tiên tiến.

            Tội nghiệp cha mẹ nghèo khổ củng rán lo cho con đi học, chỉ chờ ngày con thành đạt, hay có bằng cấp để bỏ túi hay để đi làm, mà không biết ai đả đề nghị như vậy, không biết bây giờ anh bạn này bây giờ ra sao? KV có lời thăm hỏi. Mong thánh nhân phù hộ kẻ khù khờ...

            Thân mến,

            Kim Vân


            Comment


            • #7
              Những Ngày Tháng Không Quên



              Năm thứ 3-1977

              Ngày hôm ấy có lệnh tập trung ở giảng đường, mọi người ngồi đợi giờ khởi hành, tiếng đàn piano của ai đó văng vẳng phá tan không gian tỉnh mịch của đêm dài. Lần lượt lớp trưởng điểm danh, có từng vị thầy đi cùng nhóm. Tôi đi cùng với chị Tống Kiến Mỹ và thầy Hùng. Sau khi đến nơi, kêt hợp với sinh viên Kiến Trúc thành một nhóm và được biết sẽ thực hiện công tác đổi tiền…Mấy ngày ở đây, trong dịp này tôi và chị Mỹ được ăn và học cách làm bánh chuối bằng bánh mì của dì Hai ngon tuyệt vời ở nhà dì.

              Tôi cũng không thể quên trong dịp đi thực tập ở Biên Hòa, chúng tôi còn nhớ rất rõ một chuyện của Huỳnh Triết Dũng lớp trưởng của lớp C và Ruộng về trường lo lảnh nhu yếu phẩm cho mọi người. Lúc trở lại BH, cả hai đi lộn xe lửa, khi đến ga BH, xe lửa không dừng hẳn mà chạy chầm chậm, Dũng bảo Ruộng nhảy khỏi xe. Sau khi chỉ dẫn, Dũng nhảy khỏi xe một cách dễ dàng, trong lúc đó Ruộng lại nằm trên đường không ngồi dậy nổi, Dũng phải la lên “có người tới”. Hẵn là đau lắm, nhưng R đã bật nhỏm dậy một cách nhanh chóng, ngó dáo dác mà chẳng thấy ai!! Thế nên Dũng đã khoái chí vừa cười vừa nói kể lại cho mọi người cùng nghe câu chuyện xe lửa khó quên này!

              Chúng tôi còn đi lao động ở nông trường Phan văn Cội thực tập trồng Cà Chua trên nhiều hecta đất rộng lớn cục nhọc và mệt mỏi, nhưng sau đó tôi có trở lại trong kỳ thực tập ra trường, được biết kỳ trồng trọt đợt đó bị thất bại hoàn toàn. Chuyến đi thực tập trồng lúa ở Biên Hòa, sau khi xong việc mọi người lo tắm rửa, ăn cơm. Buổi chiều ấy nếu không có anh Đoàn Ngọc Liên nắm vớt chị Tống Kiến Mỹ rất muốn tập bơi, đang chới với chìm lĩm trong dòng nước đục phù sa đang chảy xiết...Chắc chị đã trở thành "ma da" của khúc sông ấy rồi.

              Cùng lúc chúng tôi còn học các môn Di Truyền Học với thầy Nguyễn Thanh Hùng, môn học về “ Hệ Thống Nội Tiết”…với thầy bác sĩ Vũ Đình Chính cao lớn người.


              Thầy Chính thường đến lớp với những chiếc áo sơ-mi màu sắc hay bông hoa, dài phủ mông, trôn bầu, thường bỏ ngoài quần. Cái mode áo sơ mi Liên Xô lúc ấy. Thầy nói giọng Bắc trầm trầm vừa giảng bài vừa cắn gọng kính rất điệu đàng hay để hờ bên mép, một bên mông gát lên một góc cạnh bàn, khiến đám con gái bên dưới xì xào “Ôi! Nhìn Bố Chính sao mà tình thế!” để lơ là lời thầy truyền đạt những kiến thức uyên bác thật hay về sự vận chuyển, hấp thụ, điều tiết và tái hấp thụ rất đồng bộ của hệ thống nội tiết. Lúc đó, thầy có vẽ ngại ngùng không dám ca ngợi sự tinh vi, huyền bí không lý giải được luật sinh tồn của tạo hóa mà chỉ chấm hết bằng hai chữ Tuyệt Vời!

              Đến cuối năm ấy các anh chị năm 72 tốt nghiệp ra trường, Anh Huệ, anh Trưởng được ở lại trường, anh Tôn Thất Hạnh, anh Trí Nguyễn, anh Mẫn Lê...một nhóm 5,6 người đuợc (hay bị) đưa về Đại Học Tây Nguyên còn lại được bổ nhiệm về các trường chuyên nghiệp khắp nơi.

              Năm thứ 4-1978

              Trong năm này, thầy Nguyễn Tuấn hướng dẫn chúng tôi chuyến đi thực tập đầu tiên về Vi Trùng Học bên Đại Học Nông Nghiệp 4 ở Thủ Đức thuộc Viện Kiểm Định, do thầy Nguyễn Châu bên trường đó hướng dẫn cách sử dụng kính hiển vi, nhận định hình dạng vi trùng, và cách pha phẩm màu…


              Học NN thật cực khổ, ngoài những chuyến đi lao động của trường, chúng tôi còn phải đi thực tập theo từng môn học như trồng nấm rơm khi học về Vi Sinh Vật, cách gây men, cách ủ rơm làm nấm…Đúng vào lúc bên ngoài cũng ồn ào với phong trào trồng nấm mèo. Tôi xin được men đem về ủ cho gia đình vài ụ nấm, để biểu diển với ba má và các em!

              Sang năm này chúng tôi đi thực tập trồng trọt Táo tàu ở Biên Hòa cũng nhờ vào dịp này, mọi người cùng phòng mới biết anh Hạnh cùng Hương “bí mật” đính hôn với nhau, chấm dứt thời kỳ “ tình trong như đã mặt ngoài còn e” và không còn cần sự hổ trợ của đám bạn “mai mối quỉ quái” lắm chiêu, nhiều chuyện cùng phòng 101 nữa.

              Mười năm sau trong dịp trở về thăm nhà, cây táo tàu đợt nọ tôi đem về trồng bên hông nhà ở quê cho những trái táo thật sai, thật ngọt…cả nhà cứ nhắc đến người trồng mỗi dịp có người hỏi xin….

              Song song với lý thuyết, chúng tôi có những lần đi thực tập về môn học “Thụ tinh Nhân Tạo” ở Nông Nghiệp 4-Thủ Đức do anh Huệ của 72KNN, được ở lại trường, hướng dẫn. Tôi nhớ mãi lời anh Huệ đã thách thức chúng tôi “Nếu ai lấy được tinh của một Heo Nọc rất già dặn này, tôi sẽ cỏng từ đây về trường…” và thực tập Chăn Nuôi Heo ở trại 2 tháng 9, trại gà ở Thủ Đức…. Tình cảm của Nguyệt Nga và Mạnh Hùng càng thắm thiết hơn. Chúng tôi được đi thực tập chích ngừa gia súc được chia ra từng nhóm nhỏ, cùng ăn và ở lại tại nhà dân địa phương, giúp tôi có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn học trò sau này.

              Trước hè 1978, chúng tôi như Thu, Tuyết, ThuDung, Nguyệt Nga, Mạnh Hùng xôn xao cùng nhau đi chơi một chuyến ở Bảo Lộc và Đà Lạt.

              Thật tội nghiệp cho đám sinh viên nghèo ham vui, đi chơi xa với bao 18kg gạo. Tôi làm sẵn một hũ nước mắm quẹt rất ngon vì có trứng và đường, mặn mặn, ngọt ngọt, beo béo, dùng để nêm canh hay xào với bắp cải và mang theo một túi cá Bạc Má chiên sẵn, ăn với cơm vắt rất tuyệt và rất vui cho chuyến đi chơi xa lần đầu.

              Cùng lúc ấy cũng có nhóm bạn khác có người đi Nha Trang tìm thăm người quen khác họ đem lòng nhớ thương…!

              Năm thứ 5 – 1979: Năm Học Cuối

              Những ngày hè qua nhanh, chúng tôi được học thêm về môn Xác Xuất Thống Kê do thầy Hoành dạy, chuẩn bị cho đề tài thực tập cho học kỳ tới.

              Cùng các môn về Sư Phạm cả về lý thuyết lẫn thực hành do thầy Châu Kim Lang và thầy Trần Hiệp Nam nổi tiếng khó, dạy và hướng dẫn.



              thầy Châu Kim Lang

              Khi nhắc về thầy Lang, không ai có thể quên người thầy thật hiền, nghiêm nghị tận tụy với sinh viên, người thầy mà tôi thường liên tưởng đến Ba của tôi, một nhà giáo đúng nghĩa!

              Hai kỷ niệm về lớp học của thầy tôi nhớ mãi không quên.

              Một đề tài sư phạm thầy cho để tham khảo và biên soạn, tôi đã làm thật chu đáo sau khi lục lọi tìm vào tủ sách giáo dục của ba. Trước khi thầy trả bài ra, thầy báo cho cả lớp biết rằng có một số bài có lối dẫn nhập hay chuyển đề hay, được thầy cho điểm A với một dấu ngôi sao trong bài, tôi thật vui khi là một trong số ấy…

              Sau đó chúng ta đi thực tập sư phạm, tôi, Tươi và Trung cùng chung nhóm, cố gắng soạn bài và thực tập với nhau. Hôm đến phiên tôi lên lớp, bài soạn kỹ càng. Khi bắt đầu, lòng tôi thật hồi hộp, cố gắng trấn tỉnh để giọng nói trôi chảy. Bên dưới, các em học trò nhỏ giương đôi mắt nhìn im lặng. Cả lớp thật yên lặng! Tôi nhủ thầm trong lòng, như vậy cũng không tốt!

              Đến khi tôi nói một thí dụ về cá Hồi, một loại cá con được sinh sản ở trên nguồn, đã vượt nghìn dặm hiểm nguy trở ra biển khơi, sinh trưởng cho đến khi con cái có mang, đã vượt nghìn trùng vượt qua bao hiểm nguy sống còn trở về nguồn đẻ trứng. Rồi cá con lại vượt đường xa để về với biển cả…Khi tôi nói đến đó, cả lớp xao động hẳn lên, bàn tán… giống y như thời tôi học năm đệ ngũ, lần đầu tiên nghe thầy giảng về cá Hồi, nhờ thế tôi có được phê bình tốt cho bài giảng…Cũng như lần đầu tiên học về cơ chế làm huyết thanh…với những kiến thức mới thu nhập được khắc ghi vào ký ức non dại mãi mãi không quên.

              Sang mùa học cuối năm 79, mọi người tất bật lo lắng hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Mọi người chúng ta được phân bố đề tài để đi thực tập theo từng vị thầy cô, mỗi người phụ trách hướng dẫn 4,5 sinh viên với từng đề tài riêng biệt. Tươi và Trung vẫn làm đề tài sư phạm của Thầy Châu Kim Lang, Minh Hoa được hướng dẫn bởi Thầy Nguyễn Thanh Hùng với đề tài về Di Truyền và được trồng thí nghiệm trên Đậu Nành tại trường. Nguyệt Nga và Mạnh Hùng cùng làm đề tài với nhau. Ngọc Em lấy đề tài Chăn Nuôi Gà của thầy Hà văn Mới. Ruộng và Phương Mai làm đề tài của thầy Trần Hiệp Nam, nghiên cứu địa phương ở Long An và được trú ngụ ở nhà anh Bé. Ngọc Lan và chị Tuyết Mai thật may mắn nhận đề tài Chăn nuôi Gà của thầy Vũ Đình Chính. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Thái Minh , chị Huệ được thầy hướng dẫn.

              Trong lúc bạn bè đã có những người tìm thầy đở đầu hướng dẫn, tôi vẫn vô tư không biết rằng những đề tài “ngon lành, hấp dẫn” đã có nhiều người nhận hết rồi. Thôi đành nhập bọn cùng với chị Hồng Tơ, Kim Loan , Thế Kiệt dưới sự hướng dẫn của cô Thúy Lan. Cô đưa chúng tôi đến hợp tác xã, nơi đã là nông trường đầu tiên cả trường chúng ta đi lao động trồng cà chua trên nhiều hecta đất. Ba người nữ được trạm xá y tế của địa phương cho chổ nghỉ ngơi trong suốt thời gian làm đề tài. Hợp tác xã cung cấp hạt giống Mướp, Đậu Que, phân bón, chúng tôi bỏ công sức ra trồng trọt, chăm sóc để lấy số liệu về báo cáo cho đề tài của mình, còn hợp tác xã họ sẽ thâu hoạch thành quả có được. Tôi trở thành “cua rơ” xe đạp từ trường đi đến hợp tác xã, qua đại học Nông Nghiệp 4 tìm tài liệu tham khảo hay trở về trường làm thí nghiệm hoặc đạp xe về nhà. Nhiều ngày cùng chung nhau ở trạm xá, có lần chỉ có tôi và chị Hồng Tơ ở lại.

              Tôi không bao giờ quên được hình dáng của chị Tơ. Chị thường hay ngồi kiểu bó gối, hai tay vòng trước đầu gối, dáng vẽ luôn trầm ngâm đăm chiêu tư lự, ánh mắt nhìn về đâu đâu đó…

              Sau một bửa ăn, cả hai cùng trao đổi công việc đang làm và những suy nghĩ về đề tài là tôi lo lắng, vì tôi ít khi được gặp cô giáo hướng dẫn trừ một lần duy nhất ghé qua nhà cô để nộp đề tài.

              Chị bảo:

              “Thu mà lo”.

              Tôi giương mắt nhìn chị Tơ và cười hỏi lại:

              “Trời đất! Sao chị nói T không biết lo”. Chị bạn này đã “phán” cho tôi một câu nói để đời mà mãi đến tuổi này tôi vẫn không quên:

              “T có lo mà lo không tới!”

              “Hả! Thật vậy sao?”

              Câu nói đó thật sự ‘ám’ tôi, khi tôi quyết định làm một việc gì, phải lo tới nơi tới chốn tự bao giờ...không thôi chị Tơ sẽ cười!!!

              (còn tiếp)

              Hồ Yến Thu

              74KNN


              Comment

              Working...
              X