Announcement

Collapse
No announcement yet.

Sờ Voi Nhật bản

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Sờ Voi Nhật bản

    SỜ VOI NHẬT BẢN


    Lời giới thiệu : Một cách tình cờ và may mắn, đề bài nầy đã trở thành một đề tài viết chung của nhiều thành viên trên diễn đàn . Đó là các bạn :

    Nguyễn thiện Toản (74 KCN), Lao minh Khai ( 74KCN), Trúc Lâm (77Knc), Hiền Trần ( 74Knc) , Phương Lê (74Knc ),Từ Thụy ( thân hữu ), Kim Dung (74Knc), anh Nguyễn mạnh Hùng ( 72CKO) và có thể còn có thêm tên của chính bạn nữa . Mời các bạn nghe chúng tôi " tả voi " cho vui .

    ---o0o---



    Các bạn thân mến !

    Có một ông vào bệnh viện nằm liệt giường mất mấy ngày , được mấy cô y tá niềm nở săn sóc tận tình và chu đáo . Ngày xuất viện , ông ta thổ lộ ước mơ của mình : Giá như trời cho tôi một người vợ là y tá thì chắc là đời tôi sung sướng lắm thay !

    Trật ! Trật rồi ông ơi . Y tá chỉ săn sóc bệnh nhân 8 tiếng mỗi ngày , khi về nhà là lúc Y tá gần hết xí quách cần nghỉ ngơi , coi TV , đọc báo thư giãn , thậm chí còn phải được người nhà săn sóc để lấy sức mà chịu đựng cho ngày hôm sau .

    Có một bà lật đật bỏ dép ngoài cửa để bước vào nhà của bạn mới quen . Căn nhà thoáng mát , đồ đạc ngăn nắp sạch sẽ đến từng góc phòng, thậm chí gầm giường kệ tủ cũng không dính một hạt bụi . Lúc ra về bà ta thổ lộ ước mơ : Giá như tôi được diễm phúc trở thành người nhà sống trong ngôi nhà đó ...

    Lại trật ! Trật nữa rồi bà ơi . Mọi thứ trong nhà đều không thể tự nhiên mà ngăn nắp sạch sẽ . Nói trắng ra , đằng sau sự sạch sẽ và ngăn nắp đó là cả một bộ luật lao động khắc khe áp dụng 24 giờ mỗi ngày cho toàn bộ người nhà , nếu chẳng may trở thành “liên tử” của nhà đó liệu bà còn giữ niềm mơ ước ?

    Với lối suy nghĩ có thể không giống ai như vậy giúp tôi tự tin , khăn gói làm một một chuyến đến nước Nhật vào cuối năm 2015 và đây là bài viết để các bạn đọc cho vui , mô tả những gì tôi sờ voi trong 2 tuần ở đó . Nếu may mắn có bạn nào sờ voi cùng chổ , thấy tôi tả trật góp vài hàng chia vui thì không có gì bằng !




    Chúng ta bắt đầu bằng tấm hình chụp người tài xế đang lái xe bus đến vùng Hakone . Trước mặt anh ta có ít nhất 4 cái kính chiếu hậu để nhìn xe bên phải , bên trái và hành khách trong xe . Đến mỗi trạm , trước khi cho xe chạy hoặc dừng anh ta dùng tay và miệng để chỉ và ra lệnh cho chính mắt của anh ta quét qua từng cái kính một . Động tác nầy được lập lại như một cái máy bất kể hoàn cảnh nhiều khi không cần thiết như đường vắng hoe, trong xe 5-6 người khách ngồi bất động .

    Nhớ lại đầu thập niên 1990 tôi có cơ hội làm việc với người Nhật qua nhiều ngày bị công ty gởi đi học cách sửa chữa printers hiệu OKI . Hồi đó ở Úc tất cả printers hư thì phải sửa chứ không vất đi như bây giờ . Mặc dầu được đối xử như khách mời nhưng thật tình tôi không thích cách làm việc của họ . Theo đó kinh nghiệm nhạy bén của mỗi technician (tay nghề ) không quan trọng bằng anh ta phải làm đủ mọi thao tác được ấn định trong một thời gian ngắn nhất .Tóm lại, họ huấn luyện người ta làm việc như robot theo một lập trình được cho là tối ưu . Ai có sáng kiến chắc chắn sẽ được thâu tóm để nghiên cứu tuy nhiên khi làm việc thì không có tùy cơ ứng biến , mơ hồ kiểu "hư đến đâu sửa đến đó" !

    Đại khái , cách làm việc như vậy trong sản xuất, công ty sẽ có lợi vì năng suất cao , người tiêu dùng sẽ có lợi vì sản phẩm chất lượng, nhưng về phía công nhân có lẽ phải chịu nhiều thiệt thòi : công việc nhàm chán lại luôn bị thúc bách bởi chỉ tiêu . Mặt khác càng làm lâu càng trung thành với chủ vì kinh nghiệm kiểu này xem ra không tạo được nhiều ấn tượng khi đi xin việc chổ khác .

    Một trong những ngày đầu đến Nhật , tôi lang thang vào một khu có nhiều tiệm ăn đông người thì được một ông già ăn bận lịch sự cúi đầu chào . Phản ứng tự nhiên ,tôi cúi đầu chào lại rồi tiếp tục đi tìm đồ ăn và kín đáo quan sát ông ta ...để rút kinh nghiệm vì không chắc ông ta đã chào mình ! Nhìn ông già , tôi thấy ổng già hơn tôi cỡ vài tháng , đứng gần cổng chánh chỉ để làm một nhiệm vụ duy nhất : cúi đầu chào khi có khách đi vào có lẽ để welcome , khách đi ra để thank you , thế rồi khách không ăn cũng được chào , lớn cũng chào , nhỏ cũng chào . Nói chung ông ta cúi chào lia lịa từ giờ nầy qua giờ khác . Tôi thấy ông ta mệt , mệt đến độ mắt mở không ra nhưng vẫn đứng nghiêm và thỉnh thoảng vẫn cúi đầu chào cho dù không thấy ai đi qua hết ! Bất giác tôi nghĩ nếu như tôi là ông ta chắc thế nào cũng tìm cách tàng hình một lúc cho tươi tỉnh rồi ra chào tiếp hoặc hay ho hơn thì chế ra một con robot điện , có cái trục bằng bạc đạn để thay mình cúi đầu chào khách mỗi ngày cả ngàn lần mà không bị gãy cổ . Thế nhưng cũng có thể vì một lý do nào đó khiến tôi cũng làm đúng như ông ta đang làm ...

    Với suy nghĩ như vậy , kể từ hôm đó cái cúi đầu chào của người Nhật đã trở nên thân thiện với tôi hơn cho dù thỉnh thoảng thấy họ cúi chào chiếc xe lửa , chào chiếc tàu bay .

    Còn tiếp !



  • #2
    "Tóm lại, họ huấn luyện người ta làm việc như robot theo một lập trình được cho là tối ưu".

    Đã từng làm việc với người Nhật, tôi công nhận câu này đúng. Nhưng còn thiếu vài chữ nối tiếp:"....cho dến khi có cải tiến mới hơn."

    Thói quen của họ là phải làm đúng quy trình, và làm trong thời gian ngắn nhất, vì các quy trình đó đã được nghiên cứu tỉ mĩ bởi những bộ phận cải tiến (Kaizen), đồng thời vì đòi hỏi của các tiêu chuẩn ISO hay JS (Japan Standard). Tuy nhiên, bộ phận Kaizen có thể sẽ thay đổi quy trình đó cho hiệu quả hơn, đến lúc đó người thực hiện phải tập làm theo thói quen mới. Có khi đó không chỉ là thói quen mà là sự áp đặt của của xếp bự, đi theo khuôn mẫu kỷ luật nhà binh của xứ Nhật.

    Tuy nhiên, cái cách hành xử đó nếu áp dụng trong nhà máy sản xuất thì sẽ tốt về mặt năng suất lao động, nhưng cũng vẫn có nhiều hạn chế như không thể phát huy sáng kiến, tâm trạng buồn chán (NTT đã nói), gây hiệu ứng "siết bù lon' của Charlot trong phìm "Thời Đại Tân kỳ" (Quên tên tiếng Anh rồi, hình như là The Modern time), và đòi hỏi phải có sự nhịp nhàng đồng bộ trong các công đoạn, nhất là nếu quy trình sai thì tiêu cả núi sản phẩm...

    Vấn đề ở đây là những hành xử như vậy làm giảm đi sự năng động và tăng cao áp lực công việc. Nếu NTT có dịp đi xe công cộng, sẽ biết ở bên đó ai là người đi làm, thể hiện qua việc ngủ gà ngủ gật trên chuyến xe về sau giờ làm việc, không biết về nhà có dọn cơm, rửa chén phụ vợ được hay không. Bởi vậy mấy cô VN muốn kiếm chồng theo quan điểm Tây phương thì chớ có ưng các anh con cháu Thiên Hoàng...

    Dù sao đi nữa, giửa nhiều lựa chọn, họ phải chọn một, và họ chọn như vậy chắc có lý do riêng, biết đâu do lúc khởi thủy, anh Minh Trị Thiên Hoàng chọn một phát, sau khi tất cả đã vào cuộc, "ngựa đã thuần cương" thì không anh nào dám thay đổi, cuối cùng trở thành cái "cứng ngắt" như NTT nhận xét.

    Hehehe, bảo đảm là trong những ngày tiếp theo trong chuyến Nhật Bản Thám Du, chắc NTT còn gặp nhiều cái không hài lòng, nhưng thôi, kệ tụi nó, tao ở xứ tao mày ở xứ mày, mắc chi mà ghét hay thương cái người dưng khác "nước".:giveme5:

    Comment


    • #3


      Cám ơn anh NTT đã chia xẻ với bạn đọc những chổ anh bị nhạy cảm với voi NB. T có mấy ý riêng cuả mình về hai trường hợp anh nêu ra:

      Sống trong xã hội nặng về công nghiệp, T thấy những quy trình trong sản xuất hay trong việc làm là cần thiết, ngoài việc nó đạt được kết quả tối ưu, trong đó còn có vấn đề an toàn (safety), tránh được tai nạn do sự lơ đểnh, bất cẩn, rủi ro…. cũng là điều phải tuân thủ. Người tài xế lái xe bus phải làm những điều hãng đã huấn luyện (training) khi họ ngồi sau tay lái cuả xe bus cuả hảng, không được ‘shortcut ‘, không được tự tiện thêm bớt vì đó là quy trình đã được kết hợp lại từ nhiều nghiên cưú và sáng kiến trước khi đem vào huấn luyện cho nhân viên. Họ làm những động tác dù trên xe không có người hay ở ngả tư đường vắng vẻ, hay có vẻ máy móc dưới con mắt cuả người khác. Tất cả chỉ là an toàn mà thôi. Hảng không bao giờ huấn luyện nhân viên làm những chuyện dư thưà trong công việc, hay tự ý riêng, trái lại phải theo đúng ‘spec’ 'procedure', nếu không sẽ bị kỷ luật hay mất việc như chơi.

      Những xứ mà huấn luyện người ta làm việc như cái máy, như 'robot' như vậy có bị thiệt hại về mặt phát huy sáng kiến không (creative) ?

      T nghĩ ở thời đại phôi thai cuả việc sản xuất dây chuyền như trong phim Charlot thì có nhưng bây giờ thì không hẵn như vậy. Hãng luôn khuyến khích nhân viên có sáng kiến trong công việc, ở Mỹ họ thường nói 'work smart not work hard'. Nhưng những sáng kiến cuả nhân viên phải được nghiên cứu trước khi áp dụng để tránh tình trạng làm việc theo lối chủ quan. Nhật, Mỹ, Anh, Úc, Đài Loan, Đại Hàn.., và nhiều nước khác nưã là những nước tiến bộ về mặt kỹ thuật rất nhanh đó là nhờ sự kết hợp hài hoà về sáng kiến và những quy trình sản xuất gần như tuyệt hảo và lúc nào cũng vươn tới sự cải tiến. Dân chúng ở những xứ này có đời sống ấm no đầy đủ là nhờ sự phát triễn kỹ nghệ.

      Mấy ngày đầu ở NB, T lấy làm lạ là sao người Nhật hay chào vậy. Ở tiệm bán hàng nhân viên chào khách đã đành, nhân công sở lục lộ (construction workers) khi họ rảnh tay họ cũng chào người đi đường ngang qua họ, mấy người dọn dẹp trên xe điện… cũng chào, họ chào ông đi qua bà đi lại, họ chào toa xe điện… như anh Toản nêu lên, mà họ chào coi trịnh trọng lắm, chứ không phải là cái cúi đầu nhẹ.

      Hôm ở Kyoto station, Isetan là một ‘department store’ lớn như ‘mall’ ở Mỹ, lúc họ mở cưả tiệm (10am), khách uà vào vì có một số tới tiệm trước giờ mở cưả vài phút. Hai bên lối đi vào tiệm, là hai hàng nhân viên đứng cúi người chào khách. Nhưng sau đó rồi thì người ta chỉ chào nhau trong sự mua bán.

      Ở Austin, hảng ‘Walmart’ cũng mướn người đứng ngay cưả tiệm, chỉ chào ông đi ra bà đi vô thôi, không làm gì khác cả, có điều cách chào cuả người Mỹ đở mỏi lưng hơn cách chào cuả người Nhật. Có một dạo T làm ở chợ cuả Mỹ (supermarket), đưá nào cũng ngán phải mặc áo như thú nhồi bông, cầm bảng , đứng ngoài đường, quơ qua quơ lại, quảng cáo cho chợ, đứng một tiếng mà chắc nó dài như mười hai tiếng (dân bỏ bịt, học sinh làm bán thời gian hay bị lãnh cái job rất boring này). Những việc làm rất tào lao, làm khổ nhân viên, nhưng đó là việc lãnh lương nên vì miếng cơm manh áo, phải làm thôi.

      Thân mến,

      Trúc

      Comment


      • #4
        Các bạn mến,

        Chà, đề tài sờ voi này vừa gây cấn vừa vui lắm, chắc độc giả cũng như H đều hiếu kỳ đang chờ anh NTT hay những ai đã từng sờ voi NB vào đây tả tiếp chỗ nào đã sờ đấy.

        Bao giờ các anh các chị tả hết, đã mổ xẻ hết những chỗ nào đã sờ rồi thì hê lên một tiếng cho phép người chưa sờ voi bao giờ tham gia đươc không, mà người chưa sờ voi Nhật có được tham gia không vậy?

        Thân ái

        Hiền


        Comment


        • #5
          Các bạn thân mến

          Rất vui và cảm ơn các bạn đã góp tay góp ý "sờ sao tả vậy" để gởi đến bạn đọc một ít dữ liệu hấp dẩn, đem con voi Nhật bản lên diễn đàn .



          Location : Aqua city , Odaiba





          Comment của ông bạn KLM có lẽ ai cũng thấy những gì ông bạn viết đều là những trải nghiệm trong quá trình mấy chục năm làm việc với người Nhật . Qua đó bạn đọc cũng đoán được phần nào những khập khểnh do sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động của 2 bên khi các công ty Nhật bản qua đầu tư tại VN . Trong đó các vị trí senior engineer như ông chắc không tránh khỏi áp lực trên đe dưới búa : một bên là Big boss người Nhật với những kỷ luật quân đội , bên kia là những người thợ VN đầy sáng tạo đang làm chủ tập thể và tránh bị bóc lột giá trị thặng dư !

          Với một thị trường như vậy , con voi Nhật bản sẽ vùng vẩy như thế nào sẽ là những đề tài hấp dẫn mà ít người biết được như Khai .

          Comment của Trúc ,cũng chiếm được sự đồng thuận của nhiều người vì xem ra chọn người tài xế làm việc như robot ở Nhật để du lịch vẩn an toàn hơn nhiều so những nơi khác đang lái đua tốc độ và giành nhau hành khách .

          Bên cạnh đó còn được Trúc chia sẻ thêm nhiều chi tiết thú vị " chỉ thấy ở Nhật " những chi tiết này thường đem đến sự nể phục và cảm tình của thế giới dành cho dân Nhật sau mổi lần họ du lịch tại đây .

          Comment của Bạn Hiền Trần làm mọi người chờ để được đọc những ý kiến của bạn . Với tựa đề "Sờ Voi" thì chính nó đã cho thấy không có sự khác khác biệt giữa đi Nhật rồi hay chưa . Mời bạn Hiền và các bạn khác tham gia " nghĩ sao nói vậy " , cùng với tôi góp tiếng với bạn bè cho vui .

          Thân ái

          NTT

          Comment


          • #6
            Thấy bài viết của NTT mừng hết sức, tưởng rằng ổng chia sẽ thêm vài kinh nghiệm "Thầy bói sờ voi", ai mà dè....Châc chậc, không biết chừng nào mới đọc được tiếp đây, tuổi đã già, thời gian qua mau, biết làm sao mà nhắc người ta đây...

            Híc!!!

            Nhớ lại câu nói của thằng nhóc con trai lớn, thời ngày xưa còn bé, khi mình hứa với nó điều gì mà quên bẵng đi, thì sẽ nghe nó đọc ngay 2 câu thơ:

            "Hứa lời thì giử lấy lời

            Đừng như con Vẹt, nói rồi lại quên"

            Đừng quên nghe NTT...

            Comment


            • #7
              "Mời anh em ra xem năm tiên tri đi xem voi

              Ông thứ nhất mới nói sao mà giống như cái vòi

              Còn ông thứ hai rờ tai nói giống cái quạt phì phà phì phạch

              Rồi ông ba xem chân xong kêu lên

              Sao nó lớn quá lớn to như cái cột nhà cột đình

              Còn ông tư sờ đuôi kêu đúng cái chổi cùn xì xoẹt

              Còn ông thứ năm đụng ngay cái bụng rằng thì giống hệt trống chầu"

              Bài hát "Năm tiên tri đi xem voi" này lâu lắm mới nhớ lại, chắc có vài chổ sai, kệ nó, miễn nhớ được là hay rồi, phải không các bạn, hihihi.

              NTT đang chờ các bạn góp thêm suy nghĩ về con voi Nhật bản, trong khi chờ đơi, mình cũng ráng thêm vài câu để kích thích cái sự cân đong đo đếm của các bạn, cũng là để NTT có hứng viết thêm chi tiết cuộc hành trình nhé.

              So với cảm nhận của Trúc Lâm , chắc tôi xem nhầm cái "Điiiit voi" nên có vài nhận xét khác, qua kinh nghiệm thực tế khi có dịp đi Nhật để kiểm tra thiết bị mới và đánh giá kết quả training của mấy anh em đi tu nghiệp bên đó:

              - Hành trang của chuyến đi, ngoài quần áo, dụng cụ cá nhân và ...mì gói, thì cái cần thiết là phải có khoảng chục món quà be bé xinh xinh, rẻ tiền (đương nhiên rồi, nghèo mà). Đây là những món quà gặp mặt, vì theo tục lệ Nhật Bản, khi bạn đến gặp ai đó (nhiều nghĩa lắm nghen) lần đầu tiên, bạn nên trao cho họ món quà giống như là cám ơn họ đã đồng ý gặp bạn, và đồng thời để kỷ niệm lần gặp đầu tiên (có khi cũng để sau này họ còn nhớ đến cái mặt mốc của mình. . Khi tôi xuống sân bay Kansai (lúc đó phi trường Narita chưa mở rộng nên các chuyến bay quốc tế thường đáp ở Kansai), lúc gặp mặt xếp Nhật (mới biết mặt) đón mình ngoài cổng, tay bắt mặt mừng xong là lấy ngay món quà dành cho ổng ra tặng liền, rồi đứng chờ ổng "Cà ri gà tồ" (Arigato - cám ơn) rối rít, dù chưa biết mình cho cái gì.

              Về đến công ty (Khi đi công tác, dù cho đi hay về, người Nhật thường kéo valy đi thẳng đến nơi làm việc cho đến hết giờ làm việc mới về nhà, hic, mẹ con bu nó ở nhà trông đứng trông ngồi, nỗi niềm biết tỏ cùng ai!!!), xếp dắt tôi đi vòng cả cái văn phòng bự chà bá (Người Nhật sử dụng văn phòng to chung cho tất cả nhân viên, có khi đến vài trăm người) đến tận bàn làm việc để chào các anh Nhật từ xếp bự đến xếp nhỏ, kể cả các anh ngang cấp với mình...Tiếng chào "Cô ni kỳ quá" (Konichiwa - chào mới gặp mặt & cũng là chào buổi trưa) râm rang. Nhiệm vụ của tôi khi đó là móc túi lấy name card, cầm hai tay đưa cho người đối diện, và họ cũng lịch sự hai tay nhận rồi đưa lại cái của họ cũng bằng hai tay (Chỉ các vị đồng cấp thôi, còn các xếp bự hơn thì nhận 1 tay, đưa 1 tay, xếp mà), đồng thời tôi tiếp tục móc quà ra khỏi valy, lại tiếp tục hai tay đưa tặng món quà cho từng người (cái này thì chỉ có đưa mà không có nhận được gì hết).

              Chỉ 1 vòng sơ giao mà tôi thấy ngay cái khác biệt có phân cấp rỏ ràng về địa vị nhé.

              Tây Âu thì thích "Work smart not work hard", còn người Nhật thì " The harder the better" (câu này của tôi chế ra). Nếu bạn thấy ai đó trong cơ quan hết giờ về sớm, có nghĩa là họ làm xong việc rồi, nhưng chưa chắc họ đã về nhà. 90% các trường hợp như vậy thường là phải la cà thêm ở các quán rượu, bia bọt ì xèo, sa kê sa kiếc, ka-ra-ô-kê ô-kiếc đến tối rồi mới về. Không phải họ thích la cà, nhưng nếu họ thường xuyên về sớm, người chung quanh sẽ cho rằng họ không nhiệt tình, tích cực làm việc, kể cả con gấu mẹ vĩ đại, hay người phụ nữ yêu dấu bên cạnh bạn cũng thế. Cái đó cũng là văn hóa Nhật bản tôi được nghe từ chính miệng người bạn Nhật (Không biết hắn có xạo để mượn cớ dắt tôi đi nhậu sau giờ làm việc không?). Mà chính trong công ty tôi, anh chàng Accounting Manager làm việc đến mức hay ngủ lại trong công ty, sáng nào thấy anh chàng vào toilet cạo râu là biết ngay hôm qua mởi ở lại đấy.

              Người Nhật rất tôn trọng người khác, tôn trọng đến mức gặp nhau mỗi ngày trong công ty, mà hễ cứ gặp mặt lại là "Ô hay ôm mát" (Ohaio gozaimatsu = chào buổi sáng & cũng là chào khi gặp mặt) có cúi đầu đàng hoàng, ai chức thấp hơn thì cúi sâu hơn. Bởi thế, tôi thấy phẽ vì mình chào theo kiểu VN, chỉ hơi cúi đầu, trông giống như mình là ông nội tụi nó, hehehe...Cái sự tôn trọng này diển ra giữa cấp dưới đối với cấp trên một cách tuyệt đối, và cấp trên sẽ thấy không hài lòng nếu cấp dưới không tỏ thái độ tôn trọng. Vì thế, sự phục tùng cấp trên là điều tuyệt đối, dù cho xếp có sai thì cũng phải làm theo xếp.

              Tôi nhớ chuyện vui về một đoàn người Nhật được các anh Việt Nam mời đi ăn ở nhà hàng, ăn toàn hải sản, tôm cua mực v.v...Nhà hàng rất lịch sự, họ mang ra cho mỗi người 1 chén nước trà xanh kèm theo các món ăn. Đoàn người Nhật xếp hàng ngồi theo thứ bậc, anh to ngồi đầu bàn, xếp dần dần, đến anh bé nhất thì ngôi sau cùng. Khi ăn, họ cũng noi gương theo anh xếp, anh ăn như thế nào thì họ làm y chang. Đến khi ăn xong cua bễ, xếp không cầm ly bia mà là vớ ngay chén trà uống ực ực... Các chàng còn lại tái xanh mặt, chần chừ rồi cũng nhất loạt bưng chén trà ực vào miệng như uống rượu sake. Cái đó thể hiện sự tôn trọng của người Nhật với xếp, vì họ biết chén trà không phải nước để uống, mà dùng cho việc rửa tay sau khi ăn tôm cua,blablabla...Nhưng khi xếp không biết mà làm sai, thì họ phải khỏa lấp cái không biết đó bằng hành động làm theo xếp để cho tất cả cùng sai, thứ nhất là không mất mặt xếp, thứ hai là có thể đổ thừa là chủ nhà không hướng dẩn cách dùng, khôn ghê chưa...

              Còn nữa và còn nữa, nhưng tôi không có xem những món khác của con voi nên chì kể lại sơ sơ cho các bạn có hứng thú sờ tiếp con voi nhé. Cà ri gà tồ....

              Comment


              • #8
                Sờ Voi Nhật bản ( tiếp theo )

                Chuyến bay từ bắc Úc băng qua biển đông của Philippines trong 6 tiếng đã đưa chúng tôi đến thành phố Osaka Nhật bản . Ngày nay xem ra thế giới đã xích lại gần nhau hơn . Cảm giác Osaka gần hơn Sydney - Melbourne là không tránh khỏi vì lái xe giữa 2 thành phố này phải mất 10 tiếng và mệt mỏi hơn nhiều .





                Location : Osaka Aquarium ( Kaigandori)


                Từ Osaka cũng vì muốn khai thác tối đa trị giá của cái vé Japan Rail pass mà chúng tôi đã vội vã lướt qua các thành phố như Kyoto, Tokyo,Nikko ,Hakone và Nagoya nhanh không thua gì bullet train (xe lửa tốc hành) . Chúng tôi cũng đến các nơi mà du khách đã đến , thăm chùa vàng , chùa nâu mà du khách đã thăm , chụp hình những cái cột mà du khách đã chụp ...





                Du khách đi chùa vàng ( KinKaKu-Ji)


                Thế nhưng , tại trung tâm thành phố Tokyo, hình ảnh dưới đây đã làm cho tôi tá hỏa cho dù với bất cứ lý do gì .






                Thật là "điên cái đầu" cho sự khác biệt giữa Tây phương và Đông Phương ! "Lady first" ở Nhật có nghĩa là Lady ôm càng kéo xe chạy đằng trước còn Gentleman thì bình tâm an tọa ở trên xe, lại còn được phủ tấm mền cho bụi khỏi dính chân !

                Bạn đọc nào cảm thấy bất bình thì thực ra đây chỉ là một dịch vụ thuộc loại "di tích cổ truyền" như những chiếc xich lô đạp ở VN , được đem ra lại và được xã hội chấp nhận như là một trong những hình ảnh độc đáo của Tokyo . Dịch vụ nầy do một nhóm nam thanh niên lực lưỡng đảm trách và Lady...first ở đây chỉ là hinh ảnh chính xác những gì đã có trong quá khứ .

                Thế nhưng những gì đã có trong quá khứ lại là một lady ngay trước mắt ,nhận thù lao ôm càng thở khói xe, hổn hển chạy trên đường phố , vô tình trở thành hình ảnh rất thực để các bạn đoán được vị thế xưa nay của người đàn bà trong xã hội Nhật . Phải chăng lời cảnh cáo của anh bạn KLM không hề trật : " mấy cô VN muốn kiếm chồng theo quan điểm Tây phương thì chớ có ưng các anh con cháu Thiên Hoàng..."

                ( Trên internet có nhiều bài viết về dịch vụ xe kéo này ở Nhật , bài Japanese Rickshaw rolling in style là một trong những bài đó . Các bạn click vào đọc thêm cho vui ) .

                Một lần nọ khi xe lửa đến ga trong giờ cao điểm , vợ tôi lên trước với một đống lỉnh kỉnh bao bì túi xách còn tôi lên sau đứng cách đó 2 m , trên tay chỉ có một cái camera nhỏ , tâm trí lúc đó chỉ nghĩ tới chuyện chụp hình . Sau một hồi 2 tên đứng ngả nghiêng trên xe với thiên hạ thì có một chổ trống ngay trước mặt vợ tôi . Không biết sao cô ta lại kéo tôi tới ngồi chổ đó lại nhất định không chịu san sẻ hành lý ! Tôi ngồi xong mới cảm thấy áy náy vì không ga lăng ( gallant ) tí nào với vợ hiền . Tôi ngước lên thì lạ lắm các bạn ơi ! mọi người nhìn tôi với ánh mắt đầy cảm tình !

                Lúc xuống xe tôi kể lại như vậy cho vợ nghe và có ý khen cô ta đã học được những đức tính của người phụ nữ Nhật .

                - Trật ! trật rồi anh ơi . Phụ nữ VN khác với phụ nữ Nhật, tại cái ghế đó có hàng chữ ưu tiên cho người già ... như anh .

                Còn tiếp !


                Comment


                • #9
                  Con không có gì làm vật hy sinh

                  Con không có gì làm vật hiến tế

                  Sau khi chiều về con ước an lòng

                  Sau khi chiều về con đến bên Cha

                  Con đến bên Cha với làn da khô

                  Con đến bên Cha bàn tay chai cứng

                  Con dâng lên Cha một ngày lao động

                  Con dâng lên Cha một ngày con yêu

                  Mỗi sáng con thức dậy

                  Con sẽ bước đi vào đời

                  Đem sức lao động dựng xây thế giới

                  Dâng Cha một ngày vui

                  Đem sức để yêu người

                  Con tạo tình thương thành lễ hiến dâng



                  ( Thấy cái hình phụ nữ chạy bộ kéo xe đó, H bị sốc, cứ hát nghêu ngao bài hát trên, chưa biết khi nào có thể vào đây viết tiếp. Thân ái. Hiền)

                  Comment


                  • #10
                    Các bạn mến , khi vừa thấy hình cô gái , P cũng xúc động lắm ! Theo P nghĩ nghề nào cũng cao quý , nhưng dáng dấp cũng như nét mặt cô hiện lên sự cố gắng lúc kéo xe , P thấy tội nghiệp làm sao ? sao cô không chọn cho mình một công việc phù hợp với phụ nữ hơn nhỉ ? Như ở Vn ngày xưa cũng có xe kéo , ngày nay có xích lô nhưng việc này xưa nay chỉ có nam nhi chia nhau đảm trách mà thôi ! Nghĩ tới đây P lại tưởng tượng nếu có ngày nào P được đi thăm Nhật bản , khi đó nếu được hai người mời đi xe kéo , một nam , một nữ . P không biết chọn ai đây ? Chọn anh nam tội cho cô nữ , không có khách thì không có tiền , còn chọn cô nữ mình lại không đành tâm an tọa trên xe cho cô ấy ... kéo tí nào !!! hic

                    Đúng là chuyện nhạy cảm quá , còn nhạy cảm hơn cả robot tài xế !:shocked2:

                    Ah , anh Toản du lịch ở Nhật mới có mấy ngày thôi P thấy hình như Anh Toản cũng hơi hơi giống người Nhật rồi đó , , Các bạn thấy không ? trong khi cách nay vài tháng khi du lịch ở Pháp anh rất gallant như gentleman của Pháp , vừa xách túi quà cho hiền thê vừa ngắm cảnh cơ mà ? :cuoilan:

                    Thân mến

                    PL

                    Comment


                    • #11
                      Bạn hiền quả thật khéo khi chọn đề tài viết về Nhật Bản mà không bị trùng khớp với loạt bài đã viết của TL, còn gợi được sự tò mò của mọi người. tâm phục, tâm phục....

                      Đề tài lần này NTT chỉ ra một sinh hoạt trong xã hội Nhật, hình ảnh cô kéo xe làm nhiều người thương cảm, chắc cũng có người cho rằng đây là khía cạnh xấu của xã hội Nhật. Dù cho các bạn có thấy ra sao đi nữa, theo tôi thì người Nhật xem đó là chuyện rất bình thường, "Một người như mọi người...". Tại sao?

                      Tại vì, thưa các anh các chị, các vị lòng vòng, các bà có chồng, các ông có vợ, v.v....và v.v...,:blush: tại như vầy:

                      Quan niệm bình đẳng trong xã hội Nhật được thực hiện một cách triệt để, nghề nào đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm, không có phân biệt giới tính (còn chuyện coi thường phụ nữ blablablaa là chiện riêng trong suy nghĩ của các ông thôi nhé). Bởi thế, khi nhìn thấy hình ảnh cô kéo xe, người Nhật sẽ cho rằng không có gì phải thắc mắc, người ta thích làm chiện đó thì cứ để họ làm, miễn sao OK là được. Nếu nhìn thấy cô kéo xe bị mệt, các bạn đừng có để cảm xúc trào dâng mà đến tặng cô ấy lon nước ngọt nhé, coi chừng không được cám ơn ,mà còn bị phê phán là "Cái đồ kỵ thị nam nữ, coi thường nghề nghiệp của tui". Chậc chậc chậc, cái vụ đó dễ bị hố lắm đấy. Nói vui, giả sử hai bên gây gổ với nhau xảy ra đụng chạm, không chắc mình oánh ăn cô ta đâu nhé, đi du lịch mà cái đầu quấn băng to sù sụ thì khá nổi bật đấy...Phụ nữ Nhật rất xem trọng cách ăn mặc sao cho phù hợp hoàn cảnh, rất chăm chút cho việc trang hoàng từ nhà cửa đến thức ăn, y phục, nhưng đối với bản thân họ, họ lại không quan trọng cái vẻ đẹp cơ thể đâu. Không tin, các bạn cứ tìm các cô Nhật mặc đầm mà xem, cặp chân to như bắp chuối, vì phải di chuyễn bằng "locachan" (Lô ca chân = đi bộ) thường xuyên khắp mọi nơi. Bởi thế, ở nhà thì họ là từ mẫu, khép nép dịu dàng, nhưng ra ngoài thì...chaaaaa...hỏng dám coi thường ah.

                      Như đã nêu, người Nhật luôn giử sự tôn trọng với người khác, đến mức ngưới khác có sai họ cũng không dám nói ngay, mà chỉ dùng lời khéo léo nhắc nhở một cách rất lịch sự. Vì thế, cho dù có cảm thấy hình ảnh cô kéo xe không phù hợp thì cũng không ai dám nói, vì không thể chứng minh được là "Cô kéo xe không thể kéo xe". Họ sợ người khác bị quê vì sự phê phán, đụng chạm về nghề nghiệp. Vì biết đâu người ta hãnh diện với việc họ đang làm, nghề nào cũng tốt mà...

                      Họ tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt, dù chỉ là trong gia đình, cái ý thức đó làm nên thái độ của họ, nên trong trường hợp này nếu luật không cấm phụ nữ hành nghề kéo xe thì ông chủ công ty "Xe kéo đê..." cũng không dám từ chối nếu người ta đáp ứng đủ các điều kiện. Tinh thần kỷ luật của người Nhật phải nói là rất cao, tôi đã từng chứng kiến vài sự việc, kễ cho các bạn chắc cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, hehehe.

                      Một lần đi công tác dài ngày tại Nhật chung với anh xếp, sau 1 tuần làm việc, ngày Chủ Nhật anh xếp mời về nhà chơi. Chúng tôi (4 người) được mời ngồi chung với bố anh xếp và anh xếp tại phòng khách. Đang đấu láo um sùm thì con trai , con gái xếp về đến nhà. Thấy chúng tôi, hai cô cậu sụp quỳ xuống đất, cuối mọp người dài ra, miệng thì cứ "Cô Ni Kỳ Quá..." (Konichiwa). Đang ngổi trên ghế, tôi hết hồn đứng dậy chưa biết làm sao (cũng định bò xuống trả lễ vì hai người thanh niên này cũng đã trên 20 tuổi), may quá, đang lúng túng thì anh xếp nói "Nô xì ta que" (No-Star-where= Không-sao-đâu.). Đầu óc làm việc nhanh như điện xẹt, tôi bước qua lấy cái ba lô gần đó, móc ra 2 cái trái dừa khô được điêu khắc thành hình cái đầu con khỉ đưa ra, giọng kẻ cã:"Hế lô, đít i pho yu, èn doi ít pờ ly":shocked2: (quà chuẫn bị sẵn, nhưng đâu ngờ con xếp lớn quá, phải tui chưa vợ chắc xin làm rễ xếp luôn). Không biết chúng nó có hiểu không mà nghe"Hầy! Hầy! Cà ri gà tồ Cô da mát" (Arigato Gozaimatsu) lia lịa....

                      Các bạn thấy đấy, vì họ sống trong kỷ luật nghiêm ngặt, buộc họ phải tôn trọng người khác để không bị sai sót trong cư xữ, và cái kỷ luật đó cũng không cho phép họ có cái "ga lăng" theo kiểu Tây phương để không bị hiểu lầm. Nhưng họ vẫn bình thản chấp nhận và xem đó là sự hiển nhiên.

                      Hiện nay ờ VN, cũng có trường hợp phụ nữ làm việc của đàn ông, mà phổ biến nhất là nghề "Lái xe ôm", cũng không ai thắc mắc gì, mà hình như các ông còn dễ dàng chấp nhận trong sự khoái chí. Cứ hình dung NTT về VN chơi, muốn đến thăm ban KLM nhưng không có phương tiện di chuyễn.




                      Thuận lợi và rẽ nhất là tìm cái xe ôm, nhưng để có yếu tố an toàn thì nên chọn "Lái xe ...gái". Tôi đang mơ đến cảnh NTT ngổi trên xe ôm, với điều kiện giao thông ở VN, chắc chắn hai tay của bạn phải giữ vào "đâu đó" để bảo đãm không bị rơi khỏi xe, Cha chả, cái dzụ này giải quyết sao đây, thôi thì cứ liều mình dể "Xem con tạo xoay vần ra sao", còn bi giờ an toàn là trên hết, hehehehe..:thumbs:

                      Toản ơi, đi du lịch về chắc ông có mua quà từ Nhật. Ông thấy cách gói quà của các cửa hàng như thế nào?

                      Comment


                      • #12
                        KLM và các bạn đọc thân mến

                        Tấm hình "trong thế giới người sờ" dưới đây lấy từ website vietsciences.fr , chỉnh sửa chút xíu để tăng ông bạn KLM thay lời cám ơn . Hình như comment của KLM đã giúp cho bạn đọc đoán ra được ai là "vua" trong đề tài này




                        Đối với diễn đàn , số người đã du lịch ở Nhật không hề ít cho nên có thể tất cả các nhân vật trên hình đều là vua . Vấn đề là làm sao chúng ta có thể tạo được cơ hội , niềm vui để các vua có hứng mà khai ra cái khoảng của vua thấy cho cả làng cùng nghe !

                        Quây lại comment của bạn KLM , điểm chí lý và hay nhất có lẽ là đoạn " Nếu nhìn thấy cô kéo xe bị mệt, các bạn đừng có để cảm xúc trào dâng mà đến tặng cô ấy lon nước ngọt nhé, ... Chậc chậc chậc, cái vụ đó dễ bị hố lắm đấy " .

                        Còn vụ xe ôm thân thiện ở VN , ai chưa quen chắc khó tránh khỏi bối rối ,không biết phải ôm chổ nào cho thân thiện . Tuy nhiên tôi đoán cảm xúc của mình đối với mấy cô tài xế xe ôm thì chắc cũng giống như được mấy đứa cháu chở đi chơi , chỉ mong tụi nó chỉ cho chổ nào vững chắc mà ôm để khỏi té nhào xuống xe là cám ơn lắm rồi .

                        Kỳ đi Nhật vừa rồi chúng tôi mang va li nhỏ , tất cả quà cáp đều "gói trọn" trong bao nylon nên không biết cách gói của người Nhật có gì đặc biệt .Tuy nhiên gõ 'Japanese Gift Wrap ' trên Youtube để xem thì cũng có khái niệm về cách họ gói quà .


                        Comment nầy cũng là khai bút đầu năm 2016 của NTT trên diễn đàn , vì vậy NTT xin mạn phép kính chúc thầy cô , bạn bè ,KLM, bạn đọc và gia đình một năm vui khỏe , nhiều may mắn ,an khang và thịnh vượng .

                        NTT


                        Comment


                        • #13
                          Sờ voi Nhật bản ( tiếp theo )

                          Một buổi sáng sớm ở Tokyo đang phân vân chưa biết đi đâu .Mùa thu Nhật bản rất đẹp tuy nhiên trời hay mưa và mây mù che phủ . Nhìn lên , thấy cái tháp Skytree của mấy ông Nhật xây mà nể quá xá ! Nó cao đụng tầng mây kiến trúc độc đáo và hấp dẫn . Chúng tôi quyết định tìm đường đến đó ,chụp một vài tấm hình post lên đây để các bạn xem cho vui .



                          .......


                          Chiều cao nầy cũng thuộc hạng nhất nhì thế giới ( sau building Burj Khalifa 829.8m ở Dubai) tuy nhiên thiên hạ không nể bằng những gì được người Nhật thiết kế nằm ở dưới đất và dọc theo thành tháp để nó có thể "đứng tỉnh bơ " trước những trận động rất thường xuyên ở đất nước này .

                          Đến gần Skytree thấy nhiều 'Sky tubes' rất to được đổ đầy xi măng ở trong vươn lên tới trời xanh mà yên lòng . Nghệ thuật dùng nhiều sắt thép cũng được thấy trên nhiều công trình to lớn ở Nhật .

                          Skytree là một kỳ quan của Tokyo trên đó có nhà hàng, đài quan sát và cần phát sóng radioTV nên hằng ngày, số lượng du khách đến đây xếp hàng mua vé rất đông . Trong hên có xui , chúng tôi thuộc nhóm đầu tiên của ngày hôm đó tuy nhiên ngày còn rất sớm , sương mù không biết hồi nào tan .






                          Đây là những tấm hình chụp thành phố ở độ cao 350m thuộc khu tầng 1 .




                          Tiếp tục theo hướng kim đồng hồ là hướng Tây . Chổ tối chổ sáng là do ánh mặt trời bị đám mây che , bóng của Skytree cũng có thể thấy được khá rõ




                          Hình dưới đây là hướng bắc của thành phố


                          Chụp hình ở cao độ 350m sẽ được những tấm ảnh đẹp nhất của thành phố vì vậy phía bên trong , vị trí tốt nhất thường bị chiếm bởi dịch vụ chụp hình lưu niệm . Kế tiếp là hình trong thang máy khi nhìn lên trần lúc đi từ khu tầng 1 lên khu tầng 2 .



                          ......


                          Từ khu tầng 1 phải mua vé thêm một lần nữa để đi lên khu tầng 2 . Kiến trúc khu nầy ngoài phần nhà kính còn có một hành lang cũng bằng kính cuộn tròn phía ngoài như thân con rắn .



                          ...


                          Sàn nhà cũng có một đoạn lợp kính trong suốt để du khách " walk on air " cho đôi bàn chân bớt nóng ! Nhin xuống, chân đế của tháp hình tam giác, càng lên cao thiết diện ( cross section) này phình ra rồi đổi thành hình tròn , cách nầy sẽ làm tăng sức bền chịu xoắn của tháp .




                          Ở độ cao 450m tầm nhìn tuy phóng xa hơn nhưng hình chụp sẽ không còn hấp dẫn nữa , tất cả đều quá nhỏ giống như chụp từ trên phi cơ . Trong tấm hình đầu , những ngày trời tốt ( rất hiếm vào mùa thu) du khách sẽ thấy được đỉnh núi Fuji tại vị trí đã đánh dấu .

                          ...


                          ...


                          ...


                          Ở trên đây có kê những dãy bàn ghế sát vách kính , "rũ bỏ bụi trần" ngồi yên lặng ngắm thành phố Tokyo với một ly cà phê nóng , tha hồ suy tư về người Nhật, nước Nhật và phong trào Đông du , Đông kinh nghĩa thục của các cụ Phan chu Trinh , Phan bội Châu .



                          Còn tiếp !

                          Comment


                          • #14
                            "Tuy nhiên tôi đoán cảm xúc của mình đối với mấy cô tài xế xe ôm thì chắc cũng giống như được mấy đứa cháu chở đi chơi , chỉ mong tụi nó chỉ cho chổ nào vững chắc mà ôm để khỏi té nhào xuống xe là cám ơn lắm rồi . "

                            Câu này nghe quen quen, hình như mấy ông sồn sồn thường hay nói khi cần thanh minh điều gì "bí ẩn".... tui cũng có khi nói vậy mà, hehehe.

                            Theo nguyên tắc vật lý, chổ nào có trọng tâm ổn định nhất thỉ chổ đó vững chắc nhất, suy ra rằng, cái chổ vững chắc nhất của "Xe ôm thân thiện" là cái "eo", vừa vững, vừa đủ tầm và vừa bảo đảm êm ái...mọi sự thuận lợi cho cả đôi đường.."Safety first" mà...

                            Không nói thêm về chuyện đó nữa, nguy hiểm trùng trùng, phải không bạn hiền???

                            Bây giờ quay qua cái tháp Skytree ở Tokyo. Xin nói ngay là tôi chưa có cơ hội tham quan tìm hiểu chổ này và các chổ cho khách du lịch, vì ...đơn giản tôi hỏng phải đi du lịch, chỉ đi chơi "chùa" bằng tiền cơ quan nhân cơ hội công tác, mà các anh Nhật quản lý kinh phí và lịch làm việc rất chăc chẽ đến mức kinh khủng (như cái vụ đi công tác về phải kéo valy vào thằng công ty đã nói, nhờ vậy mới có cớ giải thích với "Vơ Yêu" cái lý do về trể, tránh được tai họa cho bản thân...) Bởi vậy, không biết gì để nói.

                            Tuy nhiên, bạn hiền có nhắc đến chuyện chống động đất của Nhật, tôi cho rằng họ đã nghiên cứu rất kỷ càng và phát kiến nhiều giải pháp rất hay qua bao nhiêu năm "hưởng thụ cái dư âm" động đất. Tháp Skytree có lẽ hưởng nhiều thành quả từ các nghiên cưu này, nên họ mới dám xây dựng với chiều cao như thế, mà không sợ ảnh hưởng của động đất. Ngay cả kiến trúc của tháp chắc cũng có dựa trên cơ sở này (Không biết có "ăn cắp" lại phần nào của các tháp đã xây trước hong?). Điếu quan trọng là khi họ làm, họ tính toán rất cẩn thận, đưa ra rất nhiều hướng đi, rồi phân tích từng hướng để lưa chọn giải pháp tốt nhất, chưa kể bao nhiêu ý tưởng cải tiến phải nặn đầu moi óc để giải quyết cho bằng được cái khó khăn. Họ quan niệm không bao giờ nói "No" hoặc là "Because" trong công việc, vì đó là những từ ngữ thụ động, không đưa được đến kết quả tốt cho công việc và thành quả của họ hầu hết là những cái hoàn thiện nhất, vững chắc nhất (như cái eo của cô xe ôm, hí hí)

                            Tôi lại nhớ lại kỷ niệm xưa, lúc mới chân ướt chân ráo bước vào một công ty Nhật, khi đó đang còn là công trường xây dựng dở dang. Nhiệm vụ lúc đó là quản lý hệ thống máy phát điện để cung cấp điện nước cho công trường vì chưa được kết nối với lưới điện quốc gia. Đàn em dưới tay lúc đó chỉ có 2 anh kỹ sư mới ra trường, cái gì cũng ngơ ngáo, thêm bản tính ham vui, nên chưa quen tuân thủ kỷ luật lao động. Một hôm, được lệnh cấp điện liên tục đến 12 giờ đêm để nhà thầu lắp đặt máy sản xuất vào nhà xưởng, tôi cũng lo lắm vì biết công việc này rất năng nề và đông người, dễ xảy ra tai nạn lao động, nên dăn dò phân công 2 chú em:"Tụi em cố gắng trực ngay tại phòng máy phát điện, nếu có đi đâu (!!!) thì chỉ 1 người đi, người còn lại phải bảo đảm máy chạy liên tục, không để mất điện đột xuất nghen". Dặn tụi nó như vậy để mình rảnh rỗi vào xem người ta lắp máy để biết tận tường từng cái bù lon con ốc, sau này có bảo dưỡng sửa chữa thì không bị hụt hẫng. Thiên bất dung gian, khi xe cần trục đang câu cái máy to đùng lơ lững trên trời đêm "sao khuya lấp lánh" thì "Phụt", chỉ 1 phát thôi, tất cả chìm vào bóng tối, các ngọn đèn pha bố trí rọi vào khu vực làm việc tắt ngỏm trong đêm, chỉ còn lại ánh sao trời. Tôi tá hỏa tam tinh, mắt không nhìn mà cũng thấy sao "xẹt" chéo chéo, bật vội cây đèn pin, chân không chấm đất, phi ngay ra phòng máy phát điện. Than ôi, tiếng động cơ máy phát sao mà êm ái thế, không nghe được bằng tai người, nhìn lại chung quanh, cảnh cô tịch vắng lặng không một bóng người, tưởng chừng như nghe văng vẵng bài thơ "Thăng Long Thành hoài cổ". Hai chú em thân thiết cũng vừa chạy vừa thở đến sau lưng, miệng lập bập:"Mở..mở.. máy chưa anh???" ." Ông nội mày chứ hỏi tao, hai thằng bây tại sao bỏ đi hết. Thôi chiện đó tính sau, lo kiểm tra rồi khởi động máy sơ cua, còn không thì khanh chết, trẫm cũng băng hà, ứ ứ..."

                            Cũng còn may mắn là nút khởi động máy phụ còn làm việc tốt, bấm phát là có điện trở lại ngay trong vòng 30 giây. Thở phào nhẹ nhõm, tôi thò tay phủi phủi cái đáy quần, định quay lại xem tình hình bãi chiến trường có ảnh hưởng gì không, miệng thì đang định la hai chú em vài câu cho đở tức. Thân hình vừa xoay 180 độ, miệng đang mở bỗng trờ thành "Há" mà là Há hốc, vì cách đó 3 mét là 2 cặp mắt của anh Giám Đốc điều hành và Giám Đốc thiết bị (người Nhật) đang "mang hình viên đạn", cộng thêm chút "lửa thù" rọi thằng vào mặt tôi như "Hận tự kiếp nào". Rất lạnh lùng, chỉ một tiếng "Why" phát ra từ cái miệng nào đó (Tôi đâu dám nhìn thằng nữa) rồi im lặng. Tôi ngập ngừng giải thích:"Bi...bi...bi..cô..bì..cô..." Tiếng thứ 2 phát ra cũng từ cái miệng đó:"Stop". Cũng may, vì mình mới vô làm, mà các anh cảm thấy thương, nên sau sự việc đó, các anh mới giải thích cho mình thêm về kỷ luật làm việc, và bảo rằng trong làm việc, người Nhật không thích "No" và "because". Các anh nói, không nên nói "No' khị chưa tận dụng hết cách giài quyết công việc (Biết khi nào mới tận dụng hết) và không dùng "Because" để giải thích cái gì, vì đó chỉ là một câu phân bua thụ động, không thể hiện được sự năng động trong việc làm.

                            Thôi, nhiều chiện quá, bạn hiền mình đang sờ voi, mà chắc là lần này sờ đúng cái vòi, nên nó mới nhọn hoắc mà cao nghều nghệu, còn mình thì chắc như đã nói, sờ trúng cái gì gì, nên mở miệng ra toàn nói lang bang...

                            "Con vỏi con voi,

                            Cái vòi đi trước..."

                            Bạn hiền nhớ tiếp tục đến cái chân hay cái mình voi nhé.

                            Chúc mọi người năm mới hạnh phúc, an toàn .:shocked2:

                            Comment


                            • #15
                              Các bạn mến,

                              Vì 2 anh NTT và Khai Lao đều là dân KCN nên mới có những nhận xét đầy tính vật lý như thế về kiến trúc của Skytree.

                              Còn H nghĩ đơn giản lắm quí vị ơi : “ Nhà vẽ kiểu cho tháp này chắc sáng bầu hồ lô hấp, chiều luộc bầu hồ lô, nên cái tháp này trông giông giống trái bầu hồ lô làm sao, khách du lịch vui lắm đây vì tháp dù cao nhưng cũng bầu bầu phình phình ra ở tầng 1 và 2, thế là du khách vừa được thoải mái hơn, vừa thấy được quang cảnh xung quanh không phải chỉ ở trên cao mà cả ở các tầng thấp hơn ở chân tháp nữa.”

                              Thân ái

                              Hiền


                              Comment

                              Working...
                              X