Announcement

Collapse
No announcement yet.

HOA BÔNG SÚNG

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • HOA BÔNG SÚNG

    [img]http://4.bp.blogspot.com/-R1_LPFoWcNo/VFbR-Q93-MI/AAAAAAAAVzI/Yc0X12QOCdU/s1600/SuoiYen4.jpg

    [/img]

    "Trời còn để có hôm nay,

    Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời."

    (Kiều)

    Ngày xưa còn bé lắm, KD không nhớ rõ ở cỡ tuổi nào, chỉ biết là lúc bắt đầu đi chơi, thả rong theo đám bạn mấy anh con bác, người đồng hương của bố, trên những bờ lúa. Đường trơn nên thường bị ngã, sình lầy quá không bước đi được thì lại được cõng đi bắt dế, chơi cù, chơi bi, chơi khăng, xem đàn trâu của ông già Láng Sen gặm cỏ. Ngày đó KD chỉ thắc mắc không biết tại sao nhà ông già từ trong chỗ xa lắm, tít tận chân núi Ba Thê. Muốn vào đó phải đi đò mà sao bầy trâu lại ở mãi ngoài ruộng đồng Cái Sắn này, KD chỉ tự thắc mắc trong đầu rồi ham chơi quá cũng quên luôn. Có những buổi theo hớt cá lia thia đem về nuôi trong cái lọ thủy tinh. Có buổi hai anh em trốn nhà đi chơi, lang thang giữa trời rộng bao la, ruộng lúa ngút ngàn và mênh mông nước. Nơi đó có những bông hoa màu hồng, hồng nhạt, tím, tím nhạt, ... đang đua nhau nở như hấp dẫn, như mời gọi, như gần gũi, rất thân thương và bình dị. Hoa đơn sơ như bầy trẻ và được người dân trong vùng gọi là hoa bông súng mà ngày nào KD cũng đòi hái cho được một, hai bông đem về chơi. KD biết bông súng từ dạo ấy.

    Sau này khi anh em gặp nhau trên xứ Úc , nhớ về thời thơ ấu anh vẫn kể. Anh lớn lên giữa ruộng đồng Cái Sắn, bố mẹ làm nghề buôn bán, sống giữa vùng lúa gạo nhưng thực ra anh đâu biết cấy cầy, gieo hạt ra sao? Chỉ biết tối ngày rong chơi trên những cánh đồng bạt ngàn.

    Hồi mới di cư vào Nam, lúc các kênh 10, 9, 8 còn đang được đào, ông già Láng Sen, chú Bảy Hổ, chú Ba Hơn, bạn của bố anh, lâu lâu ghé thăm. Khi thì đem cho vài con rắn (Roi Cá), khi thì con rùa, sâu ếch, khi thì vài con cá lóc ký với bó bông súng. Anh nói anh không còn nhớ mẹ đã làm gì với rắn, với rùa, có lẽ đã làm món nhậu cho bố và các chú, còn cá và bông súng anh lại nhớ rất rõ, các chú đã chỉ mẹ nấu canh, với trái chua, ngon hơn món canh chua mẹ nấu với mẻ. Mỗi lần các chú ghé thăm như vậy mấy anh em cũng được vài củ co, đem nướng ăn rất ngon, thú vị lắm.

    Cây bông súng củ mọc dưới bùn như sen, lá to gần bằng lá sen, nổi trên mặt nước, mềm và dễ rách, có cọng cũng giống như cọng sen. Cây co thì nhỏ hơn nhiều, lá chỉ cỡ bàn tay, cọng giống như cọng bông súng nhưng lại rất nhỏ, củ lớn hơn ngón chân cái một ti . Người miền Nam thường dùng cọng bông súng để nấu canh chua, luộc hay ăn sống với mắm ba khía, đôi khi bóp sống với giấm tỏi, món ăn rất bình dân và phổ biến của miền sông nước.

    Lớn lên khi bắt đầu vào tiểu học, củ co, bông súng cũng lớn dần theo trí tò mò. Có những lần trốn học đi bắt dế, bắt chim nhưng chả được gì, nhớ tới củ co, bông súng cũng lặn lội đi tìm. Củ co thì nướng vài lần ăn thấy chán chẳng ngon lành gì, muốn chạy tội, ngắt một bó cây súng đem về khoe mẹ. Mẹ bảo vứt đi (vì lúc đó người Bắc chưa biết ăn theo kiểu miền Nam). Nghe lời mẹ nhưng vẫn tiếc, bèn giữ lại vài bông để chơi. Trong những năm tháng đó, thỉnh thoảng anh vẫn tìm hoa súng về chơi, dễ kiếm nhất là ra bến chợ, đến xuồng bán bông súng, xin vài bông. Họ thường cười dễ dãi và để cho mặc sức mà lựa, mà lấy. Anh mê hoa bông súng từ dạo ấy.

    Lớn lên khi vào trường trung học Cái Sắn, dân ở đó thường gọi là trường cha Uyển. Trường học xa nhà, phải phụ giúp bố mẹ mỗi khi về học, rồi lại lo miệt mài Tú một, Tú hai để được hoãn dịch. Sau khi kỳ thi Tú Tài hai đậu hạng tối ưu rồi về Sài Gòn để vào đại học (ngày đó dân nhà quê đâu có biết lối xin đi du học). Hoa bông súng tưởng đã chết theo quên lãng quá khứ tuổi thơ.

    Sau 1975, tương lai mù mịt vô vọng, lam lũ với ruộng đồng, lăn lộn với vài con cá chưa kịp lớn, da bóng màu phèn trên đồng ruộng lúa. Bỗng dưng hoa bông súng bừng sống lại trong anh, nó vẫn dịu dàng quyến rũ, vẫn say say tuyệt đẹp, vẫn có sức thu hút lạ thường.

    Tới đây KD liền kể tiếp anh:

    - Ở sau công ruộng bên kia anh đã gặp được bông súng biết nói, biết cười, cũng phảng phất đơn sơ, cũng bình dị, dịu hiền như màu bông súng.

    Anh cười buồn nói:

    - Ừa, nhưng cũng đã hết rồi cái thời:

    Muốn ăn bông súng mắm kho,

    Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm. (ca dao)

    KimDung

    20-6-2015, nhớ quá VN.

  • #2
    "Trời còn để có hôm nay,

    Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời."

    (Kiều)

    Cám ơn chị Dung đã gửi một tản mạn quá hay về bông súng đã gợi nhớ đến bài học ngày xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư trích trong mấy truyện của Tự Lực văn đoàn.

    Hai câu thơ trích dẫn của chị Dung trong truyện Kiều ở đầu bài viết (chẳng biết vô tình hay hữu ý) làm Tuấn nhớ đến nỗi bẽ bàng của ông Tổng Bí Thư đương nhiệm của VN trong chuyến đi thăm Mỹ vừa rồi đã được ông phó Tổng Thống của Mỹ tổ chức tiệc giao tiếp và trong phát biểu mở đầu buổi tiệc vị phó Tổng Thống Mỹ đã lấy hai câu này của Kiều để dẫn nhập cho phát biểu của ông ta.

    Ai dám nói người Mỹ không thâm thúy và sâu sắc hả chị Dung hen?

    Thân ái.

    TuanTon

    PS : Người Bắc gọi là hoa súng, người Nam gọi là bông súng. Tựa bài là "Hoa Bông Súng" thì chắc chị Dung là người miền ... Trung quá. He he

    Comment


    • #3
      Originally posted by 'TuanTon'

      "Trời còn để có hôm nay,

      Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời."

      (Kiều)

      ...

      Ai dám nói người Mỹ không thâm thúy và sâu sắc hả chị Dung hen?

      Thân ái.

      TuanTon
      Điều nầy rất dể thấy : Đằng sau lưng ông phó TT Mỹ có sự trợ giúp của một tay người Mỹ gốc Việt . Phái đoàn VN muốn khỏi "bẻ bàng" và đối đáp lại cho tương xứng thì phải tìm cho ra một tay người Việt gốc Mỹ .

      "Người Việt gốc Mỹ" tôi đã gặp rất nhiều ! Đó chính là các ông Mỹ lấy vợ VN . Sau 2-3 năm chịu ăn cơm với fish sauce , ông nào cũng rành tiếng Việt và thơ túi rượu bầu không thua gì dân Mít chính gốc .

      Thân chúc Tuấn Tôn, Kim Dung và các bạn một ngày vui .

      NTT

      Comment


      • #4
        Súng, bông súng hay hoa súng (nymphaea) là những tên thường được sử dụng để gọi loại cây này. Ở Việt Nam súng có nhiều trong các ao, mương, kênh, rạch, … và trong những bữa ăn dân dã, súng thường được cắt khúc chấm với mắm kho, trộn gỏi hay ăn sống.


        KD chọn đề tựa bài viết là ‘Hoa bông súng’, có cả hoa lẫn bông để nam, bắc đề huề. Bạn Tuấn Tôn đã có nhận xét rất dí dỏm về xuất xứ của tác giả (miền Trung), hy vọng là ai đó sẽ không thèm đi giận 'người dưng'.

        Comment


        • #5
          Các bạn mến,

          KD rất vui vì được mọi người đọc bài và nói chuyện với KD. KD rất mong được sự ủng hộ tinh thần cho KD tập làm văn mãi mãi để cùng nhau vui trong tuổi này.

          "Trời còn để có hôm nay,

          Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời." (Kiều)

          Ông Joe Biden thích đọc Kiều của Việt Nam, anh Toản còn nói người ngoại quốc lấy vợ Việt cũng thích thi ca Việt Nam. Điều này chứng tỏ văn hào Nguyễn Du của VN được nhiều người trên thế giới yêu thích, mà không yêu thích sao được? Văn hào Nguyễn Du có cách dùng chữ thật độc đáo và tiếng Việt của mình lại quá đẹp, rất gợi hình và cũng rất dụng ý. Thật buồn khi có người lại đánh rơi mất trái tim của chính mình.

          Hai câu thơ KD thấy thích ứng cho mọi từng huống, KD thích nhất động từ "vén". Nguyễn Du bảo nhớ nhé: Qua cơn u ám, phải dùng sức cần lao của mình để tạo hạnh phúc cho chính mình và cho thế giới. Cái động tác "vén" sao hay quá, trên đời này không có gì free cả. Người Mỹ thâm sâu thiệt chứ hả anh Tuấn Tôn? KD hiểu như vậy có đúng không?

          Cái đề bài "Hoa bông súng" của KD thoạt nghe cũng tức cười mà anh Hùng luôn luôn là người hiểu ý Dung nhất. Tương tự như "hoa bông súng"

          - Người Bắc thì hay đặt tên cho cậu ấm (con trai đầu lòng) là Hùng.

          - Người Nam lại hay đặt tên cho công tử (con trai đầu lòng) là Mạnh.

          Vậy theo anh Tuấn Tôn thì anh nhà mình sống ở miền Trung nên chọn luôn 2 chữ vừa Mạnh vừa Hùng nghĩa là "Nguyễn Mạnh Hùng" để mọi người đều dzui dzẻ, hic ... hic

          Thân ái

          KimDung

          Comment


          • #6
            Bravo ! Chi KD, phai nhu the chu!

            Thu Le

            Comment


            • #7
              Cái cô "Bắc kỳ " này cũng đáo để thật đấy. Một đều rồi nhé anh Hùng. Anh Hùng người Bắc và sống ở miền Trung KD ơi.

              Comment


              • #8
                Lẩu mắm – Bản giao hưởng ẩm thực miền Tây – Tiến Trần


                Con cá lảm ra con mắm …

                Khó ai biết được mắm có mặt ở đất phương Nam này tự bao giờ, nhưng hẳn là lâu lắm. Trong “Gia Định thành thông chí” biên soạn từ đầu thế kỷ 19, Trịnh Hoài Đức đã viết: “Đất Gia Định nhiều sông, kinh, cù lao, bãi cát, nên trong 10 người đã có 9 người giỏi việc chèo thuyền, bơi lội, ưa ăn mắm, có người một bữa ăn hết hai hũ mắm”. Miền Tây là đất “trên cơm, dưới cá”, ăn không hết thì làm mắm, thành ra hễ có cá là có mắm.

                “Con cá làm ra con mắm,

                Tình nghĩa vợ chồng thương lắm em ui! ”

                Nhiều thứ cá làm ra nhiều thứ mắm. Từ mắm cá linh sản vật mùa nước nổi, mắm cá sặc những ngày tát đìa đến mắm cá mồng gà miệt giáp biển, nước lợ Cà Mau; rồi mắm còng, mắm tôm chà xứ Gò Công, lại có mắm bò hóc, bò ốp theo kiểu người Khmer.

                Ăn mắm cũng đủ kiểu. Thật ra từ xưa, người ta ăn mắm khá đơn giản, thường thì ăn sống, hoặc kho hay chưng. Muốn trở bữa thì gia giảm các loại thịt cá khác để cho mắm đóng vai trò điều vị.

                Và mắm kho những ngày mưa đã trở thành hương vị của ký ức nhà quê, mãnh liệt mà da diết trong lòng mỗi người con xa xứ.

                Từ mắm kho …

                Cũng khó ai biết mắm kho có tự bao giờ, nhưng mỗi người nhớ mắm kho một kiểu, và ai cũng giữ cho mình một chút hoài niệm riêng tư nào đó về món ăn này, để khi có dịp, lại bâng khuâng nhắc nhớ nhau. Có người thích thì cũng có người không thích mắm, và trên bàn ăn của người dân miền Tây không phải lúc nào cũng có mắm, nhưng nếu bạn hỏi về món ăn này thì ai cũng có nhiều chuyện để kể.

                Ký ức về hương vị của nồi mắm mẹ kho thời thơ dại chính là cái duyên keo kết, cái tình đồng điệu giữa những người đang ngồi thả hồn về dĩ vãng xa xưa… Đó là ký ức với những ngày mưa dầm rả rích, làm biếng đi chợ, nên mới giở hũ mắm, cất gọng vó ven sông hay đổ vài hom lọp, kiếm mớ cá tép hủng hỉnh đủ loại; sẵn lội một vòng quanh nhà hái mớ rau đồng mọc tự nhiên là coi như xong nồi mắm kho.

                Bữa cơm có mắm kho thường được vét sạch nồi bởi khi bụng đói, khó thể cầm lòng được với làn khói thơm lừng, với vị rau đồng đăng đắng, chan chát, chua chua…..với ớt thật cay, lẫn với mùi mắm đậm đà tạo nên một hương vị khó quên, rồi khi đi xa lại nhớ.

                … đến lẩu mắm

                Thế rồi từ loại thực phẩm dự trữ dành cho những lúc giáp hạt, giao mùa, cái món nhà quê này đã trở thành đặc sản.

                Ngẫm nghĩ mới thấy rằng: phải là người đầu bếp tài hoa lắm, mà cũng nặng tình nặng nghĩa với quê nhà lắm, mới đem được cái tinh túy của mắm kho vào món lẩu mắm. Lẩu mắm, giống như cô gái quê và người đầu bếp phù thủy đã vung chiếc đũa thần khiến cô lột xác, đổi đời.

                Theo nhiều người sành ăn, lẩu mắm có mặt tại Cần Thơ khá sớm và được khen là ngon nhất nhì hiện nay. Tuy nhiên nguyên liệu chính là mắm sặc hay mắm cá linh muốn ngon phải xuất thân từ Châu Đốc, xứ sở của đủ lọai mắm đồng.

                Mắm nấu với nước dừa hoặc nước hầm xương heo, sau khi lược bỏ xương cá, nêm nếm theo bí quyết riêng của thợ nấu là xong phần nước lẩu. Đây là công đọan đầu tiên, dễ làm, nhưng lại là yếu tố quan trọng nhất quyết định cái ngon của món lẩu mắm. Độ đậm nhạt của nước lẩu được gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị của thực khách, loãng quá sẽ thiếu vị mắm, mà đặc quá đâm ra mặn, ăn cũng mất ngon. Trong nồi lẩu nhất thiết phải có mấy món bổi, thường là nấm rơm, cà tím, khổ qua để tăng vị ngon ngọt và sắc màu.

                Yếu tố hấp dẫn nhất của lẩu mắm nằm ở những món ăn kèm, thông thường là thịt ba rọi, tép bạc, cá tra hoặc cá basa, cá kèo. Nếu thích có thể bỏ vào nồi mắm tôm sú, ốc bươu, thịt bò, lươn…v.v…Nói chung lẩu mắm dung nạp mọi thứ cá thịt tùy ý thích của người ăn một cách rất hào phóng, thế nên không quá lời khi gọi đó là bản giao hưởng của ẩm thực miền Tây.

                Rau đồng mọc hoang dại làm cho món lẩu mắm thêm hương vị và sắc màu. Tại những quán lẩu mắm nổi tiếng ở miền Tây, bạn có thể đếm trên 30 loại rau và trong bản hòa sắc đó, có những loại rau nhiều người chưa nghe tên biết mặt bao giờ. Tuy ở miệt vườn nhưng rốt cuộc, trong rổ rau phải mua thêm một vài thứ ở chợ, bởi hai lẽ, thứ nhất: thời buổi bây giờ, ở quê, chợ nhóm nhiều, dễ mua, nên người ta ít trồng; và thứ hai: muốn đủ các loại rau đồng ăn với mắm không phải nhà nào cũng có sẵn.

                Rau ăn lẩu mắm không nên thiếu bông súng, cù nèo, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, hẹ và theo mùa, có thể bổ sung thêm bông điên điển, bông so đũa, bông lục bình…Các loại rau cùng các loại bông, nhúng vô mắm, để hơi tái, ăn dòn dòn, thấm đượm vị mắm mà không mất vị rau là cách ăn của dân sành điệu. Người xưa, khi khai phá đất Nam bộ, sống lẻ loi nơi sơn cùng thủy tận, đối diện với sơn lam chướng khí dễ sinh bệnh tật, cần thích ứng hoàn cảnh nên cái ăn cái uống phải làm sao vừa bổ dưỡng vừa “nên thuốc”, và các loại rau đồng quanh nhà là những vị thuốc kết hợp thần kỳ với các món ăn làm nên một khẩu vị đặc trưng trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt.

                Nếu trải chiếu dưới bóng cây thích hợp với những buổi dã ngoại thì tại những quán xá, nhà hàng đặc sản Cần Thơ, bạn sẽ được phục vụ chu đáo, xứng tầm một bữa tiệc lẩu mắm – bản giao hưởng ẩm thực miền Tây. Tại đây, lẩu mắm được bày biện đẹp mắt. Cái ngon mắt trước khi ngon miệng đã được chăm chút để không hổ danh là món ăn tiêu biểu của miền Tây Nam bộ. Các loại thịt cá được sắp ra dĩa, ăn tới đâu bỏ vô tới đó, hứa hẹn một bửa ăn kéo dài cùng những kỷ niệm xoay quanh món mắm, đúng với câu : “Ăn mắm thấm về lâu”.

                Từ nồi mắm kho xưa đến cái lẩu mắm nay có một khoảng cách khá xa và đầy ý nghĩa. Theo nhà văn Sơn Nam, lẩu mắm chính là phong vị thời khẩn hoang lưu lại, được đời sau “nâng cấp” lên thành yến tiệc mà vẫn giữ cái hồn dung dị của tiền nhân. Lẩu mắm ngày nay, ăn thì ăn chung, nhưng tôn trọng sự chọn lựa, khoái khẩu riêng tư, ai ăn nấy gắp. Bởi vậy nhiều người dễ dàng chọn món lẩu mắm cho những cuộc họp mặt đông vui.

                Có điều, từ nồi mắm kho đậm đà những chiều mưa rả rich đến món lẩu mắm cầu kỳ hấp dẫn ngày nay ví như cô thôn nữ xinh xắn ngày nào bỗng trở thành hoa hậu. Từ miệt vườn sông nước, cô bước ra phố thị, rực rỡ, kiêu kỳ. Rồi năm tháng trôi qua, trách chi …“Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

                Comment


                • #9
                  KD cám ơn anh Hùng nhiều lắm, nhờ đọc bài này D mới biết con cá làm ra con mắm. Trước kia KD chỉ biết con cá làm ra nước mắm, con tôm làm ra mắm tôm, con ruốc làm ra mắm ruốc.

                  Đọc những câu ca dao mới biết miền Tây trù phú quá, tỉnh nào cũng đầy cá, tôm.

                  Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,

                  Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

                  Chiều chiều qụa nói với diều,

                  Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. (Nơi KD sinh ra đó)

                  Con cá lòng tong ăn móng,

                  Con cá bóng ăn rong,

                  Anh đi lục tỉnh giáp dzòng,

                  Dzìa đây Cầu Móng đem lòng thương em.

                  KD mới nghe người bạn nói, ở miền Nam đến mùa nước nổi cá kèo, cá sặc, cá linh về nhiều lắm. Bắt ăn không hết họ làm mắm để dành ăn trong những ngày mùa, bận gặt hái. Mắm kho ăn với rau quanh nhà, không mất thời gian nấu nướng mà vẫn có món ăn ngon, gọn, lẹ, lại còn ăn với cơm gạo mới nữa tuyệt vời. Chị bảo mắm vẫn còn thịt cá chứ không giống cá làm nước mắm. KD có hỏi cô bạn người miền biển cô cũng nói là cô đi biển, tới mùa cá thu mẹ cô cũng làm mắm để dành ăn khi mùa biển động không ra biển được. Cá làm mắm phải tươi đem về sóc muối rồi bỏ vô khạp đậy kín. Mấy người bạn nói làm mắm phải sao cho con mắm có màu sáng đỏ, thịt cá sẽ dai và có mùi thơm. Nếu thịt cá thâm đen, cá bị bở có thể có giòi.

                  Trên cao nguyên thì chẳng bao giờ có cá dư, nếu không muốn nói là hiếm. Cá biển chở từ Phan Thiết về thì cũng chẳng còn tươi nữa, cá sông La Ngà, cá ao thì tươi nhưng mắc. Ở đây không có cá mắm mà chỉ có cá hấp, cá khô. Cá khô được đem về từ Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu. Cá khô có nhiều loại, từ mắc tới rẻ, tương đối dễ mua. Phần đông dùng tôm khô, còn mắm thì KD chỉ thấy chợ bán các thứ mắm tôm, mắm ruốc.

                  Từ nhỏ cho tới bây giờ KD chưa ăn mắm gì, chỉ ăn nước mắm nên khi sang đến món lẩu mắm thì cũng rất xa lạ đối với KD. Nhìn cách nấu, cách ăn lẩu của người dân Nam bộ sao hấp dẫn quá. KD lại khám phá ra được người miền Tây thích ăn các loại bông, ngay cả bông súng. Trước kia KD cứ nghĩ là súng chỉ ăn cái phần cây thôi chứ, nếu ăn bông thì ăn cánh hoa, nhụy hoa hay phần gì của hoa vậy các bạn? Còn các loại rau trong nhà KD biết rau đắng, rau nhút, có một loại rau này dễ thương lắm, KD biết nó và biết ăn nó khi theo mấy chị miền sông nước Cửu Long tìm hái nó ở những cái mương của trường ĐHSPKT-TĐ. Chiều chiều tìm hái về ăn thấy ngon ngon, qua một cơn mưa thì khoảng 2 ngày sau nó lại mọc thiệt nhiều, mấy chị gọi là rau càng cua. Hẹn khi nào có dịp về thăm nơi sinh ra KD sẽ tìm ăn bông súng, bông điên điển, bông so đũa, bông lục bình.


                  Tác giả ví cái lẩu mắm giống như cô thôn nữ ra phố thị làm rơi rụng một chút hương đồng gió nội. KD nghĩ khác, mình phải theo thói theo thời một chút chứ, kẻo vứt xó bờ tre cũng không ai lượm. Nhìn cái lẩu mắm được cải biên cho phù hợp với cung cách thời thượng, nhưng cái cốt lõi của nó vẫn là mắm, nếu không có mắm thì đâu phải là lẩu mắm. Từ mắm sang lẩu mắm đó là cái tài làm đẹp con mắm cho quyến rũ thêm lên, nó vẫn mang nặng tâm hồn người dân nam bộ đó mà.

                  Hò ơ ... Cuộc đời này khi đen khi đỏ,

                  Ai hỡi ai, em là phận gái truân chuyên,

                  Hò ớ ơ ... Ngày hò chữ thương chữ nhớ,

                  Hương đồng gió nội ớ ơ ... luyến em từng giờ.

                  Hẹn ngày mai KD sẽ kể chuyện cô Bắc Kỳ nha Ngọc Lan.

                  Thân ái

                  KimDung

                  Comment


                  • #10

                    Cù lao ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Được bao bọc bởi nhánh sông Hậu của dòng Cửu Long, cù lao có sông ông Chưởng, một nhánh nhỏ của Cửu Long, uốn lượn, chảy ngang qua.

                    Sông ông Chưởng, hay còn gọi lòng ông Chưởng dài 23km. Năm 1699, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào bình định đất miền Nam, ông đem quân đánh Chân Lạp, đánh thắng quân của Nặc Ông Thu. Vì có công lao lớn với đất nước nên từ năm 1700 người ta gọi sông này là sông ông Chưởng và cù lao cũng có tên cù lao ông Chưởng. Ngày nay tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới người dân có lập ngôi đền thờ ông Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

                    Comment


                    • #11

                      "Mai dài hơn Thuổng"

                      Nghe xấu hổ quá, cuối tuần này KD bận quá nên cái Mai của KD cũng dài hơn cái Thuổng thật rồi. Lần sau KD không dám hẹn mai nhé, mai nữa, NL ơi.

                      Vào khoảng 20-7-1954, VN có cuộc di cư lớn từ Bắc vào Nam. KD nghe bố nói tàu đón người đi trong khoảng 3 tháng, sau này khi tàu không còn đón nữa thì người ta phải tìm cách vượt qua sông Bến Hải để vào nam gọi là 'vượt tuyến'. Những ngưởi sanh trong năm 1954 trước tháng 7 thì được mẹ ẵm từ bắc vào nam. Những người sanh trước năm đó thì được mẹ gánh vào nam và còn lại ai đó sinh vào tháng cuối năm 1954 thì nhõng nhẽo bắt mẹ địu trong bụng mang từ bắc vào nam ... hic hic.

                      Bố KD là dân du mục (bố là lính) mẹ theo bố đi lang thang trên khắp miền đất nước. Mẹ kể ngày theo bố sống tại cù lao Ông Chưởng, thuộc tỉnh Long Xuyên, KD được sinh ra ở đó. Từ ngày sinh ra cho tới bây giờ D chưa một lần về thăm cù lao Ông Chưởng. KD rất vui khi được anh Hùng nói sơ về lịch sử địa danh và địa hình cù lao Ông Chưởng làm KD mong về thăm quá. Tuy sinh ra ở đó nhưng KD sống trong gia đình là người bắc, KD nói tiếng bắc hoàn toàn nên vẫn được coi là bắc kỳ 'dzốn'.

                      KD nhớ có lần trong mùa hè được bố cho theo hãng xe "chành" về Cần Thơ thăm chị và đứa cháu mới chào đời. Ngày đầu tiên đến Cần Thơ lại bị cúp điện. Chị nhờ qua tiệm 'chạp phô' mua 2 cây nến (đèn cầy), nhỏ em D lau chau chạy đi mua, chỉ khoảng 10 phút sau con bé chạy về mếu máo:

                      - Em nói mua 2 cây nến, họ đưa cho em bịch nếp than. Em lắc đầu bảo: "Cháu mua 2 cây nến trắng", họ lại đưa em bịch nếp trắng. Em không chịu lấy họ chửi thề với em, em sợ bị đánh nên phải bỏ chạy.

                      Ở quê D người ta không chửi thề thường xuyên, chỉ khi nào tức lắm mà chửi thì đối thủ thể nào cũng bị ăn một cú đấm không xịt máu cam thì cũng phải vêu mỏ nên con bé sợ chạy về, nó nói tiếp:

                      - Em sợ lắm ở đây sao ai cũng to gấp mấy lần bố mẹ mình.

                      Cuối cùng chị phải nhờ người hàng xóm dẫn đi, lúc này D cũng đi theo. Tới tiệm KD thấy ông chủ to cỡ 2 tạ, bà chủ cũng to nhưng vẫn nhỏ hơn ông chủ. Không hiểu chị hàng xóm nói gì mà mọi người phá lên cười. Bà chủ nói:

                      - Chèng ơi nhỏ mua đèng cài thì nói đèng cài cứ nói nớt nớt. Quoa tưởng nhỏ mua 2 ký níp.

                      Rồi bà vô lấy 2 cây nến đưa cho nhỏ em bà bảo:

                      - Nè bắc kỳ nhỏ cái nài kiu là cái đèng cài.

                      Chỉ vào bịch nếp bà nói:

                      - Cái nài kiu là níp, nhớ ngheng bắc kỳ nhỏ.

                      Phía trước sạp có những mẹt trái cây thật hấp dẫn. Xoài, cam, ổi, ... trái nào cũng lớn hơn ở quê Dung. Có một loại trái cây lạ hoắc tụi D chưa thấy bao giờ, hai đứa đứng lại xem. Ông chủ ngồi trong nói vọng ra:

                      - Hốt cho tụi nhỏ ít trái.

                      Bà chủ liền lấy cho mỗi đứa một chùm to. Nhỏ em thích quá bứt một trái chùi chùi vào áo rồi bỏ vô miệng nhai nhưng nó vội lè ra, trả lại chùm trái cho bà chủ:

                      - Chát lắm, cháu không thích ăn.

                      Mọi người lại rộ lên cười.

                      - Chèng ui cháo ui là cháo, ai kiu bắc kỳ ăng cả dzỏ dzậy? Hổng chác sao đặng? Ăng cái phần cơm trong trỏng, dục cái dzỏ đi. Thôi dìa mau kẻo cô Úc Trà Đà Lạt trông.

                      Hai đứa chạy về tới nhà thì điện cũng bắt đầu lên. H cây nến được cất vô tủ, chỉ có 2 chùm trái vàng nâu no tròn kia là được dùng, lúc đó hỏi chị mới biết là trái bòn bon.

                      Trên vùng cao nguyên, những trái nho nhỏ xinh xinh như thế thì đâu phải bóc vỏ. Những trái mơ, mận, đào, tụi con nít như D hái từ trên cây xuống, chỉ cần chùi chùi vô áo cho sạch lớp lông mỏng bên ngoài, rồi bỏ vô miệng ăn liền.

                      Thiệt tình! Nhỏ bắc kỳ đi chợ Tây Đô, mua 2 cây nến thì bị bán cho 2 ký nếp, lại còn được thưởng cho 2 chùm trái bòn bon, ăn không chát mà lại ngọt lịm, thì làm sao 'bắc kỳ con' lại không nhớ đời chứ?

                      Thân ái

                      KimDung

                      Comment


                      • #12
                        Thanks Kim Dung nữ sĩ!

                        Từ khi KD xuất hiện trên diễn đàn chúng ta được KD chia xẻ cho biết bao câu chuyện thật hay, thật vui trong đời sống, chuyện tuổi thơ ngày xửa ngày xưa thật thú vị. Một thời để nhớ!:thumbs:

                        Thật thích! :coffee:

                        Chúc KD vui khỏe, mong được đọc tiếp.

                        :thank3:

                        Comment


                        • #13
                          Kim Dung ơi, thấy hình rau càng cua KD post nhớ nhà mình cũng có rau càng cua mọc trong mấy chậu kiểng. Hôm qua mới làm món rau càng cua trộn dầu dấm, một món ăn mà có 3 kỷ niệm nhắc về món dân dã này. Ông chú hỏi: "Rau câu phải không?". "Dạ không, rau càng cua chú ạ". "Rau này trộn dầu dấm ăn ngon lạ, hồi chú còn trong rừng HTCT hái ăn sống không chứ có gì đâu mà trộn, ăn cũng đỡ đói". Ông xã nói: "Hồi còn đi hành quân trong rừng làm gì có rau mà ăn, mấy người bạn lính họ biết hái rau này trộn với gà hộp hay thịt heo hộp ăn ngon quá chừng". Còn mình thi nhớ đến lúc về làm kỹ thuật trai gà Thủ Đức, thấy rau này mọc đầy quanh hàng rào, gần mấy gốc mít. Cô nhà bếp hái vào trộn chua chua ngọt ngọt ăn với trứng tráng, cũng ngon miệng thay vì phải ăn thịt gà chết quanh năm suốt tháng. Thời đói kém thiếu ăn, món gì cũng thấy ngon miệng, "một thời để ăn và một thời để ngán" mà. Cám ơn KD đã kể những chuyện xa xưa của cô Bắc Kỳ "dzốn"thật vui.


                          Nhớ lại kỳ đi thực tập ở Chợ Gạo Mỹ Tho, năm 1977 thì phải, ở đó dường như người ta không thích người miền Bắc lắm nên bạn mình nói mình đừng đi ra ngoài buổi tối và phải dùng các danh từ miền Nam cho quen mà mình thì cứ quên hoài. Cái chậu thì phải gọi là cái thau, bạn cứ phải nhắc: "Cái thau nhớ chưa, cứ chậu chậu hoài". Rồi cái vá múc canh chứ hổng phải cái môi, cái môi ở trên cái miệng. Trời, người Bắc gọi là cái môi (hay cái muôi), người Nam gọi là cá vá (dzá) múc canh. Nội Bắc, Nam danh từ cũng ba trật ba duộc, ghê quá. Củ sắn, củ đậu, củ mì, ba củ này cũng lẫn lộn với nhau ở 3 miền đó. Củ mì trong Nam, người Bắc gọi là củ sắn. Củ sắn nước trong Nam, người Bắc gọi là củ Đậu đó.

                          Comment


                          • #14
                            Kim Dung ơi,

                            Đọc bài viết "Hoa Bông Súng" hay quá, đọc hoài cũng không chán vì tài viết văn của KD. Tán phục Kim Dung!

                            Nhưng tôi thắc mắc, muốn hỏi KD và các bạn là tại sao người ta gọi "HOA BÔNG SÚNG" mà không là hoa bông ống, hoa bông đạn, hoa lềnh bềnh, hoa bông kèn, v.v...Nếu biết xin giải thích giùm nhé! Hihihi... :cuoilan: :cuoilan: :cuoilan:


                            Comment


                            • #15

                              Hai bạn Kim Dung và Ngọc Lan ơi, có người nhờ chuyển một câu hỏi về ngữ học đến hai bạn đây nè . 'Bánh da lợn' dường như là đặc sản của miền nam mà tại sao lại không được gọi là 'bánh da heo' hỉ? :P

                              Comment

                              Working...
                              X