Announcement

Collapse
No announcement yet.

99 Điều Không Đáng Bận Tâm (FINAL)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Nếu các bạn muốn nghe audio "sách nói", xin vào trang thư viện



    85 – Hiểu rõ bốn yếu tố chính của suy nghĩ: Yếu tố thứ nhất: Cái gì

    Suy nghĩ có lẽ là công cụ mạnh nhất mà bạn có để cải thiện chất lượng cuộc sống, nó rất quan trọng và hữu ích nếu bạn hiểu rõ những điều mà tôi gọi là bốn yếu tố chính của suy nghĩ. Nếu bạn làm chủ được mỗi yếu tố chính này, có lẽ bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên dễ chịu hơn và bớt phiền toái đi rất nhiều. Nhất định bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng, và sẽ cảm thấy khá hơn. Vì lý do đó, tôi sẽ chỉ ra những yếu tố chính đó cho bạn thấy.

    Yếu tố chính thứ nhất của suy nghĩ là bạn suy nghĩ về cái gì. Hiển nhiên, nếu bạn chỉ toàn suy nghĩ tức giận, chán nản suốt ngày thì cuộc sống của bạn đầy những cảm giác tức giận và chán nản – một cuộc đời u tối. Bạn sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể nào, vui vẻ hay cười thoải mái hoặc tỏ ra dễ thương với người khác nếu bạn cứ như vậy. May mà hầu hết chúng ta đều không phải lúc nào cũng chỉ có những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Thế nhưng cũng có một thực tế là hầu như chúng ta có lẽ đều không bao giờ tốn nhiều thời giờ hay công sức để phản ánh bản chất chính của những suy nghĩ của chúng ta như thế. Nói cách khác, bạn có biết có bao nhiêu phần trăm suy nghĩ của bạn là hạnh phúc, bấp bênh, tức giận, căng thẳng, ghen tị, sáng tạo, và sợ hãi không?

    Những gì bạn nghĩ đến là một trong những thành phần quan trọng trong cuộc sống. Nói chung, những suy nghĩ của bạn khi tổng hợp lại sẽ xác định cảm giác mà bạn có và những hành vi cư xử của bạn.

    Điều này rất đơn giản nhưng lại có tác dụng mạnh. Một khi bạn đánh đồng những gì bạn suy nghĩ về hướng sống với chất lượng cuộc sống thì bạn sẽ tự thấy mình chú ý hơn đến những suy nghĩ mà bạn cho phép đi vào trong đầu mình. Và khi những suy nghĩ tiêu cực và xúc phạm đó xuất hiện, bạn sẽ đuổi được nó ra khỏi đầu nhanh hơn.

    Tại sao lại đặt những suy nghĩ tiêu cực, ganh ghét, thất sách, giận dữ hay chán nản vào cùng với nhau khi bạn biết chắc chắn là kết quả sẽ tạo ra những cảm giác tồi tệ? Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn càng hỏi câu hỏi này nhiều lần thì bạn sẽ càng cẩn thận chọn lựa những suy nghĩ hơn.

    Còn bây giờ xin mời bạn qua yếu tố chính thứ hai của suy nghĩ.


    86 – Yếu tố thứ hai: Khi nào

    Yếu tố 2 nói về bạn suy nghĩ khi nào, đây là yếu tố quan trọng không kém so với việc bạn suy nghĩ cái gì.

    Chúng ta đã bàn về các tâm trạng và thấy rằng nếu tâm trạng của bạn là đúng, bạn có thể nghĩ về (hay bàn về) bất kỳ cái gì một cách hiển nhiên – những vấn đề, nỗi sợ hãi, gút mắt, bất đồng, kế hoạch. Có một đầu óc đúng đắn, bạn sẽ được trang bị thoả đáng những sự khôn ngoan, hiểu biết, điềm đạm, tầm nhìn để có thể giải quyết vấn đề, nhìn ra giải pháp và vượt qua bất kỳ cái gì một cách thiết thực.

    Mặt khác, nếu bạn xuống tinh thần thì sẽ ra sao? Bạn sẽ nhìn mọi thứ lệch lạc, mọi việc có vẻ như tệ hơn so với thực tế và bạn sẽ tiêu cực, bi quan và thủ thế.

    Nói cách khác, tất cả đều do thời điểm suy nghĩ.

    Hãy tưởng tượng bạn đang có tâm trạng tệ hại, cảm giác tức giận, uất ức và thủ thế. Thế mà mẹ bạn (hay một đứa bạn, hay anh chị hay một người mà bạn có mâu thuẫn) cũng có tâm trạng giống như vậy. Hãy tưởng tượng bạn có một điều gì phải bàn bạc với người đó. Bạn có nên bàn liền không? Bạn có nên nói chuyện khi cả hai đều trong tâm trạng bực bội, hoặc thậm chí chỉ mình bạn đang bực bội? Dĩ nhiên câu trả lời là “không, nếu không phải là bị bắt buộc phải nói”. Hãy để cho tâm trạng đó nguội đi đã, có thế bạn mới được phòng ngừa khỏi những suy nghĩ dại dột.

    Cho nên, vấn đề không phải là bạn nên nghĩ về những điều đau khổ và khó khăn ít ra là một vài lần mà là khi nào thời điểm tốt nhất để làm như vậy? Một lần nữa, câu trả lời lại là hãy cố gắng nghĩ về những điều khó khăn khi bạn được trang bị tốt nhất để nghĩ đến nó: khi bạn cảm thấy an tâm, khi tinh thần bạn đang sảng khoái.

    Cái khó nhất là khi tinh thần bạn đang sảng khoái, bạn có thể không có động lực để nghĩ về những điều khó khăn bởi vì bạn không cảm thấy khẩn cấp như khi bạn xuống tinh thần. Nhưng khi tinh thần bạn sa sút, bạn lại cảm thấy buộc phải nghĩ đến tất cả những vấn đề trong cuộc sống của mình. Một lần nữa, đó không phải là thời điểm để làm như vậy bởi vì bạn sẽ thiếu sự khôn ngoan, tầm nhìn và lòng trắc ẩn cần thiết phải có để xem xét đúng mọi việc.Hãy qua yếu tố chính thứ ba của suy nghĩ.

    87 – Yếu tố thứ ba: Như thế nào

    Người ta tốn thời giờ suy nghĩ theo hai cách hoàn toàn khác hẳn nhau. Cả hai cách đều cực kỳ quan trọng và dễ nhận thấy. Yếu tố thứ ba là bạn suy nghĩ như thế nào – bắt đầu phát hiện ra loại suy nghĩ nào mà bạn đang có, và sau đó thỉnh thoảng lại đổi cách suy nghĩ.

    Cách thứ nhất là bạn suy nghĩ hơi giống như một cái máy tính, hết sức phân tích. Đó là cách bạn nghĩ khi bạn đang học hỏi điều gì đó mới lạ hoặc khi bạn cố gắng chỉ ra cái gì đó. Khi suy nghĩ theo cách này, thường là ít ra bạn phải nỗ lực một chút, đầu óc đầy những dữ liệu, vận dụng trí nhớ và tích cực bắt kịp những suy nghĩ, bạn làm việc đầu óc.

    Cách suy nghĩ khác là chúng ta vận dụng đầu óc để suy nghĩ mà không cần phải nỗ lực. Dạng suy nghĩ này đôi khi không có cảm giác như đang suy nghĩ bởi vì nó diễn ra tự động khi đầu óc đang rảnh rang. Đó là quá trình tự nhiên xuất hiện khi bạn không cố gắng suy nghĩ. Bạn có thể gọi đó là suy nghĩ “mềm”.

    Khi bạn suy nghĩ “mềm”, ý tưởng tự động xuất hiện, hầu như đến hoàn toàn bất ngờ. Chúng ta thư giãn và dường như suy nghĩ tự động làm việc. Nhưng dạng suy nghĩ này có thể cực kỳ khôn ngoan và thực tế. Ví dụ như bạn đang cố nhớ ra tên của một người và không tài nào nhớ nổi, cho nên bạn quên lửng luôn và nghĩ sang chuyện khác. Sau đó, đột nhiên tên người đó bật ra trong trí bạn. Hoặc giả bạn đang bí trong vấn đề gì đó, như không biết giải quyết xung đột với người khác ra sao. Bất thình lình trong lúc trời đổ mưa hoặc trong lúc đi bộ đến trường, câu giải đáp bỗng xuất hiện. Đó là những ví dụ về suy nghĩ “mềm”.

    Nhận biết sự khác biệt giữa hai cách suy nghĩ này rất quan trọng bởi vì khi bạn đang nản lòng về chuyện gì hoặc không thể tìm ra lời giải thường đúng là bạn đang cố gắng quá sức. Hoặc nói cách khác, bạn đang suy nghĩ – nhưng có thể là quá nhiều ở dạng suy nghĩ nỗ lực nhưng lại đang quá ít ở dạng suy nghĩ mềm.

    Hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra với sự nản lòng của bạn khi thay vì xăn tay áo lên và suy nghĩ cực khổ về một số vấn đề thì bạn lại hít một hơi sâu và tận hưởng những suy nghĩ tự đến. Cái khó nhất là bạn phải thành thật rằng mặc dù không có vẻ như bạn đang làm việc quá nhiều, nhưng bạn vẫn vướng bận rất nhiều về vấn đề đó. Bạn chỉ suy nghĩ khác đi một chút, theo cách mềm hơn.

    Không hẳn là một dạng suy nghĩ này là tốt và dạng kia là xấu. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn.

    Hầu hết chúng ta dường như trông cậy quá nhiều vào dạng suy nghĩ phân tích, đặc biệt là khi nó không làm việc. Không phải khi bạn chán nản hay căng thẳng mới có thể dùng đến dạng suy nghĩ mềm. Thực ra, bạn có thể dùng nó bất cứ khi nào suy nghĩ phân tích không cần thiết. Bạn có thể ngạc nhiên thích thú vì vấn đề sẽ dễ dàng tự giải quyết và bạn đỡ nhìn mọi việc lệch lạc hơn.Hãy qua yếu tố thứ tư và cũng là yếu tố chính cuối cùng của suy nghĩ.

    Comment


    • #32
      Nếu các bạn muốn nghe audio "sách nói", xin vào trang thư viện



      88 – Yếu tố thứ tư: Thực tế

      Bạn và tôi đều là những sinh vật biết suy nghĩ, tôi biết điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng dù tin hay không thì việc người ta dễ dàng quên mất là mình đang suy nghĩ cũng là một thực tế, bởi vì suy nghĩ quá tự động, cũng giống như hít thở. Cho đến khi tôi nhắc lại lần này là lần thứ hai thì có lẽ bạn vẫn không nghĩ nhiều đến việc hít thở vì điều này cũng tự động diễn ra.

      Tôi hy vọng là giờ thì bạn đã bị thuyết phục rằng suy nghĩ của bạn đóng vai trò đáng kể trong chất lượng cuộc sống. Yếu tố chính thứ tư của suy nghĩ liên quan đến mọi thực tế mà chúng ta nghĩ đến và suy nghĩ của chúng ta tác động lên cả cuộc đời chúng ta.

      Phát hiện ra suy nghĩ của chính mình cũng giống như tỉnh giấc với thực tế là tôi đang suy nghĩ. Ví dụ, giả sử tôi bắt đầu cảm thấy thời khoá biểu của tôi quá tải, tôi sẽ nghĩ đến tôi bận rộn ra sao và thời giờ của tôi ít ỏi dễ sợ và cứ như vậy. Tôi sẽ tự thuyết phục mình rằng tôi là người bận rộn hơn bất kỳ ai khác, và tôi sẽ viện ra đủ mọi lý do tại sao lại như vậy. Tôi sẽ bắt đầu cảm thấy thương tiếc cho mình.

      Sau đó, đột nhiên tôi thức tỉnh và nhận ra rằng tâm trí tôi đầy những danh sách phải làm của mình. Tôi đã có một “cuộc tấn công suy nghĩ” mà không hề biết là mình đang bị lâm trận! Phát hiện này lập tức khiến tôi cảm thấy khá hơn bởi vì bỗng nhiên tôi nhớ lại cảm giác thấy bị quá tải của mình được tạo nên không phải từ bên ngoài mà từ thực tế tôi bị ám ảnh về thời khoá biểu của mình.

      Bạn có thể nhìn vào thời khoá biểu của tôi và nói “Nhưng Thu Nhi này, có lẽ cảm giác quá tải xuất phát từ cuộc sống của bạn đấy”. Nếu đứng sau nó, bạn bắt đầu nhận ra nó không thể như thế được. Nếu đúng như vậy thì tôi đã luôn luôn cảm thấy quá tải rồi, mà thực ra tôi có cảm thấy thế đâu. Tôi chỉ cảm thấy quá tải có lẽ chỉ đôi khi thôi, những lúc mà thay vì làm những việc trước mắt, tôi lại bắt đầu nghĩ đến đủ thứ việc phải làm sau ngày hôm đó, hoặc trong ngày hôm sau, hoặc trong tuần tới hay trong năm tới. Nói cách khác, cảm giác bị quá tải chỉ xuất hiện khi tôi không thể nhìn ra rằng tôi đang nghĩ đến nó. Một khi tôi nhìn ra được, nó sẽ dần dần biến mất.

      Bất cứ khi nào những suy nghĩ theo ý mình khiến bạn cảm thấy tệ đi hay khiến mọi việc có vẻ tồi tệ đi so với thực tế thì bạn nên nhận ra mình đang suy nghĩ (thức tỉnh với thực tế là mình đang làm điều gì đó). Tôi đã nhận được một lá thư của một cô bạn trẻ nói rằng hồi đó cô đã tưởng tượng ra cuộc sống không hề có bạn bè. Cô tự thuyết phục mình rằng chẳng ai ưa cô, và mọi người sẽ nổi giận với cô. Nhưng sau khi được nghe nói về tầm quan trọng của việc nhận ra suy nghĩ của mình, cô chợt bừng tỉnh ra một thực tế là cô cứ bị ám ảnh điều đó trong đầu – đó chỉ là suy nghĩ của cô mà thôi.

      Cô tiếp tục nói rằng đôi khi cô vẫn có những suy nghĩ bấp bênh về những điều người khác sẽ nghĩ về cô, nhưng cô đã biết cách xem nó bớt nghiêm trọng đi. Khi cô nhận ra suy nghĩ của mình, nỗi đau khổ day dứt rời khỏi cô.

      Bây giờ bạn đã có bốn yếu tố chính của suy nghĩ – cái gì, khi nào, như thế nào và thực tế.

      Mong rằng bạn sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh với những suy nghĩ của mình, nếu làm được, cuộc sống của bạn sẽ tươi đẹp hơn.

      89 – Chế ngự nỗi giận dữ


      Tôi không nghĩ là nó có thể làm được, và thậm chí việc rũ sạch mọi cơn giận có thể không có lợi cho sức khoẻ. Tôi nhất định không nói đến cách đó. Mà bạn cũng chẳng muốn giả bộ không hề tức giận khi bạn đang giận sôi lên. Cho nên nếu bạn biết cách chế ngự, khống chế được cơn giận quả thật rất có lợi.

      Khi tôi 18 tuổi, tôi than thở với một người bạn lớn hơn về những điều xảy đến với tôi – tôi cảm thấy bị lừa hất cẳng khỏi một giải thưởng mà tôi đã cực lực giành lấy. Tôi rất tức tố; thực tế tôi đã nguyền rủa và giận sôi gan tím ruột vì những bất công đó.

      Hôm đó, anh bạn tôi đã nói với tôi rằng cơn giận của tôi sẽ nhanh chóng thay đổi. Tôi đã tốn hai mươi năm sau đó để thực hành và nhớ đến những gì anh ấy đã dạy cho tôi. Thực ra, những gì anh ta nói rất giản dị. Với giọng trầm tĩnh, anh ta hỏi tôi: “Thu Nhi, anh hiểu tại sao em giận dữ. Nhưng sao lại điên tiết đến như thế?”

      Hơi ngập ngừng một chút rồi tôi trở nên hoàn toàn phòng thủ và phản công: “Em điên tiết lên bởi vì bất công quá”. Một lần nữa, anh ta đáp lại: “Em nói đúng, quả là bất công, và dĩ nhiên là phải nổi giận, thậm chí nổi điên – nhưng tại sao lại điên tiết đến như thế? Sao em lại tự giộng đầu vào tường?”

      Điều đó đã khích được tôi! Anh ấy nói đúng. Tôi đã phải thất vọng, đó là sự thật. Việc tôi bị lừa cũng là sự thật, và nhất định là tôi có “quyền” tức giận. Nhưng vào lúc đó, tôi cũng nhận ra là cơn giận của tôi chẳng làm cho sự việc khá hơn lên. Thực ra, nó còn làm cho sự việc tệ đi. Cơn giận của tôi đã làm tổn thương tôi – và cuối cùng tôi là người lãnh đủ cơn giận đó.

      Đó là lần đầu tiên tôi có thể nhìn thấy cơn giận bùng lên từ chính tôi và suy nghĩ của tôi, chứ không phải đến từ những việc không may. Tôi cảm thấy một cảm giác thoải mái mà trước đây tôi không bao giờ cảm thấy được. Đó là cảm giác mà tôi phải chịu trách nhiệm, ở nhiều cấp độ, về cảm xúc của mình. Nó nảy sinh từ bên trong tôi chứ không phải từ bên ngoài môi trường.

      Hãy hình dung việc tự đập đầu mình vào tường và tự hỏi sao mình lại đau đầu quá như vậy. Sau đó có người đến và nói: “Nè, nếu bạn ngưng giộng đầu vào tường thì hết đau đầu liền”. Nó cũng giống như cơn giận, nếu bạn cứ nghĩ về những thứ làm bạn điên tiết mà không nhận ra là mình đang nghĩ như vậy, bạn sẽ thực sự, thực sự nổi điên lên. Nhưng thực ra một khi bạn thấy được là mình là người đang có những suy nghĩ giận dữ đó, thì sẽ dịu xuống ngay. Nó cũng như khi bạn có thể lùi lại và tạo một khoảng cách giữa bạn và những gì làm bạn tức giận.

      Một lần nữa, đừng nói là tôi không đúng. Bạn sẽ vẫn còn tức tối và có nhiều thứ khiến bạn tức giận. Nếu bạn nhận ra được cơn giận của bạn có nguồn gốc từ đâu (từ những suy nghĩ của bạn), thì cơn giận sẽ được chế ngự ít nhiều.

      Đây là một trong những nhận thức quan trọng của cuộc đời tôi:

      Cảm thấy tức giận cũng không sao, nhưng nếu cứ giữ cơn giận mãi và để nó điều động mình hay phá hoại cuộc sống mình thì đúng là không ổn.

      Tôi hy vọng là nhận thức này cũng ảnh hưởng đến bạn theo cách tương tự. Nếu đúng thế, nó sẽ giúp cuộc sống đỡ căng thẳng hơn.

      90 – Đừng là người tìm sự tán đồng

      Những người tìm sự tán đồng là những người đưa ra những quyết định lớn (hay chí ít cũng là những quyết định quan trọng) dựa trên những gì họ nghĩ là người khác sẽ nghĩ. Thay vì theo sự khôn ngoan, hiểu biết, kế hoạch tỉ mỉ đã định sẵn của mình, họ quan tâm đến sự tán đồng và chấp nhận của người khác hơn, như của cha mẹ hay bạn bè, xã hội.

      Làm một người tìm sự tán đồng sẽ gây nên rất nhiều vấn đề. Trước hết, nó làm mất hết niềm vui trong cuộc sống của bạn. Quyết định, chọn những hoạt động và làm việc hướng tới những mục đích mình định ra là nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Không ai có thể đi guốc trong bụng bạn và biết được bạn yêu thích cái gì và cái gì bạn nên làm. Do vậy, mặc dù có những ngoại lệ, nhưng thực tế nếu người ta không hiểu hay không tán đồng với những điều bạn làm hay với quyết định của bạn thì cũng chỉ là thứ yếu đối với những gì bạn biết là sự thật trong cuộc sống của mình.

      Là một người đi tìm sự tán đồng cũng sẽ gây nên rất nhiều căng thẳng, bối rối và cuối cùng đẩy bạn tới chỗ cứ bận tâm đến những chuyện nhỏ. Nếu bạn quyết định dựa trên sự tán đồng của người khác, bạn sẽ phát hiện ra rằng có người sẽ ủng hộ quyết định của bạn, cũng có người sẽ phản đối kịch liệt hay chê bai. Thật thú vị là trong một số trường hợp, có người sẽ đưa ra một lý do cụ thể tại sao cô ta thích những gì bạn làm – và người khác cũng sẽ dùng lý do y hệt để giải thích tại sao anh ta không thích những gì bạn làm. Bạn không thể làm hài lòng mọi người, mà cũng chẳng khôn ngoan gì nếu đi mà thử điều đó. Nếu tôi cố làm hài lòng mọi người và vượt qua tất cả chướng ngại vật trên đường thực hiện điều đó, tôi phát điên mất! Giải pháp duy nhất là biết rằng cuối cùng bạn phải làm những gì tốt nhất có thể, hành động một cách chân thành và tích cực hết khả năng của mình, và cứ làm theo lương tâm của mình.

      Người tìm sự tán đồng quá đáng có nguồn gốc từ nỗi sợ bị từ chối – sợ là quyết định của mình không đủ đúng đắn. Nhưng những quyết định của bạn đủ đúng đắn vì nó là của chính bạn. Bạn có thể tưởng tượng được thật buồn cười ra sao nếu bạn đưa ra một quyết định cho tôi không? Bạn không thể làm thế bởi vì bạn không thể chui vào trong đầu tôi, chỉ có tôi là biết được cái gì là đúng đối với tôi mà thôi. Cũng thật là buồn cười nếu đề nghị tôi đưa ra một quyết định cho bạn, hay nói rằng người khác có thể làm được điều đó. Chúng ta có thể được hướng dẫn tất cả và bị ảnh hưởng của người khác – đặc biệt là những người yêu mến ta hay những chuyên gia – nhưng cuối cùng, chúng ta phải thực sự là mình.

      Hiển nhiên, cũng nên tham khảo những quan điểm của người khác để tác động chúng vào quyết định của mình. Đôi khi, bạn sẽ thấy là những quan điểm khác hay hơn quan điểm của bạn, và bạn có thể sửa đổi chút ít những gì bạn đang làm dựa trên những gì bạn nhận được từ người khác. Hơn nữa, rất quan trọng để hiểu được sự khác nhau giữa việc thích tán đồng và nhu cầu hay yêu cầu được tán đồng. Mọi người đều thích được tán đồng, tôi dám chắc như vậy. Vấn đề ở chỗ bạn không phải được tán đồng để cảm thấy hài lòng hay để đưa ra những quyết định độc lập.

      Trở nên ít tìm sự tán đồng hơn cũng dễ như việc biết được tầm quan trọng của sự tán đồng trong cuộc sống. Nếu bạn hiện nay là một người thích tìm sự tán đồng, bạn hãy thừa nhận với bản thân đó là xu hướng của bạn. Sau đó, nếu có việc phải quyết định, lùi lại và tự hỏi bản thân có phải mình quyết định như vậy là dựa trên mong muốn thực sự của mình không hay mình đang bị lôi kéo và bị tác động vì muốn được tán đồng. Hãy kiên nhẫn, đó là quá trình cả đời người.

      Thời gian trôi qua, bạn sẽ học được cách tin tưởng vào sự khôn ngoan của mình và phát hiện ra những niềm vui và thành công từ việc làm của mình. Khi đó, bạn sẽ tôn trọng và cởi mở với những đề nghị của người khác, nhưng bạn sẽ không cho phép sự bất đồng của họ làm bạn căng thẳng.

      Comment


      • #33
        Nếu các bạn muốn nghe audio "sách nói", xin vào trang thư viện



        91 – Cũng đừng là người tìm sự phản đối

        Cũng quan trọng như việc có thể không thay đổi quyết định dù cho có bị người khác phản đối là khả năng đưa ra quyết định bất di bất dịch dù ai có tán đồng đi chăng nữa. Tôi đã từng nghe nói rằng dấu hiệu cuối cùng của sự trưởng thành là đưa ra quyết định để bố mẹ phản đối.

        Người tìm sự phản đối cũng gặp nhiều rắc rối chẳng kém gì người tìm sự tán đồng. Họ là những người không bao giờ quyết định nếu họ cảm thấy người khác sẽ tán đồng – đặc biệt là đối với những người bị cho là những người có thể có quyền hạn với họ như bố mẹ, người hướng dẫn, hay xã hội. Những người này tin rằng họ độc lập nhưng thực tế là họ bị giam cầm bởi như cầu muốn nổi loạn của mình.

        Mấy năm trước tôi có nói chuyện với một cô bé 15 tuổi muốn nổi loạn. Tôi nhớ tôi đã thách thức cô bé đưa ra một quyết định mà bố mẹ cô sẽ tán đồng. Tôi nói là tôi không nghĩ là cô làm được điều đó. Thoạt đầu cô bé trở nên rất phòng thủ và chống đối lại thách thức của tôi. Nhưng khi cô bắt đầu nghĩ đến điều đó, cô đã nhận ra rằng mỗi quyết định mà cô đưa ra đều là một quyết định mà bố mẹ cô không thích – cách cô ăn mặc, cách xỏ lỗ trên người để đeo trang sức, bạn bè mà cô chọn, những hoạt động mà cô chú tâm vào, thức ăn mà cô ăn, cách học hành (hay bỏ học), lời ăn tiếng nói của cô.

        Hoá ra là cô gái cá biệt này thực sự thích cái mà cô gọi là đồ “đồng phục học sinh”. Cô bé đã bị trói buộc bởi cá tính mà tự cô tạo ra, tuy nhiên cô sợ phải thú nhận điều đó. Cô chỉ thực sự thoải mái khi nhận ra rằng mình đã không quyết định dựa trên những gì mình thích mà bị những nhu cầu quá đáng của mình tác động mà đưa ra những quyết định dựa trên những gì mà cô biết là bố mẹ cô sẽ phản đối. Thay vì độc lập, cô đã cư xử như một con rối.

        Là một người tìm sự phản đối có lẽ là do nhu cầu tránh bị người khác quản lý. Vấn đề là nếu bạn đi quá xa, bạn sẽ thực sự bị người khác quản lý.

        Hãy học cách quyết định không dựa trên những nhu cầu bản năng làm những điều bất thường mà hãy dựa trên những gì bạn biết chân thật và khách quan đối với bạn. Một khi bạn xác định lại được điều gì là tự do và độc lập thì thật dễ dàng bắt đầu sửa chữa.

        Tôi vẫn nhớ nỗi khó khăn của mình khi phải thừa nhận là bố mẹ tôi quả thực hiểu biết rất nhiều về cuộc sống. Tôi chỉ hy vọng rằng một ngày nào đó, con của tôi sẽ nhận ra những điều tương tự về bố mẹ của chúng.

        92 – Hãy giữ tính khôi hài

        Tôi luôn nhớ một câu danh ngôn: “Người mà không có tính khôi hài thì cũng giống như xe mà không có phuộc nhún, cứ bị nảy lên khi va phải mỗi viên sỏi trên đường”. Tôi thích câu này bởi vì theo một khía cạnh thì câu này nói lên sự thiết yếu của việc không bận tâm đến triết lý. Hầu hết chúng ta có lúc nào đó tự làm cho mình trở nên quá nghiêm trọng. Khi đó, kết quả luôn là sự đau khổ, sợ hãi, chán chường.

        Bất cứ khi nào chúng ta ở trạng thái quan trọng hoá vấn đề thì chúng ta bắt đầu tin rằng cả thế giới này đều chú tâm vào chúng ta, những việc xảy ra đều nhắm vào mình và chống lại mình. Chúng ta xem xét sự việc một cách phiến diện. Ta nghĩ quá nhiều về bản thân và vấn đề của mình nên cứ bị ám ảnh vì ý kiến của mình. Ta trở nên cố chấp, đánh mất lòng nhân đạo, lòng trắc ẩn. Nói tóm lại, chúng ta quá nghiêm trọng. Tất cả những điều đó chỉ đem đến sự sợ hãi, ích kỷ, nghi ngờ, giận dữ, chán chường, lo âu và bất hạnh. Hơn nữa, khi chúng ta quá trầm trọng thì có nghĩ là chúng ta đang bận tâm đến những chuyện nhỏ nhặt!

        Còn gì nữa nào, bạn thử để ý xem những người quá nghiêm trọng và cứng nhắc đáng chán lắm phải không? Chẳng có gì vui vẻ với họ, bạn chỉ cảm thấy được sự nặng nề ở họ. Đôi khi bạn còn muốn la lên “Tươi tỉnh lên chút coi!” Bạn có muốn giống vậy không?

        Với một chút khôi hài, gánh nặng trên vai sẽ nhẹ nhàng hơn. Điều này đặc biệt đúng khi điều hài hước nhắm vào bản thân mình. Có một câu danh ngôn “Bạn trưởng thành vào ngày bạn có tiếng cười đầu tiên về bản thân mình”.

        Trong khi rất dễ nhận ra lúc người khác quá nghiêm trọng và căng thẳng, thì rất khó nhận ra điều đó ở bản thân mình. Rất may là tôi có hai đứa con để chúng nhắc tôi mỗi khi tôi mắc phải thói quen buồn cười đó. Chúng sẽ trêu chọc tôi và gán biệt hiệu “ngài nghiêm trọng” cho tôi.

        Rất có ích nếu biết tự hỏi bản thân: “Tại sao mình cứ xem mọi việc nghiêm trọng như vậy?” Có tính khôi hài và có thể cười cợt bản thân mình không có nghĩa là bạn thờ ơ lãnh đạm hay không cố gắng siêng năng. Tôi sôi nổi, nồng nhiệt với nhiều thứ và tôi làm việc siêng năng cũng như bất kỳ ai tôi đã từng biết. Tuy vậy, tôi hạnh phúc bởi vì tôi có tính khôi hài. Tôi không làm cho bản thân mình quá nghiêm trọng. Tôi biết rằng trên đời này luôn có một số việc sai trái. Làm sao tôi lại được miễn khỏi dính vào những việc đó? Tôi biết là có một số người không ưa tôi và chỉ trích tôi, tôi chấp nhận. Tôi biết là tôi sẽ mắc nhiều sai lầm, tôi không cố phạm lỗi nhưng nếu có vậy thì cũng chẳng sao, vì tôi là con người mà. Tôi cũng biết là người khác sẽ phạm lỗi, tôi lúc nào cũng không thích điều đó nhưng đó cũng là một phần của cuộc sống.

        Tôi phải công nhận rằng hơi buồn cười khi người ta căng thẳng vì những điều khá ngớ ngẩn. Ưu thế của tôi là tôi biết nghĩ khôi hài khi tôi như thế, tôi nhìn bản thân mình như một diễn viên. Nếu bạn có thể nhìn ra những điều hài hước trong cuộc sống, bạn sẽ thấy thích liền, bạn sẽ có sự kiên nhẫn, chấp nhận và có tầm nhìn hơn đa số những người khác. Những cảm giác này sẽ làm tăng thêm niềm vui của bạn và giữ bạn khỏi bốc hoả.

        Tính khôi hài là một tính rất thú vị bởi vì khi bạn đề nghị người ta hãy bớt nghiêm trọng hoá vấn đề, họ thường tin rằng bạn chỉ có những vướng mắc nhỏ nhặt. Dĩ nhiên không phải như vậy. Sự thật là chúng ta có quá nhiều vướng mắc, một vài chuyện cũng nghiêm trọng thiệt.

        Cuộc sống có thể rất khó khăn và đau khổ. Cho nên tính khôi hài giúp chúng ta giữ cho những bi kịch đó khả quan hơn. Nó làm cho cuộc sống lúc nào cũng thú vị và vui vẻ, nó giúp đỡ cho chúng ta mỗi khi ta căng thẳng. Tôi mong rằng giữa những việc nghiêm trọng, bạn có thể duy trì và phát huy tính khôi hài, nó cũng sẽ đền đáp cho bạn xứng đáng.

        93 – Biết nhận sai

        Một trong những câu hỏi tâm đắc nhất mà tôi từng nghe là từ một cô bé 13 tuổi: “Có cần phải thừa nhận sai lầm của mình để không phải bận tâm đến những chuyện nhỏ?”. May là tôi có câu trả lời.

        Hãy nghĩ mà xem, chúng ta bỏ ra rất nhiều công sức để phòng thủ và chứng minh luận điểm của mình khi có ai đó nghĩ là mình sai. Hãy nghĩ về tất cả nỗ lực chứng tỏ cho người ta thấy là chúng ta vô tội hay hợp tình hợp lý khi làm điều gì đó. Hãy nghĩ đến những áp lực đi kèm với việc phải thuyết phục người khác là mình đúng khi họ đang nghĩ là mình sai, hoặc hãy nghĩ về những căng thẳng trong việc thay đổi quan điểm của người khác. Hãy nghĩ về những lần chúng ta phải phân bua về bản thân – lý do và sự thay đổi trong cư xử của chúng ta – khi ai đó buộc tội chúng ta là sai. Phải chăng những điều đó không phải là những “chuyện nhỏ”?

        Giờ thì hãy tưởng tượng xem cuộc sống thật dễ chịu hơn biết bao nếu ta có thể loại bỏ phần lớn những chuyện như vậy.

        Có phải nếu bạn thực sự có lỗi thì mọi việc cứ tự phai nhạt đi, tự tiêu tan đi và bạn có tiếp tục sống thay vì cứ nghĩ đến những sai lầm đã qua và than thân trách phận, làm tăng thêm căng thẳng trong hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần?

        Cách làm cho mọi việc tự tiêu tán là quyết định rằng khi bạn sai hoặc có lỗi, bạn hãy thừa nhận điều đó, xoa dịu hoàn cảnh và quẳng bớt “gánh lo” đi.

        Có một lần tôi về đón con trễ và phóng xe rất nhanh. Tôi cũng biết là mình chạy hơi quá. Một người cảnh sát giao thông chặn tôi lại và cho tôi một bài khi ông ta viết biên lai phạt. Thay vì cố cãi chày cãi cối, tôi nhận là mình sai và nói rằng mình đáng bị phạt lắm, tôi nói thật lòng và không có ý năn nỉ xin xỏ ông ấy.

        Ông ta hỏi lại tôi tại sao tôi lại phóng nhanh. Tôi trình bày với ông rằng tôi sợ đón con trễ, lý do cũng không mấy chính đáng. Ông ta đáp lại “Nhưng đó là một lý do hợp lý”. Tôi đồng ý nhưng nói “Có thể, nhưng thật ra nó cũng đang được trông chừng chứ cũng chẳng sợ gặp nguy hiểm gì. Tôi cũng không nên phóng nhanh như vậy”. Viên cảnh sát bị ấn tượng bởi sự sẵn lòng nhận lỗi của tôi nên quyết định rút giấy phạt lại.

        Tôi không cho là những lời thanh minh như vậy sẽ giúp tôi tránh được những tờ giấy phạt khác trong trường hợp tương tự. Có thể không được như vậy. Thực ra, tôi đáng bị phạt. Tôi chỉ có ý muốn nói: là con người, tất cả chúng ta đều có nhu cầu mình là đúng. Viên cảnh sát kia cho tôi thoát vì tôi đã cho là ông ta đúng mà không buộc ông ta phải ra oai.

        Những trường hợp tương tự diễn ra hàng ngày. Ví dụ nếu có ai đó nói bạn “Anh chẳng bao giờ chịu lắng nghe tôi”, và đúng là bạn không chịu nghe, thì cách tránh tốt nhất là bạn cứ chịu nhận đi. Bạn có thể nói “Bạn biết không, bạn nói đúng đấy. Tôi đã không chịu lắng nghe. Tôi xin lỗi, từ giờ trở đi tôi sẽ cố gắng lắng nghe nhiều hơn”. Lúc đó, mọi việc sẽ qua đi. Rất nhiều người đã buộc tội bạn vì chuyện gì đó có lẽ bây giờ đã không còn cản đường gì bạn nữa và nghĩ bạn là “một người chơi được”. Rắc rối được giải quyết, căng thẳng tiêu tan. Bạn cứ thế thẳng tiến.

        Hãy so sánh việc đó với việc tranh cãi với người khác và thủ thế bằng cách nói “Tôi cũng đã lắng nghe đó chứ!” Hãy nghĩ xem, chẳng dễ gì thay đổi được đầu óc của người khác. Cô ta cứ đinh ninh là bạn chẳng chịu lắng nghe, trong đầu cô ta, hẳn nhiên là cô ta đúng. Việc tranh cãi, phản công hay bất đồng ý kiển chỉ đi đến việc trầm trọng thêm vấn đề và tăng thêm căng thẳng mà thôi.

        Nếu bạn bị vu khống và bạn nhất định là mình không hề có lỗi gì cả thì chẳng có lý do gì phải nhận tội cả. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là một cuộc sống ít căng thẳng và dễ chịu hơn thì nhún nhường một chút sẽ rất có ích.

        94 – Hãy nhớ rằng mỗi người đều có quyền được hạnh phúc

        Có lần ai đó đã hỏi tôi “Nếu bạn được chọn một câu nói đã giúp bạn lúc nào cũng giữ được quan điểm, tránh không bị người khác quấy rầy thì câu đó là gì?” Tôi nói liền: “Mọi người đều có quyền được hạnh phúc”.

        Mọi người đều muốn được hạnh phúc, từ người bạn quen biết cho đến người xa lạ, từ người bạn yêu thích đến người bạn không chịu đựng nổi. Người tốt, người xấu, mọi người đều mong muốn được hạnh phúc và mọi người – theo cách của họ – đều cố gắng để được hạnh phúc. Thậm chí người thường xuyên làm những chuyện tồi tệ cũng làm những chuyện đó vì những nỗ lực quái gở của họ để làm cho bản thân họ được hạnh phúc hơn. Đó là một phần của con người.

        Tôi đã yêu cầu Rachel, một cô bé 16 tuổi, xem cô bé có thể áp dụng sự khôn ngoan này vào cuộc sống của cô không. Chỉ sau mấy giây suy nghĩ, cô bé đồng ý. Cô nói rằng mấy ngày trước đây, cô đã nổi giận với một người bạn khi cô này khoe mẽ quần áo và bạn trai mới. Rachel nói rằng cô rất ghét thói khoe khoang và coi mình như cái rốn của vũ trụ.

        Tuy nhiên lần đầu tiên trong đời cô bé đã có thể thấy được những việc diễn ra theo một cách khác. Bất chợt, cô hiểu ra rằng bạn của cô, cũng như những người khác, làm như thế chỉ vì cô ấy muốn được hạnh phúc. Dù là lý do gì, bạn của cô cảm thấy rằng việc phô trương, khoe khoang khiến cô tự cảm thấy dễ chịu hơn. Mặc dù việc đó có khó chịu đến đâu, cô ấy cũng nhìn ra được sự vô tư trong hành động của bạn mình. Sự giận dữ của cô bé dịu lại, thậm chí cô bé đã mỉm cười khi nói với tôi “Cháu biết là nó thực sự có quyền được hạnh phúc. Cháu không nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để được hạnh phúc, nhưng nó có quyền làm vậy.”

        Trong khi Rachel nhất định là thích bạn mình cư xử khác đi nhưng cô bé đã cảm thấy đồng cảm với bạn mình về cảm giác cần phải làm như vậy. Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ thấy rằng những điều tương tự sẽ áp dụng được trong thực tế khi bạn bị quấy rầy hay bực bội. Nhất định là tôi không cho rằng bạn tha thứ cho tất cả những hành vi tiêu cực, nhưng nhớ rằng mọi người đều có quyền được hạnh phúc sẽ cho bạn một “lá chắn tinh thần” chống lại việc trầm trọng hoá vấn đề.

        Có ai làm việc gì chọc tức bạn, thay vì phản ứng lại như thường lệ, hãy nhớ mọi người đều có quyền được hạnh phúc. Bạn có thể thấy mình tránh khỏi bực bội một cách dễ dàng.

        Comment


        • #34
          Nếu các bạn muốn nghe audio "sách nói", xin vào trang thư viện



          95 – Cuốn theo dòng

          Đối với tôi, hình như tất cả mọi người đều đúng với câu này, nhưng hầu như không ai công nhận sự khôn ngoan của nó. Thật đáng buồn bởi vì câu nói “cuốn theo dòng” thực sự là một cách hữu hiệu giữ những căng thẳng trong vòng kiểm soát.

          Một trong những vấn đề khiến cuộc sống hàng ngày thêm khắt khe và căng thẳng là do nó không được yên tĩnh. Thay vì vậy, nó là quá trình không ngừng tiến triển và thay đổi. Đó là một dòng hoạt động. Nếu bạn chịu cuốn theo dòng mà không phản kháng gì nhiều thì cuộc đời bạn giống như một buổi khiêu vũ tao nhã. Bạn sẽ tiến lên mà không ngừng sửa đổi. Nói cách khác, nếu bạn ráng ngược dòng, cuộc đời bạn sẽ giống một mặt trận hơn, một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ và thất vọng tràn trề. Thay vì sửa đổi nhẹ nhàng thích đáng, bạn sẽ phải nảy tưng lên để chống chọi và ráng hết sức giữ cho mọi thứ đi đúng hướng. Lần duy nhất mà bạn cảm thấy thanh thản là khi mọi thứ đi đúng hướng, mà thực sự có được bao nhiêu lần như vậy?

          Cuộc sống giống như một mạng lưới khổng lồ. Hàng ngàn vạn thứ diễn ra và tác động lẫn nhau. Có việc diễn ra tốt đẹp, có việc không được như vậy. Cuốn theo dòng có nghĩa là bạn chấp nhận thực tế là cuộc sống là một đám lộn xộn và có nhiều thứ mà ta rất khó nắm bắt hay không tài nào làm chủ nổi. Thay vì chống lại mỗi sự việc diễn ra ngoài mong muốn ta hãy chọn cách phản ứng chấp nhận. Có nghĩa là nếu bạn không có những gì mình thích thì hãy thích những gì đang có.

          Có một nhóm các cô thiếu nữ đang xếp hàng chờ vào xem phim. Sau một lúc chờ mỏi cả chân thì cuối cùng họ cũng vào đến quầy vé nhưng lại bị thông báo là hết vé. Trong khi hầu hết những người xếp hàng sau họ bắt đầu la ó phản đối thì một trong những cô bé này bình tĩnh tập hợp các bạn mình lại và nói: “Đừng lo, tụi mình sẽ tìm cách khác”.

          Đúng vậy thật. Không thái quá, không đe doạ, cũng chẳng than thở, không giận dỗi, cô không hề vướng vào căng thẳng tí nào cả. Cô ấy có quan tâm không? Bạn có dám nói là có không. Nhưng nếu cô bé đã làm gì thì sao? Chẳng sao cả. Cách cô bé xử sự làm tôi không chút mảy may nghi ngờ gì rằng những cô gái trẻ luôn thích vui vẻ bất chấp những thay đổi kế hoạch bất chợ không ngờ. Họ cùng với nhau đã chứng tỏ khả năng cuốn theo dòng của họ và không bận tâm đến những chuyện nhỏ.

          Điều thú vị nhất tôi phát hiện ra là cảnh hầu hết mọi người còn lại đều nổi giận, bực bội và thất vọng. Bạn có thể nói rằng cả buổi tối của họ đã bị ảnh hưởng xấu chỉ vì họ không biết cách để cuốn theo dòng. Tôi đoán là hầu hết những người xếp hàng ở đó đều là những người có kinh nghiệm đi xem phim. Và tôi dám chắc là mười chín trong hai mươi lần mọi việc đều diễn ra êm ả và họ có thể xem được bộ phim mình yêu thích. Nhưng “cuộc sống thực” không hoàn hảo như vậy nên cũng có lần bị hụt chứ, phản ứng điển hình là họ sẽ thất vọng và quá khích.

          Tôi có thể dẫn ra hàng trăm câu chuyện tương tự khi hầu hết mọi người trong cuộc đều bị căng thẳng và quá khích chỉ vì những chuyện vặt vãnh. Tất cả những câu chuyện đó đều có một mẫu số chung: không thể cuốn theo dòng và khiến những thất vọng nhỏ trở nên quá nghiêm trọng. Hơn nữa, người mà không thể cuốn theo dòng là một trở ngại quanh quẩn vì bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng của họ.

          Đây là một chủ đề đáng để suy ngẫm bởi vì không chỉ có những lợi ích bất ngờ mà mà còn rất dễ học. Những điều cần có để thực hành được nó chỉ là sự sẵn lòng tự nhủ rằng mọi thứ mà ta cảm thấy bực mình không hoàn toàn khó chịu như chúng ta nghĩ.

          Hãy tự nhủ rằng luôn có những điều bất tiện và rắc rối mà ta phải giải quyết. Đó là một phần của cuộc sống, nó có diễn ra như thế cũng chẳng sao. Khi bạn bắt đầu làm cho bản thân nhận ra được sự thực này và khi bạn dễ dàng chấp nhận nó hơn thì bạn cũng sẽ trên con đường dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc và thanh thản hơn.

          96 – Thử áp dụng những phản ứng trì hoãn


          Tôi nghĩ là phần lớn những cuộc chiến, cãi vã, xung đột, bất đồng đều có thể tránh được nếu có nhiều người biết cách áp dụng những phản ứng trì hoãn. Một “phản ứng trì hoãn” đơn giản là một phản ứng lưỡng lự có chủ ý giữa lúc sự việc xảy ra và lúc bạn phản ứng lại sự việc. Nó tạo nên một khoảng trống giữa những cảm giác bị chọc tức của bạn và lúc bạn phản ứng lại việc bị chọc tức đó.

          Phản ứng trì hoãn trái ngược với phản ứng bản năng tức thì. Phản ứng bản năng tức thì như đã biết là một phản ứng tự động. Đó là một phản ứng ngay lập tức (thường là tiêu cực) với những dạng kích thích. Ví dụ, nếu có người đặt biệt danh hay trêu chọc bạn, bạn nổi nóng liền. Khi nghe một tin xấu, chưa kịp thở bạn đã hoảng hốt ngay. Không hề có khoảng trống, chỉ là những hành động vội vã. Có lẽ bạn cũng thấy là những phản ứng hấp tấp này đã gây hậu quả không mấy tốt đẹp cho bạn và những người liên quan.

          Tuy nhiên, rất thú vị nếu bạn quan sát xem sự giận dữ, sợ hãi hay những cảm xúc khác nhanh chóng tiêu tan như thế nào nếu bạn kiềm nén phản ứng của mình lại – dành một phút để lắng dịu, hít một hơi sâu, tạo một khoảng trống. Bạn sẽ nhận thấy những điều có vẻ rất khủng khiếp lúc đó dường như đã bớt hẳn tính khủng khiếp ngay sau đó. Hoặc những điều làm bạn giận đỏ mặt ngay lập tức một lúc sau sẽ chỉ còn là một chút khó chịu.

          Bởi vì những điều làm ta thực sự giận dữ (hay buồn chán, căng thẳng, lo lắng) hiện tại có lẽ sẽ không còn quá trầm trọng nữa ngay sau đó. Thế nên có những vấn đề đặt ra: Nếu những điều mà sau đó ta thấy không đến nỗi quá tệ thì cớ gì trước đó ta lại cư xử thái quá? Tại sao lại phải gào lên, la hét và thất vọng, căng thẳng nếu lát nữa những cảm giác đó sẽ bớt đi?

          Hãy nghĩ về những cuộc xô xát bạn đã từng chứng kiến và những câu trả miếng xúc phạm người khác. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu cuộc sống bị tiêu tan và tổn thương – và có bao nhiêu người đang phải ngồi tù – chỉ vì có người không kiềm mình được khỏi những phản xạ bản năng.

          Hãy tưởng tượng một chút, chuyện gì sẽ xảy ra nếu có người chịu đựng những lời khó nghe hay những nắm đấm đe doạ bằng thái độ lưỡng lự, hít một hơi dài và áp dụng những phản ứng trì hoãn. Thế giới vẫn chưa hoàn hảo nhưng chắc chắn là nó cũng rất thanh bình.

          97 – Hãy luôn nhớ rằng nếu cánh cửa này đóng thì có cánh cửa khác đang mở


          Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây căng thẳng, buồn bực, chán nản là khi ta cảm thấy cánh cửa trước mặt bị đóng lại, cứ như một chương trong cuộc đời ta đã trôi qua. Ta có thể cảm thấy buồn bã, mất mát, đau khổ và có lẽ trên hết là nỗi sợ vu vơ.

          Một trong những nguyên nhân thường xuyên gây nên căng thẳng là khi bị chia tay với người yêu, hoặc khi dọn đến chỗ ở mới. Bạn cảm thấy như cuộc đời sẽ không bao giờ còn được trở lại như xưa. Cũng có thể có cảm giác như vậy khi bạn hoàn tất một công việc khó khăn mà bạn thích làm, xong rồi cứ thấy những mong muốn, cơ hội dường như không còn nữa.

          Một sự thật dễ chịu của cuộc sống nên được nhớ là khi một cánh cửa đóng lại thì luôn có một cánh cửa khác tự động được mở ra. Không hẳn là ngay lập tức, nhưng rất hữu ích nếu bạn biểt rằng đó là sự thật.

          Bạn có thể có những người bạn đã từng rời bỏ do chuyển trường mới hoặc quyết định không chơi với bạn nữa. Và thực đau lòng khi điều đó xảy ra, những chuyện như vậy dần dà sẽ không còn là chuyện quá quan trọng trong đời bạn nữa, mà bạn để dành thời giờ, công sức để thiết lập những mối quan hệ mới. Đây không phải là thuyết “coi như mọi việc đều ổn thoả” mà là một cách nhìn xác thực về cuộc sống. Bạn càng ngẫm nghĩ về ý tưởng này thì bạn sẽ càng cảm nhận được ý nghĩa của nó.

          Thuyết này đã giúp tôi trong rất nhiều lúc chuyển tiếp cũng như những khi thất vọng trong đời, giúp tôi tìm lại được cảm giác thanh thản. Khi là một thiếu niên, tôi đã từng là vô địch môn tennis, tôi đã rất siêng năng tập luyện, hầu như ngày nào cũng tập trong nhiều năm liền. Khi phải bỏ chơi để chuyển sang việc khác, tôi đã chấp nhận sự thay đổi này dễ dàng hơn vì biết là một cánh cửa mới sẽ mở ra. Thay vì tiếc nuối hay buồn bã, cảm giác ban đầu của tôi là nhiệt tình với những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nếu tôi tiếp tục chơi tennis thay vì đi theo lòng can đảm, chắc là hôm nay tôi chẳng thể viết được cuốn sách này.

          Tôi khuyến khích bạn đưa ý tưởng này vào những suy nghĩ nghiêm túc.

          Hãy nghĩ lại xem đã có bao nhiêu lần trong đời bạn đã kết thúc điều gì đó chỉ để bắt đầu một điều gì tốt hơn và có cần thiết phải kết thúc việc đó không. Hãy thử dùng triết lý như thế này vào giữa những chuyển đổi đó, bạn sẽ thấy mình đi qua cuộc sống mà ít phải gắng sức hơn


          Comment


          • #35
            98 – Chấp nhận thái độ “rồi điều đó sẽ qua

            Có thể bạn đã nghe câu “Rồi điều đó sẽ qua” rồi nhỉ. Đây không phải là một câu đúng lắm về mặt lý thuyết. Hơn nữa, đó là một câu đáng để thử nghiệm, bởi vì nếu bạn thử áp dụng nó cuộc sống thường nhật của bạn sẽ dễ chịu và đỡ căng thẳng hơn. Bạn cũng có thể làm cho những giây phút khó khăn trong cuộc sống cũng dễ chịu hơn.

            Người ta thường nói nếu không phải là điều chắc chắn thì mọi thứ trong đời đều đổi thay. Mỗi ngày đều bình minh rồi lại hoàng hôn. Không có kinh nghiệm nào là mãi mãi. Mỗi suy nghĩ của bạn rồi cũng qua đi. Cũng như mỗi hơi thở. Chúng ta được sinh ra, lớn lên và già đi. Cuộc sống luôn luôn thay đổi.

            Bạn đã có lúc là một đứa con nít, nhưng giờ thì đã thành một thiếu niên. Một năm học có khai giảng rồi cũng bế mạc. Chúng ta có những bế tắc, rồi chúng cũng được giải quyết. Có lúc bạn bị cảm cúm, nhưng bây giờ thì khoẻ ru. Nếu đã lỡ bị gãy tay thì bây giờ cũng liền rồi, phải không? Một số điều nổi tiếng lên rồi cũng có lúc nó phai nhạt dần. Luôn luôn là thế đấy. Âm nhạc của 5 năm về trước hiếm được nhớ đến. Bạn cứ nghĩ là những loại âm nhạc phổ biến bây giờ sẽ phổ biến hoài nhưng mà nó đâu có vậy. Khi yêu, người ta nói: “Cảm giác này sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi”, vậy mà nó lại đổi thay! Bạn đã từng xấu hổ đến mức không dám chường mặt ra, và cứ nghĩ là mình sẽ xấu hổ đến chết. Mấy hôm sau cảm giác xấu hổ bay biến, mà cũng chẳng ai để ý. Ai đó hằn học với bạn, hay bạn hằn học với ai đó, cho đến khi mọi thứ thay đổi và các bạn lại thân thiết bên nhau như thể chưa hề có xích mích gì xảy ra.

            Một đội bóng thắng giải thế giới làm nức lòng những người cổ động. Nhưng năm sau đó, đội bóng đó bị thua chót. Bạn đã từng ngàn lần ở trong tâm trạng không vui, rồi thì cũng hết. Không có gì là ngoại lệ. Hơn nữa, mọi thứ rồi sẽ trôi qua.

            Biết là mọi việc rồi sẽ qua đi rất có ích. Không hề có gì là ngoại lệ, có nghĩa là nếu bạn buồn, bạn không thể cứ buồn mãi được. Nếu bạn tức giận, sự tức giận sẽ bớt đi. Nếu bạn thất bại, bạn cũng sẽ khoe khoang trở lại. Nếu ai đó xúc phạm bạn, cảm giác đó sẽ thay đổi. Nếu bạn thất tình, bạn sẽ có mối tình khác. Hơn nữa, có những điều chắc chắn trong việc biết rằng dù cho là chuyện gì, dù có khó khăn đến đâu thì rồi nó cũng sẽ qua đi. Bạn có thể tin vào điều đó.

            Một người bạn thân của tôi tên Robert và bạn gái của cậu ấy đã chết do bị một tên say rượu đụng xe khi họ trên đường đi ăn đám cưới của tôi. Đó là một kỷ niệm đau buồn nhất mà tôi từng có. Lúc đó, tôi gần như hoãn đám cưới của mình lại, tôi khóc suốt đêm và nghĩ là nỗi đau này sẽ không bao giờ phai nhạt. Và ngày hôm ấy, tôi vẫn nhớ đến cậu ta lắm (tôi còn chào với tấm hình của cậu ấy mà), nỗi đau đã chuyển thành sự trân trọng. Tôi cảm thấy may mắn vì đã quen biết cậu ấy và có thể gọi cậu ấy là bạn. Những gì giúp tôi vượt qua được nỗi đau là niềm hy vọng rằng tất cả những nỗi đau cuối cùng rồi cũng sẽ qua đi. Rồi điều đó sẽ qua, tôi đã từng nói như thế, mà đúng là như thế.

            Khi đó tôi đã học được cách làm cho điều khôn ngoan đó thành sự thật trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Đó là một thái độ rất thực tế để chấp nhận.

            Khi bạn hoàn toàn xác định rằng mọi thứ rồi cũng sẽ qua thì sẽ dễ dàng hơn để cho mọi việc trôi qua, đặc biệt là những “chuyện nhỏ”. Quan điểm này làm cho bạn an tâm là mọi việc đều ổn thoả. Nó cho bạn hy vọng và lòng tự tin rằng mọi thứ đều không đến nỗi tệ như mình tưởng. Nó khiến ta tha thứ và giữ tính khôi hài dễ dàng hơn. Mọi thứ đều không trầm trọng, đau khổ hoặc quá khó khăn nếu ta biết được rằng điều đó không phải là vĩnh hằng.

            Những gì còn lại đảm bảo rằng những gì bạn định trải qua, dù lớn hay nhỏ, rồi cũng sẽ qua đi.

            99 – Lắng nghe lời cảnh tỉnh

            Khi nhìn lại thời niên thiếu của mình, rõ ràng tôi đã nhận được rất nhiều lời cảnh tỉnh. Khi tôi hỏi những người khác, họ cũng như vậy. Nhiều người chỉ biết trân trọng những lời cảnh tỉnh khi đã quá muộn.

            Những lời cảnh tỉnh có thể là bất cứ việc gì từ một trận cãi nhau với anh chị em, dù cãi nhỏ hay dữ dội, cho đến bị bắt vì tội quay cóp trong bài kiểm tra và bị đuổi học. Trong cả hai trường hợp đó, hay trong nhiều trường hợp tương tự, kinh nghiệm đó có thể đem đến cho bạn sự hụt hẫng dù ít dù nhiều và cảm giác như “Ồ, không đâu, tôi đã làm gì nên nông nỗi này?” Bạn có thể cảm thấy lúng túng, ngại ngùng, hay có thể bứt rứt, căng thẳng. Trong bất kỳ trường hợp nào, đó cũng là thông điệp mà bạn phải nghe.

            Tuy bạn thường không thích hay không biết ơn những lời cảnh tỉnh khi nó đang xảy ra nhưng khi điều đó đã qua đi bạn thường hay nhìn lại và xem nó như một kinh nghiệm cực kỳ quý giá trong cuộc sống. Tôi đã nghe một câu chuyện về một cậu bé bị bắt về tội ăn trộm. Đó là một câu chuyện nhục nhã, đau lòng. Vậy mà cậu bé đã lớn lên thành một người đáng yêu, tốt bụng và rộng lượng, người đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của người khác. Khi được hỏi, cậu ta nói về kinh nghiệm kinh khủng đó như một điều tối quan trọng trong suốt cả cuộc đời cậu. Cuối cùng, đó hoá ra không phải là một bi kịch bởi vì cậu ta đã học được rất nhiều từ chuyện đó.

            Có hai điều có thể xảy ra sau lỗi lầm, sự cố là bạn có thể giả vờ như điều đó không hề xảy ra, chối bay chối biến, bỏ chạy và ráng hết sức tránh né hậu quả hoặc là bạn có thể nói với bản thân và người khác là “Tôi sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và sẽ hối cải từ sau chuyện này”. Quyết định này là một điều thực sự khó khăn trong cuộc sống, nhưng nó sẽ làm thay đổi cuộc sống sau này của bạn rất nhiều.

            Vừa mới đây có người hỏi tôi rằng tôi nghĩ cái gì là phao cứu hộ cho tuổi thiếu niên. Câu trả lời của tôi là rất khó nói nhưng lắng nghe những lời cảnh tỉnh nhất định là đứng hàng ưu tiên trong danh sách. Tôi tin rằng đó là sự thật bởi vì nhân vô thập toàn.

            Chẳng có ai mà không bao giờ mắc phải sai lầm, nếu ai nói ngược lại thì người đó nói dối hay tự đánh lừa bản thân. Cho nên vấn đề còn lại là “Bạn sẽ làm gì với những lỗi lầm đó?” Bạn sẽ lắng nghe những gì chúng dạy cho bạn hay không? Tôi hy vọng là bạn sẽ ghi nhớ lỗi lầm đó và lấy đó làm bài học kinh nghiệm sau này.

            Hãy tiếp tục hành trình của bạn

            Khó khăn nhất khi viết quyển sách này là lúc quyết định phải dừng ở đâu. Tôi hy vọng rằng quyển sách này đã là một nguồn cảm hứng, nó hữu ích đối với bạn, và bạn sẽ thực sự yêu thích nó. Nếu có thể, hãy đọc lại và thử áp dụng những sách lược này vào cuộc sống của bạn xem.

            Có lẽ bạn có thể cảm nhận được văn phong của tôi và nội dung mà tôi muốn gởi gắm. Tôi tin rằng bất kỳ ai đọc quyển sách này cũng có khả năng trở nên tử tế hơn, lịch sự hơn, hạnh phúc hơn, sáng suốt hơn và sáng tạo hơn. Tôi mong là bạn cảm nhận được rằng để bớt “stress” đi thì cũng không phải thay đổi lớn lao gì. Đó không phải là một cuộc thi nên bạn chẳng cần phải mất công nhiều. Thay vì vậy, nên nhớ: có công mài sắt, có ngày nên kim. Một số bạn đọc sách này nói: “Dễ ợt, tôi làm cái một”. Họ nói đúng đấy. Cho nên họ chỉ thay đổi chút xíu trong cách cư xử và hành vi, và mọi chuyện đã thay đổi. Họ thấy vui vẻ lên một chút, thoải mái hơn một chút, giải quyết xung đột dễ dàng hơn, cởi mở hơn với mọi người. Thế nên họ tiếp tục thay đổi nữa.

            Nếu bạn đã học được những điều mới mẻ hay có được sự sáng suốt, hoặc giả cuộc sống của bạn diễn ra theo hướng tích cực hơn thì tôi khuyên bạn nên đi tiếp cuộc hành trình của mình đi. Hãy đọc những quyển sách tâm lý khác, tiếp xúc với những người hạnh phúc, tham dự những khoá học mở ra những điều mới lạ trong cuộc sống, tham gia các hoạt động đoàn thể, hãy rộng lượng và khoan dung hơn. Hãy ưu tiên cho những việc tốt, lòng nhân đạo, sự hào phóng và hạnh phúc trong cuộc sống. Hãy dùng thời giờ của mình khôn ngoan hơn vì cách bạn sử dụng thời giờ của ngày hôm nay sẽ xác định cuộc sống tương lai.

            Đừng kết luận quyển sách này đã kết thúc, mà hãy xem nó như một sự khởi đầu. Bằng cách trở nên hạnh phúc hơn và học được cách không bận tâm đến những chuyện vặt vãnh nữa, bạn đã không chỉ tự giúp bản thân mình mà bạn còn trở thành một công cụ giúp thế giới nối vòng tay lớn. Cuối cùng, khi bạn đã có những cảm xúc bạn muốn và cần thì bản năng tự nhiên của bạn sẽ rộng mở hơn với người khác. Đó chính là mong muốn lớn nhất của tôi.

            Dù nghe có vẻ cải lương nhưng tôi vẫn nói, bạn là tương lai của thế hệ chúng tôi, bạn có thể làm nên sự thay đổi. Bạn thật quan trọng và bạn có đủ năng lực để không phải bận tâm đến những chuyện vặt vãnh.

            Hãy trân trọng món quà của cuộc sống.

            Comment

            Working...
            X