Đã từ lâu tôi muốn đi xuống thăm Úc Châu một chuyến nhưng chờ dịp mãi không có. Chờ giới bác sĩ Việt Nam ở Úc Châu tổ chức đại hội ở miệt Hạ Dưới để có cơ hội xuống chơi nhưng các đồng nghiệp của tôi ở miệt dưới sợ bà con ngại đường xá xa xôi không xuống "miệt vườn" (lời của một thân hữu của tôi) tham dự nên đến nay vẫn còn do dự. Không phải các đồng nghiệp ở Úc e ngại là không chính đáng, cứ nghĩ tới phải ngồi trên máy bay 16 giờ từ Hoa Kỳ tới Úc Châu những người ít mạo hiểm sẽ thấy ngại ngay. Người Âu Mỹ gọi Úc Châu là xứ Down Under, tôi dịch là miệt Hạ Dưới. Từ Down Under này nghe có vẻ âm u quá. Đã Down rồi mà lại còn Under nữa. Đã Hạ (thấp) rồi mà còn Dưới nữa. Down Under nghe thấy thăm thẳm quá, nghe thấy xa xôi diệu vợi quá, nghe thấy kỳ bí, nghe thấy lưu đầy quá. Down Under còn có nhiều ẩn ý nữa, "Chẳng Có Rõ" hết được. Down Under đối với dân Anh trước đây quả là xứ lưu đầy. Tổ tiên của người Úc da trắng ở đây là con cháu của những kẻ lưu đầy từ Anh Quốc. Dĩ nhiên những kẻ lưu đầy này có những người xấu như những kẻ tội phạm nhưng những kẻ lưu đầy cũng có thể chỉ là những người bất chính kiến như trường hợp vua Hàm Nghi và những nhà Cần Vương như Kỳ Đồng của chúng ta chẳng hạn. Tuy nhiên xứ lưu đầy nào đi nữa cũng vẫn là một nơi biệt xứ, một chốn xa hun hút, một chỗ mịt mùng, một chốn thâm u… Chẳng cần nói gì đến thân phận của những kẻ lưu đầy, mà ngay cả những người phải đi canh giữ những kẻ lưu đầy cũng thấy mình bị lưu đầy. Đến Sydney chúng ta sẽ được nghe nói tới một bà thống đốc tên là Mac Quaries chiều chiều ra mỏm đá nhìn ra cửa bể:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
mà nhớ quê xa Anh Cát Lợi:
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Chiều chiều bà ngồi đó trông ra cửa biển chờ những con tàu từ Anh đến mang theo những lá thư nhà, ngồi đó từ năm này qua tháng nọ. Bà ngồi đó, cái trôn chai thành đá, đúng như Việt ngữ gọi là chai đá và cái mỏm đất chỗ bà ngồi mòn trơ đá ra trở thành cái Ngai Đá Bà Thống Đốc. Cái trôn của bà đã trở thành cái ngai mà tiếng Nga gọi là cái trôn, Anh Pháp gọi là cái throne (Việt ngữ trôn chính là Nga ngữ trôn, Anh Pháp throne, đều liện hệ tới cái chỗ dùng để ngồi). Ngày nay cái ngai đá này trở thành một địa danh du khách đến tíu tít chụp ảnh mà ít ai thấu hiểu được cái tâm trạng Down Under của bà lúc đó. Người Úc da trắng ngày nay cũng còn thấp thoáng thấy ít nhiều cái mặc cảm Down Under này, họ vẫn "nhìn lên" các xứ Anh Mỹ, Âu Châu với ít nhiều mặc cảm Down Under. Và cũng vì cái Down Under này mà chính phủ Úc đã để mất đi nhiều dịp cải tiến, để mất đi nhiều chất xám, nhiều nhân tài. Những chất xám này bỏ Úc ra đi tìm nơi thích hợp để phát triển tài năng. Nhân dịp xuát bản quyển Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và được các văn hữu, thân hữu ở Hạ Dưới khuyến khích, ở Sydney có Bác Sĩ Liêu Vĩnh Bình cùng phu nhân là Bác Sĩ Trần Thị Xuyên và nhóm tạp chí Y Học & Đời Sống cùng anh Nguyễn Vi Túy, chủ nhiệm tờ Việt Nam Thời Nay, ở Melbourne có Giáo Sư Nguyễn Cung Thông và Bác Sĩ Trần Quốc Đông cùng phu nhân là dược sĩ Kiều Ánh…, tôi quyến định đi thăm Úc nhân dịp lễ Tạ Ơn được nghỉ ở Hoa Kỳ, mặc dầu rất gấp gáp chỉ trong vòng vài tuần lễ ngay sau khi vừa mới lu bu ra mắt sách ở Quận Cam xong. Tôi hân hoan đi Úc vì những cảm tình vì cái nhiệt tình của các thân hữu dưới đó. Thật ra làm khách như tôi chỉ vác xác tới, chủ nhà mới là những kẻ vất vả, nếu không có lòng yêu mến thì chẳng ai dám nhận lời vác gánh nặng vào người trong một khoảng thời gian gấp rút. Sau 12 giờ bay, ngồi bó gối, chỉ chợp mắt chập chờn, cuồng chân, đầu nặng, cổ khô, máy bay đáp xuống phi trường Fiji cho hành khách nghỉ ngơi thư dãn. Từ Fiji tới Sydney khoảng 4 giờ bay nữa. Khách sạn của chúng tôi ở khu Darling Harbour. Tắm rửa nghỉ ngơi xong chúng tôi thả bộ đi thăm viếng khu Darling Harbour ngay. Sydney với khu Darling Harbour đẹp tuyệt vời gợi nhớ lại khu Nội Cảng của Baltimore. Nổi tiếng khắp thế giới là cái hí viện Opera House với mái trông như những cánh buồm căng gió. Đây là biểu tượng của Sydney và gần như là của nước Úc về mặt kiến trúc. Nhìn gần những cái mái cánh buồm căng gió của hí viện có hình những mảnh vỏ ngao sò rạng đông viên mai (scallop) đang mở ra đón gió ngàn khơi. Với cái tính têu tếu, tôi đặt tên nôm na là cái Nhà Hát Ngao hay nôm na có hơi mách qué một chút là Nhà Hát Ngao Hóng Gió. Cái hay ở chỗ là Hát Ngao Hóng Gió là vữa đi vừa hát ngao, vừa hát nghêu, vừa hát nghêu ngao vừa hóng gió mà còn có một nghĩa mách qué nữa.
Buổi tối anh chị Bác Sĩ Liêu Vĩnh Bình và Bác Sĩ Trần Thị Xuyên, Bác Sĩ Võ Văn Phước, Bác Sĩ Vũ Ngọc Tấn bao chúng tôi một chầu Darling Harbour by night. Đêm nay có trăng. Ở Hoa Kỳ chỗ chúng tôi ở thuộc nơi quê mùa (agriculture zone), không có đèn đường, có thể trồng trọt, chăn nuôi được, những đêm rằm vẫn có trăng sáng nhưng không có nước. Cali đất khô sa mạc, sông cạn quanh năm. Lâu lắm rồi đêm nay mới sống lại cùng trăng nước, mà lại là cảnh trăng nước Sydney.
Ngoạn cảnh xong, chúng tôi được cho ăn tối ở một tiệm ăn Tầu Imperial Pekin, nhìn ngay ra cảnh trăng nước Nhà Hát Ngao Hóng Gió. Nguyên cái view này cũng đã phải trả một giá đắt rồi. Cua ở Úc sống ở bùn nên gọi là "mud crab" khác với cua ở ghềnh đá gọi là cua đá. Định bụng đến Úc phải nếm các món bản địa nên khi được các đồng nghiệp chủ nhà khuyến khích, chúng tôi nhận lời "mạo hiểm" ăn món steak kangaroo. Thịt kangaroo mềm, ngọt, không oi như thịt bò, ăn lần đầu cũng đã thấy ngon.
Buổi tối về, không biết có phải tại ăn thịt kangaroo hay không mà thấy rậm rật, bắp thịt trong người "máy" như chuột chạy. Người Trung Hoa gọi kangaroo là đại thử, tức chuột lớn và các nhà cơ thể học gọi bắp thịt là muscle, cũng có nghĩa là con chuột dựa vào sự kiện là bắp thịt cũng nhúc nhích trông như chuột chạy. Bằng chứng thấy rõ nhất là khi bị bắp thịt co rút chúng ta nói là bị chuột rút. Như thế ăn thịt đại thử kangaroo chắc có ảnh hưởng đến chuột bắp thịt. Con kangaroo có một đặc tính hi hữu là nó đi, chạy bằng cách nhẩy tưng tưng. Sở dĩ chạy nhẩy nhanh được là nhờ kangaroo có cái đuôi to khỏe. Nếu áp dụng quan niệm Đông phương cho rằng ăn gì bổ nấy thì ăn kangaroo chắc là bổ nhất cái… đuôi. Cũng may là đêm nay có vợ nằm bên.
Sáng hôm sau, vì thời gian ở Sydney ít, chúng tôi đi một tua thành phố để có một khái niệm tổng quát về Sydney. Sydney là một thành phố cảng đẹp, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Đâu đâu cũng thấy chuẩn bị và quảng bá cho Thế Vận Hội năm hai ngàn ở Sydney. Dĩ nhiên Sydney có mang nhiều nét của nền văn minh Anh Quốc. Lái xe bên trái. Người Úc nói tiếng Anh còn dư âm của thứ Anh ngữ "lưu đầy", còn dùng nhiều từ có nghĩa cổ khác với Anh ngữ hiệm kim ví dụ chào nhau họ nói hi mate, g’d day mate, Anh Mỹ hiện kim mate chỉ những người cùng ở chung như inmate (bạn tù), room mate (bạn ở chung phòng)… nhưng từ mate thường làm liên tưởng tới việc truyền giống của thú vật như mating season (mùa truyền giống), mua bán người Úc dùng nhiều từ trade còn mang âm hưởng của sự mua bán ngày xưa bằng cách trao đổi hiện vật gọi là trade (từ trade liên hệ với Việt ngữ tráo, trao); thức ăn mang đi họ nói là take away thay vì nói take out, to go như Anh Mỹ… Tiếng Anh ở Úc mang sắc thái riêng Down Under. Dĩ nhiên Sydney cũng đủ các khu trung tâm tài chánh, thương mại, văn hóa bên cạnh các khu ăn và uống, ăn và chơi, khu "gay", khu đèn đỏ (red light)…. Hàng năm có ngày lễ hội "gay" rất lớn với những xe hoa thu hút giới đồng tính khắp nơi trên thế giới đổ về đi hội, nhất là các nước vùng Nam Hải và các đảo Thái Bình Dương, nơi còn giữ nền luân lý cổ truyền rất chặt chẽ. Khu đèn đỏ, nếu muốn nói theo chữ Hán Việt là hồng lâu, ở đây có một con đường nổi tiếng của các chị em… người ta. Đây là một con đường dốc, các cô hạng sang thường đứng chờ khách trên đầu cao của dốc, còn càng xuống dốc các cô càng bình dân, dĩ nhiên giá cả càng cao ở trên đầu dốc và càng thấp khi càng tụt dốc và các nàng với giá tiết kiệm nhất, rẻ nhất, vừa "budget" nhất là các nàng đứng ở cuối con dốc, xế ngang của tiệm cho mướn xe BUDGET. Sydney có nhiều bãi biển đẹp, dĩ nhiên cũng có những bãi của những người giàu tiền nhưng nghèo quần áo. Bãi công cộng nổi tiếng nhất ở đây phái nữ cũng thấy đó đây có người phơi bánh dầy, bánh ú, phơi cau, phơi mướp, phơi dành (bình tích nước)… Ông trời cứ mở mắt to ra mà nhìn, hèn gì nắng Sydney bốc lửa… hoa cả mắt!
Buổi chiều đi một vòng tua hải cảng xong chúng tôi lấy xe lửa ở khu Circular Quay xuống khu Việt Nam ở Bankstown. Bác Sĩ Xuyên đóng của phòng mạch sớm đón chúng tôi ở nhà ga đưa về thăm Bankstown. Khu phố Việt Nam xinh xinh, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, đường được ngăn lại không cho xe cộ đi qua, cửa hàng nằm sát nách nhau khiến cho có cảm tưởng như đang dạo phố tại một nơi nào đó ở Việt Nam. Rất tiếc là đến đây đúng lúc các cửa hàng bắt đầu đóng cửa. Ở Úc năm giờ mọi dịch vụ đều đóng cửa (ngoại trừ ngày thứ Năm?) kể cả phòng mạch bác sĩ. Ôi sao mà hạnh phúc đến thế ! bác sĩ mà năm giờ chiều đã nghỉ làm việc! Buổi trưa tôi có liên lạc với một số đồng nghiệp nhưng không gặp ai cả, sau mới biết là bác sĩ ở đây nghỉ trưa siesta. Ôi sao mà hạnh phúc thế, bác sĩ mà có được giờ nghỉ trưa tùy hứng. Mấy chục năm trời hành nghề ở Mỹ sao mà cực quá vậy! Bác sĩ có ai nghèo đâu, chắc chắn ở Úc này cũng vậy. Sau đó chúng tôi về Cabramatta, thủ đô của người tị nạn Việt tại Úc Châu. Cabramatta thực sự đã gây cho tôi một xúc động mạnh. So với Little Saigon, Cabramatta nhỏ không có những khu thương xá lớn nhưng ấm cúng. Tôi đã đi qua nhiều khu phố Việt Nam ở hải ngoại nhưng chưa thấy ở nơi nào trên "cổng làng" có đề những chữ Việt bên cạnh chữ địa phương. Ở đây trên cổng làng có đề câu ca dao Việt Nam LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH. Sau cổng là pho tượng con trâu và con nghé. Đây không có lân hí cầu, rồng phượng như thường thấy ở các khu phố Việt-Tầu khác. Nơi đây có trâu, hình bóng của Lạc Việt ruộng nước. Nơi đây có trâu là vật tổ của Lạc Việt. Nơi đây có trâu là vật biểu của Lạc Long Quân Mặt Trời-Nước. Cổng đầu đàng kia có tượng nghê với sừng hai mấu, có cốt là con hươu sủa (barking deer) Mang gạc Munctjac, Kỳ Dương, vật biểu của Kinh Dương vương, vị vua đầu tiên của Xích Quỷ Việt Mặt trời rạng ngời. Ở đây chỉ thiếu hình bóng Cò Lang, Cò rạng ngời Hùng Vương. Không biết có phải do trời định hay không mà người Việt đã đến Cabramatta lập nghiệp. Cabramatta có nghĩa là Xứ Rắn (Cabra gần cận với cobra và matta gần cận với mart, market, Việt ngữ mạc trong từ làng mạc). Chúng ta là con cháu Rắn Rồng Âu Cơ-Lạc Long Quân dòng nước, dòng Rắn nên đã tìm đến Xứ Rắn Cabramatta dung thân. Phải chăng là thiên định? Theo truyền thuyết, thổ dân Úc cũng có ba vị thần tổ là ba con rắn Great Phallic-headed Serpent (Rắn có đầu là qui đầu, đây là thể lưỡng hợp âm dương), Rainbow Serpent (Rắn Cầu Vồng) và Wanabe Serpent. Ở hải đảo họ có nguồn gốc liên hệ với dòng Nước là chuyện hợp lý. Tại đây chính quyền xây cho cộng đồng Việt một building đậu xe rất ư là thiết thực. Úc Châu có đủ cây trái nhiệt đới, bây giờ là mùa xuân đang mùa chôm chôm, vú sữa, xoài đủ loại, những trái xoài tượng to hơn ở quê nhà. Ở đây đất rộng người thưa. Cây trái ở đây mỗi thứ trồng hàng ngàn mẫu với kỹ thuật canh tác tân tiến. Một ngày nào đó các cây trái nhiệt đới của Việt tị nạn ở Úc sẽ nhập cảng vào Hoa Kỳ như hiện nay ở California về mùa Đông vẫn có các cây trái mùa xuân, nhiệt đới từ Nam Mỹ nhập cảng vào. Các nhà trồng tỉa Việt Nam ở Úc Châu nên xúc tiến việc này. Hơn một triệu khách hàng người Việt ở Hoa Kỳ về mùa đông đang chờ ăn cây trái nhiệt đới của Úc Châu gởi sang.
Buổi tối chúng tôi đi ăn tối ở tiệm Bạch Đằng với các món ăn Việt khoái khẩu, trong đó có món cua bùn rang me. Nền nhạc karaoke ở đây cũng thấy thịnh hành…
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra phi trường sớm đi Melbourne. Trời còn tinh mơ mà các quán cà phê vỉa hè đông nghẹt như những buổi sáng ở Saigon ngày xưa. Chuyến máy bay Qantas từ Sydney đi Melbourne sớm nhất trong ngày hành khách toàn là những tay mại bản, kinh doanh, tài chính mặc đồ lớn… họ đi máy bay bằng thẻ hàng tháng như đi xe bus dùng thẻ dài hạn. Bác Sĩ Trần Quốc Đông và phu nhân Dược Sĩ Kiều Ánh nghỉ việc đón chúng tôi ở phi trường rồi đưa chúng tôi về khu Việt Nam ở Footscray ăn phở. Đây cũng là một khu Việt Nam sầm uất. Melbourne lạnh hơn Sydney, cây cỏ xanh tươi hơn. Theo lịch trình buổi chiều tôi sẽ nói chuyện về cuốn Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt ở đây.
Buổi chiều bị kẹt xe nên đến nơi nói chuyện bị trễ. Giáo Sư Nguyễn Cung Thông và nhóm Đồng Tâm cùng Bác Sĩ Đông đã giúp cho buổi họp mặt này thành hình. Mặc dầu được thông báo rất cận ngày nhưng khoảng 40 thân hữu đã có mặt, trong đó có các báo chí địa phương nhứ báo Nhân Quyền và nhiều các nhà văn hóa khác nữa không nhớ hết tên. Thật là xúc động. Một bàn thờ quốc tổ Hùng Vương đã được dựng lên. Trước khi nói chuyện Giáo Sư Nguyễn Cung Thông trưởng ban tổ chức, các vị trong nhóm Hùng Vương, tác giả đều dâng hương trước bàn thờ tổ. Buổi nói chuyện rất thân mật. Xin xem tường thuật của Người Melbourne in trong số này. Số tiền bán sách thu được đóng góp vào quỹ phát huy quốc tổ Hùng vương.
Buổi tối vì anh Thông ăn chay nên không đi dùng cơm tối với chúng tôi được. Anh chị Đông và anh chị Dũng đã cho chúng tôi một bữa ăn ngon miệng tại nhà hàng Shark Fine Restaurant. Đặc biệt nhất là món bào ngư tươi vớt từ trong hồ nước ra. Bào ngư già vỏ có chín lỗ. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt tôi đã đề cập tới sự kiện là bào ngư cũng được nhiều tộc xem là biểu tượng cho vũ trụ giống như trứng hư vô. Những tộc này quan niệm vũ trụ là một cái bọc có vỏ cứng như đá (giống như con "cá bọc" bào ngư). Truyền thuyết Trung Hoa Bà nói rằng bà Nữ Oa nấu đá ngũ sắc vá trời cũng cho thấy vỏ vũ trụ giống như vỏ xà cừ lóng lánh nhiều màu sắc của bào ngư. Ốc Âu cơ đội lốt ốc bọc bào ngư vũ trụ nên cũng đẻ bọc. Vũ trụ ốc bọc bào ngư sau đó phân cực. Cực dương thành mặt trời Nọc, Việt (Viêm Đế) sinh ra bốn mặt trời cõi tứ hành và bốn mặt trời cõi thế gian (ứng với Đế Minh, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương), tổng cộng là chín mặt trời. Truyền thuyết cổ Mường Việt chúng ta có 9 mặt trời. Bào ngư tương ứng với bọc vũ trụ và chín lỗ tương ứng với chín mặt trời Nọc Việt.
Ngày hôm sau còn ít thời giờ tự do chúng tôi xuống Richmond ăn phở Hùng vương và đi thăm vài nơi nữa trước khi đáp máy bay về Sydney.Anh Cung Đình Thanh chủ nhiệm báo Tư Tưởng và cậu con trai đã thương mến ra phi trường đón và đưa về nhà chơi. Sau đó chúng tôi về Cabramatta để nói chuyện với các thân hữu tại đây. Anh Nguyễn Vi Túy chủ nhiệm báo Việt Nam Thời Nay là trưởng ban tổ chức, Bác Sĩ Liêu Vĩnh Bình làm điều hợp viên, anh tiết lộ cho biết anh vốn là một độc giả hâm mộ những truyện ma của tôi viết hồi còn làm tờ báo Trắng ở trường Y Khoa. Tại đây cũng có nhiều thân hữu, trong số này phải kể đến Bác Sĩ Nguyễn Nguyên đã từng có bài cộng tác với Y Học Thường Thức, Bác Sĩ Vũ Ngọc Tấn, người bạn cùng lớp với tôi cùng nhiều các bác sĩ khác, những nhà làm văn hóa như anh Cung Đình Thanh báo Tư Tưởng cùng nhiều báo chí khác như báo Dân Việt… Điều đáng quý là chị Ngọc Hân phóng viên đài SBS mặc dù bận rộn cũng đã đến dự và phỏng vấn tác giả cho thính giả toàn thể lục địa Úc Châu. Đài SBS do chính phủ Úc tài trợ (xem thêm phóng sự bằng hình). Nhờ tài "mại bản" của Bác Sĩ Võ Văn Phước, bao nhiêu sách tác giả mang theo bán hết sạch và tiền bán sách thâu được đóng góp vào quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung Việt Nam.
Nửa đêm về sáng nhóm thân hữu và chúng tôi đi ăn cháo thật là vui làm nhớ lại những ngày đi ăn đêm lúc trước ở Sài Gòn.
Ngày hôm sau bà xã đi mua sắm cho tới lúc lên xe ra phi trường đi Fiji. Chúng tôi ở lại Fiji mấy ngày để hồi phục trước khi về Hoa Kỳ kéo cầy trở lại.
Rời Úc đầu óc tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao lại gọi con thú biểu của Úc Châu là kangaroo, kangoroo? Hỏi ai cũng trả lời gọn lọn là không có biết, chẳng có biết? Chắc chắn là kangaroo phải có một cái nghĩa nào đó. Về tới Hoa Kỳ tôi đi đào tìm xem kangaro có nghĩa là gì? Cuối cùng tìm thấy một tài liệu giải thích cái tên kangaroo như sau: Một vị thuyền trưởng người Anh khi đem đám tù nhân bị lưu đầy lên đất Úc Châu đã kinh ngạc, bàng hoàng về những giống thú lạ ở đây. Một hôm thấy con kangaroo ông hỏi một người thổ dân: Cái con gì vậy? Người thổ dân trả lời: Kangoro. Thế là từ đấy con vật đó có tên là con kangoro, kangaroo, kangourou, kanguru… Về sau các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng thổ dân mới biết rõ nghĩa của từ kangoro là "don’t know", "không biết rõ". Con kangoro là con "không biết rõ" (Esperanto L…, Đặng Xuân Điện dịch in trong Khoa Học tạp chí số 55 ngày 1er Oct 1933 tr.8).
Và chuyến đi Úc kỳ này tôi lại khám phá ra từ kangoro ruột thịt với Việt ngữ! Kangoro có kang- = chẳng (k=ch như kênh = chênh), go- = có (g=c như gài = cài) và -ro = rõ. Kangoro = Chẳng có rõ. Con kangoro là con Chẳng có rõ, con "don’t know". Sự khám phá này coi như là một món quà tặng các thân hữu ở Úc đã có lòng quý mến chúng tôi và riêng tặng anh Nguyễn Cung Thông, tác giả "Tiếng Việt Tuyệt Vời-âm M trong tiếng Việt", người cũng thích nghiên cứu tiếng Việt như tôi. Hy vọng các nhà văn hóa ở Úc châu kiểm điểm lại. Nếu kangaro, kangoro tiếng thổ dân Úc có nghĩa là "không biết" thì quả đúng kangoro ruột thịt với "Chẳng-có-rõ" của Việt ngữ. Chắc chắn trong các thổ dân Úc có những tộc liên hệ với người cổ Việt. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, tôi đã nhắc đến một điểm giống nhau của người cổ Việt và thổ dân Úc Châu là trong vũ trụ tạo sinh cả hai đều quan niệm vũ trụ có nhiều cõi và sự tạo sinh của mỗi cõi là một vòng tạo sinh riêng nhưng đội lốt lẫn nhau. Nếu kangoro đúng là "không biết" là "Chẳng-có-rõ" xin phổ biến cho toàn thể dân Úc biết rằng kangaroo ruột thịt với Việt ngữ, nếu không muốn nói là tiếng Việt.
Úc Châu, xứ kangaroo, kangoro, xứ CHẲNG-CÓ-RÕ, một thế giới còn đầy kỳ bí. Chắc chắn tôi sẽ trở lại thăm Úc Châu và ăn thịt kangaroo để kiểm chứng lại…
Comment