Phần 1
ĐƯỜNG VỀ QUÊ
Đêm khuya ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ đợi ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ
Đêm đêm tưởng giải ngân hà
Mối sầu tình đẩu đã bao năm tròn
Đá mòn mà dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ !
KD cũng không khỏi cái cảnh này, cảnh người dân Việt hướng về quê cha đất tổ như tâm tình trong bài ca dao trên đây mà không biết KD đã thuộc nó tự bao giờ?
NHớ lại những bài sử địa được học từ thời trung học - Miền Trung núi non hiểm trở, dãy Hoành Sơn chạy thẳng ra biển chia miền Trung thành những đồng bằng nhỏ, đem đến cho miền trung nhiều thắng cảnh đẹp như đèo Hải Vân, núi Bạch Mã, bán đảo Sơn Trà, bãi biển toàn cát trắng Nha Trang.
Ở phía tây rặng Trường Sơn là vùng cao nguyên đất đỏ, được kết bởi đá bazan huyền vũ. Đồi núi lởm chởm, gồm khoảng 22% rừng của Việt Nam, gồm các tỉnh Ban Mê Thuột, Pleiku, KomTum, Phú Bổn, Quảng Đức, Lâm Đồng. Vùng cao nguyên rộng 51.800 km2, được người Pháp đặt tên LiangBiang và đỉnh LiangBiang chính là thành phố Đà-lạt. Người ta thường nói Đà Lạt là thành phố sương mù cảnh đẹp như mơ. Thuở còn nhỏ ở Đà Lạt KD chỉ thấy buổi sáng lạnh cóng, trời đầy sương, ra ngoài chỉ nhìn thấy thành phố và người ta lờ mờ lơ mơ.
Người dân cư ngụ ở Lâm Đồng đa phần là người sắc tộc Rhadé, Kaho, Banhar, Churu, Stiêng ... Sau hiệp định Geneve 1945, những người từ miền Bắc đi tìm tự do di cư vào quận BLao, lập thành những làng mạc mới mang tên nơi chôn nhau cắt rốn của họ như Tân Bùi là Bùi Chu mới, Tân Hoá là Thanh Hóa Mới, Tân Phát là Phát Diệm mới, Tân Hà là Hà Đông Hà Nội mới, phần đông là dân Thái Hà xứ của KD đó.
Đón xe đò miền Trung từ bến xe Lê Hồng Phong ngã bảy đi ngược lên hướng bắc ra xa lộ Biên Hòa, qua trường ĐHSPKT-TĐ, tới ngã ba Vũng Tàu, ngã ba Dầu Dây có hai hướng rẽ, một hướng đi về các tỉnh miền Trung, hướng kia vô quốc lộ 20 lên đỉnh LiangBiang. Ngồi trên xe đò Tân Phương, xe bon bon chạy qua rừng cao su trồng thẳng tắp. Màu xanh của cây cũng làm giảm bớt cái nóng nhiệt đới được phần nào, qua khỏi rừng cao su thì tới những tỉnh lỵ. Hai bên đường hàng quán, chợ búa, trường học được xây dựng sát lề đường. Người ta sống chen chúc làm tăng thêm cái nóng của xứ nhiệt đới nhất là vào mùa hè, hai bên đường những hàng Phượng Vĩ xoè ra nở hoa đỏ chót làm KD cảm thấy chói chang, đã nóng lại thêm nóng hơn. Trên xe người nào cũng lừ đừ ngặt ngoẹo, xe chỉ ồn ào nhốn nháo khi tới các trạm kiểm soát. Sài Gòn đến Bảo Lộc chỉ 190 cây số mà có tới 12 trạm kiểm soát. Qua trạm kiểm soát cuối cùng Madagoui hành khách cũng tạm nhẹ người, cái nóng bốc lửa còn đeo theo vài cây số nữa. Tới khu trại mồ côi SanTa Maria xe bắt đầu lên đèo, cái đèo đầu tiên là đèo chuối không cao lắm, đi trên đường đèo nhìn quanh hai bên thì chẳng thấy cây gì ngoài cây chuối. Những ngọn đồi nho nhỏ lên xuống nhấp nhô từ ngoài đường vào tít tận chân núi chỉ có chuối và chuối. Chuối ở đèo Bảo Lộc là chuối mọc hoang, những ngày kề Tết một số người dân Bảo Lộc thường xuống đèo cắt lá chuối bán cho lái buôn đem đi các tỉnh dùng gói bánh Chưng, bánh Tét, và giò, chả ... Xe càng lên đèo càng thấy không khí dễ chịu hơn làm người ta mơ mơ màng màng như bước vào động tiên. Lúc này dễ ngủ lắm vì suốt bao nhiêu giờ bị căng thẳng thần kinh và thể xác, phải vật lộn với 12 trạm kiểm soát trong cái nắng như thiêu của miền nhiệt đới. Cho tới khi có tiếng anh phụ xế goị: "Vườn cây Nam Nhi, trạm nghỉ cuối cùng. Mời bà con xuống nghỉ ngơi làm vệ sinh cho khỏe, đừng để lúc lên đèo mới đòi lái phụ tài xế" (chuyện kể là có một hôm xe đang leo đèo thì có một chú người Việt gốc Hoa ở Tùng Nghĩa đứng ra khỏi hàng ghế ngồi, xin bác tài cho 'lái': ''Bác tài ui làm ơn cho tui 'lái' ''. Bác tài nói xe đang leo đèo làm sao chú 'lái', ngồi vào chỗ đi. Hai chân chú người Hoa khép lại nhún nhún nhót nhót: ''Chời ui tui muốn 'lái' qúa zùi, bác tài làm ơn cho tui lái một chút thôi'' . Nói qua nói lại thế là trời hỡi trời, không mưa mà xe bị dột ướt cả một khoảng lớn trong xe. À thì ra chú ấy muốn 'lái' chứ không phải muốn lái xe).
Mọi người bừng tỉnh xuống xe, vươn vai bắt đầu được hít thở bầu không khí của núi rừng LiangBiang và bà con tha hồ mà lựa trái cây. Ở đây những quán hàng trái cây cũng tĩnh mịch, êm ả, cô bán hàng chỉ tươi cười ôn tồn cân hàng cho khách. Không có cảnh vội vã chụp giật, không có tiếng rao xô bồ ồn ào như ở những trạm dừng chân khác. Người ta mua bơ, chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ, trái cây tươi mới được hái trong vườn về Đà Lạt làm quà. KD chẳng mua gì hết vì đây là trái cây đặc sản của Bảo Lộc quê Dung. Đà Lạt cách thị xã Bảo Lộc 110 cây số nhưng là đỉnh LiangBiang nên khí hậu lạnh hơn người ta chỉ trồng được chuối La Ba, mận, đào, hồng, dâu. Sau 15 phút nghỉ ngơi mọi người lên xe.
Ngồi trên xe nhìn thấy tấm bảng 'Lâm Đồng chào mừng quí khách' tự nhiên trong lòng thấy bồn chồn làm sao ấy? Xe chạy qua huyện nhỏ Madagoui, rồi bắt đầu leo đèo, anh phụ xế cho nghe bản tình Châu Pha. Ôi cái đèo Bảo Lộc sao mà quanh co quá, một bên là vách núi, một bên là thung lũng sâu quá ngọn cây rừng. Khi chiếc xe rù rì bò lên đèo KD phải lôi thêm một cái áo để choàng vào người. Dựa đầu vào thành ghế, nhìn và cảm nhận những cỏ cây hoa lá đang tự do vươn mình tìm sự sống, ở nơi hoang dã này chúng không bị con người hất hủi dày xéo. Thường mùa nghỉ của học sinh là mùa mưa, khi tạnh mưa nước trên núi chảy xuống long lanh trên vách đá và trên đó có những bông hoa màu hồng tím nhỏ bằng đốt ngón tay nằm trên đầu cành tươi cười chờ làn gió nhẹ bay tới chui vào nách, vào cổ, chít cù chít cù chúng. Hoa như rụt cổ lắc qua lắc lại chạm vào nhau khúc khích cười, rồi lại ngơ ngơ đưa khuôn mặt hồn nhiên tươi tắn như đang chờ đợi những làn gió mới, không khác gì những em bé đang vui thú nô đùa trong vườn trẻ. Những bông hoa năm cánh tròn xoe đan vòng vào nhau thật đều đặn, KD không kịp nhìn thấy nhụy hoa vì xe chạy hợi nhanh khoảng cách cũng khá xa. Thật nhiều những chùm hoa được cưu mang trên những cành mỏng manh như cọng cỏ chui ra từ những vùng rêu xanh xậm, gần ngả sang màu nâu. Những bông hoa tím hồng nằm dài trên vách đá, nằm soải mình trên thảm màu xanh non, sáng như kim, đẹp như nhung. Cám ơn Thượng Đế đã vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ cho con người chiêm ngắm. Lúc này con người đã đến với nhau bằng bản chất rất thật, từ phía băng ghế sau KD thấy hai chị cự nự nhau về mấy ký gạo từ trạm kiểm soát thứ 3. Tới vườn cây Nam Nhi, một chị mua mít, chị kia mua sầu riêng, chôm chôm. Mùi thơm của hai loại trái cây này thật không hòa hợp với nhau, rồi hai chị lại mắng nhau vì gai của trái cây người này mua lại đâm vào chân người kia. Trời ơi KD nghĩ trong bụng da chân của hai bà lúc chạy hàng chui qua các trạm gác thì nó là da cá sấu, bây giờ an toàn trên xe thì da chân các chị lại hóa thành da 'con nhà giầu dẵm phải gai mồng tơi'. Từ lúc đó KD nghe hai chị ngồi bên nhau mà chỉ nói những lời hục hặc hoặc im lặng một cách nặng nề. Ở băng ghế trên, khi KD kêu lên: ''Đẹp qúa trời ơi đẹp quá'', một chị ở phía sau ngồi gần cửa cũng nói đẹp quá em nhỉ. Moị người trên xe lúc đó đều trầm trồ khen đẹp và nhìn về hướng vách đá. KD ngoái cổ lại băng sau nói với chị kia : ''Chị cúi sát gần cửa ngắm mới thấy đẹp''. KD đưa mắt nhìn chị nọ, chị nọ tránh người sát vào thành ghế để chị kia xà xuống kê tay và cằm trên cửa sổ. Lúc này thân hình hai chị sát vào nhau cùng ngắm bức tranh tuyệt diệu, thả hồn tận hưởng cái đẹp ở chung quanh mà Thượng Đế đã ban cho, hơi ấm từ lồng ngực của hai thân xác toả ra đã quyện vào nhau tạo ra một thứ tình yêu diệu kỳ. Xe chạy qua hết đoạn có vách đá moị người mới trở về vị trí cũ. Hai chị bẻ chôm chôm cho nhau ăn thử rồi họ tâm sự với nhau về gia cảnh. KD ngồi hàng ghế trên nghe lén biết hai chị ai cũng phải nuôi chồng trong trại cải tạo kèm theo một đàn con thơ dại, ai cũng đáng thương. Thật vậy 'con người ta sinh ra ai cũng như tờ giấy trắng', KD thì thầm: ''Con cám ơn lòng nhân từ của Thượng Đế, đã tặng không cho chúng con món quà tuyệt diệu để chúng con xích lại gần nhau''. Ôi những chùm hoa Thạch Thảo hoang dại kia mới đáng yêu làm sao cơ chứ !!!
Xe càng lúc càng phải chạy lên chỗ cao hơn, nó rù rù mệt mỏi leo dốc, lúc này KD mới thấy bản nhạc 'tình Châu Pha' mới hoang dã và trữ tình kinh khiếp, mới thấy những cô gái thượng du đẹp vô ngần. Cái đèo Bảo Lộc chỉ có một đoạn mà cũng biết bao nhiêu chuyện kể. Qua khỏi vách đá đến gần đỉnh là đài Đức Mẹ nằm trên giòng suối quanh co có nước chảy xuống từ vách núi, KD không biết tại sao ở đó lại có đài Đức Mẹ. Gần sát đó là cua chữ C, người dân thường gọi là cua Masoeur vì ở đây tháng 8 năm 1972 có hai soeur dòng FMM đi từ M´ Lon về Sài Gòn bị tử nạn trên chiếc La DaLat của nhà dòng. Tiếp đến là những đồi tre nứa, đồi Mimosa đẹp khôn tả, điểm cuối được người dân Bảo Lộc biết nhiều là Miếu Ba Cô. Cũng tại một khúc quẹo ngoặt, miếu Ba Cô được dựng trên sườn đồi, vào những ngày rằm dân chúng tấp nập đến viếng và cầu ơn.
Qua khỏỉ khúc quanh miếu Ba Cô xe chạy bon bon, hết đèo mọi người trên xe bừng tỉnh vì bị làn không khí mát lạnh trong lành mơn trớn thịt da. Kìa trên bầu trời trong vắt vần vũ những cụm mây trắng lững lờ trôi trên những đồi dâu xanh mướt chạy sát tận chân núi. Người ta nhận ra Đại Lào, thị xã đầu tiên của Bảo Lộc. Chưa kịp mơ hết những đồi dâu xanh biếc, đâu đó ở cái khứu giác đã thấy thoang thoảng mùi thơm mỗi lúc mạnh dần, cái mùi thơm ngào ngạt, bát ngát lạ kỳ. Ở trước mắt moị người là những đồi chè xanh xen lẫn với những đồi cà phê đang mùa hoa nở rộ, hoa trắng xóa cây, trắng xóa cả một quãng núi đồi Bảo Lộc. Ở đây không phải là cái đẹp của loài cây hoang dã mà là cái đẹp của những ngọn đồi nhấp nhô, xanh trắng, trắng xanh xen kẽ nhau.
Ôi Bảo Lộc quê tôi sao mà dễ thương, mà đáng yêu quá. Tôi đứng thẳng người trong xe hít thở làn không khí trong mát, hít hết cả mùi hương ngọt ngào của trà, của cà phê, của dâu. Mở mắt to nhìn những đồi trà xanh lẫn vào những đồi cà phê trắng hoa, chỉ chốc lát đã tới Tân Hà.
(còn tiếp)
Comment