[img]http://4.bp.blogspot.com/-R1_LPFoWcNo/VFbR-Q93-MI/AAAAAAAAVzI/Yc0X12QOCdU/s1600/SuoiYen4.jpg
[/img]
[/img]
"Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời."
(Kiều)
Ngày xưa còn bé lắm, KD không nhớ rõ ở cỡ tuổi nào, chỉ biết là lúc bắt đầu đi chơi, thả rong theo đám bạn mấy anh con bác, người đồng hương của bố, trên những bờ lúa. Đường trơn nên thường bị ngã, sình lầy quá không bước đi được thì lại được cõng đi bắt dế, chơi cù, chơi bi, chơi khăng, xem đàn trâu của ông già Láng Sen gặm cỏ. Ngày đó KD chỉ thắc mắc không biết tại sao nhà ông già từ trong chỗ xa lắm, tít tận chân núi Ba Thê. Muốn vào đó phải đi đò mà sao bầy trâu lại ở mãi ngoài ruộng đồng Cái Sắn này, KD chỉ tự thắc mắc trong đầu rồi ham chơi quá cũng quên luôn. Có những buổi theo hớt cá lia thia đem về nuôi trong cái lọ thủy tinh. Có buổi hai anh em trốn nhà đi chơi, lang thang giữa trời rộng bao la, ruộng lúa ngút ngàn và mênh mông nước. Nơi đó có những bông hoa màu hồng, hồng nhạt, tím, tím nhạt, ... đang đua nhau nở như hấp dẫn, như mời gọi, như gần gũi, rất thân thương và bình dị. Hoa đơn sơ như bầy trẻ và được người dân trong vùng gọi là hoa bông súng mà ngày nào KD cũng đòi hái cho được một, hai bông đem về chơi. KD biết bông súng từ dạo ấy.
Sau này khi anh em gặp nhau trên xứ Úc , nhớ về thời thơ ấu anh vẫn kể. Anh lớn lên giữa ruộng đồng Cái Sắn, bố mẹ làm nghề buôn bán, sống giữa vùng lúa gạo nhưng thực ra anh đâu biết cấy cầy, gieo hạt ra sao? Chỉ biết tối ngày rong chơi trên những cánh đồng bạt ngàn.
Hồi mới di cư vào Nam, lúc các kênh 10, 9, 8 còn đang được đào, ông già Láng Sen, chú Bảy Hổ, chú Ba Hơn, bạn của bố anh, lâu lâu ghé thăm. Khi thì đem cho vài con rắn (Roi Cá), khi thì con rùa, sâu ếch, khi thì vài con cá lóc ký với bó bông súng. Anh nói anh không còn nhớ mẹ đã làm gì với rắn, với rùa, có lẽ đã làm món nhậu cho bố và các chú, còn cá và bông súng anh lại nhớ rất rõ, các chú đã chỉ mẹ nấu canh, với trái chua, ngon hơn món canh chua mẹ nấu với mẻ. Mỗi lần các chú ghé thăm như vậy mấy anh em cũng được vài củ co, đem nướng ăn rất ngon, thú vị lắm.
Cây bông súng củ mọc dưới bùn như sen, lá to gần bằng lá sen, nổi trên mặt nước, mềm và dễ rách, có cọng cũng giống như cọng sen. Cây co thì nhỏ hơn nhiều, lá chỉ cỡ bàn tay, cọng giống như cọng bông súng nhưng lại rất nhỏ, củ lớn hơn ngón chân cái một ti . Người miền Nam thường dùng cọng bông súng để nấu canh chua, luộc hay ăn sống với mắm ba khía, đôi khi bóp sống với giấm tỏi, món ăn rất bình dân và phổ biến của miền sông nước.
Lớn lên khi bắt đầu vào tiểu học, củ co, bông súng cũng lớn dần theo trí tò mò. Có những lần trốn học đi bắt dế, bắt chim nhưng chả được gì, nhớ tới củ co, bông súng cũng lặn lội đi tìm. Củ co thì nướng vài lần ăn thấy chán chẳng ngon lành gì, muốn chạy tội, ngắt một bó cây súng đem về khoe mẹ. Mẹ bảo vứt đi (vì lúc đó người Bắc chưa biết ăn theo kiểu miền Nam). Nghe lời mẹ nhưng vẫn tiếc, bèn giữ lại vài bông để chơi. Trong những năm tháng đó, thỉnh thoảng anh vẫn tìm hoa súng về chơi, dễ kiếm nhất là ra bến chợ, đến xuồng bán bông súng, xin vài bông. Họ thường cười dễ dãi và để cho mặc sức mà lựa, mà lấy. Anh mê hoa bông súng từ dạo ấy.
Lớn lên khi vào trường trung học Cái Sắn, dân ở đó thường gọi là trường cha Uyển. Trường học xa nhà, phải phụ giúp bố mẹ mỗi khi về học, rồi lại lo miệt mài Tú một, Tú hai để được hoãn dịch. Sau khi kỳ thi Tú Tài hai đậu hạng tối ưu rồi về Sài Gòn để vào đại học (ngày đó dân nhà quê đâu có biết lối xin đi du học). Hoa bông súng tưởng đã chết theo quên lãng quá khứ tuổi thơ.
Sau 1975, tương lai mù mịt vô vọng, lam lũ với ruộng đồng, lăn lộn với vài con cá chưa kịp lớn, da bóng màu phèn trên đồng ruộng lúa. Bỗng dưng hoa bông súng bừng sống lại trong anh, nó vẫn dịu dàng quyến rũ, vẫn say say tuyệt đẹp, vẫn có sức thu hút lạ thường.
Tới đây KD liền kể tiếp anh:
- Ở sau công ruộng bên kia anh đã gặp được bông súng biết nói, biết cười, cũng phảng phất đơn sơ, cũng bình dị, dịu hiền như màu bông súng.
Anh cười buồn nói:
- Ừa, nhưng cũng đã hết rồi cái thời:
Muốn ăn bông súng mắm kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm. (ca dao)
KimDung
20-6-2015, nhớ quá VN.
Comment