Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hello Tuổi Già! Lẩm Cẩm Từ Ngữ (34)Bắc - Nam(34)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #76
    Vấn Đề Ánh Sáng Nhà Cửa Cho Người Già

    Việc cung cấp đầy đủ ánh sáng trong nhà rất quan trọng cho người lớn tuổi bị mắt kém hay khó khăn đi lại. Vì họ không có đủ điều kiện đi ra ngoài huởng không khí hay ánh nắng mặt trời. Ở trong một căn nhà kín mít tôi tăm dễ làm tâm thần họ trầm cảm, chán nản cô đơn, và tâm trí không vững vàng. Như thế rất ảnh huởng cho sức khỏe.

    Các tiêu-chuẩn xây- cất nhà cửa sao cho phù-hơp với người cao tuổi hay người tàn-tật phải thay đổi tùy theo trường-hợp, tỉ như giải-pháp cho người mắt kém sẽ hơi khác và ít tốn kém hơn là cho người khó di-động. Hiện nay ở Mỹ đang đứng trên bờ vực một dịch về mắt kém trong số các baby boomer, ảnh hưởng chung về nhãn quan yếu kém của người cao tuổi. Các kiến-trúc-sư và nhà vẽ kiểu nhà đang lưu ý tớitrong việc thiết kế các căn nhà mới.

    Mắt kém, kèm theo với khuynh-hướng sống độc-lập của người Mỹ, đòi- hỏi những giải-pháp đơn giản hơn là trường-hợp đui mù (chỉ chiếm 8% trong số các trường-hợp bị khuyết-tật về mắt). Hiện giờ, vấn-đề là làm sao giúp các kiến-trúc-sư và các nhà kế-hoạch nhìn thấy cách giải-quyết khác nhau như thế nào

    Danise Levine, phụ-tá giám-đốc trung-tâm IDEA tại Đại-học Buffalo, nhận-định là trong khi các nguyên-tắc vẽ kiễu-mẫu vạn-năng (universal design) có lưu ý tới vấn đề mắt kém thì các tiêu-chuẩn xây cất hiên- hữu lại bất-lợi đối với những người có mắt kém. Bà giải thích như sau “ Phần lớn các qui luật xây cất liên quan đến tật nguyền đều nhắm phục-vụ những người già có khó-khăn về di-động chứ không giúp ích gì cho các người mắt kém”. Ngay cả những chủ-ý tốt đẹp nhất, như cắt lề đường (ADA ramps) để cho xe lăn "handicap" dễ di-chuyển, cũng như đừng đi bộ (siadewalk hay walkway), hay những bảng chữ nổi và tiếng nói báo hiệu tại các ngã tư đường, v.v...gây thiệt-thòi cho các người bộ-hành mắt kém vì họ đâu có nhìn thấy chỗ măt đường hụt thấp xuống. Viện American Institute of Architects bây giờ đã thêm những tin-tức về kỹ thuật chiếu áng trong cuốn hướng dẫn dành cho các cơ ở chăm-nom y ế.

    Các phương cách giải quyết đều sẵn có. Những lựa chọn đơn giản về vật liệu, hướng chiếu sáng và mầu sắc tương phản có thể giúp các người mắt kém đồng hoá với công trình xây cất nhà mới. Ngoài ra nhiều thiết bị được cải biến và ít tốn kém từ những máy tính “biết nói” đến những bóng đèn không chóa mắt giúp các chủ nhà và nhân viên văn phòng mắt kém tự tin hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa thiết kế ánh sáng cho người bị khuyết tật về mắt tiết kiệm đươc nhiều năng lượng hơn là khi để ánh sáng tràn ngập khắp nhà, mà lại còn không làm choá mắt gây trở ngại cho khả năng nhận thức sự tương phản.

    Họ dùng nhiều ánh sáng thiên nhiên từ bên ngoài, họ chú ý đến huớng của ánh sáng ban sáng hay ban chiều để sắp xếp các phòng ốc trong căn nhà. Họ dùng cả ánh sáng rọi (skylight) từ trên xuống, họ cải thiện và điều chỉnh độ sáng trong mỗi phòng. Họ thiết kế đèn ít chói mắt như đèn LED phản chiếu vào tường, câu thang lên xuống, lối đi trong nhà, v.v...

    Nhiều kế-hoạch cải thiện môi trường để đáp ứng nhu cầu của các người bị khuyết tật về mắt đang được tiến hành. Chuyên gia thiết kế cho người già Leslie Moldov thuộc Perkins Eastman nhấn mạnh là các tiêu chuẩn chiếu sáng không chóa mắt tại các cơ-sở chăm nom y tế đã đươc áp dung. Trung tâm Center of Design for an Aging Society đã phát hành một cuốn sách nhỏ về kỹ thuật chiếu sáng dành cho thị giác kém. Tổ chức Lighthouse International đang vận động Quốc hội chấp thuận cho Medicare bồi hoàn chi phí mua các thiết bị cải thiện thị giác.


    Comment


    • #77
      Cõi Già Trên Đất Lạ

      (Aging in a Foreign Land)

      Tác giả: Andrew Lam.

      [Nguyễn Đức Nguyên dịch]

      NNga Sưu tầm


      Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.

      Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.

      Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Chúng ta bị buộc phải ra đi khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, và chúng ta đã sống xa xứ từ lúc đó. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.

      Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.

      Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.

      Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.

      Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.

      Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?

      Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!

      Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.

      Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.

      Comment


      • #78
        Lìa Cành



        Phạm Hoàng Chương



        * * *

        Ông bà Sơn đã già, ông 85, bà 83, ở chung trong một căn hộ housing chính phủ cấp từ nhiều năm nay. Ông bị tiểu đường, nhiếp hộ tuyến dãn nở, bà bị cao máu, phải uống thuốc mỗi ngày. Ngày xưa ông là giáo sư trung học, bà là cô giáo tiểu học ở Việt nam, qua Mỹ đã 30 năm nay. Ông bà có cô con gái thì ở một thành phố khác, lâu lâu mới ghé thăm.

        Một hôm, hai ông bà đi xe buýt thăm người bà con ở Irvine về, ngồi ở bàn ăn chuẩn bị ăn cơm trưa thì có phone gọi, ông ra nhấc máy nói chuyện vài phút, khi trở lại thì thấy bà ngồi bất động, hai mắt đờ ra.

        Ông ngạc nhiên hỏi:

        - Loan, sao vậy?

        Bà không trả lời, hai mắt thẩn thờ nhìn vào khỏang trống trước mặt như người vô hồn.

        - Loan... Sao vậy? Nói !

        Bà vẫn đờ ra.

        - Tôi đây...Chuyện gì vậy? Thấy tôi không?

        Ông cầm cái đũa lắc qua lại trứớc mặt, hai con ngươi bà vẫn bất động. Ông đứng dậy, hai tay ôm lấy mặt bà, nhìn chăm chú vào mắt bà, thấy hai con ngươi đứng yên, guơng mặt đờ đẫn. Ông hoảng hốt đứng dậy, lấy khăn tới sink nhúng nước đem tới lau mặt, lau cổ, lau sau ót bà cho tỉnh. Mặt bà vẫn vô hồn. Ông không biết tính sao, đứng dậy đi ra mặc áo, tính qua láng giềng nhờ ông Tâm láng giềng giúp để gọi bác sĩ. Ông bà Tâm này khỏang trên dứới 60 tuổi, láng giềng rất tốt. Ông vẫn thường gửi tiền nhờ bà Tâm đi chợ mua thức ăn gìùm. Ông chồng chạy qua chạy về mỗi khi ông cần giúp đỡ. Lúc ông trở lại bàn ăn thì bà đã tỉnh, hỏi:

        - Sao ông mở nứớc để quên không chịu tắt?

        Ông bực mình:

        - Bà chơi cái trò gì vậy? Sao bà tự nhiên giả đò câm điếc để chọc tôi hả?

        Bà ngơ ngác:

        - Ông nói gì? Giả đò gì? Tôi câm điếc hồi nào?

        Ông Sơn ngồi xuống:

        - Tôi hỏi bà mấy lần "Sao vậy? Sao vậy?", bà nín thinh không trả lời. Tôi lấy khăn ướt lau mặt bà cho tỉnh, bà có biết không?

        - Hỏi tôi cái gì, hồi nào? Lau mặt tôi? Hồi nào?

        - Bà rờ mặt bà thử coi có ướt không?

        Bà đưa mấy ngón tay nhăn nheo lên rờ mặt thấy ứơt thiệt, ngạc nhiên:

        - Ủa, thật à? Sao tôi không biết gì cả?

        Qua ngày sau, đang ngồi, bà lại gục mặt xuống bất động. Ông gọi 911 đưa vô emergency khám, bác sĩ nói bà bị stroke nhẹ, một mạch máu nhỏ ở cổ bị đứt phải nằm bệnh viện giải phẩu hai hôm. Cô con gái tên Ngọc nghe tin tới nhà, cùng ông vô nhà thương thăm mẹ, lúc đó đang ngủ, về nhà ngồi nói chuyện với ông trong phòng khách nhỏ, bên mấy kệ đầy sách cũ. Ông hỏi thăm:

        - Hai đứa nhỏ con con ra sao?

        - Con Hà học nội trú. Thằng Tuấn đi làm ở San Diego, ở riêng. Con ít khi gặp nó. Nó 28 tuổi rồi, biết tự lo lấy. Tánh nó thích độc lập.

        - Còn vợ chồng con lúc này thế nào, hòa lại chưa?

        - Thì ảnh hồi nào tới giờ như vậy rồi. Đi công tác liên tục, nay đây mai đó, ít khi ở nhà. Lâu lâu nghe nói có bồ. Cãi lộn, xin lỗi, rồi cũng huề. Quen rồi...

        - Thằng Tuấn với ba nó thế nào?

        - Cha con không hạp nhau, ít khi gần nhau.

        - Nó làm gì? Có khá không?

        - Cũng được. Nó ít nói, nhưng siêng năng, kiên nhẫn. Má mới bị tai biến lần đầu, sao lại phải mổ?

        - Má trước đây chân yếu, nhưng vẫn đi được... Chắc là quên uống thuốc huyết áp nên mới bị stroke, nói năng được, nhưng chân coi như liệt phần nào, phải chống gậy, ngồi xe thì chắc ăn hơn. Bác sĩ nói một động mạch bị nghẽn, phải mổ, nếu không, lần tới sẽ bị nặng hơn. Má con sợ bác sĩ, sợ vô nhà thương lắm.

        - Con làm gì để giúp ba má đây?

        - Không làm gì hết. Cám ơn con buồn phiền chuyện vợ chồng còn phải lo cho má nữa. Có thể ba lo cho má được. Có thể mướn y tá tới nhà săn sóc má...chưa biết được.

        Ông cúi nhìn đồng hồ tay:

        -Giờ này mọi hôm ba đã đi ngủ rồi. Mức đường trong máu lên, nếu thức khuya.

        Con gái ông từ giã về. Thực ra, ông Sơn buồn chuyện vợ bị stroke thì ít, mà buồn chuyện gia đình con gái thì nhiều, qua Mỹ ở rồi cha mẹ con cái ai cũng bận bịu làm ăn lo cuộc sống riêng, con cái nó còn độc thân mà không ở chung với cha mẹ, sống chung đầm ấm hạnh phúc như kiểu Vietnam. Qua đây job đâu người đó, mạnh ai nấy sống đơn lẻ, tự do. Ngay con gái ông xem bộ còn chưa muốn ở với vợ chồng ông trong lúc tuổi già xế bóng, nói chi tới cháu.

        Sáng hôm sau, nhân viên nhà thương tới nhà ráp cái giường sắt bấm nút đẩy lên đẩy xuống cho bà ngồi nằm, để tấm nệm lên. Buổi chiều, ông đón bà ở bệnh viện về, ngồi trên xe lăn mới toanh nhà thương cho, có vợ chồng anhTâm láng giềng qua thăm, chúc mừng bà trở về, mặc dù không thể tự đi một mình như trước nữa, phải chống gậy, hoặc ngồi xe lăn...

        Lúc hai vợ chồng ngồi trong phòng khách một mình, bà ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

        - Ông à, ông hứa với tôi điều này...

        - Gì vậy?

        - Đừng bỏ tôi vô nhà thương nữa.

        - Bà nói sao kỳ quá... Có chuyện gì phải vô nhà thương, có bác sĩ máy móc mới chữa khỏi được, chứ ở nhà ai biết đường nào...

        - Đừng nói gì hết... Tôi sợ không khí nhà thương lắm. Chỉ cần ông hứa là được rồi.

        - OK...rồi, tôi hứa.

        Ông đẩy xe đưa bà vô giường ngủ, bế bà nằm lên, xếp hai chân duỗi ra, xoa bóp bắp thịt hai cẳng bà một lúc rồi đắp mền lên. Trước khi đi ngủ, ông thắp hương khấn Quan thế âm bồ tát, Dược sư, và A di đà Phật ở bàn thờ, thầm cầu xin phù hộ cho bà khỏi bệnh.

        Cuộc sống hai người già riêng rẽ nhau lúc trước bây giờ như thu lại làm một. Ông là vai chính, là vú em, bà chỉ là cái gánh nặng cần ông lui tới thay đồ, tắm rửa, đưa đi vệ sinh... Ông cố gắng tập quen với nhiệm vụ mới.

        Bà cũng cầm chén đũa, nói năng ăn uống bình thừờng, cũng nghe ông kể các mẩu chuyện đời xưa, cũng góp vài ba câu khôi hài cho ông cười. Ông nấu ăn, rửa chén. Hai người quen ăn uống đơn sơ đã lâu, tới bữa mỗi người một tô cơm trộn thức ăn sẵn, hay tô súp cá hồi, đậu vert, bắp hột và cà rốt, chỉ hai ngừời nên chén bát cũng gọn.

        Ban ngày bà nằm sofa đọc báo, sách, nghe nhạc, ông coi sách hay tivi, tối đến ông đẩy xe lăn đỡ bà lên giừờng, tập therapy cho bà, vén quần bà lên tới háng, kéo chân lên xuống mỗi bên 20 lần, nhắc nhủ bà niệm thầm A di đà Phật 100 câu, rồi về phòng mình. Đêm nào bà khó ngủ, hay mệt thì ông lên nằm chung bên cạnh trông chừng. Đi cầu, có lúc bà khỏe thì chống gậy vào, tự ngồi xuống, có khi ông đẩy xe vào, chòang tay đỡ ngừời bà nhổm qua bồn cầu. Có lúc bà đi xong, đứng lên một mình không đuợc, gọi ông vào xốc vai kéo lên.

        Đôi lúc bà nằm nghỉ, ông qua phòng khác, mở cửa sổ rộng ra, đứng hút thuốc, nhìn xuống cây xanh, xe cộ bên dưới, phà hơi ra bên ngòai, rồi đóng cửa lại. Ông thường tự hỏi một ngày nào đó, tới phiên ông bị như bà thì mọi việc sẽ ra sao. Ai sẽ săn sóc cho cả hai ngừời một lúc? Một là con gái tới ở, hai là nó mướn người nuôi tới nhà ở luôn ngày đêm săn sóc cho cả hai. Đôi lúc ông cũng không muốn nghĩ tới chuyện đó, thở dài mặc cho tới đâu thì tới.

        Một hôm, ông Hào, một ngừời bạn già của ông chết, ông phải đi đưa đám ở Huntington Beach, bà ở nhà đi đứng chống gậy một mình làm sao mà ngã xuống, không gượng đứng lên đựợc, đành ngồi dựa vào tường, chờ đến tối mịt ông về mới được đỡ dậy, bỏ ngồi vô xe lăn để gần đó. Trời mưa bên ngòai mà cửa sổ thì mở từ sáng quên đóng. Ông đóng hai cánh lại, đẩy bà vô phòng khách, bà thủ thỉ:

        - Sao ông về mau vậy? Ông kể đám ma tôi nghe, có gì lạ không? Có những ai đi dự?

        Ông đã mệt không muốn nói, nhưng chìu bà, phải ngôi xuống kể lể chi tiết những ai đi dự, linh mục làm lễ ra sao, ai nói điếu văn, con cái khóc lóc ra sao... Bà nói:

        - Tụi mình cũng đều ngoài 80, như anh Hào, bà Lê, ông Tú, không biết "đi" lúc nào... Bạn bè già đâu còn ai, có còn cũng đi đứng không vững, sức đâu mà đi phúng điếu mình. Không hiểu tới phiên mình chết, có mấy người đi đưa đám... Nay nghe tin ngừời này chết, người nọ cưa chân, người kia mất trí nhớ, vô nursing home, thấy quá nản lòng... Sức khoẻ thì mỗi ngày mỗi yếu đi, sắc diện ngày càng hốc hác, nhăn nheo, già lão...Tuổi này đâu còn việc gì để làm, để hy vọng gì nữa...Mắt mờ, tai lãng, răng rụng, trí nhớ kém, các bộ phận càng lúc càng hư hỏng đi chứ đâu có trẻ lại... Tôi không muốn sống nữa, không muốn là một gánh nặng cho ông nữa....

        - Bà đâu có làm phiền tôi gì đâu? Bà đâu phải gánh nặng cho tôi...

        - Tại sao không? Ông đừng nói dối... Ông rất tốt với tôi, tôi biết chứ sao không, nhưng tôi không thiết sống nữa...

        - Bà thử đặt bà vô chỗ tôi, nếu tôi bại liệt, bà cũng phải săn sóc tôi thôi, bà sẽ làm sao? Mình phải hy vọng có ngày hết bịnh để vui sống chứ... nói những điều bi quan có lợi gì..

        Bà Loan thở dài, lắc đầu:

        - Tôi không muốn nghĩ tới chuyện đó. Tôi muốn đi ngủ... Tôi thấy mệt rồi...

        Sáng hôm sau, bà hơi khỏe, đòi tập bấm nút điều khiển xe lăn chạy quanh trong phòng khách, khỏi phiền ông đẩy. Ông đứng xem, một lát có ngừời đàn bà tới giặt thảm, lau nhà, phòng tắm, nhà bếp... mấy tiếng đồng hồ. Ông móc tiền ra trả, rồi đưa bà vô bồn tắm ngồi, gội tóc cho bà, cầm cái gáo hứng nứớc từ vòi faucet đổ lên đầu bà năm bẩy bận cho sạch, rồi lấy khăn lau tóc, mặc áo quần, đẩy bà ra ghế ngồi nghe nhạc. Trưa, ông đang ăn thì nghe "hụych" một cái trong phòng bà ngủ, tiếng cây đèn đứng cạnh giường ngã xuống đất, lật đật buông muỗng chạy vào thấy bà té lăn xuống đất bên giường, vội cúi mình hai tay lòn dưới vai nhấc bà đứng lên.

        - Tội quá, muốn đi đâu? Sao không gọi tôi vô đỡ ngồi lên?

        - Xin lỗi ông..

        - Gãy cái đèn đứng rồi.

        Tối đó, ông ngủ với bà cho có bạn, bà có muốn đi đâu thì ông có sẵn bên cạnh. Ai dè, nửa đêm ông nằm mơ thấy tới một chỗ tối mò, nước róc rách, đang sợ hãi thì có ai thò tay bóp cổ ông từ đàng sau, ông hét lên inh ỏi, làm bà chòang dậy hốt hoảng quay đầu nhìn. Ông ngồi thẳng dậy, mồ hôi trán ướt đẫm.Tim ông đập thình thịch vì sợ. Một lúc sau, ông nằm xuống lại, niệm Quan thế âm cho tâm lắng dịu lại, nghĩ thầm đầu óc mình cũng bắt đầu có vấn đề. Ban ngày có thấy chuyện gì ghê gớm đâu, mà sao đêm nằm mộng mị như vậy.

        Sáng ra, ông tập bà đi từng bước một. Ông hai tay ôm giữ ngừời bà đứng thẳng, chân phải bà nhích lên một bước, rồi chân trái nhích theo, cứ thế mà đi quanh phòng cho tới lúc mệt thì để bà ngồi ghế, thòng hai chân xuống. Ông ngồi xuống, xoa bóp hai bắp chân bà. Rồi chợt sực nhớ một điều, bảo bà:

        - À quên, thứ sáu tuần sau, vợ chồng con Ngọc tới thăm đó bà.

        Bà yên lặng một lát, càu nhàu:

        - Mình đâu có cần thằng Vinh tới. Thằng đó hay càm ràm nói này nói nọ. Tôi không thích nghe nó bàn tán chuyện đau yếu của tôi...

        Tối, hai người đang ăn cơm, bà xong trước, nổi hứng đòi coi album ảnh kỉ niệm. Ông phải đứng dậy đi tìm cuốn album cũ đem ra cho bà. Bà đeo kính lão vô, lật từng trang, coi hình lúc còn con gái ở Việt nam, hình hai vợ chồng hồi đám cứới, hình con gái lúc nhỏ, hình lúc mới qua Mỹ... chốc chốc chép miệng:

        - Cuộc đời tươi đẹp quá... Lâu quá rồi mà tưởng như mới hôm nào... Ôi, thời gian...còn đâu nữa...

        Ông yên lặng nhìn bà coi hình, không nói gì. Bà coi xong, ông lẳng lặng mang đi cất. Đầu hôm, ông nằm bên bà, mở đèn đọc báo to tiếng cho bà nghe...Một lát ngoảnh lại đã thấy bà ngủ mất rồi. Ông đắp mền cho bà cẩn thận rồi chậm chạp bước về giường mình ở phòng bên cạnh ngủ. Sáng ra, vô thăm, sờ bà thì thấy quần bà ướt đẫm nước tiểu. Ông lẳng lặng mở tủ, lấy khăn lông trắng trải lên xe lăn, hai tay lấy gồng đỡ bế ngừời bà dậy, kéo qua đặt lên xe, đẩy vô buồng tắm xối nước rửa, lau mình, thay quần áo cho bà.

        Thứ năm, ngày con gái hẹn tới thăm chưa tới, bà rủi thay bị stroke lần thứ hai. Ông gọi bác sĩ quen Micheal tới khám. Bà nằm thiêm thiếp trên giường, nghe hiểu, nhưng không nói được. Miệng bà đớ ra, phát âm không ro, ráng sức chỉ nói được tiếng một chứ không nói thành câu.

        Khi vợ chồng Ngọc tới, ông Sơn tiếp chuyện con rể ngoài phòng khách, Ngọc vô ngồi bên giừờng mẹ thấy bà đắp mền nằm mở mắt, tay phải để trên ngực, tay trái buông xuôi, khủyu tay được chuyền serum từ một chai nước thuốc ở trên cây máng. Cô kể chuyện nhà cửa lúc này lên giá, mua chung cư cho thuê là đầu tư chắc ăn nhất, mấy năm trứơc Vinh ham mua stocks, lỗ bị mất sạch tiền để dành. Cô nói ngày nào cũng lên mạng tìm quảng cáo rao bán địa ốc. Bà yên lặng nghe, rồi há miệng ú ớ:

        - Nhà...bà ngoại....ơ ơ... không... sau đó...ơ ơ....hết tiền...

        Ngọc chồm tới gần sát mẹ, lắng tai đóan coi bà muốn nói gì.

        - Nhà...bán..

        Bà ho sặc lên mấy tiếng, cố sức nói tiếp:

        - Trời... sao khó nói...quá... Mau lắm..ơ..ơ..ngay liền...ơ ơ.. nhà...nhà...hết tiền luôn...

        - Má nói gì? Con không hiểu...Nhà gì? Nhà ai?

        Trong khi đó, ông Sơn ngòai kia kể cho con rể nghe chuyện tính mướn người nuôi một tuần 3 lần tới lo cho bà.

        Vinh hỏi:

        - Bà ta đòi bao nhiêu?

        - Trả tiền theo giờ...

        - Còn má tình trạng hiện tại thế nào?

        - Có lúc má không nhớ ra là đang bị tê liệt. Có lúc lại biết rất rõ điều đó.

        - Bác sĩ bảo sao?

        Bỗng ông giật mình nhìn ra cửa, Ngọc chạy ào vô khóc nức nở:

        - Má...má nói lảm nhảm... lung tung...

        Vinh bước tới nắm tay vợ an ủi:

        - It's OK.

        Ngọc đẩy chồng ra, xụt xịt khóc:

        - It's not OK.

        - Bây giờ mình tính sao ba? Chẳng lẽ để má nằm như vậy hòai...Không còn nhận ra là má như trước nữa... má bây giờ như người điên nào vậy...

        - Thì má có thuốc men, đang đuợc bác sỹ chuyên môn điều trị theo dõi. Bác sĩ Micheal nói có thể đưa thẳng má nhập viện,khỏi qua thủ tục giấy tờ, thử máu, nhưng chắc ở đó họ sẽ không nhận, mà sẽ đẩy qua hospice, hay nursing home...mà ở nursing home thì họ cũng đâu có làm gì khác hơn ở nhà mình. Cái họ làm cũng chỉ là cái ba đang làm mỗi ngày cho má ở nhà... Mà má thì nhứt định không chịu vô đó. Má bắt ba hứa như vậy rồi.

        - "Sao mình không hỏi thêm ý kiến một bác sĩ khác coi." Vinh góp ý.

        - Bác sĩ khác cũng đã tới thăm rồi, cũng nói y như bác sĩ Michael.

        Ông bỗng nổi nóng, to tiếng:

        - Hai đứa bây tuởng ba là loại người gì chứ? Bộ chỉ có con biết thương má, còn ba là hạng ích kỷ lười biếng sao? Bộ hai con tưởng ba không lo lắng tìm hết cách cho má hay sao? Những gì ba làm được, ba đã cố hết sức rồi.

        - Con không có ý nói vậy. Nhưng chả lẽ y học tân tiến như bây giờ mà lại không có cách nào trị được bệnh má sao? Trên mạng...

        - Thì con cứ tìm trên mạng đi, ai cấm... Mà thôi, kể từ thứ hai tới, sẽ có ngừời tới săn sóc cho má 3 lần một tuần. Ba đã thương lượng với họ xong rồi.

        Tuần sau đó, bà y tá tới làm việc, mặc diaper cho bà trên giường, vừa làm từng động tác vừa chỉ ông đứng bên coi từng động tác, cách xoay trở bà gọn gàng, sao cho bà khỏi đau, chỉ cách tháo gỡ diaper dơ ướt ra, lau chùi bà, mặc cái mới vào. Khi bà này về, ông tới bấm nút cho giường đẩy bà ngồi lên, ngồi một bên, cẩn thận trải tấm khăn tạp dề trên ngực bà cho thức ăn khỏi đổ dính áo, đút cháo cho bà ăn. Bà làm biếng ăn,thở khò khè như người hen suyễn. Ông đứng dậy mở tủ khui hộp juice đào, bỏ vô cháo trộn đều cho thơm ngon dễ ăn...Bà mắt nhắm nghiền, miệng há ra đón nhận thức ăn, nhóp nhép nhai, chốc chốc mỏi, ngưng lại nghỉ mệt, ông kiên nhẫn chờ bà há ra lại để đút muỗng khác vô.

        - Ăn thêm đi em, cho có sức... Nãy giờ ăn mới có năm muỗng, làm sao no...

        Bà lắc đầu. Ông cất tô cháo, cầm ly nước, có cái môi nhỏ vừa khít cái miệng bà, kê áp vô môi. Bà nuốt không hết, nứơc tràn ra khóe miệng chảy xuống cầm, ông vội lấy khăn chậm cho khô. Có lúc bà sặc, ho sù sụ, vì nứớc chảy nhanh mà cuống họng mở chưa kịp, ông lại ngồi chờ. Một lúc, bà ú ớ kêu:

        - Má ơi...đi... nhạc hội... áo đẹp... Má ơi...

        Ông lập lại, mỉm cười:

        - Má ơi, đi nhạc hội phải mặc áo đẹp...Ừ, đúng rồi.

        Bà y tá tới, tắm rửa kỳ cọ cho bà trong bồn tắm, tay chân bà mạnh bạo, mau lẹ. Ông đứng gần đó chăm chú nhìn, coi có gì khác lạ hơn cách ông vẫn làm không, thấy bà ú ớ la, có vẻ đau. Bà y tá làm xong, ông hỏi về giờ giấc làm việc cho thuận tiện cả đôi bên. Ông hỏi tại sao bà cụ lâu lâu cứ kêu "Má má" là sao. Bà cười nói:

        - Kêu "Má, má" là phản xạ tự nhiên, ông đừng lo...Mấy người bị tai biến cần phải nói cái gì đó, nhưng vì không nói được, nên nói "má " là dễ nhất. Tôi gặp hoài à...

        Còn lại, ông ngồi bên giường xoa tay bà nhè nhẹ:

        - Tôi sẽ mướn thêm một y tá nữa tắm rửa vệ sinh cho bà, cho họ làm theo "ca" cho dễ... Bà nghĩ sao?

        Nhưng rồi cô y tá thứ hai làm "ca" 2 còn mạnh tay hơn bà y tá ca 1, cô cầm lược chải tóc cho bà sồn sột, không kiên nhẫn hay nương nhẹ tay, làm bà nhăn nhó, rên la... khiến ông theo quan sát hai tuần liền, quyết định cho nghỉ việc. Cô này tức giận, cong cớn to tiếng:

        - Tại sao ông đuổi tôi? Tôi bỏ 2 jobs đằng kia để tới làm cho ông bà, bây giờ ông cho tôi nghỉ thình lình... Tại sao chớ?

        - Tôi có nói tại sao, cô cũng không hiểu đâu.

        - Tôi làm nghề này bao nhiêu năm nay,chưa có ai "complain" như ông hết. Ông tưởng ông giỏi lắm hả? Ông biết gì mà dạy tôi? Ai cũng quý tôi hết...

        - Tốt cho cô. Tôi cũng mong ai đó đối "tốt" với cô như cô đã "tốt" với bệnh nhân của cô... nhứt là lúc cô về già, bất lực, không còn tự lo cho thân cô được nữa...

        Ông hỏi bao nhiêu tiền cho 2 tuần, cô đòi 780$. Ông móc túi ra 8 tờ giấy trăm, hỏi:

        - Cô có tờ 20$ không?

        Cô cừời nhạt, đút tay vô bóp kiếm để thối lại, không thấy, nói "không". Ông đành đưa luôn 800$. Cô mắng một câu cho hả tức trứớc khi quay lưng ra cửa:

        - Cho đáng kiếp ông ở đó mà hầu hạ bà già. Đồ cà chớn...

        Còn lại lủi thủi hai ngừơi với nhau, ông quanh quẩn bên giường bà, ngâm ca dao cho bà nói theo để tập nói chuyện lại. Mặt bà nhăn nheo, môi bà chúm chím, cố sức đẩy hơi ra, phát âm theo, nhưng phều phào ngọng nghịu. Có khi ông nói "Nam mô A di đà Phật" cho bà lập lại. Bà ngoan ngõan nói theo. Một lát sau, ú ớ:

        - Tội...ông quá...Ông...tốt... quá..

        Bà thò bàn tay ra đặt lên tay ông, xoa nhè nhẹ... Ông lật tay lên ôm úp lên mu bàn tay bà nắm chặt lại. Nhưng mấy ngày sau, ông cho bà uống nứớc thì bà ngậm chặt miệng lại. Ông năn nỉ:

        - Bà ráng uống đi, nếu không sẽ chết đó...

        Hai mắt bà sáng lên, hình như không sợ hãi chuyện chết. Ông lại dỗ:

        - Nếu không uống, tôi sẽ đưa bà vô nursing home, họ sẽ nuôi bà theo kiểu nhân tạo. Họ chuyền thức ăn bổ dưỡng vô mạch máu bà, hay đút ống chuyền chất lỏng vô bao tử bà...

        Bà nhắm mắt tỉnh bơ, ngậm chặt miệng lại. Ông lấy ngón tay trái vạch miệng bà ra, tay phải kê ly nước đổ vô lỗ miệng. Bà gan lì ngậm nước đày miệng, chứ không nuốt. Một lúc sau mỏi, bà đành nuốt, nghe ực một cái, nhưng một nửa nước lại trào ra, chảy xuống cổ. Ông lấy khăn chậm khô chỗ ứớt, tiếp tục cho uống ngụm nữa. Lần này bà nhứt định phùng má ngậm nước trong miệng, rồi đột ngột nhổ ra cái xọet. Ông nổi nóng tát cho bà một bạt tai. Bà nhắm nghiền hai mắt lại, da mặt nhăn nhúm, lộ vẻ sợ hãi. Ông biết lỗi, cúi đầu xuống, ân hận, thì thào:

        - Tôi xin lỗi. Tôi lỡ tay...

        Ngày hôm sau, Ngọc tới thăm. Ông lần khần không muốn mở cửa tiếp. Cô hỏi:

        - Chuyện gì xảy ra vậy ba? Má thế nào rồi?

        - Không có gì cả. Má vẫn thường.

        - Con gọi nhắn ba 4 lần mà không thấy ba trả lời... con lo quá...

        Ông nói:

        - Ba cũng không có thì giờ trả lời con. Con có lo mấy đi nữa cũng không giải quyết được gì...không thay đổi được gì. Kỳ rồi, má cũng không muốn tụi con tới thăm đâu... Bà thích nằm một mình,không muốn gặp ai nữa..

        - Bây giờ tình trạng má thế nào, ba?

        - Cứ hai tuần thì bác sĩ tới khám. Một tuần ba lần có y tá tới làm vệ sinh, tắm rửa. Ba dậy 5 giờ sáng, lúc ấy má còn ngủ, nấu nứớc sôi pha trà, 7 giờ rửa mặt cho má, rồi lo chuyện ăn uống, vệ sinh... Có lúc ba dạy má tập phát âm. Có lúc má cười khúc khích... Có lúc lại khóc ràn rụa nước mắt... Càng ngày má càng yếu lần... không muốn ăn uống gì cả...Phải ép, dỗ dành hết cách... Ba thì càng lúc càng mệt, làm gì nặng cũng thở hổn hển... trước sau rồi cái gì tới cũng sẽ phải tới thôi... chỉ sợ ba có ngày quỵ trước má con.

        - Con nhắm kiểu ba săn sóc cho má như vầy không ổn ba à... Phải tính chuyện lại cho chín chắn..

        - Chín chắn là chuyện sao? Con muốn đem má về ở với con hả? Rồi năm ba ngày sau con "bứt", con đưa má vô nursing home là xong, phải không?

        Ngọc ứa nước mắt khóc, mũi xụt xịt, đứng lên bỏ ra về.

        ...

        Trời cuối tháng 10 bắt đầu chuyển qua mùa lạnh. Nhiều cây ngòai đường đã rụng gần sạch lá. Đêm dài hơn, ngày ngắn lại. Tháng chạp, ông cảm cúm xụt xịt lỗ mũi, trong mình đau nhức, yếu ớt, suốt ngày quanh quẩn trong nhà với bà, cầm tờ báo đọc qua loa mỗi sáng do người đưa báo ném trước cửa, chiều chiều ông ngồi ghế ở lan can một mình nhìn xuống hàng cây dưới phố coi lá rụng. Có chiếc lá lìa cành chao qua chao lại trước khi chạm đất. Có chiếc từ trên cây rơi cắm phập xuống đất, như chấm dứt cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên...Ông nghĩ tới những ngày còn lại của bà, của ông, thân xác thui thủi yếu ớt, run rẩy, chờ rụng như những chiếc lá kia...một ngày nào đó ông bà sẽ lần lượt từ giã cuộc đời. Tất cả sẽ chỉ còn là hư không...

        Một hôm ông đang cạo râu trong buồng tắm thì nghe bà rống lên từ trong buồng "Đau...đau quá...". Ông bỏ dao cạo xuống, lau mặt, lắng tai nghe. Chân cao chân thấp tất tả đi tới phòng bà, thấy bà nằm dài, miệng kêu đau ơi ới. Ông vén mền lên, sờ diaper thấy vẫn khô, hỏi:

        - Bà đau ở đâu?

        Bà không nói, hình như không nghe tiếng ông, cứ chốc chốc thở khò khè như đàm lên cuống họng, tấm thân gầy xẹp nằm dài bất động, mắt nhắm nghiền, hếch mặt khô khan nhăn nheo lên trần nhà. Ông ngồi chăm chú nhìn mặt bà một lát, rồi nghĩ sao, chồm qua lấy cái gối bự chụp lên mặt bà, hai tay và cả thân trên rán sức đè mạnh xuống cho bà ngộp thở, sớm giã từ cõi đời, chấm dứt cảnh sống thực vật mấy tuần nay. Ông giữ cái gối như vậy dăm ba phút. Bà đâu còn sức vùng vẫy, hai cẳng giật lên, quằn quại, dẫy dẫy mấy cái rồi duỗi ra bất động...

        Ông buông hai tay ra, ngồi thẳng lại thở hổn hển nhìn lên khoảng không. Một lát, sau hồi niệm A Di Đà Phật, ông thở đều, quay lại, thong thả vuốt ve mấy sợi tóc lưa thưa rũ trên khuôn mặt bà. Thình lình, chẳng biết bằng cách nào, ông bỗng bật dậy, đứng thẳng, cái thân xác bất động của bà đã nằm gọn trong tay. Chẳng hiểu nhờ sức lực ở đâu khiến ông bỗng thấy mọi thứ đều nhẹ bẫng. Dưới chân ông, hình như có nhiều ngả đường đang mời gọi. Ngoài kia, bầu trời đang rộng mở. Và ông nhẹ nhàng bước.

        ...

        Ông Bà Sơn sau đó được tìm thấy bên nhau, gần khuôn cửa mở ra lan can. Cửa vẫn mở, gió mùa đông thổi mạnh, cuốn mấy cánh lá khô quay vòng vòng trong phòng. Cả hai cái xác đều lạnh cứng nhưng bà vẫn ở trong tay ông.

        Phạm Hoàng Chương

        (Nguon: Vietbao)

        Comment


        • #79
          Hình như HN đã có xem phim này rồi.

          Comment


          • #80
            Buồn quá đi

            Comment


            • #81
              Originally posted by 'XuanLan'

              Buồn quá đi
              Người già ở nước ngòai hơn 50% thuờng hay bị bệnh cao máu,và mỗi ngày nhớ uống thuốc,nếu không sẽ có thể bị liệt, khổ lắm.

              Ông bác trong truyện,hình như đàn ông không chịu đựng cực khổ như các bà , phải săn sóc cho vợ, cho nên tìm cái chết để giải thóat.

              Ông này làm thấy sợ quá.

              Comment


              • #82
                Nỗi Đau Người Già Còn Lại

                (Trích bài viết “Tuổi Già với sự hụt hẫng cô đơn”, Ng. Thị Tâm Nhàn)

                Người xưa từng nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Khi mất đi người bạn đời ở tuổi về già, con người sẽ cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, buồn, nhớ nhung, trống vắng...

                Cuộc sống vợ chồng đến tuổi về già vốn dĩ đã trải qua bao nhiêu năm tháng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau đi trên con đường đời với biết bao thăng trầm, sóng gió. Vợ chồng bên nhau để đến hôm nay, khi cả hai cùng bạc phơ mái tóc, là cả một quãng đường dài để hiểu nhau từng tính ý, sở thích… và cả thói quen đi về có nhau.

                Ấy mà đến gần cuối cuộc đời, một người ra đi mãi mãi. Người ở lại mang trong lòng một nỗi đau mất mát, sự hụt hẫng lớn, nỗi ray rứt không nguôi với những điều mình chưa làm được hoặc chưa kịp làm cho người bạn đời, nỗi cô đơn xâm chiếm vì mất đi người chia sẻ… Trong giai đoạn này, người ở lại dễ bị suy sụp về thể chất lẫn tinh thần.

                Một cụ ông chia sẻ sau khi mất đi người bạn đời, cụ rơi vào trạng thái hụt hẫng và đau buồn tưởng chừng không gượng dậy được. Nỗi nhớ nhung những kỷ niệm ngày xưa, nỗi ray rứt không nguôi vì cảm thấy mình có lỗi trong sự ra đi của vợ. Phải mất một thời gian dài ông mới tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Mất đi người bạn đời là thiếu đi sự gắn bó yêu thương, những chăm sóc ân cần mà chỉ có vợ chồng sống với nhau cả đời mới thấu hiểu được. Loại tình thương mang nặng tình nghĩa này, tình yêu thương của con cháu không thể nào thay thế được.

                Một cụ già khác trong ngày đám tang của vợ, ông cứ đi quanh chiếc quan tài, nhìn bà và nói: “Sao bà bỏ tôi đi trước vậy? đến lúc chết vẫn chưa nói được với nhau một lời”. Sở dĩ ông nói vậy là vì trước đây hai vợ chồng bất đồng về cách sinh hoạt, bà đã giận ông và không nói chuyện suốt nhiều năm liền. Đến khi bà bị bệnh nặng phải vào bệnh viện, ông đã không vào kịp để nói với bà những lời cuối cùng, cũng là những lời làm hoà của ông trước khi bà đi xa. Với nỗi niềm hối tiếc lẫn thương yêu và buồn đau mà không được giải toả, ông cũng đi theo bà một năm sau đó.

                Sau khi chồng qua đời, mặc dù cuộc sống chung trước đây của hai vợ chồng không được mỹ mãn lắm, nhưng bà H. cảm thấy một sự trống vắng dâng tràn, bà thèm được nghe tiếng ông cằn nhằn (điều bà rất bực mình ở ông), bà đi ra vườn tìm hình bóng của ông mà trước đây mỗi chiều chiều ông hay chăm sóc cây kiểng, bà đi ra vào thẫn thờ như người mất hồn. Con cháu đã kéo bà về với thực tại bằng sự yêu thương, quan tâm tới bà nhiều hơn, dành thời gian cho bà nhiều hơn… để lấp đi nỗi cô đơn trống vắng trong lòng bà. Thời gian qua đi, nỗi đau nguôi dần, bà lại vui vẻ sống bên con cháu, tận hưởng những giây phút của tuổi già. Bà làm những việc bà thích mà trước đây bà chưa có thời gian làm do cuộc sống gia đình bận rộn, bà liên lạc với những người bạn cũ, có thêm bạn mới… cuộc sống dường như mở ra một tia sáng, tia sáng soi rọi đến tận cuối con đường.

                Tất cả những nỗi niềm, tâm lý đó của người già nếu không được con cháu hiểu và thông cảm, ắt hẳn người còn sống sẽ khó vượt qua được trở ngại lớn này. Cũng nói thêm rằng người già thường hay cảm thấy cô đơn, dễ tủi thân, lo lắng… huống hồ chi còn chịu sự mất mát người bạn đời gần gũi nhất, những lúc này các cụ dễ rơi vào trạng thái sống khép kín, có thể dẫn đến trầm cảm. Nếu con cháu hiểu được tâm lý của ông (bà, cha mẹ) mình thì sẽ giúp giảm đi nỗi đau mất mát để ông (bà, cha mẹ) sống vui, khoẻ những ngày còn lại.

                Những lúc này, lời động viên, an ủi, chia sẻ của người thân là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, để ông (bà, cha, mẹ) cảm thấy được ấm áp hơn, được hiểu, được chia sẻ nhiều hơn, cảm thấy không bị cô đơn, con cháu cần đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Tôn trọng thương yêu, quây quần bên ông (bà, cha, mẹ), lắng nghe những lời ông (bà, cha, mẹ) nói hay tâm sự mặc dù những lời này có khi mình nghe rất nhiều lần rồi, tôn trọng sở thích của ông (bà, cha, mẹ). Tạo điều kiện để ông (bà, cha, mẹ) mình giao lưu ra bên ngoài với những người đồng tuổi. Tham gia sinh hoạt các hội, câu lạc bộ người cao tuổi… để ông (bà, cha, mẹ) được nguôi ngoai nổi nhớ thương, vui sống với những niềm vui mới.

                Biết rằng sinh tử là con đường ai cũng đi qua, nhưng trong cuộc hành trình hôn nhân, sống chung với nhau gần cả đời người, chia sẻ nhau những vui buồn được mất, sự chia ly để lại trong lòng người ở lại khoảng trống, hụt hẫng, nuối tiếc. Do vậy, sự quan tâm chăm sóc yêu thương của người thân trong những hoàn cảnh này đối với người cao tuổi là liều thuốc tinh thần giúp các cụ sống vui, khoẻ bên con cháu.


                Comment


                • #83
                  Đứa Con Dâu

                  Tác giả: Tràm Cà Mau

                  Bà Năm rất hãnh diện vì Tâm, đứa con trai học hành chăm chỉ. Tâm tốt nghiệp bằng bác sĩ y khoa, thực tập tại bệnh viện sắp xong, và chuẩn bị đi làm việc.

                  Tâm thường ôm đàn, búng tưng tưng và hát nghêu ngao. Tâm thường lập đi lập lại những câu hát ca ngợi “người em gái” nào đó. Lời rất dịu dàng, êm ái. Bà Năm nghe Tâm hát mãi, nói rằng:

                  “Em gái của anh, thì anh la mắng, nạt nộ, sai làm chuyện nầy, bảo làm chuyện kia, còn bắt phạt, bắt quỳ. Còn em gái người ta, thì bốc lên thấu tận trời xanh.”

                  Tâm trả lời yếu đuối:

                  “Bài hát mà má. Thì rồi em Hương nhà mình, cũng sẽ được mấy anh con trai dại dột khác, bốc lên thấu trời xanh thôi.”

                  “Sao anh không bốc em của anh lên một chút, cho nó vui, sung sướng. Có hơn là đi bốc thiên hạ không?”

                  Bà Năm thường làm hết mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Anh con trai chưa bao giờ mó tay vào làm bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào trong gia đình nầy, từ rửa chén bát, hút bụi nhà, sứa cái bóng đèn đứt dây, cắt cỏ, quét lá trong vườn. Anh như một người khách thuê khách sạn, trong ngoài, mọi sự đã có người khác lo.

                  Một buổi sáng chủ nhật, bà Năm thấy Tâm đem máy ra, cắt cỏ sân trước. Bà ngạc nhiên, há hốc miệng đứng nhìn đứa con trại đang hì hục, vụng về đẩy chiếc xe cắt cỏ. Xưa nay, anh chưa hề đụng đến việc nhà. Anh đã quen thói. Có nhờ được anh cũng khó khăn, và chưa chắc đã làm. Anh cứ lần khân mãi, rồi quên việc người khác nhờ. Hôm nay bà thấy Tâm cắt có cẩn thận, cắt đi, cắt lại, nghiêng đầu nhìn ngắm mãi, cho đến khi vừa lòng mới thôi. Bà Năm đứng chống nạnh, âu yếm nhìn con:

                  “Sao hôm nay Tâm giói thế? Cắt cỏ giúp cho bố mẹ. Lại cắt cẩn thận, cắt đẹp nữa!”

                  Tâm nhìn mẹ cười, và nói tỉnh bơ:

                  “Tuần trước, Lam ghé đậy chơi, thẩy cỏ cao, bảo con sao không cắt cho đẹp vườn .”

                  “Lam là ai?”

                  “Là bạn gái của con”

                  Bà Năm hừ một tiếng nhỏ tức tối. Con của bà sinh ra, nuôi nấng, thưong yêu, bà nhờ không được, bà nói không nghe, thế mà cái con Lam nào đó, mới mở miệng một tiếng, thì nó lại răm rắp làm. Trong lòng bà, bỗng thấy không ưa cái con Lam kia. Bà cảm thấy hơi buồn.

                  Sáng chủ nhật, bà pha cà phê cho chồng, và pha luôn cho Tâm một ly. Bà biết hai bố con đều ghiền, buổi sáng không có ly cà phê thì xem như mở mắt không ra.

                  Thấy anh con trai không buồn động đến ly cà phê thơm, bà hỏi:

                  “Sao con không uống liền đi, để nguội mất ngon, hương thơm cà phê bay đi hết.”

                  “Thôi, con không uống cà phê nữa má à. Con đang tập bỏ cà phê.”

                  “Sao vậy ?”

                  “Lam bảo con bỏ cà phê! Uống cà phê không tốt.”

                  Nghe con nói, mà bà điên tiết, muốn lộn máu lên.

                  Lam là đứa nào, có quyền lực gì, mà làm cho thằng con trai cưng, thương yêu của bà răm rắp tuân lời? Bà thưong con, muốn cho con vui, bà ra lệnh:

                  “Uống đi. Mę đã pha ra rồi. Đừng uống quá nhiều thì thôi, chứ vừa phái, cà-phê cũng tốt cho sức khỏe.”

                  Anh con trai cưng của bà, đánh trống lảng, rồi bỏ lên lầu, không đụng đến ly cà phê bà đã pha. Bà Năm bực bội, quậy ly cà phê và uống từng ngụm nhỏ. Bà nói với chồng:

                  “Thằng Tâm nhà mình thê mà dại gái. Cha mẹ nói cho rát họng, thì không nghe, cái con nhỏ vất vơ nào đó, nói cái gì, thì nó răm rắp nghe theo như kinh điển. Thiệt là bực. Con mình sinh ra, dạy dỗ, nuôi nấng, mà nó không xem mình bằng...”

                  Ông chồng bà cắt ngang:

                  “Thôi bà ơi. Nó cũng đã lớn rồi, khi mới yêu, thì ai cũng vậy, mai mốt sẽ khác. Bà có nhớ không, hồi xưa khi tôi mới yêu bà, tôi cũng nghe theo bà răm rắp ...”

                  “Bây giờ thì ông không thèm nghe theo tôi bất cứ chuyện gì nữa. Lại còn nat nộ, gầm gừ.”

                  “Có chứ, khi nào bà nói đúng thì tôi nghe theo, chứ bà sai, mà bắt tôi theo sao được? Ngay cả bà nội tôi, nếu nói sai, thì tôi cũng phải thưa lại cho đúng, chứ huống chi là vợ?”

                  “Ừ, bây giờ anh có tôi rồi, thì xem thưởng nhé!”

                  “Vẫn quý vợ như thường. Nhưng đúng sai, phải làm cho ra lẽ.”

                  Một lần bà thấy Tâm không hót tóc theo kiểu cũ, lối tóc xửng ra như rễ tre, mà hớt lối mới trông gọn gàng, lịch sự hơn. Bà khen Tâm. Tâm nói rằng Lam không thích kiểu tóc cũ. Nghe mà bà giận, bực mình. Nhưng bà công nhận kiểu tóc mới, con bà trông đàng hoàng hơn.

                  Mấy tuần sau, khi Hương đi chơi về, báo cho bà Năm biết:

                  “Mẹ ơi. Con gặp anh Tâm đang bưng thức ăn cho khách tại tiệm Hưong Bình. Anh còn cắt rau, nhặt tôm, phụ bếp nữa.”

                  “Mẹ không hiếu con nói gì.”

                  “Tiệm của bố mẹ chị Lam ấy mà! Anh ấy đến đó làm việc, lấy điểm với ông bà già chị Lam.”

                  Bà Năm nhăn nhó mặt mày, thở dài, thất vọng nói:

                  “Tiền bạc nó đâu có thiếu. ở nhà thì chưa bao giờ rửa cái bát. Chưa bao giờ nấu nồi nước sôi giúp mẹ. Chắc cũng làm không công. Thế mà, thế mà ...”

                  Ngay tức thì, bà kêu Hưong lái xe cho bà đi xem mặt mũi cái con Lam kia ra thế nào, mà sai khiến được ông con cưng của bà như vậy. Bà Năm hầm hầm đi theo con gái, miệng mím lại. Hương dặn bà đừng vào tiệm, đi ngang qua bên ngoài dòm vô thôi. Hai mẹ con lấm lét rình mò, đi qua tiệm nhiều lần. Khi được nhìn thẩy mặt đứa con gái tên Lam, bà càng giận hơn. Trở lại nhà, bà bứt rứt, đi lui đi tới, chờ anh con trai cưng về. Bà sẽ cho một trận tơi bời cho đã giận. Khi Tâm về nhà, chưa kịp thay áo, đã bị bà Năm gào to :

                  “Khôn nhà dại chợ, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Việc nhà không đụng móng tay vào, ra ngoài thì làm mọi không công cho thiện hạ. Học hành cho giỏi, đỗ đạt bằng cấp nầy nọ, mà vẫn cứ ngu dại như thưởng”

                  “Thưa mẹ, mẹ nói gì?”

                  “Thằng ngu! Cái con Lam đó, xấu xí, da ngăm, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, ngực lép, mông teo. Đã ăn phải bùa mê thuốc lú của nó chưa, mà đi làm mọi cho gia đình nó? Nếu nó đẹp đẽ, nghiêng nước nghiêng thành, mà mê nó, thì không nói làm chi. Xấu xí như vậy, mà cũng mê muội, mới tức chứ. Cha mẹ nói thì không nghe, lại nghe lời đứa con gái vất vơ đó. Tưởng cành vàng, lá ngọc, con vua, cháu chúa chi cho cam, con nhà tiệm ăn...”

                  “Mẹ đừng kỳ thị. Mẹ từng nói với con, nghề nào cũng quý. Sao bây giờ mẹ chê nghề tiệm ăn? Mẹ thấy Lam xấu, mà con thấy đẹp thì sao? Tùy theo khiếu thẩm mỹ của mỗi người”

                  Bà Năm cười chán nản, và chê nhạo. Lặp lại một lần nữa, cái nhận xét của bà vê cô Lam:

                  “Ừ, cái khiếu thẩm mỹ của anh lạ lắm, đen đủi, trán ngắn, mắt hí, mũi xẹp, miệng móm, người lép kẹp, là đẹp, đẹp lắm. Hà ha ha ...”

                  “Nhưng tổng hợp tất cả lại, thì nhìn rất có duyên mẹ à. Con gái, có duyên thì thu hút và hấp dẫn hon đẹp. Con không cần vợ đẹp. Mấy cô đẹp, thì kênh kiệu, vác cái mặt lên, đòi hỏi đủ điều, và tham vọng không bao giờ ngừng. Họ khó khăn, họ tưỏng đâu có cái đẹp, là có quyền hành như bà hoàng. Lấy mấy cô nầy làm vợ, mệt lắm, và chưa chắc đã được lâu bên.”

                  Bà Năm há miệng ra vì ngạc nhiên, nhìn ông con trai của bà chòng chọc. Bà nói:

                  “Khiếp, ăn nói như cụ già tám mươi. Ai dạy cho anh những điều đó? Thôi, anh đã khôn đến vậy, thì mẹ chịu thua.”

                  “Thì ba mẹ vẫn thường nói vậy, và kinh nghiệm riêng của con cũng thấy thê.”

                  Thương và cưng con, bà không muốn con bà thương ai hơn, nghe lời ai hơn là nghe lời bà. Cái ác cảm với cô Lam không làm sao vơi được trong lòng bà.

                  Những khi Tâm mời Lam về nhà chơi, bà Năm cố tình làm mặt lạnh nhạt, và để lộ ra rằng, bà không ưa cô.

                  Bà còn nói bóng gió xa gần rằng, đàn bà không có ngực, sau nầy khó nuôi con. Đàn bà vòng mông nhỏ, sinh con khó, hiếm muộn. Lam vẫn vui vẻ, bình thường, làm như không biết bà Năm đang ám chỉ cô. Thấy thái độ của mẹ, Tâm không đám đem Lam về thăm nhà thường xuyên.

                  Ông Năm khuyên vợ rằng:

                  “Bà càng tỏ ra chống đối, thì chúng nó càng khắng khít. Tình yêu là một thứ kỳ cục, càng có nhiều trắc trở, thì càng nhiều nồng nàn, cháy bỏng. Tình yêu xuôi chèo thuận mái quá, thì cũng không bền. Bà cứ để cho chúng nó tự do tìm hiểu nhau, đừng gây trắc trở, khó khăn, mà sau nầy có hậu quá không tốt, con dâu nó xa lánh gia đình chồng, và mình cũng mất con luôn.”

                  Bà Năm cũng hiểu thế. Nhưng cái ghét bỏ cô Lam vẫn tiềm tàng trong lòng bà. Có lẽ tại vì Tâm nghe lời cô nầy răm rắp, mà không nghe lời bà, là người mẹ đã dành hết yêu thưong cho con. Nó coi người khác quan trọng hơn bà. Ông Năm nói rằng, việc chi mà ganh tị tình thưong ? Khi còn trẻ, thì ganh với bà mẹ chồng, bây giờ thành bà mẹ chồng, thì lại ganh với con dâu. Cứ cái vòng luẩn quẩn quay đi quay lại mãi, không được gì, mà chỉ gây thêm sứt mẻ, lộn xộn. Dân Á đông, thì mẹ chông nàng dâu lục đục. Dân Âu Mỹ, thì mẹ vợ và con rể không ưa nhau. Có cà ngàn câu chuyện chế diễu bà mẹ vợ do các ông viêt ra. Như chuyện diễu về ông Adam, thủy tổ loài người, bảo rằng ông nầy là người đàn ông sung sướng nhất, vì ông không có một bà mẹ vợ.

                  Dù cho bà Năm có bóng gió, nói xấu cô Lam đến mấy, anh con trai cưng của bà vẫn không suy suyển cái tình si dành cho cô nầy. Bà mẹ có dàn cảnh, giới thiệu cho anh bao nhiêu cô gái khác, đep hơn, anh cũng không màng liếc mắt đến. Bà Năm cán răng chấp nhận cho Tâm cưới cô Lam. Bà tiếc rằng, từ nay những bà bạn có con gái đến tuổi cặp kê, hết o bế bà, bót nồng nàn, tử tế như xưa.

                  Sau đám cưới, bà Năm xuống nước năn nỉ Tâm khoan dọn ra riêng. Anh con trai không trả lời dứt khoát, và cho biết tùy theo ý kiến của vợ. Bà Năm phải nói thẳng với cô con dâu rằng, nếu các con khoan dọn ra riêng, thì sẽ tiết kiệm được một số tiền, mua nhà sớm hơn, và tốt hơn. Cô con dâu vui vẻ trả lời rằng, nếu ba mẹ cho chúng con ở chung trong thời gian đầu, thì chúng con mừng lắm, được ba mẹ cho ở, cho ăn, và gia đình sum vầy, thì vui hơn là tách biệt ra. Câu nói của đứa con dâu làm bà mát ruột.

                  Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, đứa con dậu dần dần thích nghi với sinh hoạt của gia đình. Ban đầu, bà Năm nghĩ rằng, lại phái hầu ha thêm một “cô nương” nữa. Bà không ngại, miễn sao giữ anh con trai cưng của bà lại trong gia đình là được. Mỗi khi cô con dâu tự ý làm giúp cho ông bà việc gì, bà Năm nói nhỏ với chồng: “Cô dâu nầy, ưa làm màu lắm.” Ông chồng bà trả lời: “Thà có đứa con dâu làm màu, còn hơn là đứa ngang ngạnh, không coi ai ra gì.”

                  Nhiều buổi sáng rất sớm, bà nám nghe tiếng thở phì phò, tiếng huỳnh huỵch ngoài phòng khách, bà tưởng hai vợ chồng anh con trai đang làm trò khỉ. Một lần bà hé cứa nhìn xuống lầu, thấy Tâm và Lam đang múa tay, múa chân tập thể dục. Bà lắc đầu. Con trai bà, chưa thấy tập thế dục bao giờ, nay vì vợ mà tập. Bà cho rằng, con trai mà nghe lời vợ quá, cũng không tốt. Bà thử múa tay, uốn éo thận mình theo các cử động của hai người, bà nghe khoái cảm trong bắp thịt, xương cốt, và tiêu tan bớt rất nhiều mỏi mệt. Không lâu sau đó, nhiều buổi sáng, bà tập thể dục theo con, Và cả ông Năm cũng tham gia. Trong phòng khách buổi sáng, theo tiếng hô của Lam, bốn người nhịp nhàng múa tay chân, hít thở trong vòng hai mươi phút trước khi ăn điếm tâm và đi làm việc. Mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, Tâm lái xe ra công viên rất sớm, cùng cha mẹ và vợ, chạy bộ vòng quanh sân cỏ, hít thở không khí trong lành, tập những động tác uyển chuyến.

                  Sau đó, cùng đi ăn sáng. Bà Năm cảm thấy, nhờ có đứa con dâu mà tình mẹ con của bà gần gũi hơn, sau bao nhiêu năm gần như gián đoạn, kế từ ngày anh bước vào tuổi mười tám, hai mươi.

                  Hai ông bà Năm trở nên mê cái món cháo gạo lức, nấu đặc rền, ăn với cá nục kho khô, rướn cong, mặn, có tiêu ớt. Ăn vào buổi sáng, do cô con dâu nấu. Ban đầu bà Năm cười cái món ăn nầy của người nhà quê. Nhung cô dâu nói rằng, đây là món ăn vua chúa, chứ không phải món nhà quê. Sử sách có chép rõ, các ông vua triều Nguyễn rất khoái ăn cháo trắng buổi sáng. Ông bà Năm cũng phải công nhận ăn cháo vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, bớt được chất béo, chất đưòng.

                  Mỗi buổi chiều, bà Năm về nhà trước con dâu chừng nửa giờ. Bà vào bếp chuẩn bị, cắt rau, cắt thịt. Cô con dâu vất xong cái cặp vào phòng, chạy vội xuống bếp, phụ mẹ chồng sửa soạn cơm tối. Thời gian đẩu, cô phụ làm các việc lặt vặt, chỉ làm những chuyện mẹ chồng sai bảo. Có cô con dâu phụ bếp, dù không phụ được gì nhiều, nhưng bà Năm thấy vui, tự ái của bà không bị tổn thưong. Bà có thể hầu chồng, hầu con, chứ không muốn mang tiếng làm mọi cho cả con dâu. Nhìn thấy cô con dâu vui vẻ, hát hò trong khi làm bếp, bà cũng vui lây. Thì ra, cô làm với tấm lòng, với sự chia xẻ, chứ không phái miễn cưỡng. Cô con dâu múa dao lia lịa, cắt hành, cắt rau, ót, nhanh như các anh đầu bếp tàu chiếu trên truyền hình. Thỉnh thoáng, cô con dâu đề nghị bà Năm nấu món ngon cho cá nhà, ăn chơi cho vui, ăn chơi ngon hơn ăn thật, cô lãnh trách nhiệm nấu các món nầy. Cô nấu phở, bún bò, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bún riêu, mỗi chiều ăn một món thay cơm. Cà nhà vui vẻ hơn, ông Năm nói rằng, nấu ở nhà ngon như thế nầy, thì đi tiệm làm gì. Bà Năm học thêm được những bí quyết nấu ăn của cô dâu, và cộng thêm kinh nghiệm cũ, bà nấu càng ngon hon. Bà mời bạn bè chồng đến, trổ tài nấu nướng.

                  Nhiều người khen và khuyến khích bà ra mở tiệm ăn. Bà con, bạn bè đòi hùn vốn mở tiệm. Bà Năm sung sướng và quyết định thôi việc, ra làm kinh doanh. Trong một bữa ăn, cô con dâu nói với ông bà:

                  “Dì Chính báo rằng, nếu mình ghét ai thậm tệ, muốn trả thù, thì cứ đem tiền cho mượn, xúi họ mở tiệm ăn, cho họ khổ, bỏ ghét. Làm tiệm ăn, khách ít thì lo, khách đông thì khổ, làm một ngày mười sáu, mười tám giờ cũng không hết việc. Nắng cũng lo, mưa cũng lo. Cực lắm, đầu bếp cũng cực, phụ bếp cũng cực, chủ tiệm còn cực hon. Dì Thu bạn của mẹ con mở tiệm phở, bị ông đầu bếp bóp cổ, phải kêu cánh sát can thiệp. Ông đầu bếp mệt và cực quá, mà dì thì quá lo lắng, thúc hối, hỏi han. Ông nổi khùng, bóp cổ dì. Bố mẹ con, lỡ mở tiệm, không lui được nữa, cực lắm lắm, ông bà mệt quá, gây gổ nhau hoài. Nếu mẹ muốn mở tiệm ăn, thì hãy suy nghĩ cho kỹ lại. Ít nhất cũng giả vờ đi làm công cho thiên ha, phụ bếp hoặc làm đầu bếp vài ba tháng cho biết đá biết vàng rồi quyết định.”

                  Nghe con dâu nói, bà sợ hoảng hồn. Không dám ra làm kinh doanh nữa.

                  Nhiều hôm, cô con dâu hớt hải chạy về kêu bà Năm thay áo quần ra xe đi gấp, xuống phố mua hàng với cô. Vì hàng hạ giá, chỉ còn một hôm nữa là hết hạn. Cô ríu rít khoe rằng có người mách cho biết, hàng hạ xuống trên bảy mươi lăm phần trăm, không mua uống lắm. Bà vui vẻ ngồi bên đứa con dâu, cô vừa lái xe vun vút trên xa lộ, vừa nói chuyện vui vẻ. Khi vào tiệm, cô ép bà thử áo nầy, thử váy kia, tíu tít. Rồi cô con dâu dành trả tiền mua áo quần cho mẹ chồng. Để bà khỏi thắc mắc, cô nói:

                  “Tiền nầy do anh Tâm làm ra, mẹ có quyên xài. Anh Tâm sẽ rất vui, khi biết mẹ dùng tiền nầy.” Sau đó, hai mẹ con rủ nhau đi ăn, ngồi nói chuyện trong quán, và mua thức ăn về cho cả nhà.

                  Mỗi năm đến ngày sinh nhật của bà, ông Năm đưa cả gia đình ra tiệm ăn gần nhà. Như để trả nợ quỷ thần, để bà khỏi cằn nhằn, than vãn, kêu rêu. Vì ông nghĩ rằng, sinh ra là khổ, sao lại phải mừng. Thắp cho bà mấy cây nến to, mỗi cây tương trưng cho năm mười tuổi, không dám thắp nhiều như đám cháy rừng, sợ bà buồn. Năm nay cô con dâu xin được tổ chức sinh nhật cho mẹ chồng.

                  Chính tay cô làm cái bánh lớn. Trang hoàng nhà cửa, và viết thiệp mời bà con. Thức ăn do cô đặt tại các tiệm mang về. Bà con đông đảo tham dự, cười nói, vui tươi.

                  Khoảng thời gian giữa tiệc, có tiếng gõ cửa, một cô vũ công múa bụng xuất hiện. Ðầu cô cài lông công, mang sắc phục sặc sỡ theo lối Trung đông, toàn người lóng lánh như có dát kim cương. Tiếng nhạc trối lên eo éo, thanh sắc, cao. Cô vũ công uốn người, lắc mông, bụng chuyển động xoay tròn không ngừng. Ông Năm chăm chú, ngồi há hốc miệng ra mà xem, đến nỗi một giải nước bọt bò ra từ miệng ông lúc nào mà ông không hay.

                  Bà Năm thấy vậy, tức mình phát vào lưng ông một cái thật mạnh, ông giật mình hốt hoảng quay qua nhìn bà, và cười cầu tài. Tối đó, bà Năm giận chồng, và giận luôn cá cô con dâu, bày trò bậy bạ.

                  Có lần bà Năm giận ông chồng, ngồi khóc. Cô con dâu đến ôm bà, vuốt ve và hôn lên trán bà mà an ủi. Cô kéo bà đứng dậy, rủ bà lên San Francisco chơi. Hai mẹ con đi bộ long rong qua chợ phố tàu. Khi đã mỏi chân, cô con dâu cùng bà vào quán cà phê, ngồi ở dãy bàn dọn trên lề đưòng cùng uống trà, ăn kem. Ngồi nhìn thiên hạ qua lại. Cô con dâu nói:

                  “Ngồi đây, đôi khi cũng thấy tâm hồn thư giãn. Nhìn cái tất bật của thiên hạ, thây cái nhàn nhã của mình, rồi biết quý cái hạnh phúc đon sơ mà mình đang có.”

                  Bà Năm cũng thấy vui vui, và quên bớt đi cái giận hờn ông chồng. Cô dâu nói với bà:

                  “Trời có khi nắng khi mưa, vợ chồng có khi vui, khi buồn. Rồi mọi sự đều qua. Khi nào buồn, con đem mẹ đi chơi, giải trí. Hôm nào hai mẹ con mình rủ nhau đi xem chóp bóng, khuya mới về, để cho các ông ớ nhà chờ, và đói một bữa chơi. Như vậy, các ông mới biết quý cái không khí ấm áp của bữa cơm bình thường mỗi ngày trong gia đình.”

                  Mỗi buổi sáng, ông Năm đều nhắc rằng, nhờ có cái máy cà phê áp suất do cô con dâu mua tặng, nên ông có cà phê ngon mà uống. Ðến sở khỏi phái tốn tiền mua cà phê bên góc đường.

                  Nhiều hôm cô con dâu mua thức ăn ngon bên ngoài đem về. Ríu rít nói là cô ăn ngon quá, mua về cho cá nhà ăn cho vui. Không cần ăn ngon hay dở, nghe thế là bà Năm đã cảm động. Xưa nay, con bà, chồng bà, chưa hề thấy ngon mà mua về cho bà.

                  Sau một thời gian ở chung với cô con dâu, đi đâu, bà Năm cũng khoe là bà có thêm một đứa con gái, có thêm một người bạnthân để tâm sự khi vui buồn. Bà nói thêm, từ ngày anh con trai có vợ, gia đình thấy vui vẻ, hạnh phúc và thưong yêu nhau hơn. Bà khen anh con trai khôn ngoan và khéo chọn bạn trăm năm. Bà không còn chê cô dâu là trán ngắn, mắt hí, miệng móm nữa.

                  Một hôm đã khuya, bà Năm thức giấc xuống lầu uống nước, thẩy có bóng người thấp thoáng ở sân sau nhà, bà ghé mắt nhìn. Trăng vầng vặc trái ánh vàng xuống khắp vườn. Bà thẩy Tâm quàng tay qua vai vợ ngồi tựa ngửa, chân gác lên ghê. Bà nghe tiếng thì thầm:

                  “Đôi khi thấy mẹ anh thương, và bênh em, làm anh phát ghen lên. Em làm gì mà mê hoặc được mẹ anh đến thế?”

                  Tiếng cô con dâu trong trẻo đáp lại:

                  “Thương yêu và thông cảm. Ðem hết tấm lòng mình ra mà đãi người, rồi sẽ được đáp lại bằng tấm lòng. Nhờ em biết thưong yêu ba mẹ anh như ba mẹ ruột, thì ông bà mới thưong yêu em như con ruột. Em có thêm một ông bố, một bà mẹ, một cô em, có thêm nhiều tình thương. Từ đó, vợ chồng mình hòa thuận hon, thưong yêu nhau hon, và lâu bên hơn, hạnh phúc hơn.”

                  Bà Năm len lén trở lại phòng, chép miệng và nghĩ rằng, bà đã già một đời mà còn ngu dại, cứ ganh ghét với gia đình chồng, ganh ghét với con dâu. Bọn trẻ con ngày nay, có nhiều đứa khôn nứt hạt

                  Comment


                  • #84
                    Chúng tôi đã "giết chết" một người bạn

                    Bùi Hồng (77KNC) sưu tầm

                    Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.

                    Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi. Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công.

                    Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng của tôi. Chúng tôi đã báo cáo sự việc với nhà trường. Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.

                    Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.

                    Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.

                    Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa. Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.

                    Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó. Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính". Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

                    Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

                    Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: "Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này". Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: "Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó hứa trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi". Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: "Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh". Nói xong, H như đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi. Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.

                    Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi.

                    Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

                    Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói:

                    "Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp".

                    Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói:

                    "Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào".

                    S mỉm cười và nói:

                    "Ông đã trả hết nợ rồi".

                    Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói:

                    "Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình".

                    Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.

                    Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

                    Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời. Kính chúc các anh, các chị mạnh khỏe, an khang và thịnh vượng.

                    Thân ái,

                    Đ. V. P

                    Comment


                    • #85
                      Nhìn thói quen, ra tuổi thọ

                      + 5 năm nếu thường xuyên ăn trái cây và rau xanh

                      Ăn ít thịt và ăn nhiều trái cây, rau xanh, bạn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 5 năm. Đồng thời, nếu hạn chế bơ, kem, bột mỳ và thức ăn chiên rán, bạn có thể “kiếm” thêm 3 năm nữa.

                      Ý kiến chuyên gia:Cần tránh những thức ăn béo và tận dụng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải (cá, dầu oliu, rau xanh, một ít thịt đỏ, trái cây, một ít rượu và các sản phẩm từ sữa). Chế độ này là tiêu chuẩn hoàn hảo nhất giúp nâng cao thể chất, đem đến sự lạc quan cho tinh thần và kéo dài tuổi thọ vì nó vừa cân bằng tỉ lệ lipit – gluxit – protein lại giàu các chất chống ôxy hoá.

                      - 10 năm nếu thừa cân

                      Khi cân nặng vượt quá so với trọng lượng tiêu chuẩn của bản thân (chỉ số IMC), bạn có nguy cơ bị mất 10 năm tuổi thọ (nếu thừa 10 kg).

                      Ý kiến chuyên gia: Cần giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

                      + 7 năm nếu tập thể dục

                      Nếu bạn tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, bạn có thể tăng thêm 7 năm tuổi thọ cho bản thân mình

                      Ý kiến chuyên gia: Chơi thể thao hay vận động thể chất chính là cách thức hiệu quả nhất để sống lâu, sống khỏe hơn vì nó thúc đẩy các chức năng thở, cơ bắp, tim mạch và nhất là não bộ. Nên tập từ 15 phút cho tới nửa tiếng mỗi lần và tập 3 – 4 lần/ tuần. Hình thức vận động phù hợp nhất cho tất cả mọi người là đi bộ nhanh.

                      + 3 năm nếu thường xuyên uống một chút rượu

                      Nếu bạn uống từ 1-3 ly rượu/ngày (tối đa 2 với nữ, 3 với nam), bạn sẽ có thêm 3 năm tuổi thọ. Nhưng nếu bạn uống quá 4 ly rượu hay 3 chai bia mỗi ngày, bạn có nguy cơ giảm đi 6 năm tuổi thọ.

                      Ý kiến chuyên gia: Không nên “bài trừ” rượu nhưng phải uống với liều lượng điều độ. Vì thế, uống 1 - 2 ly rượu mỗi ngày không hề gây hại cho sức khỏe nhưng nếu vượt quá số lượng chuẩn đó, rượu lại có thể trở thành tác nhân gây ra một số bệnh lý như ung thư, tim mạch, thần kinh cũng những các rối loạn tâm thần học. Hơn nữa, uống 1-2 ly rượu/ngày tốt cho tim và thậm chí có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

                      + 3 năm nếu thích uống trà hơn cà phê

                      Nếu uống trên 3 tách cà phê/ngày, bạn có nguy cơ đánh mất 3 năm tuổi thọ. Nhưng nếu hàng ngày uống trà thay cho cà phê, bạn có thể tăng thêm 3 năm tuổi thọ.

                      Ý kiến chuyên gia: Tốt nhất nên uống trà xanh vì thức uống này giàu các chất chống ôxy hoá hơn cả. Cà phê có thể trở thành một chất kích thích gây ra các bệnh tim mạch nhưng nếu uống một lượng hợp lý, nó không nguy hiểm cho sức khỏe.

                      - 20 năm (tối thiểu) nếu hút thuốc

                      Không hút thuốc lá và tránh xa những khu vực có khói thuốc, bạn có thể tránh khỏi nguy cơ giảm mất 20 năm tuổi thọ.

                      Ý kiến chuyên gia: Theo thống kê y tế, một nửa những người hút thuốc lá chết trước 65 tuổi. Rõ ràng, thuốc lá là một trong những “kẻ thù” nguy hiểm nhất với tuổi thọ. Nếu bạn muốn sống lâu hơn, hãy dừng hút thuốc!

                      + 4 năm nếu thường xuyên dùng aspirin

                      Nếu mỗi ngày bạn đều uống một liều aspirin, trung bình, bạn có thể 4 năm tuổi thọ.

                      Ý kiến chuyên gia: Theo nghiên cứu khoa học của giáo sư Rothwell, đại học Oxford, uống một lượng nhỏ aspirin (khoảng 75 milligrams) mỗi ngày và trong một thời gian dài có thể giảm trên 50% nguy cơ tử vong gây ra bởi ung thư ruột già và thực quản. Các tác dụng chống đông tụ của aspirin cũng giúp phòng chống các bệnh tim mạch.

                      + 2 năm nếu vệ sinh răng miệng sạch sẽ

                      Nếu bạn đánh răng 2 đến 3 lần/ngày, bạn có thể “kiếm” thêm 2 năm tuổi thọ

                      Ý kiến chuyên gia: Vệ sinh răng miệng kém có thể là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề về tiêu hoá. Đôi khi, nó cũng trở thành “cửa ngõ” của một số bệnh nhiễm khuẩn. Thêm nữa, các bệnh mạn tính về lợi kích thích sự “di cư” của vi khuẩn vào máu và từ đó, tấn công tới tim. Vì vậy, hãy bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng thường xuyên và mỗi năm đi khám nha khoa ít nhất một lần.

                      - 4 năm nếu phơi nắng quá nhiều

                      Nếu bạn thường xuyên phơi nắng với ít sự bảo vệ, bạn dễ bị say nắng, cảm nắng và có nguy cơ đánh mất 4 năm tuổi thọ.

                      Ý kiến chuyên gia: Không nên “sợ” ánh nắng mặt trời nhưng cần biết phơi nắng đúng. Tia cực tím sản sinh từ ánh nắng làm hỏng da và có thể gây ra một số bệnh ung thư da. Vì thế, không nên phơi nắng, hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian nắng nhất (từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều) và nhớ bảo vệ cơ thể với áo, mũ, kính và kem chống nắng.

                      + 7 năm nếu biết cách kiểm soát stress

                      Nếu bạn biết cách kiểm soát stress với sự trợ giúp của các bài tập thể dục, thư giãn và tĩnh tâm, bạn có thể tăng tuổi thọ thêm 7 năm.

                      Ý kiến chuyên gia: Học cách kiểm soát stress giúp bạn sống lâu hơn. Những người sống thọ trên 100 tuổi, nói chung, đều có khả năng kiểm soát stress tốt hơn những người khác. Có nhiều cách để vượt qua cơn stress như sử dụng liệu pháp tâm lý, tập yoga, mát xa, tắm nước ấm…

                      + 5 năm nếu bạn sống gần gia đình

                      Nếu bạn sống gần một trong các thành viên của gia đình (không tính chồng và con cái), bạn có thể sống thêm 5 năm tuổi thọ.

                      Lời khuyên từ chuyên gia: Sống gần gia đình cũng quan trọng như việc thường xuyên giữ liên lạc với người thân vì nỗi cô đơn là yếu tố nguy hiểm gây ra lão hóa sớm. Hãy gắn bó với người thân, yêu thích cuộc sống và đem đến cho chính mình một sự tồn tại có ý nghĩa để sống tốt hơn. Các mối tương tác xã hội sẽ tạo ra sự gắn kết. Bạn sẽ cảm thấy có ích hơn, tin tưởng vào người khác khi gặp bất cứ vấn đề nào, nhất là các vấn đề về sức khỏe.

                      Khiết Linh


                      Comment


                      • #86
                        Midlife Crisis - (Khủng Hoảng Tuổi Trung Niên)



                        Nguyễn Phước Minh Nguyệt

                        Quen nhau từ lúc học high school, Jeff và Nancy tốt nghiệp đại học và ra trường thì họ làm lễ kết hôn. Đến tháng 2 năm này là đúng 36 năm. Họ có một người con gái, cô cũng đã có gia đình riêng với hai cháu nhỏ. Cả hai đều có công việc ổn định, có nhà, có xe, và dĩ nhiên có cả tình yêu dành cho nhau mà mỗi khi nhìn họ không ít người phải ghen tỵ. Tối tối họ "take a bath together" (tắm cùng nhau), coi TV cùng với nhau, vai kề vai họ kể cho nhau chuyện ở sở làm, đủ thứ trên đời, đại loại như "cô A hình như mới có bồ" hay "Thằng cha B nói chuyện mà nước miếng cứ bay vào mặt người đối diện như mưa rào." 36 năm như vậy rồi đó; 36 năm cho đến tháng 2 vừa qua.

                        Một ngày tháng Hai vừa rồi, tự nhiên sau giờ làm việc ông không thích về nhà, ông muốn ghé quán bar, uống ly bia, hút điếu thuốc. Ông không nhớ lần cuối cùng ông tới bar là khi nào nữa; vừa nhâm nhi ly bia, nhai mấy hạt đậu phụng, ông thấy thật thoải mái, mấy cô gái trẻ, ăn mặc mát mẻ cứ lượn lui lượn tới, lâu lâu lại còn dừng lại vuốt vai ông, "Are you ok?" Ông "OK" quá đi chứ, không thấy mặt ông tươi rói đó à, rõ ngớ ngẩn. Chuông điện thoại reng, đó là vợ ông. Bà thắc mắc sao giờ vẫn chưa thấy ông về: "Anh về ngay đây thôi, dừng ở quán uống chai bia cho đỡ khát đó mà."

                        Hôm sau, ngày làm việc kết thúc, ông lại thấy bứt rứt trong người: "What's wrong with me?" (Không biết mình có bị làm sao không?), ông tự hỏi. Chắc là khí hậu thay đổi, từ nóng qua lạnh, rồi từ tạnh qua mưa nó làm "người già" mau mệt mỏi (ông có đọc ở đâu đó người ta nói như vậy.) Nhưng mà ông đã "già" đến độ đó đâu? ông mới có 57 tuổi thôi. Hay đi coi movies? Ông nghĩ. Ừ, lâu rồi ông không coi phim ngoài rạp, đi luôn chứ về nhà thì đổ nhác, chưa kể bà vợ cứ bàn ra bàn vào; đàn bà rắc rối! Ông coi "Identity Theft," vui thiệt. Cô nhân vật chính hề ơi là hề, ông cười theo cô. Ông thấy vui vẻ trở lại. Hết phim, ông mở cell phone ra thì thấy bà vợ gọi và để lại lời nhắn:

                        - "Anh đi đâu mà giờ này chưa về ăn tối?"

                        - "Hê hê hê, anh về ngay đây, mới coi phim xong, trong rạp người ta không cho mở cell phone, em biết rồi." Ông gọi lại cho bà, phân trần.

                        Cảm giác "bồn chồn, bứt rứt" đó theo ông đến tận ngày hôm sau nữa. Ông tự nhủ, "Quái lạ, ngày sao trôi qua mau, chưa làm được cái gì. Ước chi mình được trẻ lại, hưởng thụ cuộc sống tươi vui này. Ông lái xe không chủ đích, nhưng lại đi về downtown (dưới phố.) Mấy chỗ này khó tìm chỗ đậu xe lắm; may ghê, ông có mấy đồng tiền lẻ ở trong xe, ông tìm chỗ có máy tính tiền, bỏ vào đó 2 giờ cho chắc, khỏi lo bị phạt. Ông đi dạo quanh phố phường, người đông đúc, chen lấn. Ông đói bụng, phải kiếm cái chi ăn. Chuông điện thoại reng:

                        - "Anh có sao không?" Giọng bà lo lắng.

                        - "Không sao trăng gì cả em à, anh đói bụng nên dừng lại ăn ở cái quán bên đường," ông nói.

                        Có cái gì đó ở trong ông đã thay đổi. Ông không biết. Ông chỉ biết là ông không muốn về nhà sau giờ làm việc. Chấm hết. Ông cảm thấy như mình trẻ lại, đầy sức sống, muốn làm cái chi đó (không biết là cái chi!). Ông thấy ngày như ngắn lại, mà bao nhiêu điều ông chưa khám phá.

                        Bà vợ sợ ông bệnh, bắt ông đi bác sĩ. Ừ, thì đi. Sau khi làm một mớ xét nghiệm, nào máu, nào huyết áp, nào đo nhịp tim, phổi…vv và vv… lại còn cả cái test phải nhịn ăn nhịn uống để ngăn ngừa colon cancer nữa chứ. Một tuần sau, ông tái khám. Bác sĩ nhìn ông cười, (vậy là khoẻ rồi, hú vía!) và phán: "Mọi thứ đều tốt, tôi nghĩ là ông đang ở trong giai đoạn "MIDLIFE CRISIS" (Khủng hoảng ở giai đoạn trung niên). Ông mừng là không bệnh hoạn chi, còn cái vụ Midlife Crisis thì ông chưa biết phải "đối phó" ra sao đây?

                        Mấy tháng trôi qua, bây giờ đã là tháng Giêng. Tình hình không có chi thay đổi, nếu không nói là tệ hơn hồi đầu nhiều. Ông tránh những dịp gia đình tụ họp, ông dọn ra phòng "guest-room" (phòng dành cho khách ở lại) ông không thích chung phòng với bà. Đã bảo là ông không thích về nhà cơ mà. Rồi, một ngày kia ông viết cho bà cái note (mấy dòng chữ ngắn): "Em à, có lẽ tụi mình nên chia tay. Em hãy đi tìm bạn mới, bạn trai, bạn gái. Anh không muốn là người có gia đình nữa. Anh muốn sống đời sống độc thân, không gò bó, không lo lắng. Đơn ly dị anh đã điền rồi đây, em ký vào nhé. Chúc em may mắn."

                        Ông để cái note ngay ở bàn, lấy cái chận giấy đè lên trên, để chắc chắn là bà sẽ đọc được.

                        Bà đi làm về, đọc cái "note" của ông mà… nghẹn ngào. Bà không biết "ma xui quỷ khiến" gì làm ông thay đổi. Bà đã cố gắng giữ gìn cuộc hôn nhân này gần 9 tháng qua. Chưa bao giờ bà nghĩ đến một người đàn ông khác, mà bà cũng chẳng bao giờ nghĩ là bà "cần" một người đàn ông khác ngoài người chồng đã cùng bà đi qua 36 năm. Nhưng có lẽ đến lúc bà phải thay đổi. Hết cách rồi.

                        Buồn buồn bà vào "Match.com" (một trang web, chuyên về giới thiệu, hẹn hò, bồ bịch) bà gõ vào thông tin của cá nhân, phần cuối có câu hỏi "Bạn mong chờ điều gì ở người bạn mới?" Chần chừ, bà gõ vào "Một người để nói chuyện, ăn tối." Chưa đầy 3 tiếng đồng hồ sau, hộp thư của bà tràn ngập thư của những người đàn ông xa lạ, cứ như là bị thả bom ấy. Đếm không xuể. Bà vừa vui vừa buồn. Vui là vì, có nhiều người vẫn còn thích bà, dù bà đã ở tuổi 55, (và bà đã thật tình đưa bức hình của mình mới chụp hồi lễ Mother's Day, không có photoshop chi hết.) Buồn là vì, biết ai là người đàn ông tốt để chọn đây?

                        Lựa chọn tới lui, rốt cuộc bà muốn "thử thời vận" với 2 người. Một cái "lunch date," người đó hẹn bà ăn trưa để gặp mặt. Chán! Bà có một cái hẹn khác, "Dinner date" ở nhà hàng trên đồi. Với Laury.

                        Laury lịch sự, nhẹ nhàng, chu đáo. Kéo ghế cho bà ngồi, rót rượu cho bà uống, có cả hoa lúc bà mới tới nữa đó, và cái chính là ông rất thích bà. Xong. Ông bảo bà chụp hình cái bằng lái xe của ông, rồi gởi cho tất cả anh chị em bạn bè, cộng thêm thông tin về chiếc xe của ông nữa chứ (biển số xe, màu xe, đời xe)! "Để chi?" bà hỏi. "Để trong trường hợp em biến mất đi đâu, người ta biết ai mà quy trách nhiệm," ông nói. "Đi đâu?" bà hỏi tiếp, "Mình đi Cancun một tuần," ông nói.

                        Cứ như là giấc mơ. Bà được đi chơi, mua sắm, ăn uống, đánh golf, cưỡi ngựa, chèo thuyền. Laury còn muốn bà nghỉ việc 3 tháng (ông sẽ trang trải mọi chi phí) để họ có thời gian gần nhau, và cũng để bà quên Jeff. À, bà quên nói là mấy ngày nay, chuông điện thoại của bà reng hoài, nhưng bà không trả lời.

                        Về nhà sau kỳ nghỉ, đón bà ở cửa là Jeff, nhà cửa sạch tưng, thơm phức, và có cả thức ăn trên bàn, nến thắp sáng, và chai rượu.

                        "Nancy à, mấy ngày em đi vắng, anh mới nhận thức được là anh vẫn còn yêu em. Anh muốn trở về với em. Chúng mình làm hoà em nhé!" Ông khẩn khoản. (Midlife Crisis chấm dứt ngay giây phút ông biết Nancy trong vòng tay của người đàn ông khác!)

                        Nhưng...

                        Giá mà...

                        Ước gì…

                        Ông nói với bà những điều đó tuần trước, chỉ một tuần thôi.

                        Bây giờ thì…

                        Bà không thể trả lời ông ngay được.

                        Tình yêu dành cho ông chưa chết hẳn trong bà (36 năm chứ có phải 36 ngày đâu mà dễ quên vậy), nhưng bà cũng quý mến Laury, và những gì ông hứa hẹn sẽ mang lại cho bà một khi hai người đến với nhau (3 tháng được nghỉ làm, nhưng vẫn có lương, và đi du lịch bất kỳ nơi nào bà muốn, dọn đến ở trang trại rộng lớn.) Khó nghĩ quá!

                        Điều bà lo sợ nhất là nếu bà trở lại với Jeff thì "Midlife Crisis" của ông có trở lại không? Vì lúc "nó" trở lại, chưa chắc bà có thể tìm được một "Laury" thứ hai.

                        Khó nghĩ quá….

                        Bà phải viết thư cho Doctor Phil (một chuyên gia về tâm lý, có show ở truyền hình) để hỏi ý kiến.

                        Bạn có muốn biết Dr. Phil khuyên bà gì không?


                        Comment


                        • #87
                          Hi hi Anh C thì 6 bó rùi chắc chắn là midlife crisis đã qua, đã chấm dứt.

                          Còn mấy huynh đệ nào còn ngấp nghé ở tuổi năm mươi mấy như Anh B. Anh U... Thì be aware

                          Nếu lỡ thấy muốn ở một mình thì chịu khó băng keo kín miệng mà giữ kín cho giai đoạn này trôi qua

                          Để tự xét lòng, xét mình... Hổng nên vội vàng để note như ông Jeff là lở cỡ đó nha

                          Đốc tờ XL ký tên hihi

                          Comment


                          • #88
                            CÓ TỘI HAY KHÔNG TỘI?

                            Le Hoa Wilson

                            Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ, từng là học trò năm đệ nhứt tại Gia Long. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên là tự sự về “chuyện đời lộn xộn” của một phụ nữ Việt thời chiến tranh, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Họ gặp nhau tại Đà Nẵng khi ông làm việc tại bệnh viện Hải Quân Hoa Kỳ, núi Non Nước Đà Nẵng. Họ cưới nhau năm 1972, hiện có 5 con. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach.

                            Một bài viết rất bình-dị, nhưng trong một tâm hồn thật cao cả, đã ứng dụng được những tinh hoa của các "đạo-giáo" vào cuộc sống bình thường, không bị mê-hoặc bởi những lý thuyết, giáo điều. "Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, Nó đến từ chính hành động của bạn...


                            Tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu để câu chuyện đời lộn xộn của mình có được một chút ngăn nắp để bạn hiểu tôi hơn. Thôi thì bắt đầu vào một ngày nắng đẹp, tôi bước ra khỏi toà án Saigon với cái giấy ly dị trên tay. Tôi có một trai và một gái và quan toà đã rộng lượng xử cho tôi được trọn quyền giữ cả hai với điều kiện là không nhận được chu cấp từ người chồng. Tôi hoan hô quan toà cả hai tay. Đó là năm 1969.

                            Bà chị tôi có hãng thầu cung cấp dịch vụ hớt tóc, giặt quần áo, bán hàng kỷ niệm cho quân nhân Mỹ tại Việt Nam và hàng ngàn xe đá để hãng RMK làm phi trường. Đó là một công cuộc làm ăn lớn lao có tới vài trăm nhân viên nên chị nhận cho tôi theo làm để nuôi con. Do đó tôi gặp Ron, người chồng hiện tại.

                            Bạn ơi, không biết tôi đã tốn bao nhiêu nước mắt cho cuộc hôn nhân nầy. Không biết tôi đã nhận được bao nhiêu lời sỉ nhục khi đi sánh đôi với người chồng Mỹ tại Việt Nam. Nếu phải đếm hết những danh từ thô bỉ, những ánh mắt chê bai, những đối xử khinh bạc của bạn bè, của những người quen biết cho đến những kẻ qua đường vì tôi "lấy Mỹ" thì chắc tôi phải biến thành con rết khổng lồ với cả ngàn chân tay mới đếm hết nổi. Thôi thì chẳng qua là cái nghiệp. Chắc mình đã dè bỉu, chê bai bao nhiêu là người ở những kiếp trước nên kiếp nầy nhận lại "gậy ông đập lưng ông" thôi mà.

                            Mỗi lần bị "tai nạn" như vậy, tôi giã vờ phớt tỉnh. Những dòng nước mắt tủi hổ cứ chực tràn ra. Ông xã cứ hỏi là "họ nói gì vậy?", tôi thì cứ ai biết đâu, họ dùng danh từ em không hiểu!". Nhưng ông xã thì biết vì anh có rất nhiều nhân viên Việt Nam làm việc cho anh và chắc họ đã giải nghĩa cho anh hiểu địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội khi họ vô phước kết hôn với ngươì Mỹ.

                            Sau khi anh hiểu được, tôi không bao giờ quên được ánh mắt của anh nhìn tôi trong những lần "tai nạn" đó. Đôi mắt anh chứa đầy những biết ơn, những chia xẻ, những đau thương, những căm giận, những cảm thông.. Anh cầm tay tôi nói: "Thật là không công bình cho em. Anh rất biết ơn em. Sự chịu đựng những nỗi nhục nhằn của em làm tan nát tim anh. Anh cảm thấy không xứng đáng với sự hy sinh của em." Tôi chỉ nói nhỏ: "Cả hai, em và họ đều là nạn nhân, mỗi người mỗi cách. Có phải chúng ta đã hứa là sẽ cùng chung chịu những niềm vui và nỗi khổ trên đời không? Vậy đó không phải là sự hy sinh. Đó chỉ là sự chia xẻ.

                            Và tôi đã sát cánh cùng anh nổi, chìm trong cõi ta bà, trong nụ cười khi gia đình xum hợp, trong nuớc mắt khi một đứa con sớm vội ra đi, trong thành công, trong thất bại suốt bốn chục năm qua.

                            Rồi Trời Đất nổi cơn gió bụi. Năm 1975 tôi dắt díu các con về Mỹ sống tại California. Bà mẹ chồng ở tận Boston qua CA thăm cháu nội và dâu lần đầu tiên. Mẹ ruột kẹt lại quê nhà, mẹ chồng ở kề cận, thôi thì hãy vui với hiện tại và những gì mình có. Gạo trồng ở Việt Nam hay trồng ở Mỹ thì cũng nấu thành cơm. Mẹ ruột hay mẹ chồng thì người đàn bà đó cũng đã thương yêu và duỡng nuôi người mình yệu dấu. Bà hỏi chớ các cháu đã được rữa tội chưa? Tôi nói ngắn gọn "Dạ chưa. Con đạo Phật." Bà mỉm cười không nói gì và không bao giờ nhắc lại.

                            Hình như người Mỹ có tâm hồn rộng rãi hơn. Bà thường hay lục lọi và gởi về cho cháu nội những quyển thánh kinh rất củ của gia đình. Tôi nhận và trân trọng giao lại cho các con. Mẹ chồng gần với con dâu hơn người con ruột.

                            Thời gian qua, một hôm thằng con cả báo cho mẹ biết là nó muốn cưới vợ. Mình đã già rồi mà không hay bạn ơi. Khi nghe con trình bày mọi điều, bà chị la làng chói lói. Trời ơi, nó là con trai lớn nhứt mà theo đạo Chúa thì lấy ai mà thờ phượng em? Bạn ơi, bạn nghỉ sao? To be or not to be? Nói Yes, con cứ tiếp tục lo hôn lễ hay nói No, No Way. Hừm, thờ phượng là nó sẽ nhớ tới ngày mình theo Phật, mua một mâm đủ cả heo quay, gà vịt, có cả bia rượu, bưng lên bàn thờ để một tiếng đồng hồ rồi dọn xuống mời bạn nhậu? Hay là nó cúng mâm chay nhưng lại không ăn? Hay là nó tới chùa nhờ thầy đọc một thời kinh? Thầy lo đọc, nó lo nhớ tới cái đầu gối hơi đau vì quì lâu! Hay nó dọn một cái bàn thờ trong nhà, chưng cái hình mình lên. Có ai đó hỏi con nó chớ hình của ai vậy thì thằng cháu nội nhìn hình và nói "I don't know"! Chỉ còn cách hỏi nó.

                            - Cô đó hiền không?

                            - Dạ hiền.

                            - Cô đó giỏi không?

                            - Dạ giỏi.

                            - Cô đó thích săn sóc con cái, nhà cửa không?

                            - Dạ thích.

                            - Cô đó thương con không?

                            - Dạ thương.

                            Vậy thì Yes, con ơi, Yes. Mẹ chỉ cần thấy con được hạnh phúc, an vui. Mẹ tin vào sự khôn ngoan và lựa chọn của con. (Cho con học bao lâu chắc con không ngu đâu, phải không?).Vợ chồng con thương yêu nhau và tử tế với Mẹ khi Mẹ còn sống là con đã "thờ phượng" Mẹ rồi. Trong con đã có dòng máu của Mẹ. Con làm một người chồng tốt, một người cha tốt, một con người tốt là con thờ phượng Mẹ đó, phải không? Bạn ơi, bạn có thấy tôi quá "văn minh" không? Quá... quá... tiếng gì hả mà người Mỷ thường hay chỉ mấy ông nghị viên trong đảng dân chủ đó? À à, quá "liberal" không?

                            Vậy là tôi có hai thằng con theo đạo Chúa của vợ và năm đứa cháu nội biết Phật là Budha chớ chẳng biết Nam Mô. Quên cho bạn hay là tôi đã không rửa tội hoặc bắt các con theo đạo nào hết. Tôi để cho chúng tự do chọn lựa khi chúng đến tuổi trưởng thành (hoặc "được" vợ dẫn dắt). Tuy nhiên tôi cũng thường đem các con đi chùa khi chúng còn nhỏ và mỗi khi tết tôi đều dạy chúng lạy bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Phải lạy bàn thờ. Đó là điều kiện duy nhứt tôi đòi hỏi gia đình các xuôi gia trong ngày cưới, dù họ là đạo nào. Tôi kính trọng tất cả các đấng dẫn dắt linh hồn.

                            Mỗi khi gia đình tụ họp tại nhà thằng con cả, nhằm ngày ăn chay, tôi luôn có ít nhứt một món chay rất ngon do con dâu Công giáo nấu. Tôi biết ơn chúa Jesus quá đỗi vì con dân của Ngài quả là một người đầu bếp giỏi và là một đứa con dâu rất hiếu thảo.

                            Thế là tôi trở thành minority, có nghĩa là thiểu số trong gia đình tôi. Ông xã, hai thằng con, hai cô dâu, năm đứa cháu nội, tất cả là mười người con Chúa. Một đứa con gái và chồng cùng ba đứa con tin tưởng cả Phật lẫn Chúa. Ngày lễ Giáng Sinh và cuối tuần thằng cháu ngoại mười hai tuổi đi đờn violin trong nhà thờ. Khi về nhà ngoại thì vô lạy Phật và... ngồi thiền! Thằng con út thì , bạn có thể gọi nó là người vô tôn giáo, khuyên các cháu của nó không nên mỗi chút mỗi đổ thừa cho Chúa và khi xin tội thì phải nhớ chừa cái tội đó đừng lập lại và nhận xét rằng thuyết nhân quả của nhà Phật rất hay nhưng đôi khi Phật tử lạm dụng thuyết nhân quả để chê đè nguời khác và vì thế làm cho người ta đau khổ. Bạn thấy nó đúng không? Nó mới hai mươi bảy tuổi và đôi khi nó nói chuyện đạo Phật làm tôi cũng ngẩn ngơ. Nó nghiên cứu đạo Phật bằng tiếng Mỹ. Tôi học Phật bằng tiếng Việt. Không biết có khác nhau nhiều không?

                            Nói cho bạn mừng dùm là dù thiểu số nhưng đạo Phật trong nhà tôi vẫn thịnh vượng. Tôi chưng bày tượng Phật tùm lum, trong vườn hoa đằng trước, trong sân đằng trước, trong vườn hoa đằng sau, trong sân đằng sau, ngay giữa vườn, trong luống hoa, giữa bụi lan... Bàn thờ Phật ở phòng khách, bàn thờ Phật trong phòng thờ, tượng Phật trên đàn dương cầm, tượng Phật trên đầu ti vi. Đây cũng là một tội ăn hiếp người (chồng) quá đáng, chắc kiếp sau lại phải trả thôi.

                            Rồi cách đây hai tháng, khi anh và tôi cùng ở tuổi bẩy mươi, phải bạn ơi cái tuổi 'thất thập cổ lai hi' đó, thì có một người quen từ Việt Nam qua chơi. Người nầy đã đi tu Chúa khi còn con gái mười bẩy tuổi và hiện nay năm mươi bẩy tuổi và đã được lên chức Mẹ Bề Trên. Trong khi trò chuyện, Sơ (xin tạm gọi như thế cho gọn) khám phá ra là chồng thì đạo Chúa chánh gốc (quên nói cho bạn biết là mẹ chồng mình gốc gác người Ý), đã được rửa tội, đã hưởng hết các phép ban ơn v.v.. mà lại đi cưới một người vợ ngoại đạo, lại còn không bắt vợ theo đạo của mình. Thế thì khi chết sẽ không được vào nước Thiên Đàng, sẽ không được Chúa tha thứ, sẽ xuống địa ngục v.v.. Và Sơ chỉ cho tôi nên đi kiếm Cha để xin Cha làm phép, xin Chúa tha tội cho ông xã để ông xã được trở về với Chúa.

                            Tôi hoảng hồn nghĩ mình thật là tội lỗi, bấy lâu nay chỉ lo cho linh hồn của mình , còn người bạn đời thì mình lại thờ ơ, may mà có Sơ nhắc nhở. Tôi bèn dịch lại những lời Sơ nói. Ông xã vẫn làm thinh (lại cho bạn biết anh là người ít nói nhứt thế gian, bạn có biết tại sao không? Vì chị vợ đã nói hết thời gian rồi, anh chồng làm gì còn chỗ và thời gian để nói nữa, đã cưới nhau bốn mươi năm rồi, phải quen tánh quen nết chớ, phải không bạn?). À hình như anh có lầm thầm cái gì là anh chưa từng bao giờ bỏ Chúa thì tại sao phải trở lại? Tôi thì sợ hãi nên thúc giục anh mau đến tìm Cha.

                            Bạn có thấu hiểu được nỗi đau lòng của tôi không? Chắc là không. Vì để hiểu được bạn phải ở trong hoàn cảnh nầy và tôi thì không muốn cho bất cứ ai vướng vào cái vòng tục lụy nầy hết. Giống như cái ông gì đó (trí óc tôi lúc nầy chậm chạp quá, đã quên béng tên ổng) đang làm quan lớn với đầy đủ vợ đẹp, con khôn, quyền cao, chức trọng thì bỗng giựt mình tỉnh giấc Nam kha thấy mình vẫn đang ngồi dưới đất, vợ con không, lầu đài không, tiền bạc không, quan chức không.

                            Giống như bạn, tôi đã "cho anh cả cuộc đời", những tưởng mình đã cùng ai chung chịu nhục nhằn, hạnh phúc, đã cùng ai nở nụ cười, lau nước mắt, đã cùng ai ngẩng mặt, cúi đầu... Ngờ đâu bừng con mắt dậy thấy mình tay không! Mình đã đẩy người ta xuống địa ngục, mình là nguyên nhân để người ta xuống địa ngục. Bạn khuyên tôi phải làm sao? Người ta xuống địa ngục chưa thì tôi không biết, mà tôi thì đã ở trong đó rồi. Lòng tôi tan nát, bạn ơi. Tôi phải đọc tụng kinh gì hả bạn? Lương Hoàng Sám? Thủy Sám? Mà tụng thì ăn thua gì! Nếu tụng mà hết được tội đẩy người xuống địa ngục thì tôi nguyện đọc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút , từ đây cho đến hết cuộc đời.

                            Ngày hôm sau khi ngồi ăn cơm, dưới cái diã, tôi thấy một cái bao thơ, giống như cái card chúc tết hay chúc sinh nhựt vậy. Tôi ngạc nhiên vì không phải tết, cũng chẳng là sinh nhựt. Anh chẳng nói gì. Tôi mở card ra đọc những dòng chữ có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

                            "Nếu phải xuống địa ngục và vĩnh viễn bị cấm cữa thiên đàng thì anh sẵn sàng và hạnh phúc chấp nhận. Ngày em nhận lời làm vợ anh là ngày Chúa đã ban ơn phước cho anh và chấp nhận anh vào cõi Thiên Đàng và anh đã ở Thiên Đàng từ dạo đó, nay sao lại còn phải xin xỏ để trở vào? Anh không ăn năn. Anh không ân hận. Anh không van xin. Anh chắc rằng Sơ đã không nhìn thấy những giọt nước mắt của em đã đổ ra cho anh, vì anh, vì hạnh phúc của anh, vì tội lổi của anh. Nếu thấy thì anh lại tin chắc rằng Sơ sẽ bảo anh : ' Con hãy cám ơn Chúa đã cho con gặp người vợ ngoại đạo nầy'. Em hãy yên lòng, đừng thúc giục anh tìm Cha. Chúa rất nhân từ và thông cảm. Anh đang ở Thiên Đàng."

                            Đọc xong, tôi ngẩng lên nhìn anh. Tôi lại để cho nước mắt chảy ra thấm ướt tờ thư. Đã lâu rồi tôi không khóc. Lần nầy tôi không cố ngăn lại. Khóc được cứ khóc bạn ơi. Chỉ sợ rằng mình không khóc được và không được khóc!

                            Bạn có thấy dị không khi một bà già bẩy muơi tuổi còn khóc được vì một lá thư.. (có thể gọi là thư tình không bạn?). Không, đây không phải là thư Tình! Đây là thư Nghiã! Tình yêu sôi nổi với dục vọng, với ghen tương, với giận hờn đã qua lâu rồi. Đây là sự thương yêu, nâng đỡ, dắt dìu nhau của hai con người đang đi vào đoạn cuối của cuộc đời mà không lãng quên những hứa hẹn ở buổi ban đầu. Đây là Nghiã Vợ Chồng. Dù cho bạn có thành hôn với người Việt Nam, người Mỹ, người Trung Quốc, người Đại Hàn, người Pháp, người da đen, da trắng, da màu... thì nó vẫn tồn tại và rực rỡ trong tâm bạn.

                            Tôi hy vọng mãnh liệt rằng Chúa sẽ không bắt tội anh vì tôi tin rằng anh đã sống giống như ý Chúa: Thương Yêu, Trung Thành và Nhân Ái.

                            Đây là một phần câu chuyện đời lộn xộn của tôi và tôi xin chia xẻ cùng bạn với tất cả trái tim tôi. Có tội hay không có tội? Anh đã đi trật đường của Chúa dạy? Anh đang từ bỏ Thiên Đàng và trên đường xuống địa ngục ? Anh thật không biết. Tôi là tên ác quỷ đang đẩy người vào chốn tối tăm ? Tôi thật không biết. Chúng tôi chỉ biết cầu xin Chúa và Phật cho chúng tôi được có mặt bên nhau những khi hoạn nạn, được giúp đở nhau những lúc vấp ngã, được nấu cho nhau chén cháo trong lúc ốm đau, được nắm tay nhau mĩm cười khi mở cữa nhà đón đàn con cháu. Bạn ơi, tôi không cần phải có bàn thờ và anh thì không cần phải kiếm Cha để rửa tội. Tôi vẫn là một Phật tử thuần thành và anh vẫn làm dấu thánh giá. Chúng tôi không quá "liberal" phải không bạn ? Thiên Đàng và Niết Bàn của chúng tôi có nghĩa là " in the here, in the now" như Sư Ông Nhất Hạnh vẫn nói. Không biết chúng tôi có hiểu đúng ý của Sư Ông không?

                            Hai chúng tôi Tội Lỗi và Hạnh Phúc ngang nhau. Cả Phật, cả Chúa đều rất Bác Ái và Công Bằng, Bạn đồng ý không?

                            NN sưu tầm

                            Comment


                            • #89
                              Cuốc Xe Cuối Cùng !

                              Nguyễn Thảo

                              (Theo Elite Daily)


                              Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta đầy những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhưng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy lại đôi lúc được bao bọc bởi cái vỏ đời bình thường, bình dị mà người ta có thể bỏ lỡ dịp vì xem là những chuyện vặt vãnh. Một tài xế taxi ở thành phố New York, Mỹ đã kể câu chuyện này.

                              Tôi đến địa chỉ được thông báo và bấm còi. Sau khi đợi vài phút, tôi lại bấm còi lần nữa. Vì chuyến này là chuyến cuối cùng trong ca làm việc của tôi nên tôi chỉ nghĩ đến việc muốn ra về cho nhanh. Thế nhưng, thay vào đó tôi lại để xe ở công viên, rồi bước lại gần cửa nhà và gõ cửa… “Đợi một phút” – giọng một người già, có vẻ đã yếu trả lời. Tôi còn nghe thấy tiếng kéo lê cái gì đó trên sàn nhà.

                              Một lúc sau cánh cửa mở ra. Một bà lão người nhỏ nhắn khoảng 90 tuổi đang đứng trước mặt tôi. Bà mặc một chiếc váy hoa và đội một chiếc mũ tròn có gắn mạng che bằng lưới trên đầu – giống như vừa bước ra từ một bộ phim của những năm 40.

                              Bên cạnh bà là một chiếc va ly nhỏ bằng ni-lông. Căn hộ trông như không có ai sống nhiều năm. Tất cả đồ đạc đều được phủ bằng giấy.

                              Không có đồng hồ trên tường, không có đồ trang trí hay đồ dùng trên các kệ. Ở góc nhà là chiếc hộp các-tông đựng đầy ảnh và đồ thủy tinh.

                              “Anh giúp tôi mang túi ra xe chứ?” – bà nói. Tôi mang chiếc va ly ra xe rồi quay lại đỡ bà lão.

                              Bà cầm tay tôi và chúng tôi đi chậm rãi về phía lề đường.

                              Bà lão liên tục cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ. “Không có gì” – tôi nói. “Cháu chỉ cố gắng đối xử với khách hàng như cách mà cháu muốn mọi người đối xử với mẹ cháu”.

                              “Ồ, anh là một chàng trai tốt bụng” – bà nói.

                              Khi đã vào trong xe, bà lão đưa tôi địa chỉ rồi đề nghị: “Anh có thể lái xe đi qua trung tâm thành phố được không?”

                              “Đó không phải là con đường ngắn nhất bà ạ!” – tôi trả lời.

                              “Ồ, không sao. Tôi không vội. Tôi đang trên đường đến nhà dưỡng lão”.

                              Tôi nhìn qua gương chiếu hậu. Mắt bà hơi ướt. “Tôi không có gia đình” – bà tiếp tục nói bằng giọng nhẹ nhàng. “Bác sĩ nói rằng tôi không còn nhiều thời gian nữa”. Tôi lặng lẽ vào số và tắt đồng hồ đo mét.

                              “Bà muốn đi con đường nào?” – tôi hỏi.

                              Hai giờ sau, chúng tôi đã đi vào thành phố. Bà chỉ cho tôi tòa nhà mà bà đã từng làm việc như một người điều hành thang máy.

                              Chúng tôi đi qua khu nhà mà bà và chồng từng chung sống khi họ mới cưới. Bà đề nghị tôi đi qua một cửa hàng mà trước kia từng là phòng khiêu vũ mà bà luyện tập thời còn con gái.

                              Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm lại trước một tòa nhà hay một góc phố nào đó, rồi bà ngồi nhìn chăm chăm vào bóng tối, không nói gì.

                              Khi ánh Mặt trời đầu tiên dần hé ở đường chân trời, bà đột nhiên nói: “Tôi mệt rồi. Giờ chúng ta đi thôi”.

                              Chúng tôi tiếp tục đi trong im lặng tới địa chỉ mà bà đã đưa. Đó là một tòa nhà thấp, giống như một ngôi nhà nghỉ dưỡng nhỏ, có đường lái xe bên dưới một mái hiên.

                              Hai hộ lý bước ra xe ngay khi chúng tôi đến. Họ trông có vẻ lo lắng khi nhìn từng cử động của bà.

                              Chắc chắn họ đang mong bà tới.

                              Tôi mở cốp xe và đặt chiếc va ly ở cửa. Bà lão được dìu vào chiếc xe lăn.

                              “Tôi nợ anh bao nhiêu?” – bà vừa lấy ví vừa hỏi.

                              “Không gì cả” – tôi nói

                              “Anh cũng phải sống chứ” – bà trả lời.

                              “Cháu còn có những khách hàng khác” – tôi nói.

                              Không chút chần chừ, tôi cúi xuống và ôm bà. Bà cũng ôm tôi rất chặt.

                              “Anh đã mang lại cho một bà già nhỏ bé những phút giây hạnh phúc. Cảm ơn anh” – bà nói.

                              Tôi nắm chặt tay bà, rồi bước đi trong ánh sáng mờ mờ của buổi sáng sớm. Cánh cửa đóng lại phía sau tôi, giống như âm thanh của tiếng đóng cửa một cuộc đời.

                              Tôi không đón thêm khách vào ca làm việc đó. Tôi lái xe và miên man suy nghĩ. Suốt cả ngày hôm đó, tôi gần như không nói câu nào. Nếu bà lão gặp phải một lái xe nóng tính hay một người thiếu kiên nhẫn thì sao? Nếu tôi từ chối đề nghị của bà, hay lại bấm còi thêm một lần nữa rồi bỏ đi thì sao?

                              Thoáng suy nghĩ, tôi cho rằng tôi chưa từng làm một việc nào quan trọng hơn thế trong đời mình.

                              Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta đầy những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhưng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy lại đôi lúc được bao bọc bởi cái vỏ đời thường, bình dị mà người ta có thể bỏ lỡ dịp vì xem là những chuyện vặt vãnh.


                              Comment


                              • #90
                                Ngày Bình Thường

                                Như Hải

                                Ngày hôm nay là một ngày Thứ Bảy bình thường. Được như vậy, có nghĩa là ta đang hạnh phúc, tận hưởng một ngày cuối tuần bình an.

                                Ngày bình thường là một ngày… không bất thường, tâm không bị xáo động bởi bất cứ điều gì. Ta chẳng làm nên chuyện gì to tát trong ngày bình thường cả. Vẫn chỉ là dậy sớm, ngồi thiền ít phút, lặng lẽ đốt một nén nhang, đánh ba tiếng chuông rồi đọc bài kinh ngày… Hay có thể bỏ qua thời thiền, nằm ngủ vùi thêm tý chút, rồi ra ngoài công viên tập thể dục buổi sáng, để rồi được đi chân đất chầm chậm về nhà…

                                Ngày bình thường thường được kết thúc khi tâm và thân cùng lúc đặt êm xuống giường. Ta ôm cây gối ngủ được một giấc ngon lành. Có gì hạnh phúc hơn thế!

                                Thế mà chẳng phải dễ. Ta cứ kiếm tìm đâu đâu những ngày… phi thường, đến bất bình thường. Để rồi trở về trong mệt mỏi, stress. Thân và tâm chẳng thể nào ngủ yên, vật vã, lo lắng, bất an. Đã bao lần ta như vậy? Nhiều lắm. Hình như hầu hết là những ngày như thế, công việc, lo toan cuộc sống, con cái, vợ chồng... tất cả cứ như muốn cuốn phăng ta đi, cuốn ta vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh, quên đi hạnh phúc bình dị của một ngày bình thường như hôm nay.

                                Thế thì phi thường hay bất thường đều khổ, bình thường mới thật sự là hạnh phúc phải không? Hạnh phúc của sự không làm gì, không là gì, không phải ‘trở thành gì’… nhưng lại có ý nghĩa cho chính ta được ‘là mình’, trọn vẹn từng phút giây trong hiện tại. Ta rửa bát trong yên lành, nấu ăn trong chánh niệm, đi chợ trong yên bình, nói chuyện trong tỉnh thức… Còn gì tuyệt hơn thế!

                                Ngày bình thường chính là một ngày hạnh phúc. Nguyễn Duy Nhiên nói: “Người có hạnh phúc vì đó là một người hạnh phúc”. Đúng vậy, trong giây phút này. Mình nghĩ rằng người hạnh phúc chính là một người bình thường với tất cả tâm thái bình an như vậy đấy!

                                Bạn sẽ nói bởi hôm nay là Thứ Bảy. Nếu là thứ Hai đầu tuần, ta có được cảm giác này không? Bạn hãy thử làm việc này, khi vừa mở mắt mỗi sáng hãy tự mỉm cười cám ơn cuộc đời đã cho ta thêm một ngày mới, bạn sẽ thấy một ngày nữa đến với ta đầy ý nghĩa, cho dù trong ngày đó có nhiều điều bất ngờ không như mong muốn xảy ra. Nhưng nếu ta biết ta đang được SỐNG để trải nghiệm những điều đó, cả vui lẫn buồn, thì ta sẽ biết ơn cuộc đời làm sao!

                                Mong sao tất cả mọi người trong cuộc sống của mình có thật nhiều ngày Bình Thường như thế, thì có lẽ cả cuộc sống của chúng ta đều thật yên bình và hạnh phúc biết bao!


                                Comment

                                Working...
                                X