Announcement

Collapse
No announcement yet.

KÝ ỨC DU LỊCH ÚC

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • KÝ ỨC DU LỊCH ÚC

    Lời nói đầu:

    Anh chi em thân mến,

    Cuối cùng thì cũng làm được bài luận văn về xứ Úc. Hôm nay xin gởi đến các bạn xem phần 1, nếu không gãi nhằm mụt ghẻ thì sẽ gởi tiếp các phần sau dần dần nhé. Còn nếu khó coi quá thì cũng cho biết để dễ xử. Post bài lần đầu, phần hình ảnh có thể bị trục trặc, xin các bạn thông cảm trước.


    :ngai:

    KÝ ỨC DU LỊCH: MỘT CHUYẾN ĐI ÚC


    Lao Minh Khai 74 KCN


    Gọi là ký ức cũng phải, vì tour du lịch chỉ gói gọn trong 7 ngày của tháng 9/2014 mà đến tháng 11/2014 mới được ghi lại. Hây dza, thời gian trôi qua, tuổi già mau quên, nên có thể có những chi tiết nhầm lẫn hay thiếu sót, thôi thì còn bi nhiêu hay bấy nhiêu, mong độc giả chia sẽ cho nỗi niềm của người viết bài này.

    Để được đi du lịch, có 3 chuyện phải chuẩn bị:

    1. Tiền bạc rũng rỉnh (chắc chắn phải có chút của để dành mới đóng được tiền tour du lịch…)

    2. Sức khỏe dồi dào (đi tour du lịch đồng nghĩa với đi bộ tập thể 6-8 giờ/ngày)

    3. Thời gian thong thả (để không phải vừa đi vừa lo cho công việc dở dang…)

    Ngoài ra, với du khách Việt Nam, điều kiện cần và đủ là phải lấy được visa từ lãnh sự quán Australia, thì mới yên tâm chuẩn bị cho tour du lịch.

    Trong tâm trạng đó, một ngày đẹp trời, mênh mang nỗi buồn vì không có việc làm, đồng thời được tin con trai ở Úc mới bắt đầu cuộc kinh doanh mới, tôi đã xin phép tổng tư lịnh để làm một chiến dịch càn quét đất Úc, nhân tiện thăm lại chiến hữu ngày xưa, giờ đang bám trụ trên đất Úc, xem “dung nhan ấy có còn như xưa” hay không. Bà xã duyệt y sự vụ lịnh với điều kiện kèm theo: Anh đi qua trước rồi về báo cáo lại cho em biết. Dù biết rằng mình có trách nhiệm đi trinh sát dò mìn, trải thãm đỏ, nhưng được lời như cởi tấm lòng, tôi dạ lớn một tiếng rồi bon bon đi lo giấy tờ, không quên ngắt nhéo chút ít bạc lẽ để chuẫn bị cho lộ phí bôi trơn trên đường.

    Con nhỏ ở công t du lịch sao mà dễ thương, chỉ cần giao giấy tờ đầy đủ cộng thêm xấp hình Bác Hồ, trong vòng chưa đầy 15 ngày đã điện báo cho tôi biết: “Chú ơi, visa của chú có rồi, chú nhớ chuẫn bị đồ đẹp đi chơi nhé, và đem tiền nộp thêm cho con đúng hẹn nhé.”

    NGÀY ĐẦU Ở MELBOURNE

    Đến hẹn lại lên, chiều ngày 11/9, tôi khăn gói lên đường ra sân bay, lòng bùi ngùi nghĩ đến hiền thê phải ở lại nhà mà chua xót cho cảnh côi cút của mình. Nỗi niềm rồi cũng phôi phai khi đến sân bay, khung cảnh náo nhiệt và lộn xộn, thúc đẩy tôi tự giác kiểm tra lại hành lý để chắc ăn là mình không bị chôm thứ gì hết !

    Chuyến bay đêm dài 8hrs cuối cùng cũng kết thúc tại sân bay Melbourne. Sau tour kiểm tra của nhân viên Hải quan Úc có khuyến mải thêm phần đánh hơi ma túy của các chú khuyễn làm tăng phần lo lắng cho các vị phụ nữ hay ăn hàng, lúc nào cũng có thức ăn nhanh trong túi xách. Cuối cùng cũng ra khỏi sân bay và thở phào nhẹ nhõm. Ấn tượng đầu tiên của tôi không phải là sự rộng lớn hay hào nhoáng của sân bay, mà lại là cái cabin chứa hành lý kéo theo phía sau xe chở khách, dù đã được báo trước. Có thấy thực tế, tôi mới cảm nhận được sự hợp lý của bằng lái xe hạng B1, B2 (hạng thấp nhất cho xe hơi ở VN), vì cho phép lái được xe kéo rờ mọt. Cả đoàn đã sẵn sàng, nhưng giờ ăn đã đến, Hướng dẫn viên (HDV) mời mọi người đi thưởng thức món Phở tại xứ Melbourne.

    Một trục trặc không biết cho là nhỏ hay lớn, khi đến quán ăn đầu tiên, dù cho đã book trước, sau vài phút chờ đợi trước nhà hàng đóng cửa im lìm, mọi người ngở ngàng khi thấy khuôn mặt còn ngái ngủ của chủ quán với câu xin lổi:”Tụi nó quên nên chưa mở cửa quán”. Vì rằng 14 cái bao tử đang réo gọi tình yêu, nên đoàn không thể chờ ông chủ nấu sôi thùng nước lèo, mà buộc phải sang ngang qua quán khác , cũng hay ra phết với cái tên lừng danh: Phở Hiền Vương. Danh phù kỳ thực, ông chủ nhà hàng xem ra cũng rất hiền, niềm nở tiếp đón đoàn khách và nhanh chóng mang từng tô phở đến cho những cái bụng đang háo hức chờ ăn. Co ro giửa cái lạnh bất ngờ ở xứ lạ, tô phở bốc khói là niềm vui để an ũi cho nỗi xa nhà. Cảm giác của tôi là hơi bị choáng khi nhìn thấy mấy miếng giò thủ nằm xen giửa thịt bò và bò viên, và ngạc nhiên hơn khi ăn miếng bánh phở với cảm giác kêu nhằm tô mì Quãng. Sau khi được giải quyết vấn đề bao tử, hình như ai cũng cãm thấy phấn chấn hơn, không ai từ chối lời đề nghị đi tham quan thương xá Saigon ở khu Footscray, nơi mà mọi người không cần phải lúng túng nếu chưa quen sử dụng tiếng Anh. Một hình ảnh vừa lạ vừa quen hiện ra trước mắt mọi người khi xe thả khách xuống khu thương xá, khi nhìn thấy tiếng Việt, người Việt đầy dẫy trong khu phố. Tấm biển đầu tiên đập vào mắt tôi lại rất quen thuộc trên đường phố Saigon ở VN:”Nước Mía Siêu Sạch”. Bằng chứng cụ thể này cho thấy mọi thứ mới xãy ra tại VN trong vòng vài năm, đều có thể xuất ngoại sang Úc, không cần biết có hợp thời trang hay không.



    Một góc Thương xá Saigon



    Nước mía siêu sạch


    Rời thương xá, xe tiếp tục xuống khách tại khu vực trung tâm, mọi người có dịp thả hồn theo bước chân, mắt lấm lét nhìn tứ phía, trước là ngắm cái đồ sộ của sòng bạc to nhất Melbourne với hàng hàng lớp lớp máy kéo xèng, bàn đánh bạc, sòng ru lét…, tôi tranh thủ chụp ảnh dưới bảng hiệu “Crown” to đùng, đây sẽ là bằng chứng để khi trà dư tữu hậu, than thở với ban bè về việc mình đi đánh bài thua mất mấy ngàn đô. Sau ít phút dừng chân, lại tiếp tục cuộc đi bộ tham quan đường phố. Có lẽ vẻ mặt ngơ ngác nai tơ của mình cũng dễ thương, cộng thêm tò tò cái máy ảnh lúc chụp chổ này, chụp chổ kia giống như nhiếp ảnh gia thứ thiệt, nên đang đi bỗng có tiếng đập kiếng ầm ĩ, quay lại nhìn thì thấy cả gia đình anh Tây (chắc là dân Úc chính hiệu) đang ngồi trong một cửa hàng, tay ngoắt miệng réo om sòm. Đoán là họ muốn gởi dung nhan cho mình làm kỷ niệm, tôi dừng lại chụp vài pô ảnh. Cả gia đình hả hê, tay chào miệng say thank you lia lịa, dù không biết mình có chụp thiệt hay xù.



    Gia đình anh Tây


    Điểm tham quan kế tiếp là nhà Quốc hội bang Victoria, xưa kia là quốc hội Úc, khi Victoria còn là thủ phủ. Nơi này đóng cửa im lìm, chắc không cho vào, nên chỉ ghi lại được vài bức ảnh bên ngoài, cộng với nhìn xéo qua bên kia đường để thấy hotel Windsor, nơi Nữ Hoàng Anh đăng ký tạm trú khi đến bang này. Hình ảnh thú vị nhất trên đường phố Melbourne là các loại xe điện chạy ngang dọc trên phố phường, từ kiểu cổ cho đến model tân thời. Đến đây, xin dừng một giây tưởng niệm cho tuyến xe điện độc nhất vòng quanh bờ hồ Gươm ở Hà Nội, nay có lẽ đã được bán sắt vụn mất rồi.



    Xe điện Melbourne



    Nhà Quốc Hội bang Vitoria



    Khách sạn Windsor


    Đi thêm chút nữa, đoàn du lịch đến nhà thờ Thánh Patrick, là một nhà thờ cổ từ thế kỹ 19, trong một khuôn viện đất khá rộng rãi và có nhiều hoa văn đep, cộng với vài chú chim câu đang tìm thức ăn trên bãi cỏ, tăng thêm vẽ thơ mộng, tiếc là đang có khóa lễ nên kẻ Lương người Giáo chỉ lủi thủi tạo dáng chụp ảnh bên ngoài.



    Tượng Thánh Patrick





    Vài góc đẹp tại Nhà thờ Thánh Patrick


    Chuyến đi bắt đầu đổi sang hướng mới: Đi tham quan khu vườn bách thảo Fitzroy. Tại đây, mục tiêu khám phá đầu tiên lại là căn nhà của thuyền trưởng Jame Cook, được xem là người đầu tiên tạo dựng nên nước Úc. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, được mang nguyên vẹn từng viên gạch, từng tấm ngói từ mẫu quốc, đặt trong vườn Bách thảo, rất cô đơn nhưng kiêu hãnh giửa rừng già. Những vật dụng của Jame Cook được giử nguyên vẹn dù đã nhuộm thắm màu thời gian.





    Ngôi nhà của Jame Cook



    Trong vườn Bách thảo Fitzroy


    Cắt ngang phút bâng khuâng mơ màng với hình ảnh mình trở thành một vị anh hùng dân tộc, một Jame Cook của VN, HDV đưa chúng tôi về thực tế phũ phàng bằng lời giới thiệu vườn hoa bốn mùa, lúc nào cũng nở hoa với nhiều loại kỳ hoa dị thảo, có những loài hoa chưa bao giờ thấy. Tuy diện tích nhỏ nhưng với bố cục khéo léo, hoa nở khắp nơi, khách tham quan cảm thấy tăng phần hưng phấn, loanh quanh tạo dáng chụp hình, quay phim trong khuôn viên khoảng 500m2 không muốn rời đi, chỉ tội cho chú em HDV dài cổ chờ với cái bụng đói meo.





    Vườn hoa trong nhà kiếng




    Ngày đầu tiên trên đất Úc kết thúc bằng một buổi cơm tối thịnh soạn tai nhà hàng Thái, với món ăn đặc trưng (sau này mới nhận ra bửa cơm nào cũ ng có) là trứng vịt chiên, công thêm vài món Thái, chua cay mặn ngọt đều có đủ. Ăn xong nhìn quanh quất, thấy nhà hàng có bức tranh nghệ thuật chỉ có hình ba chiếc lá đa, nhìn mà muốn hỏi sao không thấy củ đa, nhưng sợ cả đoàn bị vạ lây nên đành im thin thít.

  • #2
    Đọc bài tường thuật cuả a. LMK mới thấy à ha, bài ký sự Úc châu này thiệt hay, vưà đọc vưà cười theo lời văn dí dỏm, lối viết đồng hội đồng thuyền với chiến hưũ NTT cuả anh, ...nhưng vẫn có nét riêng. Mới có ngày 1 mà đầy ắp hình ảnh và sinh hoạt bận rộn cuả dân đi tour, nên rất mong anh tiếp tục theo kiểu viết kể chuyện này nha anh vì T luôn tìm kiếm những chi tiết, cảm nghĩ được ghi lại qua kinh nghiệm cuả người đi du lịch. Vì những điều này cũng có thể là hành trang kiến thức sau này cho mình nếu có cơ hội đến được những nơi ấy.

    Cám ơn anh đã dành thời gian ghi lại chuyến đi cho bạn đọc kèm theo những 'sàng khôn'.

    Thân mến,

    Trúc

    Comment


    • #3
      Đọc 'Ký ức du lịch' của bạn Khai Lao, mừng muốn chảy nước mắt, trang web nhà từ nay sẽ vui thêm rồi !!!

      Comment


      • #4
        Anh Khai và các bạn mến

        Hôm nay đọc bài ký ức du lịch của Anh , được nhìn lại những hình ảnh thân quen đồng thời được đọc những nhận xét của Anh , làm P tưởng như mình mới sang Mel mới ...tuyệt vời chớ :giveme5:

        Đúng vậy đó Anh Khai , đọc bài của Anh rồi tự dưng ký ức của P cũng sống dậy , đó là ký ức thời gian đầu của kẻ tha phương lập nghiệp , có nhiều kỷ niệm nhưng do thời gian chồng chất nên quên , bây giờ thấy Anh nhắc nên tự nhiên P nhớ lại những ngày mới qua đây , Mel cách đây hơn vài chục năm trước khác với bây giờ rất nhiều vì dân cư càng ngày càng đông , nhà cửa xây cất nhiều hơn , nhứt là hồi xưa không có nước mía ... siêu sạch như bây giờ , nhưng bất cứ Ai từ Vn mới sang Úc dù bất cứ hình thức nào cũng thấy thế giới quan của mình được mở mang hơn , nhất là vào những năm 19...

        Nhân đây P cũng kể một câu chuyện vui hồi P mới qua , thời gian đó ở Vn chưa có ATM nên P không biết máy rút tiền là gì , một hôm người nhà dắt P đi shopping , biết là P ... khờ me , nên nói " Ở đây sướng lắm , muốn có tiền xài cứ việc ra máy bấm bấm vài cái là nó in tiền cho mình xài ... ngay " . Mèn ơi , lúc đó P ngạc nhiên hết biết luôn bèn hỏi '' Zậy chứ mình lấy bao nhiêu cũng được hả ? '' Thế là P được nghe một màn giải thích '' ừa muốn lấy bao nhiêu cũng được , nhưng lấy đủ xài thôi , chứ lấy nhiều quá , mơi mốt nó không in tiền cho ...xài đâu đấy ! '' P nghe mà phục lăn cái máy kỳ diệu này . Chưa hết đâu ở nhà thì mỗi lần xem TV , tới chương trình nào P ngáp tới ngáp lui , ai thấy cũng hỏi bộ P không thích hả , P gật đầu thì họ hô '' TV ! đổi ...đ..ài '' thì tự nhiên TV đổi ngay sang đài khác , làm P ... tỉnh cả ngủ ( sau này mới biết người nhà dấu remote control dưới cái gối )

        Có lẽ tất cả các bạn ở đây đều cho Anh 10/10 . Zậy thì ... tới luôn nha bác tài , xí quên , tới luôn nha Anh Khai ...:thumbs:

        PL


        Comment


        • #5
          KLM và các bạn thân mến

          Thật là cảm động khi biết sự tham gia (trở lại) của bạn KLM không những đã làm " trang web nhà từ đây sẽ vui thêm " mà còn là nỗi mừng muốn chảy nước mắt, nước mũi, có thể còn có nước miếng nữa của nhiều người! Nếu đúng như vậy, trước khi tiếp tục post những bài kế tiếp có lẽ xin ông bạn post luôn cái xô để chứa cho đủ nỗi mừng đầy mong mỏi của gần 400 lượt truy cập mỗi ngày.

          Để góp một ít gió cho bạn bè, tôi xin bàn về một số điểm của bài viết của bạn Khai, trước tiên là đoạn chê phở ở Melbourne. Đây chính là lỗi của HDV (hướng dẫn viên), ở phút cuối, có thể vì đói bụng anh ta đã đem cả phái đoàn vô tiệm phở, mà từ sáng đến chiều tiệm đó chỉ bán được vài tô cho nên đây đúng là dịp để chủ quán dọn sạch bếp! Nhận định như vậy vì ở Melbourne có nhiều tiệm phở nổi tiếng, ngon và luôn đông khách. (Các bạn ở Melbourne biết rất rõ)

          Điểm kế tiếp bàn về nước mía siêu sạch: Mấy chục năm trước, ở Úc không có vụ ép nước mía để uống trực tiếp cho nên khi xe nước mía kiểu VN xuất hiện ở Melbourne, tự nhiên được đồng hương chiếu cố cho dù mua xong không dám uống vì mùa hè cũng là mùa ruồi bu khá đông. Những năm sau tình trạng vệ sinh ngày càng khá và uống nước mía ép cũng đã hấp dẫn qua các cộng đồng sắc tộc khác. Người ta bắt đầu để ý đến % nước đá và nước mía trong ly!

          Như vậy nước mía cũng có quá trình phát triển tại Úc. Những năm gần đây đa số các dịch vụ buôn bán nhỏ tại các trung tâm người Việt đều được đổi chủ mới. Những người chủ nầy phần lớn mới qua và đi từ miền Bắc. Họ đem qua rất nhiều thứ đã thịnh hành ở VN. Trong đó có cái bảng "nước mía siêu sạch" made in Vietnam. Vì thấy nó đẹp nên được đem qua và treo lên. Có thể nó không phải là công nghệ nước mía siêu sạch được copy từ VN qua.

          Đến tấm hình " Gia đình anh Tây", có lẽ đã làm cho bạn đọc thấy hơi ngộ ngộ! Nhiều bạn nhận xét tấm hình giống như Từ Thức ôm máy hình lạc vào động tiên, vì mê tiên cảnh nên đi lộn vô vườn sau nhà người ta để chụp hinh mà không hay!

          Nhìn chung toàn bài bạn Khai đã tạo cho nó một giá tri " thấy sao nói vậy " rất trung thực và khá hiếm hoi cho lần đầu du lịch ở Úc. Hiếm hoi vì nhiều người sợ sai sót mà không viết. Thực tế những sai sót (nếu có) cũng chính là giá trị của những suy tư ban đầu vì nếu ý tưởng có sẳn trên internet thì có lẽ nội dung sẽ không còn hấp dẫn như vậy nữa. Rất mong bạn KLM sẽ tiếp tục viết trên tinh thần này.

          Mặt khác, zăn sĩ nhiệt tình trên Webnhà không có nhiều cho nên bạn nào thích đọc những sáng tác thuộc loại hiếm quý "cây nhà lá vườn ", tạo đặc thù cho diễn đàn SPKTTĐ thì có lẽ cũng nên có hài hàng gợi niềm cảm hứng cho nhiệt tình zăn sĩ của bạn bè !

          Thân ái chúc bạn KLM và các bạn đọc vui khỏe .

          NTT

          Comment


          • #6
            Ủa ? anhKhai tả cái gì mà Anh Hùng khóc vậy ? KD đọc hoài mà chưa thấy lý do anh Hùng khóc nhè.

            Thân aí

            KimDung

            Comment


            • #7
              Anh chị và các bạn thân mến,

              Rất cám ơn lời động viên chân thành và cảm động của anh chị và các bạn khi post lên phần 1 của bài này. Nhất là comment của anh Hùng, chắc có lẽ anh Hùng mừng muốn khóc vì may quá, chưa book tour thì đã đọc bài này, còn thời gian để cân nhắc lại xem có nên đi hay không...(Đùa tí nhe anh Hùng).:cuoilan:

              Hôm nay tôi lại xin post tiếp phần 2, bao gồm những sinh hoạt trong ngày thứ 2 của chuyến đi (thủ thuật này gọi là câu khán giả, câu like, hihi..).

              Mong các anh chị và các bạn sẽ tiếp tục có thêm vài nhận xét để rút kinh nghiệm sửa chữa trong các tập câu like tiếp theo. :thank3:



              NGÀY KẾ TIẾP, VẪN CÒN Ở MELBOURNE

              Buổi sáng trên xứ lạ quê người sao mà yên tĩnh, đứng trước cửa hotel vừa hút thuốc vừa run, nhìn dòng khách bộ hành tấp nập qua lại trong tĩnh lặng, chỉ vang vọng tiếng gót giày lốp cốp, thiếu hẳn sự ồn ào náo nhiệt, tự dưng nhớ VN lạ kỳ. Cầu được ước thấy, vừa quay vào trong khách sạn đã nghe tiếng léo nhéo ì xèo của các thành viên trong đoàn đang lục tục kéo ra lobby…Phải chi ước tiền mà được như vậy nhỉ…“Sáng nay, chúng ta sẽ tham quan đảo Phillip, có ghé qua khu bảo tồn thiên nhiên Dandenong, quý khách chuẩn bị tiền bạc đầy đủ để đi máy bay trực thăng” Lời tuyên bố chắc nịch của HDV làm tôi giật mình sờ lại túi tiền lẻ, lẩm nhẩm tính toán xem có chi quá hạn mức “Vợ Yêu” đã quy định hay không. May quá, chưa mua gì nên còn nguyên.

              Rời bữa ăn sáng, xe đưa mọi người xa dần thành phố, HDV thao thao bất tuyệt: Nơi đây là sân bay, chỗ kia là sân vận động ANZ đã mua quyền đặt tên, chốn nọ là…., Nhân dịp chú em ngừng lời uống chút nước cho thông cổ, tôi tranh thủ chụp toàn cảnh cả đoàn, để sau về còn chứng cớ xác thực chứng minh là không có em “chân dài” nào ngồi chung với mình, kinh nghiệm xương máu khi đi du lịch mồ côi là như vậy, giải quyết được cỡ chục câu hỏi lắc léo của người ở hậu phương đấy. Xe đã đi vào vùng cao nguyên, cảnh quan chung quanh không khác gì Đà Lạt mộng mơ, cũng đèo, cũng dốc ngoằn ngoèo, cây rừng dầy đặc hai bên đường, nhưng thỉnh thoảng lại có các khu dân cư trù phú, xe hơi đậu dài dài, đường thì tráng nhựa êm ái, làm tôi thương cảm cho các khu kinh tế mới ngày xưa, và cả đến ngày nay cũng còn…ôi, biết bao giờ VN mới xây dựng được như thế này.

              Đến nơi rồi!!! Blablablaa… Không phải đến đảo Phillip mà vẫn còn trong khu Dandenong, tại ga xe lửa trên đỉnh núi cao. Cảnh thiên nhiên không hoang vắng nhưng rất thanh tịnh, tiếng chim hót thánh thót trong khu rừng cổ thụ, lác đác vài ngôi nhà chìm trong tĩnh mịch. Quả là khung cảnh tuyệt vời cho dân nhậu thứ thiệt, kèm thêm cây súng săn thì hết ý. Huuuuu…, Tarzan.. a không, tiếng còi xe lửa làm cắt ngang giấc mộng kê vàng, một đầu máy xe lửa xưa từ thời Bảo Đại, kéo theo vài toa khách, chạy xình xịch rồi thắng két trước mặt, phun khói mù mịt như ông già hút thuốc lào.



              Xe lửa hơi nước tại Dandenong



              Các tình nguyện viên


              Đây là chuyến xe lửa chạy bằng hơi nước cho du khách tham quan quang cảnh khu bảo tồn, cũng có ga này ga nọ, cũng có lúc băng qua đường nhựa, nhưng bên trong mỗi toa chỉ có 2 hàng ghế gỗ ngồi đâu lưng nhau, có lẽ do hành trình không dài. Đặc biệt, các nhân viên phục vụ ăn mặc như thời thế kỷ trước, đều là tình nguyện viên làm không công, đa số thuộc hàng U60-70, nhưng cũng có một số thanh niên, rất nhiệt tình và vui vẻ, thân thiên tiếp chuyện, chụp ảnh với khách tham quan. Lại thấy người mà nghĩ đến ta, tôi sực nhớ đến một chương trình TV Discovery mới đây, giới thiệu chuyến đi VN của vài chuyên viên quốc tế muốn tìm hiểu về rắn để nghiên cứu huyết thanh trị rắn cắn. Chương trình sẽ không có gì đáng kể nếu không có các sư kiện sau, xảy ra tại Hà Nội:

              - Khi mới đến VN, tình cờ biết được tại Hà nội có 1 thanh niên 20 tuổi bị rắn độc cắn, bệnh viện không có thuốc trị, chỉ cần quá 24hrs nữa thôi, sẽ phải lo hậu sự. Nhóm chuyên viên trực tiếp đến bệnh viện để xem xét, phone ngay về trụ sở ở Thái Lan, xin 1 liều huyết thanh đúng loại, chuyển khẩn cấp bằng máy bay đến VN và kịp thời cứu sống anh thanh niên. Nếu chỉ trông cậy vào bệnh viện, có lẽ bây giờ anh thanh niên này đã yên ổn dưới suối vàng.

              - Sau nghĩa cử đó, các chuyên viên kết hợp với chuyên gia Viện Khoa Học & Công nghệ Hà nội về vùng ngoại ô, đi theo 1 ông già chuyên bắt rắn kiếm sống. Mất cả ngày trời lùng sục, ông già bắt được một con rắn độc. Kết quả không có hậu khi ông già nhất quyết mang con rắn về bán cho khách mua, từ chối không cho đoàn chuyên viên được lấy mẫu nọc độc, dù chỉ là vài microgram trong tích tắc (Có lẽ vì không thấy tiền típ).

              - Trở lại một làng quê ngoại ô Hà nội, nổi tiếng là nhà nào cũng có rắn, họ lại tìm được một con rắn chúa, đang tạm trú trong một ngôi nhà. Xin phép được bắt con rắn chúa 5 phút để lấy mẫu ADN & nọc độc, chủ nhà ra giá 250USD. Các anh Tây tiu nghỉu đi về trong thất vọng.

              - Màn cuối của comedy cũng là màn cao trào, khi anh Giám đốc sở Ngoại Vụ Hà Nội phát biểu lúc đoàn xin phép vào rừng tìm rắn: Các anh đến đây ko có xin phép chúng tôi trước, nên chúng tôi ko cấp phép cho các anh đi lung tung và các anh cũng ko được chụp ảnh trong rừng.

              Than ôi! cái VN ngàn năm văn hiến cho đến bi giờ được phát lên cho toàn thế giới xem những cung cách vị kỷ, quan liêu như vậy, những hành vi hoàn toàn đối nghịch với cách ứng xử đầy nhiệt huyết và nhân bản của đoàn chuyên viên, người ta sẽ nhìn người VN bằng con mắt như thế nào nhỉ???

              Lại nói về chuyện đi chơi, đoàn ta tiếp tục lên đường đến Warrook Cattle Farm, một nông trại theo phong cách truyền thống của người Úc. Bữa trưa đang chờ với miếng bít tết dày cui nhưng hơi nhỏ, may nhờ có bánh mì nhiều nhiều… nên cũng đầy bao tử, thêm chút rượu vang cho ấm lòng người trong cái lạnh giữa đồng vắng gió lùa. Chủ nông trại mời cả đoàn lên xe tham quan trên chiếc xe thùng cải tiến, có 2 băng ghế gỗ cặp 2 bên hông, dù kích thước có nhỏ gọn nhưng cũng đủ nhắc tôi nhớ lại chiếc xe container của DHSPKT đưa rước SV ngày nào, bây giờ còn quê độ vì những lúc không có tiền mua vé.

              Xe ta bon bon trên dặm đường dài…í ii… trong vài phút đã đến nơi, mời quý khách vào cho cừu uống sữa và vắt sữa bò. Chú cừu non, có lẽ đã quen với các gương mặt ngây ngô của khách du lịch, rống lên Be Be, bốn chân nhảy cẫng, chạy loạn vòng vòng, hình như nó đang hát bài “Giờ ăn đến rồi…”. Bình sữa có núm vú được khách đưa vào, trong phút chốc, chàng ta đã giải quyết gọn 2 bình loại 2 lít, xem ra cũng có hạng trong làng ẩm thực. Vì không dám sờ vú bò sợ bị cú đá hậu, tôi lang thang ra đồng cỏ, ở đây ngoài cừu còn có sự hiện diện của 1 loài thú lạ chưa từng thấy bao giờ, giống cừu nhưng cái cổ dài ngoằng như hươu, cũng được nuôi để lấy lông, nghe nói giá trị cao hơn lông cừu. Thật ra, cũng đã hỏi tên, nhưng vì tiếng Anh hơi xa lạ, lại quên ghi chép nên giờ đã đi vào quên lãng, chỉ mong các bạn ở Úc xem ảnh mà nhắc lại dùm.



              Warrook Cattle Farm



              Phương tiện tham quan



              Giờ ăn đến rồi …tè té te…



              Con thú bị quên??


              Sau vài phút nhìn ngắm, xe tiếp tục đưa khách đi tiếp đến “tiệm hớt tóc” trong nông trại. Tại đây, anh lái xe sẽ biểu diễn cho các bạn xem một màn múa roi đánh ngựa sao cho kêu lép bép, và hướng dẫn khách làm thử cho vui. Cái roi được chuyển cho ông bạn đồng hành người Hoa, cũng vận công lấy sức, cũng lắc cổ tay đúng kỹ thuật, rồi vung roi rất khí thế, trong sự chờ đợi đến nín thở của khán giả, không thấy cái gì là lép bép mà chỉ nghe 1 tiếng “Xì..Bộp” phát ra từ cửa hậu, khiến mọi người được một phen cười chảy nước mắt. Vào bên trong một gian nhà có bầy cừu chục con đang được nhốt trong khu chờ đợi, anh lái xe trở thành thợ hớt tóc, lôi ra giới thiệu từng dụng cụ to đùng, rồi chọn 1 chú cừu tóc dài nhất, cắt cho các bạn xem cả 1 bộ lông cừu. Quả thật chuyện này nhìn thấy hơi tàn nhẫn, nhất là nhìn con cừu trụi lũi sau khi cạo lông, vừa khôi hài vừa thương cảm, không biết nó sẽ làm sao khi trời lạnh giá. Các bạn nếu có mặc áo lông cừu nhớ phải thương cho những con cừu đã “nhường lông sẻ da” cho đấy…





              “Hớt tóc” cho cừu

              Ghé 1 chút qua cửa hàng chocolate trên đảo, nhấm nháp ly sô cô la nóng, mặt cũng nóng theo khi trả tiền. Chỉ 1 chút thôi đã vội chia tay, để HDV dẫn đến một bờ sông khá đẹp, có cây cầu rất dài bắc ngang, tưởng chừng dài gấp đôi cây cầu Cần Thơ, dưới chân cầu là một bến sông với hàng hàng lớp lớp tàu thuyền dậu dọc ngang chằng chịt, bờ sông thoai thoải dốc, cỏ mọc thành thảm xanh rì, hàng đàn chim Hải âu đi bộ lững chững tìm mồi. Đẹp thế mà chẳng ai cho biết tên gì, chỉ biết nó gần nhà hàng đã book trước, có lẽ đến nơi đây là sáng kiến mới của HDV để lấp trống thời gian dư dả. Đang loay hoay ngắm trời mây, đưa máy ảnh chụp vài cảnh mình cho là đẹp, bỗng nhìn thấy tư thế ngồi trên bãi cỏ của một cô trong đoàn, sực nhớ đến Kiều trong câu thơ: ''Sè sè nắm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh..”, tự dưng ngần ngại buông máy, sợ người ta hiểu lầm mình. Trong khi chờ buổi cơm chiều, thành viên trong đoàn tay trong tay đi chụp ảnh với hải âu, hoặc tranh thủ shopping tại cửa hàng địa phương, thế mới thấy dân du lịch giàu thật, lúc nào cũng sẵn sàng mua sắm.



              Cửa hàng Chocolate



              Chiếc cầu và Hải âu


              Rồi cũng đến lúc ăn, bữa cơm chiều trong nhà hàng Tàu đúng kiểu, từ kiến trúc có minh đường che chắn, đến mái ngói cong màu xanh thẫm trên nền tường đỏ cam, xem ra xây dựng cũng nhiều công của. Cả đoàn ngồi ăn chung bàn tròn, đĩa thức ăn đầu tiên mang ra với ½ con tôm càng bé bé xinh xinh cho mỗi người, cái đĩa chứa tôm hình như xuất xứ tại Chợ Lớn. Anh bạn người Hoa ngồi không yên chỗ, cứ xoay qua xoay lại, tay thì thò thò thọc thọc tìm trong túi áo khoác, chừng như ham chơi quá nên rớt mất cái gì rồi đây. Bỗng Ah một tiếng, anh cúi xuống rút từ túi hông của chiếc quần dài, lấy ra 1 chai vodka cũng thuộc hàng em bé. Ra là vậy, trong bữa ăn phải có chút men cho nồng hương vị, anh cười cười nói, mời mọi người cùng thưởng thức đặc sản xứ tuyết chẳng biết mua ở đâu.



              Nhà hàng tại đảo Phillip



              Phần tôm càng cho 1 người


              Cuối cùng, khi mặt trời sắp ngã về Tây, chúng ta cùng đi xem chim nhé. HDV đưa đoàn đến một khu vực gần bãi biển, một khu du lịch với đặc sản là món chim cánh cụt (không phải ăn nhé, chỉ xem thôi). Mọi người sẽ đi ra bãi biển xem chim cánh cụt trở về sau cả ngày vung vẫy nơi vùng sông nước. Một chiếc cầu đi bộ dạng như cầu cảng thả dốc dài từ đất liền ra đến bãi biển, đủ sức cho hàng trăm người đứng dọc 2 bên thành cầu để tiếp đón đoàn chim cánh cụt hồi hương. Cái này cũng hên xui, HDV nói, nếu chim về sớm thì mình về sớm, còn nếu chim ham vui ở lại về trễ thì mình cũng trễ theo, quý khách thông cảm cho chim…

              Lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt con chim cánh cụt, quả là rất hấp dẫn, dù trời rét buốt, chiếc áo khoác ngoài đã đẫm sương nhưng không thấy ai than thở. Mọi người trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi, lòng thắc thỏm van vái: Chim ơi ta bảo chim này, chim về cho sớm vui vầy với ta…Vậy mà cũng phải qua 1 lần ghé thăm toilet, rồi thêm khoảng 30 phút hứng gió dầm sương, cảm giác là da mặt mình dày nên nhéo không còn biết đau, thì mới thấy bọn chúng xuất hiện. Cảm tưởng đầu tiên hơi sốc, vì nhìn trong TV tưởng rằng Penguin thì to lắm, dè đâu ở đây chúng nó chỉ cao độ khoảng 30-40cm. Vậy mà cũng bày đặt làm ra vẻ, tướng đi thì khệ nệ, mặt thì ngó nghiêng ngó ngửa, làm như ra trận đánh đấm nên phải có con đi trinh sát, mắt lấm la lấm lét nhìn, lâu lâu còn dừng lại trốn vào bụi rậm, thấy êm rồi thì mới kêu vài tiếng để được ghi công, lúc đó bầy chim mới từ từ đi vào. Chim cánh cụt về tổ đi theo từng bầy khoảng 20-30 con, đôi khi cũng chỉ có vài con lẻ, định theo dõi xem chúng nó làm tổ ở đâu nhưng trời quá tối, lại không được sử dụng ánh sáng, nên cuối cùng phải bỏ cuộc trong chua xót, và cũng vì thế nên không có tấm ảnh nào làm vốn tán phét với bạn bè. Hình như sự chịu đựng lâu hơn giới hạn cho phép, nên sau khi vài bầy chim đã đi qua, hàng trăm người lũ lượt đi vào toilet, cũng may khu du lịch chắc quá rõ cái cảnh “gió lạnh về khuya tưng tức bụng..” nên bố trí số lượng restroom dồi dào, đủ đáp ứng nỗi buồn của khách viễn du.

              Comment


              • #8
                Cám ơn anh Khai viết tiếp P2 chuyến du lịch kể nhiều chuyên lý thú, dí dõm như thuở nào, thật tuyệt vời!

                Con thú bị quên của anh Khai có tên là Llama hay tên tiếng Việt còn gọi Lạc đà không bướu (tên khoa học Lama glama) là một loài động vật thuộc họ Camelidae ở Nam Mỹ. Cái tên gốc llama (trước đây là "lama" hoặc "glama") là do những người khai phá châu Âu đặt theo cách gọi của người Peru bản xứ...

                Khi nói về xứ Úc cắt lông cừu, làm Thu nhớ đến bộ phim The Thorn Birds, anh chàng Luke trong cảnh cắt lông Cừu... thấy mà thương, tội nghiệp những con vật hiền lành này.

                Comment


                • #9
                  Các bạn mến.

                  Farm KD thì không có nuôi con gì hết, nhưng ở những farm quanh nhà KD người ta nuôi ngựa, bò, trừu. Farm nào có nuôi trừu thì kD thấy họ nuôi cả con nhổ bọt (llama) này nữa, KD hỏi thì ông Úc nói: Tại trừu nó đẻ lung tung, hay bị chồn ăn mất trừu con. Con nhổ bọt này khi gặp chồn, nó không thích mùi con chồn nên phun nước miếng tứ tung, con chồn sợ mùi nước miếng llama nên bỏ chạy xa đàn trừu . Chiều đến chủ farm gọi trừu về chuồng, khám phá ra trừu mẹ đã đẻ rồi thì họ đi lượm trừu con về nuôi. Mục đích họ nuôi chung với trừu là để nó đuổi chồn, chủ farm không bị mất trừu mới đẻ. Khi mình tới gần llama không thích nó cũng phun nước miếng.

                  Hy vọng 10 năm nữa nếu anh Khai qua Úc chắc sẽ được đi lượm trứng vịt, lượm hạt dẻ ở farm KD bây giờ KD bắt đầu trồng cây ha..ha..

                  Thân ái

                  KimDung

                  Comment


                  • #10
                    :shocked2: Đúng rồi đó KD! 10 năm nữa thì cái lưng mình nó sẽ "còng" 1 cách tự nhiên. Lúc đó thì mình tha hồ mà đi lượm hột: hột vịt lẫn hột dẻ mà không cần phải cúi xuống chi cho mệt...hén các bạn?!:cuoilan:

                    Comment


                    • #11
                      Anh Khai đang làm bài tập làm văn để nộp ... cô giáo mà sao Dung nói cho Anh Khai lụm ... hột zịt zậy ? Kỳ wá nghen . Nói tới hạt dẻ thì do nhà P gần rừng , nên mùa đông , tụi P cũng thích vào rừng dành lụm hạt dẻ với mấy con chim két , vì mấy con két thích mổ hạt dẻ lắm các bạn ạ , còn P vừa lụm vừa mắc cười vừa nghĩ mình đang dành ăn zới chúng , nên Dung trồng cây mà mười năm nữa mới lụm được hạt thì không biết lúc đó người zới két , ai lụm được nhiều hơn ? :cuoilan:

                      Anh Khai tả chim cánh cụt nghe mà tức cười quá , thông thường chim cánh cụt không biết nhìn đồng hồ cho nên muốn về nhà chúng chỉ biết nhìn ... trời mà thôi , cho nên hôm nào trời đẹp chúng để cho các quan chờ ... mệt xỉu luôn , cho nên đi xem chim cánh cụt đúng là cảnh đi sớm ... về khuya , nếu Anh nán thêm một chút để xem chúng về nhà như thế nào mới thấy cánh cụt tuy nhỏ mà lịch sự lắm , chúng làm nhà trong những ụ đất , mỗi cái nhà là một cái hốc nho nhỏ chứa được một con , con nào nhà nấy nếu vô lầm thì tự động chạy ra tìm lại , con nào về nhà mà thấy nhà mình sao tự nhiên có kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp ! thì cũng đứng trước cửa mà ngó rồi chờ kẻ kia đi ra , vừa đi vừa nói chíp chíp như Sorry chủ nhà , chứ không hề có uýnh lộn đâu nha . Từ lúc lên bờ cho tới lúc tìm nhà diễn ra khoảng một giờ rất ư là trật tự , sau đó là chúng im lặng nghỉ dưởng sức sau một ngày miệt mài lặn hụp ở dưới nước mặc kệ cho thiên hạ lao xao ở bên ngoài . Chim cánh cụt ăn tôm cá nhỏ , có lần P đi thăm chim cánh cụt lúc ra xe thấy có một con đi lạc núp ở dưới bánh xe , bạn P thấy nó dễ thương quá bèn bắt về nuôi chơi , nhưng có lẽ xa bầy nên nó không chịu ăn , tụi P thấy tội quá nên một ngày sau phải trả nó về với đảo .

                      Còn con cừu người ta cắt tóc cho nó để cho nó ... mát mẻ đấy các bạn ạ , cũng như mình mặc áo nhiều thì nực nội , zới lại lông cừu mau ra lắm , như mình mọc tóc vậy đó .

                      Cám ơn Anh Khai không ngại ngăn sông cách trở mà vẫn tiếp tục thổi tới những làn gió mát cho bạn bè . Chắc các bạn cũng thấy Anh Khai viết càng lúc càng hấp dẫn hén ? :thumbs:

                      PL


                      Comment


                      • #12
                        Anh Khai kể chuyện du lịch với hình ảnh, cảm nghĩ ví von rất có duyên làm cho người đọc vưà được du lịch ké, vưà vui theo từng câu chuyện cuả anh, xả được bao nhiêu là 'stress', đã thiệt!!! Nhờ bài viết chính có nhiều chi tiết về đời sống quanh ta, gợi cho bạn đọc hình ảnh, câu chuyện tương tự cuả mình nên nhiều comment cuả bạn đọc cũng hay và thật như bài viết.

                        Bài ký sự và hình ảnh tuyệt lắm, như chị PL nhận xét 'càng viết càng hấp dẫn'. Cám ơn anh Khai.

                        Thân mến,

                        Trúc

                        Comment


                        • #13
                          Chào các bạn,

                          Trước khi post tiếp bài trong tập Ký ức du lịch Úc, xin gởi lời cám ơn đến Yến Thu và Lê Phương đã giải thích bổ sung cho những thiếu sót, nhất là comment về phần chim cánh cụt, có thể thay cho đoạn kết của bài viết, giúp độc giả hiểu rõ hơn.

                          Hôm nay xin gởi tiếp phần viết về ngày thứ 3, để thay đổi không khí, bài này sẽ được ghi như 1 phóng sự hình ảnh. Cũng vì lý do đó mà có quá nhiều ảnh, để không vượt quá giới hạn quy định, nội dung của bài chỉ mới nói về buổi sáng. Còn buổi chiều, xin hẹn bài kế tiếp.

                          KHAI:thank3:

                          NGÀY CUỐI Ở MELBOURNE

                          Hôm nay có lẽ là ngày hấp dẫn nhất ở Melbourne, khi HDV đưa mọi người đi đào mỏ. Nói ngắn gọn vậy chắc có người nghĩ đến chuyện lừa tình để moi tiền. Xin thanh minh với bàng quan thiên hạ rằng đây là đi đào mỏ vàng, hay chính xác hơn là đi tìm hiểu về cách khai thác vàng, đồng thời tìm chút vận may nếu lỡ có đãi được cục vàng nào thì được sở hữu luôn, không ai cấm. Không khí đã ồn ào ngay từ lúc xe khởi hành, sau 2 ngày cùng đi chung, cả đoàn hầu hết đã quen biết nên trò chuyện râm ran. Từ đầu đến cuối xe vang vang tiếng bàn tán xôn xao về cách đào vàng như thế nào, rồi làm sao đãi vàng, rồi lở cục vàng to quá thì làm cách nào để mang về….Ngồi hóng chuyện mà thấy đúng là du khách, chuyện gì cũng có thể tưởng tượng ra được, híc…Dù sao đi nữa, nhờ vậy mà đường đi như ngắn bớt lại, chuyện chưa xong thì xe đã đến điểm dừng.

                          Để đào được vàng, trước hết, phải biết Vàng là gì, do đó điểm dừng đầu tiên của đoàn đào vàng là một bảo tàng về Vàng (Gold Museum), khá vắng lặng vì ít khách tham quan. Bảo tàng là một tòa nhà lớn, nằm riêng lẻ trên sườn đồi, tiếp đón mọi người từ bên ngoài là bức tượng một vị Thống đốc bang (theo lời HDV), ngồi cô đơn phơi nắng sương, làm sực nhớ lại bức tượng “Chiến sĩ vô danh” ở đường vào Nghĩa trang Quân đội trước đây, hàng ngày đạp xe đi học nhìn thấy anh sao cô đơn quá… Chào xã giao ông Thống đốc bằng vài tấm hình lưu niệm, đoàn ta hăm hở vào trong bảo tàng. Quý bà xung phong đi trước, vừa lên hết mấy bậc thang, vào được cửa bảo tàng đã ồ lên thích thú, và hăm hở đi ngay đến …quầy bán nữ trang tọa lạc ngay mặt tiền. Chú em HDV vội vã lùa từng người như lùa… trừu, với lời hứa hẹn sẽ dành thời gian quay lại quầy sau khi đã xem xong bên trong bảo tàng.

                          Đây là một bảo tàng lịch sử, giới thiệu về quá khứ của khu mỏ vàng ở miếng đất đối diện, có rất nhiều hiện vật gợi nhớ thời kỳ tìm vàng ngày xưa tại vùng đất này, nên xem hình sướng hơn đọc chữ, các bạn theo dõi các hình ảnh kế tiếp sẽ hình dung được nội dung trưng bày của bảo tàng.


                          H1: Một phần của xe ngựa ngày xưa còn lại, nhìn bánh xe thấy giống bánh xe bò của VN, nhưng niềng sắt kiềng ở bên ngoài dày hơn nhiều và hình dáng thô hơn, chắc vì làm gấp để đi đào vàng sớm. Có cả một cây súng, có lẽ phải đem theo súng để chống bọn cướp vàng.


                          H2: Hiện vật một số vàng đào được từ mỏ, được giữ trong tủ kính đàng hoàng nhưng chỉ là vật thế thân (tục gọi là đồ giả). Ai đào được 1 cục như vậy chắc suốt đời không cần đi làm cho cực thân.




                          H3: Trang bị và đồ nghề của phu đào vàng, tượng này là rất sống động và bằng kích thước người thật, mới nhìn tưởng như trở về quá khứ. Cả người và vật, thêm con chó, đều đen thui, có lẽ tác giả muốn tăng sự đồng cảm cho cảnh khổ của anh phu lúc chưa lấy được cục vàng to như ảnh trước.


                          H4: Dụng cụ thứ thiệt để đãi vàng, bao gồm cuốc để đập đá lẫn vàng, xẻng để xúc đá vụn vào thau đãi, và chậu chứa vàng,phía sau là bức tranh diễn tả cảnh đãi vàng. Nhân vật trong tranh sáng sủa hơn anh phu đào vàng, có nghĩa là công việc này sướng hơn, nếu thấy cục vàng khá khá có thể diếm được.




                          H5: Hiện vật về thiết bị sàng đá để lọc lấy đá vụn, cả HDV cũng ko biết nó sẽ nằm trong công đoạn nào của quá trình đào vàng (vì trong bảo tàng không có người hướng dẫn & giới thiệu)


                          H6: Dụng cụ vận chuyển từ dưới hầm sâu lên mặt đất, có thể thấy một trục quay nối với thùng chứa, vận hành bằng 2 tay quay 2 bên, rồi chuyển qua băng chuyền để đưa lên cao vào máy nghiền đá. Cái này làm nhớ lại các giếng nước hồi xưa ở nhà quê, cũng dùng trục quay như thế này, nhưng chỉ có 1 tay quay. Khoảng 60-70 năm trước, ở quê dùng cần vọt để kéo nước giếng, dần dần được thay thế bằng loại trục quay, chắc lúc đó mới nhập cảng công nghệ này về.


                          H7: Một máy khoan đá sử dụng trong hầm vàng, dùng sức người, có cột giử cố định máy và tay quay phía sau vì chưa có hệ thống điện xuống hầm (Sic..). Chiếc máy khoan này chứng tỏ nghề đào vàng rất cực nhọc và nguy hiểm, nhưng chỉ vì có chữ Vàng mà hấp dẫn nhiều người.


                          H8: Cái lồng sắt ở trong hình là cái thang nâng ngày xưa, dùng để đưa người & dụng cụ lên xuống hầm mỏ, giống như thang máy ngày nay nhưng thô sơ hơn, người đứng ở thang nâng phải gõ beng beng báo động cho biết để người ở trên mặt đất kéo lên xuống. Coi xưa vậy chứ cũng có thắng, có dây belt an toàn đàng hoàng. Hiện nay một số nhà hàng ở VN đang áp dụng công nghệ này để chuyển thức ăn & chén dĩa dơ lên xuống giữa các lầu và nhà bếp.




                          H9: Ah đây rồi, đây là một miếng vàng thiệt, lấy được trong mỏ vàng Ballarat mà mọi người sẽ đến tham quan.


                          H10: Đây cũng là một miếng vàng thiệt, còn lẫn trong đất đá chưa được sàng ra nên thấy rất to, đừng tưởng bở nhé.


                          H11: Ra khỏi bảo tàng mới nhớ chưa chụp ảnh để có bằng chứng về trình diện. Chỉ là một bảo tàng nói về Vàng nhưng kiến trúc rất đẹp trên một sườn dốc thoai thoải, cảnh quan tuyệt vời.

                          Trước khi rời Bảo tàng, HDV không quên lời hứa, để cho mọi người săm soi các mặt hàng bằng vàng tại quầy bán hàng lưu niệm.

                          Khi ra đi, một vài chị em ta cảm thấy bước chân nặng nề hơn vì trọng lượng tăng thêm bởi các món nữ trang, còn các ông chồng thì cũng đi xiêu vẹo vì tâm trạng não nề, khi mà đã gởi lại cho quầy vài trăm đô, bụng thì bảo với dạ rằng:”Cũng may là đô Úc rẻ hơn đô Mỹ, tính ra thiệt hại vẫn ít hơn ở Mỹ!!!”


                          Comment


                          • #14
                            Các bạn mến , Ballarat là một thành phố ở phía bắc Mel , rất nổi tiếng vì ngày xưa ở đây có mỏ vàng được khai thác cách đây hơn trăm năm về trước , nhưng bây giờ thành phố này trở thành một trung tâm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến từ trong nước và ngoài nước , ai mà qua Mel du lịch đều muốn tới đây vì họ đến vừa để thăm viếng và cũng vừa thử đãi cát bên giòng suối như những người tìm vàng ngày xưa để xem mình có may mắn lụm được miếng vàng nào như Anh Khai nói không ? Sự thật là vẫn có một số người may mắn lụm được đó nha các bạn , và nếu các bạn đãi được bất cứ một miếng vàng dù to nhỏ cở nào , các bạn cứ yên tâm coi như nó là của Trời cho và ung dung mang về mà không lo bị ...đóng thuế đâu nhé



                            (Corner of Lydiard st and Mair st , Ballarat city . Dec 2013 )


                            Với một số hình ảnh Anh Khai chia xẻ với các bạn ở trên , P thấy rằng Anh đã sưu tầm khá đầy đủ về phương pháp đào vàng ngày xưa , từ đó , các bạn cũng có thể tưởng tượng được đời sống của những người đào vàng hồi đó cực khổ quá phải không các bạn , không như ngày nay , những người làm về hầm mỏ có quyền lợi rất cao và được bảo vệ an toàn tối đa . Cách đây khoảng 10 năm , có hai nhân viên hầm mỏ sau khi được cứu vì hầm sập thì đời sống của họ như qua một kiếp khác , huy hoàng hơn và còn được vinh danh là anh hùng ... hầm mỏ nữa . Thấy người mà nghĩ tới những người đào vàng bên ta , vừa không an toàn và không an ninh , thật tội nghiệp , đúng là vì vàng mà quên ...mình .

                            Không biết nửa ngày còn lại ở Mel Anh Khai có đi đãi cát tìm vàng không ? Nếu có , chúc Anh Khai may mắn lụm được vài miếng vàng mang về để làm bằng chứng trình làng nghen

                            Good luck

                            PL


                            Comment


                            • #15
                              Bài viết về chuyện đào vàng ngày xưa bên Úc làm T nhớ đến cuốn phim "Into the West' do Steven Spielberg đạo diễn với lực lượng diễn viên hùng hậu. Phim nói về thời kỳ khai phá về phiá Tây cuả Mỹ, dưạ trên nhiều sự kiện và một số nhân vật có thật trong lịch sử cuả Mỹ quốc vào thế kỷ 19. Phim khá dài - tới năm sáu tập, trong đó có một đoạn nói về thời tìm vàng ở Cali thưở đó. Người đi đào vàng sống cơ cực lắm vì bản thân họ vốn rất nghèo, chỉ mong gặp may để thay đổi vận mệnh, không đào được vàng thì tiền đâu mà sống, còn khi đào được vàng thì cũng lắm thảm hoạ đổ xuống đầu họ, và thường là bị giết để tranh nhau miếng vàng. Đó là chuyện thời xưa, còn bây giờ kỹ thuật khai thác quý kim đã cải tiến rất nhiều.

                              Nói vậy chứ thời nào thì phụ nữ cũng mê hột soàn, vàng bạc và các loại đá quý, chỉ khổ cho người đàn ông đi bên cạnh.

                              Thân mến,

                              Trúc

                              Comment

                              Working...
                              X