Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hello Tuổi Già! Lẩm Cẩm Từ Ngữ (34)Bắc - Nam(34)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    NHỮNG BỆNH... VÔ DUYÊN!

    (BS. ĐỖ HỒNG NGỌC)

    Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).

    Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics). Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp... Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...

    Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay. Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao? Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh... vô duyên đáng tiếc.

    Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ. Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

    Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn" (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập..." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được! Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh. Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

    Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe. Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!

    Comment


    • #32
      Tuổi già sồng sộc!

      Hôm nay là ngày sinh nhật thượng thọ tức là 80 tuổi của cậu tui, mỗi gia đình đều có vài người đến dự để chia vui với cả cậu và mợ…

      Cũng lâu lắm rồi mới có một dịp tụ họp gia đình, tuy chỉ là mini thôi nhưng họ hàng, anh em bà con có cơ hội gặp gỡ nhau là vui lắm rồi. Đời sống ở đây tất bật quá mà, ngay cả anh em trong nhà, có mấy khi gặp nhau ngồi tán dóc, thoải mái?

      Lúc mọi người hát “Happy Birthday to you…” nhìn ông cậu, bà mợ nở nụ cười hiền hòa, tui chợt chạnh lòng… “Mới đó mà ông đã 80 rồi sao? nhanh quá!”

      Nhớ ngày xưa có thời gian ông được đi tập huấn ở Mỹ vài tháng, đến lúc về nước, ông mua cho tui cái cặp da to đùng, hồi lúc đó tui chỉ mới học lớp 6, lớp 7 thôi nên xách cái cặp da đi học mà thấy tức cười, vì mình nhỏ hơn cái cặp!

      Rồi ngày 28 tháng 4 năm 75 ông đưa gia đình ra đi vì ông là lính không quân… Còn gia đình chúng tôi ở lại…

      12, 13 năm sau cả nhà tui mới có cơ hội đặt chân lên mảnh đất tự do này…Tui nhớ lúc gặp lại ông, trông ông vẫn còn khỏe mạnh lắm. Bây giờ thì ông đã là ông cụ 80 tuổi. Nhanh chứ!

      Vậy đó chứ mỗi lần họ hàng có tiệc tùng, khi đến dự hai ông bà đều khệ nệ mang cả thùng trái cây này, trái cây nọ đến cho con cháu… Những lúc đó thấy thương lắm!!!

      Giống như ngày hôm qua tui ghé ngang nhà của bác nhạc sĩ Tuấn Khanh (tác giả các ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ & Chiếc Lá Cuối Cùng…), cả hai ông bà cũng đã 80, vậy mà còn nấu nướng, làm bánh cuốn “Hà Nội xưa” cho tui ăn… Thiệt tình lúc ngồi nhìn ông tráng bánh, bà cuốn thịt, còn mình cứ lớ ngớ, chân tay thừa thải, ngỏ lời xin phụ hai cụ một tay nhưng ông cứ cản ngăn “Cháu cứ ngồi đấy, để yên bác làm cho cháu ăn…”.

      Mặc dù cụ nói thế nhưng lòng mình áy náy vô cùng… Nhìn các bậc trưởng thượng đang đi dần vào hai chữ cao niên và ngó quanh thấy đám trẻ con đang lớn nhanh vùn vụt… Lúc đó chợt nghĩ đến mình!

      Coi vậy chứ, thời gian chẳng chờ ai đâu…

      Biết nên buồn hay vui khi nghĩ đến chuyện “tuổi già sồng sộc…” bạn nhỉ?

      Comment


      • #33
        Ngày xưa trên 50 là đã được gọi bằng "cụ" rồi đấy. Bây giờ thấy cụ nào cụ nấy cứ như mới "đang... xuân" chưa ai chịu già cả, nào là nhuộm tóc , nào là mặc đồ đầm , đồ short trông trẻ cứ như "hâm mí.., băm mí" .Thôi thì cứ ráng vui cho quên tuổi già đi , chạy nước rút chứ "cái già xồng xôc nó thì theo sau đấy " Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi" mà. Vài năm nữa gặp nhau thì lại phải chào "Không dám lạy cụ ạ"

        Comment


        • #34
          Hi Bầu Cường 

          Đọc tuổi. Già của ông Bầu 

          Chợt nhớ  bản nhạc của  Cha Vủ Thành An

          Bài không tên số 5 

          Hảy cố vươn vai mà    đứng 

          Tô son lên môi lạnh lùng

          Hảy cố yêu người mà sống 

          Lâu rồi đời mình củng qua 

          Comment


          • #35


            Để thay đổi không khí cho tiết mục "Hello Tuổi Già", xin đăng một câu truyện ngắn "Đôi Mắt Người Già" của Huyền Anh. Câu chuyện rất cảm động về những người con "xuất khẩu lao động" ờ nước ngoài.

            Ðôi mắt người già

            Tác giả: HUYỀN ANH

            -Tôi đi bà nhé?

            Ông Tư khoác chiếc ba-lô cũ mòn lên vai lầm lũi như chả mong gì bà sẽ đáp lại. Ông biết bà chẳng còn chút sức lực nào nữa.

            - Ừ, ông đi đi, đi đem nó về cho tôi.

            Tiếng bà Tư với theo như hụt hơi rơi tõm xuống khoảng không lạnh ngắt mà nặng tựa dao cứa vào gan ruột ông. Cố rảo bước thật nhanh về phía cổng, dáng ông khấp khểnh dần lẩn khuất sau rặng phi lao đang xô nghiêng cùng gió biển. Không dám ngoái đầu nhìn lại, ông biết bà sẽ ra ngóng theo ông, tuy rằng bà chỉ nhìn thấy ông như cái bóng nhờ nhờ.

            ***

            Làng chìm trong tang thương ròng rã cả tháng nay. Làng có đông người đi xuất khẩu lao động. Toàn anh em họ hàng dắt díu nhau đi, nhà có đến hai, ba người. Cùng đi một đợt, cùng làm một chỗ, hăm hở với ước muốn thay cái áo mới cho ngôi làng nghèo.

            Phan cũng không nằm ngoài cái hăm hở đó. Phan vừa tròn mười tám, cái tuổi tràn đầy sức mạnh và niềm tin vào cuộc đời. Trước khi đi, Phan nhìn ngôi nhà với những hòn cay tróc lở bằng ánh mắt cay độc mà thề rằng khi trở lại sẽ đập nó ra, thay vào đó bằng một cái nhà ống thật to, thật dài và tất nhiên là sẽ hoành tráng. Rồi Phan đi. Dáng trai trẻ lệch đi siêu vẹo, nặng trĩu bởi để có tiền đi đợt này, ông bà Tư đã phải bấm bụng bán một nửa mảnh đất hương hỏa. Phan hứa khi về sẽ mua lại mảnh đất đó cho ông bà.

            Bao đàn ông, trai tráng trong làng đi cả. Người trẻ lên thành phố lập nghiệp, người có tay nghề cũng bươn chải trên mảnh đất khác, còn lại bao nhiêu dốc lại trong chuyến may rủi. Lần này, những người con của làng ấy đi xa, một nước ở phía bên kia bán cầu gì đó, mãi tận châu Phi, một nước chắc cũng nhiều cát nóng.

            Thương con, bà Tư không muốn cho Phan đi. Nhưng Phan không chịu, quyết đòi đi bằng được. Phan tin là sẽ làm được nhiều hơn thế.

            Trước ngày đi, Phan vẫn ra biển chao dắt. Phan bảo, còn ở nhà ngày nào thì giúp thầy u ngày đó. Mặc bà lo lắng, Phan vẫn nhất mực với một lý do hết sức thuyết phục, u để con tắm nước biển cho lành, sang bên đó nắng gió chả xông được nước da mặn mòi này. Bà nhìn con mà ứa nước mắt. Hôm Phan đi, bà kịp dúi vào tay Phan con còng gió. Còng gió làng biển cứng sắc với những cái gai nhọn hoắt chắc lẳn. Phan đặt nó trong lòng bàn tay, đưa lên soi, dưới ánh mặt trời nắng rát.

            ***

            Tin dữ ập về làng quê lúc nửa đêm. Ngoài kia, tiếng sóng biển gào thét ập vào hòa cùng tiếng khóc rấm rứt. Người già, vợ trẻ trong làng còn nửa tin, nửa ngờ, nửa mơ, nửa thực... Họ, trong trạng thái bàng hoàng, ai cũng tự vấn an rằng chỉ là cơn mộng mị thôi, ngày mai khi trời sáng, rất có thể chỉ là một sự nhầm lẫn...

            Nhưng đó là sự thật. Có đến gần hai chục công nhân Việt Nam mất trong vụ sập nhà máy đang xây ấy, nơi có những thợ xây trong làng. Và làng chài nhỏ bé có chín nhân khẩu ra đi trong vụ tai nạn ở xứ người. Họ mới chỉ sang xứ người chưa đầy hai tháng, hơi ấm của họ vẫn còn lẩn khuất trong cái làng này. Vậy mà tai họa đã ập xuống! Ðồng loạt người dân trong làng hóa đờ đẫn. Người phát điên, người câm lặng. Những người già có vẻ cam chịu hơn cả, hoặc họ không còn sức lực để phản kháng lại sự đời trớ trêu này.

            Bà Tư không đủ sức phản kháng. Những tiếng nấc tắc nghẹn nơi cuống họng làm thân thể gầy mòn run lên bần bật. Sau một hồi ngất lịm, bà lặng câm như cái bóng. Dáng người còm cõi như bị vắt kiệt. Nước mắt không có chỗ trú trong con người của bà. Mắt bà đã yếu dần từ khi sinh người con thứ hai - đứa con mà bà chưa kịp nhìn mặt đã chết lưu trong bụng. Người ta bảo, nó bị nhiễm chất độc khủng khiếp còn lưu lại sau chiến tranh. May mà nó đi trước, chứ sinh ra cũng dị dạng, rồi lại khổ cả ông, cả bà, cả nó. Riêng bà thì bà nghĩ, giá mà được khổ. Còn hơn là sẽ phải sống cả đời xót thương giọt máu của mình.

            Cứ ngỡ ông trời còn ưu ái khi thằng Phan, đứa con đầu, không có biểu hiện gì là nhiễm chất độc đáng sợ đó. Không hiểu sao, mỗi lần nhìn thằng Phan bà lại ứa nước mắt thương đứa em chưa kịp làm người của nó. Rồi bà sợ, nỗi sợ mơ hồ nhưng lúc nào cũng ẩn ức chỉ chực thức dậy trong bà. Mai này, không biết cháu của bà, những đứa con của thằng Phan sẽ ra sao? Cứ thế, nước mắt theo thời gian chạy trốn khỏi bà. Thế nhưng cuối cùng thì ông trời cũng thật không có mắt, đã cướp đi nốt niềm hy vọng duy nhất của ông bà.

            Gần một tháng khi tin dữ ập xuống. Những con gió ngoài khơi hắt vào hoang hoải. Ai cũng chỉ như những cái bóng, không một lời động viên an ủi, bởi họ sợ chạm vào nỗi đau của nhau và tất nhiên cũng là của mình. Những hy vọng thoi thóp rồi tắt hẳn khi danh sách tử nạn đăng tên từng người, từng người. Trong số đó Phan trẻ nhất. Tấm ảnh thẻ với nụ cười tươi rói của nó làm ai nhìn cũng thấy nhói buốt để rồi xót xa cho đôi vợ chồng già.

            Gần một tháng bà Tư chỉ ngồi đờ đẫn trong bóng tối tay ôm khư khư lấy ảnh của Phan mà thầm thì một mình.

            Gần một tháng ông Tư hóa đá bên bờ biển. Ông chỉ trở về làng khi màn đêm đã kéo xuống để không phải bắt gặp bất cứ ánh mắt của ai. Ngày nào cũng thế, ông trở về với một con còng gió. Ông cẩn thận đặt nó lên chiếc tủ mà thằng Phan đã tự đóng lúc còn ở nhà. Và giờ, 27 con còng gió đang co quắp ôm lấy nhau trong góc tủ. Hai bóng già lầm lũi trong căn nhà tróc lở, mắt hằn sâu vào từng thớ vữa đang tách rời khỏi những viên cay trên tường, câm lặng.

            Ngày thứ 29, là ngày đưa những đứa con tử nạn về làng. Có lẽ ông sẽ là người già nhất trong số những người đi đón. Trước đó, ông lại thức trắng thêm một đêm nữa. Hai ông bà như hai cái bóng trong căn nhà vốn nhỏ mà giờ lại trở nên thênh thang quá. Ông lẩm bẩm với mình rằng thằng Phan cần gì phải xây lại nhà, ông bà đâu cần một ngôi nhà rộng rãi hơn. Ông muốn nói với bà điều gì đó nhưng lại thôi. Ông cẩn thận lấy dây buộc những con còng gió lại, rồi đặt chúng vào góc chiếc ba-lô cũ. Ngày mai, chiếc ba-lô này sẽ cùng ông đi đón thằng Phan. Cái ba-lô đã theo ông khắp dọc dài chiến trường, nhưng lần này sao ông thấy nó nặng trĩu.

            ***

            Lời bà Tư cứ văng vẳng bên tai khiến ông thấy mình trở nên yếu đuối. Chiếc xe đi đón những đứa con tha hương của làng nặng nhọc lăn bánh. Cái nắng miền biển gắt gao như quá tàn nhẫn khi hắt vào những con người héo úa này từng đợt gió nóng. Họ như thể những cành củi khô mà chỉ cần một tàn lửa rơi vào có thể bùng cháy và tan biến bất cứ lúc nào. Bỏ chiếc ba-lô xuống, ôm vào lòng, tay chạm vào những con còng gió nơi đáy túi, như chợt tỉnh, ông Tư cảm thấy vững lòng hơn.

            Chuyến bay về chậm so với dự định càng làm cho người thân của những nạn nhân rối bời. Không ai đủ sức ăn uống, tất cả rũ ra thảm hại như những kẻ hành khất. Chỉ đến khi trên loa thông báo chuyến bay hạ cánh thì không gian lại chuyển sang trạng thái náo loạn. Rất nhiều tiếng ồn ào ai oán. Thoảng đâu đó cái nhìn hoảng loạn của vợ trẻ, nhớn nhác của con thơ... Riêng ông Tư thì như thể khấp khởi. Ðôi mắt nhuốm mầu tro đục nhưng cương nghị hướng về phía cửa ra chờ đợi. Nơi ấy, có thằng Phan con của ông. Nó sẽ chạy ra mà ôm lấy ông nũng nịu. Ông sẽ nắn chân, nắn tay cho nó, xem cát nóng xứ người có làm nó đen đúa đi không, nó ăn cơm xứ khác chắc chả thể béo lên được. Về nhà, ông sẽ chao dắt về nấu cho nó ăn, món mà ngày xưa nó vẫn thích nhất. Còn nữa, đợi nó đến đây, ông sẽ đưa luôn những con còng gió cho nó để nó tự quyết định. Ông thấy thích thú với ý nghĩ thằng Phan dù đuổi thế nào còng gió cũng chả chạy đi được đâu, ông đã buộc hết chân chúng lại rồi. Tất nhiên, ông cũng không quên nhiệm vụ là sẽ đem thằng Phan về, trao tận tay cho bà Tư, từ giờ nó sẽ chỉ được ở trong vòng tay của ông bà thôi, không bao giờ cho nó đi đâu nữa.

            Những người mặc quần áo quân phục gì đó rất đẹp, nghiêm nghị dắt thằng Phan đến cho ông. Nó mỉm cười với ông. Ông đã rất nhớ nó. Ông muốn ôm chằm lấy nó. Nhưng không, ông cứ đứng đó, đợi nó tiến lại gần, gần nữa, gần nữa. Nó đứng cạnh ông rồi ông mới lập cập đưa mắt nhìn. Nó quả là gầy và đen đi nhiều, nhưng rắn rỏi lắm. Ông thấy phơn phớt gió thổi bên tai lành lạnh, thấy cả mùi mặn mòi của biển. Ðúng là thằng Phan của ông rồi. Nó có đi đằng đẵng cũng không mất được cái mùi biển trên cơ thể.

            - Về, về thôi con. Ông lẩm bẩm.

            Chiếc xe đậu nơi đầu làng, tất cả người trong làng ra đón. Ông Tư bừng tỉnh khi nghe tiếng khóc vật vã. Muốn lẩn trốn ngay khỏi cái cảnh tượng hỗn độn đó, ông lủi nhanh rồi đi về phía biển. Ông biết, bà Tư đang đợi ông và thằng Phan ở đó.

            Hôm đó, vào xế chiều, người ta thấy bóng hai thân già đổ dài trên cát. Hai ông bà cứ lủi thủi dắt nhau đi, hướng về phía biển. Trên lưng người đàn ông là chiếc ba-lô căng phồng. Anh con trai duy nhất của hai ông bà đang ở trong đó. Chiều tắt nắng. Hai mái đầu bạc phất phơ nơi gió biển, hai thân hình gầy gò, lưng ông cụ như còng rạp xuống vì anh con trai to lớn trên vai. Phía xa xa, những con còng gió xoay tròn, xoay tròn...


            Comment


            • #36
              Mùa Hè Nóng Bức



              Từ mùa Xuân qua mùa Hạ, người cao tuổi thường trồng trọt hoa trái cây cảnh trong sân nhà, sửa soạn vườn tược, đi chơi nghỉ mát, thường duyên thể dục thể thao, đi bộ vòng trong xóm, v.v... Phần lớn người cao tuổi sinh hoạt hay làm việc ngoài trời khoảng hơn 2 giờ mỗi ngày, ngay cả những ngày Hè thật nóng bức.

              Hàng năm ở Mỹ cũng có ít nhất 240 người mất mạng vì nóng hè. Khi nhiệt độ cơ thể ta lên cao hơn 104 độ F (40 độ C) lâu quá, các tế bào trong cơ thể sẽ tổn thương, đưa đến sự suy sụp của nhiều cơ quan.

              Các tế bào... cháy đầu tiên là các tế bào bắp thịt. Khi bắp thịt tổn thương, chúng sưng lên và gây đau. Nếu chúng tổn thương nặng quá, bể vỡ ra nhiều chất hóa học trong các tế bào bắp thịt thoát ra ngoài. Các chất này có thề ảnh hưởng đến phổi, gan, ruột, hỏng thận, suy tim, bắp thịt tim rướm máu (myocardial hemorrhage), sưng óc lên, nhức đầu, mất sáng suốt, bứt rứt, đôi khi đi vào hôn mê.

              Nguy hiểm nhất là heat exhaustion (kiệt sức do nóng) và heatstroke (tai biến do sức nóng), cần được nhận biết và chữa trị tức khắc. Còn phù chân vì nóng (heat edema), ngất xỉu (heat syncope), vọp bẻ bắp thịt do nóng (heat cramps) không đến nỗi nguy hiểm, thường thuyên giảm nhanh chóng khi ta nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống, dùng thêm muối.

              Kiệt sức do nóng (heat exhaustion)

              Kiệt sức do nóng (heat exhaustion) xảy ra nhiều hơn tai biến do nóng (heatstroke), nếu không nhận ra và chữa trị đúng lúc, kiệt sức do nóng sẽ trở thành tai biến do nóng. Người kiệt sức do nóng yếu mệt, uể oải, nhức đầu, ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, tim đập nhanh, áp suất máu xuống thấp (hypotension). Tuy vậy, người bệnh vẫn sáng suốt, chưa mê sảng hay làm kinh. Đo nhiệt độ cơ thể, thấy nhiệt độ trong khoảng 98.6 độ F (37 độ C) đến 104 độ F (40 độ C).

              Những trường hợp kiệt sức do nóng nhẹ thuyên giảm nhanh chóng trong vòng 20-30 phút, khi người bệnh nghỉ ngơi chỗ mát, uống thêm các thức uống. Những trường hợp nặng cần được chữa trị tại bệnh viện với nước truyền tĩnh mạch (để bù lại lượng nước trong cơ thể đã mất qua mồ hôi) và các phương pháp làm mát đặc biệt.

              Tai biến do nóng (heatstroke)

              Tai biến do nóng (heatstroke) là một hình thái nặng hơn của kiệt sức do nóng.

              - Loại tai biến cổ điển (classic heatstroke) tấn công người lớn tuổi, người mang bệnh kinh niên khiến cơ thể yếu sẵn (bệnh tim, bệnh phổi, ...). Người bạc nhược vì rượu, vì xì-ke ma túy cũng dễ bị tai biến do nóng loại cổ điển. Triệu chứng của các vị này thường tiến triển chậm qua vài ngày, và thân nhiệt có thể không lên cao nhiều.

              - Loại tai biến do nóng vì vận động (exertional heat stroke) tấn công những lực sĩ trẻ, tân binh trong các trại huấn luyện, vận động thể dục thể thao quá mức dưới trời nắng, người chưa quen làm việc tại những nơi nóng, ẩm. Triệu chứng tai biến do nóng loại vì vận động thường xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giờ, và thân nhiệt người bệnh lên cao.

              Người bị heatstroke thình lình thấy các bắp thịt mình co thắt, sưng lên và đau. Sau đó người bệnh bứt rứt, đi đứng loạng choạng, lẫn lộn, làm kinh, hôn mê. Triệu chứng thường rất đột ngột trong những trường hợp heatstroke do vận động ngoài trời nóng. Có người yếu mệt, uể oải, nhức đầu, ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, tim đập nhanh, khó thở ít phút, ít giờ trước khi sưng đau, co thắt các bắp thịt, mê sảng và giật kinh phong. Heatstroke càng nặng và để lâu, càng nguy. Khi đo nhiệt độ, thấy thân nhiệt họ cao hơn 104 độ F (40 độ C). Da họ khô và nóng lắm.

              Người bị tai biến do nóng cần được chữa trị khẩn cấp tại bệnh viện với nước truyền tĩnh mạch và các phương pháp làm mát đặc biệt.

              Sưng chân và xỉu

              Những vị đi du lịch vào mùa Hè, khi cơ thể chưa kịp quen với khí nóng, hay bị sưng phù ở chân và cổ chân. Hiện tượng này được gọi heat edema, do các mạch máu chân dãn nở vì khí nóng, và cũng do ngồi, đứng lâu trong chuyến du hành, khiến máu dồn xuống chân nhiều hơn bình thường. Ta năng đi lại, gác chân lên cao, sưng chân thường sẽ thuyên giảm.

              Trường hợp rủi máu dồn xuống chân bạn nhiều quá, lượng máu về tim sẽ ít đi, tim bạn không có đủ máu bơm ra đến nuôi các cơ quan. Nếu óc bạn thiếu máu đến nuôi nặng quá, bạn sẽ xỉu. Cũng may, bạn tỉnh lại ngay khi vừa ngã xuống đất, vì trong tư thế nằm, lập tức máu dồn về tim nhiều hơn, và óc bạn lại có đủ máu do tim bơm đến.

              Bạn nhớ ngồi hay nằm ngay xuống bất cứ khi nào thấy trong người không khỏe, yếu mệt, bủn rủn tay chân, chóng mặt.

              Đau nhức bắp thịt do nóng

              Trong mồ hôi có nhiều muối khoáng (minerals), nên khi toát mồ hôi dữ dội, ta mất luôn muối khoáng, trong có cả sodium chloride, một chất cơ thể ta rất cần (sodium chloride có trong muối ăn). Các lực sĩ, công nhân, hoặc người làm việc ngoài trời nắng, dù uống nước, uống các thức giải khát thực nhiều, nhưng nếu không ăn mặn đủ, hay bị vọp bẻ, đau nhức bắp thịt (heat cramps). Do họ toát mồ hôi liên tục, mất nhiều sodium chloride, nên trong máu, lượng sodium chloride hạ thấp. Bắp thịt ở tay và chân, thường được dùng nhiều hơn các nhóm bắp thịt khác, hay đau nhức nặng hơn.

              Chứng vọp bẻ, đau nhức bắp thịt này chữa không khó. Chỉ cần nghỉ ngơi, chịu khó xoa nắn chúng, và ăn mặn là đâu lại vào đấy, triệu chứng sẽ thuyên giảm mau chóng.

              Phòng ngừa

              Trời nóng, nên tắm mát mấy lần trong ngày cũng được. Những ngày nóng quá, nên mở máy lạnh, máy điều hòa không khí (ventilators). Mặc quần áo mỏng nhẹ, rộng rãi, màu nhạt, may bằng những loại vải dễ thoát nhiệt. Mũ rộng vành hoặc dù che cũng giúp nhiều, cản bớt ánh nắng đổ lửa. Uống đủ nước mỗi ngày, đừng chờ khát mới đi tìm nước và tránh chỗ có khí nóng. Người thích vận động nên làm quen với khí nóng ít nhất 3-4 ngày trước khi vận động mạnh. Dù mê thể dục thể thao lắm lắm, thường xuyên ta rủ nhau ra ngồi nghỉ và thưởng thức các thức uống nơi có bóng mát. Bắt buộc sinh hoạt hay làm việc ngoài trời nắng, ta cần sodium hay ăn mặn thêm.

              (Theo caonienbachhac. Phỏng theo bài viết của Bác sĩ Nguyễn Văn Đức)

              Comment


              • #37
                TUỔI GIÀ BUỒN

                Trần Cẩm Tú

                Ngày của bà già … một ngày như mọi ngày

                Sáng thứ hai nào cũng một điệp khúc

                - Anh ơi, retire đi anh, mình không đi Casino thi cũng đủ tiền sống, vẫn có cơm ngày ba bữa mà anh. Em sẽ hà tiện không mua thuốc nhuộm tóc nữa để tóc bạc, già cùng với anh. Ở nhà một mình buồn quá hà.

                - Ở nhà đi ra đi vào nhìn nhau, bùn (buồn) rồi sinh chuyện để cãi nhau hả ? Thôi không dại đâu.

                Thế là ông già vẫn nhất định lặn lội đường xa lái xe đi làm để bà già ở nhà từ sáng thứ hai đến chiều thứ năm. Bà già thường chỉ buồn ngày thứ hai, rồi bận việc tổng vệ sinh nhà cửa cũng nguôi ngoai nỗi lòng. Qua thêm ngày thứ ba, đến ngày thứ tư thì thấy “Mai anh về rồi“.

                Vợ chồng già Ngưu Lang Chức Nữ vài ngày để cuối tuần về vui vẻ, lại thêm còn đi làm còn có tiền xài không phải tính toán không tốt hơn sao?. Cũng có đôi lúc bà già còn thoải mái được Home Alone, không phải nấu cơm hàng ngày… Bà già phục lăn ông già là con người sâu sắc thấy xa hiểu rộng tính toán việc tương lai như thần. Ông già vỗ vai bà già an ủi, cười cười

                - Anh mà bị gì đi luôn thì em được lãnh nhiều tiền lắm đấy, chết vì hãng mà .

                Làm bà già lại giật mình và mất công suy nghĩ lo lắng – Không có ông già thì ai lái xe đưa mình đi Casino vậy có nhiều tiền làm gì đây?. Không có ổng tụi nhỏ bắt mình về ở với tụi nó, hầu tụi nó chắc thân già mình chết sớm quá. Mà không ở với tụi nó thì ai chịu chứa chấp mình đây? Con em gái đã nói – không ai thích cho người già Share phòng đâu, vài năm sau nhà có ma thì ghê lắm –

                Ông già lái xe đi rồi, bà già bắt đầu đeo kiếng đi Clean Up nhà cửa. Lấy chổi lông gà phủi bụi sơ sơ đồ đạc, rồi đi đảo một vòng quanh nhà xem sàn nhà chỗ nào dơ thì đánh dấu để lau đúng chỗ đó. Càng ngày bà già càng có kinh nghiệm không cần còng lưng đẩy máy lau nhà khắp cả nhà nữa, mà nhà vẫn sạch sẽ. Bạn bè đến nhà ai cũng khen hết - Giữ nhà kỹ như vậy dễ bán được nhà lắm đó –

                Xong xuôi mọi việc, bà già ra mở Computer…

                Những Email dậy người già cách sống làm người đứng đắn đàng hoàng…. khỏe mạnh thân xác … tinh thần đạo đức, vui tươi… bà già Delete ngay tức khắc. Khổ lắm lời hay ý đẹp của thiên hạ gửi tới từ ngày có Email, bà già đọc cả trăm lần, thuộc lòng rồi, ai mà chẳng biết nhưng có làm được đâu. Biết Sân là không tốt nhưng đụng chuyện là Sân kéo đến nhanh hơn Tornado nữa. Đối với bà già lý thuyết thì hay nhưng hành thì khó hơn lên trời.

                Bà già cũng chẳng còn mê đọc truyện tình như hồi còn trẻ nữa. Những chuyện tình cảm lâm ly ướt át,… bà già thấy con tim mình vô cảm quá. Các nhà văn thường là những người có nội tâm sâu sắc, có chiều sâu … thấy đời là bể khổ nên thích viết truyện buồn, cảm động… Những truyện này được độc giả nhỏ lệ khen hay. Bà già với tâm hồn già nua, hết đa cảm đa sầu nên thích đọc truyện vui hơn. Khổ nỗi truyện vui lại ít hơn truyện buồn.

                Còn những Email báo động về thức ăn độc hại… bà già cũng thẳng tay xóa hết vì từ lâu rồi, đi chợ những gí Made in VN, China bà già bỏ ngay xuống không bận tâm thương người VN thất nghiệp nữa. Ăn đồ độc chết rồi làm sao yêu nước được ???. Nhất là ghét của nào trời cho của đó, kiếp sau là người Tàu thì tỉu hà ma là cái chắc.

                Với những Email đăc biệt, bà già hứng thú Fwd tới bạn bè, để tỏ lòng cám ơn những người rảnh rỗi dư thời giờ và có lòng chia xẻ, đã bỏ công lặn lội trong những rừng Web, tìm ra báu vật đem gửi khắp nơi tặng người.

                Xong phần Email, bà già qua phần đọc tin tức của báo chí VN… Đọc tin tức của báo Mỹ mệt óc lắm đôi khi lại bé cái lầm nữa. Càng ngày bà già càng giảm đọc dần các Web. Đọc bình luận của các tay viết chính trị, bà già cứ như đi vào mê hồn trận, ai viết cũng hay cũng có lý hết … nhưng chỉ trên lý thuyết… thực tế mọi chuyện vẫn bình chân tại chỗ. Đôi lúc muốn lấy le với các ông bạn xưa, ta đây tuy già và là đàn bà nhưng vẫn Care việc quốc gia đại sự, bà già tổng hợp suy nghĩ của các ông chính trị gia đem ra bàn luận… Nhưng trí nhớ không còn nhiều, chỉ nhớ lõm bõm… nên nói một hồi bà già phải ngừng ngang xương vì thấy mình nói lung tung chẳng ra đâu vào đâu, không có lý luận vững chắc chút nào cả.

                Đọc tin tức mình của VN, thì máu nóng trào lên … thường là bà già phải vội mở You Tube nghe mấy bản hùng ca VN để tìm lại nhiệt huyết của thời tuổi trẻ. Bà già yêu nước thật đấy. Nhưng bà già lại lo, yêu nước quá, sau khi chết 49 ngày đi đầu thai bị về VN làm con nhà nghèo thì đời khổ lắm.

                Bà già chán đời quá… sao thấy mình như sống để chờ chết… Bà già nghĩ đến việc làm sao … sống vui, sống khỏe như mọi người…

                Đi bộ… Nhưng mùa hè ra đường thì nóng chết, mấy con bọ vo ve bên tai … thật khó chịu. Mùa đông thì lạnh cóng… răng đánh lập cập, hư răng, tốn tiền đi làm răng giả. Thôi chạy máy nửa tiếng ở trong nhà cho xong, đủ cho chân tay không bị cứng ngắc, đứng lên ngồi xuống không bị khó khăn là được rồi. Ao sai ao xiếc bị trúng gió lại sanh chuyện khổ thôi. Ra ngoài trời vừa đủ để khỏi phải uống thêm Vitamin D là được rồi.

                Đi Gym… Bơi trong nhà, không nắng không lạnh thích lắm. Nhưng các cụ ông cụ bà hứng lên không Control được bậy bạ thì sao ? Eo ơi dơ chết !!! Nước Chlorine tẩy hết mùi vị đấy nhưng lại làm tóc rụng tơi tả thành sư bà bất đắc dĩ, mất công đi mua mũ đội. Rồi còn vào phòng tắm hơi, hơi nóng đã thật, đâm ghiền….nhưng da già không còn sức hồi xuân, dãn luôn trở thành đại lão bà bà làm sao xưng em được với ông già, kỳ chết.

                Ngồi thiền … Tâm được tĩnh lặng bao lâu trong một ngày…? Hết thiền thì Nghiệp cho tính nào thì vẫn nhất định khư khư giữ tính đó !!! Nếu không có minh sư hướng dẫn dễ bị tẩu hỏa nhập ma, tưởng mình đắc đạo xuống thế trước Đức Phật Di Lặc nữa thì sao ???. Thiền dở dở ương ương, lúc thiền là cảnh Phật, lúc xả thiền nhập thế còn hơn ai, kiếp sau thành thầy tu đi nửa đường trần thì còn tội nghiệp nhiều hơn ?

                Đi du lịch … không có sức khỏe vừa mỏi chân vừa tốn tiền, tốn tiền lớn chứ không phải tiền nhỏ… Muốn xem cảnh đường xa xứ lạ… mua Video về xem vừa nhàn vừa rẻ.

                Viết truyện gửi bạn bè đọc cho vui … bạn lo làm giầu im lặng là vàng … Buồn !!!. Bạn có chê viết bá láp, làm ơn đừng viết nữa đi không ?. Vì vậy sự nghiệp văn sỡi thứ thiệt cứ nhất định không chịu tiến lên. Nói là viết cho mình vui ??? Khoa trương quá. Từ cổ tới kim có ông bà văn sĩ thành danh nào cất tác phẩm của mình vào tủ rồi ngồi cười đắc ý ... khà khà , không trình làng tác phẩm của mình không ??? Văn chương hạ giới rẻ như bèo, nhất là văn chương trên mạng người người viết văn.

                Gặp bạn bè ăn nhậu, gọi Phone nói chuyện với bạn bè … không rượu mà lời vẫn ra… lúc thì mình bị mất lòng , lúc thì bạn giận… Ai cũng nghĩ ý kiến của mình đúng cả, sao nó nói chuyện ngang như cua thế, nghe mà bực cả mình lên…. Muốn lên thiên đàng, cõi Phật thì phải ít nói, và ít nghe luôn. Vì nghe rồi mà chẳng nói sợ bạn buồn, cứ thế mà xoay vòng, không trầm luân mới là chuyện lạ.

                Niệm Phật Nam Mô A Di Đà, tụng kinh đọc chú … nhưng ông Phật có thèm nghe không để đem bà già vẫn tham sân si về cõi A Di Đà ? Bà già vẫn Sân khi bị ngược ý. Bà già vẫn Tham, mua 5$ xổ số mỗi tuần. Bà già vẫn Si khi mơ trúng độc đắc mấy trăm triệu, trằn trọc suốt đêm suy nghĩ hoài có nên chia tiền cho người ghét mình không đây ?

                Làm vườn … trồng rau, trồng ớt, trồng hoa… Mỗi lần ra vườn, cứ như đi ra chiến trường chiến đấu gian khổ với đàn muỗi. Đã cẩn thận trang bị vũ khí hóa học cùng mình, vậy mà lần nào cũng bị kẻ thù chích cho vài mũi, ngứa cả tuần. Gặp con ong lạc bầy tấn công thì thê thảm cả tháng.

                Đi Shopping… mua gì đây ? Đồ đạc tích lũy mấy chục năm, chật cả nhà, đâu cần mua thêm . Quần áo On Sale cũng chẳng ham, có đi đâu mà cần quần áo nữa ? Già rồi có ai còn dòm mình khen mình đẹp hơn xưa đâu. Ngắm máy móc Computer, máy chụp hình… kỹ thuật cao quá chẳng hiểu gì cả nên chẳng thích.

                Đi làm việc thiện giúp người…. Bà già có một bà bạn đã giác ngộ, lên chùa làm công quả. Theo Sư tụng kinh, và đăc biệt là hăng hái tốn tiền đi chợ nấu cơm chay cho bá tánh ăn no nê để tu cho giỏi… Được vài tháng thì xin nghỉ việc, hỏi thì bà ngập ngừng mãi mới nói lý do. Hóa ra là bà chịu đời không thấu những lời nói của các người con Phật. Bà nói - Thôi tu tại gia thì cái tôi của mình mới không bị Hurt, mới bình yên đi trọn đường trần, hì hì -.

                Một bà khác văn minh hơn, nhập vào dòng chính của nước Mỹ đi làm Volunteer ở bệnh viện. Có lẽ thấy bà người ngoại quốc tiếng Anh chắc nói không giỏi như Mỹ đen, nên bệnh viện đưa cho bà công việc đẩy xe giúp bệnh nhân cần ra ngoài trời thở không khí trong lành. Bà làm được hơn tháng thì xin nghỉ việc vì lý do đau chân quá đi không nổi. Bà thỏ thẻ nói – Già rồi, cứ tưởng mình còn ngon lành. Rồi bà cười nói tiếp - Thương mình hơn thương người là chuyện phải làm, là chuyện kinh thiên động nghĩa của con người, nếu không trời tru đất diệt, hà hà -.

                Ngồi nhớ 2 thằng cháu ở xa lắc xa lơ …, bà già lại không dám nhớ vì sợ khóc ròng. Thôi đành phải nhớ đến câu thằng cháu 2 tuổi nói với bà già - Go Away – khi mẹ nó bế nó, đến đón nó về nhà nó . Thằng 2 tuổi rưỡi thì khi thấy bà già ngồi trên cái ghế làm việc của mẹ nó, nó đã đẩy bà già ra rồi nói – Mami’s Chair – Dở mặt há, OK Fine, bà không thèm nhớ tới tụi con nữa, khỏi buồn rơi nước mắt khóc nhớ thương. Tiền vé máy bay đi thăm tụi con trong thời buổi kinh tế khó khăn càng ngày càng tăng lên đó, biết không.

                Bà già buồn quá, cái gì cũng không muốn làm…với đủ lý do….?” Vậy làm gì đây cho qua thời gian ???

                Xong việc nhà bà già giết thời giờ bằng chơi Games… mắt mờ, tay run, chậm chạp, đánh hoài không Finish được cái Game Plants vs Zombies. Khó mà giết hết tụi Zombies …vì nó Endless… nên bà già chán

                Cuối tuần ông già về, cũng chơi Game, đánh hoài cũng không thắng… nên than bùn… rủ đi Casino cho đỡ bùn. Quên bùn được mấy tiếng, về nhà còn bùn hơn, vì tiếc tiền.

                Tháng trước bà già xem quảng cáo về Slot Machines Video Games, thích quá vác về nhà mấy đĩa. Khoảng 7 đến 20 đô một đĩa, mỗi đĩa có đến hơn 10 Slot Machines, ít nhất từ 1 Cent đến 25 đô cho một bấm tay.. Tiền giả nên giầu, có tới 25 ngàn đô la tha hồ bấm lia lịa, không thèm chơi 1 cent nữa, chơi ngon 1 đồng.

                Vẫn nghe tiếng nhạc ồn ào vui tai, ngồi nhịp chân theo tiếng nhạc. Vẫn nhẩy nhổm lên, tim đập thình thịch, mừng húm khi được Bonus nhiều tiền. Được Bonus ít tiền cũng chửi thề Shit. Mắt vẫn liếc vào Bankroll xem còn bao nhiêu tiền, chỉ khác một điều là không buồn nữa khi tiền đi xuống. Đôi khi còn lỳ, chơi tới bến luôn xem thế vận thăng trầm tới đâu.

                Video Games còn lịch sự cho mình được quyền chọn 2 thế giới. Một Real World Odds, hai là Dream World Odds. Real thì giống như ở Casino, thua te tua. Dream thì thoải mái thắng hoài, thua ít, như mình mộng mơ. Bà già vào Real thấy Bankroll đi xuống nhiều cũng oải lắm. Nên xẹt qua Dream cho lên tinh thần, để thấy số mình không phải là số con rệp. Nhưng ông già chìa tay ra - Tiền đâu, đưa cho anh !!! Tiền giả làm sao lấy ra được, cụt hứng, cười trừ. Nhưng bà già vui lắm, bà già buồn nên mới thích kéo Slot Machines, chứ bà già đâu có ghiền cờ bạc, mà sợ Homeless.

                Đứng nấu cơm rửa chén, mở băng nghe Sư tụng Nam Mô A Di Dà Phật đấy mà đầu óc vẫn còn vẩn vơ thương yêu giận hờn từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ bằng cái kim …

                Mướn phim về coi, bụng không hẳn là đói mà cái miệng thì cứ muốn ăn. Những hào hứng của phim đấu võ ngã bình bịch, bắn súng đùng đùng, những giọt lệ ngắn dài của phim xã hội… cũng phải tạm ngừng lại để đôi chân tìm đường vào bếp. Mắt dán vào màn ảnh TV, miệng phải nhai nhóp nhép mới yên tâm coi hết cuốn phim. Kết quả là nhiều mỡ, nhiều thịt, cái bụng nổi phồng lên, lúc cần ngồi xổm hay ngồi bẹp dưới đất thì không ngồi được.

                Còn chơi Games, chẳng đói cũng chẳng khát… người không thịt làm gì có mỡ, nên chụp hình mà chụp xa xa nho nhỏ, hình ăn ảnh, gửi hình đi được khen – Càng già càng trẻ, đẹp như người mẫu -.

                Vậy thì một ngày bấm máy một vài tiếng, lãng quên Cái Tôi của mình bấy nhiêu tiếng, không phải là Thiền hay sao ?

                Có lão bà bà nào sống bất bình thường giống bà già không ? Chắc là không quá… nhìn quanh bạn bè, lão bà bà nào cũng khoẻ mạnh trẻ trung vui tươi yêu đời và vẫn Romantic với oan gia của mình, thế mới hay chứ.

                Xin chúc các lão bà bà sống vui yêu đời cho đến ngày phải cất bước ra đi.

                Comment


                • #38
                  TUỔI GIÀ HƯ CẤU

                  Trích đoạn theo bài "Tuổi Già Hư Cấu và Sự Thật"

                  của Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


                  Đã có một thời kỳ, và ngay cả bây giờ, người ta đã gán ghép cho người già một số những điều hoang tưởng, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia.

                  Họ xếp người già vào một nhóm: “nhóm người đầu bạc, răng long, suy yếu; nom ai cũng giống ai, cũng vô dụng, hết sài, không tự lo thân được. Rồi lại sức khoẻ kém, nay nằm nhà thương, mai đi bác sĩ, kém trí nhớ, lú lẫn. Họ sống cô đơn xa lánh mọi người; luôn luôn than buồn chán. Họ không còn hấp dẫn cả về hình dáng lẫn tình dục. Đừng đả động tới họ nữa. Hãy cứ đưa họ vào viện dưỡng lão hay tập trung vào các nông trại cho tiện việc”.

                  Tuổi già có đáng để mang nhiều hư cấu như vậy không? Hay đành an phân những vô nghĩa đó: già là vô dụng, là không hoạt động, không thích nghi, kém khả năng tình dục, là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng!

                  1. Đâu có phải những người trên 60 tuổi đều già cả rồi

                  Từ cái tiêu chuẩn hành chánh "tuổi tác về hưu", nhiều người đã suy luận ra một khi về hưu là họ đều già rồi. Gom họ vào một nhóm những người có nhiều khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt trong những năm cuối cuộc đời. Ngay cả người về hưu cũng nghĩ là: Thôi đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân già. Rồi còn dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó chứ.

                  Về phương diện y khoa hay sinh lý học chưa bao giờ coi về hưu là lúc cơ thể bắt đầu già. Hóa già là do thể chất, gen di truyền, cách thức sống, ảnh hưởng của môi trường quyết định. Thực ra rất khó mà xác định là ở khoảng thời gian nào của đời người ta sẽ bắt đầu già. Có người bẩy tám mươi tuổi mà nom còn dắn dỏi, nhanh nhẹn; trái lại có người mới gần năm chục mà nom đã hom hem, móm mém, tóc bạc khô, đi đứng không vững. Thôi thì cứ đành nhận là khi nào ta cảm thấy già thì ta già vậy.

                  2. Mấy người già, người nào cũng như nhau

                  Có ý kiến cho rằng mọi người đều già đi theo cùng một phương thức, do đó họ đều “già nua” giống nhau. Thực ra, sự hoá già đều rất cá biệt do nhiều yếu tố: gen di truyền, chủng tộc, giống tính, địa phương, khí hậu, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, xã hội.

                  Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khỏe mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập th́ có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.

                  Sự già giữa người nam, người nữ cũng không giống nhau. Người nữ có tuổi thọ cao hơn, nhân số nhiều gấp rưỡi người nam già. Họ hay bị bệnh trầm kha hơn như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương. Đáp lại thì người nam già thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim. Thành ra cho rằng người già đều như nhau thì có vẻ nông nổi, cả tin.

                  3. Không phải hễ già thì yếu đuối, kém sức khoẻ

                  Thường thường khi nói tới già là ta cứ gắn vào chữ già yếu - Người thì đi xe lăn, người chống gậy, lủng lẳng mang thêm bình dưỡng khí để thở, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, nhập bệnh viện thường xuyên, đâu còn sức lực gì.

                  Câu chuyện nghe được trong một phòng mạch: Một ông già than phiền sao cái cánh tay bên trái cứ nhức mỏi hoài. Bác sĩ bảo: cụ đã 80 tuổi rồi thì nó vậy đó, bệnh già mà. Cụ chỉ đau như vậy thôi là may lắm rồi, còn muốn gì hơn. Bệnh nhân lại hỏi thế tại sao tay phải tôi cũng 80 tuổi lại không nhức?

                  Thực tế ra, đối với người cao tuổi, duy trì bình thường các chức năng cũng quan trọng như làm sao để không bị bệnh hoạn. Tám mươi phần trăm các vấn đề sức khỏe của người già có thể tránh hoặc trì hoãn được khi cơ thể được chú ý chăm sóc. Xin nhớ sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân quả.

                  4.Tránh thành kiến hễ già thì nói trước quên sau

                  Có nhiều thành kiến gán cho sự hóa già là nguồn gốc của sự nói trước quên sau, trí tuệ trì trệ.

                  Có thể là cũng như ở lứa tuổi khác, người cao tuổi có giảm đi phần nào trí nhớ ngắn hạn, như đột nhiên quên tên người quen, quên một sự kiện vừa xẩy ra hay không nhớ để chiếc chìa khóa xe ở đâu, hoặc không làm hai việc một lúc. Nhưng với sự tập luyện lập đi lập lại, sửa soạn và dành thì giờ rộng rãi cho công việc, làm việc theo thứ tự ưu tiên, thì khả năng trí óc của họ sẽ khá hơn.

                  5. Già không có nghĩa là cô lập

                  Xưa kia, có một thời gian ngắn ngủi, người cao tuổi được mời lên chiếu trên của các sinh hoạt cộng đồng xã hội trong vai trò hướng dẫn, cố vấn, nhờ ở những kinh nghiệm khôn ngoan từng trải của họ. Rồi với sự thay đổi quan niệm sống cộng thêm sự lên xuống của cung cầu kinh tế, người già xuống cấp, đôi khi bị coi là gánh nặng. Họ được đẩy vào bóng tối của xã hội.

                  Nhiều người cứ nghĩ là khi về già, họ sẽ sống thu mình, xa cõi nhộn nhịp, tranh đua, giảm bớt liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, kém tiêu hóa, với đau nhức mình mẩy, với huyết áp cao... Thêm vào đó, cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ có nhiều nguy cơ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.

                  Sự thực thì sau những mất mát, chia tay, con người nói chung, người cao tuổi nói riêng, cũng đều rơi vào thời gian tiếc nhớ. Thời gian này dài ngắn tùy hoàn cảnh, tùy khả năng ứng phó của mỗi cá nhân. Nhưng bình thường thì chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được. Bạn bè không bỗng chốc tan hàng hết. Người muốn an hưởng tuổi vàng không thiếu gì cách để thực hiện ý muốn của mình. Tìm bạn mới ở các nhóm họp người già. Tham gia những sinh hoạt chung của cộng đồng, lối xóm. Trao đổi thư tín, tin tức về vấn nạn, giải đáp khó khăn của đồng tuế. Thăm nom vui chơi cùng cháu chắt. Tránh những ưu tư không cần thiết.

                  6. Người già không phải là vô dụng

                  Có lẽ người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân như vậy nhưng ngay khi đó cũng có những người tuổi cao ngồi tham mưu, đóng góp tâm sức, thực hiện kế hoạch chung cho quốc gia. Giảm đi một vài chức năng của cơ thể không đồng nghĩa với mất khả năng lao động.

                  Nhiều người già vẫn còn phục vụ những công việc không chính thức, không sổ sách lương bổng như thiện nguyện, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, phối ngẫu đau ốm. Đồng thời cũng có nhiều dẫn chứng rằng người cao tuổi làm việc chuyên cần, đáng tin cậy, ít gây ra tai nạn, ít bị ảnh hưởng của những căng thẳng vu vơ. Một vài phản ứng chậm chạp, đắn đo, một số chậm hiểu tính toán đôi khi lại giúp hoàn tất công việc an toàn hơn

                  Rồi còn những hoang tưởng như già hết duyên, khô cạn tình dục, chấm dứt cuộc đời trong nhà dưỡng lão, cả ngày chỉ ngồi nuối tiếc quá khứ, ám ảnh với kinh kệ, sẽ là nạn nhân của lạm dụng người già, của tội phạm.

                  Ôi, sao mà nhiều gán ghép độc địa!

                  Comment


                  • #39
                    Bữa Cơm Sum Họp Gia Đình

                    Theo quan niệm truyền thống “bữa cơm gia đình” là giây phút đầm ấm, cả nhà quây quần sum họp và chuyện trò chia sẻ. Có gia đình thoải mái kể cho nhau nghe chuyện xảy ra trong ngày. Có những đứa con cảm thấy hạnh phúc thưởng thức món ăn Mẹ nấu trong ngày. Có những lúc cha mẹ dặn dò con chuyện sinh hoạt cần thiết cho gia đình. Nói chung, mọi người thưởng thức bữa cơm tối đông vui an lành.

                    Trong cuộc sống hiện đại, trong và ngoài nước, mỗi người mỗi việc bị cuốn theo nhịp sống bận rộn, nhiều gia đình đã không còn giữ được sự nồng ấm của mỗi bữa cơm. Người lo cho "sự nghiệp", người vừa học vừa làm, người chạy đôn chạy đáo lo cho con trẻ, người chỉ biết làm tới tấp "overtime" đủ trả "bills", v.v... Hầu như hằng ngày họ lái xe đi lại cũng mất hết ba bốn tiếng đồng hồ - nào đi làm, đi chợ búa, đưa đón con cái, giao dịch, kẹt xe trên xa lộ, v.v... Bên cạnh đó, những nhu cầu vật chất "khuyến mải" vây quanh; chạy đua với những của ngon mới lạ, "thuyền to sóng lớn" đưa đẩy những bon chen làm căng thẳng đời sống của họ.

                    Từ đó những cách sống cơm hàng chợ quán, cơm hộp “to go”, đồ ăn "frozen", mì ăn liền, nấu ăn cho cả tuần, cơm tháng giao tận nhà, v.v… rất phổ biến. Một nồi bún riêu đủ ăn đi ăn lại chho cả một weekend, để còn thời gian lo dọn đẹp nhà cửa và nghỉ ngơi. Đôi khi cuối tuần, con cái muốn kéo ghế ăn ngon sài sang, nhưng ông bà cha mẹ lại muốn con tiêu xài tằn tiện, do đó chúng tìm cách đi "công chuyện" để cha mẹ không phiền hà. Cuối tuần cũng là những dịp giao tế tiệc tùng, cha mẹ đi phần của cha mẹ, con cái cũng có bạn bè chúng kéo nhau đi chơi. Từ đó, dường như quan niệm "bữa cơm sum họp gia đình" như đang dần mất đi, hay không còn coi trọng khía cạnh tương giao tình cảm gia đình trong bữa ăn nữa.

                    Những bữa cơm sum họp cả gia đình thật là hiếm hoi. Ông bà cha mẹ hầu như ngày nào cũng chờ con cái về rồi ăn, nhưng chẳng mấy khi họ được ăn cùng con cháu. Nhìn mâm cơm đầy đủ thức ăn mà có khi ông bà cha mẹ không sao nuốt nổi. Với những hoàn cảnh ấy, người già dễ hụt hẫng vô cùng, vì bữa cơm đối họ là giây phút hạnh phúc ấm áp của tình cảm gia đình. Một trong những đau khổ cô đơn của tuổi già chính là hiện tượng con cháu vô tâm, bỏ bê, không coi trọng những bữa cơm gia đình.

                    Nói đến chuyện con cái ra riêng, cả nhà chỉ còn hai "khỉ già" cũng đơn giản "bữa cơm qua loa" qua ngày qua tháng. Mỗi ông bà một dĩa hay một chén, vừa ăn vừa thửơng thức những nỗi buồn không tên. Ăn thứ gì cũng sợ bệnh, uống thứ gì cũng sợ nhiệt, nhưng tin vào những mách vẽ truyền tai "bá nháp trị bá bệnh".

                    Đây là chưa kể những bữa cơm sum họp của đại gia đình - các anh chị em con cháu... đôi khi việc gặp mặt chung vui trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay!

                    Comment


                    • #40
                      Hi các bạn và Ban Đại Diện DHspkt

                      Bầu Cường post Người già

                      Tình cờ đọc tin tức ,nhìn thấy ông già gầu thật

                      Một ông cụ sống 256 Năm

                      [hr]

                      Một cụ ông sống… 256 năm

                      Hai tạp chí Time và New York Times từng đăng một bài viết nói về trường hợp cụ ông Li Ching-Yun (Trung Quốc) sống trường thọ tới 256 mùa xuân. Cụ có đến 23 bà vợ, 180 con cháu chắt chút và bán thảo dược trong 100 năm đầu đời. Thị lực của cụ luôn tốt, sắc mặt không có gì khác so với những người kém cụ 2 thế kỷ.

                       

                       

                      10 tuổi đi hái thảo dược, học phương pháp sống thọ

                      Theo tiết lộ của nhóm tác giả bài viết trên, sở dĩ họ biết được thông tin này từ một người đưa thư ở thành phố Trùng Khánh. Trước khi mất, cụ Li đã phải chứng kiến 23 người vợ của mình qua đời, tổng số con cháu của cụ lên tới 180 người. Nhóm tác giả cho hay, ông cụ Li sống lâu đến vậy là nhờ có tâm hồn thanh thản và luôn tin rằng mỗi một con người có thể sống ít nhất 1 thế kỷ nếu đạt được thư thái nội tâm.

                      Về cuộc đời cụ lúc còn nhỏ thì không có nhiều tài liệu ghi lại. Cụ sinh ra và mất đi tại tại ngôi làng Kaihsien thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Cụ từng nói rằng mình sinh năm 1736. Tuy nhiên, dựa vào nhiều tài liệu, hồ sơ thì vào năm 1930, giáo sư người Trung Quốc, Wu Chung-Chien của trường Đại học Thành Đô đã phát hiện ra “giấy chứng sinh” của Hoàng gia cũng như những bức thư chúc thọ của các Hoàng đế nhà Thanh, cho thấy rõ Li được sinh ra vào năm 1677 (năm Khang Hy thứ 17) tại huyện Kỳ Giang (tỉnh Tứ Xuyên). Vào các năm 1827 và 1877, triều đình nhà Thanh đã cử hành lễ mừng thọ 150 tuổi và 200 tuổi cho cụ một cách long trọng. Trong các bức thư chúc mừng này còn khẳng định: cụ Li Ching-Yun là chuyên gia thảo dược, lão võ sư kiêm cố vấn chiến thuật, đồng thời cũng là một bậc thầy khí công danh tiếng lẫy lừng Trung Quốc thời đó. Thời báo New York Times vào năm 1928 ghi rằng nhiều người già gần nơi ông cụ Li Ching-Yun sinh sống cho hay ông nội của họ đã biết ông Li Ching-Yun từ lúc còn nhỏ, và khi ấy ông Li đã lớn tuổi rồi.

                      Theo những câu chuyện lưu truyền ở tỉnh Tứ Xuyên, ông Li biết viết và đọc từ rất sớm. Năm lên 10 tuổi, ông đã tìm đến Sơn Tự, Tây Tạng, Cam Túc, Mãn Châu và Thái Lan để thu mua thảo dược. Trong 100 năm đầu tiên, ông tiếp tục theo đuổi nghiệp này, sau đó chuyển sang bán thảo dược do người khác thu mua.

                       Cũng từ năm lên 10, ông bắt đầu học hỏi các phương pháp trường thọ, với khẩu phần ăn uống chính là các loại thảo mộc và rượu gạo. Ông đã sống theo cách này trong 40 năm đầu tiên của cuộc đời mình. Năm 1749, khi đã 71 tuổi, ông gia nhập quân đội ở huyện Khai, trở thành thầy dạy võ thuật kiêm chuyên gia cố vấn chiến thuật.

                      251 tuổi vẫn trẻ, dẻo dai như tuổi 60

                      Năm 1927, ông nhận lời mời của tướng Yang Sen (Trung Hoa dân quốc) tới huyện Tứ Xuyên làm khách trong nhà. Ngay từ khi mới gặp mặt cụ Li, tướng Yang Sen hết sức ấn tượng và khâm phục trước sự trẻ trung, sức dẻo dai và tài nghệ võ thuật của cụ. Khi ấy, tướng Yang Sen tự hỏi mình: “Làm thế nào mà cụ Li tuổi đã cao như vậy rồi mà vẫn trẻ khỏe như đang thời trung niên vậy nhỉ? Chẳng lẽ cụ có thần dược”. Bức chân dung nổi tiếng về cụ được chụp trong thời gian này.

                      Sau khi trở về được một năm, cụ Li mất. Một số nói rằng, cái chết của cụ là do nguyên nhân tự nhiên, nhưng cũng có người bảo, trước khi mất cụ Li nói với người nhà: “Tôi đã làm xong những việc mà tôi cần phải làm, tôi sắp sửa trở về nhà (tạ thế)”. Quả thật sau đó một thời gian ngắn, ông tịch. Sau cái chết của cụ Li, tướng Yang Sen có những điều tra về ngày tháng năm sinh của cụ Li. Mục đích của cuộc điều tra này nhằm làm sáng tỏ sự trường thọ kỳ lạ của cụ Li. Không lâu sau đó, tướng Yang Sen đã viết những phát hiện của mình liên quan đến tuổi đời, cuộc sống sinh hoạt của cụ Li trong một báo cáo. Bài viết mang tựa đề “Câu chuyện có thật về một người đàn ông 250 tuổi”, trong đó mô tả “Li Ching-Yun mắt rất sáng, cao khoảng 2m, bước chân mạnh mẽ, nước da hồng hào đầy sức sống”.

                      Năm 1933, sự ra đi của Li Ching-Yun đã được báo chí khắp thế giới đưa tin, bao gồm cả những tờ báo uy tín nhất thế giới đương thời như tạp chí Time và New York Times. Căn cứ vào một tài liệu có đề cập đến đời sống hôn nhân của người đàn ông nhiều tuổi nhất thế giới này, người ta biết được ông Li đã tiễn 23 bà vợ về suối vàng và đang sống với đứa con thứ 24 - khi đó đã ngoài 60 tuổi. Trong một tài liệu khác có ghi năm 1928 nói rằng ông có 180 người con cháu chút chít, gồm 11 thế hệ và chỉ kết hôn có 14 lần.

                      Cụ Li Ching-Yun khi còn sống rất minh mẫn, khỏe mạnh, và cụ đã giữ được trạng thái đó cho tới tận lúc qua đời. Năm 1928, khi đó cụ đã 251 tuổi, một bài báo được đăng trên tờ New York Times đã miêu tả cụ trông chỉ như một người khoảng 60 tuổi. Thị lực của ông Li vẫn rất tốt. Có một điều kỳ lạ mà những người từng thấy ông Liu nói rằng sắc mặt của ông không có gì khác so với những người kém ông tới 2 thế kỷ. Móng tay bàn tay phải ông dài đến khoảng 15cm. Điều này đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu về con người nghi ngờ về tuổi thọ thật sự của cụ.

                      Một người có thể sống ít nhất 1 thế kỷ nếu nội tâm luôn thư thái?

                      Một phóng viên New York Times viết: Có những câu chuyện đã được chứng minh là đúng 100% mà ta vẫn không thể không hoài nghi. Bạn có tin một cụ ông ở Trung Quốc có thể sống trường thọ tới… 265 tuổi không? Ông cụ sinh năm 1736 hay 1677, chỉ xác định được năm mất - 1933?  Theo tất cả các tài liệu tôi tìm thấy, hình như trong chế độ ăn uống của cụ Li Ching -Yun chủ yếu là thực vật và trái cây hoang dã có trên núi. Các dược thảo mà cụ ăn hàng ngày gồm có wolfberry (một loại trái cây thơm ngon đuơc biết từ lâu là bổ mắt và não), He Shou Wu (hay còn gọi là Hà thủ ô, có tác dụng hồi phục sức khỏe nhanh chóng và chống lão hóa) và nhân sâm. Ông cụ ăn Wolfberry sống và nấu chín He Shou Wu với nhân sâm. Cũng có bằng chứng nói rằng khoảng 2 năm một lần cụ ăn cá và thịt động vật hoang dã.

                      Qing Li yun, người đứng đầu quân đội Trùng Khánh đã từng mời ông Li về tư gia của mình với mong muốn được truyền bí quyết sống tới năm 250 tuổi. Trong một bài phỏng vấn năm 1920, lúc này ông Qing đã 139 tuổi, cho biết: Năm 50 tuổi, tôi có đi đến một ngọn núi để thu thập một số loại thảo mộc. Ở đây, tôi đã gặp một cụ ông lớn tuổi. Qua trò chuyện, tôi biết cụ sống hàng chục năm trên ngọn núi hẻo lánh này. Cụ xuất hiện không phải là một người đàn ông phi thường, nhưng những bước đi của cụ nhanh như thể cụ đang bay trong không khí. Tôi dồn mọi sức lực cố gắng đi theo cụ mà mãi vẫn không thể theo kịp… Đến lần thứ hai gặp mặt, tôi đã thành tâm quỳ trước mặt cụ và cầu xin cụ truyền cho bí mật sức khỏe dẻo dai phi thường đó. Cụ đã cho tôi một số loại trái cây, nhiều nhất là quả wolfberry và nói “bí mật duy nhất của tôi là chỉ ăn những loại trái cây này”. Kể từ đó, tôi ăn các loại trái cây đó hàng ngày.

                       “Luôn giữ một trái tim ôn hòa, ngồi tĩnh lặng như một chú rùa chậm chạp, đi nhanh nhẹn như chú chim câu và ngủ ngon lành như chú cún”. Đó là những lời khuyên quý báu mà cụ Li chia sẻ với Qing Li yun, người từng đưa cụ Li tới ngôi nhà của ông với mong muốn có được bí quyết về sự trường thọ.

                      Theo Ngân Hà

                      An ninh Thủ đô

                      Comment


                      • #41
                        SỰ THẬT

                        Bài "Sự Thật" rất chính xác và thiết thực, thật mỉa mai chán chường nhưng cũng nên đọc để hiểu rằng - Sau khi xong bổn phận lo cho con cái, thì đừng bao giờ trông cậy ở chúng điều gì..!?. Nghe qua thấy chướng tai, nhưng nhiều cha mẹ khổ vì "cảm nhận" sự bạc bẽo của con cái ở thời đại này! Con họ là những người có học như bác sĩ kỹ sư, giầu có như thương gia chủ tiệm, nhưng cha mẹ vẫn phải đi "share" phòng, "get line" để xin nhà "low income", hay vẫn nhận tiền trợ cấp chính phủ tiêu vặt, v.v.. Con cái vì công ăn chuyện làm cũng không có thời gian để nuôi người già bệnh do đó phải thuê người lo giúp, sống quen với môi trường vệ sinh và tươi mát trong mái nhà cũng cần bảo vệ, thời gian riêng cho "cá nhân" cũng cần tôn trọng, v.v... Nếu cứ cho rằng "tùy theo phước phần" cho an phận cũng được, thế nhưng đừng trông mong chúng “báo hiếu” kẻo thất vọng nặng nề, vì cái nhìn báo hiếu ngày nay đã thay đổi nhiều. Cha mẹ và con cái, lạc quan hay bi quan, hãy cần phải có cái nhìn triết lý "Sự Thật".

                        Trong truyện cổ, người ta có kể chuyện một ông phú hộ và bốn người con trai. Khi bốn người con này lớn lên lập gia đình, ông phú hộ này đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già . Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Ðược ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chún . Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình một tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con. Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.

                        Câu chuyện này sao giống câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa.

                        Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.

                        Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn được con trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.

                        Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi về thăm mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.

                        Ông Chu Dung Cơ nói về mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái: “Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn”. Con bệnh cha mẹ buồn lo. Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy là đủ. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà của cha mẹ là của con, nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Ốm đau trông cậy vào ai? Nếu ốm đau dai dẳng có đứa con hiếu nào ở bên giường đâu (cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử)”.

                        Và lời khuyên đối với các bậc cha mẹ là: “Khác nhau là như vậy! Người hiểu đời coi việc lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.”

                        Cũng có nhiều con cái nuôi cha mẹ. Luận Ngữ chép, Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “Ngày nay người ta cho nuôi cha mẹ là hiếu, nhưng đến chó ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu nuôi mà không kính hiếu cha mẹ thì có khác chi !” Người già không khác những đứa trẻ, nhiều khi hay tủi thân, hờn dỗi và dễ phiền muộn, con cái có thể cho cha mẹ ăn uống, hầu hạ cha mẹ khuya sớm nhưng rất khó biết đến nỗi buồn của cha mẹ lúc về già.

                        Người thợ hớt tóc cho tôi biết về con cái của ông , cả hai đứa con đều có nhà riêng, cùng ở trong quận Cam, nhưng không mấy khi chúng điện thoại hỏi thăm ông. Tháng trước, ông bệnh, nằm nhà một tuần lễ mà cũng chẳng đứa con nào ghé qua thăm. Ông nói thêm: “Chỉ trừ lúc nào chúng cần nhờ đến ông việc gì đó”, và buồn bã kết luận: “Ở Mỹ này, có chín đứa con, cha mẹ già bệnh cũng phải vào nursing home thôi!”

                        Tuy vậy, nursing home ở Âu Mỹ, mang tiếng là văn minh, hiện đại nhưng liệu rằng đây có phải là nơi yên ổn cho những ngày cuối cùng của tuổi già không? Tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử của nhân viên như bỏ bê, đánh đập, đại tiểu tiện, ói mửa mà không dọn dẹp, không cho uống nước, hiếp dâm, sờ mó, tệ hại nhất là đối với những bệnh nhân Alzheimer. Năm ngoái, phúc trình của Bộ Y Tế Minnesota cho ta thấy chỉ trong vòng 5 tháng đã có 15 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ bị hành hạ, trong đó có những vụ như bị chọc ghẹo liên tục, bị nhổ nước bọt vào miệng, bị bóp ngực hay hạ bộ. Phải chăng nhà dưỡng lão, chặng cuối đời của người già là chốn địa ngục có thật trên trần gian như thế!.

                        Vậy thì con cái có hiếu tâm, xin cầu nguyện cho các đấng sinh thành sớm ra đi trước khi họ trở thành những người mất trí lú lẫn, nằm suốt ngày một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát được. Thấy cha mẹ lớn tuổi mà còn minh mẫn, mạnh khỏe nên mừng, mà thấy cha mẹ ra đi nhẹ nhàng, trước khi phải chịu những cảnh đau lòng của tuổi già lại càng mừng hơn.

                        Tuy vậy, rất nhiều gia đình người Việt trên xứ người có được niềm an ủi là họ có những đứa con Việt Nam, nhất là những đứa con của một gia đình nghèo khó, lớn lên trong chiến tranh và thông cảm được nỗi thiệt thòi bất hạnh của cha mẹ.

                        Tình yêu luôn là nền tảng hạnh phúc lâu dài cho một gia đình .

                        Comment


                        • #42
                          Chuẩn bị cho tuổi già cô đơn

                          (Trích bài viết của Di Li)

                          Đôi khi chúng ta thấy nhiều người kêu ca rằng mình cô đơn. Thực ra cô đơn là một từ văn chương mỹ miều và sang trọng, dân dã hơn người ta hay than phiền về cái nỗi “buồn chán” đeo đẳng. Điều này thường gặp hơn ở những người đã đến tuổi hưu trí. Khi đến ngày cầm sổ hưu, họ sốc. Đến ngày cuối tuần, con cái không về thăm họ vì một việc bận bất thường nào đó, họ sốc. Và họ buồn hàng ngày. Họ trách con cháu vì thiếu quan tâm đến họ. Họ bảo chỉ có hai ông bà già thùi thũi đi ra đi vô trong một căn nhà vắng lặng. Tôi nghĩ nhiều về điều này. Tại sao những người già lại hay cô đơn? Khi đã về già và lúc còn trẻ có khác gì nhau? Họ bảo tôi không hiểu được đâu vì tôi còn trẻ, chừng nào tôi già như họ thì tôi mới thấy thấm.

                          Những người già cô đơn, khi còn trẻ, có lẽ họ cũng không có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống. Họ vui khi trẻ, vì lúc đó họ có một công việc để làm nơi công sở và một cộng đồng người vây xung quanh để trò chuyện và giao tiếp. Suy cho cùng, đó là những người luôn cần có cộng đồng. Và thú vui duy nhất của họ là được trò chuyện, đối với phụ nữ thì dùng một từ lóng thô giản hơn là buôn dưa lê. Họ buôn dưa lê ở sở làm, quán cà phê, trên điện thoại, trên mạng, qua Facebook hoặc Yahoo Messenger. Đàn ông cũng buôn dưa lê, nhưng chủ yếu ở các quán nhậu, quán cà phê sáng hay quán cóc vỉa hè. Chả thế mà đâu có quốc gia nào bắt gặp những quán nhậu mà ở đó đàn ông nói chuyện ầm ào như chợ vỡ từ sáng muộn cho tới chập chiều, từ chiều muộn cho tới tối đêm.

                          Ngoài thú vui trò chuyện ra, những người già cô đơn khi còn trẻ không có mấy mối bận tâm nào khác. Họ không thích đi du lịch, khám phá mạo hiểm, đọc sách hoặc viết lách, nghe nhạc hoặc chơi vài loại nhạc cụ nào đó, thăm phòng tranh hoặc vẽ tranh, xem các trò thể thao hoặc chơi thể thao, chơi cờ, khiêu vũ, xem phim, trồng trọt, nuôi thú cảnh, làm đồ thủ công, may vá thêu thùa, sưu tập tem-tiền cổ-xe máy-đĩa hát-đèn dầu… Khi những người già (hay kêu) cô đơn được hỏi, không một hạng mục nào vừa kể trên nằm trong sở thích của họ, chứ đừng nói là đam mê. Họ cũng không biết làm công việc phụ gì khác ngoài cái nghề nghiệp mà kể từ khi nghiệp đoàn ký quyết định về hưu cho họ thì đã chấm dứt vĩnh viễn. Cuối cùng, một số người già thi thoảng đi chùa giải khuây, mặc dù đi lễ chùa hoàn toàn không được xếp vào danh mục giải trí.

                          Cha mẹ tôi năm nay cũng tròn 70. Và tôi chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về nỗi cô đơn. Không phải họ “ngậm đắng nuốt cay”, mà có lẽ vì chẳng mấy khi họ có thời gian để mà cô đơn. Cha tôi là nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo. Hễ cứ gọi điện cho ông lần nào là đều thấy giọng ông vui vẻ và náo nức “Ừ, bố đang ở Hà Giang (hoặc Cà Mau hoặc Đà Nẵng hoặc Tây Nguyên…). Bố chụp được nhiều ảnh đẹp lắm con ạ. Khi nào về bố sẽ cho con xem. Bố đang đi cùng các bác…”. Đôi khi ông tự gọi điện cho tôi vào lúc tối muộn, từ một vùng núi nào đó rất xa Hà Nội hoặc từ một cổng galery ảnh ở Sài Gòn, chỉ để chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc tức thời ở cái nơi đang rất vui vẻ ấy, bằng một giọng vội vã rồi nhanh chóng cúp máy để… vui tiếp. Lát sau tôi mới chợt nhớ ra ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà con cháu có thể tổ chức lễ mừng thọ cho ông được rồi.

                          Mẹ tôi cũng vậy, mỗi bận lên thăm cháu ngoại thường mang theo một túi sách báo, đưa cho tôi những cuốn hay mà bà vừa tìm đọc và tâm đắc, rồi phấn khởi kể về chuyện tuần trước tham gia văn nghệ ở một câu lạc bộ nào đó. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhẹ lòng. Bởi lúc nào tôi cũng canh cánh lo cái nỗi cha mẹ tôi cô đơn vò võ khi cả hai con gái đều đã đi lấy chồng. Cha mẹ tôi, tôi và con gái tôi là ba thế hệ với ba cách sống, cách nghĩ khác nhau, bên cạnh sự gắn bó bằng tình thương ruột thịt bất tận và sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì dẫu sao mỗi người vẫn là một thế giới riêng, vẫn không thể là một người bạn theo đúng nghĩa của nó. Nếu những thế giới riêng không có niềm đam mê và niềm vui riêng của chính mình thì lâu dài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc về niềm vui sống. Điều này là rất nguy hiểm.

                          Tôi hay phải trả lời một câu hỏi quen thuộc của những người bạn gái. Bạn tôi nói rằng mình đang trong tình trạng xì trét, chỉ vì cô ấy yêu chồng quá đỗi và anh ta thì đã có người khác. Sau khi trao đổi một hồi, tôi hiểu việc khuyên cô ấy kéo lại người kia là bất khả thi, nên tôi tư vấn cô ấy nên theo học một lớp Yoga, thiết kế đồ họa, học tiếng Tây Ban Nha hay Tango Argentina. Những lớp học sẽ thay đổi không khí, mang lại niềm vui, chia sẻ mối quan tâm độc nhất của cô ấy sang một hướng khác. Học những điều mới lạ cũng là một thử thách. Người ta sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chinh phục và vượt qua những điều mình chưa biết. Những lớp học hay những câu lạc bộ cũng mang đến sự giao lưu của một nhóm người có cùng chung một mối quan tâm. Nhưng cô ấy chào tôi rồi ngắt máy. Trước khi ngắt máy nói rằng cô ấy tưởng bí quyết của tôi là gì, chứ đi học thì chán lắm. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy chỉ là người chồng đã mất phần hồn chỉ còn phần xác.

                          Hãy thử xem, nếu bạn không có bất cứ sự quan tâm nào khác trong cuộc sống ngoài thú vui trò chuyện cùng một người hay một nhóm người nào đó (gia đình, người yêu, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm) thì khi những người đó biến mất, bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng như thể đã mất tất cả vậy. Và bạn cảm thấy tương lai là một bức màn tối đen. Hay chí ít, nếu chỉ vắng mặt những người xung quanh trong một thời gian ngắn, bạn sẽ rơi vào cảm giác buồn chán và vô vị.

                          Trong giáo trình tiếng Anh tôi đang dạy cho học trò có tên là “Market leader”, có một đề tài thảo luận khá thú vị: You should plan your retirement from an early age. (Bạn nên lập kế hoạch khi về hưu ngay từ lúc tuổi đời còn rất trẻ). Học trò của tôi phì cười trước đề tài này. Không ai muốn lập kế hoạch cho tuổi hưu trí của mình khi mới mười tám đôi mươi. Vậy mà tôi đã mường tượng đến tuổi già của mình từ lâu lắm. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Khi nào đã sang ngưỡng cửa bên kia của cuộc đời, tôi sẽ mua một ngôi nhà ở một nơi (mà tôi cho rằng đẹp nhất hành tinh) để sống, một mình. Vốn đã quen với những quan điểm và lối suy nghĩ đi quá ngưỡng bình thường của tôi, những người kia vẫn không quên kinh ngạc: Tại sao thế?

                          Tại vì khi ấy không nhiều người còn cần đến tôi nữa. Tôi ít khi thấy những cặp vợ chồng già vẫn còn ríu rít âu yếm và trò chuyện bất tận như một đôi uyên ương, hiếm khi thấy con cái trưởng thành lúc nào cũng thèm gặp, thèm được trò chuyện với cha mẹ và lúc nào cũng nhớ mẹ như khi chúng còn thơ ấu. Lúc ấy con tôi đã có gia đình riêng hạnh phúc của nó và những mối quan tâm mà tôi chỉ là một vị trí rất nhỏ. Bạn bè tôi có lẽ cũng bận rộn với việc đi lễ chùa, tập dưỡng sinh, lo chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, gút và huyết áp cao, không mấy ai còn thiết ngồi quán cà phê mà trò chuyện.

                          Khi về già, có lẽ sức sáng tạo cũng đã cạn dần, hoặc vẫn còn có thể nhưng sản phẩm sáng tạo đã đuối dần đi rồi. Khi ấy độc giả sẽ không còn cần đến những tác phẩm trung bình của một tác giả già nua. Và có lẽ đến tận 99 tuổi, tôi vẫn là tôi, vẫn là một cá thể không thể tồn tại ở nơi nào mình ít được cần đến. Lúc đó… tôi mơ màng đến một căn biệt thự xinh xắn ở một đô thị cổ xưa tĩnh lặng, với chiếc ghế băng trên hàng hiên thuận tiện cho việc nằm đọc sách, những sở thích mà khi còn trẻ như bây giờ, tôi luôn không đủ thời gian để thực hiện. Và tôi sẽ không cô đơn khi mà còn quá nhiều niềm vui sống khác.

                          Tất nhiên đó là một câu chuyện tưởng tượng của một người sống bằng nghề tưởng tượng. Điều tôi muốn nói chỉ là: Nếu bạn có một đời sống tinh thần phong phú và bận rộn, bạn sẽ rất hiếm khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Trái lại, cuộc sống của bạn sẽ kéo dài như một ngày hội bất tận cho đến khi bạn bước vào tuổi hưu.

                          Comment


                          • #43
                            Đúng vậy. Líu Lo thích đoạn kết luận

                            Comment


                            • #44
                              Phiên Phiến Tuổi Già

                              Tản văn của Tràm Cà Mau

                              (Santa Ana, tháng 10/2007)


                              Bạn tôi, có ông tự xưng là Hai Hô. Bởi răng ông hô. Ông rất thích thú với danh xưng nầy. Ông thường nói rằng, ngày xưa còn trẻ, hăng tiết vịt, ai nói gì, đúng hay sai, cũng tìm lời cãi lại . Bây giờ già rồi, nghe ai nói gì cũng thấy xuôi tai, đúng hết....

                              Bởi già rồi, có nhiều kinh nghiệm, thấy được đúng, sai, có nhiều mặt khác nhau.

                              Bà mẹ ông đã 92 tuổi, mà thường hay nói câu: "Mai mốt tôi già rồi thì..." Mỗi lần nghe câu đó, ông vội cắt ngang lời mẹ, và hỏi lại: " Hơn chín mươi tuổi rồi mà chưa già hở mẹ? Thế thì bao nhiêu tuổi mới là già?" Bà cụ chỉ cười, không đáp lại. Vợ ông thường nháy mắt, nhìn ông che dấu nụ cười bí mật. Người em ông nói: " Theo tôi, thì không có ai già, và cũng chẳng có ai trẻ. Già hay trẻ, là một khái niệm rất tương đối. Hồi tôi mười bốn, mười lăm tuổi, thấy các chị hàng xóm mười bảy hay mười tám tuổi là đã già khú đế. Già như sắp mua hòm được rồi. Thế mà khi tôi sáu mươi tuổi, tôi thấy các bà năm mươi là trẻ, và các bà bốn chục tuổi là bọn con nít. Thế thì già hay trẻ, không phải tùy theo số tuổi của họ. "

                              Ông Hai nói, có một lúc nào đó, con người trở nên già. Nầy nhé, mỗi khi đi ra đường, nếu chỉ thấy các bà già nhìn mình, mà các cô gái trẻ không dòm mình nữa, thì phải hiểu là mình đã già rồi. Lại nữa, mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, tóc rụng nhiều, đừng tưởng mình trở nên thông thái, mà phải biết đó là dấu hiệu già. Nếu mình thấy mọi người dường như trẻ lại, thì chính mình già đã đi, vì mình so sánh thiên hạ với cái bóng của mình trong gương soi mỗi ngày.

                              Ông nói, tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ "gần gũi" của vợ chồng thưa dần. Và đôi khi cố gắng làm vừa lòng bà vợ theo định kỳ, mà không có hứng khởi. Những khi đó, nếu bà vợ gạt ra, không cho gần gũi, thì trong lòng lại mừng húm, vì có cái cớ để không làm tròn "bổn phận" mà không áy náy. Ông nói, bực nhất là những lúc mình đang hăng, đang nóng máu, sắp xáp chiến, mà bà vợ cứ cằn nhằn về những chuyện không đâu, như cái hàng rào bị gió vật nghiêng, cây hoa hồng lá bị bạc mốc, con chó bị rận bọ chét. Thế là cả cái thân già nó xìu xuống như cọng bún thiu. Chẳng làm ăn chi được nữa cả. Đành bỏ cuộc vui nửa chừng. Khi còn trẻ, vào những lúc sắp gay cấn như thế nầy, thì dù cho sét nổ trên đầu, cũng không nghe, không biết.

                              Có người hỏi ông sao không dùng viên thuốc thần kỳ, làm cho vợ chồng vui như thuở ba mươi. Ông nói, đừng tin mà chết sớm, đau tim mà dùng thuốc nầy, thì lăn đùng ra mau lắm. Hồi trước, ông cũng xin ông bác sĩ cho toa thuốc nầy, bác sĩ ấy không chịu. ông cũng hơi giận, nhưng bây giờ thì cám ơn, vì biết được cái nguy hại của nó. Vui chốc lát, mà bỏ mạng, lãng nhách. Theo ông, thì vợ chồng già, ghiền cái hơi của nhau hơn là chuyện vật nhau lăn lộn trên giường. Chỉ cần luồn tay vào áo bà vợ già, mà tìm trái mướp, cũng đủ làm cho bà ấy vui rồi.

                              Nói về cái tai điếc, ông nói: "Có một lúc nào đó, mình nghe nhạc, cứ tưởng là các anh chị ca sĩ dạo nầy không còn hát hay như ngày xưa. Không phải vậy đâu. Thời nào cũng có ca sĩ giọng hay. Nghe không hay vì cái tai mình đã nặng, lãng. Rồi cứ tưởng nhạc dở. Đó là dấu hiệu già. Nhất là khi nghe truyền thanh, truyền hình, thì con cái, hàng xóm, cứ than phiền mở âm thanh quá lớn. Theo mình, âm thanh như vậy chỉ vừa đủ nghe, mà họ bảo oan cho mình là quá lớn."

                              Ông Hai nói với một bạn già rằng, khi già, lãng tai, điếc tai cũng có cái lợi lớn. Là khi nào vợ nói lời êm ái, dịu dàng, yêu thương, thì nghe cho sướng tai. Khi nào bà trở chứng trách móc, chê bai, than vãn, nói nặng lời, thì cứ nhè-nhẹ gỡ cái máy trợ thính ra, chỉ thấy bà nhóp nhép cái miệng, trông tức cười lắm. Không nghe, thì không bực mình, không giận hờn, mà còn cười, đôi khi nụ cười rất rạng rỡ, cười rất dễ thương nữa. Bà vợ nói như gió vào phòng trống, thấy ông chồng không giận, mà còn cười vui, thì đành im miệng cho đỡ tốn hơi. Và đôi khi còn thương thêm, vì tưởng ông chồng khéo nhịn. Nhưng một ông bạn khác, nói rằng, khi bà vợ trách móc và thở than, thì để bà ấy nói, cho xả ra, nhẹ bớt bực tức trong lòng. Bởi vậy, mỗi khi vợ ông than vãn, trách móc, thì ông mừng và lắng nghe. Nếu bà ngưng nói, thì hỏi rằng em có gì cần nói thêm, than vãn thêm không, hãy nói cho hết đi, anh nghe đây. Thế là bà dịu xuống, và bà cảm thấy hơi quê quê, nên thôi.

                              Ông Hai nói, khi già, mắt yếu, cầm cuốn sách lên, là móc túi tìm cái kiếng. Không có kiếng thì đành chịu thua. Khi đó, mình ít đọc sách hơn ngày xưa. Rất nhiều bạn ông than phiền rằng, dạo nầy, sách vở, báo chí họ in chữ nhỏ hơn, khó đọc. Không phải đâu. Mắt mình mờ, kém, chứ không phải chữ in nhỏ lại. Mấy anh trẻ hỏi ông có bực vì mắt kém không, ông Hai nói rằng, việc chi mà bực?. Phải mừng chứ đừng bực. Mừng và cám ơn khoa học tiến bộ, giúp cho mình còn thấy rõ hơn, nghe rõ hơn, mà nếu mình sống mấy trăm năm trước, thì đã mù loà, và điếc đặc rồi. Dù cho nghe ít, thấy không rõ hoàn toàn, nhưng có thấy, có nghe , đã là quá quý rồi. Tuổi đã cao, mà còn thấy được người thương yêu, con cháu, bạn bè. Còn xem truyền hình, phim truyện, thì đã nhận được rất nhiều ân phước của trời ban cho. Phải biết cảm nhận và cám ơn trời

                              Bây giờ, đi đâu xa ông cũng ngại. Đi du lịch, điều nghĩ đến trước tiên của nhiều người già như ông, không phải cảnh đẹp, điều hay, cái lạ, mà nghĩ đến cái cầu tiểu. Không biết nơi đó có hay không. Cứ vào quán xá, hội trường, thì có thói quen, trước tiên là xem cầu tiểu nằm đâu. Quán nào mà không có cầu tiểu, thì đừng hòng có nhiều ông bà già bước vào. Ông rất sợ mai đây xui xẻo, người ta tôn ông lên làm lãnh tụ. Vì thấy mấy ông lãnh tụ đứng đọc diễn văn, họp báo, duyệt binh, diễn hành, đứng hàng giờ, phải nín tè, khó chịu, mệt và khổ lắm. Ông cũng rất ngại ngủ nhà lạ, cứ nửa đêm, nhiều lần mò mẫm trong bóng tối dậy đi tiểu. Xối nước ào ào làm người khác mất ngủ. Chưa kể lạ nhà, đêm tối, lạc đường mở lầm cửa phòng vợ, con người ta, thì cũng bẽ bàng.

                              Một lần, bà vợ đè đầu ông xuống mà nhuộm tóc cho ông. Mấy hôm sau, lên xe công cộng, ngồi vào ghế dành cho người cao niên. Ông thấy có một "lão trượng" đứng nhìn ông chằm chằm, như ngầm hỏi, sao không nhường ghế ngồi cho người già cả. Ông đoán chắc, chín mươi phần là "lão trượng" kia còn nhỏ tuổi hơn ông. Ông cứ ngồi lì, làm lơ. Nhưng khi thấy hành khách chung quanh nhìn, như thúc dục, như nhắn nhủ bằng ánh mắt khó chịu, thì ông nhột quá, đứng dậy nhường ghế cho lão trượng kia. Ông nghĩ, không lẽ phải thét lên là tôi còn già hơn lão, và không lẽ phải móc căn cước ra mà chứng minh?. Thôi thì đứng dậy, cho bớt nhột và ngượng ngùng. Rồi tự an ủi rằng, đứng cũng là một cách tập thể dục tốt.

                              Khi có ai hỏi tuổi, ông Hai Hô cũng tự cộng thêm gần chục năm. Thế là thiên hạ rối rít khen trẻ, xít xoa hỏi làm sao mà giữ được trẻ trung như thế. Ông cười, nói đùa rằng, cứ theo đúng lời dạy vàng ngọc của người xưa để lại, là "đêm bảy, ngày ba" cho khí huyết lưu thông, điều hoà, thì cơ thể trẻ trung mãi. Ông nói rằng, nếu có khai trụt đi năm ba tuổi, cũng chẳng có lợi ích gì, vì mình đâu có toan tính chinh phục, tán tỉnh ai. Khai trụt tuổi, đôi khi người ta còn chê, là trông già trước tuổi. Lại nữa, phong tục của mình, là kính trọng người lớn tuổi. Nhưng các bà, các cô thì khi nào cũng dấu tuổi, cứ 18 tuổi thì khai là 16, khi 20 khai là 18, và lúc 23 khai là 20. Cứ khai trụt vài ba tuổi, và cảm thấy sướng khi được người khác tin. Khi phải đoán tuổi, ông thường rộng rãi hạ xuống cho các bà, các cô từ năm đến bảy tuổi, để họ sướng, mà ông không mất chi cả, cũng là làm một điều thiện nho nhỏ trong ngày, làm cho người khác vui, yêu đời hơn.

                              Dạo sau nầy, khi ông ăn uống, thường thức ăn bị đổ vung vãi. Nhiều lần ông tự bảo là cẩn thận. Nhưng hình như cái tay nó không hoàn toàn theo mệnh lệnh của cái đầu nữa. Đưa cơm vào miệng không gọn gàng, cứ rớt ra vài chút. Đôi khi tay run, mà ông không biết. Ông cho đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhiều lần bà vợ ông nhăn nhó, la nạt, vì làm đổ thức ăn. Một lần ông nhớ lại câu chuyện đứa bé đẽo cái chén gỗ, cha mẹ hỏi đẽo làm gì, nó nói là để sau nầy cho cha mẹ ăn, như cha mẹ đã cho ông nội ăn chén gỗ. Ông nhỏ nhẹ nói với vợ rằng, nhờ bà đẽo cho ông một cái chén gỗ, rồi mỗi bữa dọn cho ông ăn sau viả hè, bên thềm. Nghe thế, bà vợ nhìn ông một lúc lâu, rồi rưng rưng nước mắt. Từ đó, bà hết cằn nhằn khi ông làm đổ thức ăn. Ông hay quên. Đôi khi đi xuống nhà kho, mà ngẩn ngơ không biết định xuống để làm gì. Quên trước, quên sau. Một bạn già của ông nói, nếu "cái đó" mà ông trời không bắt dính chặt vào người, thì có khối ông già để quên trên xe buýt, trên tàu điện, ngoài công viên, và khi cần đi tiểu, thì chạy quanh, quýnh lên, mà tìm không ra. Còn triệu chứng khác nữa, là làm biếng tắm, đôi khi hai ba ngày ông chưa tắm. Cứ nghĩ là có làm chi dơ đâu mà phải tắm. Nhưng rồi nhận ra, thì tuổi gìa sợ lạnh, nhạy cảm với cái lạnh, nên ngại tắm. Vì thế mà có nhiều cụ già có mùi, họ đâu biết. Ông phải rán tập thói quen, nóng lạnh chi cũng rán tắm mỗi ngày một lần, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.

                              Bà mẹ ông 92 tuổi, đi ăn tiệm, cắn càng cua-rang-muối nghe rau ráu. Thực khách trong tiệm tròn mắt ra mà nhìn. Còn ông, thì ngay cả bánh mì mềm của Mỹ cũng không dám cắn, dùng tay xé nhỏ ra rồi bỏ vào miệng. Bà mẹ ông, ăn uống không kiêng cữ chi cả. Thịt heo quay, vịt quay, cá chiên, gà chiên, bún bò giò heo, phở, nước béo, các thứ độc địa đều ăn tuốt. Thế mà bà không cao mỡ, không cao máu, dù thân thể tròn quay. Cái đó cũng nhờ trời cho. Nhiều bác sĩ cũng khuyên bà, cứ ăn uống thả dàn, cho sướng cái miệng, đừng kiêng cữ làm chi nữa khi ở cái tuổi nầy.

                              Nhiều ông bạn ông, kiêng khem kỹ lắm, kiêng đủ thứ. Họ xem ba thứ sau đây ngang hàng với thuốc độc: Ngọt, mặn và béo. Họ ăn lạt, không dám ăn đường, ăn béo. Thấy đồ chiên, là họ đã tái mặt. Họ ăn mãi quen miệng, và thấy các thứ thức ăn không mùi, không vị kia cũng ngon. Bởi khi đói, thì cơm thiu, cơm cháy cũng thành ngon. Có kẻ bảo, uổng quá, phí thức ngon của trời cho. Nhưng những người kiêng cữ nầy nói rằng, không tội chi đem chất độc vào người, rồi bệnh hoạn, hối không kịp.

                              Một ông bạn cho ông Tư biết rằng, theo nghiên cứu của đại học Rockefeller, thì có ba điều kiện để cho người già khỏe mạnh và ít bệnh là: 1) ăn bằng một nửa của bữa ăn bây giờ, 2) thể dục thường xuyên, và 3) làm tình đều đều. Ông không tin, và cho rằng, cái đó chỉ đúng cho người Mỹ mà thôi. Mỗi bữa, họ ăn miếng thịt to bằng bàn tay, một bữa ăn của họ, mình có thể ăn ba bốn ngày mà chưa hết. Nếu mình chỉ ăn bằng một nửa của bây giờ, thì sẽ suy dinh dưỡng, sớm đau ốm mà chết. Còn chuyện thể dục thường xuyên, thì đúng trăm phần trăm. Phần làm tình đều đều, có lẽ không ai chắc, vấn đề là còn làm được hay không, mà còn đòi đều đều. Mình cứ ăn bình thường, đừng ăn quá no, cũng đừng ăn đói. Cứ theo cái đạo trung dung của người xưa đã bày ra từ mấy trăm năm nay. Rượu chè, nếu uống được, thì uống vừa vừa, cũng tốt cho sức khoẻ. Đừng say sưa là được. Lâu lâu cũng rán vui vợ, vui chồng cho khỏi lạt lẽo. Ông Hai đã chữa bệnh biếng ăn cho nhiều bạn bè rất công hiệu. Đó là đừng ăn vặt, và chờ cho khi thật đói mới ăn, chưa đói rã thì chưa ăn. Như vậy thì ăn gì cũng thấy ngon.

                              Ông có quan niệm phóng khoáng hơn về sự sống và cái chết. Ông cho rằng, chết là một tiến trình của đời sống, hợp với luật thiên nhiên của tạo hóa. Sợ chết là vô lý. Không ai tránh khỏi cái chết, không sớm thì muộn. Ai cũng sẽ chết cả. Ngay cả Phật, Chúa, thần thánh cũng phải chết, huống chi mình là người trần mắt thịt. Chúa Giê-Su chết lúc mới 33 tuổi. Phật cũng chết, thọ không bằng các ông, các bà cụ bây giờ. Cứ thử nghĩ, nếu già mà không chết, thì bây giờ trên thế giới có đến hơn chín mươi phần trăm cụ già, cụ nào cũng mấy trăm tuổi, mấy ngàn tuổi, ho hen, run rẩy, chậm chạp. Lấy ai làm lao động mà nuôi các cụ?. Nhân loại sẽ đói cho vêu mỏ ra. Già thì phải chết để cho thế giới dược trẻ trung hoá. Khi nào anh chị nghe tin một người già chết, mà lòng không buồn, không thương tiếc, thì anh chị được giác ngộ rồi đó. Có chi mà buồn?. Nếu người chết không để lại một gánh nặng gia đình, một đàn con dại cần nuôi dưỡng, dạy dỗ, một bà vợ chân yếu tay mềm, thì mừng cho người ta thoát được cái hệ lụy của trần gian. Khỏi lo công ăn việc làm, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo thương ghét, ghen tuông, giận hờn, khỏi lo khai thuế cho đúng hạn kỳ. Khoẻ ru. Nếu người chết đã cao tuổi, trong nhiều năm nằm một chỗ, không nói năng, bại liệt, ăn bằng cách bơm qua ống nối với bao tử, nghe họ chết mà mình khóc lóc, tiếc thương, bi ai, thì hoá ra là không biết điều. Muốn người ta bị kéo dài thêm cái cực hình đó lâu hơn nữa, rồi mới được chết sao?. Nhiều khi, con cháu mừng cho thân nhân họ được chết, mà mình thì sụt sùi thương tiếc.

                              Ông thường nói, trong tuổi già, sức khoẻ là quý nhất. Nhưng nếu ai đó, có sức khoẻ tốt, không hề đau ốm, thì cũng là một sự nhàm chán. Họ đâu biết họ đang có cái quý báu nhất trong đời. Lâu lâu, phải đau vài trận, để nhắc nhở, và nhớ rằng, không ốm đau là sung sướng, là hạnh phúc lắm lắm. Làm sao bọn trẻ, và những người khoẻ mạnh biết được cái hạnh phúc, cái sung sướng của người già, khi buổi sáng ngủ dậy, mà thân thể không đau rêm, nhức nhối?. Cũng như nếu người ta chưa sống dưới chế độ kềm kẹp, hà khắc, thì làm sao biết được nỗi sung sướng khi được đặt chân lên miền đất tự do?. Nên quan niệm rằng, với sức khoẻ nào cũng tốt cả, đừng so sánh với trường hợp tốt hơn. Cứ vui với cái sức khỏe mà mình đang có. Được khoẻ nhiều thì sướng nhiều, khoẻ ít, cũng sướng hơn, vì chưa đến nỗi tệ hại lắm. Nhớ đi khám bác sĩ đều đều, để khám phá ra bệnh, kịp thời chạy chữa. Một người bạn ông cho biết, không dám đi khám bệnh thường niên, vì sợ "bói ra ma, quét nhà ra rác". Thế nào bác sĩ cũng tìm ra bệnh nầy, bệnh nọ trong cơ thể và thêm lo. Cứ để thế, rồi khi bệnh nặng thì chết. Bà vợ ông nầy khổ sở lắm, nhưng không thuyết phục ông được. Ông còn nói, bác sĩ thường cho uống thuốc chữa bệnh nầy, thì sinh ra thêm bệnh khác nữa. Hoặc bác sĩ chẩn đoán sai bệnh là thường. Có người đọc báo cáo y khoa, cho biết trên nước Mỹ, mỗi năm có đến hai trăm ngàn người chết, hoặc thương tật vì bác sĩ kém hiểu biết, hoặc sơ suất gây ra. Theo ông Hai Hô thì đừng sợ. Vì bác sĩ giỏi nhiều hơn bác sĩ dở, và bác sĩ có lương tâm nhiều hơn bác sĩ thiếu lương tâm. Đừng vì một số trường hợp xấu, mà sợ đi khám bệnh. Khám bệnh, để biết trước mà đề phòng, để chữa trị khi bệnh mới chớm, còn kịp, chữa trị dễ dàng hơn. Để ung thư ăn tràn lan ra rồi, thì chỉ có phép lạ, mới cứu được. Người ta, có thể mạnh khỏe cho đến khi chết. Đó là trường hợp hiếm hoi. Nhưng đau yếu trong tuổi già là thường, không đau yếu là bất thường. Có một người than rằng, cứ đi vào, đi ra trong nhà hoài, chán quá. Ông Hai bảo rằng, được đi vào đi ra như thế là sướng lắm rồi, sao mà chán, vì có nhiều người khác mong được đứng dậy đi vài bước, mà không làm được, vì bệnh. Nhưng theo ông, thì cái người nằm liệt trên giường, cũng tìm được cái thú vui riêng, khi nghe nhạc, nằm mơ mộng, nghĩ đến các kỷ niệm thời còn vàng son, nhớ đến những tội lỗi nho nhỏ mà họ đã phạm một cách cố ý và thích thú.

                              Ông Hai Hô tập thể dục đều đặn. Ông nói không ai chối bỏ được ích lợi của thể dục, dù già dù trẻ. Không bao giờ trễ để bắt đầu tập thể dục. Không thể dục, thì tấm thân nhão nhẹt ra, rất dễ làm mồi cho bệnh hoạn. Đi bộ trong tuổi già là tốt nhất. Còn khoẻ, thì đi nhanh, yếu thì đi chậm hơn, yếu hơn nữa, thì chống gậy mà đi. Có vận động là tốt. Đi bộ, xương đỡ rỗng, đỡ gãy tay chân khi vấp té. Đi bộ cũng làm cho mặt mày trẻ ra, lưng đỡ còng, thân thể đỡ đau đớn, mệt mỏi. Đi bộ cũng vui, nhất là đi với vợ, với chồng, nói đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng khi bà vợ bắt đầu cằn nhằn vì những chuyện không đâu, thì phải giả vờ chạy, để bà lại phiá sau, cho bà nói với cột đèn, cằn nhằn với cây cỏ. Không có vợ đi cùng, thì đi với bà cụ hàng xóm cũng vui. Bà sẽ không bao giờ dám cằn nhằn ông vì những chuyện không đâu. Bà sẽ lịch sự hơn. Đi với bà hàng xóm, ông bảo, đừng sợ thiên hạ hiểu lầm, cũng đừng sợ chính bà ấy hiều lầm. Không hiểu lầm thì tốt. Hiểu lầm thì càng tốt hơn, vì làm cho bà ấy vui, làm bà nghĩ là còn sáng giá, còn có người ngưỡng mộ đến cái nhan sắc mùa thu của bà. Bà sẽ yêu đời hơn, sẽ ăn ngon, ngủ được, thế thì ông cũng đã làm được một điều thiện nho nhỏ. Ông nói, ông được nghe chuyện một bà cụ 88 tuổi, bà nói rằng, phải đi bộ, phải tập thể dục để chống lại bệnh hoạn. Mỗi ngày bà đi bộ hơn một giờ. Bà nói rằng: "Mình phải biết tự thương mình. Con cái có thương mình, chúng có thể cho tiền bạc, quà cáp, chứ không cho mình sức khỏe được. Mình phải tự lo lấy, để mà sống cho vui, sống cho có chất lượng." Ông nói rằng, thể dục làm tăng tuổi thọ, chứ không làm giảm. Ngoại trừ ham tập, tập quá sức, thì lăn kềnh ra mà chết, mau lắm. Bơi lội là tốt nhất, vận động đủ các thứ bắp thịt. Nhưng tuổi già, thường sợ nước, sợ lạnh. Cái gì sợ thì không nên làm, hại cho sức khoẻ, hại thần kinh.

                              Mỗi lần nghe có người than là mất ngủ, ông thưòng nói say sưa về bệnh nầy. Theo ông thì những người nầy, đã ngủ đủ, ngủ thừa, nên không ngủ thêm được, mà tưởng là mất ngủ. Vì ban ngày, họ cứ thấy mệt, mắt ríu lại, là ngủ những giấc ngắn. Nên biết, ngủ một giấc chùng 15 phút lúc ban ngày, có thể tương đương với một giấc ngủ 1 hay 2 giờ ban đêm. Mỗi đêm, người bình thường, chỉ cần ngủ ngon chừng 3 hay 4 giờ là đủ mạnh như gấu bắc cực. Nếu không ngủ ngày, thì đêm về ngủ dễ lắm. Không phải tuổi già là mất ngủ, bằng chứng cho thấy chó mèo già ngủ li bì, ngủ ngày, ngủ đêm, ngủ liên miên. Người già dư thì giờ, ban ngày ngủ rồi, thì ban khó ngủ là chuyện thường. Ông thường nói rằng, đừng sợ mất ngủ. Khi không ngủ được, thì dậy đọc sách, viết thư, làm thơ, xem truyền hình, gõ máy vi tính, đọc thư bạn bè, hãy tận hưởng cái thời gian quý báu đang có. Rồi chờ cho thật buồn ngủ, không thức nổi nữa, vào giường nằm, sẽ ngủ được ngay, và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Đừng ép giấc ngủ, ép giấc ngủ sẽ khó ngủ hơn. Cũng đừng uống thuốc ngủ. Đại kỵ. Uống thuốc ngủ nhiều, làm hư hại hệ thống thần kinh. Đừng nằm nhắm mắt mà đếm cừu, nếu phải đếm, thì đếm những người tình cũ. Mau ngủ hơn. Nếu đời chỉ có một hai người tình thôi, thì đừng đếm một hai, một hai, không có lợi. Hoặc nằm mà hát trong trí những bài ca du dương, đẹp, gợi nhiều kỷ niệm êm ái, thân thương. Bà chị ông, cứ than phiền là mất ngủ, nhưng khi đi chơi, cứ leo lên xe thì quẹo đầu ngáy khò khò, ngủ suốt buổi, suốt ngày, ngủ mà quên xem phong cảnh. Ngủ như thế thì no rồi, dư rồi, nên khi đến khách sạn, thì làm sao mà ngủ thêm được nữa. Bà chị nói, đi chơi xa sợ mất ngủ. Bà ấy thực sự ngủ nhiều hơn ai cả, mà bà tưởng là mất ngủ. Một chị khác than là mất ngủ kinh niên, ghé nhà ông chơi. Ông nói là sẽ chữa bênh mất ngủ cho chị. Ông dẫn chị kia đi chơi, suốt ngày lội bộ, chị vừa đi vừa ngủ gật, ông không cho ngủ. Ông nhờ hết việc nầy qua việc nọ, không để chị có thì giờ mà ngủ gật. Đêm không cho đi ngủ sớm. Mới mười giờ đêm, mệt quá chị năn nỉ xin đi nằm, và đánh một giấc ngon lành dài đến sáng hôm sau. Trong mấy hôm liên tiếp đêm nào chị cũng ngủ li bì, ngủ ngon, không cần thuốc thang chi cả. Ông truyền bí quyết, là không ngủ ngày, mệt mấy cũng không ngủ, ban đêm đừng đi ngủ sớm, phải chờ cho mắt ríu lại, mở không ra, mới đi ngủ, thì ngủ ngon."

                              Nhiều người già tự đặt cho họ một kỷ luật để sống. Theo ông, thì có kỷ luật cũng tốt, mà không kỷ luật lại càng khỏe hơn. Nhiều người tính tình nghiêm khắc. Mọi sự đều phải răm rắp đúng như quy định mới chịu. Tội chi vậy, nếu không răm rắp, mà không chết ai, hại ai, thì răm rắp làm chi cho khổ mình, khổ người? Nên dễ dãi với mọi sự, dễ dãi với chính bản thân mình, kẻo tội nghiệp nó. Khắc kỷ cũng là điều hay. Nhưng tội gì mà tự khắt khe với chính mình, người khác không khắt khe thì thôi. Nên cứ xem mọi sự như trò chơi. Chơi vui nhiều thì tốt, vui ít cũng tốt luôn. Ông không mong cái tuyệt đối, hoàn hảo. Trong một cuộc chơi, ông không hy vọng được tất cả mọi người tham gia, có ít vui ít, có nhiều vui nhiều. Hai ba chục người cũng vui, mà năm bảy bạn bè cũng vui luôn. Nếu hụt một cuộc chơi, một cuộc gặp gỡ, ông cũng không tiếc, chẳng sao cả, ông về nhà mở nhạc, mở TV ra mà thưởng thức. Ông nghĩ, được thêm một dịp nghỉ ngơi, yên tĩnh. Có lần đi trể máy bay ? Ông bình tĩnh xin đi chuyến sau mà không được. Ông cũng cười, không bực mình, quay về nhà, pha một bình trà, đem một tập thơ ra mà ngâm vịnh, nằm ngửa mà thưởng thức cuộc tranh tài thể thao. Ông nói, đôi khi nhờ trễ một chuyến may bay mà sống sót, nếu máy bay rớt. Chiều ra ngoài quán uống cá phê xem sinh hoạt phố phường. Nói chuyện tào lao với chủ quán.

                              Ông không bao giờ tranh luận gay gắt với ai. Ông nói, tranh luận làm chi cho mệt, rồi giận nhau?. Trong tuổi già, khi có cuộc tranh luận, thì tránh là tốt nhất. Nếu không tránh được, thì chịu thua đi, thắng làm chi, để cho đời ngắn lại?. Thắng tranh luận, làm thiên hạ ghét, làm mất lòng bạn bè, làm người bị thua tức giận, và nóng mặt, không ưa mình. Không ai ghét người thua trong cuộc tranh luận. Người thắng cuộc, dễ bị ghét hơn. Thử đánh một ván cờ xem, nhường cho đối phương thắng , làm họ vui hơn, không chừng mình đưọc đãi đằng hậu hỉ hơn. Đến nhà người ta, mà cãi nhau, tranh thắng, làm họ mất mặt với vợ con, với bạn bè, thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết. Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương, tại sao không chọn tình thương, mà chọn cái bị ghét. Thắng tranh luận, cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu. Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Đừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá "lừng". Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình "lừng" đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám "lừng" với thiên hạ, mà về nhà lại "lừng" nhau làm chi cho mất vui. Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông đã thua, thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Đúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận, thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai, thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông nầy đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội, tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot nói với một phóng viên Tây phương rằng, những điều ông đã làm, là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.

                              Khi có ai chê bai ông, ông chẳng bực mình, không giận hờn, mà cứ cười, và xem như không. Ông tự nhủ, biết đâu ông cũng đáng chê, đáng trách. Nghe thiên hạ chê, để mà sửa mình, biết mình còn cái chưa hay, sai sót. Không phải ông là kẽ mặt dày không biết xấu hổ, nhưng thiên hạ chê, mà không phản ứng, thì như gió qua truông. Có một ông khác, bị vợ chê bai hoài, chê đủ thứ. Ông nầy chỉ cười, mà nói với bà vợ rằng, ông không ngờ bà xui xẻo đến thế, lấy phải một thằng chồng tệ hại như vậy, tội nghiệp cho bà quá. Bà vợ nghe mà chột dạ, và biết đã ăn nói quá trớn.

                              Khi nghe ai khoe khoang, ông cũng không bắt bẻ, không lật mặt thật của họ ra, sợ làm cho họ xấu hổ, bẽ bàng. Ông cứ giả vờ tin, để mà đãi họ vài phút vui sướng, cũng là làm được một việc thiện nho nhỏ. Ông không mất gì, và chẳng thiệt hại cho ai, mà cuộc đời nầy thêm vui, thêm tử tế. Bởi nghĩ thế mà ông làm.

                              Ông Hai Hô quan niệm rằng, trong tuổi già, có hoài bảo thì cũng tốt, mà không có hoài bảo chi cả, thì tốt hơn, và khôn ngoan hơn. Khi trẻ, nhiều thì giờ, nhiều năng lực, mà chưa có hoài bảo nào làm xong, thì khi già rồi, mong chi đạt được. Tội chi đeo vào thân cái hoài bảo cho khổ. Già rồi, đừng xem cái gì là quan trọng cả. Từ danh vọng, tiền tài, tình yêu. Ngay cả cái mạng sống của mình, cũng đừng xem là quá trọng. Có lần, ông đến thăm một nhà văn đang nằm thoi thóp, miệng ngậm một cái que gỗ có thấm nước cho đỡ khát, sắp chết vì ung thư. Ông nhà văn còn thao thức vì một tác phẩm để đời chưa khởi đầu được. Chết chưa an lòng. Ông nói: "Thôi bác ơi, chuyện gì mình chưa làm được, thì thế nào con cháu mình sau nầy cũng làm. Yên tâm mà dưỡng bệnh đi."

                              Ông Hai Hô cho rằng, cứ năm ba ông bà bạn già gặp nhau, uống vài ly trà, cà phê mà nói chuyện nhảm cũng là một thứ hạnh phúc trong đời. Ông nói, dù đến để nghe thằng bạn già nó chửi mình, cũng cứ vui, được người ta chửi, tức còn có người để ý đến mình, còn hơn là không ai khen, ai chửi cả. Những dịp ra mắt thơ, ra mắt sách, ông thường tham gia cho cuộc họp thêm xôm tụ. Cho tác giả sướng. Ông khoái các buổi ca nhạc cây nhà lá vườn, tài tử. Nó cũng có những cái hay của nó. Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng, tuổi già, mà còn gặp lại được bạn xưa, thì không còn gì quý báu hơn. Nằm nhà xem sách, xem truyền hình, đá banh, đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui, thì cứ vui kẻo uổng, biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc."

                              Mỗi khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ, mà thiên hạ tà tà đến trể, ông cũng không bực mình. Bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm, thì cũng có cái lợi khác, được nói chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau. Cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Đến khi dọn thức ăn ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa, vì ai nấy, lo gắp, lo nhai, không rảnh mà nói chuyện. Khi ăn xong, thì bạn bè vội vã ra về, vì đường xa, vì đêm khuya, vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ, và bằng lòng với câu "Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ, không phải Việt Nam."

                              Ông Tư Hô thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình.

                              Comment


                              • #45
                                XL rất thích các bài văn của Tràm Cà Mau viết. Dí dỏm vô cùng. Bai này XL đã đọc từ trước nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy vui, và vẫn ngưỡng mộ tác giả bài văn này. Cám ơn Anh Cường.

                                XL

                                Comment

                                Working...
                                X