Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hello Tuổi Già! Lẩm Cẩm Từ Ngữ (34)Bắc - Nam(34)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bốn Cách Tránh Đau Nhức Xương

    (Hoàng Giang- Theo Lifescript)



    1. Chạy bộ hàng ngày

    Chạy bộ trước nay luôn được cho là rất tốt cho xương khớp. Mỗi ngày bạn cố gắng đi bộ nhiều nhất có thể, và dành ra khoảng 30 phút tập thể dục thư giãn chạy bộ. Điều này sẽ khiến xương khớp được vận động đều đặn mỗi ngày và giúp xương bạn chắc khỏe, cơ thể dẻo dai. Ngoài ra còn giúp bạn thư thái đầu óc, giảm căng thẳng…

    Nhưng bạn cũng cần một số lưu ý sau:

    - Nếu bạn là người mới chạy, hãy bắt đầu bằng khoảng cách ngắn, có thể 1-2 hoặc 2-3 lần một tuần và khoảng cách tăng 10% mỗi tuần.

    - Nên chạy trên những con đường mòn, không vỉa hè, hoặc đường cứng để giảm tác động đến các khớp xương.

    - Mang giày giành riêng cho bộ môn chạy, và phải thay thế chúng trước khi phần đệm trong giày bị mòn (trung bình nên thay sau khi chạy chừng 250-300km). Tất nên dùng loại chất liệu cottone để thấm hút mồ hôi tốt.

    - Tập luyện chéo: nên tập thêm một môn thể thao nhẹ nhàng khác như đi xe đạp hay bơi lội để tránh thương tích từ việc tập luyện quá mức.

    2. Ăn nhiều cá

    Một trong những nguyên nhân gây nên bệnh viêm khớp mạn tính là do sụn bị tổn thương. Hầu hết mọi người không cảm thấy chấn thương này, vì sụn không có dây thần kinh, nhưng qua thời gian sụn tổn thương sẽ gây viêm, làm mô suy yếu và bị phá vỡ. Cách tốt nhất là nên phòng ngừa.

    Acid béo omega-3 là một trong những hợp chất chống viêm mạnh nhất. Các loài cá như: cá hồi, cá trích, cá ngừ – là những nguồn acid béo omega-3 phong phú nhất.

    Cá cũng là loại thực phẩm giàu protein giúp sụn khỏe mạnh vì thế, chúng ta nên ăn ít nhất hai lần một tuần.

    3. Ngồi thẳng lưng

    Tư thế thẳng lưng sẽ giữ trọng lượng phân bổ đều trên cơ thể và giúp giảm căng thẳng cho các khớp xương của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn vì không thể ngồi hoặc đứng thẳng, hãy lấy tường làm chỗ dựa, một thời gian sau, bạn sẽ có thói quen ngồi hoặc đứng thẳng.

    4. Không mang túi xách nặng

    Nhiều phụ nữ luôn chọn những chiếc túi xách thật to vì họ có thể bỏ tất cả mọi thứ mình cần vào đó. Nhưng nếu bạn mang một chiếc túi quá nặng, bạn đang hành hạ các khớp ngón tay, cổ tay, thậm chí cả khớp vai của bạn.

    Có nhiều cách tốt hơn để có thể mang theo tất cả những gì bạn muốn làmột chiếc ba lô. Balo là một thiết kế chuyên dụng giúp phân phối sức nặng cho cả vai và lưng nên giúp bạn thoải mái. Nếu đó không phải phong cách của bạn, hãy sử dụng một chiếc túi có quai chéo và bạn chỉ nên mang theo những thứ tối cần thiết thay vì tất cả mọi thứ.

    Comment


    • Tình Nghĩa Vợ Chồng

      Mộc Diệp Tử

      Ngày mình quyết định lấy chồng, có người nói với mình: “Nghĩ kỹ chưa? Lấy chồng bằng tuổi sẽ khổ cả đời”. Mình trả lời bằng một tờ giấy đăng ký kết hôn.

      Ngày mình quyết định sinh con, cũng có người nói với mình: “Lấy chồng không nên sinh con sớm. Hôn nhân dễ đổ vỡ”. Mình trả lời bằng việc bé con của mình ra đời và hai vợ chồng luôn cùng nuôi dạy con.

      Mỗi ngày đều ngập tràn niềm vui khi chồng đi làm, mình ở nhà chăm con, nhắn tin khoe: “Hôm nay, bạn Dâu đã đi được 3 bước… Hôm nay, bạn Dâu biết vỗ tay hoan hô… Hôm nay, bạn Dâu ngủ dậy biết vịn cổ thơm thơm vào má mẹ…”. Bạn chồng thường nhắn lại: “Bạn mẹ và bạn con đều giỏi. Thơm hai bạn. ”.

      Mình không tính số thời gian người ta ở bên nhau bao lâu để đo giá trị của một cuộc tình, mình chỉ cần mỗi ngày trôi qua, mình luôn thấy lòng hân hoan, gia đình nhỏ của mình vẫn bình yên như vậy. Còn lại, cuộc tình dài hay ngắn, sâu sắc hay nông nổi, cũng chỉ là sự đánh giá nhất thời trong ánh mắt của người ngoài thôi. Hãy sống bằng tất cả tin yêu – chỉ cần đủ cho một ngày, chỉ cần biết mình đang sống vui hôm nay, còn ngày mai và lời hứa mãi mãi ở bên nhau cũng chẳng còn quan trọng nữa. Bởi chỉ cần mỗi ngày qua đi, qua đi như thế… Há chẳng phải sẽ là mãi mãi sao?

      Hôn nhân giống như đôi giày, chọn giày vừa chân hay bất chấp tất cả để chọn một đôi giày đẹp mà không vừa là do mình. Thế thì làm sao biết đôi giày kia phù hợp với mình? Thật ra, cuộc đời này, tình yêu chỉ là một thứ hormone, khoa học đã chẳng chỉ ra sau hai năm yêu nhau, cái thứ hormone khiến người ta phát cuồng, hứa hẹn thề nguyền và sẵn sàng làm những điều mà sau này nhìn lại – ai cũng sẽ chép miệng “điên rồ” đấy sẽ hết sạch sành sanh, và cái để giữ chân nhau lại khi đó sẽ chỉ là “tình nghĩa”.

      Tình nghĩa sẽ tạo ra một đôi giày hôn nhân bền vững, vừa vặn với mình. Khi đó, những khiếm khuyết rất nhỏ của nhau cũng sẽ được bỏ qua. Cái tình nghĩa ấy chỉ cần một chút yêu thương nhưng cần rất nhiều sự cảm thông, tôn trọng, tin tưởng và nhường nhịn. Tình yêu ấy mà, người ta cứ nghĩ nó phải vĩ đại lắm, cao siêu lắm. Thật ra, ngoài hai năm đầu bị hấp dẫn đến cuồng si do bị hormone lèo lái, người ta đều thấy, tình yêu của mỗi người sau đó còn lại như một đức tin vào tín ngưỡng.

      Vậy thì, khi ai đó nói với bạn rằng, cuộc tình này không hợp, cuộc tình kia không hợp… thì hãy mỉm cười, tiếp tục và luôn tin vào bản thân mình, trên địa cầu này, chẳng có người nào sinh ra là để thuộc về nhau. Lắm khi trong một mô hình, hai mảnh ghép còn bị vênh, huống hồ, con người đều là những cá thể riêng lẻ, tính cách mỗi người một vẻ, có giống nhau cũng chỉ là một vài sở thích. Vậy, khi hormone cuồng si qua rồi, chúng ta còn lại gì để cho nhau? Còn rất nhiều, không phải chỉ có tình yêu. Chúng ta còn trách nhiệm với gia đình, với bản thân và với xã hội. Tình yêu cứ hết, người ta lại bỏ nhau đi, khi ấy, những con người trên địa cầu này sẽ phải tìm gặp để thử yêu nhau bao nhiêu lần cho đủ? Rồi sau đó, họ chia tay, đổ lỗi cho hormone đã hết, hay duyên phận, hay số tướng không hợp nhau? Mà thời gian là thứ có hạn kỳ thôi.

      Thì vậy đó, chúng mình sẽ giữ nhau lại bằng những ràng buộc rất dễ tạo ra. Bằng trách nhiệm cùng nuôi dạy và đảm bảo tương lai cho con cái, bằng việc đảm bảo hạnh phúc cho đối phương mà mình đã chọn gắn bó, bằng những chia sẻ và niềm tin cho nhau trước đoạn đường phía trước rất dài… Với người vợ, hãy luôn là người hậu thuẫn đáng tin trong gia đình cho chồng, dù ở thời đại nào đi nữa, một người vợ tốt vẫn là “giữ nhà, giữ bếp”, khi hơi ấm trong ngôi nhà vẫn luôn còn, thì người đàn ông sẽ có trách nhiệm trở về. Với người chồng, hãy luôn là người trụ cột đáng tin trên tất cả mọi việc, không chỉ là kiếm tiền. Chỉ cần đôi lúc, anh vào bếp, rửa giúp vợ mấy cái chén, nhặt giúp vợ mớ rau, hay hỏi vợ một câu: “Em có mệt không?”, đơn giản thế thôi, người vợ nào cũng sẽ là người hạnh phúc.

      Vợ bớt cằn nhằn, mỉm cười nhiều hơn với chồng, cảm thông những khó khăn trong công việc nhiều hơn với chồng, còn chồng, bớt đi thời gian cho những cuộc nhậu nhẹt, la cà, dành thời gian cuối tuần đưa vợ, con đi chơi, quan tâm đến gia đình nhiều hơn, mỗi hành động nhỏ ấy sẽ giúp chúng ta ở lại bên nhau, mỗi ngày đều thật sự trọn vẹn và mãi mãi chẳng còn phải là một lời hứa.

      60 năm cuộc đời, là dài khi người ta đem nó để đo giá trị bền vững hay sâu sắc của một cuộc tình, nhưng sẽ thật ngắn khi đo niềm vui của mỗi ngày và bình yên của hôm nay chúng ta đang có. Nên, hãy giữ chặt lấy những gì mình đang có hôm nay, không phải chỉ bằng tình yêu, mà còn bằng niềm tin và nhân nghĩa giữa con người, chồng nhé, vợ nhé!

      Comment


      • Người già : Ở với ai?

        Bà Ba Phải -Kim Anh Vũ

        Hôm qua tôi nói chuyện mình rồi – có nghĩa là tôi không nói chuyện thiên hạ sự nữa mà nói chuyện của tôi.

        Hôm nay tôi có chuyện này – cũng là chuyện của tôi - đem ra bàn mí cụ.

        Đó là cái chuyện, hai vợ chồng già, khi một người ra đi thì người còn lại nên ở với ai ?

        Với con trai hay ở với con gái hay là ở một mình, hay là đi tìm một mình mới để cho có người bầu bạn ?

        Những vấn nạn này, chẳng phải đợi đến khi một anh khoác áo chinh nhân lên đường cứu quốc, lúc đó mới đặt ra câu hỏi thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây, mà chúng đã được đặt ra từ khi các khỉ con đã có vợ có chồng, có gia đình riêng, ra ở riêng tất cả, trong nhà chỉ còn lại hai con khỉ già ngồi nhìn nhau hết ngày này qua ngày khác.

        Ngày xưa ở Việt Nam, chẳng làm gì có những chuyện này mà cần phải đặt thành vấn đề.

        Vì theo tập tục, cha mẹ già là ở với con trai lớn.

        "Trẻ cậy cha già cậy con" là lý trí đương nhiên. Chẳng có gì cần bàn cãi. Nhưng ngày nay, đây lại là cả một vấn đề lớn.

        Tôi còn nhớ, những năm sau đây, nhóm bạn già chúng tôi đã có lập trường vững chắc, đã viết ra một bản nội qui cho hội, và tất cả đều nhất trí - kiểu Việt... - 100% là khi các con cái ra riêng, thì hai vợ chồng già ở mí nhau là hạnh phúc nhất đời.

        Đó là một sự tự do tìm lại được sau những ngày tháng miên man lo làm bổn phận mà quên mất hạnh phúc riêng tư.

        Cứ cho như lúc này là một cuộc hôn nhân mới, một tự do son rỗi mới, một tuần trăng mật triền miên.

        Cần phải biết tận hưởng bằng cách cùng nhau tổ chức những tuần trăng mật thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ vân vân và vân vân cho tới khi nào sụm bà chè không đi được nữa thì sẽ tính.

        Khi nào một anh bỏ cuộc chơi, lên đường vinh quang thì anh kia sẽ tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà lo liệu lấy thân. Nhưng tất cả đều đồng thanh, không nên ở với con, cho dù là con trai hay con gái, cho dù là con mình sinh ra toàn là những gương mẫu nhị thập tứ hiếu không à.

        Cũng không nên ở chung, mất tự do của mình mà lại ảnh hưởng tới hạnh phúc của con.

        Đấy là chưa kể, trường hợp mình vô phúc, chẳng may, vụng về, khê nát, đẻ ra toàn là hột vịt ung, hột gà thối, thì đừng bao giờ nghĩ chuyện ở chung cho nó thêm phiền não.

        Trong đầu óc chúng tôi - những hội viên của hội lão này

        - cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con, của bạn bè về những vụ ở chung với con cái.

        Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết, mà đều là bẽ bàng, dại dột.

        Bố hay mẹ góa, nghe lời ngon ngọt của con - trai hay gái

        - bán nhà, đem tiền về gửi con, rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu.

        Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật, khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như công lớn, chúng bèn nhắc nhở, khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm, chỉ đến ngày thứ ba là ươn, là thối sình lên rồi.

        Thế là ông bà già tức tưởi, khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng.

        Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì. Cụ nào cũng tắc lưỡi nói, vẫn biết đây là chuyện hàng xóm, con mình chả đến nỗi thế, nhưng ...

        - nó ở nhà mình thì mình là chủ , nhưng nó vẫn coi là nhà của nó..

        - nhưng mình ở nhà nó là không được, vì

        - nhà nó là nhà nó, không phải là nhà mình, nó là chủ mà mình là người ở nhờ.

        Có cụ thành thật chia sẻ. Ở nhà nó thì khi mình còn sức khỏe, làm vú em, làm chị sen, chị bếp cho chúng được thì vui, nhưng mà trông cháu coi vậy mà không phải vậy, mệt cầm canh.

        Nhất là khi mỗi đứa một loại tuổi, đứa thì bú sữa, thay tã, đứa thì thoáng một cái là chạy mất tiêu mất hút, chẳng biết đâu mà tìm, đứa đi đá banh, đứa đi học võ.

        Ông hàng ngày đưa đi, đón về, lái xe còn nhiều hơn cả tài xế taxi. Cụ nào như cụ ấy, ai cũng nghĩ không nên và không thể ở được với con.

        Thế mà lâu lâu vẫn có cụ bị mắc lỡm, bị vào tròng.

        Đã bảo là miệng thì khôn, nhưng đôi khi hành động lại không khôn.

        Cho nên, lâu lâu vẫn có cụ bị con lừa, ngậm một mối căm hờn trong nhà dưỡng lão.

        Và đề tài câu chuyện của các cụ trong nhà dưỡng lão luôn luôn vẫn là những chuyện nhị thập tứ bất hiếu thời nay.

        Nhưng mà, cụ cũng đừng coi những chuyện trên đây là thông lệ hay ngoại lệ, chỉ biết rằng lâu lâu lại có một chuyện như thế.

        Cụ nào không may thì gặp phải loại con Lý Tường, chứ không phải đứa con nào cũng là Lý Tường cả.

        Thôi thì cứ cho là, kiếp trước mình nợ nó, bây giờ nó trở vào làm con mình để nó đòi nợ.

        Chứ thực ra thì, con tôi đâu có thế, mà con cụ cũng đâu có vậy. Tuy nhiên, dù sao thì cũng chẳng nên lợi dụng lòng tử tế của nó. Cứ ở một mình là yên chuyện.

        Trừ khi nào không thể ở được một mình nữa thì hãy tính. Nếu trời bắt u mê chẳng còn biết ai vào với ai, thì ở đâu mà chả giống nhau, ở nhà nó hay ở nhà mình, mà cho dù có ở trong viện dưỡng lão, thối tha, bẩn thỉu thì cũng có biết gì nữa đâu mà chịu mí lị không chịu!

        Tôi luôn luôn lấy làm mãn nguyện, luôn miệng cám ơn Trời, đã thương tôi cho tôi những đứa con - chả được như nhị thập tứ hiếu, nhưng cũng không đến nỗi thuộc loại nhị thập tứ bất hiếu – chúng là những đứa con có tình, biết điều, có giáo dục, nói tóm lại là có hiếu.

        Nhiều cụ nghe tôi khoe con, có vẻ lấy làm cay cú, hỏi mát tôi rằng, con cụ hiếu thảo thế, nhà cửa chúng lại đầy đủ tiện nghi, sao cụ không dọn về ở với một đứa, có phải vừa ấm cúng lại vừa đỡ tốn tiền thuê nhà không?

        Câu hỏi rất có lý, nhưng mà tôi cũng đã suy đi tính lại nát ra rồi cụ ạ.

        Tôi thấy cái lý luận con ở với bố mẹ thì bố mẹ vẫn là chủ, nó là con, còn bố mẹ ở chung với con thì nó là chủ mà mình là người ở nhờ.

        Đúng không thể chê vào đâu được.

        Ở với con không được vì con tôi đứa thì có gia đình cả 35 năm nay, thằng út cũng lấy vợ năm nay là 20 năm rồi.

        Đứa nào cũng có một nếp sống riêng tư của chúng, tôi cũng có những thói quen của tôi.

        Chẳng ai có thể bỏ nếp sống quen thuộc của mình mà hòa nhập vào một nếp sống khác.

        Cho nên, nếu tôi muốn thoải mái, cứ sống một mình là khỏe. Được cái Trời thương, tôi thường làm bạn với những người chết, đã quen rồi.

        Khi mẹ tôi mất, tôi thấy mẹ tôi vẫn còn sống và sinh hoạt trong nhà tôi cả đến 3, 4 năm sau mới không thấy cụ đi ra đi vào nữa.

        Ngày nay ông Xã Xệ, tôi để tro của ông ở nhà, cho nên tôi cảm thấy như ông vẫn còn đấy.

        Lạ một cái tôi không mơ thấy ông và cũng không nhìn thấy ông, nhưng tôi vẫn cảm thấy sự hiện diện của ông ở trong nhà, và nghe thấy tiếng ông gọi tôi.

        Cũng nhờ tôi không sợ ma, cho nên tôi sống với hình ảnh của ông , cùng với hộp tro của ông cũng không thấy sợ, mà còn cảm thấy ấm cúng.

        Tôi không cảm thấy là tôi đang sống một mình, mà vẫn sống hai mình như thường.

        Cho nên câu hỏi ở mí ai không áp dụng cho tôi!

        Comment


        • Bài viết rất thực tế , cám ơn anh Cường đã chia xẻ:

          Hôm nay , suốt một buổi chiều thì việc làm của T cũng “ một ngày như mọi ngày , cho đến gần giờ về , thì , bỗng T nghe gọi cần mọi người đến phòng số …vì có “Code”, nhanh chóng đến , và mọi người được chia việc như gọi 911, làm CPR….và xe cấp cứu đến rất nhanh trong vòng 10 phút, nhưng bác A có lẽ không make it, nhưng điều làm T thấy buồn nhất là , chồng bác A cũng ở chung phòng , nhưng vì bị bệnh quên lãng , vì vậy từ lúc cấp cứu cho đến lúc bác A được đưa đi bệnh viện , bác B cũng không hiểu , đó chính là vợ mình , mà chỉ đứng xa xa nhìn vào ….

          Cho nên T nghĩ , bây giờ , đừng buồn , đừng giận , đừng trách …mà cứ vui từng ngày và chấp nhận… , vì thật sự con cháu mình sẽ rất bận rộn cho cuộc sống , sự văn minh, phát triển , phương tiện và kỹ thuật, tạo nhiều tiện nghi cho cuộc sống…. đi đôi với tốn kém tiền bạc , cũng như đòi hỏi lớp trẻ phải phấn đấu nhiều hơn để có thể trả bills so với cuộc sống đơn giản của thế hệ chúng ta, T nghĩ như vậy .

          Và khi đến tuổi như bác A , B…thì có lẽ ai chăm sóc ai , hoặc mình sẽ ở chung với ai …hình như không còn quan trọng nữa phải không ạ????
          Đình Hương

          Comment


          • Các bạn thân mến

            Hoàn toàn đồng ý với bạn ĐH ! Hello Tuổi Già! Người già - Ở với ai? bài viết quá sức hay và thực tế cho cuộc sống ở quê hương thứ hai . Thế nhưng , chúng ta lại là thế hệ thứ nhất ở hải ngoại : một mặt tiếp thu cái mới , nhất định không dựa vào con cái lúc về già , đến lúc không tự lo được cho bản thân thì sẽ " anh dũng " trực chỉ viện dưỡng lão . Mặt khác lại không thể bỏ được cái cũ : áp dụng những điều nầy cho bậc sinh thành của chúng ta cho dù cách nào cũng có đúng có sai .




            Điều đáng nói là hiện nay ở hải ngoại, thế hệ thứ nhất còn rất nhiều và những trường hợp dở khóc dở cười khi hy sinh tất cả cho con cái cũng như hạnh phúc vợ chồng bị sứt mẻ vì chữ hiếu với cha mẹ ... cần được học hỏi, rút kinh nghiệm để khi chúng ta tới giai đoạn đó, hy vọng sẽ có hướng giải quyết tốt hơn .

            Cám ơn anh Cường đã giới thiệu một bài viết hay, cám ơn ĐH cho những lời khuyên chân thành, đúc kết từ nhiều năm "méo mó nghề nghiệp" mới có được !

            Thân ái

            NTT

            Comment


            • Tôi và Mẹ

              Lâu lắm tôi vẫn chưa đăng bài nào trong mục này. Sắp tới mùa Lễ Vu Lan, xin mời các bạn đọc một bài viết "TÔI VÀ MẸ", được sưu tầm trên internet.

              (Viết từ bài của một người con.

              MIMOSA Phương Vinh, Berryhill-TN)

              Tôi và mẹ có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng có một điều không hề khác biệt: đó là tình thương giữa tôi và mẹ. Mẹ rất thương tôi, tôi biết chăc chắn điều đó, còn tình thương tôi đối với mẹ, tôi ít khi nói ra, tôi giữ nó riêng cho trái tim mình và không muốn một người nào biết. Cho nên tôi nói: không bao giờ có sự khác biệt giữ tình thương cuả mẹ và tôi.

              Mẹ đến nước Mỹ khi đã quá bốn mươi tuổi với mớ hành trang và quá khứ tràn đầy cay đắng mà thỉnh thoảng người hay nhắc lại cho chúng tôi nghe. Có những câu chuyện mẹ nhắc lại hàng trăm lần, tôi tin chắc là thế nhưng nói ra mẹ sẽ giận và cho tôi là đứa hay thêm bớt. Tranh cải với mẹ là điều không nên vì lẽ rằng: mẹ luôn luôn là người thắng cuộc và hơn nữa mẹ không muốn con cái lý sự với mẹ. Thua mẹ hay nhịn mẹ có gì là xấu xa đâu.

              Tôi đến nước Mỹ khi tôi lên bảy tuổi cùng mớ kỷ niệm là những ngày chơi đùa, chạy nhảy trong khu vườn rộng nhà ông ngoại với lũ trẻ hàng xóm. Tôi có nhiều kỷ niệm ở trường học với những bạn bè cùng màu da, cùng ngôn ngữ. Khi theo mẹ đến Mỹ sống giữa căn hộ chật chội trong một khu cư xá buồn bã, tù túng bởi những dãy tường gạch đỏ lạnh lùng, tôi thật sự chẳng thích tý nào cả. Sau đó tôi bị bỏ vào trong trường học nơi có những đứa trẻ xa lạ khác hẳn tôi về nước da, màu tóc. Và tiếng nói nữa trời ạ, chúng nói gì tôi chẳng hiểu và mỗi lần tôi nói chúng lại cười ầm lên. Tôi muốn khóc và đâm ra giận mẹ đã đem tôi đến xứ sở xa lạ này. Nhiều lần tôi đem điều này nói với mẹ, mẹ chỉ cười và nói:

              - Không sao đâu, lo là lo cho những người già như mẹ chứ những người trẻ như con chẳng mấy chốc sẽ hiểu và nói tiếng Anh như gió.

              Tôi cô đơn và buồn khổ. Ôi, có ai thấu hiểu nổi buồn cuả một thằng bé da vàng, mũi tẹt giữa một đám người không cùng chủng tộc, không có ai hiểu cho tôi cả dù đó là mẹ tôi. Hạnh phúc cuả tôi là những giờ sau buổi học, được về nhà với mẹ và chị ngồi xem Ti Vi phim hoạt họa trẻ em, điều này thì ở xứ sở Mỹ khá hơn bên quê nhà. Trong lòng tôi nảy sinh một niềm tức tối và một lời nguyền: “Được rồi, tôi sẽ cố nghe và hiểu cái ngôn ngữ đáng ghét kia cho đến một ngày tôi sẽ nói thẳng vào mặt những đứa dám khinh khi, đùa cợt trên nổi đau khổ cuả tôi, một đứa con trai khác giống bị mang đến đất nước này“.

              Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn cuả một thằng bé cô đơn trên nước Mỹ. Mẹ và cha tôi chia tay nhau khi đến đây chưa đầy hai tháng, bởi lẽ giữa hai người đã có sự rạn nứt từ bên Việt Nam. Cha tôi đi về một Tiểu Bang khác, mẹ đi làm để lo cho tôi vào lớp hai và chị tôi vào Trung Học. Sau buổi học, mẹ gởi tôi ở một nhà quen người Việt Nam và mẹ sẽ đón tôi sau giờ đi làm về. Là một đứa bé, tôi không có ý niệm về thời gian, chờ mẹ quá lâu nên có nhiều lần tôi lén trốn về căn hộ cuả chúng tôi. Cửa đóng im ỉm, có nghĩa là mẹ chưa về. Tôi nhìn quanh: tuyết ngập trắng xoá khắp nơi, tôi buồn và nhớ mẹ thắt cả ruột gan. Tôi mở cặp, xé một tờ giấy viết nguệch ngoạch hàng chữ Việt Nam:

              - Sao mẹ chưa về?

              Tôi dùng băng keo dán tờ giấy lên cánh cửa rồi lén trở lại ngôi nhà người quen. Mọi người lo coi phim Tàu nên chẳng ai chú ý đến tôi. Tôi đi về nhà thêm một lần nữa, cánh cửa vẫn đóng kín tờ giấy có chữ viết cuả tôi đã bị gió cuốn đi mất.Tôi xé thêm một trang vở và viết:

              - Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa về?

              Tôi dùng thật nhiều băng keo dán tờ giấy vào cánh cửa rồi trở ra đường. Tuyết vẫn trắng xoá khắp nơi, trời lạnh và buồn chi lạ. Tôi bỗng gặp anh Thanh là người hay đến nhà tôi để giúp đở và chuyện trò với chị Khánh Phương tôi, anh ngạc nhiên khi thấy tôi một mình giữa vùng tuyết lạnh, không có một đứa trẻ nào ra ngoài trong bầu không khí giá buốt này:

              - Ủa, em đi đâu vậy Minh? còn mẹ và chị Khánh Phương đâu rồi?

              - Mẹ đi làm chưa về, chị Phương đi học.

              Anh Thanh nắm tay tôi dắt về nhà anh ấy, mở ti vi cho tôi xem và tôi ngủ quên ở đó cho đến tối mịt.

              Khi anh Thanh đem tôi về trả lại cho mẹ thì gia đình tôi đang vô cùng hổn loạn, mẹ khóc bù lu vì tưởng tôi đã bị bắt cóc. Sau này tôi mới biết bác Thu (người mà mẹ nhờ giữ tôi) khám phá tôi đi mất, bác hoảng hốt đi tìm thì nghe có người trong khu cư xá nói thấy tôi lang thang một mình ngoài đường. Mẹ vừa khóc vừa nói:

              - Nếu con thương mẹ đừng đi ra ngoài đường một mình nghe Minh!

              Tôi ngây thơ hỏi mẹ:

              - Mẹ có nhận được thơ con gởi cho mẹ không?

              Mẹ tôi chưng hửng:

              - Thơ gì?

              - Thơ con dán trên cánh cửa đó!

              Mẹ vừa cười, vừa khóc và chìa tờ giấy cho tôi:

              - Con không cần viết thơ cho mẹ, cứ ở yên trong nhà bác Thu như vậy là con thương mẹ đó Minh à! Con nhớ chưa?

              Tôi gật đầu và sau đó ráng ở nhà bác Thu sau giờ học để chờ mẹ đón về, dù rằng ở đó thật là chán vì bác Thu có hai đứa con gái xuýt xoát tuổi tôi, tụi nó nói chuyện và cải nhau luôn mồm bằng tiếng Mỹ (tụi nó qua trước tôi và không bao giờ nói tiếng Việt), còn thằng em tên là David thì luôn luôn lục cặp tôi để phá phách.Tôi không nói cho mẹ nghe những điều này, chịu đựng cho đến khi mẹ dọn nhà đi nơi khác. Ôi thời gian đó thật là lâu!

              Học được một năm ở lớp hai, tôi không nhớ là tôi học như thế nào mà sắp sửa vào niên học mới bà Misty kêu điện thoại nói với mẹ rằng: bà muốn tôi học lại lớp hai một năm nữa. Bà Misty là một người đàn bà Mỹ nhân hậu, dễ thương. Chồng bà là Mục Sư Tin Lành có thời gian làm việc ở Việt Nam, ông bà nói tiếng Việt khá lưu loát và đặc biệt là rất yêu người Việt Nam. Bà Misty dạy học trong trường Bruce và luôn luôn giúp đở những trẻ em mới qua tỵ nạn trên nước Mỹ.

              Khi nghe bà Misty đề nghị như vậy, tôi khóc nức nở và tuyên bố:

              - Mẹ nói với bà Misty rằng: nếu bà bắt con ở lại lớp hai còn sẽ không bao giờ đến trường nữa.

              Tôi bỏ ăn và khóc sưng cả mắt, chị Khánh Phương phải gặp bà để trình bày về phản ứng dữ dội cuả tôi. Một buổi tối bà đến nhà và hứa sẽ cho tôi lên lớp ba và bảo tôi đừng buồn phiền nữa. Giọng bà dịu ngọt, khuôn mặt bà nhân từ. Tôi nói với bà tôi sẽ cố gắng học trong niên khoá tới cho bà vui lòng. Tôi mang hình ảnh dịu dàng, đẹp đẻ cuả bà Misty trong suốt cuộc đời và tôi luôn luôn giữ lời hứa với bà là tôi sẽ cố gắng học.

              Tôi có rất nhiều kỷ niệm với mẹ khi đêm đêm mẹ giúp tôi làm bài hay làm toán đố. Thuở còn đi học ở Việt Nam mẹ học sinh ngữ chính là Pháp văn, cho nên mẹ gặp khó khăn về Anh Ngữ khi giúp tôi làm bài. Mẹ phải vừa tra tự điển trong khi dạy tôi, cho nên hầu như đêm nào mẹ con tôi cũng thức rất khuya để làm homework. Sức học tôi bắt đầu khá khi tôi lên lớp bốn, lớp năm. Có lần mẹ đến trường để họp Phụ Huynh Học Sinh thì Miss Reagan là cô Chủ Nhiệm đã nói với mẹ:

              - Có phải bà có giúp Minh hằng đêm để làm bài không?

              Mẹ tôi nói:

              - Tôi có làm điều đó, như vậy là không tốt hay sao?

              Miss Reagan xua tay:

              - Tôi không có ý nói như vậy, tôi rất hân hạnh khi thấy Phụ Huynh cùng cộng tác với chúng tôi trong việc dạy dỗ học sinh. Xin cảm ơn bà.

              Tôi hãnh diện khi nghe cô nói như vậy, mẹ luôn luôn tham dự các buổi họp Phụ Huynh học sinh dù tiếng Anh cuả mẹ không giỏi lắm.

              Những năm sau đó, tôi du nhập dễ dàng vào đời sống học sinh ở Mỹ và trở thành một trong những học sinh giỏi trong lớp và đến một ngày nào đó mẹ tuyên bố là không thể giúp tôi được nữa. Dù sao tôi cũng cảm ơn mẹ đã giúp đỡ tôi trong những bước đầu khó khăn. Tôi lên Trung Học, mẹ vẫn không bao giờ từ chối những buổi họp ở trường dù mẹ rất bận rộn trong công việc ở sở và bếp núc cho chúng tôi. Rồi chị tôi tốt nghiệp Đại Học tìm được việc làm giúp mẹ và tôi ra Trung Học với bài diễn văn chào mừng quan khách (salutatory).

              Học hành đôi lúc rất khó khăn, khổ sở làm cho tôi chán nản, nhưng nhớ đến khuôn mặt hớn hở cuả mẹ mỗi khi nhìn bảng Report card hằng tháng tôi mang về là tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng thêm nữa.Tôi chỉ muốn làm cho mẹ vui thôi. Như nhiều người đàn bà trên đời mẹ ưa nói chuyện và nói nhiều nữa, trái lại tôi là một đứa con trai ít nói. Tôi sống câm nín với mặc cảm không có một người cha hay nói đúng hơn tôi có một người cha vô trách nhiệm. Ông bỏ ra đi không một lần về thăm viếng vậy mà tôi vẫn phải mang cái họ cuả ông (thật là vô lý). Tôi muốn đổi họ nhưng mẹ không cho, mẹ nói như thế là có tội với tổ tiên. Có nhiều lần tôi nói về cha tôi bằng những ngôn từ không được tốt đẹp lắm thì mẹ dọa rằng tôi sẽ rơi vào điạ ngục vì tội bất hiếu. Tôi hỏi mẹ:

              - Còn những người cha bỏ con, sống vô trách nhiệm thì sẽ đi về đâu. Thiên đàng hay địa ngục hả mẹ?

              Mẹ nói:

              - Mẹ không biết rỏ điều đó, tuy nhiên mẹ tin rằng ở đời có luật nhân quả con ạ!

              - Nghiã là sao hả mẹ?

              - Nghĩa là ai làm việc ác sẽ gặp điều ác, còn ai làm điều lành sẽ gặp sự lành. Con tin mẹ đi, không ai thoát khỏi định luật đó đâu.

              Tôi phản đối quyết liệt:

              - Con không tin điều đó, bao nhiêu người gian ác vẫn sống một cách hạnh phúc và bao nhiêu người hiền lành vẫn sống một cách thiệt thòí khổ sở. Như mẹ vậy đó, mẹ có làm điều gì ác đức đâu mà vẫn phải sống thua kém và nghèo hèn hơn mọi người. Đời mẹ có gì là sung sướng và hạnh phúc đâu. Con xin lỗi đã đem mẹ ra làm ví dụ trong cuộc trò chuyện cuả mẹ con ta hôm nay, tuy nhiên đây là điều thực tế nhất.

              Mẹ cười một cách khoan dung:

              - Không sao, con có quyền đem bất cứ ví dụ nào để bênh vực cho lý lẽ cuả con. Mẹ chỉ muốn hỏi con rằng: sao con biết những người gian ác đang hạnh phúc và sung sướng. Hay con đang nhìn thấy những gì họ đang có mà đi đến kết luận đó! Còn mẹ, sao con nghĩ là mẹ không hạnh phúc. Mặc dầu mẹ rất nghèo nàn, phải làm việc vất vả để lo cho các con nhưng mẹ cảm thấy rất là hạnh phúc khi được sống gần các con. Mẹ chọn con cái làm hạnh phúc cuả mình, mẹ không cần chú ý đến sự thương hại hay ý nghĩ cuả mọi người đối với đời sống cuả mẹ. Mẹ có lý tưởng cuả mẹ. Con nghĩ mẹ có một đời sống quá nhàm chán, quá eo hẹp phải không Minh và con cảm thấy sorry cho mẹ chăng?

              Mẹ cười và chờ câu trả lời cuả tôi, trong khi tôi đang lúng túng không biết nói như thế nào để đừng làm mẹ buồn thì mẹ hỏi tôi:

              - Con có thương mẹ không?

              Tôi nói nhanh:

              - Điều đó chắc mẹ đã hiểu. Con biết mẹ đặt nhiều hy vọng vào con. Mẹ biết không, đôi lúc con chán học lắm, con chi muốn bỏ tất cả rồi đến đâu thì đến…nhưng khi nghĩ đến mẹ con tự nhủ là minh phải cố gắng thêm nữa!

              - Mẹ hy vọng nhiều vào con, điều đó rất đúng. Nhưng tất cả chỉ vì tương lai cuả con thôi, có thể bây giờ con chưa hiểu bởi vì con rất là trẻ. Tuổi trẻ yêu tự do và sống bất cần mọi thứ, nhưng tuổi trẻ cũng có nhiều sự lầm lỡ mà mình phải trả cho hết cả cuộc đời con ạ!

              Và mẹ nói tiếp:

              - Khi con nói con nghĩ đến mẹ, thế là đủ rồi! Con lại lo học hành vì sợ mẹ buồn, mẹ cảm thấy rất là hạnh phúc, tại sao con lại cảm thấy sorry cho mẹ?

              Tôi không nói gì cả, cứ cho là mẹ có lý đi. Mẹ luôn luôn có lý mà.

              Tôi đã nói: Mẹ và tôi có nhiều điểm bất đồng ý kiến. Mẹ luôn luôn là người thắng cuộc nhưng đôi lúc tôi biết mẹ cũng lúng túng vì những lý luận cuả tôi. Mẹ hay chê những đứa con bỏ nhà cửa đi lang thang đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no vì một lý do nào đó, dù cha mẹ họ rất giàu có. Tôi nói với mẹ về một bực vĩ nhân mà mẹ rất tôn sùng, bái phục đó là Phật Thích Ca:

              - Con nói điều này mong mẹ đừng buồn nghe, nếu Phật Thích Ca sanh vào thời cuả mẹ chắc chắn rằng mẹ sẽ không bao giờ tán thành việc ông ta đi tu.

              Trong khi mẹ đang ngạc nhiên cùng cực thì tôi phát biểu:

              - Đó là một vị Thái Tử sang cả, quí tộc mà bỏ nhà ra đi vào nơi gió bụi vì một lý tưởng mà chưa ai tưởng tượng ra được. Nếu Phật Thích Ca mà có một người mẹ như mẹ thì chưa chắc gì ông ta được yên thân mà tu hành. Mẹ sẽ là người đầu tiên phản đối việc ra đi tìm đạo cuả ông ta. Như mẹ thấy đó bao nhiêu nhạc sĩ nổi tiếng cũng đã từng sống trong những gầm cầu thôi. Người ta chê cười những người có cuộc sống không bình thường là khùng điên, khờ dại và người ta chỉ ca tụng những người dám đem cuộc đời mình ra làm thí nghiệm khi họ thành công mà thôi.

              Tôi nói tiếp:

              - Con rất là yêu hội họa, yêu đàn hát, mẹ nghĩ sao nếu có một ngày con sẽ xách gói ra đi. Nếu con thành công người ta sẽ ca tụng con. Nếu con thất bại con sẽ là một thằng khùng điên…Nói đùa với mẹ thôi, chứ chắc chắn con sẽ không làm điều đó vì con không muốn làm một đứa con bất hiếu để cho mẹ buồn phiền. Có đôi lúc vì tình thương người ta phải chối bỏ những điều mình ưa thích nhất.

              Mẹ không nói gì cả, tôi thấy mẹ hơi suy tư đôi chút. Thỉnh thoảng mẹ góp nhặt vài ba bức tranh cuả tôi rồi treo trên tường, ngắm lui, ngắm tới và đôi lúc tôi ngạc nhiên về sự phê bình khá chính xác về màu sắc hay bố cục cuả những bức tranh. Chị Khánh Phương hay phàn nàn về những loại nhạc mà tôi sưu tầm hay đàn hát, chị nói:

              - Mầy tra tấn lỗ tai tao Minh ạ! Mẹ làm ơn nói Minh ngưng giùm cái loại nhạc ồn ào, khủng khiếp đó giùm con đi mẹ !

              Mẹ cười:

              - Vào phòng đóng cửa lại mà đàn hát, mẹ cũng sắp khùng rồi đây!

              Và mẹ nói với chị Khánh Phương:

              - Thay vì đi đập lộn thì nó đập vào đàn, thay vì đi cãi nhau thì nó hét vào nhạc như thế vẫn đỡ hơn con ạ !

              Chị Khánh Phương la oai oái:

              - Nói như mẹ thì còn gì để nói, ôi cái âm nhạc gì mà khủng khiếp quá!

              - Đó cũng là một phản ứng cuả tuổi trẻ, của con người mà thôi. Ai trong chúng ta cũng có những phút giây muốn la hét lớn lên hay đập phá một cái gì đó. Hãy để yên nó với cái loại âm nhạc đập phá cuả nó. Đó cũng là một phương cách để giải toả những căng thẳng, khủng hoảng cuả tâm hồn.

              Đó là mẹ tôi, một người đàn bà không thể gọi là tuyệt đẹp dưới cái nhìn cuả tôi. Người hay kể cho chúng tôi nghe rằng: có rất nhiều người con trai và đàn ông theo đuổi khi bà con trẻ. Thật là lạ khi trong thâm tâm tôi khi nghĩ về một người yêu hay một người vợ sau này, tôi vẫn mong muốn người ấy có những điều, những nét mà mẹ tôi có. Điều đó thật mông lung, mơ hồ mà thật sự nó đã trở thành nổi khát vọng trong tôi. Một nụ cười bao dung, một ánh mắt giận hờn hay những băn khoăn lo lắng thái quá vì tôi, vì đời sống tôi.

              Một người sinh viên rất nghèo trong một buổi trưa, sau giờ học cảm thấy rất đói bụng vì quá vội vã đã bỏ quên bữa ăn sáng. Người sinh viên ấy biết chắc chắn rằng mình không còn một đồng dính túi, thế nhưng hắn vẫn mở chiếc wallet theo một phản ứng tự nhiên với hy vọng còn tìm thấy vài đồng để mua một bữa ăn trưa đơn sơ. Và như một phép mầu thần tiên, người sinh viên nghèo đã thấy tờ giấy hai mươi đồng nằm gọn gàng trong Wallet Sau vài giây kinh ngạc, sửng sờ trong hạnh phúc hắn đã hiểu ai đã làm điều đó. Một người đã biết hắn rõ ràng như một tấm gương trong suốt. Một người biết hắn thức quá khuya nên dậy quá trễ, hắn đã bỏ bữa điểm tâm ở nhà để đi học với không một xu trong túi. Người đó là mẹ hắn. Người đó là mẹ cuả tôi.

              Ngày tôi tốt nghiệp Đại Học, trong những tiếng reo hò tở mở, ồn ào cuả đám đông khi tên tôi được xướng lên, tôi vẫn nghe được tiếng cuả mẹ kêu tên tôi trong cái đám đông cuồng nhiệt say sưa vì hạnh phúc đó. Mẹ đã không cần dấu sự vui mừng vô hạn cuả mình, bà đã có những phản ứng như một người trẻ tuổi trong men chiến thắng. Sau đó tôi gặp vị giáo sư toán nổi tiếng trong trường Đại Học, ông cười và nói với tôi:

              - Tôi biết mẹ anh, bà rất hạnh phúc lúc anh lên nhận bằng tốt nghiệp. Bà ngồi gần hàng ghế cuả chúng tôi. Xin chúc mừng anh và người mẹ cuả anh.

              Chắc chắn đó là mẹ cuả tôi. Tôi còn muốn học thêm nữa, nhưng sau khi học xong chương trình Master tôi phải đi dạy học để giúp mẹ vì mẹ đã bắt đầu già yếu nhiều rồi. Mỗi buổi sáng, mẹ vẫn dậy để lo cho tôi, để thắt cà vạt cho tôi và để nhắc nhở tôi mọi thứ. Tôi đến lớp bằng cái nhiệt tình cuả tuổi trẻ muốn đem những điều mình hiểu biết truyền lại cho đám học trò cuả mình.Rất tiếc nhiều lúc tôi cảm thấy rất cô đơn vì học trò tôi không cần điều đó dù rằng họ có nhiều điều kiện tốt đẹp, thuận tiện hơn tôi ngày xưa. Tôi, cái thằng bé mũi tẹt, da vàng bé loắt choắt ở trong khu cư xá ổ chuột, mỗi ngày chờ xe bus đến trường trong cái giá lạnh chết người cuả muà đông tuyết phủ. Những ngày mưa gió mẹ che dù đứng chờ xe với tôi dưới mưa. Những buổi tối hai mẹ con làm bài với cuốn tự điển nặng trĩu. Người ta đã không hiểu tôi muốn nói gì và ngược lại, và cho đến hôm nay tôi đứng trên bục giảng cho học trò tôi bằng cái ngôn ngữ đã làm cho tôi điên đầu, phát khóc trong những ngày xưa đó.

              Ngày nay thỉnh thoảng tôi có gặp phụ huynh học sinh, họ là người bản xứ ăn nói lưu loát. Có người cũng chú ý đến sự học hành cuả con cái ở trường, nhưng cũng có những bậc phụ huynh chẳng cần biết đến con cái họ học hành ra sao cả. Cũng có những bậc cha mẹ luôn luôn đòi hỏi con họ phải đạt được những điểm số thật cao trong khi họ biết chắc chắn rằng: con cái họ chẳng có một cố gắng nào trong lớp học. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một người đàn bà Việt Nam nhỏ bé, nói tiếng Anh bằng những âm sắc nặng nề, người đàn bà đó đã không bao giờ từ chối những lời mời cuả nhà trường để tham dự những buổi họp mặt với thầy cô. Người đàn bà di dân đã có nhiệt tình đem những kiến thức ít ỏi cuả mình để truyền đạt cho con cái. Người đàn bà đó bằng một số vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn cũng biết bắt tay và nói lời“cảm ơn” với thầy cô cuả con trai mình. Người đàn bà đó là mẹ tôi. Ngôn ngữ, kiến thức là một điều vô cùng cần thiết nhưng có đôi lúc bằng chính con tim và tấm lòng người ta vẫn có thể đến với nhau một cách dễ dàng nhất, có phải thế không?

              Một lần tôi trở về dự một buổi họp cuả những người thầy giáo mới vào nghề, tôi gặp Coffy người thanh niên đến nước Mỹ từ Ethiopia Anh ta dạy tiếng Pháp và Spanish. Đó là một người da đen thật lớn con với hai con mắt to, hiền lành và cái đầu nhẳn bóng, anh ta lớn hơn tôi vài tuổi. Gặp lại tôi Coffy không dấu được sự vui mừng, anh hỏi tôi về những hoạt động, công việc, học trò ở trường tôi đang dạy và hỏi về mẹ tôi:

              - Mẹ bạn có khoẻ không, nhớ cho tôi gởi lời thăm và cảm ơn một lần nữa về những gì bà đã giúp tôi. Tôi sẽ đến thăm mẹ bạn trong ngày lễ Thanksgiving.

              Coffy đến thành phố này để tham dự một chương trình huấn nghiệp, từ một Tiểu Bang miền Bắc nơi anh ta đã sống hơn 10 năm. Ban đầu Coffy sống chung vói một người bạn trong khu cư xá cuả trường Đại Học, nhưng khi người bạn trở về Phi Châu thì anh không có chỗ ở nên phải mướn tạm khách sạn chờ ngày nhận nhiệm sở mới. Trong những ngày thụ huấn tôi quen Coffy và hiểu những khó khăn về tiền bạc cuả anh ta, Coffy cần một chỗ tá túc khoảng ba tuần trước khi mướn một căn hộ khác vì tiền trả cho khách sạn quá đắt. Tôi đề nghị anh ta về nhà tôi ở tạm vài tuần, anh rất vui mừng nhưng e ngại gia đình tôi không bằng lòng. Tôi nói chuyện với mẹ và bà nhận lời. Khi chị Khánh Phương có vẻ phản đối thì mẹ tôi nói:

              - Dù khác màu da, ngôn ngữ nhưng cậu ta là người chịu khó học. Hơn nữa người ta chỉ cần ở vài tuần thôi, nhà mình còn phòng trống tại sao không giúp cậu ta lúc này. Mẹ giúp đở người ta để sau này các con trong những lúc lỡ bước, sa chân cũng có người giúp lại. Nào ai biết được tương lai cuả mình. Mẹ còn nhớ hồi …

              Tôi tiếp lời:

              - Hồi mẹ đi buôn đường Sàigòn, một lần xe bị hư giữa quãng đường Phú Cường, Phú Quốc…

              Chị Khánh Phương cười ré lên:

              - Nói sai rồi, làm gì có Phú Quốc ở giữa đường đi Sàigon!

              Tôi vừa cười, vừa sửa lại:

              - Giữa quãng đường Phú Cường- Phú Túc, có một gia đình kia cho mẹ và nhiều hành khách ngủ nhờ trong nhà mà chẳng lấy đồng tiền nào. Bà chủ nhà rất là nhân từ và là người Bắc di dân ...

              Chị Khánh Phương lại cười to:

              - Di cư chứ không phải di dân…đố Minh nhà bà ta có bàn thờ ai?

              - Bàn thờ Chúa và Đức Mẹ. Khi nhìn lên bàn thờ Chúa tuy mẹ là một người đạo Phật mà mẹ thấy lòng ấm áp vô cùng vì mẹ đang được ở trong một ngôi nhà cuả một người tử tế, giữa quãng đường vắng vẽ, quạnh hiu khi chuyến

              xe bị trắc trỡ một cách bất ngờ.

              Chị Phương khen tôi:

              - Trí nhớ tốt…mà không nhớ sao được khi mẹ đã kể đi, kể lại mấy trăm lần rồi Minh nhỉ!

              Mẹ làm mặt giận:

              - Những câu chuyện đó không kể đi kể lại thì kể chuyện gì đây, không lẽ mẹ kể chuyện mấy tên lơ xe đánh nhau sứt đầu lỗ trán hay sao?

              Chị Khánh Phương không phản đối về việc tôi mang Coffy về nhà nữa, có lẽ chị sợ một ngày nào đó tôi lang thang lỡ đường không ai đỡ đần, chứa chấp. Mẹ luôn luôn nhắc nhở chị ấy: phải thương tôi nếu quả thật chị thương mẹ. Chị Khánh Phương hay phàn nàn:

              - Thương mẹ thì dễ mà sao thương Minh thì khó quá quá!

              Tôi đồng ý với chị tôi:

              - Thương mẹ thì dễ mà sao thương chị Khánh Phương thì khó quá!

              Đó là mẹ tôi, người đàn bà Việt Nam bé nhỏ đứng ở cổng trường đón tôi trong những ngày đầu tiên tôi đến xứ Mỹ, bà phải cõng tôi về vì tôi không chịu đi bộ, không chịu đi xe bus mà nhà lại không có xe. Người đàn bà đó đã vào tận lớp học để đưa cho tôi bài luận văn, mà tôi đã bỏ quên ở nhà sau một đêm thức trắng để hoàn thành. Người đàn bà đã kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể chuyện trên trời dưới đất, với những từ ngữ Việt Mỹ loạn xà ngầu. Bởi lẽ rằng mẹ và tôi luôn có nhiều điều khác nhau lắm. Tôi bây giờ không nói và hiểu được tiếng Việt như mẹ. Mẹ không nói và hiểu được tiếng Anh như tôi. Điều khác biệt đó đôi lúc cũng gây ra nhiều phiền phức, nhưng thật ra cũng chẳng có gì là quá đáng khi mỗi chúng ta được đặt nằm trong trái tim và tình thương cuả những người mẹ.Trái tim người mẹ vượt lên trên sự giàu nghèo, sang hèn, ngôn ngữ cùng những phân biệt, ngăn cách cuả thế gian này và có khi còn vượt ra khỏi ranh giới cuả thiện ác nữa. Có thể đó là một điều thật khó hiểu …Trên đời này còn ai có thể yêu thương một tên tội phạm giết người, cướp của nữa …ngoài chính mẹ cuả hắn.

              Tôi vừa nhận được vài lá thư của những ngôi chùa trong thành phố gởi về nhà mời đi tham dự ngày lễ Vu Lan. Mẹ giải thích cho tôi đó là ngày lễ Báo Hiếu của vị chân tu đi xuống Địa Ngục để cứu mẹ mình vì ngày con sống bà ta làm nhiều điều gian ác. Một câu chuyện thật cảm động. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi: bà không làm điều gì gian ác vậy tại sao tôi không có gì để tặng mẹ trong ngày lễ Báo Hiếu này. Và đây là món quà tôi gởi cho mẹ, một món quà rất đơn sơ, nhỏ bé nhưng là tất cả tấm lòng của một người con trai gởi đến cho mẹ mình nhân ngày lễ Vu Lan.Tôi xin lỗi mẹ vì tôi phải viết bằng tiếng Anh nhưng tôi tin rằng mẹ sẽ vui lòng mà nhận lấy bài viết này.

              Comment


              • Hai Hình Ảnh Cuộc Đời

                Hình ảnh Thứ Nhất

                "Em lấy dùm anh cái kiếng" - nghe tiếng nói ngọt ngào của người đàn ông không còn trẻ, cô nhân viên bưu điện giật mình nhìn lên rồi "A" một tiếng, mỉm cười khi nhìn thấy cụ ông. Cụ bà nhanh nhẹn đưa ngay vật ông cần với nụ cười đôn hậu. Khách quen của cô đây mà, dù hai ông bà cụ không đến thường nhưng cô vẫn nhớ họ vì cách xưng hô thật dễ thương của đôi bạn già. Cả hai người không nói nhiều nhưng cứ nhìn vào mắt họ, đôi mắt đã mờ đục vì thời gian vẫn ánh lên những tia nhìn ấm áp của tình yêu đôi lứa...

                Hình ảnh Thứ Hai

                Thân tặng tất cả bạn hữu và ước mong sao trong tương lai vẫn còn những nụ cười cho nhau và nếu có ai gặp phải những tình cảnh khó khăn, thì hãy nên làm như ông Già trong Youtube Xin xem đoạn Youtube khá cảm động, rất tiếc đoạn phim nói tiếng Anh.




                Comment


                • KT cũng xin góp phần vào với những "Hình ảnh Tình yêu tuổi Già đẹp nhất".

                  Hình ảnh Tình yêu tuổi Già đẹp nhất. Hình ảnh hạnh phúc của các cụ già, tình yêu không tuổi, thật đáng khâm phục tình yêu son sắc của những người già.


                  Sưu tầm
                  Cheers!

                  Comment


                  • This is a true love and marriage is all about for the worst and the best.

                    Before she took care of him, now she has Alzheimer and his turn to care for her. He a very great man.

                    ND

                    Comment


                    • Hi Anh Chị,

                      Đoc những bài nói về tuổi già và tình yêu rất hay. Em đặt vài câu thơ vui về những cuộc tình dang dở gặp lại nhau sau vài chục năm ngăn cách:

                      Tình mình trắc trở bỡi phong ba

                      Giờ gặp lại nhau tuổi đã già

                      Đợi anh trồng lại hàm răng giả

                      Hội ngộ ca bài sao cách xa?

                      Chúc anh chị cười vui vẻ

                      :cuoilan:

                      Nga Pham K77NN

                      Comment


                      • Thơ Tiếu Tuổi Già

                        (unknown)

                        HT sưu tầm


                        Thời gian nào có đợi ai!

                        Cuối đời bước ngắn bước dài tới nơi!

                        - 60 đang tuổi ăn chơi;

                        Sáng, trưa, chiều, tối; hết ngồi lại đi.

                        - 60 là tuổi dậy thì.

                        Rất mê bác sĩ, thuốc gì cũng nghe.

                        - 60 thích gặp bạn bè;

                        Liền anh liền chị, dưa lê buôn dài

                        - 60 là tuổi thành tài.

                        Được con bổ nhiệm trông vài nhân viên.

                        - 60 là tuổi thần tiên.

                        Một mình lo liệu chẳng phiền cháu con.

                        - 60 là tuổi trăng tròn.

                        Thoái hóa xương khớp mạch còn vữa xơ.

                        - 60 là tuổi mộng mơ.

                        Đêm đêm thao thức nằm chờ bình minh.

                        - 70 sang tuổi si tình;

                        Mắt nhìn đắm đuối một hình hóa hai .

                        - 70 như giọt sương mai;

                        Chăm chỉ luyện tập kéo dài tuổi xuân.

                        - 70 chưa muốn dừng chân;

                        Vẫn ham tranh luận chuyện gần chuyện xa.

                        - 70 tuổi vẫn chưa già;

                        Nếp nhăn trên trán, ấy là sợi yêu

                        Tô hồng khóe mắt hơi nhiều;

                        Mắt đỏ chứng tỏ tình yêu mặn mà.

                        Mai đây về với ông bà;

                        Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân.

                        Chẳng ai sống mãi cõi trần;

                        góp vui một chút mừng xuân gọi là.

                        Mấy vần thơ thẩn nôm na;

                        Mừng bà móm mém thành hoa hậu rồi.

                        Gặp nhau thì hãy cứ vui.

                        Mấy câu để chúc mọi người an khang!

                        Comment


                        • Đọc thơ anh Cường có cảm hứng Nga Phạm đặt tiếp Bài thơ vui Tình Già. Hy vọng các bạn cười vui vẽ.

                          TÌNH GIÀ

                          Tình mình trắc trở bỡi phong ba

                          Giờ gặp lại nhau tuổi đã già

                          Đợi anh trồng lại hàm răng giả

                          Hội ngộ ca bài không cách xa?

                          Tình mình bao cách trở ngăn sông

                          Giờ em chân yếu lại lưng còng

                          Em mua gậy mới chờ người mộng

                          Răng giả còn hơn miệng trống không

                          Hai đứa gặp nhau chân bước run

                          Giờ đây mới thỏa phút tương phùng

                          Chờ nhau răng rụng tình không rụng

                          Lời hẹn ban đầu vẫn thủy chung

                          :cuoilan:

                          Comment


                          • Bí Quyết Giữ Chồng

                            Tác giả: Vo_tonq_danh_meo

                            Hình như dạo này chồng không còn yêu tôi như hồi mới cưới nữa. Anh ấy hay về muộn, ít mua hoa, ít mua quà, đêm ngủ cũng ít khi quay sang ôm và hôn lên má vợ dịu dàng. Tại anh chán tôi? Hay tại những lo lắng của cuộc sống thường ngày khiến anh trở nên như vậy? Tôi cũng không biết nữa, và tôi đem những băn khoăn của mình tâm sự với chị hàng xóm, chị ấy nghe xong thì tủm tỉm cười, giọng đầy từng trải:

                            - Chồng chị cũng vậy đấy! Nhưng là trước đây thôi, chứ giờ thì lại ngon rồi! Mình là đàn bà, phải biết giữ chồng, phải biết cách làm cho chồng yêu mình chứ! Nếu mình không làm được việc đó thì sẽ có đứa khác nó làm đấy!

                            - Nói vậy tức là chị có bí quyết hả? Chỉ cho em với!

                            Chị hàng xóm không nói gì, chỉ lật đật mở cánh tủ, lấy ra một tờ báo, loạt soạt lật trang…

                            - Bí quyết đây! Em hãy làm theo hướng dẫn trong bài viết này. Đây là 4 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng. Chị đã thử và thành công.

                            Tôi cảm ơn rối rít rồi vồ lấy tờ báo đọc nghiến ngấu. Đúng là thứ tôi đang cần tìm thật rồi, phải áp dụng ngay thôi. Xem nào, cách thứ nhất: “Thay vì nấu cơm cho chồng như mọi ngày, hãy tạo sự bất ngờ bằng cách rủ chồng đi ăn nhà hàng. Điều đó sẽ khiến chồng bạn có cảm giác như được trở về cái thời hai người mới hẹn hò, tán tỉnh. Và chắc chắn anh ấy sẽ thích mê bởi cái cảm giác tuyệt vời ấy”.

                            Vậy là tôi dẹp hết mấy việc chợ búa, bếp núc sang một bên, hì hục lục tủ quần áo, chọn một chiếc váy trắng tinh khôi, rồi ngồi vào bàn trang điểm kẻ mắt, tô môi, hồi hộp mong chờ.

                            Nghe tiếng lạch cạch mở khóa, biết là chồng về, tôi chạy vụt ra cửa đợi sẵn. Chồng vừa đẩy cửa, thò mặt vào thì đã thấy tôi, trong chiếc váy tinh khôi, đứng dang rộng hai cánh tay, lộng lẫy, yêu kiều. Nhìn tôi lúc ấy giống hệt như nàng Rose khi đứng trên mũi tàu Titanic. Còn mặt chồng tôi thì hốt hoảng, sợ hãi, như mặt của cậu Vàng trong truyện Lão Hạc lúc bị bọn mua chó siết cái thòng lọng vào cổ và lôi đi.

                            - Cái quái gì thế này? Hết cả hồn! Rảnh sao không dọn cơm ra sẵn đi, còn bày trò dọa ma?!

                            - Hôm nay em không nấu cơm, mình đi ăn tiệm nhé?

                            - Tiền đâu? Tiền đâu mà đi ăn tiệm? Tiền nhà tháng này còn chưa đóng. Cuối tuần về quê bốc mộ rồi xây mộ mới cho ông nội cũng phải góp vài trăm, chưa biết xoay đâu ra đây này. Chưa nấu cơm mà còn đứng đấy à? Ra đầu ngõ mua mấy gói mì tôm về ăn tạm đi, định để chồng chết đói sao? Mà khoan, thay cái váy ra đã, mặc cái đó, người ta tưởng con điên, không ai bán cho đâu!

                            Vậy là cách 1 đã thất bại rồi. Nhưng không sao, vẫn còn 3 cách nữa cơ mà. Để xem, cách 2 là gì nào: “Theo thời gian, chuyện chăn gối sẽ trở nên nhạt dần, thay vì tắt đèn và hì hụi làm trong bóng đêm, sao bạn không thử cùng chồng làm chuyện đó dưới ánh nến lung linh nhỉ? Sẽ rất tuyệt đấy! Chắc chắn vợ chồng bạn sẽ có những phút giây thăng hoa tột đỉnh”.

                            Cách này đúng là tiện hơn. Nến thì hôm rằm tháng bảy cúng cô hồn vẫn còn thừa cả chục cây, khỏi phải mua, khỏi tốn tiền, và vì thế, chồng tôi hẳn sẽ chẳng có lí do mà cằn nhằn.

                            Vì còn giận chuyện lúc tối, nên khi đi ngủ, chồng không thèm ôm tôi mà nằm úp mặt vào tường, quay lưng lại phía tôi. Nhưng có lẽ tại ăn mì tôm nóng ruột, nên anh ấy cứ trằn trọc, trở mình liên tục. Tôi thì đang rất sốt ruột muốn tiến hành cách thứ 2, nên từ từ xích gần lại, nhẹ nhàng vòng tay ôm qua ngực chồng, đầu rúc vào nách chồng nũng nịu làm lành:

                            - Sao lúc tối anh mắng em ghê thế? Em chỉ muốn thay đổi tí cho nó có không khí thôi mà!

                            - Anh biết là em muốn thay đổi không khí, nhưng đợt này nhà mình đang bí! Thôi, đợi khi nào có tiền, anh đưa em đi ăn tiệm, nhé? – Chồng vuốt tóc tôi, giọng dịu dàng.

                            - Ừ! Ăn tiệm thì để sau cũng được, nhưng bây giờ, anh phải đền cho em!

                            - Đền gì?

                            - Không nói! Hì hì!

                            Tôi cười rồi luồn tay vào áo chồng mơn mê, khua khoắng. Chồng tôi có thể ngu ngơ trong làm ăn, ngờ nghệch trong giao tiếp, thế nhưng cái khoản này thì chồng tôi nhanh lắm. Lập tức anh vòng tay ôm ghì lấy tôi, quăng ngửa tôi xuống, rồi hăm hở leo lên. Tôi, dẫu mắt đã nhắm nghiền, người đã rạo rực, râm ran, nhưng vẫn gắng hết sức đẩy mạnh chồng ra, lồm cồm bò khỏi giường…

                            - Sao thế em? – Giọng chồng tôi ngỡ ngàng.

                            - Đợi tí! Em thắp nến!

                            Tôi mở ngăn kéo, lấy ra cái túi nến. Thế nhưng cái bật lửa thì tìm mãi không thấy đâu.

                            - Hồi nãy anh lấy bật lửa ở đây hút thuốc hả? Sao không để lại chỗ cũ?

                            - Hết ga, anh vứt vào thùng rác rồi!

                            - Bực thật! Đợi tí, em sang nhà hàng xóm mượn.

                            Sau một hồi kì kịch, cuối cùng tôi cũng đã thắp nến xong. Nhìn những ngọn nến xếp thành hình trái tim đang phập phồng tỏa thứ ánh sáng dìu dịu, lung linh, tôi thấy hân hoan vô cùng. Rồi tôi nhảy tót lên giường, lả lơi hôn đánh chụt vào má chồng. Thế nhưng, chồng tôi chả ý kiến gì, vẫn nằm quay lưng ra, úp mặt vào tường…

                            - Này! Ngủ đấy à? Dậy đi! Em thắp nến xong rồi!

                            Mặc cho tôi lay gọi, chồng vẫn ngáy o o, ngủ khò khò như một con bò. Vậy là cách hai lại không thành công.

                            Sáng hôm sau, trong lúc chồng đang đánh răng rửa mặt, tôi lại lôi tờ báo đó ra và nghiên cứu cách thứ 3. Cách thứ 3 dạy rằng: “Đôi khi, những bất ngờ nho nhỏ lại khiến chồng bạn phải lâng lâng, mỉm cười, đê mê, âm ỉ. Hãy vòng tay bất ngờ ôm chồng từ sau lưng lúc chồng đang đánh răng, hoặc hôn một cái vu vơ lên má chồng khi chồng đang sửa ống nước, chỉ cần thế thôi, anh ấy sẽ ngây ngất cả ngày”.

                            Hay! Cách này đơn giản mà hiệu quả lại cao. Cũng vừa đúng lúc chồng đang đánh răng, phải tiến hành ngay mới được. Vậy là tôi đẩy cửa nhà tắm, nhè nhẹ bước vào. Chồng tôi đã đánh răng xong rồi, đang ngồi ị trên bồn cầu. Không sao, vẫn tiến hành được, vì cái quan trọng là yếu tố bất ngờ thôi, chứ còn đánh răng hay ngồi ị cũng có khác gì nhau đâu. Tôi giả bộ đi vòng ra phía sau bồn cầu, cầm cái cây bàn chải cọ đi cọ lại, vờ như đang vệ sinh cái bệ xí, rồi bất ngờ tôi ôm choàng lấy vai chồng, thơm lên má chồng một cái thật tình tứ. Tưởng là thơm xong, chồng sẽ mỉm cười, ôm tôi vào lòng, ngập tràn hạnh phúc, nhưng không, mặt chồng tôi nhăn mặt lại với vẻ rất khó chịu và đau đớn. Bực mình và thất vọng quá, tôi gào lên giận dỗi:

                            - Anh vừa phải thôi chứ! Được vợ hôn mà cái mặt anh nhăn lại như bị chó dại cắn thế à?

                            - Không phải thế! Anh đang bị táo bón. Có mỗi cái cục thập thò mà rặn suốt nãy đến giờ nó không chịu ra. Rát quá!

                            Cách thứ 3 cũng lại thất bại. Tôi bắt đầu thấy không tin vào mấy cái bí quyết này rồi. Nhưng thôi, còn cách cuối cùng, áp dụng nốt xem sao. Biết đâu cách 4 này lại thành công rực rỡ? Và tôi lại với lấy tờ báo, đăm chiêu nghiên cứu. Cách 4 viết rằng: “Bạn đừng nghĩ đã là vợ chồng rồi thì không cần phải nói với nhau những lời ngọt ngào, tình cảm. Càng là vợ chồng thì lại càng cần những lời âu yếm đó. Hãy nhắn cho chồng một tin nhắn thật lãng mạn, chan chứa yêu thương, chắc chắn tim anh ấy sẽ run lên vì hạnh phúc”.

                            Tưởng gì, cách này còn dễ hơn cả mấy cách trước. Tôi vồ lấy điện thoại, ngón tay lướt trên phím nhoay nhoáy: “Anh yêu à! Cho dù một ngày nào đó biển có cạn khô, núi có mòn, non có lở, những áng mây trên trời ngừng bay, những con suối trong rừng ngừng chảy, thì em vẫn mãi yêu anh, yêu anh hơn tất thảy, thì mỗi lần được bên anh, được anh vỗ về, ôm siết trong vòng tay là mỗi lần trời đất cuồng quay, là mỗi lần tim em run rẩy và toàn thân em tan chảy. Em có một ước ao, em có một khát khao, là suốt đời này mình mãi mãi bên nhau”.

                            Xong! Tôi đọc lại tin nhắn mình vừa soạn, gật gù với vẻ hài lòng, rồi gửi cho chồng. Tuy không được ở bên để tận mắt chứng kiến xem cái tin nhắn này sẽ khiến chồng tôi ngất ngây và hạnh phúc đến chừng nào, nhưng tôi tin chắc rằng cả ngày hôm nay, chồng tôi sẽ lâng lâng như ở trên mây, rồi ngóng chờ từng phút, từng giây để được về nhà, được ở bên tôi, được yêu tôi. Quả đúng vậy thật, chỉ khoảng 30 phút sau, đã thấy chồng tôi về nhà, mặt hằm hằm:

                            - Tin nhắn này là thế nào? Cô nhắn cho thằng nào hả? Bình thường nhắn cho chồng thì cộc lốc, cụt ngủn, vậy mà nhắn cho giai thì ngọt ngào, lả lơi thế! Nếu cô không gửi nhầm sang số của tôi thì không biết đến bao giờ tôi mới nhận ra bộ mặt thật của cô? Đồ lẳng lơ!

                            - Ơ! Không! Em nhắn cho anh mà! Anh đừng…

                            - Này thì đừng này! Bốp! Bốp!

                            Không để cho tôi nói hết câu, chồng tôi lao đến tát vào mặt tôi tới tấp. Anh ấy tát nhiều và nhanh đến nỗi chẳng để cho tôi khoảng trống nào mà mở mồm ra giải thích. Tất nhiên, cuối cùng, sau khi tôi đưa cái tờ báo với 4 bí quyết quý báu ấy ra thì chồng tôi cũng phải tin. Nhưng lúc anh tin cũng là lúc mồm tôi đã sưng vều, tím bầm, rươm rướm máu, hai cái răng lung lay khiến tôi không ăn được cơm mà phải húp cháo. Thấy tôi như thế, chị hàng xóm sốt sắng hỏi thăm:

                            - Mồm miệng sao vậy? Lại còn ăn cháo nữa?

                            - Dạ! Em bị ngã thôi, không sao đâu ạ!

                            - Ừ, mà này, chị mang cho em mượn tờ báo này, nó có bài hướng dẫn 10 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng, hay và hiệu quả hơn 4 cách trước nhiều đấy. Em thử áp dụng xem.

                            - Dạ thôi! 4 cách là đủ rồi ạ! Em húp cháo thế này là được rồi, chứ 10 cách chắc phải vào viện truyền nước, tốn kém lắm!

                            Comment


                            • Mẹ Của Tôi

                              Một bài viết về Mẹ sưu tầm trên internet, nhưng không có tên bài viết và tên tác giả. Xin chia xẻ với các bạn tâm sự người con trai nghĩ về Mẹ.



                              Con dâu nói : “Nấu lạt tý bà lại chê nhạt nhẻo, giờ nấu mặn chút bà lại bảo nuốt không vô, rốt cuộc bà muốn sao đây?”

                              Mẹ nhìn thấy con trai vừa về đến nhà, một câu không rằng bèn gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai. Cô ta hằn hộc nhìn chồng. Anh gắp thử một miếng ăn, nhả ra ngay tức thì.

                              Con trai nói : “Anh không phải đã dặn em rồi sao, mẹ bị bệnh không thể ăn quá mặn !”

                              “OK ! Mẹ là của anh, sau này do anh nấu nhé !” Con dâu giận dỗi đi thẳng vào phòng. Con trai chỉ còn cách thở dài, và quay sang nói với mẹ : “Mẹ, đừng ăn nữa, con đi nấu mì cho mẹ ăn.”

                              Mẹ nói : “Không phải con có chuyện muốn nói với mẹ sao, có thì giờ hẵn nói, đừng để trong lòng !”

                              Con trai nói : “Mẹ à, tháng sau con được thăng chức, con sẽ rất là bận … còn phần vợ con, cô ta nói muốn ra ngoài kiếm việc làm, cho nên ……”

                              Ngay lập tức mẹ hiểu ý con trai muốn nói gì : “Con trai ơi, đừng gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhé con !” Giọng nói nức nghẹn như khẩn cầu van xin .

                              Con trai trầm tư nghĩ ngợi một hồi lâu, trong đầu anh ta như đang cố tìm một lý do tốt hơn để thuyết phục mẹ :

                              “Mẹ à, thật ra viện dưỡng lão không phải là một nơi không tốt, mẹ biết rồi đấy, khi vợ con kiếm được công việc, nhất định sẽ không còn thời gian chăm sóc mẹ chu đáo nữa đâu. Trong viện dưỡng lão vừa có cái ăn, vừa có chỗ ở, lại có người chăm sóc, không phải tốt hơn nhiều so với ở nhà hay sao ?”

                              Tắm xong, ăn tạm một tô mì gói, con trai bèn đi vào phòng sách. Anh thờ người đứng trước cửa sổ, có vẻ do dự. Ngày ấy mẹ còn trẻ đã ở góa, ngặm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn nên người, và còn gửi anh ra nước ngoài du học.

                              Nhưng, bà chưa bao giờ dùng tuổi thanh xuân của mình đã một đời hy sinh vì anh đem ra uy hiếp mặc cả về sự hiếu thảo của anh, ngược lại là vợ đã đem hôn nhân ra uy hiếp anh ! Không lẻ phải cho mẹ vào viện dưỡng lão thật sao ? Anh tự hỏi bản thân, anh ta có chút không nhẫn tâm.

                              “Có thể cùng cậu đi hết cuộc đời là vợ cậu, không nhẽ là mẹ cậu sao ?” Con trai của bác Tài thường hay nhắc khẽ anh như thế.

                              “Mẹ cậu đã lớn tuổi như thế, tốt số thì có thể sống thêm vài năm, Tại sao không tranh thủ thời gian đó sống thật hiếu thảo với bà cơ chứ ? Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà người còn đâu!” Bà con họ hàng thường hay khuyên nhủ anh như thế.

                              Con trai không muốn suy nghĩ thêm nữa, sợ mình sẽ vì thế mà thay đổi quyết định. Ánh mặt trời tắt dần những tia nắng chói chang và khuất dần sau ngọn đồi, trả lại bầu trời một màn đêm u tịch. Một ngôi nhà quý tộc dành cho người già được xây dựng ở vùng ngoại ô trên đồi núi.

                              Đúng thật, tiền càng chi ra nhiều, con trai càng cảm thấy an lòng. Khi con trai dắt mẹ bước vào đại sảnh, một chiếc ti vi 42 inch mới tinh đang chiếu một bộ phim hài, nhưng người xem nơi ấy không hề nở một nụ cười.

                              Những người già mặc cùng một kiểu áo, tóc tai đều na ná nhau đang ngồi cô quạnh trên chiếc ghế sofa, thần sắc đờ đẫn đến u buồn. Có người thì đang ngồi lẩm bẩm một mình, có người thì đang chầm chậm cúi người xuống muốn nhặt lấy một mẫu bánh vụn đang nằm trên sàn nhà.

                              Con trai biết mẹ thích nơi tươi sáng, vì thế đã chọn cho bà một căn phòng đầy đủ ánh sáng. Từ cửa sổ nhìn ra ngoài, dưới bóng râm là một vườn cỏ thơm ngát. Mấy cô y tá đang đẩy những người già ngồi trên xe lăn, cùng họ tản bộ dưới ánh hoàng hôn, bốn bề tĩnh lặng khiến cho người cảm thấy xót lòng. Dù hoàng hôn có đẹp bao nhiêu, ánh chiều tà rồi cũng dần buông xuống, anh ngậm ngùi tiếc nuối.

                              “Mẹ ơi, con … con phải đi rồi !” Mẹ chỉ biết gật đầu.

                              Khi anh đi khỏi, đôi tay gầy guộc của mẹ giơ lên vẫy chào anh, miệng không còn một chiếc răng, đôi môi khô tái nhợt muốn lên tiếng gọi với anh, nhưng gọi không thành tiếng, lộ ra một ánh mắt ngập ngừng đậm vẻ u sầu.

                              Lúc này con trai chợt nhận ra mái tóc của mẹ đã bạc dần, đôi mắt sâu thẩm và khuôn mặt xuất hiện nhiều vết chân chim. Mẹ quả thật đã già đi rồi !

                              Anh chợt hồi tưởng lại một số chuyện ngày xưa. Năm đó anh mới 6 tuổi, mẹ có công chuyện phải về quê, không tiện dắt anh theo, nên đành phải gửi tạm nhà bác Tài vài hôm. Lúc mẹ sắp rời khỏi, anh sợ hãi ôm chặt lấy chân mẹ không chịu buông, khóc thật thê lương và kêu gào trong nước mắt : “Mẹ, mẹ ơi, đừng bỏ con mà đi ! Mẹ đừng có đi mẹ ơi !” Cuối cùng mẹ cũng không bỏ lại anh một mình ……

                              Anh vội rời khỏi phòng, tiện tay đóng cửa phòng lại, không dám ngoáy đầu nhìn lại, anh sợ, sợ cái ký ức ấy hiện về như bóng ma cứ lờn vờn bám lấy anh.

                              Anh về đến nhà, nhìn thấy vợ và mẹ vợ đang hăng tiết vứt bỏ tất cả những vật dụng trong phòng của mẹ với khuôn mặt khoái chí vui mừng.

                              Một chiếc huy chương ----- đó là chiến lợi phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn hồi tiểu học của anh với chủ đề “MẸ CỦA TÔI” ; Một quyển từ điển Anh – Việt ----- đó là món quà đầu tiên mẹ đã dành dụm tiền chi tiêu cả tháng trời để mua tặng anh ! Và còn nữa, chai dầu gió mẹ phải xoa trước khi đi ngủ, không có anh xoa dầu cho bà, gửi bà đến viện dưỡng lão thì còn ý nghĩa gì nữa kia chứ ?

                              “Đủ rồi, đừng vứt nữa !” Con trai tức giận.

                              “Rác nhiều như thế, không đem vứt đi, thì sao có thể chứa được đồ của tôi.” Mẹ vợ thở hổn hển nói.

                              “Thì đúng rồi đấy ! Anh mau mau đem cái giường cũ nát của mẹ anh khiên ra ngoài đi, ngày mai tôi sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc giường mới !”  

                              Một đống ảnh lúc ấu thơ chợt hiện ra trong mắt anh, đó là những tấm ảnh mẹ đã dẫn anh đi sở thú chụp lưu niệm.

                              “Tất cả đều là tài sản của mẹ tôi, một thứ cũng không được bỏ !”

                              “Anh tỏ thái độ gì vậy hả ? Dám lớn tiếng với mẹ tôi ư, tôi bắt anh phải xin lỗi mẹ tôi ngay lập tức !”

                              “Tôi cưới cô là có nghĩa vụ yêu thương mẹ cô, tại sao ? Cô lấy tôi thì không thể yêu thương mẹ tôi được sao ?”

                              Cơn mưa sau đêm tối mang một chút hơi lạnh lẽo, đường phố vắng lặng đìu hiu, xe cộ và người đi trên đường thưa thớt dần. Một chiếc xe hơi đang chạy vượt đèn đỏ và phóng qua những biển cấm nguy hiểm, không ngừng tăng tốc phóng nhanh trên đường.

                              Chiếc xe hơi ấy chạy thẳng đến viện dưỡng lão được nằm trên lưng chừng đồi núi, anh ngừng xe và phóng nhanh lên lầu, mở cửa phòng ngủ của mẹ. Anh đứng nhìn bất động, mẹ đang lấy tay xoa đôi chân phong thấp của mình âm thầm khóc trong đêm.

                              Bà nhìn thấy con trai đang cầm trên tay chai dầu gió, cảm thấy an ủi và nói : “Mẹ quên lấy đi, cũng may con mang đến cho mẹ !”

                              Anh bước vội đến bên mẹ và quỳ xuống.

                              “Tối rồi, tự mình mẹ có thể xoa được mà, ngày mai con còn phải đi làm, hãy về nhà đi !”

                              Anh ngập ngừng một hồi lâu, nhưng cuối cùng không nhịn được khóc và nói : “Mẹ ơi, con xin lỗi, xin.......... lỗi........"

                              Comment


                              • Hi anh Cường,

                                Em đã khóc rất nhiều khi đọc bài này của anh. Một câu chuyện thật buồn. Thanks.


                                Comment

                                Working...
                                X